#180 – Người giàu – kẻ nghèo trong chính trị thế giới: Số phận buồn thảm của Phương Nam

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Charles W. Kegley, JR. & Gregory A. Raymond, The Global Future: A Brief Introduction to World Politics (Chapter 5), (Boston, MA: Wadsworth, 2010)

Biên dịch: Lê Tuấn Anh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn The Global Future

Một xã hội loài người mà dựa trên cơ sở nhiều quốc gia nghèo đói và chỉ một số ít thịnh vượng, đặc trưng bởi những hòn đảo thịnh vượng giữa một biển nghèo đói, là không bền vững.

Thiabo Mbeki – Cựu tổng thống Nam Phi

Ngày 4 tháng 2 năm 1992, Hugo Chavez Frías, một đại tá bốc đồng và có sức thu hút, đã lãnh đạo một cuộc đảo chính quân sự chống lại chính phủ Venezuela. Khi mà lực lượng thua kém nhiều về số lượng của mình không giành được quyền kiểm soát Caracas và không bắt giữ được Tổng thống Carlos Andrés Pérez, ông ta đã đầu hàng và bị tạm giam. Trong một tuyên bố được phát trên truyền hình, Chavéz miễn cưỡng thừa nhận rằng cuộc phản loạn đã chấm dứt, nhưng chỉ “por ahora” (“tạm thời”).

Ba năm trước, Tổng thống Pérez sử dụng quân đội để đàn áp lực lượng nổi dậy vốn xuất hiện khi ông này thực thi các biện pháp kinh tế hà khắc do Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra. Tức giận bởi những gì họ nhìn nhận là việc một chính phủ yếu kém nhường sự kiểm soát nền kinh tế quốc gia cho các nhóm lợi ích của nước ngoài, Chávez và những sỹ quan trẻ bắt đầu cuộc nổi dậy. Hai nhân vật đã truyền cảm hứng [cho cuộc bạo loạn]. Người thứ nhất là Simón Bolívar, người đã tổ chức phong trào giải phóng phần lớn các quốc gia Nam Mỹ khỏi sự cai trị thuộc địa của Tây Ban Nha và thành lập nên một quốc gia mà trong một thời gian ngắn đã bao gồm các quốc gia hiện nay là Columbia, Panama, Venezuela và Ecuador. Người thứ hai là Fidel Castro, người đã phát động cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Cuba và hoạt động không ngừng nghỉ để chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Mỹ Latinh. Được khích lệ bởi giấc mơ châm ngòi cho một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Venezuela và xây dựng một khối lớn gồm các nước Mỹ Latinh để thách thức Hoa Kỳ, những sỹ quan này đã khởi động cuộc đảo chính không thành này.

Hai năm sau đó, trong khi Chavéz và những đồng phạm bị bỏ tù, Tổng thống Peréz bị cáo buộc về tội tham nhũng. Sau đó, Chávez được khoan hồng và ngay khi được ra tù, ông này bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống với cương lĩnh tranh cử theo chủ nghĩa dân túy. Trúng cử năm 1998 (và tái cử năm 2000 và 2006), ông này hứa sẽ nhổ tận gốc những “kẻ đầu sỏ chính trị ăn thịt người” của Venezuela, những kẻ phục vụ cho tư bản quốc tế. Trong bài phát biểu với những người ủng hộ mình vào ngày 1 tháng 3 năm 2004, ông nói sẽ tìm cách kết thúc hệ thống bất công trong đó các nước giàu khiến nước nghèo mãi đóng vai trò “người tạo ra của cải nhưng chỉ hưởng những thứ còn thừa”. Chủ nghĩa tư bản, ông này nhấn mạnh trong diễn văn tại Diễn đàn Xã hội Thế giới năm 2005, là “man rợ”, tạo ra sự bần cùng và nghèo đói.

Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Chávez đã thực hiện nhiều cải cách, nhấn mạnh rằng những cải cách này sẽ giúp Venezuela ưu việt hơn chủ nghĩa tư bản. Các chương trình mang định hướng xã hội chủ nghĩa và nhiều tính khoa trương nhằm giảm tỉ lệ mù chữ, tăng cường chăm sóc sức khỏe, tái phân bổ đất đai đã được bắt đầu. Chìa khóa để thực thi các chương trình này nằm ở nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào của quốc gia này. Venezuela sở hữu lượng dầu mỏ dữ trữ lớn thứ 6 trên thế giới và được xếp hạng thứ 8 về lượng thùng dầu sản xuất mỗi ngày (Economist 2007, trang 55). Để khai thác nguồn của cải tiềm năng này, Chavéz đã kiểm soát Petróleos de Venezuela (công ty khai thác dầu quốc doanh), đòi hỏi tăng tỷ lệ phân chia trong các hợp đồng cùng hợp tác khai thác với các công ty dầu mỏ nước ngoài và quốc hữu hóa các cơ sở bơm và lọc dầu của các công ty không chấp nhận điều kiện của ông ta. Trong khi lúc Chávez lên nắm quyền, giá dầu là 10 USD một thùng và ngân sách chính phủ là 7 tỷ USD, đến tháng 6 năm 2008, giá dầu lên 140 USD một thùng, có nghĩa là đã làm tăng ngân sách chính phủ lên thêm 54 tỷ USD. Khi thu nhập từ dầu mỏ tăng lên, Chávez phân bổ lượng tiền lớn hơn vào các chương trình phúc lợi xã hội vốn củng cố vị thế của ông này trong lòng người dân nghèo Venezuela.

Chính sách công của Chávez được tranh luận sôi nổi. Các nhà quan sát không nhất trí về việc liệu chính sách này làm xói mòn hay thúc đẩy chất lượng sống của nước này. Tỷ lệ tội phạm của Venezuela ở mức cao, cơ sở hạ tầng vẫn không được sửa chữa, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 16,8% và lạm phát là 13,6% (Economist 2007, 236). Tuy vậy, Chávez vẫn nhận được sự ủng hộ cao từ các cuộc thăm dò dư luận với đa số người trả lời cho rằng đời sống của họ được cải thiện dưới sự lãnh đạo của ông này. Tuy nhiên, những đồn đại về âm mưu chống lại ông thường xuyên lan khắp thủ đô, được thổi bùng lên bởi cuộc đảo chính bất thành vốn tạm thời hạ bệ ông này vào tháng 4 năm 2002. Mặc dầu nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2013, Chavéz đã gợi ý rằng ông có thể tại nhiệm lâu hơn mặc dù cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp nhằm cho phép ông tiếp tục tại nhiệm đã không thành công vào năm 2007.

Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 3 năm 2007 với phóng viên José Vincente Rangel, Chavéz đã khoa trương rằng “Tôi luôn luôn suy nghĩ như một người mang tư tưởng chống đối”. Có lẽ điều này là rõ ràng hơn cả ở nỗ lực chống lại chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở Châu Mỹ Latinh, vốn được Chavéz khái quát hóa trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc vào ngày 20 tháng 9 năm 2006 là “âm mưu thống trị, bóc lột và cướp bóc”. Mặt khác, Chavéz thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương với các lãnh đạo [có tư tưởng] chống Hoa Kỳ từ Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad của Iran cho tới người cầm đầu phong trào du kích Lực lượng Quân đội Cách mạng Columbia (FARC). Ở một khía cạnh khác, Chavéz cố gắng tham gia các tổ chức đa phương như Tổ chức Giải pháp Bolivia cho Châu Mỹ (ALBA) của ông này để chống lại hậu thuẫn của Washington đối với  Hiệp định Thương mại Tự do liên Mỹ (FTAA). Trong suy nghĩ của Chavéz, sự đương đầu với các thế lực đế quốc là điều không thể tránh khỏi. Venezuela, như trong lời tuyên thệ ngày 27 tháng 1 của ông ta, sẽ không bao giờ “là thuộc địa của Hoa Kỳ” hoặc là con tốt cho các tổ chức tài chính quốc tế do các nước giàu có điều hành.

Luận điệu bốc lửa của Chavéz đã chọc giận các nhà làm chính sách Hoa Kỳ, những người thường cố bỏ qua những điều mà họ thấy là sự khiêu khích khó chịu. Tuy nhiên, sự mô tả của Chavéz về hệ thống tư bản toàn cầu, vốn làm lợi cho một số quốc gia và hạn chế các quốc gia khác, đã nhận được sự ủng hộ ở một số nơi thuộc Tây bán cầu, đặc biệt là từ những người chọn cách tiếp cận Marxist khi tìm hiểu về sự nghèo đói trên thế giới. Bất kể quan điểm của ai đó về chủ nghĩa Chavéz (Chavismo) như thế nào đi nữa thì đây vẫn là một lý tưởng chính trị giúp làm nổi bật sự khác biệt trong cách nhiều người ở các nước đang phát triển nhìn nhận chính trị thế giới so với những người ở các quốc gia giàu có và quyền lực hơn.

Ở chương trước, chúng ta đã xem xét các quốc gia hùng mạnh nhất trong hệ thống quốc tế, những quốc gia có khả năng kinh tế và quân sự thống trị bất kỳ quốc gia nào khác. Kinh nghiệm của Venezuela trong thời kỳ Chavéz làm dấy lên câu hỏi quan trọng về những quốc gia không phải là các siêu cường. Liệu có phải một quốc gia ít của cải và sức mạnh quân sự thì sẽ phải đặt tương lai của mình vào tay các quốc gia khác hay không? Điều gì giải thích cho sự bất bình đẳng của loài người? Có thể làm được gì để thu hẹp khoảng cách giữa các nước giàu và các nước nghèo trên thế giới?

Bất bình đẳng toàn cầu

Thế giới được chia thành hai bán cầu: bán cầu bắc và bán cầu nam so với đường xích đạo. Tất nhiên, đường phân chia mang tính nhân tạo này không có ý nghĩa gì trừ khi đường ranh giới này được sử dụng cho những người làm bản đồ để đo đạc khoảng cách và vị trí trên bản đồ. Tuy nhiên, sự phân chia này cũng đưa lại một cách thông thường để miêu tả sự bất bình đẳng vốn chia rẽ các quốc gia nghèo và quốc gia giàu. Nhìn tổng thể, hai nhóm quốc gia này ở hai phía bán cầu (xem Bản đồ 5.1).

Cuộc sống của nhiều người dân ở Phương Bắc rất khác so với cuộc sống của người dân ở Phương Nam. Sự bất bình đẳng có tính sâu sắc, và ở nhiều nơi có chiều hướng tăng lên. Sự phân chia quyền lực và của cải giữa các nước Phương Bắc[1] và các nước Phương Nam[2]làmdấylên vấn đề về đạo đức và an ninh. Sự nghèo đói và bất bình đẳng đã tồn tại trong tất cả giai đoạn được ghi nhận của lịch sử. Nhưng ngày nay mức độ [bất bình đẳng] đã lên mức chưa từng có. Các quốc gia kém phát triển ở Phương Nam thường tự nhận thấy mình bị gạt ra bên lề, thậm chí thấy cả bản sắc của họ nằm ở vị trí lệ thuộc trong hệ thống thứ bậc toàn cầu. Mục đích của chương này là xem xét nguồn gốc và các hậu quả của sự bất bình đẳng giữa hơn 200 quốc gia trên thế giới. Tại sao các cường quốc lại có sự dư dả trong khi nhiều quốc gia khác lại bị kìm kẹp trong đói nghèo? Điều gì đã nuôi dưỡng sự bất bình đẳng?

Nhiều nhà phân tích bắt đầu giải quyết các câu hỏi này ở cấp độ phân tích hệ thống. Họ tin rằng hệ thống gồm liên quốc gia có những đặc tính có sẵn bên trong vốn góp phần làm cho các quốc gia nghèo không có khả năng thu hẹp khoảng cách đối với các nước giàu. Từ quan điểm của họ, sự bất bình đẳng hiện tại là một phần mang tính lịch sử. Để hiểu được các nước Phương Nam ngày nay, những nhà phân tích này khuyến nghị chúng ta nên xem xét những di sản của chủ nghĩa thực dân.[3]Hầu hết các quốc gia độc lập hiện nay ở Phương Nam đã từng là thuộc địa, từng bị các quốc gia hùng mạnh hơn nô dịch.

