Nguồn: Mark Skousen (2007). “Karl Marx Leads a Revolt Against Capitalism”, in M. Skousen, The Big Three in Economics: Adam Smith, Karl Marx, And John Maynard Keynes (New York: M.E.Sharpe), pp. 64-104 (Ch. 3).
Biên dịch: Bùi Thu Thảo | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Bài liên quan: Các phần khác của cuốn The Big Three in Economics
Marx trong đời thường: Một thất bại buồn thảm
Engels đã phải chờ cho tới thế kỷ 20 trước khi những tác động của Marx có ảnh hưởng. Năm 1883, nó mới chỉ là sự hoang tưởng tự đại. Tại thời điểm ông qua đời, Marx gần như là một người bị lãng quên. Chỉ có chưa đến hai mươi người tới dự đám tang của ông. Ông đã không nhận được sự tiếc thương từ những người công nhân thợ mỏ ở Siberia, như Engels từng nói, chỉ một số ít người còn nhớ Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, chứ chưa nói gì đến Tư bản. John Stuart Mill còn chưa từng nghe nói về ông. Vào lúc cuối đời, có thể Marx đã nhớ lại với sự đồng tình những lời trong Kinh thánh, “Vì di chúc chỉ có hiệu lực khi người ta chết đi, nên nó chẳng có hiệu lực gì khi người ấy còn sống” (Heb. 9: 17).
Số phận gia đình ông thật đáng buồn khi nghĩ tới. Nó là một cơn ác mộng. Trước khi qua đời Marx chỉ có hai người con gái và một người con trai ngoài giá thú. Năm 1898, Eleanor Marx con gái của ông, được biết đến với tên Tussy và là một nhà cách mạng có tư chất mạnh mẽ giống cha, đã tự vẫn sau khi biết tin Freddy là con trai ngoài giá thú của cha bà, và người chồng, nhà cách mạng người Ireland đầy hoài nghi của bà, đã có một người vợ nữa. Năm 1911, người con gái còn sống của Marx, Laura, một diễn giả hùng hồn với nhan sắc nổi bật cũng đã tự sát cùng chồng là một nhà xã hội người Pháp. Tóm lại, có rất ít tin vui trong những năm cuối đời của Marx và Jenny Marx cũng như con cháu của họ. Engels, còn được gọi là “Tướng quân” (General), đã chết vì ung thư vào năm 1895.
Mô hình của Marx về sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản
Giờ hãy cùng nhìn lại những đóng góp của Marx đối với kinh tế học và xác định rõ những gì là tác động lâu dài và những gì đã bị loại bỏ.
Trong tác phẩm Tư bản, xuất bản năm 1867, Karl Marx đã cố gắng giới thiệu một mô hình thay thế mô hình kinh tế học cổ điển của Adam Smith. Hệ thống này đã thông qua những định luật “khoa học” bất biến để chứng minh rằng chế độ tư bản chủ nghĩa có những lỗ hổng chết người, chỉ làm lợi cho những nhà tư bản và doanh nghiệp lớn, rằng nó bóc lột công nhân, lao động bị hạ cấp chỉ như một thứ hàng hóa có giá cả mà không có linh hồn, và rằng nó luôn có xu hướng khủng hoảng khiến cho chủ nghĩa tư bản chắc hẳn sẽ tự diệt vong. Theo nhiều cách, mô hình của chủ nghĩa Marx đã hợp lý hóa niềm tin của nhà tạo lập ra nó rằng chế độ tư bản chủ nghĩa phải bị lật đổ và thay thế bởi chủ nghĩa cộng sản.
