Nguồn: Jeffrey Record (2007). “The Use and Abuse of History: Munich, Vietnam and Iraq”, Survival: Global Politics and Strategy, Vol. 49, No.1, pp. 163-180.
Biên dịch và Hiệu đính: Vũ Minh Đức
Tháng 8 năm 1990 đã chứng kiến một sự triển khai lực lượng đồng minh quan trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai mà sau này lịch sử sẽ phán xét… Nửa thế kỷ trước, thế giới đã có cơ hội để chặn đứng một kẻ hiếu chiến tàn bạo nhưng đã bỏ lỡ nó. Tôi xin thề với các bạn là chúng ta sẽ không phạm phải sai lầm đó một lần nữa.
Tổng thống Mỹ George H.W. Bush, 20/8/19901
Nói một cách đơn giản là không còn nghi ngờ gì nữa về việc Saddam Hussein hiện đang sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cũng không còn nghi ngờ gì về việc hắn ta đang sử dụng những vũ khí đó chống lại bạn bè và đồng minh của chúng ta cũng như chống lại chúng ta.
Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney, 26/8/ 20022
Bài đang hotIraq là một Việt Nam của George Bush.
Thượng nghị sỹ Edward M. Kenedy, 5/4/20043
Trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc chiến Iraq lần thứ hai của Mỹ vào năm 2003, cả bên ủng hộ lẫn bên phản đối đều đưa ra những tương đồng mang tính lịch sử của sự kiện Munich và cuộc chiến Việt Nam để biện minh cho ý kiến của mình. Những lập luận này nghe quen thuộc và có thể dự đoán trước được – Sự kiện Munich đã được viện dẫn trong các cuộc tranh luận về quyền sử dụng quân đội của Tổng thống kể từ sau khi xảy ra cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950, và sau đó lập luận này được nâng cao hơn nữa do sự so sánh với trường hợp Việt Nam kể từ những năm 1960.
Những người ủng hộ cuộc chiến Iraq đưa ra hậu quả của việc các nền dân chủ nhân nhượng những mầm mống đe dọa của chủ nghĩa quốc xã trong giai đoạn những năm 1930 và khẳng định chiến tranh là cần thiết để xóa bỏ Tổng thống Iraq Saddam Hussein trước khi ông ta có được vũ khí hạt nhân và sẽ dùng nó để đe dọa hoặc thậm chí tấn công nước Mỹ. Kinh nghiệm của trường hợp Munich là hành động sớm và quyết liệt để chống lại những mối đe dọa đang tăng lên. Người ta đã có thể tránh được Chiến tranh thế giới lần thứ hai nếu như phe dân chủ sẵn sàng chiến đấu vì Tiệp Khắc năm 1938; nhưng thay vào đó, người ta lại dâng những phần lãnh thổ quan trọng của Tiệp Khắc cho Hitler khiến cho y cảm thấy thèm khát hơn nữa. Do vậy hành động quân sự chống lại Saddam khi ông ta chưa có vũ khí hạt nhân vào năm 2003 sẽ dễ dàng và ít rủi ro hơn cuộc chiến với Saddam khi ông ta đã có vũ khí hạt nhân sau đó rất nhiều. Chiến tranh với Saddam là không thể tránh khỏi cũng như cuộc chiến với Hitler, vậy thì nên hành động ngay bây giờ khi điều kiện đang thuận lợi.“Chúng ta không có nhiều thời gian”, như Tổng thống George Bush đã tuyên bố trong Thông điệp Liên bang vào tháng Giêng năm 2002.“Tôi sẽ không đứng chờ khi nguy hiểm ngày càng tăng. Tôi sẽ không để yên khi mối đe dọa ngày càng đến gần. Nước Mỹ sẽ không cho phép một chế độ nguy hiểm nhất trên thế giới đe dọa chúng ta với những vũ khí nguy hiểm nhất trên thế giới”.4
