Nguồn: Trevor McCrisken (2013). “Obama’s Drone War”, Survival: Global Politics and Strategy, Vol. 55, No. 2, pp. 97-122.
Biên dịch: Đinh Lê Na | Hiệu đính: Lâm Vũ
Ngay vào đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Barack Obama đã cam kết sẽ chống lại chủ nghĩa khủng bố một cách hiệu quả và chính trực hơn so với người tiền nhiệm. Ông nhấn mạnh rằng “chúng ta phải tuân thủ các giá trị của mình một cách nghiêm cẩn giống như cách chúng ta bảo vệ sự an toàn của bản thân – không có bất kỳ một ngoại lệ nào”, và ra lệnh cho các cơ quan của Mỹ chấm dứt việc sử dụng biện pháp tra tấn (đối với tù binh – ND) và đóng cửa nhà tù tại Vịnh Guantanamo (Cuba).[1] Việc đạt được mục tiêu thứ hai đã được chứng minh là rất khó về mặt chính trị lẫn thực tế, nhưng chính quyền đã dứt khoát từ bỏ các cách thức thẩm vấn từng diễn ra dưới thời George W. Bush. Tuy nhiên, đáng chú ý là Obama đang dần chuyển sang một phương pháp cực đoan và thường trực hơn nhằm đối phó với những nghi can khủng bố bằng cách sử dụng máy bay không người lái để sát thương có chủ đích.
Theo nghiên cứu của tổ chức New America, trong khi George W. Bush thực hiện 48 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái Predator ở Pakistan trong suốt nhiệm kỳ, Obama ước tính đã chủ trì đến 302 cuộc tấn công tại quốc gia này.[2] Chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái cũng đã được sử dụng trong nỗ lực chống khủng bố tại Yemen, Somalia, Afghanistan và trong suốt cuộc can thiệp vào Libya năm 2011. Tuy nhiên, chính việc tăng cường các cuộc tấn công vào các mục tiêu ở Pakistan mới thu hút nhiều sự chú ý nhất. Trong khi việc tăng cường sử dụng máy bay không người lái của chính quyền Obama so với Bush một phần là kết quả của tiến bộ kỹ thuật và của tình báo thu thập từ hiện trường, có thể nhận thấy một sự dịch chuyển chính sách rõ ràng sang hướng gia tăng sát thương có chủ đích.
Bởi vì ở các vùng lãnh thổ khác, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái thường được Lầu Năm Góc giám sát, nên vai trò trung tâm của CIA trong các cuộc sát thương có chủ đích ở Pakistan đã làm trầm trọng thêm quan ngại về tính chính đáng của chúng. Sau tuyên bố của Obama về một chính sách chống khủng bố phù hợp đạo đức, việc chính quyền sử dụng sát thương có chủ đích đã làm nảy sinh các hệ quả nghiêm trọng về đạo đức, chính trị, pháp lý và chiến lược đối với Hoa Kỳ.
Tính chính đáng và trách nhiệm giải trình
Chính quyền Obama hầu như không công khai thừa nhận chính sách sát thương có chủ đích trong ba năm đầu tiên của nhiệm kỳ.[3] Tổng thống lần đầu tiên nhắc đến chương trình tấn công bằng máy bay không người lái dưới hình thức của một lời nói đùa. Tại bữa tiệc tối gặp mặt các phóng viên được tổ chức ở Nhà Trắng vào ngày 02/05/2010, ông đã cảnh báo nhóm nhạc Mỹ Jonas Brothers tránh xa con gái của mình: “Các chàng trai, đừng có tơ tưởng. Có mấy từ cho các cậu: máy bay không người lái Predator. Các cậu sẽ không bao giờ biết lúc nào nó xuất hiện. Các cậu nghĩ tôi đang đùa sao?”[4]
Mặc dù chương trình sát thương có chủ đích đã được báo cáo khá rộng rãi tại Mỹ và trên các phương tiện truyền thông quốc tế, TT Obama chỉ đề cập đến chính sách chống khủng bố của mình trong một video phỏng vấn kéo dài một giờ trên mạng xã hội Google+ vào ngày 30/01/2012. Khi được yêu cầu giải thích về việc áp dụng chiến lược tấn công bằng máy bay không người lái vào các nghi can khủng bố, tổng thống đã trả lời “trong hầu hết các trường hợp, chúng đã hoạt động chính xác, tấn công đúng vào al-Qaeda và các chi nhánh”. Ông lập luận rằng “đây là nỗ lực tập trung có chủ đích vào những người có tên trong danh sách những kẻ khủng bố đang cố gắng thâm nhập vào nước Mỹ để gây hại, tấn công các cơ quan và các căn cứ của Mỹ”.[5] Sau các tuyên bố này, mặc dù chính quyền tỏ ra sẵn sàng hơn trong việc tiết lộ chi tiết về việc nhắm vào những kẻ tình nghi khủng bố và sử dụng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, đặc biệt là ở Yemen, nhưng chương trình của CIA ở Pakistan vẫn mang tính tuyệt mật.
