Nguồn: Philip N. Howard & Muzammil M. Hussain (2011). “The Upheavals in Egypt and Tunisia: The Role of Digital Media”, Journal of Democracy, Vol. 22, No. 3, pp. 35-48.
Biên dịch: Nguyễn Thị Nghĩa | Hiệu đính: Nguyễn Thị Nhung
Bài liên quan: #132 – Quan hệ giữa truyền thông và dân chủ dưới góc nhìn lịch sử
Như những bài nghiên cứu từ trước đến nay thường nhận định, trên thực tế hiện nay thế giới vẫn còn một khu vực chưa hề bị tác động bởi làn sóng dân chủ thứ ba, đó là Bắc Phi và Trung Đông. Thế giới của người Ả Rập không chỉ thiếu vắng chế độ dân chủ, mà còn không có cả những phong trào quần chúng rộng lớn để thúc đẩy chế độ này. Tuy nhiên, vào tháng Mười hai năm 2010 và những tháng đầu của năm 2011, tình hình đã thay đổi với tốc độ hết sức ấn tượng. Những cuộc biểu tình công khai với qui mô lớn và trong thời gian dài đòi cải cách chính trị lan ra như thác lũ từ Tunisia đến Cairo, Sana’a, Amman và Manama. Chúng đã khơi dậy tinh thần đấu tranh cho người dân sống ở Casablanca, Damascus, Tripoli, và hàng chục những thành phố khác đổ xuống đường đấu tranh đòi thay đổi.
Tính đến tháng 5, nhiều nhà chính trị chủ chốt đã sụp đổ: Zineal-Abidine Ben Ali của Tunisia, Hosni Mubarak của Ai Cập, hai nhà độc tài lâu năm nhất trong khu vực, đã phải ra đi; Chính quyền Lybia của Qadhafi Mubarak phải vật lộn trong cuộc chiến với lực lượng chống đối có vũ trang, khi lực lượng này giành được quyền thống trị trên một nửa đất nước và thu hút được sự giúp đỡ từ NATO; và vài quốc vương đã bãi nhiệm nội các của họ, đồng thời cam kết cải cách hiến pháp. Các chính quyền trong khu vực cố giải quyết trong hòa bình bằng cách hứa hẹn với công dân hàng trăm triệu đô la sẽ được đem ra đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới. Marốc và Ả Rập Xê-út có vẻ đã đẩy lùi được những cuộc nổi dậy nghiêm trọng trong nước, nhưng cho đến thời điểm của bài viết này vào tháng Năm năm 2011, thì số phận cuối cùng của những chính quyền ở Bahrain, Jordan, Syria, và Yemen vẫn còn bỏ ngỏ.
Có rất nhiều cách để kể về câu chuyện thay đổi chính trị này. Nhưng một trong những cách tường thuật nhất quán nhất của các nhà lãnh đạo xã hội dân sự ở các nước Ả Rập đó là lần này, chính Internet, điện thoại di động, các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook hay Twitter đã tạo nên sự khác biệt. Với việc sử dụng những công nghệ này, những người quan tâm tới chế độ dân chủ có thể xây dựng được những mạng lưới rộng khắp, tạo ra vốn xã hội, và tổ chức những hoạt động chính trị với một tốc độ và qui mô chưa từng thấy trước đó. Nhờ có những công nghệ này, những mạng lưới ảo đã trở thành thực trên đường phố. Truyền thông kỹ thuật số trở thành công cụ cho phép các phong trào xã hội đạt được những thành quả chưa từng có, trong khi các thế lực cầm quyền lại chậm chạp đối phó bằng cách triển khai những phương pháp đáp trả công nghệ cao hay công nghệ thông thường. Nhìn lại vài tháng “Mùa xuân Ả Rập” vừa qua, chúng ta học được gì về vai trò của phương tiện truyền thông kỹ thuật số đối với các cuộc nổi dậy chính trị và dân chủ hóa? Từ những sự kiện này, chúng ta có thể rút ra được những ý nghĩa gì cho hiểu biết của chúng ta về cách thức hoạt động thực sự của công cuộc dân chủ hóa ngày nay?
Những ngòi nổ đầu ở Tunisia
Vào ngày 17 tháng 12 năm 2010, Mohamed Bouazizi tự thiêu. Anh chàng bán hàng rong trong thành phố nhỏ bé Sidi Bouzid của Tunisia đã cố gắng trong vô vọng để phản đối khoản phạt của thanh tra, đầu tiên kháng án với cảnh sát, rồi chính quyền địa phương, rồi thống đốc vùng. Mỗi lần anh ta dọa sẽ đưa vụ việc lên báo, anh lại bị nhân viên an ninh đánh đập. Bầm dập, bị xúc phạm và tuyệt vọng vì bị đối xử tàn bạo, Bouazizi tự thiêu ngay trước văn phòng thống đốc. Cho đến thời điểm ngày 4/11, khi Bouazizi tử vong tại bệnh viện, hoàn cảnh khốn khổ của anh đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình trên cả nước. Tin tức lan truyền nhanh chóng dù kênh truyền thông quốc gia đã lờ đi thảm kịch này lẫn cả nỗi bất mãn đang sôi sục ở Sidi Bouzid.
