#143 – Quái vật đảo Jekyll: Lật lại hồ sơ Cục Dự trữ Liên bang (Ch.1)

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: G. Edward Griffin, “The Journey to Jekyll Island”, in G.E. Griffin, The Creature from Jekyll Island: A Second Look at the Federal Reserve (5th Edition) (California: American Media, 2010), Chapter 1.

Biên dịch và Hiệu đính: Ngô Thị Thu Hương

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn sách

Lời giới thiệu: Kể từ hôm nay, Nghiencuuquocte.net sẽ lần lượt giới thiệu tới bạn đọc 26 chương của cuốn sách “The Creature from Jekyll Island: A Second Look at the Federal Reserve” (5th edition, 2010). Đây là một cuốn sách thú vị, đã được cập nhật qua 5 phiên bản và tái bản 14 lần. Cuốn sách nói về bản chất và vai trò của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và giới tài phiệt ngân hàng trong các thăng trầm lịch sử kinh tế – chính trị của Hoa Kỳ và thế giới trong suốt một thế kỷ qua. Nghiencuuquocte.net xin trân trọng cám ơn một độc giả hảo tâm đã giúp cung cấp tư liệu cho việc biên dịch cuốn sách này.  

Nội dung chính: Cuộc họp bí mật trên đảo Jekyll, bang Georgia, nơi Cục Dự trữ Liên bang hình thành; sự ra đời của một  cartel ngân hàng nhằm bảo vệ các thành viên trước sự cạnh tranh; chiến lược thuyết phục Quốc hội và công chúng rằng cartel này là một cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ.

Trời đêm đó lạnh buốt tại nhà ga xe lửa New Jersey. Cơn mưa tuyết bất chợt của đợt tuyết đầu tiên trong năm cuộn xoáy quanh các bóng đèn đường. Gió Tháng Mười một làm cho mái che đường ray kêu lách cách và gây nên một âm thanh dài, thê lương giữa những thanh xà gác mái.

Lúc đó là gần 10 giờ tối, nhà ga gần như không còn ai ngoại trừ vài hành khách đang hối hả lao lên chuyến tàu cuối cùng trong ngày đi về hướng Nam. Trang thiết bị trên tàu là loại điển hình cho những năm 1910, chủ yếu là các toa xe có ghế ngồi được cải biến thành toa giường nằm với những chiếc ghế chật chội và giường nằm thấp. Những người ít tiền ngồi trên các toa xe chở khách được nối phía trên đầu. Họ phải chịu đựng tiếng ồn của động cơ và hít những làn khói mà bằng cách nào đó luôn xì qua những khe nứt không nhìn thấy được. Toa xe chở đồ ăn được đặt giữa hai khu vực như một ranh giới tế nhị phân biệt hai loại hành khách. Theo tiêu chuẩn ngày nay thì mọi thứ trên chuyến tàu đó thật xuềnh xoàng. Ghế và đệm đều cứng. Mặt sàn làm bằng kim loại hoặc gỗ đã cũ xước. Màu sắc chỉ có màu xanh thẫm và xám.

Trong khi vội vã lên tàu để tránh những cơn gió lạnh buốt, ít hành khách nhận thấy điều gì đang diễn ra ở phía đằng xa sân ga. Tại một cửa mà thông thường vào giờ này ít được sử dụng đang diễn ra một cảnh tượng ngoạn mục. Một toa xe dài đang dựa sát vào bệ chắn đường tàu. Nó khiến cho những người hiếm hoi nhìn thấy phải dừng lại và không rời mắt. Nước sơn đen bóng được tôn lên bởi những chiếc tay vịn, chốt cửa và khung bằng đồng sáng loáng với họa tiết cầu kỳ. Rèm được kéo kín nhưng qua cánh cửa mở, người ta có thể thấy thành khoang bằng gỗ gụ, màn nhung, những chiếc ghế tựa êm ái và một quầy bar đầy đồ uống. Các nhân viên khuân vác mặc đồ phục vụ màu trắng đang bận rộn với công việc của mình. Và phảng phất đâu đó là mùi thơm đặc trưng của những điếu xì gà thượng hạng. Những toa xe khác trong nhà ga đều được đánh số ở cả hai mặt để phân biệt chúng với những người anh em xấu xí khác. Riêng toa xe này thì không. Ở giữa mỗi mặt ngoài của nó chỉ có tấm biển nhỏ với một từ duy nhất: ALDRICH.

Cái tên Nelson Aldrich, thượng nghị sĩ bang Rhode Island, cũng nổi tiếng cả ở New Jersey.

