#157 – Sự suy yếu của đồng Đô la và quyền lực Hoa Kỳ

Nguồn: Jonathan Kirshner (2013). “Bringing Them All Back Home? Dollar Diminution and U.S. Power”, The Washington Quarterly, Vol. 36, No. 3, pp. 27-45.>>PDF

Biên dịch: Đặng Thị Huyền | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: #100 – Quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ dưới góc nhìn kinh tế chính trị

Quyền lực của Mỹ đang đối mặt với những khó khăn kinh tế vĩ mô mới. Chúng xuất phát từ một sự thay đổi cơ bản và thường bị đánh giá thấp, đó là sự thay đổi trong cam kết của Mỹ với trật tự kinh tế vĩ mô toàn cầu, điều vốn cũng làm phức tạp hóa chính trị quốc tế. Từ trước Thế chiến II, hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế đã giúp tăng cường quyền lực và khả năng của Mỹ trong quan hệ với các quốc gia khác. Tuy nhiên từ đầu thế kỷ 21, những vấn đề kinh tế tiềm ẩn đã đe dọa biến nguồn quyền lực truyền thống (một cách kín đáo) này thành một điểm yếu kinh niên. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-08 đã làm tăng nguy cơ này. Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với những khó khăn mới về quyền lực, do cuộc khủng hoảng và do những rắc rối mới của việc quản lý đồng đô la như một loại tiền tệ toàn cầu. Hơn nữa, việc giới tinh hoa và công dân Mỹ không quen đối mặt với những khó khăn kiểu này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định mức độ nghiêm trọng họ gặp phải trong thực tế.

Từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều nhà quan sát đã dự đoán sự sụt giảm tương đối của đồng đô la trong vai trò một loại tiền tệ quốc tế. Vì nhiều lý do, cuộc khủng hoảng đã làm đẩy nhanh quá trình này, gia tăng áp lực lên đồng đô la và làm trầm trọng thêm những điểm yếu của nó. Đặc biệt, sự mất uy tín của mô hình kinh tế Mỹ, đặc biệt là ở châu Á, và sự cạnh tranh vai trò quốc tế của đồng đô la từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là từ đồng tiền Trung Quốc (còn được gọi là đồng nhân dân tệ, hay RMB), cũng như đồng Euro, sẽ tạo nên những thách thức mới đối với đồng bạc xanh và việc quản lý kinh tế vĩ mô của Mỹ. Bài viết này làm sáng tỏ những hậu quả chính trị quốc tế của sự phát triển này đối với quyền lực Mỹ nói riêng và chính trị quốc tế nói chung.

Sự kết thúc của trật tự tài chính Mỹ lần thứ 2

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-08, thảm họa kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, là một rối loạn cơ bản của cái mà tôi gọi là “Trật tự kinh tế quốc tế Mỹ hậu chiến lần thứ 2”. Trật tự lần thứ nhất được thiết lập bởi Mỹ, hệ thống Bretton Woods 1948-1973, được dựa trên một lý thuyết mà nhà khoa học chính trị John Ruggie gọi là “chủ nghĩa tự do lai ghép” (embedded liberalism) – một triết lý quốc tế chủ nghĩa định hướng thị trường (tức tự do), nhưng bị ảnh hưởng bởi những thất bại của cuộc Đại suy thoái và dẫn đến sự hoài nghi đối với các lực lượng thị trường không được điều tiết. Tuy nhiên, trật tự lần thứ 2, “dự án toàn cầu hóa” 1994-2007, đã lấy việc tự do hóa tài chính, cả trong và ngoài nước, làm chuẩn mực. Trật tự mới này được dựa trên một triết lý kinh tế rất khác, đó là một “chủ nghĩa thị trường chính thống” (market fundamentalism). Nó được dựa trên ý tưởng rằng những thị trường tự do và không bị giám sát, kể cả thị trường tài chính, luôn biết rõ nhất và mang lại một cách tự nhiên những kết quả hiệu quả nhất.