Trong suốt nửa cuối tháng Mười hai đầy căm phẫn đó, khắp các blog và tin nhắn điện thoại truyền đi thông điệp rằng người Tunisia đã trải nghiệm “tự do về nhận thức” – theo cách gọi của nhà xã hội học Doug McAdam.[1] Trong sự đồng cảm dành cho người đã khuất, cả gia đình và bạn bè đều nhận ra rằng họ cùng có nỗi bất bình chung. Sự thức tỉnh tràn đến từng mái nhà khi mọi người theo dõi các video về một nhà nước lạm dụng quyền lực trên Youtube, đọc tường thuật tin tức nước ngoài về tham nhũng chính trị trên mạng, và chia sẻ những câu chuyện châm biếm về vị độc tài già nua của họ qua tin nhắn điện thoại. Liên lạc thông qua các cách mà chính quyền không thể kiểm soát được, mọi người cũng sử dụng truyền thông kỹ thuật số để đưa ra các chiến lược cho hành động và hướng đến một mục tiêu chung: Hạ bệ chế độ độc tài.
Trong nhiều năm qua, những bản cáo trạng tham nhũng chính trị trực tiếp nhất bắt nguồn từ cộng đồng blog. Các bài báo điều tra hầu như là hoạt động chỉ của những công dân bình thường sử dụng Internet theo những cách rất sáng tạo. Nổi tiếng nhất là video trên Youtube chiếu cảnh phi cơ tổng thống của Tunisia trên đường băng gần với các điểm mua sắm xa hoa của châu Âu, trên màn hình còn hiện rõ cả ngày tháng và địa điểm, và đặt ra câu hỏi ai đang sử dụng chiếc máy bay này? (Gợi ý đưa ra là bà vợ với lối sống xa xỉ của Ben Ali). Ngay khi video này xuất hiện trên mạng, chính quyền đã chặn truy cập Youtube, Facebook và các ứng dụng khác. Nhưng các blogger và các nhà hoạt động vẫn không chùn bước, họ tạo ra những kênh truyền thay thế trên mạng và tạo không gian ảo cho những cuộc thảo luận chính trị ẩn danh, bày tỏ sự cảm thông với những công dân cùng cảnh ngộ bị hành hạ bởi chính quyền.
Sau cái chết của Bouazizi, những người phản đối Ben Ali bước từ không gian ảo ra đời thực. Shamseddine Abidi, nhà thiết kế nội thất 29 tuổi, thường xuyên đăng tải các video và cập nhật lên Facebook. Hãng thông tấn Al Jazeera sử dụng nội dung này để truyền tải tin tức về các sự kiện cho cả thế giới. Những hình ảnh về việc điều trị của Bouazizi lan truyền thông qua các trang mạng của gia đình và bạn bè. Một chiến dịch trên mạng kêu gọi công dân và các tổ chức, hiệp hội ủng hộ cho cuộc nổi dậy ở Sidi Bouzid. Các luật sư và sinh viên là những người đầu tiên xuống phố biểu tình một cách có tổ chức.
Chính phủ cố gắng cấm Facebook, Twitter và các trang mạng video như Daily Motion và Youtube. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày, mọi người lại lựa chọn tin nhắn đa phương tiện là công cụ tổ chức thay thế. Dưới 20% dân số hay sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, nhưng hầu hết ai cũng có thể tiếp cận một chiếc điện thoại di động. Ở nước ngoài, các cộng đồng hacker Anonymous và Telecomix giúp làm tê liệt chính quyền bằng cách thực hiện tấn công từ chối dịch vụ và xây dựng phần mềm mới giúp các nhà hoạt động vượt qua tường lửa của chính quyền. Đầu tháng Một, chính quyền đáp trả bằng cách bỏ tù một nhóm các blogger.
Tuy nhiên, hầu hết các cuộc nổi dậy chính trị đều không có người lãnh đạo theo kiểu cũ – không còn lãnh tụ cách mạng danh nghĩa lâu dài, không còn lãnh tụ phe đối lập truyền thống, hay những nhà diễn thuyết thu hút để kích động quần chúng nữa. Nhưng đã có những cá nhân nổi bật trên các mạng điện tử, những người mà sự đóng góp của họ có ảnh hưởng lớn và giúp vận động mọi người. Slim Amamou, một thành viên của trang sao chép bản quyền Pirate Party, đã viết blog cập nhật về cuộc cách mạng (và sau đó đã nắm giữ một vi trí trong chính phủ đoàn kết quốc gia trong một thời gian ngắn). Sami ben Gharbia, một công dân Tunisia lưu vong, đã nghiên cứu các cách kiểm duyệt trực tuyến và tuyên truyền những phương thức tránh kiểm duyệt. Một rapper trung lưu người Tunisia tự gọi mình là El Général đã cho phát trên phương tiện điện tử “Những bài hát cho cách mạng”.