Vào năm 1910, ông là một trong những người quyền lực nhất tại Washington, D.C., và toa xe lửa cá nhân của ông thường xuất hiện ở các nhà ga New York và New Jersey trong những chuyến đi thường xuyên tới Phố Wall. Aldrich không chỉ là một Thượng nghị sĩ. Ông được coi là người phát ngôn chính trị của các doanh nghiệp lớn. Là một nhà đầu tư của J.P. Morgan, ông có cổ phần rộng rãi trong ngành ngân hàng, sản xuất và dịch vụ công ích. Con rể ông là John D. Rockefeller, Jr. Sáu mươi năm sau, cháu ngoại ông, Nelson Aldrich Rockefeller, sẽ trở thành Phó Tổng thống Hoa Kỳ.

Khi Aldrich tới nhà ga, không ai nghi ngờ gì việc ông là chủ toa xe đó. Mặc áo khoác dài cổ lông, đội mũ chóp cao bằng lụa và mang một cây gậy với tay nắm nạm bạc, ông sải bước rất nhanh trên sân ga cùng với thư ký riêng, Shelton, và một nhóm nhân viên khuân vác đang kéo một loạt các rương, hòm và vali đằng sau.

Ngài Thượng nghị sĩ vừa lên tàu thì vài hành khách khác cũng tới với hành lý tương tự. Người cuối cùng xuất hiện chỉ vài giây trước khi tiếng hô “Xin mờiiii lên tàuuuu” vang lên. Ông ta mang theo một chiếc vali đựng súng săn.

Nếu như phần lớn các hành khách nhìn thấy Aldrich trong nhà ga đều nhận ra ông thì những gương mặt khác lại không hề quen thuộc. Những người lạ mặt này được hướng dẫn không đến ga cùng nhau, tránh phóng viên và nếu gặp nhau ở nhà ga, họ sẽ tỏ ra không quen biết nhau.

Sau khi lên tàu, họ được yêu cầu chỉ dùng tên riêng để tránh làm lộ danh tính của nhau. Nhờ sự cẩn trọng này mà ngay cả những nhân viên khuân vác và người phục vụ trên toa cũng không biết tên của các hành khách này.

Trở lại cửa chính, hai tiếng hú vang lên từ còi động cơ. Bất thình lình, con tàu lắc nhẹ và sự phấn khích của chuyến đi bắt đầu. Nhưng ngay khi vừa rời khỏi sân ga, con tàu đột ngột dừng lại. Rồi, trước sự ngạc nhiên của mọi người, nó đổi hướng và quay ngược trở lại phía nhà ga. Họ đã quên gì chăng? Hay có vấn đề với động cơ? Câu trả lời là một cú lắc đột ngột và tiếng khớp nối của các toa xe va sầm vào nhau. Họ cho nối thêm một toa xe ở phía cuối tàu. Là toa xe chở thư chăng? Ngay lập tức con tàu lại tiến về phía trước và mọi người trở lại với chuyến hành trình trước mắt với những tiện nghi tối thiểu.

Và như thế, khi hành khách bắt đầu chìm vào giấc ngủ trong tiếng lách cách nhịp nhàng của bánh xe thép trên đường ray, chắc hẳn trong giấc mơ họ không biết rằng trên toa xe phía cuối tàu có sáu người đàn ông đang nắm giữ khoảng 1/4 tổng số tài sản trên toàn thế giới. Đây là danh sách những người có mặt trên toa xe mang tên Aldrich đêm đó:

  1. Nelson W. Aldrich, lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Thượng viện, Chủ tịch Ủy ban Tiền tệ Quốc gia, cộng sự kinh doanh của J.P. Morgan, cha vợ của John D. Rockefeller, Jr.;
  2. Abraham Piatt Andrew, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ;
  3. Fran A. Vanderlip, chủ tịch National City Bank of New York, ngân hàng quyền lực nhất vào thời đó, đại diện cho William Rockefeller và ngân hàng đầu tư quốc tế Kuhn, Loeb & Company;
  4. Henry P. Davison, đại cổ đông của J.P. Morgan Company;
  5. Benjamin Strong, Giám đốc Công ty Ủy thác J.P. Morgan Bankers.[1]
  6. Paul M. Warburg, một cổ đông trong Kuhn, Loeb & Company, đại diện cho đế chế ngân hàng Rothschild ở Anh và Pháp, và là em trai của Max Warburg, chủ tịch tập đoàn tài chính ngân hàng Warburg ở Đức và Hà Lan.[2]

