Nguồn: Lee Kuan Yew (2013). “India: In the Grip of Caste”, in L.K Yew, One Man’s View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 147-157.
Biên dịch: Tống Thị Thanh Duyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Bài liên quan: Các phần khác của cuốn One man’s view of the world
ẤN ĐỘ: Dưới vòng kim cô của hệ thống đẳng cấp
Qua nhiều năm, tôi đã đi đến một kết luận rằng không thể so sánh Trung Quốc với Ấn Độ. Trung Quốc phát triển một cách hữu cơ và trở thành một dân tộc thống nhất. Nó không phải là một quốc gia do người ngoài tạo lập nên. Người Hán chiếm 90 phần trăm dân số và hầu hết mọi người trong đất nước đều có thể nói cùng ngôn ngữ. Trung Quốc có một sự cố kết mà Ấn Độ không có. Ở Ấn Độ có hơn 400 ngôn ngữ bản địa, và trước khi người Anh đến cai trị và thống nhất họ bằng cách xây nên một mạng lưới đường sắt, họ là những nhóm người đa dạng, mỗi nhóm lại nằm dưới quyền một maharaja (hoàng tử), một sultan (quốc vương Hồi giáo) hay một nawab (lãnh đạo quý tộc).
Bởi tính đa dạng ngôn ngữ này, bạn không thể đứng ở Delhi mà nói chuyện được với hơn 40 phần trăm người dân cùng một lúc. (Delhi nằm trong vành đai nói tiếng Hindi của Ấn Độ; theo điều tra dân số năm 2011, 41 phần trăm dân số Ấn Độ là người nói tiếng Hindi như là bản ngữ. Người nói tiếng Hindi phi bản ngữ như người Punjab cũng hiểu tiếng Hindi). Nhiều ngôn ngữ – ví dụ như tiếng Tamil và tiếng Punjab – không có liên kết lịch sử nào, và người nói ngôn ngữ này sẽ không hiểu người nói ngôn ngữ kia. Nếu bạn nói tiếng Anh, 200 triệu trong số 1,2 tỷ người sẽ có thể hiểu bạn. Nếu bạn nói tiếng Hindi, bạn giao tiếp được với khoảng 500 triệu người. Nếu bạn nói tiếng Tamil, bạn chỉ có 60 triệu người hay cỡ đó hiểu mình. Đó là một cản trở lớn cho bất kỳ một thủ tướng nào ở Ấn Độ vì không một thủ tướng nào có thể nói được tất cả các ngôn ngữ.
Ấn Độ chưa bao giờ là một thực thể đồng nhất. Nó là một ý tưởng được người Anh nghĩ ra. Và bất chấp những nỗ lực to lớn của người Anh và những người Ấn theo chủ nghĩa dân tộc, Ấn Độ trong tư cách là một quốc gia vẫn là một ước ao hơn là một thực tế.
Do đó, nếu so sánh hai nền văn minh, Ấn Độ và Trung Hoa, thì như so sánh quả táo với quả cam. Hỏi rằng liệu Ấn Độ có đạt được những gì Trung Quốc có thể đạt được hay không tức là hỏi liệu bạn có thể biến một quả táo thành một quả cam hay không. Kết quả của những khác biệt cơ bản giữa Ấn Độ và Trung Quốc là khá rõ ràng. Một quốc gia giải quyết được mọi việc. Quốc gia kia nói không ngừng nhưng hiếm khi tìm thấy ý chí hay khả năng để đứng đậy và bước đi. Ấn Độ đơn giản là không có cùng thứ động lực hoặc tính thống nhất mục tiêu mà bạn thấy ở Trung Quốc.