Vào đầu tháng Một, những yêu cầu khẩn cấp kêu gọi giúp đỡ và các đoạn video quay bằng điện thoại về sự đàn áp của cảnh sát đã được truyền tải khắp Bắc Phi. Vị trí của Ben Ali dường như đang bị lung lay. Nhiều vụ biểu tình lớn xảy ra ở Algeria, đi đôi với vài vụ tự sát. Một lần nữa, hãng tin truyền thông của nhà nước lại đăng tải rất ít thông tin về các sự kiện ở nước láng giềng Tunisia. Chính phủ Algeria cố gắng ngăn chặn truy cập Internet và sử dụng Facebook khi thông tin về nỗi phẫn nộ của quần chúng nước láng giềng ngày một tăng. Nhưng do còn có các đường cáp quang ngầm của tư nhân chạy tới châu Âu, các nhà cầm quyền Algeria thiếu một điểm chặn hiệu quả. Một khi Chính phủ cũng trở thành một mục tiêu của Anonymous, các mạng lưới hạ tầng thông tin của Chính phủ đều thành nạn nhân bị tấn công.
Vào thời điểm Ben Ali chạy trốn từ Tunisia tới Ả Rập Xêút để tị nạn vào ngày 14 tháng Một, các chiến dịch bất phục tùng dân sự chống lại nền cai trị chuyên chế đang nổi lên ở cả Jordan, Oman, và Yemen. Ở các nước khác như Libăng, Mauritania, Ả Rập Xêút và Sudan, những cuộc phản đối qui mô nhỏ cũng nổ ra về một loạt các vấn đề khác nhau và dẫn đến những thỏa thuận nhượng bộ nhanh chóng hoặc gần như không gây ra tác động đáng kể. Nhưng kể cả ở những nước này, các lãnh đạo đối lập cũng được truyền lửa từ những diễn biến ở Tunisia. Hơn thế nữa, những nhà lãnh đạo đối lập khắp khu vực dần học hỏi các thủ thuật kỹ thuật số để gây bất ngờ cho các nhân vật cầm quyền. So với Tunisia, chỉ có Ai Cập là có cộng đồng mạng xã hội rộng hơn, và câu chuyện thành công của Tunisia đã giúp truyền cảm hứng cho những cuộc biểu tình lớn nhất của Cairo trong ba mươi năm qua.
Ai Cập được truyền cảm hứng
Ở Ai Cập, hầu hết mọi người đều sử dụng điện thoại di động. Đây cũng là nước có số dân sử dụng Internet cao thứ hai trong khu vực (chỉ sau Iran). Tin tức về vụ bỏ trốn của Ben Ali nhanh chóng lan truyền khắp Ai Cập, truyền thông nhà nước của nước này chỉ miễn cưỡng đăng tải thông tin về sự ra đi của ông ta, và liên tục chậm chạp trong tường thuật câu chuyện quy mô lớn hơn – đó là những hoạt động phản đối trên phạm vi toàn khu vực, bao gồm cả những cuộc biểu tình đột ngột khởi phát ở Cairo.
Giống như Tunisia, Ai Cập từ lâu cũng có một không gian trực tuyến công cộng lớn và sôi nổi, nơi hoạt động chủ yếu của các đảng chính trị đã bị cấm, các nhà chính thống cấp tiến, cũng như là những phóng viên điều tra và các công dân bất mãn với chế độ. Chính phủ cũng không thể đóng sập nó hoàn toàn: ví dụ, khi trang tin tức trực tuyến của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (MB) bị cấm, tổ chức này đã thuê các máy chủ đặt ở London và tiếp tục tuyên truyền quan điểm của họ khắp mạng internet. Nhưng hơn bất kỳ một nhóm có danh thế nào, sự kiện đã biến thái độ đả kích chống Mubarak trở thành cuộc biểu tình quần chúng chính là một chiến dịch tưởng nhớ một blogger đã bị sát hại.
Giám đốc quốc gia làm việc cho Google Wael Ghonim lập một nhóm Facebook có tên “Chúng ta đều là Khaled Said” để lưu giữ những kỷ niệm về chàng blogger 28 tuổi, người bị cảnh sát đánh tới chết vì vạch trần hành vi tham nhũng của họ. Cũng như những bức ảnh của Bouazizi trong bệnh viện được truyền qua những trang mạng của gia đình hay bạn bè ở Ai Cập, một bức hình có khuôn mặt bị đánh đập dã man của Said do anh trai chụp khi thi thể Khaled nằm trong nhà xác thành phố Alexandria cũng được truyền qua hàng ngàn máy di động. Và cũng như Neda Agha-Soltan, một phụ nữ Iran 26 tuổi đã trở thành biểu tượng phản kháng sau khi cái chết của cô do bị lính bắn tỉa của chế độ giết trong cuộc biểu tình hậu bầu cử ở Tehran được ghi lại vào tháng 6 năm 2009, thì tương tự Said và trang Facebook về những kỷ niệm của anh cũng trở thành nơi quy tụ những ý kiến bất đồng và cả sự cảm thông. Nhưng trang Facebook về Said không chỉ đơn thuần là một trang mạng tưởng nhớ một cá nhân của một nhóm vốn từ lâu đã bị cảnh sát Ai Cập đày đọa dai dẳng. Nó đã trở thành công cụ hậu thuẫn, một điểm gốc vững chắc của cộng đồng – dù chỉ là tạm thời. Ghonim nhanh chóng nổi lên như một tiếng nói lãnh đạo của Ai Cập trên Twitter, kết nối mạng lưới cộng đồng nói tiếng Ả-rập với mạng lưới những nhà quan sát chủ yếu nói tiếng Anh và những người ủng hộ ở nước ngoài.