Tập trung tài sản

Tới năm 1910, sự kiểm soát tập trung đối với nguồn lực tài chính đã rất phát triển. Tại Mỹ, có hai đầu mối kiểm soát tập trung là tập đoàn Morgan và tập đoàn Rockefeller. Mỗi nhóm tạo thành một quỹ đạo bao gồm mạng lưới chằng chịt các ngân hàng thương mại, ngân hàng nhận trả và công ty đầu tư. Ở châu Âu, quá trình tương tự cũng diễn ra và thậm chí còn đi xa hơn, dẫn tới sự hình thành của tập đoàn Rothschild và tập đoàn Warburg. Một bài báo đăng trên tờ New York Times ngày 3 tháng 5  năm 1931 bình luận về việc George Baker, một trong những cộng sự thân tín nhất của Morgan, qua đời. Bài báo viết: “Một phần sáu tổng tài sản của thế giới nằm trong tay các thành viên của Câu lạc bộ Đảo Jekyll.” Lời ám chỉ trên thực ra chỉ nhằm vào những người thuộc tập đoàn Morgan. Nó không bao gồm những người đại diện cho tập đoàn Rockefeller hay các nhà tài phiệt châu Âu. Nếu tính cả những người này thì có lẽ vẫn còn là quá thận trọng khi ước tính rằng khoảng một phần tư tổng tài sản của thế giới nằm trong tay họ.

Năm 1913, khi Đạo luật Dự trữ Liên bang được ban hành, một tiểu ban của Ủy ban Hạ viện về Tiền tệ và Ngân hàng, do Arsene Pujo, Hạ nghị sĩ bang Louisiana, làm Chủ tịch, đã hoàn tất quá trình điều tra về sự tập trung quyền lực tài chính ở Hoa Kỳ. Pujo được coi là người đại diện cho quyền lợi của các tập đoàn dầu mỏ, một trong những đối tượng của cuộc điều tra, và đã làm mọi thứ có thể để phá hoại các buổi điều trần. Mặc dù vậy, bản báo cáo cuối cùng của ủy ban vẫn gây sửng sốt:

Ủy ban của các ngài đã được cung cấp các bằng chứng… rằng đang tồn tại một sự đồng nhất và cộng đồng lợi ích vững chắc và được xác định rõ ràng giữa một nhóm người đứng đầu ngành tài chính… và điều này giúp họ tập trung quyền kiểm soát tiền và tín dụng với quy mô lớn và tốc độ nhanh.

Trong hệ thống phát hành và và phân phối cổ phiếu doanh nghiệp của chúng ta, người đầu tư không mua trực tiếp từ doanh nghiệp.

Cổ phiếu đi từ nơi phát hành, qua môi giới rồi mới đến nhà đầu tư. Chỉ có những ngân hàng và nhà tài phiệt lớn có khả năng tiếp cận phần lớn các nguồn tài chính tập trung được hình thành từ tiền của người khác, trong các ngân hàng, công ty ủy thác và công ty bảo hiểm nhân thọ, và với quyền kiểm soát bộ máy tạo ra các thị trường và phân phối cổ phiếu, mới có khả năng bao mua hoặc bảo đảm việc bán ra cổ phiếu phát hành với quy mô lớn. Những người mà thông qua quyền kiểm soát quỹ của các công ty đường sắt và công nghiệp có thể quyết định các quỹ này sẽ được giữ ở đâu, nhờ đó tạo ra những nguồn tài chính dự trữ lớn từ tiền của người khác, cũng chính là những người ở vị trí cho phép họ sử dụng những nguồn dự trữ này cho các dự án kinh doanh mà họ quan tâm hoặc ngăn cản chúng được sử dụng cho những mục đích mà họ không đồng ý.

Khi xem xét một khía cạnh liên quan khác là một phần lớn tiền dự trữ của các ngân hàng trong nước đang chảy vào nguồn tiền và tín dụng này, và rằng chúng cũng chính là những đại lý và chi nhánh của các ngân hàng chấp nhận séc (“Out-of-town banks: ngân hàng chấp nhận thanh toán séc được phát hành bởi ngân hàng khác – ND) khi cho vay nguồn tiền thặng dư trong thị trường tiền công quỹ duy nhất của đất nước, và rằng một nhóm người nhỏ cùng với các đối tác và cộng sự của mình giờ đây đã củng cố vững chắc hơn nữa khả năng kiểm soát nguồn lực của những thể chế này thông qua việc nắm giữ khối lượng cổ phần lớn, thông qua đại diện trong hội đồng quản trị của các thể chế đó và thông qua sự bảo trợ quan trọng, chúng ta sẽ bắt đầu nhận thấy phần nào mức độ hiệu quả và thực tế tiến triển của sự thống trị và kiểm soát các tập đoàn tài chính, đường sắt và công nghiệp, chủ yếu trong vòng năm năm qua, và rằng điều này đang đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước ra sao.[3]

Đó là bản chất của sự giàu có và quyền lực nằm trong tay sáu người đàn ông bí mật gặp nhau và cùng đi trên toa xe sang trọng của Thượng nghị sĩ Aldrich đêm hôm đó.