Những người phản đối hoặc hoài nghi thì tranh luận rằng Saddam Hussein chẳng đe dọa an ninh của nước Mỹ tới mức cần tới một cuộc chiến và việc Mỹ xâm lược Iraq sẽ có khả năng rủi ro sa lầy như ở Việt Nam. Cũng như ở Việt Nam, các lực lượng quân đội Mỹ có thể bị hút vào một cuộc chiến kéo dài và không thể chấm dứt sớm được khi muốn xây dựng một nhà nước Iraq có tính chính danh về chính trị và có khả năng về quân sự để có thể đứng vững sau khi quân đội Mỹ rút đi. Việc Mỹ đã thất bại sau 20 năm với nhiều tỷ đô-la ở miền Nam Việt Nam cho thấy khả năng thành công ở Iraq là rất khó. Hơn nữa tại đây Mỹ còn gặp nhiều bất lợi hơn so với tại Việt Nam. Chuyên gia về Trung Đông Sandra Mackey đã cảnh báo trước khi xảy ra cuộc chiến Iraq rằng:
Đã tham gia vào một cuộc chiến chống khủng bố tại một xã hội bộ lạc khác (Afghanistan), nước Mỹ không nên lao vào cuộc chiến Iraq một cách mù quáng như đã từng làm ở Việt Nam… Bóng ma Việt Nam treo lơ lửng tại Iraq… Trong một thời đại mới của kinh nghiệm nước Mỹ bắt đầu với sự kiện ngày 11/9/2001, nước Mỹ không nên bị dụ dỗ bởi ảo tưởng về sức mạnh quân sự của mình hoặc bởi niềm tin ngây thơ rằng thế giới bên ngoài có thể được đơn giản hóa và điều khiển được.5
Bóng ma Munich
Những người ra quyết định và những người chỉ trích họ dùng sự tương đồng mang tính lịch sử nhằm diễn giải các sự kiện mới cũng như dùng sự tương đồng này nhằm lôi kéo sự ủng hộ của dư luận.6 Quyết định của Tổng thống về việc có sử dụng sức mạnh quân đội hay không trong khủng hoảng tất nhiên có hàng vạn yếu tố ảnh hưởng như cá tính, sự cố vấn về mặt quân sự, có hay không có những tiền lệ trước đó, những nguyên tắc chung, các phản ứng có thể có của đối phương và các cân nhắc ở trong nước về mặt chính trị. Nhưng chúng cũng có thể và thường là bị ảnh hưởng bởi các ý kiến dưới dạng các mục tiêu đang được theo đuổi (ví dụ như hòa bình dân chủ thế giới) hay các bài học kinh nghiệm trong quá khứ (ví dụ như việc nhân nhượng sự hiếu chiến sẽ làm cho nó thêm nghiêm trọng hơn). Như Woodrow Wilson tham chiến ở châu Âu nhằm đảm bảo cho dân chủ trên thế giới, Harry Truman và Lyndon Johnson cũng tham gia các cuộc chiến ở châu Á bởi họ tin tưởng rằng kinh nghiệm của Munich không cho họ sự lựa chọn nào khác. Thực ra, các đời tổng thống từ Truman đến George W. Bush liên tục thấy mình ở trong các tình huống khủng hoảng mà họ cho rằng không có hành động quân sự sẽ dẫn đến rủi ro là nhân nhượng đối với một mối đe dọa hiếu chiến, và sau đó hộ kêu gọi dư luận ủng hộ việc sử dụng vũ lực bằng cách viện dẫn tới so sánh với trường hợp Munich.