Kinh nghiệm thuộc địa của các nước Phương Nam

Trong Chiến tranh Lạnh, thuật ngữ Thế giới thứ ba[4] được sử dụng để chỉ các quốc gia kém phát triển về mặt kinh tế vốn đã từng có thời là thuộc địa. Các quốc gia này đối lập với cái gọi là Thế giới thứ nhất,[5] bao gồm các quốc gia công nghiệp ở Tây Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản; và Thế giới thứ hai,[6] bao gồm Liên Xô và các nước đồng minh. Ngày nay, các quốc gia cộng sản hình thành lên Thế giới thứ hai hầu như không tồn tại, khiến cho thuật ngữ Thế giới thứ ba cũng trở lên lỗi thời. Ngày nay, thuật ngữ Các nước Phương Bắc (các quốc gia giàu có trước đây được gọi là Thế giới thứ nhất) và các nước Phương Nam (các quốc gia kém phát triển ở dọc xích đạo và Nam Bán cầu) trở nên thông dụng.

Mặc dù các phóng viên, nhà hoạch định chính sách và các học giả thường xuyên đồng nhất hóa thuật ngữ Phương Nam, nhưng vẫn có sự đa dạng tương đối trong nhóm các quốc gia này. Ví dụ, các nước Phương Nam gồm cả các quốc gia thu nhập thấp như Ghana và Haiti, nơi phần đông dân số lao động cố định trong ngành nông nghiệp; các quốc gia thu nhập trung bình như Brazil và Malaysia, là những quốc gia sản xuất hàng qua chế biến; và một số ít quốc gia như Kuwait và Qatar, nơi xuất khẩu dầu mỏ tạo ra mức thu nhập tương đương với các quốc gia Phương Bắc.

Các quốc gia Phương Nam cũng đa dạng theo nhiều nghĩa khác. Chẳng hạn như Indonesia, một quần đảo gồm hơn 17.000 hòn đảo rải rác trên một vùng biển có diện tích lớn hơn Hoa Kỳ và Burundi, một quốc gia không có biển có diện tích nhỏ hơn bang Maryland. Và [các nước Phương Nam] cũng bao gồm Nigeria, với 150 triệu dân, và Belize, với dân số dưới 300.000 người. Bên cạnh sự khác biệt về địa lý và dân số, các quốc gia Phương Nam cũng đa dạng về chính trị và văn hóa, từ các quốc gia dân chủ như Costa Rica tới các quốc gia độc tài như Myanmar.

Bất chấp sự đa dạng này, phần lớn các quốc gia Phương Nam ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh chia sẻ một số vấn đề chung vốn cho phép chúng ta phân biệt các nước này với các quốc gia Phương Bắc. Mặc dù các quốc gia Phương Nam là nơi sinh sống của trên 85% dân số thế giới, nhưng các quốc gia này chiếm dưới 20% của cải của toàn thế giới. Những quốc gia này có đặc trưng là năng suất thấp, tỉ lệ tăng dân số cao và có sự chênh lệch về phân phối thu nhập với phần lớn dân số chịu cảnh đói nghèo, mù chữ và bệnh tật. Thực tế, ba người giàu nhất thế giời – Bill Gates, người đồng sáng lập ra Microsoft, nhà đầu tư Warren Buffet và thương nhân người Mexico Carlos Slim Helú – đang sở hữu nhiều của cải hơn 48 quốc gia nghèo nhất thế giới cộng lại (xem bản đồ 5.2).

Sự trỗi dậy của các nước Phương Nam với tư cách là một nhóm các quốc gia có thể nhận dạng được là một hiện tượng mới xảy ra. Mặc dù phần lớn các quốc gia Châu Mỹ Latinh giành được độc lập trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhưng hầu hết các quốc gia Phương Nam chỉ giành được độc lập sau đó. Năm 1947, Anh trao trả độc lập cho Ân Độ và Pakistan và sau đó làn sóng phi thực dân hóa[7] – phong trào giành độc lập cho người dân của các nước thuộc địa – bắt đầu tăng tốc. Kể từ đó, nhiều quốc gia độc lập đã tham gia cộng đồng thế giới, gần như toàn bộ là các quốc gia thuộc các đế chế Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Pháp vốn được xây dựng dưới thời kỳ chủ nghĩa thực dân 400 năm trước.

Ngày nay, quá trình xóa bỏ thuộc địa hầu như đã hoàn tất. Tuy nhiên, tác động vẫn còn. Nhiều xung đột sắc tộc hiện nay vẫn phổ biến ở các nước Phương Nam đã từng là thuộc địa khi các lực lượng đế quốc vạch đường biên giới với rất ít sự tôn trọng đối với bản sắc của người dân bản địa. Thêm nữa, việc các quốc gia Phương Nam thường đối mặt với nạn nghèo đói là một phần sản phẩm của quốc gia thực dân trong quá khứ khi mà các quốc gia này bị bóc lột bởi các cường quốc Châu Âu. Với những tác động của chủ nghĩa thực dân, chúng ta hãy xem xét qua liệu điều này đã phát triển như thế nào qua suốt sáu thế kỷ.

Làn sóng thứ nhất của chủ nghĩa đế quốc Châu Âu

Làn sóng thứ nhất của chủ nghĩa đế quốc Châu Âu bắt đầu vào cuối thế kỷ 15, khi Hà Lan, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha sử dụng sức mạnh quân sự để chinh phục các vùng đất vì lợi ích thương mại. Khi những phát kiến khoa học giúp cho các chuyến đi của các nhà thám hiểm Châu Âu trở nên dễ dàng, các thương gia theo sau, “nhanh chóng nắm bắt các cơ hội để tăng hoạt động kinh doanh và lợi nhuận. Đổi lại, các chính phủ Châu Âu nhận được cơ hội tăng quyền lực và của cải. Các công ty thương mại được thành lập và cấp vốn với hàng đoàn quân đội và hải quân được gửi theo sau để đảm bảo việc kiểm soát chính trị ở lãnh thổ nước ngoài” (B.Cohen 1973).