Điểm đến: Đảo Jekyll

Chiều hôm sau, khi gần tới Raleigh, North Carolina, tàu đi chậm dần và dừng hẳn ở nơi tránh tàu ngay bên ngoài nhà ga. Rất nhanh, các nhân viên ném ghi tàu và động cơ đẩy toa xe cuối cùng sang đường tàu tránh, và cũng ngay lập tức, nó được tách rời khỏi đoàn tàu. Một lát sau, khi hành khách bước xuống sân ga, con tàu đã trở lại hình dạng y như lúc ban đầu.

Họ không biết rằng những hành khách cùng đi với mình hôm đó, chính vào lúc đó, lại đang lên một chuyến tàu khác tiếp tục đi về hướng nam trong vòng một giờ sau.

Nhóm các nhà tài phiệt cao cấp tham gia chuyến hành trình dài tám trăm dặm tới Atlanta, sau đó tới Savannah và cuối cùng là thị trấn nhỏ Brunswick, bang Georgia. Brunswick có vẻ như là một điểm đến ít người nghĩ tới. Nằm bên bờ biển Atlanta, Brunswick về cơ bản là một làng chài với một cảng bông và gỗ nhỏ nhưng khá tấp nập. Dân số của thị trấn chỉ khoảng vài ngàn người. Tuy nhiên, khi đó, các đảo dọc bờ biển từ South Carolina tới Florida đã trở thành những khu nghỉ dưỡng mùa đông được giới siêu giàu ưa chuộng. Một trong những hòn đảo đó, nằm ngay gần bờ biển Brunswick, vừa được J.P.Morgan và một số cộng sự mua lại. Họ thường đến đây vào mùa thu và mùa đông để săn vịt hoặc hươu và để tránh cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông miền Bắc. Nó được gọi là đảo Jekyll.

Khi toa xe lửa mang tên Aldrich được tách khỏi đoàn tàu và đưa sang đường tránh, thực ra nó rất dễ bị chú ý. Tin tức nhanh chóng lan đến văn phòng của tờ tuần báo của thị trấn. Trong khi nhóm các nhà tài phiệt đang đợi để lên bến tàu thì vài người từ tòa báo đã tới và bắt đầu đặt câu hỏi. Khách của ngài Aldrich là ai? Tại sao họ đến đây? Có điều gì đặc biệt đang diễn ra vậy? Ngài Davison, một trong những người chủ sở hữu đảo Jekyll và đã quen mặt với tờ báo địa phương, trả lời rằng đây chỉ là những người bạn và họ đến đây chỉ để thỏa mãn thú vui săn vịt. Tin rằng đây chẳng phải là một sự kiện mang tính thời sự, các phóng viên trở lại văn phòng của mình.

Ngay cả khi đã tới khu nhà nghỉ trên hòn đảo xa xôi, tính bí mật của cuộc gặp vẫn được duy trì. Quy tắc chỉ dùng tên riêng tiếp tục có hiệu lực trong vòng 9 ngày sau đó. Các nhân viên và người phục vụ làm việc tại đây được cho nghỉ phép và sau quá trình tuyển chọn kỹ càng, một đội ngũ nhân viên mới được đưa đến để phục vụ riêng cho sự kiện này. Khó có thể tưởng tượng một sự kiện nào khác trong lịch sử – kể cả quá trình chuẩn bị cho chiến tranh – lại được che chắn khỏi sự tò mò của công chúng với mức độ bí mật và bí hiểm hơn thế.

Mục đích của chuyến đi này không phải là để săn vịt. Nói một cách ngắn gọn thì nó nhằm đi tới một thỏa thuân về cơ cấu và phương thức hoạt động của một cartel ngân hàng. Mục tiêu, cũng giống như đối với mọi cartel khác, là nhằm tối đa hóa lợi ích bằng cách tối thiểu hóa cạnh tranh giữa các thành viên, làm cho việc gia nhập thị trường trở nên khó khăn đối với những đối thủ cạnh tranh mới, và tận dụng quyền quản lý của chính phủ để thực thi thỏa thuận cartel. Cụ thể hơn, mục đích của chuyến đi là nhằm thiết kế nên Hệ thống Dự trữ Liên bang.