Thuyết giá trị lao động
Marx đã phát hiện ra rằng hệ thống của Ricardo phù hợp hoàn toàn với mô hình bóc lột của ông. Bằng nhiều cách, David Ricardo chính là người dẫn dắt Marx trong kinh tế học. Như đã đề cập trong Chương 2, Ricardo tập trung vào sản lượng và phương thức phân phối nó giữa các giai cấp chính – địa chủ, công nhân và tư sản. Ricardo và người nối nghiệp của ông, John Stuart Mill, đã nỗ lực phân tích nền kinh tế theo giai cấp hơn là theo hoạt động của các cá nhân.
Say và trường phái tự do kinh tế (Chương 2) đã chú trọng vào lợi ích chủ quan của các cá nhân, nhưng Marx đã chối bỏ Say và đi theo Ricardo bằng cách tập trung vào việc sản xuất của một thứ “hàng hóa” đồng nhất và cách phân phối thu nhập từ sản xuất này cho các giai cấp.
Trong hệ thống giai cấp của Ricardo, lao động đóng vai trò then chốt trong việc xác định giá trị. Đầu tiên là Ricardo và sau đó là Marx đã cho rằng lao động là yếu tố duy nhất tạo ra giá trị. Giá trị của một “hàng hóa” phải tương ứng với số giờ lao động bình quân được sử dụng để làm ra hàng hóa đó.
Học thuyết giá trị thặng dư
Nếu lao động đúng là yếu tố quyết định giá trị duy nhất thì lợi nhuận và lợi tức nằm ở đâu? Marx đã gọi lợi nhuận và lợi tức là “giá trị thặng dư”. Đó chỉ là một bước logic ngắn gọn để đi đến kết luận rằng do đó các nhà tư sản và địa chủ là những kẻ bóc lột lao động. Nếu mọi giá trị thật sự là sản phẩm của lao động thì mọi lợi nhuận mà các nhà tư bản thu được và lợi tức các địa chủ có được phải là “giá trị thặng dư”, được bòn rút bất chính từ thu nhập chân chính của giai cấp lao động.
Marx đã phát triển một công thức toán học cho học thuyết giá trị thặng dư của mình. Tỷ lệ lợi nhuận (p) hay tỷ lệ bóc lột bằng giá trị thặng dư (s) chia cho giá trị sản phẩm cuối cùng (r). Do vậy:
p = s/r
Ví dụ, giả sử nhà sản xuất quần áo thuê công nhân sản xuất váy. Nhà tư sản bán những bộ váy với giá 100USD mỗi sản phẩm, nhưng lao động chỉ có giá 70USD cho mỗi bộ váy. Do đó, tỷ lệ lợi nhuận hay tỷ lệ bóc lột sẽ là:
p = 30/100 = 0,3, hay 30%
Marx đã chia giá trị sản phẩm cuối cùng thành hai dạng tư bản là tư bản bất biến (C) và tư bản khả biến (V). Tư bản bất biến đại diện cho nhà máy và thiết bị. Tư bản khả biến là chi phí nhân công. Do vậy, phương trình tỷ lệ lợi nhuận được viết thành:
p = s/[v +c]
Marx cho rằng lợi nhuận và sự bóc lột được tăng lên bằng cách kéo dài ngày làm việc của công nhân, và bằng cách thuê phụ nữ và trẻ em với mức lương thấp hơn đàn ông. Hơn thế, Marx còn cho rằng, máy móc và công nghệ tiên tiến mang lại lợi ích cho nhà tư sản chứ không phải công nhân. Ví dụ, máy móc cho phép nhà tư sản thuê phụ nữ và trẻ em để vận hành. Kết quả chỉ có thể là bóc lột nhiều hơn.