Những người biểu tình đầu tiên mạo hiểm tiến vào quảng trường Tahrir (Tự do) của Cairo vào ngày 25 tháng Một năm 2011, cũng chia sẻ bao hi vọng và hoài bão với những người đồng cảnh ngộ ở Tunis. Họ là một cộng đồng chung của những người cùng suy nghĩ, được học hành nhưng đều thất nghiệp (trong một xã hội có “nhiều thanh niên” mà thường xuyên không tạo đủ công ăn việc làm cho những lớp lao động trẻ của mình), háo hức thay đổi nhưng không cam kết đối với lòng mộ đạo tôn giáo hay ý thức hệ chính trị nào. Họ tìm được sự thống nhất thông qua các phương tiện điện tử, và sau đó sử dụng điện thoại di động để kêu gọi mạng lưới xã hội của mình xuống đường.
Biểu tình lan rộng rất nhanh, khiến các quan chức chế độ và giới quan sát bên ngoài phải ngạc nhiên một mạng lưới rộng lớn từng ấy với những công dân thuộc tầng lớp trung lưu, vốn sống yên bình và khá thoải mái lại có thể sẵn sàng tập hợp chống lại Mubarak với tốc độ nhanh đến vậy. Nhiều tín đồ Hồi giáo, những người ủng hộ đảng đối lập và thành viên công đoàn cũng tham gia, nhưng chính các công dân từ xã hội tự do và dân sự mới là những tiếng nói chủ chốt trong cuộc đối thoại trên mạng này. Các tin tức hay những bài phát biểu của Mubarak, tổng thống Mỹ Barack Obama, hay nhiều lãnh đạo khác trong khu vực được truyền trực tiếp tới điện thoại di động hay máy tính xách tay trên quảng trường.
Vào tuần cuối tháng Một, Mubarak ngày càng tỏ ra tuyệt vọng khi cố gắng cắt Ai Cập khỏi hệ thống hạ tầng thông tin toàn cầu, và nỗ lực này của ông ta đã đạt được cả thành công lẫn thất bại. Đoán trước được kế hoạch này, các sinh viên có hiểu biết về công nghệ và những nhà lãnh đạo xã hội dân sự đã chuẩn bị điện thoại vệ tinh và những kết nối đường truyền tới Israel và Châu Âu, và từ đó có thể duy trì kết nối chặt chẽ và liên tục với phần còn lại của thế giới. Thêm vào đó, theo quan sát, các kỹ sư viễn thông chịu trách nhiệm làm nghẽn truy cập Internet theo lệnh của nhà nước cũng làm việc rất chậm chạp. Nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn đầu tiên nhận được lệnh đóng cửa vào Thứ Sáu, ngày 28 tháng Một, nhưng cho đến Thứ Bảy mới thực thi. Những nhà cung cấp khác nhanh chóng thực hiện, nhưng lại khôi phục dịch vụ bình thường vào Thứ Hai. Trong vòng bốn ngày, lượng băng thông truyền đến Ai Cập có giảm, nhưng vẫn ít hơn rất nhiều so với lượng mất tín hiệu thông tin tạm thời mà Mubarak muốn đạt được. Cả chế độ cũng phải đối mặt với những tổn thất và tác dụng ngược. Các cơ quan chính phủ tê liệt do bị cắt hệ thống đường truyền. Tầng lớp trung lưu Ai Cập, không truy cập được Internet tại nhà, đổ xuống đường với số lượng nhiều hơn bao giờ hết, nhiều người trong số đó đơn giản chỉ vì bị muốn tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra.
Vài ngày sau đó, lực lượng an ninh Ai Cập bắt đầu sử dụng Facebook và Twitter để thăm dò các hoạt động sắp diễn ra của nhiều nhà hoạt động riêng lẻ. Chúng đã bắt cóc Ghonim khi nhóm Facebook của anh đạt đỉnh 300.000 thành viên (con số này hiện đã tăng gấp 4 lần). Công nghệ truyền thông số hóa không chỉ khơi dậy làn sóng chống đối của dân chúng trên khắp Ai Cập, mà còn tạo ra một phương thức tổ chức quần chúng độc đáo được nhân rộng trên toàn khu vực.
Truyền thông số hóa truyền bá thông tin ra cả khu vực về từng chi tiết của công cuộc tập hợp quần chúng thành công chống lại nhân vật có thế lực ở Tunisia và Ai Cập. Giống như đã từng diễn ra ở Tunisia và Ai Cập, chính quyền Algeria, Bahrain, Lybia, Ả-rập Xê-út và Syria cũng cố gắng dập tắt các cuộc đối thoại trên mạng về thay đổi chính trị trong nước. Chính quyền các nước này cũng tiến hành những vụ bắt giữ, đánh đập và quấy rối nhằm vào các blogger. Truyền thông số hóa rõ ràng đã nắm giữ một vai trò quan trọng. Hình ảnh những người biểu tình vui sướng hân hoan ở Tunisia đã truyền lửa cho các nước khác khắp vùng. Facebook đã mang lại cơ sở hậu cần vô giá cho khâu chuẩn bị biểu tình ở mỗi quốc gia. Hệ thống tin nhắn văn bản cung cấp cho mọi người cả trong và ngoài nước thông tin về nơi diễn ra hành động, nơi xảy ra ngược đãi, và bước tiếp theo phải thực hiện là gì.