Được khuyến khích bởi giới tài chính và phản ánh một sự đồng thuận mới giữa các nhà kinh tế học, chính quyền Clinton dẫn đầu một chiến dịch lưỡng đảng để tháo dỡ các bức tường lửa thời Đại suy thoái, thứ được thiết kế để kiềm chế sự bất ổn trong lĩnh vực tài chính trong nước. Những nhân vật chủ chốt trong nỗ lực này là Bộ trưởng Tài chính (và cựu đồng chủ tịch Goldman Sachs) Robert Rubin, người phó của ông (và người kế nhiệm) Lawrence Summers, chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Phil Gramm (người sẽ tham gia gã khổng lồ tài chính UBS ngay sau khi rời khỏi Thượng viện), và chủ tịch hội đồng quản trị Cục dự trữ Liên bang Alan Greenspan. Những nỗ lực nhằm rút bớt cả việc điều tiết lẫn giám sát lĩnh vực tài chính đã được thúc đẩy nhanh hơn bởi việc chuyển đổi sang chính quyền Bush (cùng với sự tiếp tục chính sách này tại Cục dự trữ Liên bang của Greenspan). Đạo luật Gramm-Leach-Bliley 1999 đã pháp điển hóa nhiều sự thay đổi này, bao gồm việc bãi bỏ Đạo luật Ngân hàng Glass-Steagall 1933, vốn là đạo luật điều tiết và kiểm soát trật tự tài chính đầy rủi ro từng góp phần chủ yếu dẫn đến cuộc Đại suy thoái.

Tháo dỡ những quy định hiện hành chỉ là một nửa của dự án lớn về tự do hóa tài chính những năm 1990. Nửa còn lại là cuộc chiến nhằm chống giám sát và điều tiết những lĩnh vực mới và đang được mở rộng một cách mạnh mẽ của nền kinh tế tài chính, những lĩnh vực mới này đã tạo ra lượng của cải khổng lồ và thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành này nhưng lại mang trong mình các rủi ro hệ thống. Các hiện tượng liên quan đến nhau của việc chứng khoán hóa (việc đóng gói lại, trộn lẫn, và bán lại các gói tài sản tài chính, ví dụ như các khoản thế chấp) và sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của giao dịch sản phẩm phái sinh (bất kỳ tài sản nào có giá trị bắt nguồn từ tài sản khác, từ những hợp đồng tương lai và quyền chọn đơn giản cho đến những rủi ro vô cùng phức tạp và sản phẩm bảo hiểm khác thường) đã tạo nên sự tài chính hóa của nền kinh tế Mỹ. Những hoạt động này đã phần lớn không được giám sát bởi một bộ máy giám sát và điều tiết vốn đã được thiết kế từ lâu trước khi những sản phẩm đó xuất hiện.

Một vài tiếng nói đã nêu lên các lo ngại về những diễn biến này, như Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO). Cơ quan này cảnh báo rằng “quy mô và mức độ tập trung của các hoạt động sản phẩm phái sinh, kết hợp với các mối liên kết liên quan, có thể khiến bất kỳ một sự gián đoạn tài chính nào lây lan nhanh hơn và khó kiềm chế hơn”. GAO lo lắng rằng việc này có thể dẫn đến “khủng hoảng hệ thống”, và kêu gọi hiện đại hóa cơ chế quản lý. Nhưng các báo cáo của GAO chỉ gây ra phản ứng dữ dội từ ngành tài chính và các nỗ lực vận động hành lang lớn, mở đường cho đạo luật Hiện đại hóa Hợp đồng hàng hóa tương lai năm 2000, trong đó cấm điều tiết sản phẩm phái sinh, bao gồm các giao dịch hoán đổi nợ xấu vốn sẽ đóng vai trò trung tâm trong khủng hoảng tài chính 2007-08.2

Sự nổi lên của “văn hóa Washington – Phố Wall” – được tiếp tay bởi sự chấp thuận của các nhà kinh tế học – đã tạo ra môi trường dễ dãi của việc chứng khoán hóa không được giám sát và bong bóng nhà đất. Các nhà ngân hàng, chính trị gia, và các nhà quản lý tham gia vào hệ thống này nhiều đến nỗi mà ẩn dụ về cánh cửa quay còn chưa đủ để miêu tả trường hợp này– nó giống như là một chuỗi xoắn kép hơn, in dấu DNA chung của thị trường tài chính hiệu quả. Đây cũng là một thời đại, như nhà cựu kinh tế trưởng của IMF Simon Johnson đã phát biểu, khi phố Wall “chuyển quyền lực kinh tế ngày một phát triển của nó thành quyền lực chính trị” và “triết lý về đổi mới tài chính đã trở thành sự khôn ngoan ai cũng biết ở Washington”. Lĩnh vực tài chính đã đầu tư 5 tỷ USD vào quá trình chính trị (tức các đảng phái) trong giai đoạn 1998-2008.3

