Nguồn: Andrew C. Kuchins & Igor A. Zevelev (2012). “Russian Foreign Policy: Continuity in Change”, The Washington Quarterly, Vol. 35, No. 1, pp. 147-161.>>PDF
Biên dịch: Vũ Thanh Bình | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Bài liên quan: #60 – Định luật thứ Nhất của Chính trị dầu mỏ; #54 – Sự va chạm giữa các nền văn minh?
Sự quay trở lại cương vị tổng thống của Vladimir Putin sắp diễn ra trong năm 2012 đang làm trỗi dậy nhiều câu hỏi về tương lai chính sách an ninh và đối ngoại của Liên bang Nga cũng như mối quan hệ giữa Nga và Hoa Kỳ. Putin sẽ tìm cách tiếp nối và thực hiện các mục tiêu chương trình hiện đại hóa của Tổng thống hiện nay – Dmitri Medvedev- tới mức độ nào? Phải chăng Putin sẽ cải cách hệ thống chính trị theo chiều hướng đa nguyên và phi tập trung hóa quyền lực? Phải chăng quá trình “tái điều chỉnh” mối quan hệ Hoa Kỳ – Nga sẽ kéo dài? Ngay cả khi những vấn đề này nổi lên thì sự quay lại vị trí tổng thống của Putin cũng sẽ không làm thay đổi lớn đường lối đối ngoại của Matxcơva. Một số người cho rằng Putin không bao giờ từ bỏ quyền kiểm soát chính sách đối ngoại Nga, và điều đó có thể là sự thật. Nhưng ngay cả khi điều đó là sự thật, thì vẫn còn có những nguyên nhân sâu sắc hơn thuộc về mặt cấu trúc đang thu hút các cuộc tranh luận trong giới tinh hoa Nga về chính sách đối ngoại và vị trí của Nga trên trường quốc tế – và điều này chiếm vai trò quan trọng hơn trong việc giải thích vì sao sự quay trở lại của Putin sẽ không mang lại một sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Nga.
Những người theo chủ nghĩa Tự do, Cân bằng và chủ nghĩa Dân tộc
Tầm mức đa dạng trong các cuộc tranh luận về bản sắc dân tộc và những thành quả cốt lõi từ chính sách đối ngoại của Nga có cội nguồn từ năm thành tố của lịch sử nước này.[1] Thứ nhất, vẫn tồn tại một niềm tin lâu bền rằng nước Nga là một siêu cường và phải được đối xử như vậy. Thứ hai, nền chính trị quốc tế, về bản chất, là một cuộc cạnh tranh sinh tồn (theo tư tưởng của Darwin và Hobbes) mà trong đó chính trị lấy các nhà nước theo chủ nghĩa hiện thực và hiện thực mới làm trung tâm mang tính chủ đạo. Thứ ba, nước Nga từ thời Peter Đại đế 300 năm trước cho đến Putin và Medvedev ngày nay vẫn tiếp tục đối mặt với những thách thức nhằm “bắt kịp” những thành tựu kinh tế, kỹ thuật và quân sự của các đối thủ cạnh tranh. Thứ tư, các chiến lược liên quan tới việc “bắt kịp” như thế nào lại căn cứ vào, tiếp tục xác định, và là những khía cạnh được tranh luận của bản sắc dân tộc Nga vốn nối kết trật tự kinh tế – chính trị trong nước với định hướng và ưu tiên của chính sách đối ngoại. Và thứ năm, cuộc tranh luận chủ yếu của ngày hôm nay và từ ít nhất là 200 năm qua xoay quanh vấn đề chủ nghĩa tự do phương Tây là mô hình thích hợp với nước Nga tới đâu, và theo đó nước Nga nên là một đồng mình gần gũi với phương Tây hay một số đối tác trong đó tới mức nào, nhằm giúp Nga đạt được các mục tiêu của mình.