Chiến lược kinh tế nằm sau mối quan hệ giữa các thuộc địa và quốc gia thực dân trong thời kỳ này được gọi là chủ nghĩa trọng thương[8]: một quan điểm kinh tế ủng hộ sự can thiệp của chính phủ vào đời sống kinh tế để tăng quyền lực và an ninh của quốc gia. Những người theo chủ nghĩa trọng thương thời kỳ đầu cho rằng thu được nhiều vàng và bạc làm tăng sức mạnh. Những người theo chủ nghĩa trọng thương giai đoạn sau chuyển dịch trọng tâm sang việc xây dựng các nền kinh tế tự cung tự cấp và hùng mạnh bằng việc sử dụng các sắc lệnh hoàng gia để bắt đầu những ngành công nghiệp mới, trợ cấp cho các doanh nghiệp có tầm chiến lược, bảo vệ nhà sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài thông qua hàng rào thuế quan, và duy trì cán cân thương mại “có lợi” nhờ việc tăng xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.

Để tối đa hóa sức mạnh và của cải của quốc gia, các nhà lãnh đạo Châu Âu nhận thấy việc chinh phục nước ngoài là một sản phẩm tự nhiên của quá trình quản lý của chính phủ đối với nền kinh tế. Ngoài việc đưa lại kim loại quý và nguyên liệu, các thuộc địa là thị trường chưa khai phá, không bị cạnh tranh bởi các cường quốc khác. Bằng việc bán các thành phẩm cho các thuộc địa dưới điều kiện độc quyền, các quốc gia thực dân có thể làm tăng công ăn việc làm trong nước và giữ số lợi nhuận từ việc bán sản phẩm này ở tại nước nhà.

Cuối thế kỷ 18, các cường quốc ở Châu Âu đã lan rộng, dù lực lượng còn mỏng, ra khắp trên toàn thế giới, nhưng các đế chế thuộc địa mà họ đã xây dựng bắt đầu tan rã. Mười ba thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ đã tuyên bố độc lập vào năm 1776 và hầu hết các thuộc địa của Tây Ban Nha ở Nam Mỹ giành được độc lập vào đầu thế kỷ 19. Gần 100 mối quan hệ thuộc địa trên toàn thế giới đã chấm dứt sau nửa thế kỷ kết thúc vào năm 1825 (Bergesen và Schoenberg, 1980).

Khi làn sóng thứ nhất của quá trình thuộc địa hóa suy yếu, niềm tin vào triết lý của những người theo chủ nghĩa trọng thương cũng giảm xuống. Năm 1776, nhà kinh tế chính trị học người Scotland Adam Smith xuất bản cuốn sách “Của cải của các dân tộc”, một sự chỉ trích mạnh mẽ đối với chủ nghĩa trọng thương và theo đó kêu gọi tự do thương mại. Trong khi Smith cho rằng các quốc gia nên tham gia vào việc bảo vệ mình trước sự tấn công của nước ngoài, củng cố quyền sở hữu tài sản, duy trì hợp đồng, và những thứ tương tự khác, Smith phủ nhận rằng điều này có thể hiệu quả hoặc sáng tạo hơn một thị trường không bị quản lý. Lập luận của ông đã đặt nền móng tư tưởng cho kinh tế học thị trường tự do.[9]Từ đó, các cường quốc ở Châu Âu tiếp tục tìm kiếm các thuộc địa nhưng cơ sở cho chính sách thuộc địa của họ bắt đầu thay đổi.

Làn sóng thứ hai của chủ nghĩa đế quốc Châu Âu

Bắt đầu vào năm 1870 và cho tới Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, một làn sóng của chủ nghĩa thực dân quét qua toàn thế giới khi Châu Âu, sau đó là Hoa Kỳ và Nhật Bản, mạnh mẽ thực hiện quá trình xâm chiếm thuộc địa mới. Tỷ lệ mà các nước Châu Âu kiểm soát là 1/3 toàn cầu (Fieldhouse 1973, trang 3). Như minh họa trong hình 5.3, trong hai mươi năm cuối cùng của thế kỷ 19, Châu Phi rơi vào tay của bảy cường quốc Châu Âu (Bỉ, Anh, Đức, Pháp, Italy, Bồ Đào Nhà và Tây Ban Nha) và trong số tất cả các nước ở Viễn Đông và Thái Bình Dương, chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản và Siam (Thái Lan) là không bị thống trị. Tuy nhiên, Trung Quốc bị chia cắt thành những khu vực ảnh hưởng[10]của các cường quốc nước ngoài, và Nhật chiếm đóng Hàn Quốc và Formosa (Đài Loan). Ở các nơi khác, Hoa Kỳ chiếm đóng Puerto Rico và Philippines sau cuộc chiến tranh Tây Ban Nha – Hoa Kỳ năm 1898, mở rộng thuộc địa tới tận Hawaii, được thuê “vĩnh viễn” khu vực kênh đào Panama từ quốc gia mới là Panama (do Hoa Kỳ dựng nên) và thực thi quyền kiểm soát đáng kể với một vài quốc đảo Caribbe, trong đó đáng chú ý là Cuba. Cường quốc thuộc địa Anh chỉ trong một thế hệ đã trải rộng đế chế tới 1/5 diện tích trái đất. Vì thế thực dân Anh đã tự hào tuyên bố rằng họ là đế chế nơi mà mặt trời không bao giờ lặn.

Nhưng tại sao phần lớn các cường quốc này – và cả những quốc gia mong mỏi trở thành các cường quốc – tham gia vào những cuộc cạnh tranh tốn kém và thường là luẩn quẩn để kiểm soát lãnh thổ và người dân nước khác? Điều gì giải thích làn sóng thứ hai của chủ nghĩa đế quốc? Câu trả lời có nguồn gốc về mặt kinh tế và chính trị.