Không có gì đáng ngạc nhiên khi trong môi trường này, ngành tài chính Mỹ trở nên lớn hơn, tập trung hơn, và rủi ro hơn. Từ 1980 đến 2002, ngành chế tạo của Mỹ đã giảm từ 21% của GDP xuống còn 14%, nhưng tài chính (lĩnh vực đang phát triển lớn nhất và nhanh nhất trong nền kinh tế Mỹ) tăng tỉ trọng từ 14% lên 21%. Đây là một sự chuyển biến đáng kể, đặc biệt là khi chúng ta nhớ rằng tài chính giống như quảng cáo, vốn là ngành có nhiệm vụ phục vụ nền kinh tế, chứ không phải là bản thân nền kinh tế. Nhưng trong năm 2007, tài chính chiếm 47% lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ. Và từ 1981-2008, nợ của khu vực tài chính tăng từ 22% lên 117% GDP, là đỉnh của tảng băng trôi của rủi ro đã di căn trong sự trỗi dậy của việc xóa bỏ điều tiết.

*Clip: The fall of the Dollar – The death of a fiat currency (part 1)

Thay đổi cán cân quyền lực

Cuộc khủng hoảng đang làm nảy sinh cả hậu quả về vật chất và tinh thần. Về mặt vật chất, nó tạo ra những điểm yếu mới của Mỹ và thúc đẩy 2 xu hướng đã có từ trước: khả năng chính trị quốc tế của Mỹ giảm sút và sự tiếp tục nổi lên của Trung Quốc. Điều mới mẻ trong cuộc khủng hoảng 2007-08 không phải ở chỗ nó đã xảy ra – vì khủng hoảng tài chính quốc tế là một hiện tượng rất phổ biến – mà là ở chỗ đối với nền kinh tế Mỹ, cuộc khủng hoảng đã “tác động vào chính nước này”. Trong thời gian có sự điều tiết từ những năm 1940-1970, Hoa Kỳ đã không trải qua khủng hoảng tài chính lớn. Nó chỉ xảy ra (một cách đều đặn) trong thời kỳ không được điều tiết hồi thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, rồi xuất hiện trở lại trong những năm 1980 trong thời kỳ bãi bỏ điều tiết.5 Cuộc khủng hoảng lần này vì vậy khác biệt chủ yếu ở thực tế rằng Hoa Kỳ nằm ở tâm chấn của nó, và rằng Hoa Kỳ phải gánh chịu nhiều chi phí. Nói rộng ra, điều này cho thấy việc kinh tế Mỹ đang phải chịu những áp lực tài chính từ bên ngoài ở một cấp độ mới và hiếm có.4

Hơn nữa, chính sách ứng phó với khủng hoảng đã thêm vào những gánh nặng và lỗ hổng cơ bản mà thực ra đã rõ ràng trong nền kinh tế Mỹ. Những biện pháp khẩn cấp cần thiết, như cung cấp thanh khoản lớn và tăng mạnh chi tiêu chính phủ, sẽ làm xuất hiện vấn đề lớn là làm thế nào để kéo chúng lại trong những năm tới. Hoặc là Hoa Kỳ sẽ không làm được như vậy, và gây tổn hại đến sức khỏe lâu dài của nền kinh tế (và theo đó là quyền lực quốc tế của nó theo thời gian), hoặc là nó sẽ có biện pháp táo bạo để “đưa mọi thứ trở về trật tự”. Theo đó, trong số nhiều biện pháp sẽ có sự cắt giảm cả chi tiêu quân sự lẫn ham muốn của Mỹ đối với chủ nghĩa phiêu lưu quốc tế. Trong cả 2 trường hợp, Hoa Kỳ sẽ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này trong một vị thế chính trị quốc tế tương đối xấu hơn bây giờ.