Sự phân mảnh được phản ánh trong hệ thống chính trị của Ấn Độ. Thủ tướng ở Delhi không thể yêu cầu các thủ hiến bang làm những gì trung ương muốn. Họ không phụ thuộc vào ông ta để được bổ nhiệm mà phụ thuộc vào phiếu bầu của người dân nơi mà họ đang cai trị. Ở Trung Quốc, bạn tuân theo những chỉ dẫn từ trung ương – hoặc bạn tránh qua một bên. Đất nước tiến lên theo một thể thống nhất. Nhưng Ấn Độ không đoàn kết dưới một hệ thống đơn nhất như của Trung Quốc bởi những khác biệt của nó.
Khi Trung Quốc có thể đăng cai tổ chức thành công Thế Vận Hội thì Bộ trưởng Tài chính của Ấn Độ là P. Chidambaram đã đặt ra một thử thách cho quốc gia của ông là phải đăng cai Thế Vận Hội vào năm 2020 nếu không phải là năm 2016 ở một quy mô ngang ngửa với Thế Vận Hội ở Trung Quốc. Chuyện này sẽ xảy ra chứ? Cho dù cách nhìn của bạn đối với chính sách một con của Trung Quốc có là gì đi nữa thì nó vẫn được thi hành ở Trung Quốc. Người Trung Quốc có thể lôi ra một bào thai bảy tháng như các bản tin đã đưa vào tháng Chín năm 2012. Một phụ nữ mang một cái thai đã lớn ở tỉnh Thiểm Tây, Phùng Kiến Mai, đã bị ép phá thai bởi cô không tìm cách xin phép chính thức để được mang thai. Đó là cách một hệ thống trung ương tập quyền vận hành. Bạn phạm luật, bạn bị phá thai. Người Ấn sẽ không cố đề ra luật lệ, huống gì là thi hành chúng.
Hệ thống đẳng cấp đối với Ấn Độ còn là một sự phức tạp hơn nữa. Nó cũng là một yếu tố then chốt khiến sự phát triển của quốc gia này bị trì trệ. Theo các luật lệ của hệ thống đẳng cấp, khi bạn kết hôn với người ở đẳng cấp thấp, tự động bạn sẽ mất đi đẳng cấp cũ của mình. Do đó, người thuộc đẳng cấp Bà-la-môn (Bradmin) có xu hướng chỉ kết hôn với người thuộc đẳng cấp Bà-la-môn, Vệ-xá (Vaishya) với Vệ-xá, tiện dân (Dalit) với tiện dân, vv…. Các Bà-la-môn, những người gắn với giới tăng lữ, thì với tư cách cá nhân cũng sáng láng như bất cứ ai trên thế giới. Nhiều người trong số họ nói nhiều ngôn ngữ.
Vậy hệ thống đẳng cấp gây ảnh hưởng gì đối với Ấn Độ? Những gì tôi sắp đề cập không mấy phổ biến, nhưng tôi tin đó là sự thật. Ở tầm vĩ mô, hệ thống đẳng cấp đóng băng lượng gien trong mỗi đẳng cấp. Qua nhiều năm, điều này tạo một tác động mang tính cô lập lên toàn bộ trí lực của người dân. Ở Trung Quốc cổ đại, một vị quan thông minh có thể cưới nhiều vợ và dàn trải gien của ông ta trên khắp đất nước mỗi khi ông ta được bổ nhiệm một chức vụ mới. Nếu ông ta về hưu, ông ta thường ở Tô Châu để hưởng vùng tiểu khí hậu ôn hòa và cưới thêm vài bà vợ nữa. Trái lại, một Bà-la-môn không thể cưới một người phi-Bà-la-môn mà không bị giảm cấp trên bậc thang xã hội. Nếu hệ thống đẳng cấp không tồn tại, các Bà-la-môn có thể truyền gien của họ đi khắp nơi và sẽ có nhiều người mang nửa giòng máu Bà-la-môn hơn nữa trên khắp Ấn Độ. Giả sử xã hội của bạn đột nhiên đặt ra một luật mới rằng những người tốt nghiệp đại học nếu kết hôn với những người không tốt nghiệp đại học thì sẽ tự động mất đi địa vị xã hội của mình, thì xã hội của bạn sẽ đi về đâu?