Sự so sánh này được sử dụng cho mọi tình huống đe dọa hoặc sử dụng vũ lực của Mỹ trên thực tế trong suốt hai thập kỷ của Chiến tranh Lạnh cũng như các quyết định tấn công Iraq vào năm 1991 và 2003. Trường hợp Munich đã dập khuôn tư duy của các chính quyền thời Chiến tranh Lạnh từ Truman đến George W.Bush. Đối với Truman, nó dẫn đến sự can thiệp vào Triều Tiên: “Chủ nghĩa cộng sản đang hành động tại Triều Tiên như Hitler và người Nhật đã hành động 10, 15, 20 năm trước”.7 Một năm sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Tổng thống Dwight Eisenhower dẫn chứng “hiệu ứng đô-mi-nô” về chiến thắng của cộng sản ở Đông Dương thuộc Pháp đối với phần còn lại của Đông Nam Á, đưa trường hợp Munich ra trong lời kêu gọi sự tham gia quân sự của Anh – Mỹ: “Chúng ta đã không ngăn chặn Hirohito, Mussolini và Hitler bởi vì thiếu sự hành động thống nhất và kịp thời… Chẳng phải chúng ta đã ngộ ra được điều gì đó từ bài học ấy sao?”8 Tổng thống John F. Kenedy viện dẫn tới trường hợp Munich trong khủng hoảng tên lửa ở Cuba, cảnh báo rằng: “Những năm 1930 cho chúng ta một bài học rằng: sự hiếu chiến nếu được dung thứ và không bị kiểm soát, sẽ chắc chắn dẫn tới chiến tranh”.9
Không có gì đáng nghi ngờ rằng sự kiện Munich đã dẫn nước Mỹ vào Việt Nam. Tổng thống Johnson nói với Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara rằng nếu như Mỹ rút khỏi Việt Nam, “các quân bài đô-mi-nô sẽ đổ và một phần của thế giới sẽ trở thành cộng sản”.10 Johnson sau đó nói với nhà sử học Doris Kearns rằng “tất cả những gì về lịch sử mà tôi biết nói với tôi rằng nếu tôi rút khỏi Việt Nam và để cho Hồ Chí Minh có mặt tại đường phố Sài Gòn, thì tức là tôi đang làm chính xác như Chamberlain, tức là trao phần thưởng lớn cho sự hiếu chiến”.11 Chính quyền của Richard Nixon cũng tin tưởng rằng trường hợp Munich áp dụng đối với Việt Nam là phù hợp. Trong hồi ký của mình, Nixon dẫn chứng sự lên án của Churchill đối với Hiệp định Munich 1938 và sau đó kết luận rằng “việc dâng Tiệp Khắc cho Hitler năm 1938 là một sự phản bội rõ ràng như việc dâng Nam Việt Nam cho cộng sản mà nhiều người đã chủ trương vào năm 1965”.12
Reagan thì thấy ở Liên Xô một sự tái diễn những thách thức mà các nền dân chủ phải đối mặt những năm 1930 và viện dẫn trường hợp Munich nhằm biện minh cho việc chạy đua vũ trang của Mỹ cũng như sự can thiệp vào Grenada và khả năng can thiệp vào Nicaragua. “Một trong những bi kịch lớn nhất của thế kỷ này”, ông nói trong bài phát biểu năm 1983, “đó là chỉ sau khi cán cân quyền lực bị phá vỡ và kẻ thù tàn bạo là Adolf Hitler đã tính toán kỹ lưỡng các rủi ro có thể có và sau đó quyết định tấn công thì người ta mới nhận ra sự quan trọng của một nền quốc phòng vững chắc”.13 Tương tự, G.H.W. Bush nhìn thấy ở Saddam Hussein một bóng dáng của Hitler người Ả-rập mà sự hiếu chiến của ông ta đối với Cô-oét, nếu không được xử lý, sẽ dẫn tới các hành động gây chiến khác ở vùng Vịnh Ba Tư. Trong tuyên bố gửi lực lượng của Mỹ tới Ả-rập Xê-út để phản ứng lại việc xâm chiếm Cô-oét của Saddam Hussein, ông tuyên bố “nếu như lịch sử có dạy chúng ta điều gì thì đó chính là việc chúng ta phải chống lại sự hiếu chiến hoặc là nó sẽ tiêu diệt tự do của chúng ta. Nhượng bộ không mang lại kết quả. Tương tự như những năm 1930, chúng ta thấy ở Saddam Hussein một kẻ độc tài hiếu chiến đang đe dọa các nước láng giềng”.14
Bóng đen Việt Nam
Thất bại của Mỹ ở Việt Nam tạm thời làm đứt đoạn việc viện dẫn chứng cứ Munich mà Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Dean Rusk đã dùng để thuyết phục cử tri Mỹ rằng Hoa Kỳ cần phải can thiệp vào Việt Nam. Hóa ra là chẳng có sự giống nhau nào giữa Hồ Chí Minh và Hitler, Bắc Việt Nam và Đức Quốc xã, giữa Đông Nam Á những năm 1960 và châu Âu những năm 1930 cả.