Một phân tích về các quan điểm, cương lĩnh dành cho chính sách đối ngoại của các đảng phái chính trị, tổ chức, các viện nghiên cứu tư vấn chính sách (think-tank) hàng đầu và từ những chuyên gia nổi bật đã đưa đến ba quan điểm chính yếu về những xu hướng toàn cầu quan trọng nhất và cách chính sách đối ngoại của Liên bang Nga nên được hình thành như thế nào. Những người theo trường phái tự do thân phương Tây ủng hộ cải cách nhiều hơn nữa hệ thống chính trị của Nga, xem các nền dân chủ thị trường phương Tây như là một hình mẫu và muốn xích lại gần hơn với châu Âu và Mỹ. Những người ủng hộ quan hệ cân bằng với các cường quốc thì thúc đẩy một chính sách đối ngoại đa chiều không quá bị trói buộc vào sự phát triển chính trị và kinh tế của Nga. Những người theo chủ nghĩa dân tộc có khuynh hướng qui cho nước Nga một nhiệm vụ đặc biệt trong quan hệ quốc tế, kêu gọi một sự kết hợp thống nhất, nếu không phải là thống trị, các nước nước láng giềng đã từng một thời nằm trong Liên bang Xô-viết. Những phát hiện này được tóm tắt trong Bảng 1.
Ba nhóm này, ít hoặc nhiều, là các dạng mang tính lý tưởng. Vài trường phái tư tưởng có thể mang các đặc trưng của những quan điểm khác và một vài nhóm nhỏ trong các trường phái tư tưởng khác nhau lại có thể đóng vai trò nền tảng cho việc xây dựng liên minh tư tưởng – chính trị về các vấn đề chính sách đối ngoại cụ thể. Các nguồn gốc tư tưởng và nền tảng lý thuyết của những quan điểm chính trị này đã tồn tại ít nhất là 200 năm qua ở Nga trong cuộc tranh luận về bản sắc và vai trò của nước Nga trên thế giới và sự tương tác của nó với phương Tây. Những người theo chủ nghĩa ái Slavơ (Slavophile) là tiền thân lịch sử của những người theo chủ nghĩa dân tộc – họ nhấn mạnh đặc trưng của nền văn minh Nga dựa trên các truyền thống cộng đồng Chính thống giáo Slavơ, trái ngược với nền văn minh phương Tây xa lạ – trong khi những người ủng hộ Tây phương hóa thì lập luận rằng nước Nga nên bắt chước và học hỏi từ phương Tây.
Bảng 1: Các nhóm nội địa chủ chốt là những ai?
Các nhóm chủ yếu | Các tiểu nhóm quan trọng | Đại diện chính trị | Các cơ quan có ảnh hưởng |
Những người theo chủ nghĩa tự do thân phương Tây | Các phong trào và đảng phái không có chân trong quốc hội, gồm: Yabloko; đảng Tự do Nhân dân và phong trào Liên kết | INSOR; Liberal Mission; Trung tâm Carnegie Matxcơva; một bộ phận trong Viện hàn lâm Khoa học (IMEMO, ISKRAN) | |
Nhóm cân bằng quyền lực | Những người tự do thân phương Tây cũ | Đa phần các cơ quan hành pháp của chính phủ; các đảng trong quốc hội; Đảng nước Nga thống nhất, Đảng Công lý nước Nga. | Các câu lạc bộ của Đảng Nước Nga thống nhất, Hội đồng chính sách quốc phòng và đối ngoại; Viện Dự báo Xã hội; một phần của MGIMO và Viện hàn lâm Khoa học |
Nhóm chủ nghĩa dân tộc | Những người theo chủ nghĩa đế quốc mới; những người ủng hộ sự thống trị khu vực; những người theo chủ nghĩa dân tộc-sắc tộc | Các đảng có chân trong quốc hội: CPRF và LDPR | Nhiều trí thức độc lập; Quỹ Quan điểm Lịch sử; Viện nghiên cứu các quốc gia thuộc CIS |
Những người theo chủ nghĩa Tự do
Các truyền thống tư tưởng của những người ủng hộ Tây phương hóa là cội rễ của những người theo chủ nghĩa tự do của nước Nga hiện đại, kết hợp các khía cạnh của lý thuyết thể chế tự do với tư duy hiện thực. Nhóm này thường ủng hộ các giải pháp như an ninh tập thể, toàn cầu hóa và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Họ là “phe bồ câu” trái ngược với phe “diều hâu”. Một vài người theo chủ nghĩa tự do thân phương Tây đầu những năm 1990 đã mô tả mục tiêu của họ không chỉ là một sự hội nhập với phương Tây mà còn là sự đồng hóa theo phương Tây. Đây là mục tiêu chính của chính sách đối ngoại trong năm đầu tiên (1992) của chính quyền Boris Yelsin, thời kỳ Yegor Gaidar làm quyền Thủ tướng.