Tôi thấm thía quyền lực của hệ thống đẳng cấp lần đầu tiên vào những năm 1970. Tôi có một thư ký riêng tên A. Sankaran, anh này hóa ra là một người Ấn Bà-la-môn. Bố của anh ta là một thầy tu tại đền thờ Hindu tại đường Tank Road ở Singapore. Bạn có thể biết Sankaran là một Bà-la-môn qua những đặc điểm cơ thể. Trong một trong những chuyến đi đến Ấn Độ của tôi, Sankaran đi cùng, và khi cùng tôi đến một Raj Bhavan, hay Tòa nhà Chính phủ, một việc cực kỳ lạ thường đã xảy ra. Khi chúng tôi đến nơi, anh ta nói chuyện với những người lính liên lạc làm việc ở đó, và họ ngay lập tức vâng lời anh ta. Họ biết từ cách nói năng và từ nét mặt của anh ta rằng anh ta là một Bà-la-môn, những lời của anh ta do đó mang nhiều uy lực. Những người lính liên lạc lắng nghe anh ta. Sankaran đã mất lâu rồi, nhưng sự việc này với tôi là một khám phá đến nỗi tôi không bao giờ quên được. Một người Bà-la-môn Singapore từ đâu đến nói chuyện với một toán lính liên lạc Ấn Độ và được coi trọng nhờ đẳng cấp.
Một sự việc khác xảy ra gần đây hơn, khoảng 20 năm trước. Tôi lại một lần nữa ở Ấn Độ, trên một chiếc xe đi từ Agra tới Delhi. Viên công chức cấp cao nhất ở Agra đi cùng tôi và tôi tận dụng cơ hội đó để thăm dò ông ta về hệ thống đẳng cấp. Tôi nói với ông ta, “Giả sử như tôi nói mình là một Bà-la-môn, liệu ông có tin tôi không?” Ông trả lời: “À, nếu ông có địa vị, của cải và cung cách của một Bà-la-môn, có lẽ tôi tin ông đấy. Nhưng nếu ông định cưới con gái tôi, thì tôi phải tiến hành tìm hiểu một cách kỹ lưỡng nhất.” Tôi hỏi tiếp làm thế nào để theo dấu một người ở một thành phố rộng lớn như Delhi. Ông đáp rằng Delhi không chỉ là một đám đông dân chúng – ông phải trú tại đâu đó và do đó ông có thể bị lần ra.
Những việc này đã xảy ra cách đây vài thập kỷ, nhưng mọi thứ không thay đổi mấy từ hồi đó. Ở những thành phố quốc tế nhất của Ấn Độ, như là Mumbai chẳng hạn, hệ thống đẳng cấp có lẽ yếu đi một chút. Nhưng nhìn khắp đất nước này, nhận thức về đẳng cấp rất ít bị suy giảm. Có thể phải mất vài thập kỷ hoặc thế kỷ chuyển đổi dần dần nữa trước khi Ấn Độ mới có thể tuyên bố mình đã thoát khỏi sự chi phối của hệ thống đẳng cấp.
Hậu quả của những tác động này là khoảng cách giữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ rộng ra mỗi năm. GDP theo đầu người ở Ấn Độ (1.500 đô la Mỹ) chưa bằng một phần ba so với Trung Quốc (5.400 đô la Mỹ). Ấn Độ đã tăng trưởng với tốc độ bằng 60 đến 70 phần trăm tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc. Tôi không thấy họ bắt kịp. Vài phần của Ấn Độ sẽ phát triển nhanh hơn những phần khác, nhờ vào khu vực tư nhân tương đối mạnh mẽ. Mumbai là một vùng tăng trưởng chủ chốt. Bangalore cũng là một thành phố phát triển nhanh, một phần là vì các công ty như Infosys được dẫn dắt bởi những doanh nhân đẳng cấp thế giới như N. R. Narayana Murthy. Nhưng Infosys có thể tuyển dụng bao nhiêu lao động? Động lực này không tồn tại khắp đất nước Ấn Độ.