Một thách thức đối với quyền lực của Hoa Kỳ liên quan đến quỹ đạo của đồng đô la trong vai trò một loại tiền tệ quốc tế. Mặc dù đồng đô la đã đóng vai trò như một nơi trú ẩn an toàn trong suốt cuộc khủng hoảng này, triển vọng dài hạn của nó là đáng báo động. Bởi vì đồng đô la là “đồng tiền chủ chốt” của thế giới, có một số lượng lớn đô la được nắm giữ ở nước ngoài. Vì vậy, nếu một tia lửa ở đâu đó gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính liên quan đến đồng đô la, một làn sóng đô la có thể làm ngập lụt thị trường do những kỳ vọng ẩn sau về giá trị tương lai của nó. Tóm lại, Hoa Kỳ đã nổi lên từ cuộc khủng hoảng với tốc độ phát triển kinh tế chậm chạp, phơi bày những sự yếu kém của nền kinh tế, và một đồng đô la bị nghi ngờ hơn.

Tất cả điều này tương phản với sự phục hồi tương đối nhanh chóng của Trung Quốc từ cuộc khủng hoảng cho đến nay, điều cuối cùng sẽ chuyển thành quyền lực quân sự lớn hơn và chi tiêu quốc phòng sẽ tăng lên tương xứng. (Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế kéo dài của Trung Quốc là không chắc chắn, điều đang làm dấy lên một loạt các câu hỏi quan trọng khác). Tốc độ phục hồi từ cuộc khủng hoảng hiện nay đã đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế tương đối của Trung Quốc. Nếu được duy trì, điều này sẽ dẫn đến những hậu quả chính trị sâu sắc. Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu lớn thứ 2 trên thế giới, hấp thụ hơn 1 nghìn tỷ USD giá trị hàng hóa của các nước khác mỗi năm. Kết quả là, vị thế và ảnh hưởng của Trung Quốc đã được nâng cao. Các nước có quan hệ thương mại với Trung Quốc sẽ phải xem xét cách quyết định chính sách đối ngoại của họ có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ với Bắc Kinh như thế nào.

Ngoài những thay đổi cán cân quyền lực và ảnh hưởng chính trị tương đối, những hậu quả tinh thần của cuộc khủng hoảng cũng sẽ ảnh hưởng đến chính trị thế giới. Những ngân hàng cũ đáng kính không phải thứ duy nhất bị sụp đổ trong năm 2007-08 – mà tính chính đáng của Trật tự của Mỹ sau Thế chiến 2 cũng bị sụp đổ. Ngay cả khi ai đó bác bỏ quan điểm rằng mô hình tài chính không bị điều tiết của Mỹ là có lỗ hổng, ba mệnh đề sau đây là không thể bàn cãi và quan trọng: (1) đối với phần lớn thế giới, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là cuộc khủng hoảng tài chính lớn thứ 2 trong vòng 10 năm (đáng chú ý nhất, với nhiều người, là nó xếp sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997); (2) Hoa Kỳ là trung tâm của cuộc khủng hoảng, và (3) các chủ thể quốc tế quan trọng không chia sẻ việc giải thích về cuộc khủng hoảng được hàm ý bởi các chính sách của Mỹ.

Đặc biệt, phản ứng của Mỹ với cuộc khủng hoảng cho thấy “chủ nghĩa thị trường chính thống” vẫn giữ sự thống trị. Từ quan điểm này, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là một con “thiên nga đen” – một sự kiện hiếm hoi và không thể đoán trước. Sét đôi khi đánh, nhiều khi gây ra tàn phá lớn, nhưng hệ thống tài chính là an toàn như là chúng ta thực tế có thể mong đợi. Những điều chỉnh hoặc cải cách khiêm tốn có thể làm cho hệ thống an toàn hơn, nhưng triết lý cơ bản vẫn là hoạt động tài chính về cơ bản là hiệu quả và có khả năng tự điều chỉnh.