Các quan chức Nhà Trắng, khi thảo luận về tính chính đáng của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, đã nhấn mạnh sự ủng hộ của họ đối với chính sách của chính quyền bằng cách đề cao tính hợp pháp và sự nhất quán của chính sách này với tuyên bố của TT Obama về mục tiêu chống khủng bố. Một quan chức giấu tên nói với tờ Newsweek rằng “những hoạt động [chống khủng bố] này được thực hiện theo đúng pháp luật của Mỹ và được điều chỉnh dưới sự hướng dẫn pháp lý của Bộ Tư pháp”.[6] Trong một bài phát biểu tại Trường Luật Harvard, John O. Brennan , trưởng cố vấn chống khủng bố của TT Obama (và từ tháng 3/2013 là giám đốc CIA) đã nói:
các nguyên tắc hướng dẫn mọi hành động của chúng tôi, cả ở trong và ngoài nước – chúng tôi sẽ gìn giữ những giá trị cốt lõi đã định hình chúng ta thành “người Mỹ”, trong đó bao gồm sự tôn trọng pháp quyền. Và khi tôi nói “tất cả các hành động của chúng tôi”, điều đó bao gồm những hành động bí mật, mà chúng tôi thực hiện dưới sự cho phép của Quốc hội. TT Obama đã chỉ đạo rằng tất cả các hành động của chúng tôi – kể cả khi thực hiện trong vòng bí mật –phải phù hợp với luật pháp và các giá trị của Hoa Kỳ.[7]
Harold Koh, cố vấn pháp luật cho Bộ Ngoại giao, phát biểu rằng Hoa Kỳ “có thẩm quyền theo luật quốc tế, và trách nhiệm trước công dân của mình, trong việc sử dụng vũ lực, trong đó có cả vũ khí sát thương, để tự vệ, bao gồm cả việc nhắm vào các mục tiêu như lãnh đạo cao cấp của al-Qaeda, những kẻ đang có kế hoạch tấn công”. Koh cho rằng việc sử dụng vũ lực có chủ đích là đặc biệt hợp lý nếu có một mối đe dọa “sắp xảy ra” và đặc biệt, trong trường hợp quốc gia nơi đối tượng tình nghi trú đóng thiếu sự sẵn sàng hay khả năng “ngăn chặn các mối đe dọa từ mục tiêu”. Theo Koh, chính quyền thực hiện những bước đi cực kỳ quan trọng để đảm bảo rằng tất cả các cuộc tấn công không người lái phù hợp với “các nguyên tắc của luật chiến tranh”. Ông nhấn mạnh rằng chính quyền đã tuân thủ hai nguyên tắc chính là “tính phân biệt” và “tính tương xứng”.
Nguyên tắc về tính phân biệt “bắt buộc các cuộc tấn công chỉ được giới hạn trong các mục tiêu quân sự; dân thường hoặc các vật thể dân sự không thể là đối tượng của cuộc tấn công”. Nguyên tắc về tính tương xứng “nghiêm cấm các cuộc tấn công dự kiến có thể gây ra thiệt hại ngẫu nhiên cho cuộc sống của thường dân, thương tích cho người dân, thiệt hại cho vật thể dân sự, hoặc bao gồm tất cả các điều trên; các cuộc tấn công vượt quá mức so với lợi ích quân sự rõ ràng và trực tiếp”. Koh nhấn mạnh rằng trong việc lập kế hoạch và thực hiện các chiến dịch chống lại nghi can khủng bố, sự quan tâm đặc biệt được thực thi để đảm bảo rằng “chỉ có những mục tiêu chính đáng là được nhắm đến và thiệt hại ngoài dự kiến luôn được giữ ở mức tối thiểu”. Ông nói thêm rằng điều này bao gồm “các hoạt động có khả năng gây chết người được thực hiện bằng cách sử dụng các phương tiện bay không người lái”.[8]
Tuyên bố của Koh phù hợp với cuốn Sách Trắng dày 50 trang của Bộ Tư pháp đề cập đến tính hợp pháp của các chiến dịch sát thương chống lại những công dân Mỹ là các thành viên cấp cao của al-Qaeda hoặc các nhóm liên quan. Tài liệu này được mang ra để biện minh cho việc đưa Anwar al-Awlaki vào danh sách bị bắt hoặc giết. Là một đặc vụ của al-Qaeda bị đưa vào danh sách nghi ngờ, Awlaki đã bị giết bởi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Yemen vào ngày 30/09/2011. Sách Trắng nêu chi tiết rằng nếu “việc bắt giữ là không khả thi”, một công dân Mỹ “đã gia nhập al-Qaeda hoặc các lực lượng liên quan” có thể bị tiêu diệt một cách hợp pháp nếu người đó là “một mối đe dọa tấn công bạo lực vào nước Mỹ trong tương lai gần”. Tài liệu này nói rằng các chiến dịch sát thương hợp pháp có thể được thực hiện “với sự đồng ý của chính phủ nước chủ nhà” lẫn không có sự đồng ý nếu nước đó “không thể hoặc không sẵn sàng ngăn chặn các mối đe dọa từ cá nhân đã được nhắm đến”. Sách Trắng biện minh cho cuộc tấn công vào các công dân Mỹ dựa trên cơ sở của việc Quốc hội cho phép hành động quân sự chống lại al-Qaeda ngay sau ngày 11/09, và thực tế là có một “cuộc xung đột vũ trang giữa Mỹ và al-Qaeda”.[9] Các điều khoản trong Sách Trắng mô tả chi tiết rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào một công dân Hoa Kỳ bị tình nghi khủng bố đều phải có tính tương xướng và phân biệt, đặc biệt là khi liên quan đến dân thường. Điều này rõ ràng đã gây ảnh hưởng và hạn chế khung thời gian của cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Awlaki. Mặc dù Awlaki đã bị đặt vào tầm ngắm từ một tháng trước đó, cuối cùng cuộc tấn công chỉ được cho phép sau khi Awlaki rời khỏi một ngôi làng đông dân cư và di chuyển bằng xe hơi đến một khu vực xa hơn.[10]
Những cuộc thảo luận về việc liệu có thể cho phép một cuộc tấn công không người lái nhằm vào Awlaki được cho là có liên quan đến các luật sư từ Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh Quốc gia và các cơ quan tình báo, những người đã có những cuộc gặp gỡ suốt nhiều tháng liền với các nhà hoạch định chính sách và các quan chức Bộ Tư pháp trong Phòng Tình huống Nhà Trắng.[11] Ban đầu vẫn chưa rõ mức độ mà các quan chức chính quyền cấp cao nhất đã trực tiếp tham gia xây dựng hoặc giám sát việc ra quyết định sử dụng vũ lực sát thương, nhưng bằng chứng gần đây cho thấy chính Obama trực tiếp phê chuẩn. Cựu Chánh văn phòng của Nhà Trắng, William M. Daley, nhớ lại tổng thống đã từng nói rằng “đây là một quyết định dễ dàng” sau khi nhìn thấy những bằng chứng chống lại Awlaki.[12]
