Nguồn: Amin Saikal (2011). “Authoritarianism, revolution and democracy: Egypt and beyond”, Australian Journal of International Affairs, Vol. 65, No. 5, pp. 530-544.
Biên dịch: Đào Anh Dũng | Hiệu đính: Nghiêm Hồng Sơn
Bài liên quan: #81 – So sánh những cuộc nổi dậy của người Ả-rập: Những bài học năm 1989
Các cuộc nổi dậy vì dân chủ của người dân Ả-rập là tự phát, nhưng có lẽ không hoàn toàn bất ngờ. Chúng xảy ra trong bối cảnh bất đồng gia tăng giữa giai cấp thống trị và bị trị, áp bức chính trị, bất bình đẳng kinh tế và xã hội, các thay đổi về nhân khẩu học, nạn thất nghiệp và các thất bại trong chính sách ngoại giao. Mặc dù các cuộc nổi dậy bắt đầu ở Tunisia, nhưng chính trường hợp Ai Cập mới khắc họa tình hình một cách rõ nét hơn cũng như cho thấy tác động của nó đến phần còn lại của thế giới Ả-rập. Lúc này không thể biết kết cục sẽ ra sao. Nhưng chắc chắn nhân dân các nước Ả-rập vừa bắt đầu một hành trình dài mưu cầu sự tự quyết đúng nghĩa. Cuộc hành trình sẽ gian nan và đầy bất trắc đối với nhân dân Ả-rập và các dân tộc khác, nhưng phải coi đó là một phần của quá trình quá độ từ quá khứ độc tài sang tương lai đa nguyên chính trị.
Lần đầu tiên sau gần 800 năm, người dân Ả-rập đang vùng lên nhằm định đoạt tương lai của họ. Kể từ năm 1258, khi người Mông Cổ cướp phá Baghdad, thủ đô lộng lẫy của đế chế Hồi giáo Abbas vùng Ả-rập, thì số phận của nhân dân Ả-rập gần như bị định đoạt bởi các thế lực ngoại bang, từ đế chế Ottoman đến thực dân châu Âu, đặc biệt là Anh và Pháp, và cuối cùng là sự thống trị về địa-chính trị của Mỹ đối với Trung Đông sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Người dân Ả-rập vừa mở ra một cơ hội chưa từng có để định hình nền chính trị của mình độc lập với bên ngoài nhưng chúng ta không nên đánh giá thấp những khó khăn của quá trình này.
Các cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập, cũng như các cuộc nổi dậy của quần chúng khắp thế giới Ả-rập lấy cảm hứng từ đó, đã làm rung chuyển các chế độ độc tài và đẩy Mỹ cùng các đồng minh của họ, đặc biệt là Israel, vào thế khó về chính sách. Lần này, đòi hỏi của nhân dân Ả-rập là sự chuyển biến dân chủ của xã hội phải do họ chủ trì thay vì các thế lực bên ngoài và giới cầm quyền – những người đã liên tục thất hứa về cải cách dân chủ và quản trị tốt. Người dân Tunisia và Ai Cập vừa phá vỡ ách cai trị độc tài, nhưng đồng bào Ả-rập của họ ở các khu vực khác của Trung Đông vẫn đang vướng vào cuộc đấu tranh – đôi khi rất đẫm máu, như trường hợp Libya, Bahrain, Yemen và Syria – nhằm theo đuổi những mục tiêu tương tự. Cuộc nổi dậy ở Tunisia đã châm ngòi nhưng cuộc cách mạng ở Ai Cập mới thực sự mở van xả lũ bởi vị thế trọng yếu của Ai Cập trong thế giới Ả-rập.
Ai Cập là chủ đề chính của bài báo này với 3 mục tiêu. Thứ nhất là bàn về triều đại của tổng thống được phương Tây hậu thuẫn Hosni Mubarak (1981 – 2011), và về bối cảnh đã tạo điều kiện cho cách mạng. Thứ hai là xem xét triển vọng hiện nay đối với chuyển biến dân chủ ở Ai Cập. Thứ ba là rút ra những bài học sâu rộng hơn từ những biến động tại Ai Cập.