Giải thích này trái ngược với những gì tôi sẽ gọi là quan điểm “KKM”, đặt theo tên của John Maynard Keynes, Charles Kindleberger, và Hyman Minsky: các nhà kinh tế trên cho rằng thị trường tài chính, đặc biệt là những thị trường tự điều chỉnh, là dễ bị khủng hoảng. Quan điểm này cho rằng khủng hoảng tài chính là phổ biến trong lịch sử, và được gây nên bởi hệ thống tài chính không được quản lý và giám sát. Giải thích này hàm ý rằng mô hình kinh tế – chính trị của Mỹ những năm 1990 là thiếu sót và cần được cải cách. Tôi xin lưu ý rằng KKM rõ ràng được lịch sử ủng hộ,6 nhưng không quan trọng ai là người đúng trong cuộc tranh luận này; điều quan trọng là bây giờ, sau cuộc khủng hoảng, sự bất đồng vẫn tồn tại – với các chủ thể khác nhau nắm giữ những ý tưởng rất khác nhau về cách tổ chức nền kinh tế tài chính. Trước cuộc khủng hoảng, mô hình tài chính của Mỹ đã được chấp nhận rộng rãi như là phương thức phù hợp duy nhất; giờ thì không còn như vậy nữa.

*Clip: The fall of the Dollar – The death of a fiat currency (part 2)

Những con đường khác nhau ở phía trước

Sự thúc đẩy tự do hóa tài chính của Mỹ từ những năm đầu nhiệm kỳ Clinton – cả trong và ngoài nước – là một dự án có mục đích chính trị, được thiết kế để tối đa hóa lợi thế so sánh và nâng cao hơn nữa ưu thế địa chính trị của Mỹ. Tuy nhiên, phong cách thúc đẩy này sẽ khiến các chủ thể trên toàn thế giới phản kháng lại ngay khi có cơ hội – không chỉ ở châu Á, mà còn ở châu Mỹ Latinh, Nga, và các nơi khác. Hoa Kỳ và đồng minh của mình, IMF, không chỉ khuyến khích tự do hóa tài chính mà họ còn khăng khăng vào điều đó. Vào giữa những năm 1990, IMF chuyển sang buộc các nước thành viên phải loại bỏ hoàn toàn sự kiểm soát về vốn của họ (mặc dù thiếu bằng chứng để hỗ trợ điều này như một chính sách kinh tế thích hợp). Về mặt song phương, Hoa Kỳ thậm chí còn tích cực hơn. Ví dụ năm 1995, trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Chile, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng việc loại bỏ các kiểm soát dù khiêm tốn, sáng tạo, thân thiện với thị trường của Chile đối với dòng vốn ngắn hạn phải được đưa vào như là một điều kiện của Hiệp định này. Trong năm 1996, khi Hàn Quốc tìm cách trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Mỹ nhấn mạnh rằng Hàn Quốc cần tăng tốc trong việc bãi bỏ điều tiết tài chính và cho phép các công ty Mỹ tiếp cận nhiều hơn (thị trường tài chính nước này).7

IMF cũng đồng ý với tư tưởng tự do hóa tài chính: vào đêm trước của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, IMF đã tuyên bố rằng “thị trường vốn quốc tế dường như đã trở nên linh hoạt hơn và ít có khả năng là nguồn gốc của các rối loạn”.8 Tuy nhiên sự thúc đẩy của Mỹ-IMF vào những năm 1990 đã trùng hợp một cách không tình cờ với sự gia tăng của bất ổn tài chính toàn cầu, bao gồm cả cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Gây ra bởi một cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Thái Lan trong tháng 7 năm 1997, một cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế đã bất ngờ và nhanh chóng lan rộng khắp khu vực, nhấn chìm Philippines, Malaysia, Indonesia, Hong Kong, và đáng kinh ngạc là cả Hàn Quốc, nước công bố trong tháng 11 năm 1997 rằng họ không còn lựa chọn nào khác là phải quay sang IMF để xin một gói cứu trợ hoặc họ sẽ phải đối mặt với tình trạng phá sản quốc gia.