Việc thiếu các thông báo chính thức về chương trình sát thương có chủ đích trong ba năm đầu tiên của nhiệm kỳ TT Obama đã khiến danh tính những người có thẩm quyền hoặc chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công không người lái trở nên không rõ ràng, và tạo ra những lo ngại về tính minh bạch của chương trình. Một số thông tin giới hạn đã được biết từ trước năm 2012 cho thấy CIA có trách nhiệm duy nhất trong việc lựa chọn mục tiêu cho những cuộc tấn công không người lái ở Pakistan. Trong một báo cáo về các cuộc tấn công được công bố trên tờ The New Yorker, nhà báo điều tra Jane Mayer cho rằng “Nhà Trắng đã trao thẩm quyền quyết định cho các quan chức CIA”.[13] Mặc dù các quan chức chính quyền cam đoan rằng tất cả các vụ sát thương có chủ đích phải được tiến hành trong giới hạn pháp lý chặt chẽ, hầu như không rõ ai là người đã tham gia vào việc ra quyết định nhắm mục tiêu, đâu là những tiêu chuẩn đã được áp dụng và liệu có cuộc thảo luận nào xem xét giá trị của việc tiêu diệt thay vì bắt giữ các mục tiêu. Cơ cấu chỉ huy và kiểm soát của các cuộc tấn công cũng không rõ ràng. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn trên mạng Google+, Obama đã cố gắng làm giảm bớt lo ngại về việc chương trình hoạt động mà không cần đến sự chấp thuận của mình: “Chương trình này được giám sát chặt chẽ. Đây không phải là việc một nhóm người ngồi ở trong một căn phòng nào đó và đưa ra quyết định”.[14]
Brennan cung cấp những thông tin chính thức chi tiết nhất có thể về cách thức ai đó được thêm vào danh sách mục tiêu tấn công như thế nào trong một bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Woodrow Wilson vào ngày 30/04/2012. Mô tả cơ sở hợp lý của chương trình, ông cung cấp những thông tin mới về quá trình ra quyết định đằng sau các cuộc tấn công. Tuy nhiên, Brennan không đề cập đến những địa điểm nơi diễn ra các cuộc tấn công, những người đã tham gia vào các quyết định khởi động chúng hay vai trò của Lầu Năm Góc và CIA trong chiến dịch này. Brennan đã nhắc lại nhiều điểm trong số này trong phiên điều trần xác minh của ông trước Ủy ban Tình báo Thượng viện vào ngày 07/02/2013, một cách thận trọng và thiếu thông tin chi tiết về hoạt động.
Có vẻ như TT Obama đã liên quan trực tiếp nhiều hơn vào việc đưa ra lựa chọn sau cùng về các mục tiêu lẫn quyết định tấn công bằng máy bay không người lái, so với suy nghĩ trước đây về vai trò của ông. Sau khi phỏng vấn gần 40 cố vấn hiện tại và trước đây của TT Obama, hai phóng viên của tờ New York Times, Jo Becker và Scott Shane, kết luận rằng tổng thống đã “tự đặt mình vào vị trí lãnh đạo của một quy trình “đề cử” tối mật trong việc chỉ định bắt sống hay tiêu diệt những kẻ khủng bố”. Họ cho rằng TT Obama đã “khăng khăng phê duyệt tất cả những cái tên mới trong “danh sách tìm diệt” mở rộng và “dành cho bản thân sự cân nhắc đạo đức cuối cùng” của việc liệu có cho phép tấn công hay không, đặc biệt là khi có nguy cơ gây thương vong cho dân thường. Theo lời của Cố vấn An ninh Quốc gia Thomas E. Donilon, TT Obama “quyết tâm đưa ra quyết định về phạm vi và mức độ của các chiến dịch… Obama quyết tâm không giới hạn quá nhiều”.[15]
Quá trình lựa chọn các mục tiêu tại Yemen và Somalia được cho là đã kéo theo các cuộc hội nghị truyền hình thường xuyên bao gồm hơn 100 thành viên của cơ cấu an ninh quốc gia, dưới sự chủ trì của các quan chức Lầu Năm Góc chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở các nước này. Các thành viên hội nghị đánh giá chứng cứ chống lại nghi can khủng bố nhằm xác định các mối đe dọa có đủ nghiêm trọng để đưa vào danh sách tìm diệt. Được biết, có thể “mất đến năm hoặc sáu phiên họp để một cái tên được chấp nhận hay loại bỏ khỏi danh sách nếu mối nghi ngờ không còn có vẻ gây ra sự đe dọa khẩn cấp”. Những cái tên đã được phê duyệt là cơ sở để Brennan đưa ra các khuyến nghị cuối cùng cho Obama, người quyết định đâu là một mục tiêu chính đáng. Brennan mô tả lại mong muốn của TT trong việc “đảm bảo rằng chúng ta đã thực hiện một quy trình kiểm tra nghiêm ngặt về tính bất khả thi của việc bắt giữ, sự chắc chắn của các thông tin tình báo, tính cấp bách của mối đe dọa, tất cả những điều này”.[16]
Viết trên tờ Washington Post, Greg Miller cho rằng TT Obama đã “thể chế hóa phương thức tuyệt mật về hoạt động sát thương có chủ đích, chuyển đổi các yếu tố tạm thời thành một cơ sở hạ tầng chống khủng bố có khả năng duy trì một cuộc chiến có vẻ lâu dài”. Miller cũng cho rằng Brennan “đã tìm cách hệ thống hóa cách tiếp cận của chính quyền trong việc tạo ra danh sách bắt giữ /tìm diệt [như] là một phần của một nỗ lực lớn hơn để hướng dẫn các chính quyền tương lai thông qua các quy trình chống khủng bố mà TT Obama đã áp dụng”. Theo Miller, chính quyền đang bí mật phát triển một “ma trận sắp xếp”, là “một cơ sở dữ liệu đơn nhất, liên tục phát triển, trong đó tiểu sử, địa điểm, các mối liên hệ đã biết và các tổ chức liên kết đều được phân loại”. Việc hệ thống hóa các quy trình phía sau những vụ sát thương có chủ đích có khả năng sẽ đưa các phương pháp tiếp cận này vào chính sách chống khủng bố của Hoa Kỳ trong nhiều năm tới. Như Paul Pillar, cựu phó giám đốc Trung tâm chống khủng bố của CIA, nhận xét: “khi chúng ta thể chế hóa những khoản nhất định, bao gồm cả việc sát thương có chủ đích, nó giống như vượt qua một ngưỡng khiến cho việc quay trở lại trở nên khó khăn hơn”.[17] Bằng việc thông báo các quy trình lựa chọn mục tiêu và thực hiện các cuộc tấn công, chính quyền Obama đã góp phần vào việc bình thường hóa sát thương có chủ đích. Những thông báo như thế đã biến chương trình sát thương có chủ đích trở thành trung tâm của chính sách chống khủng bố, nhấn mạnh sự tiện ích và cố gắng làm tiêu tan những lo ngại về tính chính đáng và tính hiệu quả của nó.