Giải thích về mặt kinh tế của làn sóng chủ nghĩa đế quốc lần thứ hai. Với cuộc cách mạng công nghiệp, chủ nghĩa tư bản đã trưởng thành, nhấn mạnh vào thị trường tự do, quyền sở hữu tư nhân với phương tiện sản xuất, và tích lũy của cải. Những nhà lý thuyết theo quan điểm của Karl Marx, nhìn nhận chủ nghĩa đế quốc là kết quả của sự cạnh tranh giữa những nhà tư bản để giành nơi đầu tư tư bản thặng dư của họ ra nước ngoài. Một trong các nhà lý thuyết này là nhà lãnh đạo Soviet Vladimir Lenin. Trong chuyên khảo nổi tiếng năm 1916 Chủ nghĩa thực dân, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, Lenin đã lập luận rằng sự mở rộng quân sự ở nước ngoài là do “giai đoạn độc quyền của chủ nghĩa tư bản” tạo ra. Lenin kết luận rằng con đường duy nhất để chấm dứt chủ nghĩa thực dân là xóa bỏ chủ nghĩa tư bản. Mặt khác, các nhà kinh tế theo tư tưởng tự do không coi chủ nghĩa thực dân là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản mà coi đó là kết quả của quá trình điều chỉnh sai trong hệ thống tư bản chủ nghĩa vốn có thể sửa chữa được. Một điều mà cả hai tư tưởng này đều chia sẻ là niềm tin rằng kinh tế học có thể giải thích làn sóng mới của chủ nghĩa thực dân “Vấn đề cơ bản là giả định về nhu cầu nguyên liệu của các nước tư bản phát triển – nhu cầu đối với nguyên liệu thô giá rẻ để cung cấp đầu vào cho các tổ hợp công nghiệp đang phát triển, nhu cầu muốn có thị trường để tiêu thụ mức sản xuất tăng cao, và nhu cầu có nơi đầu tư bên ngoài để hấp thụ mức độ tích tụ tư bản gia tăng” (Cohen, 1973). Do đó, từ quan điểm của chủ nghĩa Marx và các quan điểm tự do cổ điển, nhu cầu vật chất của các xã hội tư bản giải thích động lực [xâm chiếm] thuộc địa.

Giải thích về mặt chính trị của làn sóng chủ nghĩa đế quốc lần thứ hai: Không phải tất cả mọi người đều đồng ý rằng động cơ kinh tế nằm sau làn sóng thứ hai của việc mở rộng chủ nghĩa đế quốc. Người ta cũng xác định các nhân tố chính trị. Ví dụ, trong cuốn sách có tầm ảnh hưởng của mình vào năm 1902, Chủ nghĩa thực dân, J.A. Hobson lập luận rằng cuộc chạy đua về quyền lực và danh tiếng giữa các đế chế cạnh tranh nhau luôn là đặc trưng cho hành vi của các cường quốc ở Châu Âu trong một hệ thống cân bằng quyền lực, và rằng chủ nghĩa đế quốc thông qua bành trướng ở nước ngoài đơn giản là sự mở rộng ra quy mô toàn cầu của cuộc cạnh tranh giành quyền thống trị ở châu Âu.

Quyền tự quyết và sự xóa bỏ thuộc địa

Cho dù lý do nằm sau làn sóng thứ hai của chủ nghĩa đế quốc là gì đi nữa, công luận thế giới đã bước sang hướng chống chủ nghĩa thực dân khi Hòa ước Versailles kết thúc chiến tranh thế giới đưa vào nguyên tắc quyền tự quyết của các dân tộc được ủng hộ bởi Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson. Quyền tự quyết có nghĩa là mỗi dân tộc phải có quyền quyết định cơ quan đại diện và cai trị họ. Wilson và những người khác vốn chia sẻ quan điểm theo chủ nghĩa tự do tin rằng quyền tự do lựa chọn sẽ dẫn tới việc hình thành các quốc gia và chính phủ hài lòng với các biên giới lãnh thổ của mình, do đó sẽ ít xảy ra chiến tranh hơn. Tuy nhiên, trong thực tế nỗ lực vẽ lại đường biên giới để phân tách các quốc gia chỉ được áp dụng ở Châu Âu [nơi] bị chiến tranh tàn phá, trong đó có 6 quốc gia được thành lập từ đế chế Áo – Hung (Áo, Tiệp Khắc, Hungary, Ba Lan, Rumani và nước Nam Tư bị chia rẽ sắc tộc). Một vài điều chỉnh lãnh thổ được thực hiện ở Châu Âu, nhưng nguyên tắc tự quyết mà đáng lẽ phải được phổ biến ra ngoài phạm vi Châu Âu lại không nhận được sự ủng hộ đáng kể.

Nhưng lãnh thổ của các cường quốc bị đánh bại trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất lại không được chia đều cho các nước đồng minh chiến thắng như đã từng diễn ra trước đây. Thay vào đó những vùng lãnh thổ từng bị Đức và đế chế Ottoman kiểm soát đã được Hội Quốc Liên chuyển cho các quốc gia vốn sẽ cai quản các vùng đất này với tư cách “người được ủy thác” [trong khi] chờ quyền tự cai trị của những vùng lãnh thổ này. Nguyên tắc nằm sau hệ thống ủy thác này là các thuộc địa là sự tín thác (tức tài sản được giữ hộ – NBT), chứ không phải là đối tượng để bị bóc lột.Điều này tạo ra tiền lệ quan trọng cho đàm phán sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai khi mà lãnh thổ của các nước bại trận được đặt dưới sự ủy thác của Liên Hợp Quốc không bị các quốc gia khác giành lấy, thay vào đó được hứa sẽ được tự trị, qua đó sự ủng hộ cho quyền tự quyết giành lại động lực. Quá trình phi thực dân hóa tăng tốc vào năm 1947 khi Anh trao quyền kiểm soát chính trị cho Ấn Độ và Pakistan. Chiến tranh rốt cuộc nổ ra giữa hai nước vừa giành độc lập này khi cả hai đều tìm cách kiểm soát vùng đất tranh chấp Kashmir. Bạo lực cũng nổ ra ở Đông Dương và Algeria vào những năm 1950 và đầu thập niên 1960 khi Pháp đòi giành lại quyền kiểm soát đối với vùng lãnh thổ mà họ đã từng nắm giữ trước chiến tranh thế giới thứ hai. Tương tự vậy, máu đã đổ ngay sau khi Congo được người Bỉ trao trả độc lập vào năm 1960 và theo sau đó là những nỗ lực không thành công của người Bồ Đào Nha để chống lại ngọn gió của phong trào xóa bỏ chủ nghĩa thực dân mà đã quét khắp Châu Phi khi bắt đầu thập niên 1960.