Triều đại Mubarak
Lên nắm quyền sau khi tổng thống Anwar al-Sadat bị ám sát năm 1981 bởi một phần tử Hồi giáo cực đoan vốn phản đối Hiệp định hòa bình năm 1979 của Sadat với Israel,[1] ông Mubarak nắm quyền điều hành đất nước trong tình trạng khẩn cấp theo Đạo luật số 162, theo đó cho phép mở rộng quyền lực của cảnh sát, hợp pháp hóa việc kiểm duyệt và tạm ngừng các quyền Hiến định (Singerman 2002). Trái với lời hứa về một chính phủ tốt hơn và thân thiện hơn, ông đã tăng cường hệ thống độc tài đảng trị – hành chính quan liêu – an ninh trị – vốn đã được thiết lập hầu hết dưới thời hai tổng thống tiền nhiệm là Sadat và Gamal Abdul Nasser – người đã lật đổ nền quân chủ thân Anh và tuyên bố biến đất nước trở thành một nhà nước cộng hòa theo chủ nghĩa dân tộc Ả-rập vào năm 1952 (để biết thêm về Nasser, xem Beattie 1994; Kankowski 2002). Ông nhất nhất không chịu nhận ra rằng một mô hình như vậy nói chung là tai hại và sẽ gây ra trì trệ về kinh tế-xã hội và chính trị cũng như thất bại trong chính sách ngoại giao. Ông đã mở rộng quyền lực của Bộ Nội vụ và lực lượng tình báo – vốn thường dùng tra tấn và các hình thức vi phạm quyền con người khác làm công cụ cai trị. Năm 2010, nhiều nguồn tin khác nhau cho thấy số lượng tù nhân chính trị ở Ai Cập nằm trong khoảng 15 nghìn đến 30 nghìn người.
Cũng như nhiều nhà độc tài khác, ông Mubarak ngày càng độc đoán, tự phụ và hoang tưởng, nghĩ rằng mình là người duy nhất có thể lãnh đạo Ai Cập. Ngay cả việc bổ nhiệm một phó tổng thống cũng làm ông thấy mất sĩ diện và bất an. Khi sửa đổi Hiến pháp 1971, ông đã liên tục tự trao cho mình quyền năng của người phát xét duy nhất đối với nền chính trị Ai Cập.[2]
Mọi chống đối về chính trị, dù dưới hình thức thế tục hay tôn giáo, đều bị trấn áp, và ông đã cảnh báo công chúng cũng như cộng đồng quốc tế rằng thế lực thay thế cho chế độ của ông có thể sẽ là những người theo chính trị Hồi giáo, dẫn đầu bởi tổ chức đối lập lâu đời nhất và bị cấm hoạt động là phong trào Huynh đệ Hồi giáo (để biết thêm về Huynh đệ Hồi giáo, xem Mitchell 1993; Pargeter 2011; Rubin 2010). Các cuộc bầu cử tổng thống và nghị viện mà ông tổ chức chỉ là hình thức vì Mubarak là ứng cử viên tổng thống duy nhất. Một hệ thống bầu cử nhiều khiếm khuyết giúp Đảng Dân tộc Dân chủ cầm quyền của ông tuyên bố chiến thắng áp đảo, hết lần này đến lần khác. Về tổng thể, Ai Cập đã biến thành một quốc gia độc đảng (xem Amin Saikal 2003: 117-119). Đảng Wafd theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa thế tục, lực lượng chính trị theo đường lối tự do nổi tiếng nhất trong khoảng thời gian giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới, đã suy yếu dần từ năm 1951, và ông Mubarak đã khống chế khiến ảnh hưởng của đảng này không còn đáng kể (về đảng Wafd, xem thêm Deeb 1979). Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo được thảnh lập năm 1928 là đối tượng của một chiến dịch có hệ thống nhằm miêu tả họ là mối đe dọa Hồi giáo chính với Ai Cập và các nước khác. Cảm thấy Huynh đệ Hồi giáo ngày càng nguy hiểm vì thanh thế đang lên và sức mạnh có tổ chức của họ, Mubarak để các lực lượng an ninh của mình mặc sức nhắm vào tổ chức này, thường xuyên bắt giam và sách nhiễu các lãnh đạo và các thành viên của họ. Bất chấp điều đó, từ năm 1984 tổ chức này vẫn cử được các ứng viên “độc lập” trong các cuộc bầu cử nghị viện, với chiến tích quan trọng trong cuộc bầu cử năm 2005 khi họ giành 88 ghế trong tổng số 518 ghế. Tuy nhiên, ở cuộc bầu cử nghị viện năm 2010, bằng đe dọa và gian lận, chính phủ đã bảo đảm rằng Huynh đệ Hồi giáo sẽ không giành được dù chỉ 1 ghế. Cuộc bầu cử ấy đã bị quốc tế chỉ trích rộng khắp (xem Mohammed 2010).