Trong khi các quan chức Nhà Trắng đã cung cấp chi tiết về các quy trình phía sau các vụ sát thương có chủ đích tại Yemen, Somalia và vùng lãnh thổ khác, mà ở đó Lầu Năm Góc kiểm soát các vụ tấn công bằng máy bay không người lái, thông tin về các chiến dịch do CIA chỉ huy ở Pakistan khó thu thập hơn. Viết trên Foreign Policy, nhà báo James Traub nhận thấy rằng trong khi Brennan “công bố rằng tổng thống đã giải mật chương trình không người lái ở Yemen … một chương trình lớn hơn nhiều ở Pakistan vẫn còn trong vòng bí mật và được xếp loại tuyệt mật”.[18] John A. Rizzo, nguyên quyền tổng cố vấn của CIA, giải thích rằng các bước đã thực hiện là “có nhiều lớp và có phương pháp” nhưng cơ quan này đã có nhiều quyền tự chủ trong các quyết định thực hiện một vụ tìm diệt cụ thể.
Thông tin bị rò rỉ hoặc có được từ các báo cáo công khai cho thấy rằng mặc dù Obama nắm giữ quyền đối với các chính sách rộng lớn hơn trong việc sử dụng vũ lực sát thương để loại bỏ các nghi phạm khủng bố, ông không phải là người cuối cùng cho phép thực hiện phần lớn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Pakistan.[19] Tháng 10/2012, phóng viên Karen DeYoung của tờ Washington Post tuyên bố rằng “CIA có thẩm quyền thường trực đối với quyết định tấn công các mục tiêu nằm trong danh sách đã được phê duyệt ở Pakistan không cần sự cho phép từ Nhà Trắng”.[20] Tính bí mật xung quanh chương trình Pakistan làm tăng thêm sự lo ngại rằng một khi mục tiêu đã được đưa vào danh sách bắt hoặc giết, mệnh lệnh nhanh chóng hành động nhằm đảm bảo thực thi một vụ tìm diệt khỏa lấp tất cả các mối quan tâm khác, và rằng những người được gọi là “chiến binh văn phòng”, những người điều khiển các máy bay không người lái từ xa hàng ngàn dặm, có thẩm quyền đáng kể trong hành động.
Thông tin của Rizzo cho thấy phần lớn các quyết định về việc sẽ tấn công ai, ở đâu và khi nào ở Pakistan là do chừng mười luật sư tại Trung tâm chống khủng bố của CIA đưa ra. Giải trình bằng văn bản của họ được cho là “có tính pháp lý và được lập luận một cách cẩn thận”, nhưng chỉ dài khoảng từ hai đến năm trang. Michael Scheuer, cựu lãnh đạo của đơn vị “Osama bin Laden” thuộc CIA, tuyên bố các vị luật sư “rất kén chọn” và thường từ chối thông qua các vụ tấn công bằng máy bay không người lái vì cho rằng các bằng chứng chống lại nghi phạm vẫn chưa đảm bảo. Trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng trước khi thực hiện phần lớn các cuộc tấn công thuộc về Tổng cố vấn của CIA, người “phê duyệt nhắm mục tiêu cho chiến dịch sát thương”.[21]
Bất chấp mối quan tâm rõ ràng này về chi tiết và tính hợp pháp, quy trình vẫn còn đặt ra những câu hỏi quan trọng về trách nhiệm giải trình và tác động của mỗi vụ sát thương có chủ đích đối với các mục tiêu chống khủng bố. Chính quyền hiện nay dường như đã nhận ra vấn đề này. Từ những tháng đầu trong nhiệm kỳ tổng thống của TT Obama, người ta đã cho rằng “nếu CIA không thể ‘gần như chắc chắn’ rằng một vụ tấn công bằng máy bay không người lái sẽ không gây thương vong cho dân thường, thì Obama sẽ tự mình quyết định có nên thực hiện không”.[22] Trong khi Obama tự mình phê duyệt cho tất cả các cuộc tấn công không người lái của Lầu Năm Góc tại Yemen và Somalia, ông ước chừng chỉ đưa ra quyết định cuối cùng trong “khoảng một phần ba trên tổng số” những vụ tấn công bằng máy bay không người lái do CIA thực hiện ở Pakistan. TT Obama chỉ đưa ra tiếng nói cuối cùng trong các chiến dịch “phức tạp và nguy hiểm”. Ngoài ra, CIA có vẻ vẫn giữ quyền tự chủ ở mức độ lớn trong khoảng hai phần ba các vụ sát thương có chủ đích mà cơ quan này thực hiện.[23]
Mối quan ngại về sự thiếu minh bạch của chương trình đã dẫn đến sự chỉ trích từ những nhân vật cấp cao. Trong một báo cáo ban hành vào tháng 5 năm 2009, Philip Alston, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về các trường hợp hành hình ngoài pháp lý, vội vàng hoặc độc đoán, kết luận rằng “khi không tiết lộ lý do pháp lý, cũng như cơ sở của việc lựa chọn các mục tiêu cụ thể (phù hợp với nhu cầu an ninh), các nhà nước đang hành động mà không có trách nhiệm giải trình”. Theo luật nhân đạo quốc tế, tính minh bạch là yêu cầu bắt buộc trong việc sử dụng vũ lực. Alston cho rằng việc “thiếu công bố thông tin” xung quanh chương trình máy bay không người lái đem lại cho Hoa Kỳ “một giấy phép giết người ảo và không được phép”. Alston cho rằng để đảm bảo các quy trình phòng vệ và tôn trọng luật pháp quốc tế, các quốc gia phải tiết lộ cách thức quyết định nhắm đến mục tiêu, cách tổ chức cấu trúc chỉ huy và kiểm soát và cách sử dụng hoạt động tình báo để xác định các mục tiêu chính đáng và giảm thiểu thương vong dân sự. Họ cũng phải tiết lộ các biện pháp đã dùng nhằm giải trình và điều tra các trường hợp được cho là sai sót hoặc giết người bất hợp pháp.[24] Việc công khai đó không yêu cầu phải tiết lộ các chi tiết hoạt động, điều có thể làm giảm hiệu quả của các cuộc tấn công. Công khai hóa sẽ giúp chính sách chống khủng bố đứng vững hơn về mặt đạo đức.