Với việc chủ nghĩa thực dân lui bước, năm 1960, các nước Phương Nam đã tận dụng việc gia tăng số lượng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để đảm bảo việc thông qua tuyên bố lịch sử về trao trả độc lập cho các quốc gia và dân tộc thuộc địa. “Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khẳng định rằng việc buộc bất kỳ dân tộc nào phải chịu sự thống trị của nước khác là một sự chối bỏ quyền cơ bản của con người, trái với Hiến chương Liên Hợp Quốc, là một sự cản trở đối với hòa bình thế giới, và tất cả mọi dân tộc thuộc địa đều có quyền được hưởng độc lập hoàn toàn và ngay lập tức. Không một quốc gia nào bỏ phiếu chống lại bản tuyên bố chống chủ nghĩa thực dân…. Đây là chiến thắng về mặt lý tưởng” (Riggs và Plano 1994).

Khi hệ thống trật tự cũ bị sụp đổ và khi các nhà lãnh đạo của các quốc gia mới được giải phóng phát hiện ra rằng quyền độc lập không tự động chuyển thành quyền tự chủ và độc lập về mặt kinh tế và sự giàu có trong nước – sự xung đột giữa các nước giàu ở Phương Bắc và các nước mới nổi ở Phương Nam bắt đầu.

Phương Bắc và Phương Nam ngày nay: Hai thế giới khác biệt

Các nước Phương Nam ngày nay đôi khi được mô tả là “khu vực hỗn loạn” chủ yếu là vì, đối lập với các nước Phương Bắc dân chủ và hòa bình, nhiều người dân của các nước Phương Nam đối mặt với nghèo đói, chiến tranh và sự độc tài (Collier 2005). Mặc dù dân chủ đã trải rộng tới các nước Phương Nam kể từ thập niên 1980, cam kết của một số chính phủ đối với tuyển cử phổ thông và quyền con người vẫn khá mong manh (Gershman 2005). Nhiều quốc gia Phương Nam thiếu thị trường trong nước phát triển dựa vào tinh thần kinh doanh và công ty tư nhân. Sự khác nhau về năng lực công nghệ cũng chia cắt các nước Phương Bắc và Phương Nam. Điển hình là các nước Phương Nam không có khả năng tạo ra công nghệ của riêng mình phù hợp với nguồn lực của họ và phải phụ thuộc vào các công ty đa quốc gia[11] Phương Bắc trong việc chuyển giao bí quyết. Điều này có nghĩa là chi phí nghiên cứu và phát triển được hướng vào các giải pháp cho các nước Phương Bắc, với những tiến bộ công nghệ hiếm khi đáp ứng nhu cầu của các nước Phương Nam. Và trong thời đại công nghệ thông tin, công nghệ không được phân bổ đều về mặt địa lý: Nơi có mật độ tập trung cao về số máy tính kết nối Internet là ở các nước Phương Bắc.

Thực tế 85% dân số thế giới nghèo đói phản ảnh sự phân bổ không đồng đều của nguồn lực. Như trong bảng 5.1, số liệu về sự phân chia giữa các nước Phương Bắc và Phương Nam cho thấy sự chênh lệch và bất bình đẳng sâu sắc. Bức tranh này còn ảm đạm hơn khi trọng tâm chuyển vào mức sống của những người nghèo nhất ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp. Theo các tiêu chí được Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc sử dụng, 53 quốc gia hiện là các quốc gia kém phát triển nhất (LDCs) thuộc Phương Nam. Các quốc gia này có tổng mức thu nhập quốc dân ròng (GNI) dưới mức 590 USD một năm và thường xuyên phụ thuộc vào việc hàng đổi hàngtrong nhiều trao đổi kinh tế. Những quốc gia này không phải là người tham gia đáng kể vào thị trường toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu hàng chủ yếu dựa vào sản phẩm sơ cấp giá rẻ, bao gồm thực phẩm (cocoa, cà phê và chè), khoáng sản, da sống và gỗ. Bởi vì các quốc gia này tiêu thụ hầu hết các sản phẩm mà họ sản xuất, các nền kinh tế này điển hình là các nền kinh tế tự cung tự cấp. Triển vọng thay đổi cũng rất mờ nhạt vì phần lớn các quốc gia này bị đầu tư nước ngoài và các nhà tài trợ nước ngoài bỏ qua (WDR 2008, 335; WDI 2007).

Tốc độ tăng dân số cao đã làm phức tạp thêm vấn đề mà các nước kém phát triển nhất đối mặt. Chỉ mất 25 năm để dân số ở các quốc gia kém phát triển nhất tăng gấp đôi so với [thời gian] hai thế kỷ rưỡi của các nước Phương Bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước kém phát triển nhất trong thời gian gần đây đạt mức bình quân dưới 0,1% mỗi năm. Tốc độ tăng trưởng ở những nơi khác đều đạt mức cao hơn. Đây là một lý do rõ ràng cho thấy tại sao một thiểu số các nước giàu trở nên giàu có hơn trong khi các nước nghèo nhất trong số các nước nghèo ngày càng nghèo hơn.