Thành tích của Mubarak trên mặt trận kinh tế và xã hội mang tính pha trộn và không thể giúp biện minh cho việc quản trị bằng quả đấm thép. Các chính sách của ông phục vụ nhóm người giàu, giới tham ô cầm quyền và cả giới trung lưu yếu thế nhưng ngày càng gia tăng về số lượng. Tuy nhiên tình cảnh của đa số dân nghèo Ai Cập không được cải thiện. Sau khi theo đuổi chính sách tập trung hóa tương tự như thời Nasser trong suốt những năm 1980, từ năm 1991 ông đã áp dụng những cải cách được đỡ đầu bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và cộng đồng thế giới, nhằm thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), đồng thời tăng tốc thực hiện chính sách này từ năm 2004 (về nền kinh tế Ai Cập, xem thêm Khayr al-Din 2008). Điều này đã tạo ra một giai đoạn phát triển kinh tế đầy hứa hẹn, gắn liền với những đổi thay và nhận thức sâu rộng hơn của xã hội. Giai đoạn 2006-2010, GDP của Ai Cập tăng từ 107 tỷ lên 217 tỷ USD, và thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương (PPP) tăng từ 4679 USD lên 5 862 USD (Economic Intelligence Unit 2011). Tuy nhiên, bản chất cùng những bất thường cố hữu của nền cai trị của Mubarak, bao gồm việc ưu tiên các doanh nghiệp lớn và tư nhân hóa hơn quyền lợi của công nhân, khiến cho phát triển kinh tế chủ yếu làm lợi cho ông Mubarak và giới tinh hoa cai trị – những người sở hữu hầu hết tài sản quốc gia. Phát triển kinh tế xã hội và phân bổ của cải không thỏa mãn tầng lớp trung lưu và không giúp tầng lớp nghèo – ở các khu ổ chuột tại các thành phố, đặc biệt là Cairo, hay ở các vùng quê – thoát khỏi túng bấn. Đồng thời, Ai Cập nhập siêu lớn và nợ nước ngoài tăng từ 20% đến 30% GDP, tức khoảng 33 tỷ USD trong năm 2010 (Economic Intelligence Unit 2011). Từ năm 2008, Ai Cập cũng chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến hoạt động của khu vực công và tư nhân bị thu hẹp tới mức đáng lo ngại.
Năm 2009, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Ai Cập giảm từ 7% năm 2008 xuống còn 5%, FDI giảm 40%, tỷ lệ thất nghiệp ước tính là 30% và lạm phát cỡ 30%, mặc dù số liệu thống kê nhà nước vẽ ra một bức tranh khác hẳn.[3] Tăng trưởng kinh tế và năng xuất lao động của quốc gia đơn giản là không theo kịp đà tăng dân số tăng nhanh của Ai Cập, từ cỡ 50 triệu hồi đầu những năm 1980 lên đến hơn 83 triệu vào năm 2010. Từ năm 2005 đến năm 2010, tỷ lệ người Ai Cập coi mình là “phát đạt”, với cái nhìn lạc quan về tình cảnh hiện tại và về tương lai, đã giảm từ 29% xuống còn 11% (Clifton và Morales 2011).
Một hậu quả của sự gia tăng nhanh dân số là những thay đổi lớn về nhân khẩu. Ngày nay, khoảng 70% dân số Ai Cập là dưới 30 tuổi (xem Amer 2009). Ngày càng nhiều người tốt nghiệp phổ thông trung học hay đại học trong khi không đủ cơ hội có việc làm phù hợp cho họ cũng như không đủ những cái van an toàn dân chủ như được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của đất nước để giúp họ khỏi cảm thấy tuyệt vọng và xa cách với chính quyền Mubarak (về giới trẻ Ai Cập, xem Assaad 2008; Bowker 2010: Chương 3). Mubarak dường như phớt lờ mâu thuẫn đang lên giữa kẻ cai trị với người bị trị và giữa nhà nước với xã hội. Trong mắt đa số công chúng Ai Cập, ông dường như chỉ quan tâm đến chính mình, gia đình mình và bộ máy cai trị của mình, nhằm đưa con trai là Gamal lên kế tục mình, cũng như để bảo tồn những đặc tính xấu xa nhất của triều đại mình và biến Ai Cập thành một nền cộng hòa gia đình trị.