Lời kêu gọi minh bạch hóa của Alston đã được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) lặp lại gần đây. Trong một bức thư ngỏ gửi Obama, giám đốc điều hành Kenneth Roth yêu cầu chính quyền “làm rõ một cách đầy đủ và công khai căn cứ pháp lý của các vụ sát thương có chủ đích, và các giới hạn pháp lý trong các vụ tấn công đó”. Dù công nhận “trách nhiệm giải quyết các mối đe dọa an ninh quốc gia” của chính phủ, Roth cho rằng chính quyền cần phải “giải thích lý do tại sao họ tin rằng các cuộc tấn công của họ là phù hợp với luật pháp quốc tế.[25] Tổ chức này đề xuất Nhà Trắng công khai băng tư liệu ghi lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, biên bản pháp lý của CIA và bộ Tư pháp về các quyết định xác định mục tiêu, báo cáo sau hành động, và đánh giá thương vong dân sự trước và sau mỗi cuộc tấn công. Nhóm này cũng cho rằng chính quyền nên điều tra kỹ lưỡng mọi cuộc tấn công đã phạm sai lầm và kỷ luật hoặc truy tố những người chịu trách nhiệm về “các cuộc tấn công bất hợp pháp”.[26] Mặc dù Liên Hợp Quốc mới đây đã tuyên bố ý định điều tra các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, chính quyền Obama vẫn không đáp lại những áp lực từ bên ngoài đối với yêu cầu công bố nhiều thông tin hơn về các vụ tấn công, đặc biệt là những hoạt động do CIA điều hành ở Pakistan.[27]
Việc các quan chức như Brenna và Rizzo mô tả về những quy trình pháp lý cẩn trọng, có tính quy tắc đằng sau chiến dịch sát thương có chủ đích này hàm ý rằng chiến dịch này “sạch sẽ”, chính xác và hiệu quả. CIA tự hào về tính chính xác của các cuộc tấn công và được cho là đã sử dụng những tên lửa tinh vi có trường nổ giới hạn để hạn chế thấp nhất thiệt hại ngoài dự tính. Một quan chức giấu tên của Hoa Kỳ cho rằng công nghệ bay không người lái cho phép “vũ khí được chuyển hướng vào phút cuối nếu có khả năng thường dân đối mặt với nguy hiểm”.[28] Khả năng chính xác này được kết hợp với tính chất từ xa của các cuộc tấn công.
Washington rõ ràng là muốn tránh sử dụng bộ binh ở Pakistan do những hậu quả chính trị của việc vi phạm chủ quyền quốc gia (vụ tiêu diệt Bin Laden là một ngoại lệ đáng chú ý).[29] Có thể cho rằng, nguy cơ thương vong dân sự là cao hơn nhiều khi các lực lượng trên bộ chiến đấu trong môi trường thù địch để hoàn thành các mục tiêu. Hành động đó cũng đặt chính các binh sĩ vào thế nguy hiểm, và nhiều khả năng là mục tiêu sẽ dự đoán được cuộc tấn công và tẩu thoát. Kenneth Anderson, một học giả tại American University Washington College of Law lập luận:
Dù đối với một số người, toàn bộ khái niệm dường như rất gần với sự giết chóc tùy ý, không phải là chiến tranh trực tiếp, nhưng đây thường là cách thức thích hợp nhất để vô hiệu hóa một tên khủng bố mà không gây nguy hiểm cho cả dân thường lẫn quân đội Hoa Kỳ – mặc dù thương vong dân sự có xảy ra, đây vẫn có thể xem là phương thức nhân đạo hơn cả.[30]
Thực tế, tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng đạt đến một kết luận tương tự. Họ lập luận rằng do máy bay không người lái có thể “kéo dài việc quan sát các mục tiêu trong một thời gian dài mà không gây rủi ro cho người quan sát”, các phi công có thêm thời gian để phân biệt mục tiêu chính đáng với dân thường.[31] Brennan cũng đem quan điểm này làm trọng tâm trong kết luận của ông rằng việc sử dụng phương pháp sát thương có chủ đích là hợp đạo đức:
Người ta có thể cho rằng trước đây chưa từng có một loại vũ khí nào cho phép chúng ta phân biệt một cách hiệu quả hơn giữa quân khủng bố al-Qaeda với thường dân vô tội …rất khó tưởng tượng ra được một công cụ tốt hơn có thể giảm thiểu nguy cơ cho dân thường so với máy bay không người lái.[32]
Việc máy bay không người lái phóng tên lửa nhắm mục tiêu từ xa nhắm sẽ làm giảm thiểu nguy cơ trên mọi cấp độ, và việc nhắm mục tiêu được thực hiện bởi máy tính làm giảm nguy cơ thiệt mạng dân thường hoặc tổn thất tài sản. Hầu hết các nhân viên tình báo và nhà thầu tư điều khiển máy bay không người lái hoạt động tại Pakistan đều an vị tại trụ sở CIA ở Langley.[33] Brennan nhấn mạnh lợi ích này bằng cách mô tả các cuộc tấn công là “khôn ngoan” vì chúng “làm giảm đáng kể nguy hiểm cho nhân viên Mỹ, thậm chí loại bỏ hoàn toàn nguy cơ”.[34]