Bảng 5.1. Hai thế giới của sự phát triển: Sự phân chia trên thế giới

Tiêu chí/Chỉ tiêu Các nước đang phát triển Phương Nam Các nước phát triển Phương Bắc
Số quốc gia 152 56
Dân số (triệu người) 5.489 1.029
Diện tích (nghìn km2) 99.346 34.595
GNI (tỷ đô la) 10.978 USD 37.529 USD
Tổng thu nhập ròng bình quân đầu người 2.000 USD 36.487 USD
Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng (triệu USD) 280.795 USD 693.488 USD
Nhập khẩu (tỷ USD) 2.869 7.816
Xuất khẩu (tỷ USD) 3.057 7.377
Phụ nữ trong các vị trí hoạch định chính sách (%) 16% 24%
Tỷ lệ học sinh/giáo viên tiểu học 31 16
Tuổi thọ trung bình lúc sinh 64 76
Tỷ lệ dân số sống ở thành phố 44% 78%
Tiếp cận vệ sinh nâng cao (% dân số) 52% 100%
Số phương tiện cơ giới trên 1.000 dân 47 636
Số máy tính cá nhân trên 10.000 dân 113 759
Số người dùng Internet trên 1.000 dân 84 527
Số hộ gia đình có ti vi 48% 97%
Số báo hàng ngày trên 1.000 dân 49 263
Tiêu thụ điện bình quân mỗi người (Kwh) 1.243 9.609

Nơi mà con người sống có tác động tới cách họ sống thế nào. Từ thông tin ở trên, chất lượng cuộc sống ở các nước phát triển Phương Bắc hơn chất lượng sống ở các nước Phương Nam. Ngân hàng thế giới dự báo rằng sự bất bình đẳng giữa nước giàu và nước nghèo sẽ tăng đáng kể tới năm 2050.

Nguồn: WDR (2008), WDI (2007)

Vị trí địa lý cũng cản trở sự phát triển kinh tế của các nước Phương Nam. Các quốc gia đang phát triển không có biển mà thiếu hệ thống sông ngòi có thể vận chuyển hoặc hệ thống đường sắt và đường bộ có hiệu quả sẽ rất bất lợi do chi phí mà các quốc gia này phải đối mặt khi tiếp cận thị trường thế giới. “Những quốc gia không có biển trung bình phải trả cao hơn 50% mức trung bình mà các quốc gia ven biển phải trả” Ricardo Hausman (2001, trang 47), cựu kinh tế trưởng của Ngân hàng Liên Mỹ chỉ ra. Một số quốc gia đang phát triển là các đảo nhỏ cũng phải chịu chi phí vận chuyển cao, chủ yếu là do khoảng cách xa xôi với các thị trường toàn cầu. Hơn nữa, những quốc gia không có biển và các đảo quốc nhỏ thường ở khu vực nhiệt đới, nền kinh tế của các quốc gia này bị tàn phá bởi bệnh dịch chẳng hạn như sốt rét. Theo thống kê mới đây ước tính, khi các nhân tố khác không đổi, tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của nước bị bệnh sốt rét thường thấp hơn 1% so với thu nhập của các nước không có bệnh sốt rét (Sachs, 2002).

Đối với nhiều người dân Phương Nam, tương lai thật ảm đạm. Mẫu hình chung nằm sau khuynh hướng toàn cầu trong suốt 20 năm qua cho thấy trên 60 quốc gia hiện nay nghèo hơn so với trước đây và tụt hậu xa hơn so với mức đạt được của các quốc gia Phương Bắc. Tình huống bi đát này làm dấy lên câu hỏi lý thuyết: tại sao nhiều nước Phương Nam rơi vào tình trạng nghèo khổ?

Tại sao sự bất bình đẳng giữa Phương Nam và Phương Bắc kéo dài?

Tại sao các nước Phương Nam bị bỏ lại xa hơn so với các nước Phương Bắc xét về mức phúc lợi và phát triển[12] tương đối? Và tại sao, như trong bảng 5.2. cho thấy, kinh nghiệm phát triển ngay cả giữa các nước Phương Nam cũng khác nhau? Ví dụ, một thế hệ trước đây, tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của Nigeria (GNP) cao hơn Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Tuy nhiên, tới thập niên 1990, Nigeria tụt lại phía sau so với các nước Châu Á này. Nhưng trường hợp của Nigeria cũng không phải là bất bình thường. Của cải của một số nước Châu Phi khác cũng giảm rất mạnh khi hết thế kỷ 20, trong khi một vài quốc gia Đông Á trải qua giai đoạn tăng trưởng đáng kể (Richburg 1992; Laddes 1998). Điều gì tạo nên sự khác biệt không dễ chịu này và liệu điều này có tiếp tục trong thế kỷ 21 không?

Bảng 5.2. Các nước Phương Nam trong việc đạt được các mục tiêu phát triển

  Bắc Phi Vùng hạ Sahara Châu Phi Tây Á Nam Á Đông Nam Á Châu Mỹ Latinh và Caribbe
Giảm tỷ lệ nghèo xuống một nửa + + ++
Giảm tỷ lệ đói xuống một nửa + + +
Cải thiện cuộc sống của dân cư ổ chuột + +
Giảm tỷ lệ tử vong dưới 5 tuổi xuống còn 2/3 + + +
Tiêm phòng sởi ++ + + ++
Ngăn chặn và giảm lan rộng HIV/AIDS N/A N/A
Ngăn chặn và giảm sốt rét + +
Giảm nửa tỷ lệ không có nước uống + + + + +
Giảm tỷ lệ không có nhà vệ sinh + +
Phổ cập giáo dục tiểu học + +
Bình đẳng trẻ em gái đi học tiểu học + ++

— Không có tiến bộ hoặc suy giảm hoặc xuống cấp

– Không đạt được mục tiêu vào năm 2015 nếu xu hướng hiện tại tiếp tục

+ Đạt được mục tiêu vào năm 2015 nếu xu hướng hiện tại tiếp tục

++ Đã hoàn thành mục tiêu hoặc cách rất gần mục tiêu.

N/A: không đủ số liệu

Khi gặp gỡ tại Liên Hợp Quốc vào năm 2000, 189 quốc gia đã ký Tuyên bố Thiên niên kỷ, trong đó vạch ra các mục tiêu phát triển cần đạt được vào năm 2015. Biểu đồ trên cho thấy tiến bộ vào năm 2006, các nhóm quốc gia Phương Nam khác nhau đã đạt một số đích chủ yếu đối với y tế, giáo dục và phúc lợi kinh tế.