Trong chính sách ngoại giao, ông cũng không được nhiều người Ai Cập ủng hộ. Ông kiên quyết bảo vệ Hiệp định hòa bình của Ai Cập với Israel, và tăng cường các mối quan hệ của quốc gia bằng cách trở thành một đồng minh chung thủy với Mỹ; ông coi cả hai vấn đề này là cứu cánh quan trọng cho nền cai trị của mình. Hòa bình với Israel không chỉ nhằm tránh những cuộc xung đột tốn kém mà còn giúp có thêm hậu thuẫn về tài chính và quân sự từ Mỹ. Viện trợ của Mỹ mỗi năm xấp xỉ 1,3 tỷ USD có vai trò quan trọng giúp ông duy trì sự hài lòng của các sĩ quan quân sự và an ninh cũng như các nhân sự quản lý chủ chốt. Ông công khai ủng hộ quyền có nhà nước độc lập của người Palestine và phản đối việc mở rộng các khu định cư của Israel tại các vùng đất của Palestine đã bị họ chiếm đóng. Tuy nhiên, ông cân bằng quan điểm này bằng chính sách âm thầm, hỗ trợ Israel dùng chính quyền Palestine do Fatah dẫn đầu – vốn quản lý khu Bờ Tây – chống lại tổ chức Hồi giáo Hamas vốn kiểm soát Dải Gaza từ giữa năm 2007. Ông cũng giúp Israel thực hiện việc phong tỏa phi pháp Gaza, gây thiệt hại cho toàn thể 1,5 triệu người dân ở đó, để làm suy yếu chính quyền Hamas – lực lượng bị Israel và bộ phận quốc tế ủng hộ Israel lên án là một “tổ chức khủng bố” (về Hamas, xem Milton-Edwards và Farrell 2010; Tamini 2007). Ông vẫn phớt lờ thực tế rằng Hamas đã chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử dân chủ của Palestine vào tháng 01/2006. Hơn thế nữa, ông tán thành việc Washington và Luân-đôn trợ giúp chiến dịch quân sự của Israel năm 2006 chống lạiLi-băng nhằm đập tan tổ chức Hezbollah do Iran và Syria hậu thuẫn, nhưng cuối cùng không thành công.[4] Mubarak đương nhiên phản đối cuộc xâm lược Iraq năm 2003 do Mỹ dẫn đầu, nhưng lại phối hợp với chính quyền Bush trong việc hành hạ và tra tấn. Nói chung ông cùng phe với lực lượng Ả-rập bảo thủ và hạ thấp chính sách của Nasser về chủ nghĩa dân tộc Ả-rập, thậm chí còn hạ thấp hơn so với những gì Sadat đã làm.
Dẫu vậy, sau tất cả những gì đã làm Mubarak không thu được kết quả khả thi và ổn định gì về vấn đề Palestine. Ông không thể đẩy Israel lùi về biên giới trước năm 1967 của họ để tạo điều kiện hình thành nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông-Jerusalem. Điều này khiến ông rất dễ bị những người Ai Cập và Ả-rập trong vùng cho là thân Israel và thân Mỹ chỉ để duy trì quyền lực của mình, hơn là vì bất kỳ mục đích nào khác. Theo các cuộc khảo sát ý kiến công chúng khác nhau, phần đông giới trẻ Ai Cập ngày càng cho rằng chính sách của ông là tai hại, và khá đông người cao tuổi Ai Cập cảm thấy nhục nhã vì đất nước họ đã đánh mất phẩm vị trí lãnh đạo thế giới Ả-rập mà Ai Cập từng có (xem Dowik 2001; Makar 2007). Họ cũng ngày càng lo lắng trước thực tế rằng 3 nhà nước phi-Ả-rập là Israel, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên có ảnh hưởng hơn Ai Cập trong việc định hình chính trị tại khu vực. Bị tước đoạt quyền bầu cử (thực sự), bị đàn áp và bị bỏ rơi bởi các chính sách của ông Mubarak, tất cả những gì mà nhân dân Ai Cập cần bây giờ chỉ là một cú hích.