Câu chuyện được khẳng định

Trong nhiều năm sau khi sự kiện diễn ra, các nhà giáo dục, nhà bình luận và nhà sử học đều bác bỏ sự tồn tại của cuộc họp trên đảo Jekyll. Cho tới tận ngày nay, quan điểm chung được chấp nhận vẫn là cuộc họp này không mấy quan trọng, và chỉ có những kẻ ngây thơ mắc chứng hoang tưởng mới tìm cách gán cho nó ý nghĩa nào đó. Ron Chernow đã viết như sau: “Cuộc họp trên đảo Jekyll có thể là chất liệu cho hàng ngàn lý thuyết âm mưu khác nhau.”[4] Tuy nhiên, dần dần, từng mảnh nhỏ của câu chuyện được ghép lại với nhau, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ chính những người tham gia buổi họp đó. Hơn nữa, nếu những điều họ nói về chính mục đích và hành động của họ không tạo thành một âm mưu kinh điển thì hẳn là từ âm mưu bản thân nó chẳng có mấy ý nghĩa.

Thông tin rò rỉ đầu tiên về cuộc họp này được đưa lên báo vào năm 1916. Nó xuất hiện trên tờ Leslie’s Weekly và được viết bởi một phóng viên tài chính trẻ tên là B.C.Forbes, người sáng lập Tạp chí Forbes sau này. Bài báo chủ yếu ca ngợi Paul Warburg, và chắc hẳn Warburg đã tiết lộ câu chuyện trong khi trao đổi với người viết. Bất luận thế nào thì ngay đoạn mở đầu, bài báo đã đưa ra một bản tóm tắt khá kịch tính nhưng rất chính xác về cả bản chất và mục đích của cuộc họp:

Hãy hình dung một buổi tiệc của những chủ ngân hàng vĩ đại nhất đất nước. Họ lén rời New York trong đêm trên một toa xe lửa cá nhân, vội vã kín đáo đi hàng trăm dặm về phía Nam, lên một chiếc xuồng bí ẩn, trốn lên một hòn đảo đã được sơ tán hết người chỉ trừ vài nhân viên phục vụ, ở đó tròn một tuần trong sự bí mật nghiêm cẩn đến mức không một cái tên nào được đề cập dù chỉ một lần, đề phòng những người phục vụ biết được danh tính của họ và tiết lộ cho thế giới biết về chuyến đi kỳ lạ nhất, bí mật nhất trong lịch sử ngành tài chính Mỹ.

Không phải tôi đang kể một câu chuyện lãng mạn đâu. Tôi đang lần đầu tiên cho thế giới biết câu chuyện thực sự về cách mà bản báo cáo nổi tiếng về tiền tệ mang tên Aldrich, nền tảng của hệ thống tiền tệ mới của chúng ta, đã được viết ra như thế nào.[5]

Năm 1930, Paul Warburg viết một cuốn sách đồ sộ – tổng cộng 1.750 trang – với tựa đề Hệ thống Dự trữ Liên bang, Nguồn gốc và sự Phát triển. Trong cuốn sách này, ông giải thích: “kết quả của cuộc hội nghị là hoàn toàn bí mật. Ngay cả sự thật là một cuộc họp đã từng diễn ra cũng không được phép tiết lộ công khai.” Tiếp đó, trong một chú giải, ông nói thêm: “Mặc dù đã 18 năm trôi qua, tôi vẫn không được tự do kể lại cuộc họp vô cùng thú vị này bởi vì Thượng nghị sĩ Aldrich đã yêu cầu tất cả những người tham dự phải cam kết giữ bí mật.”[6] 34 năm sau đó, con trai ông, James, trong một cuốn sách của mình, đã tiết lộ một chi tiết thú vị về sự tham gia của Warburg vào cuộc họp đó. James được Tổng thống F.D.R bổ nhiệm vào chức vụ Giám đốc Ngân sách, và trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, ông giữ chức Trưởng Phòng Thông tin Chiến tranh. Trong cuốn sách của mình, James kể lại việc cha mình, người không phân biệt được đâu là nòng súng với báng súng, đã mượn khẩu súng săn của một người bạn và mang nó lên chuyến tàu để ngụy trang thành người đi săn vịt.[7]

Đoạn này của câu chuyện được chứng thực trong tiểu sử chính thức của Thượng nghị sĩ Aldrich do Nathaniel Wright Stephenson viết:

Mùa thu năm 1910, sáu người đàn ông lên đường đi săn vịt. Đúng ra đó là lý do chuyến đi mà họ nói với mọi người. Một người trong số đó, ngài Warburg, đã hài hước kể lại cảm giác của mình khi đặt chân lên toa xe lửa cá nhân tại thành phố Jersey, mang theo toàn bộ trang bị dành cho một tay săn vịt. Hài hước ở chỗ ông chưa từng bắn một con vịt nào trong đời và cũng không hề có ý định đó. Chuyến đi săn vịt chỉ là cái cớ.[8]

Theo Stephenson, ngay khi vừa tới Brunswick, giám đốc nhà ga bước lên toa xe và khiến những người có mặt trên đó bị sốc khi biết danh tính của tất cả bọn họ. Tệ hơn nữa, ông cho biết có nhiều phóng viên đang đợi bên ngoài. Davison đứng ra giải quyết vấn đề. Ông nói “Chúng ta hãy ra ngoài một chút đi ông bạn, và tôi sẽ kể cho ông nghe một câu chuyện.” Không ai biết câu chuyện gì đã được kể khi hai người đàn ông đứng trên những thanh tà vẹt đường ray buổi sáng hôm đó, nhưng chỉ một lát sau, Davison trở lại, nở một nụ cười lớn. “Ổn rồi,” ông trấn an mọi người. “Họ sẽ không tiết lộ về chúng ta đâu.”

Stephenson cho biết thêm: “Các phóng viên rời đi, và sự bí mật của chuyến đi kỳ lạ đó đã không bị tiết lộ. Không ai hỏi Davison đã làm điều đó như thế nào và ông cũng không nói gì thêm.[9]

Trong số báo ra ngày 9 tháng 2 năm 1935 của tờ Saturday Evening Post xuất hiện một bài viết của Frank Vanderlip. Ông viết:

Trái ngược với quan điểm của tôi về giá trị đối với xã hội của việc công khai nhiều hơn công việc của các tập đoàn, có một sự kiện, vào thời điểm gần cuối năm 1910, mà tôi đã giữ bí mật – thực ra là vụng trộm – giống như bất kỳ kẻ âm mưu nào khác… Tôi không nghĩ rằng sẽ là quá lời khi nói về chuyến đi tới đảo Jekyll của chúng tôi như là sự kiện đánh dấu cho sự thai nghén cái mà cuối cùng sẽ trở thành Hệ thống Dự trữ Liên bang…

Chúng tôi được yêu cầu không nhắc tới họ của mình. Hơn thế nữa, chúng tôi còn được yêu cầu tránh ăn tối cùng nhau vào hôm khởi hành. Chúng tôi được hướng dẫn đến nhà ga nằm trên bờ sông Hudson phía New Jersey vào giờ khác nhau và càng kín đáo càng tốt, ở đó toa xe lửa cá nhân của Thượng nghị sĩ Aldrich đã chờ sẵn, được nối vào phía đằng sau của một đoàn tàu đi về hướng Nam…

Khi lên tàu rồi, chúng tôi bắt đầu thực hiện điều cấm kị liên quan đến họ của mình. Chúng tôi gọi nhau là “Ben”, “Paul”, “Nelson”, “Abe” – đó là Abraham Piatt Andrew. Davison và tôi còn ngụy trang kín hơn, chúng tôi bỏ luôn tên riêng của mình. Dựa trên lý thuyết rằng chúng tôi luôn luôn đúng, Davison trở thành Wilbur còn tôi là Orville, theo tên của hai nhà tiên phong trong ngành hàng không, anh em nhà Wright…

Những người phục vụ và nhân viên trên tàu có thể biết danh tính của một hoặc hai người trong số chúng tôi nhưng không biết hết, và nếu tên của tất cả chúng tôi lộ ra thì chuyến đi bí ẩn đó sẽ trở nên quan trọng ở Washington, Phố Wall, và London nữa.

Chúng tôi biết rằng không thể cho phép điều đó xảy ra, vì khi đó toàn bộ thời gian và công sức của chúng tôi sẽ trở nên vô ích. Nếu việc nhóm sáu người chúng tôi ngồi lại với nhau và cùng dự thảo một dự luật về ngân hàng bị công khai thì dự luật đó sẽ không bao giờ có cơ hội được Quốc hội thông qua.[10]

Cơ chế là một cartel thuần túy

Thỏa thuận đạt được tại cuộc họp trên đảo Jekyll là một ví dụ điển hình về cơ chế của một cartel. Cartel là một nhóm công ty tập hợp lại với nhau để phối hợp quá trình sản xuất, định giá và marketing của các thành viên. Mục đích của cartel là nhằm làm giảm cạnh tranh, nhờ đó tăng lợi nhuận. Điều này đạt được thông qua độc quyền chung đối với ngành, do vậy người dân phải trả giá cao hơn cho hàng hóa và dịch vụ so với khi có cạnh tranh tự do giữa các công ty.