Có lẽ vì thiếu hụt tương đối các cơ hội, hoặc thất vọng khi đất nước họ không có khả năng đáp ứng những tiềm năng vì những trở ngại mang tính quan liêu nên nhiều người Ấn tài năng đã rời Ấn Độ đến những đồng cỏ xanh tươi hơn và không quay về nữa. Đây là một khác biệt quan trọng giữa người Ấn Độ và người Trung Quốc. Người Trung Quốc cũng đến Mỹ với một số lượng lớn, nhưng khá nhiều người quay lại Trung Quốc để bắt đầu kinh doanh. Có những cơ hội ở Trung Quốc có lẽ không tồn tại ở Ấn Độ. Nói một cach khác, Trung Quốc không phải chịu chảy máu chất xám tới mức như của Ấn Độ. Những người rời Ấn Độ là những cá nhân xuất sắc nhất. Họ điều hành vài tập đoàn lớn trên thế giới, như PepsiCo hay Duetsche Bank.
Cơ sở hạ tầng cũng là một lĩnh vực quan trọng nữa, nơi bất lợi của Ấn Độ lộ rõ. Đất nước này đã tạo một tiếng xấu là nơi bất tiện cho các nhà đầu tư vì nó không có sẵn một cơ sở hạ tầng vững chắc phục vụ kinh doanh như các cảng công-ten-nơ, đường sắt, sân bay, hạ tầng thông tin liên lạc và các thành phố đáng sống. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản ở Trung Quốc muốn đa dạng hóa sự đặt cược của mình đã đến Ấn Độ với hi vọng lập nên một nhà máy hay một mỏ khai thác, chỉ để sửng sốt vì tình trạng nghèo nàn của cơ sở hạ tầng nơi đây. Làm sao mà chuyển hàng hóa vào được? Làm sao mà đưa sản phẩm ra đây? Chiều dài đường cao tốc của Trung Quốc tăng từ chưa đầy 100 km vào năm 1988 lên 74.000 km vào năm 2010, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Để so sánh thì Ấn Độ chỉ có 700 km. Chính phủ Ấn Độ hiện muốn chi 1 nghìn tỷ đô la Mỹ cho cơ sở hạ tầng trong năm năm tới. Nhưng ai sẽ xây dựng đây? Nếu là người Ấn xây thì sẽ tốn một thời gian rất dài đấy. Sẽ thực tế hơn khi mở thầu và cho phép người Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đến xây. Nếu điều này xảy ra, cơ sở hạ tầng có thể được xây xong trong bốn hoặc năm năm. Nhưng liệu Ấn Độ có làm thế không? Tôi không chắc lắm.
Rất buồn khi tôi nhận xét thế này về Ấn Độ. Lúc còn trẻ tôi ủng hộ Ấn Độ vì đó là một quốc gia dân chủ, trong khi Trung Quốc là một nền chuyên chế. Rồi khi tôi trưởng thành hơn, tôi nhận ra hai điều. Một là, nền dân chủ không phải là một vị thuốc nhiệm màu. Nó không giải quyết mọi vấn đề cho tất cả mọi người. Trung Quốc sẽ không được như hôm nay nếu nó được vận hành như một nền dân chủ. Hai là, có những lực lượng nền tảng vận hành trong lòng các xã hội – đặc biệt là những lực lượng có lịch sử lâu đời – không thể dễ dàng thay đổi. Ấn Độ mắc kẹt trong những thực tế hầu như không thể nào thay đổi về thành phần dân cư trong nước và sự tồn tại dai dẳng của hệ thống đẳng cấp.
Hỏi – Đáp
…
Download phần còn lại của nội dung văn bản tại đây: Ly Quang Dieu viet ve An Do.pdf
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]