Chỉ trong vài tuần, những trang PDF chỉ ra cách làm thế nào để thực hiện được một cuộc biểu tình thành công được truyền bá rộng rãi. Tờ Atlantic Monthly đã dịch và chủ trì một “Kế hoạch hành động của các nhà hoạt động”, trang boingboing.net cung cấp các thủ thuật hướng dẫn bảo vệ truy cập nặc danh, và Telecomix tuyên truyền các cách sử dụng đường cáp điện thoại cố định để thoát khỏi những biện pháp ngăn chặn mạng băng thông rộng của nhà nước. Bằng Google Earth, dân Hồi giáo Shias ở Bahrain- nhiều người trong số đó phải sống trong những căn nhà chật chội chỉ có một phòng cho cả đại gia đình – có thể xác định vị trí và tập hợp những bức ảnh về các cung điện xa hoa của giới Sunni thiểu số cầm quyền. Truyền thông điện tử giúp người dân nhận thức được giữa họ có cùng những mối bất bình chung, và cũng cung cấp không gian linh động cho các chiến lược hành động của họ.
Mahmood al-Yousif, một blogger hoạt động vì nhân quyền nổi tiếng ở Bahrain, đã cập nhật lên Twitter trong khi bị bắt, và ngay lập tức đã kết nối với mạng lưới hiện có của các nhà hoạt động xã hội dân chủ trong nước như @OnlineBahrain có các nhà quan sát quốc tế thông qua @BahrainRights. Ở Libya, nơi xuất hiện tuyên ngôn đầu tiên của một tổ chức cạnh tranh với chính quyền Muammar Qadhafi là trên mạng Internet , ở một trang web tuyên bố thành lập chính phủ thay thế dưới dạng hội đồng quốc gia lâm thời. Một trong số những cố vấn cao cấp của Qadhafi đã rời bỏ chính quyền bằng cách đăng lời từ chức lên Twitter và mạnh mẽ kêu gọi Qadhafi rời Libya.
Như ở Tunisia và Ai Cập, người Algeria cũng đã biến nỗi tuyệt vọng và bất mãn về kinh tế từng đày đọa mình bùng phát thành những cuộc biểu tình tương tự. Salima Ghezali, nhà hoạt động người Algeria đi đầu trong phong trào, chia sẻ với phóng viên hãng Al Jazeera rằng những cuộc bạo động này “vừa rất cục bộ, nhưng cũng hết sức quốc tế”. Các cuộc bãi công do công đoàn lãnh đạo đã trở nên quen thuộc ở Algeria trong nhiều thập kỷ qua, nhưng tình trạng náo động như của năm 2011 thì kể từ 1991 đến nay là chưa từng thấy. Tại đây, những người chống đối không phải là những người hiểu biết về công nghệ nhất trong khu vực, nhưng trước khi truyền thông quốc gia đưa tin về cuộc các cuộc biểu tình trong nước hay vụ từ chức của Mubarak, rất nhiều người đã nhận được tin tức truyền cảm hứng này thông qua tin nhắn.
Bối cảnh số hóa, các hậu quả chính trị
Ben Ali đã cai trị trong khoảng gần 25 năm, và Mubarak gần 30 năm. Họ bị truất ngôi bởi một mạng lưới những nhà hoạt động mà các thành viên chủ chốt mới chỉ khoảng 20 tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm tổ chức vận động xã hội hay diễn thuyết chính trị nơi đông người. Nhận thấy điều này, các chính phủ khác đã phải cố gắng nhượng bộ với hi vọng ngăn chặn các cuộc bùng nổ. Giới cầm quyền của Algeria đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp kéo dài gần hai thập kỷ qua. Vua Oman đã trao cho nhánh lập pháp dân cử của nước này quyền thông qua luật. Tổng thống tội phạm chiến tranh của Sudan cũng hứa sẽ không tìm cách tái cử. Tất cả các quốc gia dầu mỏ đều cam kết tiến hành tái phân phối tài sản hoặc mở rộng dịch vụ công.