Thất bại của Mỹ ở Việt Nam cung cấp một sự so sánh rất mạnh mẽ khác tác động tới việc sử dụng sức mạnh quân sự của tổng thống sau này. Nếu như sự kiện Munich biện minh cho việc can thiệp quân sự sớm và mạnh mẽ chống lại những kẻ hiếu chiến thì kinh nghiệm ở Việt Nam lại cho thấy cần thận trọng đối với sự can thiệp quân sự trong những tình huống mà cả việc đảm bảo những quyền lợi về an ninh quốc gia lẫn tính quyết định của ưu thế quân sự không rõ ràng. Trường hợp Việt Nam cảnh báo việc can thiệp vào các cuộc xung đột tại Thế giới thứ Ba phức tạp, đặc biệt là những nơi được hun đúc bởi tinh thần dân tộc, và (nếu các cuộc xung đột đó) được tiến hành một cách không đối xứng. Như Christopher Hemmer đã nói một cách ngắn gọn: “một nhà hoạch địch chính sách cảm nhận một thách thức ở bên ngoài như là thách thức mà Hitler đã gây ra sẽ có khả năng ủng hộ một chính sách cứng rắn hơn so với một người cảm nhận thách thức đó từ kinh nghiệm của Việt Nam vào những năm 1960”.15
Việt Nam tạo ra một sự ác cảm sâu sắc đối với việc sử dụng vũ lực cũng như một xu hướng mới là khi việc sử dụng vũ lực là không thể tránh khỏi, sử dụng nó ở mức tối thiểu cần thiết để đạt mục đích.16 Tổng thống Reagan đã chê bai cái gọi là “hội chứng hậu Việt Nam” hoặc “sự phản đối việc sử dụng vũ lực ở nước ngoài với bất kỳ lý do gì của nhiều nghị sỹ bởi kinh nghiệm của nước ta tại Việt Nam”.17
Trong trường hợp Tổng thống Bill Clinton, chính cơ quan hành pháp chứ không phải Quốc hội là nơi phản đối việc sử dụng vũ lực. Chính quyền đầu tiên do một tổng thống thuộc thế hệ chiến tranh Việt Nam đứng đầu hình như đã tê liệt khi đối mặt với sự hiếu chiến của Serbia và sự tàn bạo tại Nam Tư cũ. Khi Mỹ cuối cùng buộc phải hành động tại Bosnia và sau đó là Kosovo, họ tiến hành với cách thức giảm thiểu tối đa thiệt hại về người (chủ yếu dựa vào không kích) bất chấp cả việc có hoàn thành được mục tiêu hay không.
Nếu như trường hợp so sánh với Munich luôn song hành với các quyết định chính thức về việc sử dụng vũ lực thì sự so sánh với Việt Nam, được củng cố bởi thất bại của quân Mỹ tại Libăng năm 1982 và Somalia năm 1993, đã trở nên phổ biến đối với những người phản đối việc can thiệp quân sự. Thực ra, hiệu ứng đóng băng về mặt nhiệt tình của Mỹ đối với việc sử dụng vũ lực đã được thể hiện rõ trong học thuyết của Weinberger được công bố năm 1984 và sau đó được Colin Powell phát triển khi trở thành Chủ tịch Hội đồng Tư lệnh Liên quân. Sáu “bài kiểm tra” của Weinberger và sự nhấn mạnh của Powell về “sức mạnh áp đảo” thể hiện rõ việc tiếp thu các bài học ở Việt Nam của giới quân nhân chuyên nghiệp.