Ý tưởng của nhóm này cho rằng nước Nga nên để các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình phù hợp với các mục tiêu của phương Tây vì nhiều người hi vọng và trông đợi rằng nước Nga sẽ nhanh chóng trở thành một quốc gia phương Tây hoàn chỉnh. Trở thành một phần của phương Tây làm lu mờ đi rất nhiều hình ảnh truyền thống về một nước Nga cường quốc, và chủ quyền cũng như vai trò quốc gia bị suy giảm vì mục tiêu trở thành một nền dân chủ thị trường. Không lâu trước khi cánh tự do thân phương Tây nhất này bị mất đi sức hút trong nền chính trị Nga, việc nhấn mạnh vào chủ quyền của nước Nga, một vai trò lớn hơn cho nhà nước và mục tiêu về sự tái trỗi dậy của một cường quốc độc lập dần dần chiếm ưu thế trong các chính sách của nước Nga cũng như các cuộc tranh luận chính trị.
Ngày nay, quan điểm của những người theo chủ nghĩa tự do đã bị cho là thứ yếu và quan điểm này chỉ gắn liền với các chính trị gia đối lập, những người không có ảnh hưởng đáng kể như Garry Kasparov, Boris Nemtsov hay Vladimir Ryzhkov. Khi quan điểm tự do của họ được nêu lên, chúng nhanh chóng bị gạt ra lề và thường bị xếp vào dạng đối lập “phi hệ thống” và có ít ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại.[2]
Những người theo chủ nghĩa Cân bằng quyền lực
Để phục vụ mục đích của phân tích này, những người theo chủ nghĩa cân bằng quyền lực có thể hiểu là những người coi động lực của hệ thống quốc tế tập trung vào các nhà nước, chú tâm vào lợi ích quốc gia của Nga trong bối cảnh cân bằng quyền lực. Nói theo khuôn khổ lý thuyết quan hệ quốc tế thì có thể xem nhóm này là “những người theo chủ nghĩa hiện thực”, nhưng bởi lòng tin của họ vào vị thế của nước Nga như là một cường quốc là yếu tố cốt lõi cho bản sắc nhóm này nên chúng tôi nghĩ gọi họ là “những người theo chủ nghĩa cân bằng quyền lực” sẽ thích hợp hơn. Sự khác biệt chủ yếu giữa những người theo chủ nghĩa tự do và những người ủng hộ cân bằng quyền lực nằm ở chỗ những người theo chủ nghĩa tự do cho rằng để nước Nga đạt được vai trò xứng đáng của nó như là một cường quốc thì không nhất thiết làm giảm vị thế của phương Tây – cả hai có thể cùng tồn tại bình đẳng. Với những người theo thuyết cân bằng quyền lực, điều đó có nghĩa là phương Tây đang vượt quá vai trò của mình và nên nhường lại một ít vai trò cho Nga.
Những người theo thuyết cân bằng quyền lực có nhiều đại diện chính trị và có ảnh hưởng đáng kể trong chính phủ. Cha đẻ của trường phái tư tưởng này là Evgeniy Primakov, một học giả và làm Thủ tướng những năm 1998-1999, và trước đó, từ năm 1996 là Bộ trưởng Ngoại giao Nga. Primakov được xem như là Henry Kissinger của nước Nga, bởi cả hai đều là những chính khách có tài và có quan niệm hiện thực rõ ràng về các vấn đề quốc tế. Có thể gọi những người theo chủ nghĩa cân bằng quyền lực ở Nga là những người theo chủ nghĩa hiện thực phòng thủ, họ ủng hộ duy trì một phạm vi ảnh hưởng tại các nước từng thuộc Liên Xô trước đây và cố gắng kiềm chế thế áp đảo toàn cầu của Hoa Kỳ.