Cú hích ấy đã đến sớm, dưới hình thức là các cuộc phản kháng và biểu tình ở Tunisia sau vụ tự thiêu ngày 17/12/2010 của Mohammed Bouazizi – một người bán hoa quả bất mãn với chính phủ. Ngày 14/01/2011, tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali đã bỏ chạy khỏi đất nước và ông Arm Musa – Chủ tịch Liên đoàn Ả-rập, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập – đã thốt lên rằng “tinh thần Ả-rập đã vỡ”. Tại Diễn đàn Kinh tế Ả-rập diễn ra ở Ai Cập, ông Musa đã đổ lỗi cho “nghèo đói, thất nghiệp và suy thoái kinh tế”. Ông khẳng định rằng “cuộc cách mạng ở Tunisia không xa chúng ta” và cảnh báo rằng “các công dân Ả-rập đang giận dữ và tuyệt vọng chưa từng thấy”, rằng vấn đề chỉ có thể giải quyết được bởi một “cuộc phục hưng” Ả-rập (xem Slackman and El-Naggar 2011). Ông đặt vấn đề rất kịp thời, ngoại trừ với tư cách là một nhà ngoại giao lão luyện ông tránh nhận xét rằng áp bức chính trị và tham nhũng là nguyên nhân chính sâu xa, điều mà hầu hết các nhà lãnh đạo ngồi đó phải chịu trách nhiệm. Ông già 82 tuổi Mubarak cũng ngồi đó với các nguyên thủ khác, nhưng ông tự tin về nền cai trị của mình đến mức không đề cập tới cuộc cách mạng ở Tunisia, chứ đừng nói là hiểu thông điệp của ông Musa.
Không lâu sau, khi 18 ngày nổi dậy tự phát của quần chúng chưa từng thấy trong lịch sử Ai Cập trôi qua, Mubarak biết rằng mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc vào ngày 11/02/2011 phải trao lại quyền lực cho Bộ Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang – do vị Bộ trưởng Quốc phòng cao niên và đã phục vụ lâu năm của mình là Tổng tư lệnh Mohamed Hussein Tantawi nắm giữ, để điều hành sự quá độ của Ai Cập sang dân chủ. Như vậy, nền cai trị của Mubarak – vốn mang lại cho Ai Cập gần 30 năm hòa bình và an ninh, nhưng đổi lại không có những cải cách dân chủ, phát triển kinh tế-xã hội công bằng và một chính sách ngoại giao năng động – đã kết thúc đột ngột và gần như nằm ngoài mọi dự báo.
Mubarak ra đi cùng một cách với hai nhà độc tài được phương Tây hậu thuẫn trước đó ở Trung Đông: Ben Ali ở Tunisia và quốc vương Mohammad Reza Shah Pahlavi ở Iran. Có một số tương đồng nhất định giữa cuộc cách mạng 1978-1979 ở Iran và cuộc nổi dậy ở Ai Cập. Cũng như cuộc cách mạng ở Iran, hiện tượng ở Ai Cập đã nổ ra tự phát mà không có bất kỳ cá nhân hay tổ chức cụ thể nào dẫn đầu, và nhắm vào một kẻ cai trị được phương Tây hậu thuẫn, người có sự lãnh đạo chuyên quyền và hành vi chính sách tạo ra những điều kiện mà người dân không thể chịu đựng được nữa. Người dân Iran đã mất 25 năm huy động sức mạnh chống lại quốc vương Shah kể từ khi ông lên ngôi nhờ Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vào năm 1953 (xem Saikal 2009: trang 44-45), và điều tương tự ít nhiều cũng đúng với người Ai Cập.