Tuy nhiên, sự dễ dàng và vô danh khi thực hiện một cuộc tấn công không người lái (hoặc “tâm lý PlayStation”,[35] như cách gọi của nhiều người) đặt ra câu hỏi sâu hơn về hành vi chiến tranh của một xã hội dân chủ lập hiến. Bất chấp việc công bố các thông tin mới về các cuộc tấn công, tính chất bí mật và từ xa khiến chúng “không thật”. Jack Healey, người sáng lập Trung tâm Hành động Nhân quyền ở Washington DC, đã viết rằng “không có sự thảo luận nghiêm túc và rộng rãi nào về mặt đạo đức trong việc sử dụng máy bay không người lái trên các phương tiện truyền thông hoặc trên đường phố nước Mỹ”.[36]
Công chúng Mỹ đã nhận được hình ảnh về chiến tranh kiểu Mỹ ngày một được thanh lọc, tách biệt khỏi tác động tâm lý và chính xác về mặt công nghệ kể từ cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 (nếu không phải là trước đó). Máy bay không người lái đi theo xu hướng của vũ khí điều khiển từ xa giúp giữ khoảng cách giữa cả người điều khiển với hành động giết người thực sự lẫn khoảng cách giữa công chúng với tổn thất về con người. Chiến dịch năm 1991 tại Iraq thường xuyên được so sánh giống một trò chơi trên video, khi các hãng tin phát sóng những đoạn phim chi tiết khi bom điều khiển bằng laser đánh trúng những mục tiêu bị làm mờ. Từ đó, những cuộc tấn công có vẻ chính xác này trở thành một đặc điểm quan trọng trong các hoạt động của Hoa Kỳ. Tuyên bố nổi tiếng của Jean Baudrillard, “Chiến tranh vùng Vịnh đã không hề diễn ra”, dường như ngày càng vang vọng khi chúng ta tiến sâu hơn vào cõi “chiến tranh ảo”.[37] Sự phụ thuộc vào việc sát thương có chủ đích làm thay đổi nhận thức của công chúng về “cuộc chiến chống khủng bố” để che khuất hệ quả chính trị và đạo đức của nó: các vụ tấn công không người lái được tiến hành với rủi ro tối thiểu cho người tấn công được cho là có khả năng gây ra chiến tranh triền miên.
Nhận thức về Hoa Kỳ
Một trong những mối quan tâm lớn nhất đối với các cuộc tấn công không người lái là tác động đến dân thường ở các quốc gia mục tiêu, đặc biệt là Pakistan. Các cuộc tấn công gây ra sự căm phẫn đối với quân đội Hoa Kỳ khi hoạt động trong một quốc gia có chủ quyền không liên quan đến cuộc chiến, và đối với tổn thất về con người của các cuộc tấn công vào các khu vực đông dân cư. Một nghiên cứu thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành vào năm 2012 ở Pakistan cho thấy chỉ có 12% số người được hỏi có cái nhìn thiện cảm với Hoa Kỳ.[38] Một cuộc thăm dò khác cũng do Trung tâm thực hiện vào giữa năm 2010 cho thấy chỉ có 35% người Pakistan biết về các cuộc tấn công không người lái. Trong số những người biết về các cuộc tấn công, 93% phản đối, 56% tin rằng không cần thiết phải sử dụng chúng để bảo vệ Pakistan khỏi chủ nghĩa cực đoan, và chỉ có 32% chấp nhận giá trị của chúng trong cuộc chiến chống khủng bố. Số lượng áp đảo 90% những người Pakistan biết về các cuộc tấn công không người lái tin rằng “chúng đã giết quá nhiều người vô tội”.[39]
Tuy nhiên, theo phân tích của Tổ chức New America về các cuộc tấn công không người lái tại Pakistan, thương vong dân sự đã giảm đáng kể do tính chính xác của mỗi cuộc tấn công đang được cải thiện bằng cách “tăng cường số điệp viên Hoa Kỳ thâm nhập vào bên trong các bộ lạc Pakistan, mục tiêu được xác định tốt hơn, hợp tác tình báo tốt hơn với quân đội Pakistan, và tên lửa nhỏ hơn”. Nghiên cứu này cho thấy “tỷ lệ tử vong dân sự từ năm 2004 là xấp xỉ 25% và trong năm 2010, con số này chỉ nhỉnh hơn 6%.” Điều này cho thấy việc công bố các thông tin chính xác về số thương vong dân sự ở Pakistan khiến cho chương trình sát thương có chủ đích trở nên phổ biến hơn.[40] Cameron Munter, cựu Đại sứ Mỹ tại Pakistan, ủng hộ việc chương trình không người lái đạt hiệu quả cao khi chống lại al-Qaeda, nhưng thừa nhận rằng bí mật xung quanh chương trình phá hỏng hình ảnh của Hoa Kỳ ở Pakistan. Ông lập luận:
Nếu chúng ta đã có thể vén bức màn bí mật của chương trình và nói chuyện cởi mở hơn về các mục tiêu và các những mục tiêu đó được chọn với những người thiện chí ở Pakistan, tôi nghĩ rằng điều đó có thể đã tạo ra một hiệu ứng rất tích cực.[41]