Một trong những phương pháp tiếp cận thay thế của những người theo thuyết cân bằng cường quốc là “đường lối chính sách đối ngoại độc lập” đã được nhà quan sát và phân tích chính trị Vyacheslav Nikonov nêu lên năm 2002. Lập luận này cho rằng trong lúc các nguyên tắc của Đồng thuận Washington gần như không phổ quát như đã từng được hy vọng, thì vẫn còn có nhiều giá trị phổ quát khác mà Nga có chung với phương Tây.[3] Những giá trị này nên được kết hợp trong một khuôn khổ đồng thuận toàn cầu mới – có thể phản ánh chính xác hơn sự cân bằng quyền lực mới mà trong đó nước Nga có thể theo đuổi đường lối riêng của mình nhưng sự tự nhận thức về một quốc gia độc lập của nước Nga sẽ không quá khác biệt với các đối thủ phương Tây. Nikonov cơ bản là một học giả và khung phân tích theo hướng chủ nghĩa hiện thực truyền thống của ông trở thành trung tâm của trào lưu tư tưởng chính thống về quan hệ quốc tế của nước Nga.[4] Sergey Karaganov, người đứng đầu rất có ảnh hưởng tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng, là một đại diện khác của nhóm này, cho dù nhân vật này có khuynh hướng khuyến khích nước Nga định hướng hướng về châu Âu hơn.
Những người theo chủ nghĩa cân bằng quyền lực không chối bỏ kinh nghiệm của phương Tây và ủng hộ việc học hỏi từ phương Tây. Niềm tin của họ về sự hiện đại hóa nước Nga ở khía cạnh nào đó dựa vào truyền thống lịch sử được hình thành bởi Peter Đại đế. Họ muốn nhập khẩu công nghệ phương Tây, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và cạnh tranh thành công với phương Tây. Sự “phân cực” trên đấu trường quốc tế được coi là đương nhiên, chứ không phải là một góc nhìn phân tích có thể có. Họ cố gắng chơi trò chơi quyền lực nước lớn không chỉ trên sân khấu khu vực như phần lớn các nhà dân tộc chủ nghĩa vẫn làm, mà còn trên sân khấu toàn cầu (ví dụ như tại các diễn đàn G-8, G-20 và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc). Tuy nhiên, không như chính sách của Trung Quốc hiện nay, chính sách của Nga vốn dựa chủ yếu vào quan điểm của những người theo chủ nghĩa cân bằng quyền lực dường như đang tiếp cận nền kinh tế toàn cầu một cách thận trọng.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc
Nhóm được xác định một cách đại thể là “những nhà dân tộc chủ nghĩa Nga” có thể đặc biệt đối nghịch với các lợi ích của Mỹ và phương Tây. Nó gồm ít nhất là ba nhóm nhỏ, cụ thể là những người ủng hộ chủ nghĩa đế quốc mới, những người ủng hộ phạm vi ảnh hưởng của Nga (sự thống trị khu vực của Nga đối với không gian hậu Xô-viết), và những người theo chủ nghĩa dân tộc – sắc tộc. Nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc đang thách thức các đường biên giới chính trị của nước Nga hiện nay nhưng lại đưa ra các kết luận khác nhau về bản đồ kế tiếp cũng như những lựa chọn chính sách đối ngoại đáng mong muốn.[5].
Cốt lõi của những người theo chủ nghĩa đế quốc mới là khôi phục một quốc gia trong đường biên giới Liên Xô trước đây. Đảng chính trị có tầm ảnh hưởng nhất ủng hộ chủ nghĩa đế quốc mới trong suốt những năm 1990 là Đảng Cộng sản Liên bang Nga. Điểm cốt lõi của những người ủng hộ sự thống trị khu vực, nhóm nhỏ thứ hai, là xây dựng nhà nước trong đường biên giới của nước Nga ngày nay, cùng lúc khuất phục các quốc gia kế thừa khác và tạo nên một vùng đệm các quốc gia phụ thuộc và được bảo hộ xung quanh Nga. Cuối cùng, điểm chính yếu trong chương trình của những người theo chủ nghĩa dân tộc – sắc tộc là thống nhất nước Nga với các cộng đồng người Nga sinh sống tại nước ngoài ở gần nước Nga và xây dựng một nhà nước Nga trong những vùng định cư của các sắc tộc Nga và Đông Slavơ khác. Điều này có nghĩa là tái thống nhất Nga, Belarus, một số phần của Ukraina và miền bắc Kazakhstan. Những người ủng hộ chủ nghĩa đế quốc mới và chủ nghĩa dân tộc – sắc tộc ủng hộ việc vẽ lại đường biên giới chính trị nhưng theo các ranh giới khác nhau.