Đây là đại diện của những tập đoàn tài chính ngân hàng hàng đầu thế giới: Morgan, Rockefeller, Rothschild, Warburg và Kuhn-Loeb. Các tập đoàn này thường là đối thủ cạnh tranh của nhau, và rõ ràng là giữa họ có sự ngờ vực lẫn nhau cũng như những mưu đồ được che giấu tài tình nhằm có được vị trí thuận lợi trong bất kỳ thỏa thuận nào. Nhưng trên hết họ bị thúc đẩy bởi mong muốn đấu tranh chống lại kẻ thù chung. Kẻ thù đó là cạnh tranh.

Năm 1910, số lượng ngân hàng ở Mỹ gia tăng với tốc độ rất lớn. Chỉ trong vòng 10 năm trước đó, số lượng ngân hàng đã tăng gấp đôi, lên tới con số 20.000. Hơn thế, phần lớn số ngân hàng mới được sinh ra nằm ở miền Nam và miền Tây, và điều này khiến cho các ngân hàng New York dần đánh mất thị phần. Hầu hết các ngân hàng trong những năm 1880 đều là ngân hàng quốc gia, tức là chính phủ liên bang nhượng quyền. Thông thường chúng được đặt ở các thành phố lớn và theo luật, được phép in tiền riêng dưới hình thức giấy bạc. Tuy nhiên, ngay từ năm 1896, số lượng các ngân hàng khác đã tăng lên 61%, và chúng nắm giữ 54% tổng lượng tiền gửi ngân hàng. Năm 1913, khi Đạo luật Dự trữ Liên bang được thông qua, tỷ lệ ngân hàng phi quốc gia là 71%, nắm giữ 57% tổng lượng tiền gửi.[11]

Trong con mắt của những người săn vịt từ New York hôm đó, đây là một xu hướng nhất thiết phải đảo ngược.

Cạnh tranh cũng đến từ một xu hướng khác trong ngành công nghiệp, đó là đầu tư cho tăng trưởng trong tương lai từ lợi nhuận thay vì từ tín dụng. Đây là kết quả tự nhiên của tỷ lệ lãi suất thị trường tự do vốn giúp tạo ra tình trạng cân bằng thực tế giữa nợ và tiết kiệm. Lãi suất đủ thấp để thu hút những người đi vay nghiêm túc đủ tự tin vào thành công của dự án kinh doanh và khả năng trả nợ của mình, nhưng cũng đủ cao để làm nản lòng những người đi vay với các dự án phiêu lưu trong khi có nguồn tài chính khác cho những dự án này – đó là tiền của chính họ. Sự cân bằng giữa nợ và tiết kiệm đó là kết quả của cung tiền hạn chế. Các ngân hàng có thể cho vay nhiều hơn số tiền gửi vào tay họ, như chúng ta sẽ thấy, nhưng quá trình đó bị giới hạn. Và giới hạn đó được quyết định bởi số lượng vàng mà họ nắm giữ. Kết quả là từ năm 1900 đến 1910, 70% nguồn vốn cho tăng trưởng của các doanh nghiệp Mỹ là tự huy động, và điều này làm cho ngành công nghiệp ngày càng độc lập với các ngân hàng.[12]

Ngay cả chính quyền trung ương cũng trở nên tiết kiệm hơn. Nó có dự trữ vàng ngày càng lớn, đang thu hồi lại đồng đô la (Greenbacks) – đồng tiền được phát hành trong thời kỳ Nội chiến – và đang nhanh chóng giảm nợ công.

Đây cũng là một xu hướng khác cần được ngăn chặn. Điều mà các chủ ngân hàng mong muốn – và cũng là điều nhiều doanh nhân muốn – là can thiệp vào thị trường tự do và làm cho lãi suất đi xuống, làm cho nợ có ưu thế hơn so với tiết kiệm. Để đạt được điều này, cung tiền cần phải được tách khỏi vàng và trở nên dồi dào hơn, hay theo cách nói của họ là linh hoạt hơn.