Các đại diện chính thức của Pakistan đã không thể xua tan niềm tin rằng dân thường phải chịu thiệt hại nghiêm trọng do các cuộc tấn công không người lái. Ví dụ, các quan chức chính phủ Pakistan ước tính rằng các cuộc tấn công không người lái đã khiến khoảng 700 thường dân thiệt mạng trong năm 2009, trong khi một quan chức giấu tên của Hoa Kỳ cho rằng “chỉ hơn 20” người thiệt mạng là dân thường.[42] Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy những nhân vật nổi bật trong chính phủ Pakistan bí mật ủng hộ việc sử dụng các máy bay không người lái. Trong bức điện bị rò rỉ đề cập chi tiết cuộc trao đổi với Đại sứ Mỹ Anne Patterson từ tháng 8/2008, Thủ tướng Yousaf Raza Gilani đã nói về các cuộc tấn công không người lái “Tôi không quan tâm họ có thực hiện hay không miễn là nhắm đúng người. Chúng tôi sẽ tỏ thái độ phản đối trước Quốc hội rồi lờ đi”.[43] Tổng thống Asif Ali Zardari cũng bày tỏ sự ủng hộ kín đáo khi nói: “Hãy giết các lãnh đạo (khủng bố – ND) cấp cao. Thiệt hại ngoài dự tính khiến người Mỹ các ngài lo lắng. Không phiền hà gì đến tôi”.[44] Munter có thể đã đúng khi lập luận “tác động của chương trình khiến đã đến lúc cần các nhà cầm quyền Hoa Kỳ và Pakistan có một cuộc thảo luận cởi mở hơn”.[45]
Tuy nhiên, các cuộc tấn công không người lái còn có tác động tiêu cực đến nhận thức của công chúng về chính sách đối ngoại của TT Obama và Hoa Kỳ không chỉ ở Pakistan. Khảo sát Global Attitudes Survey năm 2012 của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy chiến dịch sát thương có chủ đích là chính sách ít được lòng nhất trên thế giới, hơn một nửa số người được hỏi ở 17 trong số 20 quốc gia tiến hành thăm dò ý kiến không chấp nhận chương trình tấn công bằng máy bay không người lái nhằm truy bức các phần tử cực đoan của Hoa Kỳ. Đây không chỉ là ý kiến của các quốc gia mà đa số dân số theo Hồi giáo, mà còn của các nước châu Âu và các khu vực khác. Phần lớn số người được hỏi phản đối các cuộc tấn công không người lái phân bố trong một phạm vi đa dạng: Hy Lạp (90%), Ai Cập (89%), Jordan (85%), Thổ Nhĩ Kỳ (81%), Tây Ban Nha (76%), Brazil (76%) và Nhật Bản (75%). Ngược lại, 62% người Mỹ ủng hộ các cuộc tấn công không người lái và chỉ có 28% không chấp thuận chúng. Không chỉ có 74% cử tri Đảng Cộng hòa ủng hộ các cuộc tấn công, mà còn 60% cử tri độc lập và 58% cử tri Đảng Dân chủ cũng đồng ý.[46] Tuy nhiên, việc chính quyền Obama ngày càng gia tăng sự phụ thuộc vào chương trình sát thương có chủ đích làm hại nỗ lực của họ trong việc cải thiện nhận thức về Hoa Kỳ trên toàn cầu. Nhận thức tiêu cực về chương trình sát thương có chủ đích dường như đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc làm sống lại một niềm tin phổ biến trong nhiệm kỳ của George W. Bush, rằng “Hoa Kỳ hoạt động đơn phương và không xem xét đến lợi ích của các quốc gia khác”.[47]
Hiệu quả hoạt động
Giết hay bắt sống?
Download phần còn lại của văn bản tại đây: Cuoc chien may bay khong nguoi lai cua Obama.pdf
[1] Associated Press, ‘Obama Names Intel Picks, Vows No Torture’, NBCNEWS.com, tháng 1/2009, http:// www.nbcnews.com/id/28574408/#. USZXY_JhcXg.
[2] Tổ chức New America, ‘The Year of the Drone: An Analysis of U.S. Drone Strikes in Pakistan, 2004–2013’, http://counterterrorism.newamerica.net/drones.
[3] Robert Gibbs, lúc đó là thư ký báo chí của Nhà Trắng, được yêu cầu tránh phát biểu công khai về chương trình máy bay không người lái, http://livewire.talkingpointsmemo.com/entry/gibbs-i-was-told-not-to-acknowledge-drone.
[4] Rachel Weiner, ‘Obama Drone Joke: Was it Offensive?’, Washington Post, tháng 3/2010, http://voices. washingtonpost.com/44/2010/05/ obama-drone-joke-was-it-offens.html
[5] ‘Cuộc phỏng vấn TT Obama trên mạng xã hội Google về máy bay không người lái’ YouTube, cập nhật ngày 30/01/2012 http://youtu.be/egVgOwPvNOA.
[6] Tara Mckelvey, ‘Inside the Killing Machine’, Newsweek, 13/02/2011,
http://www.thedailybeast.com/newsweek/2011/02/13/inside-the-killing-machine.html.
[7] John O. Brennan, ‘Strengthening our Security by Adhering to Our Values and Laws’, phát biểu tại Đại học Luật Harvard vào 16/09/2011, White House Office of the Press Secretary, http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2011/09/16/remarks-john-o-brennan-strengthening-our- security-adhering-our-values-an.
[8] Harold Hongju Koh, ‘The Obama Administration and International Law’, phát biểu tại cuộc gặp thường niên của tổ chức American Society of International Law vào 25/03/2010, US Department of State, http://www.state. gov/s/l/releases/remarks/139119.htm.
[9] http://msnbcmedia.msn.com/i/msnbc/ sections/news/020413_DOJ_White_ Paper.pdf.
[10] Charlie Savage, ‘Secret U.S. Memo Made Legal Case to Kill a Citizen’, New York Times, 8/10/2011, http:// www.nytimes.com/2011/10/09/world/ middleeast/secret-us-memo-made- legal-case-to-kill-a-citizen.html.
[11] Như trên.