Cuộc khủng hoảng này, và phản ứng của Mỹ-IMF đối với nó, đã phơi bày một đường đứt gãy về tinh thần và chính trị trong các nền tảng của hệ thống Mỹ. Ở châu Á và các nơi khác, cuộc khủng hoảng đã được dễ dàng công nhận là một cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế kinh điển. Nhưng một câu chuyện khác lại thống trị ở IMF, Washington và phố Wall. Ở những nơi này, lời đổ lỗi tập trung vào các nền kinh tế châu Á. Các cách giải thích của IMF thường thiển cận, nếu không nói là đãng trí, khi đổ lỗi hoàn toàn cho các chính sách kinh tế trong nước của các quốc gia nơi có nền kinh tế và cách quản lý vĩ mô và được Quỹ khen ngợi. Tương tự, Greenspan đã đổ lỗi hoàn toàn cho “chính sách công kém cỏi” ở các quốc gia bị ảnh hưởng, và Summers cho rằng IMF thậm chí nên “tăng tốc” chứ không phải “làm chậm lại tốc độ tự do hóa tài khoản vốn.”9

Phần lớn thế giới không đồng ý với đánh giá này (bao gồm cả đại diện của Nhật Bản và Brazil tại IMF), nhưng mặc dù cuộc vận động để sửa đổi điều lệ IMF bị đình trệ sau khi cuộc khủng hoảng châu Á diễn ra, triết lý cơ bản vẫn tiếp tục giữ sự thống trị tại Quỹ và tại Hoa Kỳ. Trong năm 2003, khi hoàn thành Hiệp định Thương mại tự do với Chile và Singapore, Mỹ đã yêu cầu (bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các đối tác) các điều khoản trong các hiệp ước thương mại trong đó quy định mỗi quốc gia phải từ bỏ quyền áp dụng bất kỳ một hình thức kiểm soát vốn nào. Điều này liên quan thế nào với thương mại tự do, liệu đó có phải là một chính sách ít nhiều khôn ngoan hay không, và liệu đây có phải là những công cụ mà các quốc gia không muốn từ bỏ hay không nhận được rất ít sự quan tâm từ các nhà đàm phán Mỹ.10

Trong cách nhìn nhận của châu Á và các nơi khác, một thuộc tính quan trọng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-08 là nó đã “dẫm lên gót giày” của cuộc khủng hoảng châu Á 1997-98. Trong khi đó, việc Mỹ (không) phản ứng với cuộc khủng hoảng (các cải cách điều tiết khiêm tốn, đơn giản, gây tranh cãi, cũng như sự vắng mặt của những nỗ lực nhằm ngăn chặn kích thước và mức độ tập trung của lĩnh vực tài chính) cho thấy một niềm tin rằng cuộc khủng hoảng là một phản ứng phụ. Tuy nhiên, phần lớn phần còn lại của thế giới xem cuộc khủng hoảng như một “thời điểm học hỏi” – là bài diễn văn từ biệt sau một quá trình nghiên cứu lâu dài và khó khăn chứng minh rằng tài chính không được điều tiết là không hiệu quả.

Cuộc khủng hoảng hiện nay do đó đã làm giảm tính chính đáng của văn hóa chủ nghĩa tư bản Mỹ, đặc biệt là khi nó được áp dụng vào tài chính. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cả lựa chọn của các quốc gia lẫn chính trị quốc tế. John Ikenberry và Charles Kupchan đã lập luận rằng “xã hội hóa” – tức việc giới lãnh đạo ở các nước thứ yếu tin vào các niềm tin lớn của các cường quốc – là một nguồn ảnh hưởng quan trọng của một quốc gia bá chủ.11 Những năm tới sẽ chứng kiến mặt trái của hiện tượng này – sự xói mòn của khả năng ảnh hưởng đó, khi những quốc gia khác dần chối bỏ những ý tưởng mà họ đã từng chấp nhận hoặc ít nhất từng chịu đựng. Với sự đảo ngược trong tính chính đáng này, sự tiếp tục ở Hoa Kỳ và sự thay đổi ở những nơi khác sẽ tạo nên một “hỗn tạp mới” của các ý tưởng về tài chính. Các quốc gia sẽ thường có những sở nguyện khác nhau về trật tự tài chính toàn cầu, làm giảm ảnh hưởng của Mỹ và làm cho việc hợp tác về quản trị tiền tệ và tài chính rắc rối hơn. Đặc biệt, nhiều quốc gia sẽ tìm kiếm những cách thức để bảo vệ mình khỏi những mối nguy hiểm của tài chính toàn cầu không được điều tiết.