Bóng ma của sự sụp đổ ngân hàng

Khủng hoảng thanh khoản

Thiên đường của một chủ ngân hàng

Cartel được đặt tên

Bố Warbucks thật sự

Với những người hiểu vấn đề thì phương pháp rất đơn giản

Lời đồn thổi được chấp nhận là lịch sử

Lý do đầu tiên để từ bỏ hệ thống

Kết luận

Download nội dung phần còn lại của chương  tại đây: Quai vat dao Jekyll – Chuong 1.pdf


[1] Trong trao đổi cá nhân giữa tác giả và Andrew L. Gray, chắt ngoại của Abraham P. Andrew, Gray cho rằng Strong không tham dự cuộc họp này. Trong khi đó,  Frank Vanderlip – người có mặt ở đó – kể lại trong hồi ký rằng Strong có tham dự. Sao Vanderlip lại nhầm được? Gray trả lời: “Khi viết cuốn hồi ký và tiểu luận đó ông ấy đã gần 80 tuổi… Có lẽ ông ấy muốn vậy và đã nghĩ vậy.” Nếu Vanderlip thực sự nhầm thì cũng không phải điều gì quá quan trọng bởi vì Gray thừa nhận rằng: “Strong là một trong số ít người xứng đáng tham gia vào phi vụ bí mật này.” Khi chưa có thông tin thêm để khẳng định điều ngược lại, chúng ta buộc phải chấp nhận ý kiến của Vanderlip.

[2] Trong 27 bản in đầu tiên của cuốn sách này, Charles D. Norton, đến từ Ngân hàng Quốc gia New York đầu tiên của J.P. Morgan, có tên trong danh sách những người tham dự. Tuy nhiên, nhờ có bản nghiên cứu hoàn hảo của Michael Steenwyk ở Hudsonville, Michigan, chúng ta biết rằng điều này là không thể. Steenwyk phát hiện ra hai tài liệu lịch sử và giấy tờ riêng của gia đình Norton chứng tỏ rằng Ngài Norton (1) không làm việc tại Ngân hàng Morgan thời điểm tháng 11 năm 1910, (2) lúc này là thư ký riêng của Tổng thống Taft, và (3) trong những ngày diễn ra cuộc họp trên đảo Jekyll, ông có chuyến đi tìm hiểu thực tế cùng Tổng thống tại Panama. Hơn nữa, không một cuốn hồi ký nào của những người tham dự khác đề cập đến sự hiện diện của Norton. Lý do ban đầu mà ông được đưa vào danh sách là tên của ông có trong nhiều nguồn tham khảo có uy tín về chủ để này, bao gồm cuốn The Federal Reserve Act; Its Origins and Problems (N.Y., Macmillan, 1933) của J. Laurence Laughlin và một cuốn sách của Tyler E. Bagwell, nhà nghiên cứu lịch sử tại Bảo tàng Đảo Jekyll, có tên Images of America; The Jekyll Island Club (Charlston, SC, Arcadia, 1998). Tuy nhiên, dựa trên những tài liệu lịch sử do Steenwyk phát hiện, tác giả kết luận rằng Norton không tham gia cuộc họp, cũng như không có lý do nào cho việc này. Vẫn chưa biết sự nhầm lẫn này là do đâu nhưng vấn đề lịch sử này quá quan trọng, không thể bị vẩn đục bởi những lời đồn đại.

[3] Herman E. Krooss, ed., Documentary History of Currency and Banking in the United States (New York: Chelsea House, 1983), Vol. III, “Final Report from the Pujo Committee, February 28, 1913,” pp. 222-24.

[4] Ron Chernow, The House of Morgan: An American Banking Dynasty and the Rise of Modern Finance (New York: Atlantic Monthly Press, 1990), p. 129.

[5] “Men Who Are Making America,” by B.C. Forbes, Leslie’s Weekly, October 19, 1916, p. 423.

[6] Paul Warburg, The Federal Reserve System: Its Origin and Growth (New York: Macmillan, 1930), Vol. I, p. 58

[7] James Warburg, The Long Road Home (New York: Doubleday, 1964), p. 29.

[8] Nathaniel Wright Stephenson, Nelson W. Aldrich in American Politics (New York: Scribners, 1930; rpt. New York: Kennika Press, 1971), p. 373.

[9] Stephenson, p. 376.

[10] “From Farm Boy to Financier,” by Frank A. Vanderlip, The Saturday Evening Post, Feb. 9, 1933, pp. 25, 70. Hai năm sau, câu chuyện y hệt được kể lại trong cuốn sách của Vanderlip có tên trùng với tên của bài báo. (New York: D. Appleton-Century Company, 1935), pp.

[11] Xem Gabriel Kolko, The Triumph of Conservatism (New York: The Free Press of Glencoe, a division of the Macmillan Co., 1963), p. 140.

[12] William Greider, Secrets of the Temple (New York: Simon and Schuster, 1987), p. 274, 275. Also Kolko, p. 145.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]