NGUỒN: Báo cáo Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (2006)

Các bằng chứng khác nhau Phương Nam đưa đến kết luận rằng tình trạng kém phát triển được giải thích bởi một số nhân tố. Một số nhà lý thuyết giải thích tình trạng kém phát triển bằng việc chủ yếu xem xét các nguyên nhân bên trong. Một số nhà lý thuyết khác tập trung vào vị trí của nước đang phát triển trong nền kinh tế chính trị toàn cầu. Chúng ta thảo luận ngắn gọn mỗi trường phái tư tưởng này, bắt đầu bằng cách giải thích do lý thuyết kinh tế phát triển cổ điển đưa ra.

Những nguyên nhân bên trong: cách giải thích của lý thuyết kinh tế phát triển cổ điển

Các lý thuyết kinh tế phát triển tự do về hiện đại hóa[13] ra đời trong giai đoạn đầu hậu Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Các lý thuyết này cho rằng rào cản cơ bản của sự phát triển là do các nước Phương Nam có đặc tính riêng bên trong. Năng suất lao động thấp do quản lý kém hiệu quả, thiếu kỹ thuật hiện đại và cơ sở hạ tầng và giao thông chưa đầy đủ. Để vượt qua những rào cản này, phần lớn các nhà lý thuyết cổ điển khuyến nghị rằng các nước giàu cần cung cấp những “yếu tố còn thiếu” của sự phát triển chẳng hạn như đầu tư tư bản thông qua viện trợ nước ngoài hoặc đầu tư trực tiếp của tư nhân nước ngoài.

Một khi lượng vốn cần thiết được tích lũy đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế,  các nhà lý thuyết này dự đoán rằng lợi ích của  nó “sẽ nhỏ giọt” xuống phần lớn xã hội. Theo cách đó, mọi người, không chỉ có người giàu có, sẽ được hưởng lợi từ việc gia tăng sự giàu có. Walt W.Rostow, một nhà lịch sử kinh tế và nhà hoạch định chính sách người Mỹ, đã chính thức hóa lý thuyết này trong cuốn sách có tầm ảnh hưởng của mình Các giai đoạn tăng trưởng kinh tế (1960). Ông này dự đoán rằng các xã hội truyền thống bắt đầu con đường phát triển sẽ không tránh khỏi việc trải qua các giai đoạn khác nhau bằng phương thức của thị trường tự do và cuối cùng sẽ “cất cánh” để trở thành xã hội tiêu dùng lớn như các nước tư bản Phương Bắc. Lý thuyết này cho rằng mặc dù các nước giàu sẽ giàu hơn nhưng tổng thu nhập của thế giới sẽ tăng, phần tăng ở các quốc gia tiền công nghiệp hóa sẽ tăng nhanh hơn và thập chí sẽ giảm khoảng cách giữa các nước này với các nước giàu hơn.

Quan điểm và các chính sách dựa trên lý thuyết này đã bị các nước Phương Nam loại bỏ. Những nhà lãnh đạo ở đây không chấp nhận những lập luận trường phái tự do cổ điển cho rằng các nước Phương Bắc sẽ trở nên giàu có vì họ tập trung vào lao động, sáng tạo và kỹ năng (xem Thurow 1999). Thay vào đó, các nhà lãnh đạo bị thuyết phục bởi lý thuyết đối lập cho rằng sự nghèo khó của nước Phương Nam có liên quan tới cơ cấu của nền kinh tế chính trị thế giới.

Nhân tố bên ngoài: cách giải thích của lý thuyết phụ thuộc

Liệu khoảng cách kinh tế có thể hẹp lại?

Phản ứng chính sách đối ngoại của các nước Phương Nam

Tìm kiếm an ninh

Tìm kiếm sự thịnh vượng

Tương lai của Phương Nam

Tóm tắt chương

Bài đọc gợi ý

Download toàn bộ văn bản tại đây: So phan buon tham cua Phuong Nam.pdf

—-

[1] Global North: Một thuật ngữ được sử dụng để đề cập tới các nước giàu, công nghiệp hóa chủ yếu nằm ở Bắc bán cầu.

[2] Global South: Một thuật ngữ được sử dụng để đề cập tới các kém phát triển hơn chủ yếu nằm ở Nam bán cầu.

[3] Colonialism: sự cai trị một khu vực bởi một cường quốc bên ngoài.

[4] Third World: một thuật ngữ thời Chiến tranh Lạnh để miêu tả các quốc gia đang phát triển ở Châu Phi, Châu Á và Mỹ Latinh.

[5] First World: các nước công nghiệp hóa tương đối giàu có vốn chia sẻ sự cam kết đối với các hình thức thể chế chính trị dân chủ khác nhau và các nền kinh tế phát triển.

[6] Second World: trong Chiến tranh Lạnh, nhóm các quốc gia bao gồm Liên Xô và các đồng minh Đông Âu vốn chia sẻ các nền kinh tế kế hoạch tập trung.

[7] Decolonization: việc giành được độc lập của các quốc gia từng là thuộc địa của các quốc gia khác.

[8] Mercantilism: một chiến lược kinh tế nhằm tích lũy sự thịnh vượng và quyền lực của nhà nước thông qua điều tiết của chính phủ nhằm khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.

[9] Laissez-faire economics: một trường phái tư tưởng nhấn mạnh thị trường tự do và ít sự điều tiết của chính phủ.

[10] Sphere of influence: khu vực bị thống trị bởi một cường quốc.

[11] Multinational corporation: các doanh nghiệp có trụ sở chính ở một nước và đầu tư, hoạt động rộng khắp ở các nước khác.

[12] Development: Tiến trình mà qua đó một quốc gia tăng năng lực đáp ứng các nhu cầu con người cơ bản của người dân và nâng cao mức sống của họ.

[13] Modernization: quan điểm về phát triển cho rằng tăng trưởng kinh tế tự duy trì được tạo ra thông qua cải tiến công nghệ, sản xuất hiệu quả và đầu tư từ tích lũy tư bản.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]