Tư duy mới ở Trung Quốc

Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giới lãnh đạo ở Trung Quốc đã lường trước tương lai quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ (RMB). Nhưng vị trí thống lĩnh của đồng đô la, sự xuất hiện của đồng Euro, và sự mong manh của lĩnh vực tài chính trong nước được bảo trợ của Trung Quốc đã kiềm chế những kỳ vọng về việc đồng nhân dân tệ có thể nhanh chóng chiếm vị trí như là một loại tiền tệ quốc tế quan trọng. Trên thực tế vào đêm trước của cuộc khủng hoảng năm 2008, các nhà quan sát đã đồng ý rằng “Quyền lực của Trung Quốc trong hệ thống tài chính quốc tế, dù đang tăng một cách chắc chắn, không nên được đánh giá quá cao”.12 Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế kéo dài của Trung Quốc và việc nắm giữ một lượng lớn tài sản đô la bảo đảm rằng ít nhất thì các cuộc thảo luận về vai trò của nước này như một cường quốc tiền tệ tiềm năng sẽ diễn ra. Như một dự án dài hạn, Bắc Kinh có thể hình dung một ngày khi mà đồng nhân dân tệ sẽ là đồng tiền được lựa chọn trong khu vực Đông Á, một triển vọng sẽ giúp nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo chính trị và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Sau khủng hoảng, thời gian biểu này đã được tăng tốc. Một động lực mới và quan trọng đã xuất hiện, đó là thiết lập một số khoảng cách với đồng đô la, và trình bày một mô hình quản lý kinh tế trong đó cung cấp một vài giải pháp thay thế cho việc tài chính toàn cầu hoàn toàn không được điều tiết.

Trung Quốc luôn luôn cảnh giác với việc phơi bày (các điểm yếu của) bản thân ra thị trường vốn quốc tế, và hiểu rằng sự kiểm soát (đối với thị trường tài chính) đã giúp nó không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cũng như là các hỗn loạn khác kể từ giữa những năm 1990. Từ đầu những năm 2000, Trung Quốc đã bắt tay vào một con đường thận trọng trong đó kết hợp việc tăng giá đồng nhân dân tệ có kiểm soát với việc từ từ tự do hóa tài chính. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã cung cấp một động lực mới để thúc đẩy đồng nhân dân tệ, trong khi quan trọng không kém là thay đổi tầm nhìn về con đường sau cùng. Bằng cách phơi bày những lỗ hổng sâu sắc trong mô hình Mỹ, cuộc khủng hoảng đã gây ra cái gọi là “sự hối hận của người mua” tại Bắc Kinh – Trung Quốc theo đó lấy làm tiếc rằng mô hình phát triển của nó đã gắn quá chặt chẽ với nền kinh tế Mỹ và làm cho nó trở nên liên quan mật thiết với đồng đô la.

Sự hối hận của người mua cũng phản ánh sự vỡ mộng lớn hơn đối với cách mà Washinton đã quản lý đồng đô la và vai trò của nó trong hệ thống tài chính quốc tế nói chung, 2 điều mà các nhà quan sát Trung Quốc chỉ trích ngày càng nhiều. Những đánh giá lại này đã góp phần vào một mong muốn ở Trung Quốc và các nước khác là tìm tránh những bất ổn dự kiến trong tương lai do quản lý yếu kém của Hoa Kỳ, và mong muốn cải cách trật tự kinh tế vĩ mô toàn cầu. Các nhà kinh tế học ở Trung Quốc phản ánh quan điểm được phổ biến rộng rãi trong giới tinh hoa cho rằng “chỉ bằng cách loại bỏ vị trí độc quyền của đồng đô la Mỹ” mới có thể cải cách được hệ thống. Nhiều người coi việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ là cần thiết để cải cách và đa dạng hóa hệ thống tiền tệ quốc tế. Một hệ thống đa tiền tệ sẽ làm giảm ảnh hưởng của đồng đô la, góp phần ổn định hệ thống, tăng cường tiếng nói của Trung Quốc, và cung cấp một số bảo đảm chống lại một cuộc khủng hoảng đô la. Về chính trị cũng vậy: Li Ruogu, Chủ tịch và Giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, cho rằng chính sách của Mỹ đã buộc các nước khác phải điều chỉnh “để phù hợp với nhu cầu của đồng đô la Mỹ”.13