Không giống với phần lớn những người theo chủ nghĩa dân tộc-sắc tộc đánh giá cao những giá trị tiền công nghiệp truyền thống, những người theo chủ nghĩa đế quốc mới và những người theo thuyết thống trị khu vực là những người hiện đại hóa, cho dù vẫn theo kiểu mẫu của thế kỷ 20. Họ muốn có một quân đội mạnh, những thành phố lớn và sự phát triển công nghiệp. Vladimir Zhirinovsky, người sáng lập và lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR) đồng thời là Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (tức Hạ viện) Nga, bác bỏ hình ảnh một nước Nga với “những ngôi làng nhỏ, những cánh rừng, đồng cỏ, cô nàng vắt sữa Marfa và chàng trai Petr chơi đàn accordion” như là một mưu đồ của những người cộng sản được sự trợ giúp của văn chương nhằm bù đắp một phần nào đó cho sự đè nén chủ nghĩa dân tộc Nga.[6] Hình ảnh của ông ta là một nước Nga có sức mạnh thật sự trong lịch sử, có tầm ảnh hưởng thế giới và sự giàu có đầy ấn tượng. Zhirinovsky đứng về phía họa sỹ Ilya Glazunov, người đã tạo nên hình ảnh không phải về một quốc gia với những người nông dân say khướt mà là “một đế chế với những cung điện sáng loáng ở Petersburg, những thành tựu và truyền thống lịch sử vĩ đại, những nhà tư tưởng xuất chúng và nền văn hóa hàng đầu”.[7] Trong những năm 2010-2011, luận điệu của Zhirinovsky mang hơi hướng bài ngoại, chủ nghĩa dân tộc-sắc tộc hơn khi nhấn mạnh “câu hỏi của nước Nga”. Điều này phản ánh tính phổ biến ngày càng tăng của quan điểm này ở nước Nga.
Có thể xem quan điểm thống trị khu vực rất giống với cách tiếp cận của chủ nghĩa đế quốc mới. Đầu những năm 1990, những nguyên tắc cho một chính sách thống trị các nước láng giềng của Nga được phát triển bởi Andranik Migranyan – thành viên hội đồng tổng thống khi đó.[8] Mang định hướng chính sách và ôn hòa hơn, quan điểm này đã nhận được sự ủng hộ của Yevgeniy Ambartsumov – nguyên Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế và quan hệ kinh tế với nước ngoài thuộc Xô-viết Tối cao Nga. Từ năm 1993, luận điệu về sự thống trị cũng xuất hiện trong nhiều phát biểu, bài báo và báo cáo của Andrey Kozyrev – Bộ trưởng Ngoại giao Nga.[9] Từ năm 1996-2010, người lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ nhất cho chính sách thống trị này là Yuri Luzhkov, thị trưởng Matxcơva, người tin tưởng mạnh mẽ vào sự tinh thông chính trị của Konstantin Zatulin – người mà cho đến tháng Tư năm 2011 vẫn là Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban thuộc Duma Quốc gia Nga về các vấn đề liên quan đến Khối thịnh vượng chung các quốc gia độc lập (CIS) và Quan hệ với Đồng bào.