Dĩ nhiên chính trị ở thế giới thực còn nhiều điều để nói hơn những gì diễn ra trên mạng. Một nhà nghiên cứu xã hội được đào tạo theo lối cổ điển có thể sẽ giải thích những biến động này dựa vào tình trạng chung của khu vực như dân số trẻ gia tăng, năng suất kinh tế giảm sút, tập trung của cải tăng, thất nghiệp cao, chất lượng cuộc sống thấp. Những nhân tố này là phần điển hình thường thấy trong câu truyện thay đổi xã hội, và sự hiện diện của chúng không làm giảm vai trò của truyền thông số hóa. Những phương tiện truyền thông này có sức mạnh to lớn giúp lan truyền các tin nhắn phản kháng, đẩy lùi việc truyền tải thông tin của các nhà đài của chính quyền, kết nối những công dân tuyệt vọng với nhau, giúp họ nhận ra rằng họ có thể cùng thực hiện những hành động chung dựa trên nỗi bất bình cùng có. Nhiều năm qua, những bất mãn vẫn luôn âm ỉ, nhưng dường như nhân tố thúc đẩy các cuộc biểu tình vẫn chưa đủ mạnh cho đến khi điện thoại di động và website phủ sóng khắp khu vực. Không thể nhìn một cách giản đơn về điều kiện của cách mạng- những nguyên nhân đơn lẻ của nó, cũng như những sự phẫn nộ cụ thể khác biệt rất nhiều giữa quốc gia này với quốc gia khác. Nhưng sử dụng truyền thông số hóa để khuấy động và tổ chức chống đối đã tạo ra một mạch kết nối chung.[2]
Đúng là các nhà báo thường tập trung chủ yếu vào những chiến lược công nghệ hiện hữu, nhất là khi chúng dường như mang lại nhiều thành công, thay vì nhìn nhận những nguyên nhân gốc rễ của bất mãn xã hội. Nhưng các nhà phân tích cũng không nên vì thế mà quá thiên lệch cho những căn nguyên thực chất này mà loại bỏ công nghệ thông tin ra khỏi danh sách tổng hợp các nguyên nhân. Thực tế, bất mãn xã hội không phải là thứ gì đó có sẵn, mà phải được thai nghén dần dần khi mọi người nhất trí về bản chất và mục tiêu cụ thể của nỗi bất mãn trong lòng họ. Trong một vài năm trở lại đây, quá trình thai nghén này được thực hiện thông qua truyền thông, cụ thể là ở Tunisia, Ai Cập, và Bahrain. Không gian mạng có thể là nơi thuận lợi cho bất mãn xã hội xây dựng định dạng tổ chức, và từ đó chuyển nó thành những chiến lược và mục tiêu khả thi. Trong mấy tháng gần đây, quá trình chuyển hóa này diễn ra trên điện thoại di động và các ứng dụng mạng xã hội, kể cả ở các quốc gia có chính phủ rất giỏi trong việc dồn ép hay đàn áp dã man phe chống đối, như Ả-rập Xê-út, Syria, và Yemen.
Ở vùng Trung Đông và Bắc Phi, thái độ bất mãn đã tồn tại từ lâu, trước cả khi có Internet. Nhưng truyền thông kỹ thuật số đã giúp biến nỗi bất mãn của từng cá nhân riêng lẻ, từng địa phương, và từng cộng đồng nhất định thành một phong trào có tổ chức, trong đó mọi thành viên đều có ý thức tập thể về những khó khăn hay cơ hội mà họ sẽ cùng gánh vác khi đứng lên hành động. Như vậy, sẽ có lý hơn khi chúng ta lý giải tình hình biến động ở khu vực bằng tổng hòa các nguyên nhân sau: sức mạnh của các phong trào chống đối hiện hữu, khả năng (hay sự bất lực) của chế độ cầm quyền trong việc mua chuộc lãnh đạo phe chống đối, và vai trò của phương tiện truyền thông kỹ thuật số trong xây dựng các mạng lưới chống đối. Ở từng nước khác nhau sẽ có một “công thức” nguyên nhân khác nhau, nhưng trong đó luôn có một yếu tố nhất quán đó là sự có mặt của truyền thông kỹ thuật số.
Vẫn còn quá sớm để gọi những sự kiện này là một “làn sóng” dân chủ hóa – vì hệ quả của chúng vẫn còn chưa chắc chắn – nhưng chúng ta có thể khẳng định một điều rằng bất đồng đối với chính quyền độc tài đã trở thành mục tiêu hành động tập thể nhất quán cho cả khu vực. Những lãnh tụ phong trào xã hội Ả-rập đã chủ động học hỏi kinh nghiệm đào tạo và lời khuyên từ lãnh đạo các phong trào dân chủ hóa ở các nước khác, và những lời kêu gọi hùng hồn về quyền tự do dân sự đã xuất hiện ở khắp các cuộc biểu tình.
Nếu tổng hợp từ những tháng đầu năm 2011, câu chuyện về truyền thông kỹ thuật số và “Mùa xuân Ả Rập” dường như được phát triển thành năm hoặc sáu chương hay giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là chuẩn bị, trong đó các nhà hoạt động sử dụng truyền thông kỹ thuật số theo các cách riêng để tìm kiếm nhau, xây dựng nền tảng thống nhất trên những bất mãn chung, và xác định mục tiêu chính trị nhất quán. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn châm ngòi, bắt đầu bằng một vụ việc nào đó mà truyền thông quốc gia lờ đi, nhưng lại được đứa tin tràn làn trên mạng và gây phẫn nỗ trong công chúng. Để thực hiện được giai đoạn thứ ba- biểu tình đường phố phải nhờ đến sự kết nối và phối hợp giữa các cá nhân trên mạng trực tuyến.