Vào ngày 23 tháng 3, 2009, Zhou Ziaochuan, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đã phát biểu về “Cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế”. Trên danh nghĩa một lời kêu gọi cho một vai trò lớn hơn của Quyền rút rốn đặc biệt (SDR – tài sản dự trữ tổng hợp được tạo ra bởi IMF), tuyên bố của vị Thống đốc có thể được hiểu như một sự thách thức đối với đồng đô la. Như những nhà quan sát dày dạn đã lập luận, bài phát biểu phản ánh “quan điểm đồng thuận của Trung Quốc…rằng một kỷ nguyên đa tiền tệ dự trữ đang đến, dù chỉ dần dần, và rằng Trung Quốc có lợi ích chiến lược khi thúc đẩy một kịch bản như vậy”. Những công bố của giới lãnh đạo và học giả Trung Quốc ngày càng minh họa cho quan điểm này.14

Vẫn còn những rào cản cho sự nổi lên của đồng nhân dân tệ, đặc biệt là mức độ yếu kém và không minh bạch của các ngân hàng Trung Quốc cũng như lĩnh vực tài chính nội địa nói chung, làm tăng nghi ngờ về mức độ sẵn sàng của nhân dân tệ trong việc đảm nhận vai trò của một đồng tiền quốc tế chủ yếu.15 Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định đẩy mạnh tốc độ quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, thúc đẩy hợp tác tiền tệ trong khu vực, và khuyến khích cải cách việc quản lý tiền tệ toàn cầu.16 Đáng chú ý, có cả sự gia tăng về phía cung, sự sẵn sàng của Trung Quốc để đồng nhân dân tệ được triển khai trong một vai trò quốc tế lớn hơn, và đồng thời là sự gia tăng nhu cầu rõ rệt, một mong muốn của các quốc gia nhằm tìm cách để giao dịch kinh doanh mà không bị ràng buộc họ chặt chẽ với (hoặc ít nhất cung cấp một vài sự đa dạng nhằm thoát khỏi) đồng đô la, mô hình tài chính Mỹ, và nền kinh tế Mỹ.17

Để thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương. Các thỏa thuận này cho phép Trung Quốc và các đối tác thương mại của mình giải quyết các tài khoản giao dịch mà không cần đổi qua đô la. Các đối tác thương mại của Trung Quốc, phải nói là rất nhiều, chào đón các thỏa thuận này – Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là nhà nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới và là đối tác thương mại quan trọng nhất đối với số lượng ngày càng tăng các nền kinh tế lớn, những quốc gia chia sẻ hầu hết nếu không muốn nói là toàn bộ động cơ của Trung Quốc trong việc đa dạng tiền tệ nhằm thoát ra khỏi đồng đô la.18

Trong năm 2011, hơn 9% trong tổng thương mại của Trung Quốc đã được giải quyết bằng đồng nhân dân tệ, tăng gần 1% so với năm trước. Ngoài việc mở rộng danh sách các thỏa thuận hoán đổi, và sự gia tăng (dù còn rất khiêm tốn) việc sử dụng quốc tế của đồng nhân dân tệ trong các kho dự trữ ngoại hối của một số quốc gia, Trung Quốc còn lợi dụng vị thế đặc biệt của Hồng Kông, cho phép một số ngân hàng địa phương ở đó (và cả những ngân hàng Trung Quốc có trụ sở tại Hồng Kông) phát hành trái phiếu định danh bằng đồng nhân dân tệ. Tóm lại, những hành động của cả Trung Quốc và các đối tác kinh tế của nó cho thấy việc chuẩn bị một bộ máy nhằm hỗ trợ cho sự nổi lên của đồng nhân dân tệ như là một đồng tiền chủ chốt ở châu Á.19

Xâm phạm vai trò của đồng đô la

Những hậu quả địa chính trị của việc đồng đô la suy yếu tương đối

Làm xói mòn quyền lực toàn cầu

Những thách thức của sự suy giảm tương đối: Uy tín và sự tồn đọng

Những lỗ hổng mới

Tính không đồng nhất mới ở nước ngoài: Tê liệt ở trong nước?

Chú thích

Download phần còn lại của nội dung văn bản tại đây: Su suy yeu dong do la va quyen luc Hoa Ky.pdf