Những quan điểm về quan hệ Nga-Mỹ
Những nhận thức của Nga về Hoa Kỳ cũng như vai trò của nó trên thế giới cung cấp một cái nhìn mạnh mẽ để hiểu được không chỉ việc nước Nga hình thành chính sách an ninh và đối ngoại của nó như thế nào, bao gồm quan hệ song phương giữa hai nước này- mà còn để hiểu được những khái niệm có nguồn gốc sâu xa về bản sắc của nước Nga đương thời cũng như hệ thống chính trị trong nước của quốc gia này.[10] Trong phần lớn nửa cuối thế kỷ 20, Hoa Kỳ và Liên Xô đã bị vướng vào một cuộc tranh giành quyền lực và vị thế bá quyền toàn cầu, và mỗi nước đều xem đối phương như là “đối thủ” chính yếu mà dựa vào đó bản sắc cũng như các chính sách đối ngoại được hình thành. Sự sụp đổ của Liên Xô là sự kiện gây sốc cho nhiều người Nga cũng như các quốc gia mới giành được độc lập khác trong khu vực. Tuy nhiên với phần lớn các nhà hoạch định chính sách và giới tinh hoa ở Matxcơva, những thói quen cũ trong việc đo lường các thành công hay thất bại thông qua lăng kính lấy Hoa Kỳ làm trung tâm vẫn còn tiếp tục tồn tại.
Trong suốt lịch sử nước Nga hậu Xô-viết, nhìn chung những người theo chủ nghĩa dân tộc vẫn xem Hoa Kỳ như là một đối thủ chính về ý thức hệ cũng như địa chiến lược. Những người theo chủ nghĩa dân tộc-sắc tộc không bận tâm nhiều đến Hoa Kỳ như những người theo thuyết đế quốc mới hay như những người ủng hộ sự thống trị của Nga ở khu vực Á-Âu. Về cơ bản, những người theo chủ nghĩa dân tộc-sắc tộc là những người theo chủ nghĩa biệt lập, muốn “trao” thế giới vào tay người Mỹ. Chủ nghĩa tân đế quốc và thuyết thống trị khu vực lại quan tâm chủ yếu tới “sự can thiệp” của Mỹ vào các nước láng giềng của Nga.
Bảng 2: Những quan điểm về nước Mỹ
Các nhóm chính | Hình ảnh của nước Mỹ | Những phản ứng được trông đợi từ Hoa Kỳ |
Những người theo chủ nghĩa tự do | Ủng hộ các giá trị dân chủ tự do; đối tác chiến lược | Không cho rằng nhóm này là chủ đạo; không làm nhóm mất uy tín bằng cách xích lại quá gần |
Những người cân bằng quyền lực | Cường quốc đang tìm cách thống trị thế giới và thế giới đơn cực | Hợp tác khi có thể và khuyến khích xu hướng ôn hòa trong nhóm |
Những người theo chủ nghĩa dân tộc | Đối thủ về tư tưởng và chiến lược | Hiểu rằng nhóm này có tác động lớn tới những người theo chủ nghĩa cân bằng hoặc là đại diện cho một lựa chọn thay thế khả dĩ |
Khoảng thời gian ngắn ngủi của chủ nghĩa tự do
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, ở Matxcơva vẫn có một tiến trình năng động hướng tới việc đạt được vai trò quyền lực như của Mỹ trên thế giới. Trong một thời gian ngắn kết thúc với sự thất bại của các đảng phái theo trường phái cải cách tự do trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 12/1993, Hoa Kỳ vẫn được coi như là một hình mẫu cho sự phát triển của Nga và các quan chức chủ chốt trong chính phủ Nga vẫn hy vọng nhiều vào một “trật tự thế giới mới” đặt dưới sự điều khiển của cả Mỹ và Nga, ngay cả khi Nga đóng vai trò là một đối tác thấp hơn. Nói cách khác, quan điểm về nước Mỹ của những người theo chủ nghĩa tự do thân phương Tây đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư duy chính thức của Nga trong những năm 1992-1993. Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử quốc hội tháng 12/1993 đã ủng hộ những người hậu thuẫn cho các chính sách chống phương Tây mạnh mẽ hơn như Vladimir Zhirinovsky, mà đảng của ông vốn được “đặt nhầm tên” là Dân chủ Tự do đã giành chiến thắng.