[12] Jo Becker and Scott Shane, ‘Secret “Kill List” Proves a Test of Obama’s Principles and Will’, New York Times, ngày 29/05/2012,
http://www.nytimes.com/2012/05/29/world/obamas-leader-ship-in-war-on-al-qaeda.html.
[13] Jane Mayer, ‘The Risks of the CIA’s Predator Drones’, New Yorker, 26/10/2009, http://www.newyorker.com/reporting/2009/10/26/091026fa_ fact_mayer.
[14] Barack Obama, ‘President Obama Hangs Out with America’, The White House Blog, http://www. whitehouse.gov/blog/2012/01/30/president-obama-hangs-out-america.
[15] Becker and Shane, ‘Secret “Kill List”’.
[16] Như trên.
[17] Greg Miller, ‘Plan for Hunting Terrorists Signals U.S. Intends to Keep Adding Names to Kill Lists’, Washington Post, 23/10/2012, http://articles. washingtonpost.com/2012-10-23/ world/35500278_1_drone-campaign- obama-administration-matrix.
[18] James Traub, ‘Silent but Deadly: How the State Department Tried and Failed to Force Obama’s Drone Program into the Open’, Foreign Policy, 16/11/2012, http://www. foreignpolicy.com/articles/2012/11/16/ silent_but_deadly.
[19] Mckelvey, ‘Inside the Killing Machine’; Traub, ‘Silent but Deadly’; Becker and Shane, ‘Secret “Kill List”’.
[20] Karen DeYoung, ‘A CIA Veteran Transforms U.S. Counterterrorism Policy’, Washington Post, 24/10/2012, http://articles.washingtonpost.com/2012-10-24/world/35499428_1_drone-strikes- brennan-obama-administration.
[21] Mckelvey, ‘Inside the Killing Machine’.
[22] Becker and Shane, ‘Secret “Kill List”’.
[23] Như trên.
[24] Philip Alston, ‘Report of the Special Rapporteur on Extrajudicial, Summary or Arbitrary Executions, Philip Alston’, United Nations Human Rights Council, 28/05/2010, http://www2.ohchr.org/english/bodies/hrcouncil/docs/14session/A.HRC.14.24.Add6.pdf
[25] Kenneth Roth, ‘Letter to President Obama: Targeted Killings by the US Government’, Human Rights Watch, 16/12/2011, http://www.hrw.org/print/news/2011/12/16/letter-president-obama-targeted-killings-us-government.
[26] ‘Q&A: US Targeted Killings and International Law’, ấn phẩm của Human Rights Watch, 19/12/2011, http://www.hrw.org/print/ news/2011/12/19/q-us-targeted- killings-and-international-law.
[27] Owen Bowcott, ‘UN to Investigate Civilian Deaths from US Drone Attacks’, Guardian, 25/10/2012, http://www.guard- ian.co.uk/world/2012/oct/25/un-inquiry-us-drone-strikes.
[28] Adam Entous, ‘How Obama’s White House Learned to Love the Drone’, Reuters Special Report, 18/05/2010, trang 8, http://www.reuters.com/ article/2010/05/18/us-pakistan-drones- idUSTRE64H5SL20100518.
[29] Peter Bergen and Katherine Tiedemann, ‘Washington’s Phantom War: The Effects of the U.S. Drone Program in Pakistan’, Foreign Affairs, bản 90, số 4, Tháng 7-tháng 8/2011, trang 16.
[30] Kenneth Anderson, ‘Targeted Killing in U.S. Counterterrorism Strategy and Law’, Digital Commons @ American University Washington College of Law, 11/05/2009, http://digitalcommons.wcl.american.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1007&context=fac_works_ papers.
[31] ‘Q&A: Targeted Killings’.
[32] John O. Brennan, ‘The Ethics and Efficacy of the President’s Counterterrorism Strategy’, phát biểu tại trung tâm Wilson Center vào 30/04/2012,
http://www.wilsoncentre.org/event/ the-efficacy-and-ethics-us- counterterrorism-strategy.
[33] Mayer, ‘The Risks of the CIA’s Predator Drones’.
[34] Brennan, ‘Ethics and Efficacy’.
[35] Philip Alston and Hina Shamsi, ‘A Killer Above the Law?’, Guardian, 8/02/2010,
http://www.guardian.co.uk/commentisfree/2010/feb/08/afghanistan-drones-defence-killing.
[36] Jack Healey, ‘New Weapon Must Be Debated’, Huffington Post, 16/05/2011,
http://www.huffingtonpost.com/jack-healey/us-drone-strikes-_b_862692.html.
[37] Jean Baudrillard, The Gulf War Did Not Take Place (Bloomington, IN: Indiana University Press, 1995); Michael Ignatieff, Virtual War: Kosovo and Beyond (London: Picador, 2001).
[38] ‘Global Opinion of Obama Slips, International Policies Faulted’, Pew Global Attitudes Project, Pew Research Center, 13/06/2012, http://www.pewglobal.org/2012/06/13/ global-opinion-of-obama-slips- international-policies-faulted/.
[39] ‘Concern About Extremist Threat Slips in Pakistan’, Pew Global Attitudes Project, Pew Research Center, 29/07/2010, http://pewglobal.org/2010/07/29/concern-about-extremist-threat-slips- in-pakistan/2/.
[40] Peter Bergen and Katherine Tiedemann, ‘The Hidden War’, Foreign Policy, 21/12/2010, http://www. foreignpolicy.com/articles/2010/12/21/ the_hidden_war.
[41] Được trích dẫn trong Traub, ‘Silent but Deadly’.
[42] Bergen and Tiedemann, ‘Washington’s Phantom War’.
[43] ‘US Embassy Cables: Pakistan Backs US Drone Attacks on Tribal Areas’, Guardian, 23/08/2008, http://www.guardian.co.uk/world/us-embassy-cables-documents/167125.
[44] Bergen and Tiedemann, ‘Hidden War’, p. 16.
[45] Được trích dẫn trong Traub, ‘Silent but Deadly’.
[46] ‘Global Opinion of Obama Slips’, Pew Research Center.
[47] Như trên.