Sau đó là kêu gọi quốc tế, ở gia đoạn này truyền thông kỹ thuật số sẽ đăng tải thông tin (đa số là các tin địa phương) lôi kéo chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, cộng đồng người Do Thái trên toàn cầu, và các cơ quan truyền thông hải ngoại. Nhiều vấn đề sau đó sẽ được đẩy lên đến đỉnh điểm khi các chế độ, dù đã nỗ lực dập tắt chống đối bằng cách vừa nhân nhượng, vừa đàn áp, nhưng vẫn khiến người biểu tình xuống đường; hoặc không thể xoa dịu hay đe dọa họ, để rồi bắt đầu sụp đổ trước đòi hỏi của nhân dân; hay kết thúc trong thế bế tắc đẫm máu, thậm chí là nội chiến như chúng ta đã thấy ở Bahrain, Libya, Syria và Yemen. Trong một số trường hợp như ở Tunisia và Ai Cập, câu chuyện còn kéo dài thêm một giai đoạn nữa là xung đột thông tin tiếp nối. Đó là khi các bên của cuộc chơi đấu đá nhau bằng cách giành quyền kiểm soát công cuộc cách mạng, nhằm cố gắng lèo lái tương lai theo hướng có lợi cho mình.
Trên khắp khu vực, quá trình đi đến thay đổi chính trị có bao gồm cả công đoạn làm giảm tín nhiệm của chế độ cầm quyền bằng cách điều tra những hành vi tham nhũng của họ. Nơi tốt nhất và có lẽ cũng là duy nhất để các nhà phê bình này có thể truyền bá được thông điệp của họ đi khắp nơi là Internet. Các blog, trang tin tức, những cập nhật Twitter, các diễn đàn chính trị đã tạo ra một không gian thảo luận nơi phụ nữ có thể tranh luận một cách bình đẳng với đàn ông, nơi mọi người có thể bàn về các chính sách mới, và cũng là nơi các bí mật của chế độ bị vạch trần. Nền tảng cho một sự kiện rúng động như vụ chiếm quảng trường trung tâm lại được tạo dựng từ một quá trình hết sức bình thường là mọi người đi mua di động giá rẻ và những giờ lên mạng ở quán cà phê Internet. Những công nghệ số mới đã tạo cơ hội cho các cá nhân cấu trúc lại những cách thức họ cung cấp và sử dụng nội dung thông tin. Khi khủng hoảng chính trị bùng nổ, những thói quen mới trong sử dụng công nghệ đã được hình thành rồi.
Sau năm 2000, những công nghệ liên lạc mới nhanh chóng tràn ngập khắp thế giới Ả Rập. Với nhiều người Ả Rập, đặc biệt là ở các thành phố, đọc tin tức nước ngoài trên mạng và trò chuyện với bạn bè, họ hàng ở hải ngoại đã trở thành thói quen. Truyền thông số hóa có thể trở thành một nguyên nhân ngắn hạn cho các cuộc chính biến vào năm 2011 chính là vì chúng đã trở nên quá phổ biến từ trước đó. Sử dụng truyền thông kỹ thuật số trong thời gian khủng hoảng chính trị nghe có vẻ lạ lẫm. Nhưng đối với người dân ở Tunis, Cairo, và nhiều thủ đô khác, đó là những việc quá đỗi thường ngày, và điện thoại di động do phổ biến trong dân chúng nên đã trở thành nguyên nhân trực tiếp dẫn đến công cuộc thay đổi chính trị. Cuộc cách mạng có thể được phát trên truyền hình, có thể không, nhưng nó chắc chắn sẽ được đăng trên mạng.
Ngòi châm biểu tình toàn dân bùng nổ không chỉ là ở hành vi độc ác của chế độ cai trị, (như việc cảnh sát đánh đập Mohamed Bouazizi hay Khaled Said) mà còn do nỗi căm phẫn lan truyền từ gia đình, bạn bè và đến cả những người không quen biết, thúc đẩy họ tham gia khi thấy truyền thông chính phủ phớt lờ đi sự việc. Lúc đầu, khi kênh Al Jazeera không thể đưa tin về các hoạt động số hóa ở Syria, các nhà lãnh đạo dân sự đã vận động mạng thông tin quyền lực này sản xuất một bộ phim tài liệu dài và đưa nội dung về các nhà hoạt động Syria lên website của hãng. Kết quả là, dư luận trong nước và khắp khu vực ngày càng quan tâm đến công cuộc chống đối nhà độc tài Bashar al-Assad đang diễn ra tại Syria.
Thú vị hơn, ngòi nổ của cuộc biểu tình gần đây dường như xuất hiện mà không có sự can hệ đến các nhà lãnh đạo có tiếng tăm. Đáng chú ý là những nhà tư tưởng có uy tín, quan chức công đoàn lao động, phát ngôn viên tôn giáo đều vắng mặt (hoặc ít nhất họ chỉ xuất hiện vào giai đoạn đầu). Ở Tunisia, sự kiện châm ngòi là vụ tử tự của Bouazizi. Bài học của Tunisia lại tiếp túc châm ngòi ở Ai Cập. Khi hình ảnh về những người biểu tình đổ ra đường và những tên độc tài chạy trốn tràn ngập trên kênh Al Jazeera và các mạng truyền thông xã hội, số còn lại trong khu vực cũng nổi dậy theo.