Người dân Ai Cập giờ đây phải đối mặt những lựa chọn và ưu tiên khó khăn, phải vật lộn với hàng loạt biến động khó lường, bao gồm việc quân đội có muốn và có thể góp sức cho một cuộc chuyển giao êm thấm hay không, khi mà trong lịch sử quân đội hiếm khi là tác nhân thay đổi dân chủ. Quá trình này có lẽ đầy trắc trở, khó khăn và đau đớn, nhưng kết quả cuối cùng có lẽ sẽ là một trật tự mới cởi mở và đa nguyên, cùng tác động to lớn đến bức tranh địa-chính trị Trung Đông. Liệu nhân dân Ai Cập và những người Ả-rập đồng cảnh với họ có thể dựng lại tinh thần Ả-rập và góp tiếng nói quan trọng mà họ xứng đáng có được nhằm định hình đời sống chính trị của mình theo các con đường dân chủ hay không?
Các triển vọng dân chủ
Cũng như quốc vương Iran, ông Mubarak để lại một Ai Cập không có truyền thống dân chủ và không có các nền tảng thể chế và quy trình cần thiết – chẳng hạn một khung pháp lý thích hợp, sự thượng tôn pháp luật, sự phân chia quyền lực, tư pháp độc lập, xã hội dân sự sôi động, những cam kết được Hiến định và sự tôn trọng thiểu số – những yếu tố giúp đơn giản hóa quá trình chuyển tiếp sang một nền dân chủ. Trong tình thế như vậy, luôn có một nguy cơ hình thành khoảng trống quyền lực mà một nhóm người được tổ chức tốt, với hệ tư tưởng phù hợp với xã hội và văn hóa, có thể lấp vào và lái cuộc cách mạng trệch khỏi mục tiêu ban đầu. Đấy là những gì đã xảy ra ở Iran, giúp một Ayatollah Rohullah Khomeini đầy sức hút, nổi tiếng và khôn khéo về chính trị cùng với những trợ thủ của mình giành được vị thế lãnh đạo cuộc cách mạng từ giữa năm 1978 và lái nó từ một cuộc cách mạng chống nền quân chủ nhằm mưu cầu tự do và các quyền dân chủ thành một cuộc cách mạng Hồi giáo nhằm thiết lập một trật tự thần quyền có chủ trương chống-Mỹ và chống-Israel. Khomeini đã lợi dụng sự giận dữ của nhân dân Iran đối với sự ủng hộ mà Mỹ dành cho quốc vương Pahlavi, quan hệ mật thiết của quốc vương này với Israel, và sự hậu thuẫn không hạn chế của Mỹ dành cho Israel, để đạt được các mục tiêu Hồi giáo của mình. Sai lầm của Washington khi không đoạn giao với chính quyền Pahlavi trước khi quá muộn và không hỗ trợ các lực lượng dân chủ vốn đã dẫn dắt cuộc cách mạng ngay từ đầu, đã góp phần quan trọng giúp Khomeini và những trợ thủ của ông giành chiến thắng, đồng thời gieo mầm thù địch giữa Mỹ và Iran vốn dai dẳng cho tới nay, gây cho Washington và Jerusalem nhiều bất an (về cuộc cách mạng Iran và những hệ quả của nó, xem thêm Saikal 2009: trang xix-xxxvii).
Tương tự, cuộc cách mạng ở Ai Cập dễ bị tiếp quản bởi một tổ chức cụ thể như trường hợp cuộc cách mạng ở Iran, đặc biệt là nếu Ai Cập vẫn bế tắc chính trị và quá trình chuyển tiếp không được thực hiện một cách có trách nhiệm và hiệu quả. Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, thường được quảng bá như là phong trào được tổ chức tốt nhất và nổi tiếng nhất, có khả năng lợi dụng tình trạng hỗn độn hiện nay. Tuy nhiên Huynh đệ Hồi giáo không có vị thế thuận lợi như tổ chức chính trị hồi giáo của Khomeini đã có ở Iran. Mặc dù được chính quyền Mubarak hết sức đề cao, tổ chức này vẫn bị chia rẽ. Họ là tập hợp của nhiều bộ phận người người theo tư tưởng chính trị Hồi giáo, từ cấp tiến cho tới thực dụng-bảo thủ và ôn hòa, nhưng hai bộ phận sau chiếm đa số (xem Brown 2011). Vì thế họ không có một người lãnh đạo đầy sức hút và nổi tiếng như Khomeini để tập hợp thành một tập thể đoàn kết. Do thiếu số liệu đáng tin cậy, có một ước đoán cho rằng số lượng thành viên cơ bản của họ là 100 nghìn, dù con số 200 nghìn có vẻ hợp lý hơn, và tổ chức này có khả năng giành được 30% phiếu bầu trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng (xem Pargeter 2011; Rubin 2010).