“Rủi ro lặp lại một Việt Nam khác” là một tranh luận có trọng lượng chống lại các hành động quân sự. Những người phản đối sự can thiệp của Mỹ vào Libăng và Trung Mỹ những năm 1980, vào Bosnia và Kosovo những năm 1990 đều cảnh báo về nguy cơ xảy ra một Việt Nam khác. Thực ra, chính quyền Bill Clinton từ chối triển khai quân Mỹ trên bộ tại bán đảo Ban-căng vì sợ bị kéo vào một cuộc chiến tranh kéo dài và đẫm máu. Trong thời gian chuẩn bị cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991, G.H.W. Bush cũng thấy cần thiết phải đảm bảo với nhân dân Mỹ rằng Chiến dịch Bão táp Sa mạc không kéo theo rủi ro nào lớn về một Việt Nam ở khu vực Ả-rập vì Hoa Kỳ không có ý định liên quan tới việc nội bộ của Iraq hậu chiến. Hoa Kỳ chỉ đơn giản muốn giải phóng Cô-oét chứ không phải tiến về Baghdad để dựng nên chính quyền mới tại Iraq. Khi kết luận về Chiến dịch Bão táp Sa mạc, Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Dick Cheney đã bảo vệ quyết định hạn chế cuộc chiến một cách khá tiên tri như sau:
Nếu như bạn muốn vào và bắt Saddam Hussein, bạn sẽ phải đến Baghdad.Một khi bạn đến Baghdad, cũng không rõ là bạn sẽ làm gì.Không rõ là có thể lập nên một chính quyền như thế nào thay thế cho chính quyền hiện nay.Đó sẽ là chế độ của người Shia, người Sunni hay người Kurd? Một chính quyền nghiêng về phía đảng Baath, hay là về phía người Hồi giáo chính thống? Chính quyền đó có mức độ tín nhiệm đến đâu nếu do quân đội Mỹ dựng nên? Quân đội Mỹ sẽ phải ở lại đó bao lâu để bảo vệ những người làm việc cho chính quyền đó và điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta rút đi? 18
Mười hai năm sau đó, chính quyền G.W.Bush và những người ủng hộ đã phản đối ý định tiến hành cuộc chiến thứ hai với Iraq liên quan tới việc tiến về Baghdad và thay đổi chế độ vì việc này có thể dẫn tới rủi ro xảy ra một Việt Nam khác. Thậm chí một năm sau những cuộc nổi dậy bất ngờ mà Hoa Kỳ phải đối mặt tại Iraq, tổng thống vẫn từ chối bất kỳ sự so sánh nào. Tại buổi họp báo ngày 13 tháng 4 năm 2004, một nhà báo nêu vấn đề “một số người đang so sánh Iraq với Việt Nam và nói về một sự sa lầy” và hỏi Bush rằng: “Ngài trả lời về việc so sánh với Việt Nam như thế nào?” Tổng thống nói: “Tôi nghĩ sự so sánh đó là sai lầm”.19
Soi đèn vào trường hợp Iraq
Trong quá trình chuẩn bị Chiến dịch Tự do cho Iraq, những người ủng hộ chiến tranh tập trung không phải vào vấn đề rủi ro dẫn tới một Việt Nam khác mà là vào sự cần thiết phải có cuộc chiến với dẫn chứng về các bài học của Munich. Richard Perle, một chủ tịch rất có ảnh hưởng của Hội đồng Chính sách Quốc phòng và là một người có quan điểm bảo thủ, tranh luận tại một cuộc phỏng vấn vào năm 2002 rằng:
Việc hành động nhằm xóa bỏ Saddam có thể giải quyết sớm được một vấn đề mà chúng ta luôn luôn lo lắng: đó là việc sử dụng vũ khí hóa học và sinh học. Nhưng mối nguy phát sinh từ việc này chỉ trở nên rõ ràng khi hắn phát triển kho vũ khí của mình. Một cuộc tấn công phủ đầu chống lại Hitler tại thời điểm của sự kiện Munich có nghĩa là sẽ xảy ra chiến tranh ngay lúc đó thay vì một cuộc chiến sau này.Mà cuộc chiến sau này thì tồi tệ hơn rất nhiều.20
Cũng trong tháng đó, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng: ‘hãy nghĩ về các quốc gia đã nói rằng: “chúng ta chưa có đủ chứng cứ tại thời điểm đó”. Cuốn sách Mein Kampf (Cuộc chiến đấu của tôi) đã được viết. Hitler đã cho thấy việc hắn định làm gì. Có thể hắn sẽ không tấn công chúng ta…Đấy, hàng triệu mạng sống đã mất đi do những tính toán sai lầm như vậy’. Sau đó, ông ta nói thêm: ‘có thể Winston Churchill đã đúng. Có lẽ tiếng nói đơn độc thể hiện sự lo lắng về những gì đang diễn ra đã đúng’.21 Trong tối hậu thư của mình ngày 17 tháng 3 năm 2003, Bush đã nói cụ thể rằng “trong thế kỷ 20, một số người đã chọn cách nhân nhượng những tên độc tài tàn bạo mà mối đe dọa của chúng đã trở thành nạn diệt chủng và chiến tranh thế giới”.
Khi đối mặt với Saddam Hussein, chính quyền Bush và những người bảo thủ mà những nền móng tri thức của họ đã hình thành nên chính sách đối ngoại hậu 11-9-2001 của chính quyền, đã khẳng định rằng Hoa Kỳ đang đối diện với mối đe dọa giống như của Hitler và đòi hỏi phải có phản ứng như kiểu Churchill.22
Nhưng liệu có đúng như vậy không? Sự so sánh với Munich có thông tin đầy đủ cho dư luận về mối đe dọa của Iraq hay là “nó được triển khai một cách hời hợt nhằm hạ bệ những đối thủ chính trị cũng như nhằm đe dọa những kẻ thù mà trên thực tế chẳng hề gây hại gì cho chúng ta cả?”như nhà sử học về Chiến tranh Thế giới lần thứ hai Gerhard Weinberg đã tranh luận.23 Và hậu quả của việc Saddam Hussein sụp đổ là gì? Liệu những gì xảy ra sau giai đoạn đảng Baath cầm quyền tại Iraq có gì đó giống với kinh nghiệm của Mỹ tại Việt Nam hay là dẫn chứng Munich đã được các đối thủ chính trị của chính quyền Bush sử dụng như một âm mưu đáng ngờ?
Rõ ràng là có nhiều sự giống nhau giữa Saddam Hussein và Adolf Hitler. Cả hai đều là những nhà độc tài tàn bạo với những kế hoạch xâm lược. Cả hai đều hoạt động ở những khu vực có xung đột quan trọng chiến lược và cả hai đều gây hấn với các nước láng giềng của mình. Cả hai đều tính toán sai lầm về quyết tâm cũng như thực lực của các đối thủ chính.
Tuy vậy, sự khác biệt lớn hơn rất nhiều những tương đồng. Hitler lãnh đạo một quốc gia công nghiệp phát triển và hùng mạnh nhất châu Âu và phải cần có sự hợp lực giữa cả Hoa Kỳ, Liên Xô và Anh để có thể làm hắn thất bại sau bốn năm chiến tranh đẫm máu với quy mô chưa từng thấy trước đó và sau này. Ngược lại, liên quân chiến thắng Iraq của Saddam Hussein chỉ sau có 3 tuần với tổn thất khoảng 200 sinh mạng.