Sự thất bại của những nhà cải cách theo chủ nghĩa tự do, chủ yếu là do cuộc khủng hoảng kinh tế đầu những năm 1990, đã làm thay đổi chính sách đối ngoại của Nga hướng về những khái niệm chủ nghĩa hiện thực truyền thống hơn, xác quyết lợi ích quốc gia cùng với việc mở rộng quyền lực và tầm ảnh hưởng. Càng ngày, hình mẫu dân chủ tự do của Mỹ càng được xem là có thể không thích hợp với Nga, và ít nhất nó cũng cần được giới thiệu một cách từ tốn hơn để tính tới các giá trị và truyền thống Nga.
Kể từ năm 1993, mô hình chủ đạo cho quan chức chính phủ và giới tinh hoa chính trị Nga là chủ nghĩa hiện thực với một trọng tâm tương đối nghiêng về các chỉ số sức mạnh quân sự và kinh tế hơn là các khía cạnh sức mạnh mềm. Trong tính toán của nước Nga truyền thống (từ thời Sa hoàng, Xô-viết và hậu Xô-viết), chính sức mạnh cưỡng bức luôn có ảnh hưởng chi phối – điển hình là thông qua hăm dọa và/hoặc là mua chuộc sự ủng hộ (một thứ chủ nghĩa hiện thực rất thực tế) – hơn là sức mạnh của sự thu hút. Khi người phương Tây nhấn mạnh các giá trị như các quyền con người và nền dân chủ, thì phản ứng mặc định của người Nga là mối lo lắng rằng người đối thoại với họ đang không chân thành, đặc biệt là trong giao thiệp với người Mỹ. Việc Mỹ truyền bá dân chủ, chủ nghĩa tư bản tự do, một hệ thống quản trị toàn cầu dựa trên luật lệ và những ý tưởng tương tự được hiểu như là những lá bài tư tưởng được thiết kế để che giấu tham vọng rõ ràng của Hoa Kỳ nhằm mở rộng quyền lực và ảnh hưởng của nước này ra bên ngoài.
Sự cân bằng quay trở lại
Sự thay đổi của Putin
Những quan điểm của Matxcơva về sự “tái điều chỉnh” của Obama
Sự trở lại của Putin: Không có gì nghiêm trọng
Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: CSDN Nga – Ke thua trong thay doi.pdf
[1] Xem Anders Aslund & Andrew C. Kuchins, The Russia Balance Sheet (Washington D.C.: Peterson Institute for International Economics, 2009); và Andrei P. Tsygankov & Pavel A. Tsygankov, ‘‘A Sociology of Dependence in International RelationsTheory: A Case of Russian Liberal IR,’’ International Political Sociology 1 (2007), pp. 307—324.
[2] Xem Marlene Laruelle, ‘‘Inside and Around the Kremlin’s Black Box: The New Nationalist Think Tanks in Russia,’’ Institute for Security & Development Policy, October 2009, http://www.isdp.eu/images/stories/isdp-main-pdf/2009_laruelle_inside-and-around-the-kremlins-black-box.pdf.
[3] Vyacheslav Nikonov, ‘‘Back to the Concert,’’ Russia in Global Affairs, November 16, 2002, http://eng.globalaffairs.ru/number/n_12.
[4] Để biết một phân tích chủ yếu dành cho trường phái tư tưởng này, xem Lilia Shevtsova, Lonely Power (Washington, D.C.: Carnegie Endowment for International Peace, 2010).
[5] Cuộc thảo luận liên quan đến quan điểm của chủ nghĩa dân tộc Nga dựa một phần vào những tư liệu có trong Igor Zevelev, Russia and Its New Diasporas (Washington, D.C.: United States Institute of Peace Press, 2001).
[6] Trud, January 1, 1995.
[7] Như trên.
[8] Nezavisimaya Gazeta, January 12 & 15, 1994.
[9] Izvestiya, January 2, 1992; Mezhdunarodnaya Zhizn, March—April 1992.
[10] Đa phần thảo luận tiếp theo lấy từ Andrew C. Kuchins, ‘‘Reset Expectations: Russian Assessments of U.S. Power,’’ in Capacity and Resolve: Foreign Assessments of U.S. Power (Washington D.C.: Center for Strategic and International Studies, 2011), http://csis.org/files/publication/110613_Cohen_CapacityResolve_Web.pdf.