Mặc dù có một số khác biệt về tư tưởng và hành động giữa tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, bây giờ được đại diện bởi Đảng Tự do và Công lý, với nhóm Salafi, vốn gần đây đã lập đảng Nour, nhưng cả hai đều là những nhóm chính trị Hồi giáo, cổ súy chính trị Hồi giáo làm nền tảng cho sự chuyển đổi của Ai Cập. Theo một kết quả khảo sát ý kiến công chúng của Aljazeera đưa ra ngày 07/07/2011, 47% số người bầu chọn đã ưu tiên tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, 27% khác ủng hộ nhóm Salafi (xem IkhanWeb 2011). Nếu tình hình cho phép, một số người trong phe Salafi có thể muốn liên minh với Huynh đệ Hồi giáo để Huynh đệ Hồi giáo giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nghị viện vào tháng 11/2011 và tạo thành chính phủ cầm quyền đứng đầu bởi một thủ tướng thuộc hàng ngũ của họ hoặc phụ thuộc vào họ. Cho tới nay, Huynh đệ Hồi giáo đã phủ nhận ý định cử ứng viên tham gia cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng điều này không có nghĩa là họ sẽ không hậu thuẫn các ứng cử viên mà họ thích. Nếu Huynh đệ Hồi giáo và Salafi vẫn tiếp tục đà phát triển hiện nay thì các lực lượng thế tục ủng hộ dân chủ vốn lãnh đạo cuộc cách mạng có lẽ khó mà giành thắng lợi trước họ, bởi các lực lượng này thiếu sức mạnh có tổ chức cần thiết và thiếu sức hút quần chúng.
Tuy nhiên, nếu Huynh đệ Hồi giáo có thể thắng cử, thì có vẻ như họ không thể hoặc không muốn đưa Ai Cập vào con đường trật tự thần quyền – tương tự những gì đã diễn ra tại Iran. Với tư cách là đảng lâu đời nhất, thành lập năm 1928, họ đã học được từ trải nghiệm cay đắng rằng nếu không duy trì được sự ủng hộ của quần chúng đối với các chính sách của mình thì họ có ít cơ hội nắm quyền lâu dài. Giới lãnh đạo chủ chốt của đảng dường như vừa thay đổi chủ trương sang mưu cầu những mục tiêu và những ưu tiên chính sách thực tiễn theo hướng trung-hữu. Họ phải đối mặt với một Ai Cập mới, nơi mà địa hạt chính trị vừa mở ra cho chủ nghĩa đa nguyên chính trị, vừa phải hoạt động dưới những ràng buộc mà sự phát triển như thế mang lại. Chính trị Ai Cập giờ đây được tạo thành bởi các luồng tư tưởng và chính trị khác nhau, với giới trẻ có nhận thức chính trị cao hơn và gắn kết chưa từng thấy. Ngoài ra, cần chú ý rằng từ 10% đến 15% dân số là những người Thiên chúa Coptic, nhiều người trong số này ủng hộ các cuộc phản kháng của quần chúng chống lại Mubarak, và là những người sẽ không chấp nhận một trật tự chính trị Hồi giáo do Huynh đệ Hồi giáo dẫn đầu. Cũng không thể bỏ qua thực tế rằng giới lãnh đạo quân đội của Ai Cập ủng hộ thế tục và có quan hệ mật thiết với Mỹ.
….
Những hệ quả xa hơn
Kết luận
Tài liệu tham khảo
Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Doc tai, cach mang va dan chu – Ai Cap.pdf
[1] Để biết thêm đánh giá của người trong cuộc về thời gian tại vị của Sadat, xem Beattie (2000) và Heikal (1983).
[2] Ông Mubarak có lẽ ghi nhớ thực tế rằng ông Bourguiba ở Tunisia – nhà lãnh đạo Ả-rập cuối cùng chọn đích danh người kế nhiệm mình là ông Ben Ali – đã bị chính người kế nhiệm ấy phế truất.
[3] Để biết thêm ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với Ai Cập và các chính sách gần đây của nước này, xem American Chamber of Commerce in Egypt (2010) và Bowker (2010).
[4] Để biết thêm về Hezbollah, xem Norton (2007) và Noe (2007).