Hơn nữa, cho đến năm 1939 thì không hề có một cố gắng nào nhằm ngăn chặn Hitler vi phạm các điều khoản của Hiệp ước Versailles kể cả việc tái vũ trang nước Đức, quân sự hóa vùng sông Ranh, sát nhập Áo và nuốt chửng phần lãnh thổ nói tiếng Đức thuộc Tiệp Khắc. Vào thời điểm Hitler xâm lược Ba Lan, hắn có lý do để tin rằng Anh và Pháp sẽ tiếp tục án binh bất động như trường hợp Munich. Ngược lại, Saddam Hussein đã bị ngăn chặn một cách hiệu quả trong việc xâm chiếm lãnh thổ vào cuối cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991 do thực tế của cuộc chiến này cũng như do những đe dọa và hành động quân sự trên thực tế của Hoa Kỳ. Không như Hitler, Saddam Hussein sống tại một khu vực chịu ảnh hưởng của các siêu cường về quân sự thù địch với nhau – trái ngược với sự thống trị của Hitler đối với châu Âu vào mùa hè năm 1940.
Hiệp ước Munich trao chủ quyền về lãnh thổ của nền dân chủ cho một tên xâm lược không biết hối cải. Iraq sau cuộc chiến Vùng Vịnh không hề được gì ngoài sự trừng phạt sắt đá dưới các hình thức trừng phạt quân sự và kinh tế, ném bom tấn công và giới hạn nghiêm ngặt về mặt lãnh thổ. Sức mạnh về quân sự và kinh tế sụp đổ. Những người ủng hộ cuộc chiến Iraq lần thứ hai nói rằng việc không tiến hành các hành động quân sự chống lại Saddam Hussein là một sự nhân nhượng vì vậy là sai hoàn toàn với ý nghĩa của sự kiện Munich. Hitler không hề yếu hay bị ngăn chặn trong khi Saddam lại rất yếu và đã bị ngăn chặn. Ông ta chẳng thể tiến tới đâu cả, kể cả vượt qua đường biên giới quốc tế cũng như ngưỡng cửa hạt nhân.
Hiện nay chúng ta tất nhiên biết rõ rằng Iraq chẳng hề có vũ khí hóa học hay sinh học và thậm chí ngay trước cuộc chiến Iraq lần thứ hai thì đã có chứng cớ tương đối rõ về việc Saddam chẳng hề có chương trình hạt nhân nào đáng kể cả.24 Nhưng những vụ bê bối về chính trị xảy ra do việc không tìm ra được vũ khí hóa học, sinh học hay hạt nhân cũng bỏ qua một điểm mấu chốt: đó là cho dù Saddam có vũ khí hạt nhân thì cũng chẳng có lý do gì để tin rằng ông ta không bị ngăn chặn khi sử dụng chúng. Khác với những kẻ đánh bom liều chết, Saddam Hussein yêu quý bản thân ông ta hơn là thù ghét nước Mỹ, và ông ta lãnh đạo một đất nước chứ không phải một tổ chức khủng bố mờ ám. Có nghĩa là ông ta có những thứ có thể đảm bảo làm tin. Liệu có một sự trùng hợp nào đó với việc ông ta luôn rất cẩn thận tránh việc sử dụng vũ khí hóa học để chống lại những kẻ thù có vũ khí hạt nhân (là Mỹ và Israel trong cuộc chiến Vùng Vịnh)?
Hơn nữa, lập luận rằng ông ta tìm cách bàn giao vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân cho Al-Qaeda đã bị cường điệu hóa. Đa nghi giống như Stalin, Saddam Hussein thiếu tin tưởng Osama bin Laden một cách sâu sắc (và đây là tình cảm hai chiều) và sẽ không bàn giao chính loại vũ khí khiến cộng đồng quốc tế phải e ngại ông ta cho một tổ chức mà ông ta không kiểm soát được. Hoặc ông ta cũng không dám tin rằng có thể bàn giao các vũ khí đó mà không bị phát hiện hoặc tránh được sự trả đũa của Hoa Kỳ khi chúng được sử dụng. Thực ra theo như Ủy ban 9/11 thì: “không hề có chứng cứ nào về việc các mối liên hệ trước đó giữa Saddam Hussein và Al-Qaeda phát triển thành mối quan hệ hợp tác.”26 Đánh giá này được Rumsfeld nhắc lại vào tháng 10 năm 2004 khi tuyên bố rằng: “không có chứng cớ rõ ràng về sự liên hệ giữa Saddam Hussein và Al-Qaeda.”27
Vào mùa thu năm 2002 thì Saddam Hussein, khác xa với việc trở thành mối đe dọa đối với Hoa Kỳ, đã rất muốn tránh một cuộc chiến với nước Mỹ nên đã cho phép đoàn thanh tra của Liên Hiệp Quốc trở lại mà nếu như họ được phép tiến hành thanh sát thì chắc chắn sẽ cho thấy rằng “mối đe dọa nghiêm trọng và ngày càng tăng” về vũ khí giết người hàng loạt tại làng Potemkin là không hề có thật.