Sau khi bùng nổ, các cuộc bạo động chính trị trên đường phố bắt đầu xảy ra, dù theo cách vô cùng khác biệt. Đa số các cuộc biểu tình ở hầu hết các nước được tổ chức theo những cách không thể lường đến được, khiến các chính phủ cũng khó phản ứng. Vì không có một nhà lãnh đạo cụ thể nào, nên chính quyền không biết phải bắt giữ ai. Các nhà hoạt động sử dụng Facebook, Twitter và các trang khác để bàn luận về các kế hoạch cho các hoạt động dân sự, đồng thời chơi trò “mèo vờn chuột” với quan chức của chính quyền- những người đang giám sát các ứng dụng này.
Ở Lybia, kẻ thù của tên độc tài Qadhafi dùng các trang hẹn hò trực tuyến Hồi giáo để che dấu các kế hoạch mít tinh và biểu tình quy mô lớn. Ở Syria, chế độ Assad thỉnh thoảng chặn Facebook, và Twitter kể từ năm 2007, nhưng đã mở lại đường truy cập khi biểu tình leo thang, có lẽ đây là hành động nhằm gài bẫy các nhà hoạt động. Khi các quan chức chính phủ lan truyền tin tức sai lệch trên Twitter, các nhà hoạt động sử dụng Google Map để tự giám sát và kiểm tra nguồn thông tin đáng tin cậy. Từ đó, chính quyền lại cố làm lẫn lộn các nỗ lực kiểm soát thông tin của phe chống đối. Mubarak đã vô hiệu hóa hạ tầng băng thông rộng của Ai Cập nhưng vẫn duy trì vệ tinh và các đường cáp viễn thông lục địa. Qadhafi cố đánh ngắt mạng lưới di động trong nước, nhưng do chúng quá phân tán, nên việc này không thực hiện được.
Thông tin về các sự kiện trong khu vực được đăng tải thường xuyên cho thấy dân cư dùng chính camera trên điện thoại di động của họ để ghi lại sự việc, đặc biệt là trong những sự kiện chính họ có tham dự. Ở quảng trường Tahrir, cả đám đông biểu tình và lính lái xe tăng đều nhận được những hình ảnh họ chụp lẫn nhau rồi nhanh chóng truyền khắp các mạng xã hội. Khi các xe quân sự bị bỏ không, quần chúng trèo lên khoang xe tăng và chụp ảnh để đăng lên Facebook của họ. Những người bị bắt lại chụp ảnh khi mình bị giam cầm. Nhiều người Ai Cập cho rằng quân đội đã không tổ chức chống trả người biểu tình một cách có hệ thống bởi binh lính đột nhiên nhận thức được mối liên kết xã hội gần gũi giữa họ với những người chiếm giữ quảng trường, và cũng bởi quân đội biết rằng nhất cử nhất động của họ đều lọt vào ống kính camera. Ở những quốc gia mà lực lượng quân đội hành động hung hăng, như ở Bahrain và Syria, kết quả tàn sát vẫn được ghi lại. Youtube đã từng đặc cách gạt bỏ chính sách không chiếu những hình ảnh đổ máu thông thường của mình để cho phép đăng tải nội dung gây chấn động người dùng, ví như một đoạn băng video quay bằng di động có nhiều công dân Syrian không được trang bị vũ khí- có cả trẻ em- bị quân đội Assad bắn.
Chẳng sớm thì muộn, phe đối lập với chế độ hiện tại sẽ tìm kiếm ủng hộ quốc tế, và quá trình đó cũng đã trở thành quá trình sử dụng truyền thông kỹ thuật số. Tình trạng rối loạn trong nước rốt cuộc đã thu hút sự chú ý của quốc tế. Dĩ nhiên, liệu cuộc nổi dậy toàn dân thu hút được bao nhiêu khán giả quốc tế lại phụ thuộc vào mối quan hệ chiến lược với phương Tây, và cả mối liên kết gần gũi của mạng lưới truyền thông xã hội. Đa số những người sử dụng công nghệ ở các nước không đủ trình độ để vượt qua tường lửa của chính phủ hay duy trì tình trạng nặc danh và bí mật khi liên lạc trực tuyến. Nhưng ở mỗi quốc gia đều có nhiều sinh viên sành công nghệ và các lãnh đạo xã hội dân chủ với những kỹ năng đó, và họ đã vận dụng chúng rất tốt trong những tháng đầu năm 2011. Học tập từ những nhà hoạt động dân chủ ở các nước khác, những người đưa tin này đã sử dụng điện thoại vệ tinh, đường truyền viễn thông trực tiếp đến các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ở Israel và châu Âu, cũng như dùng các công cụ phần mềm để bảo vệ người sử dụng ẩn danh để cung cấp cho truyền thông quốc tế hình ảnh các sự kiện đang xảy ra- kể cả khi những tên độc tài vùng vẫy trong tuyệt vọng khi cố đóng cửa ISP quốc gia.
Các kế sách tuyệt vọng
Bộ khung số hóa của xã hội dân sự
Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Vai tro truyen thong ky thuat so trong CM Ai Cap va Tunisia.pdf