Tất nhiên, so sánh với sự kiện Munich không phải là sự biện minh duy nhất cho việc gây chiến tại Iraq. Luôn có một lý do về đạo đức trong việc hạ bệ nhà độc tài Iraq tàn bạo – một Hitler người Ả rập đang phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng chính mối đe dọa an ninh đối với nước Mỹ được mặc nhiên công nhận là cơ sở mà dựa vào đó cuộc chiến được tiếp thị tới Quốc hội và công chúng.
Tóm lại, sự so sánh với Munich không có liên quan gì tới trường hợp Iraq của Saddam Hussein năm 2002-03 hơn trường hợp Bắc Việt Nam của Hồ Chí Minh năm 1964-65. Thực ra, nếu tính tới sự hiếm hoi của những mối đe dọa kiểu Hitler – tức có kế hoạch xâm chiếm khu vực hoặc toàn cầu cùng với ưu thế quân sự để thực hiện chúng – thì việc so sánh với Munich thường đã bị áp dụng sai nhiều hơn là đúng nhằm phác họa mối đe dọa về an ninh.28
Vậy còn sự kiện Việt Nam? Nhiều nhà bình luận đã phát hiện ra sự tương đồng trên bề nổi: một cuộc chiến tranh chống nổi loại kéo dài, thiếu sự ủng hộ từ các đồng minh chính, thông tin tình báo sai lệch, tỷ lệ thương vong ngày càng tăng và tỷ lệ ủng hộ của cử tri trong các cuộc bầu cử ngày càng giảm.29 Rõ ràng là sự mong đợi về một chiến thắng quân sự nhanh chóng và sạch sẽ, đi kèm với sự chuyển giao quyền lực chính trị cho một chính phủ được đa số ủng hộ gồm những người sống lưu vong ở nước ngoài trở về nhằm cho phép rút quân đội Mỹ ra một cách nhanh chóng đã không thể hiện thực hóa được. Tuy nhiên, ngay cả những người phê phán mạnh mẽ nhất các chính sách đối với Iraq của chính quyền Bush cũng không thể bỏ qua những sự khác biệt rõ ràng giữa Iraq và Việt Nam, đặc biệt là về mặt chiến lược và quân sự.
Trước hết, mục tiêu chiến lược của Mỹ ở Iraq là tham vọng hơn ở Việt Nam rất nhiều. Tại Việt Nam, mục tiêu là giữ vững chế độ đang có; Hoa Kỳ muốn giữ nguyên tình trạng đang có bằng việc bảo vệ chính quyền phi cộng sản Nam Việt Nam khỏi sự tấn công của miền Bắc. Tại Iraq, Hoa Kỳ muốn thay đổi tình trạng hiện có bằng việc lật đổ chế độ và nuôi dưỡng việc hình thành nền dân chủ. Điều này có nghĩa là nếu như Washington giữ vững các mục đích về dân chủ của mình ở Iraq, thì sự nghiệp phía trước tại đất nước đó sẽ thách thức hơn rất nhiều so với con đường phải đi ở Việt Nam, nơi mà họ chấp nhận chính quyền chuyên chế ở miền Nam.
….
Chú thích
Download phần còn lại của văn bản tại đây: Su dung va lam dung lich su-Munich. Viet Nam va Iraq.pdf