Những người chỉ trích đáp trả rằng tư bản là năng suất và xứng đáng với một khoản lợi nhuận hợp lý, nhưng Marx đã phản biện lại rằng tư bản chỉ là lao động “bị đóng băng” và do đó tiền lương phải chiếm toàn bộ tiền thu được từ sản xuất. Các nhà kinh tế học cổ điển đã không có phản hồi nào đối với Marx, ít nhất là vào thời điểm ban đầu. Và vậy nên Marx đã thắng lợi bằng cách sử dụng những lập luận không thể chối cãi để “chứng minh” rằng chủ nghĩa tư bản đã gây ra sự “đấu tranh giai cấp” khổng lồ giữa công nhân, tư sản và địa chủ – và các nhà tư sản và địa chủ có một lợi thế không công bằng. Murray Rothbard nhận xét, “Khi thế kỷ 19 đã trôi qua nửa chặng đường, khiếm khuyết của kinh tế học Ricardo đã trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Kinh tế học đã đi đến sự diệt vong của chính nó” (Rothbard 1980, 237). Mãi cho đến nghiên cứu của Philip Wicksteed, một tu sĩ người Anh, và Eugen von Bohm-Bawerk, một nhà kinh tế có tầm ảnh hưởng tại Áo, Marx mới thực sự được trả lời, với sự tập trung vào vấn đề chấp nhận rủi ro và lợi ích tiên phong mà các nhà tư sản mang lại. Nhưng chủ đề này phải chờ tới Chương 4.
Lợi nhuận giảm dần và sự tích lũy tư bản
Marx có một quan điểm bảo thủ về máy móc và công nghệ. Sự tích lũy tư bản không ngừng tăng lên nhằm đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và làm cho chi phí nhân công giảm. Marx từng phát biểu trong Tư bản rằng, “Tích lũy, tích lũy! Đó là Moses và các nhà tiên tri!… Vì vậy, tiết kiệm, tiết kiệm, cụ thể là tái biến đổi phần lớn nhất có thể của giá trị thặng dư, hay sản phẩm thặng dư thành tư bản!” (1976 [1867], 742).
Nhưng điều này đã dẫn tới rắc rối, một cuộc khủng hoảng trong chủ nghĩa tư bản, tất cả là do “quy luật lợi suất giảm dần.” Bởi theo công thức về lợi suất của Marx, s/[v + c], chúng ta có thể thấy rằng tăng thêm máy móc sẽ làm tăng c và do vậy làm giảm lợi nhuận. Các công ty lớn trở nên tập trung hơn bởi các doạnh nghiệp lớn hơn sản xuất rẻ hơn, điều “luôn luôn dẫn tới sự phá sản của nhiều nhà tư bản nhỏ.” Trong khi đó, tất cả công nhân trở nên cực khổ hơn, ngày càng có ít tiền hơn để mua hàng hóa tiêu dùng. Ngày càng nhiều công nhân bị đuổi việc, gia tăng thất nghiệp trong một “đội quân dự bị công nghiệp” vốn chỉ kiếm được một mức lương vừa đủ sống.
Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản
Chi phí hạ, lợi nhuận giảm, sức mạnh độc quyền, tiêu dùng dưới mức, thất nghiệp hàng loạt của giai cấp vô sản – tất cả những điều kiện này dẫn tới “những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn và trên phạm vi rộng hơn” và sự suy thoái của của chế độ tư bản chủ nghĩa (Marx và Engels 1964 [1848], 13). Và tất cả những điều này bắt nguồn từ thuyết giá trị về lao động!
Marx đã chối bỏ định luật về thị trường của Say, thứ bị ông gán cái tên là “tiếng bập bẹ trẻ con… lời bốc phét… trò bịp bợm” (Buchholz 1999, 133). Không hề có sự ổn định trong chủ nghĩa tư bản, không có xu hướng hướng tới trạng thái cân bằng và toàn dụng lao động. Marx đã nhấn mạnh bản chất của cả sự bùng nổ và sụp đổ của chế độ tư bản chủ nghĩa, và rằng sự cáo chung sau cùng của nó là điều tất yếu.
Chủ nghĩa đế quốc của chủ nghĩa tư bản tiền tệ
Marx bị ấn tượng mạnh mẽ bởi năng lực của các nhà tư bản trong việc tích lũy vốn và tạo ra các thị trường mới, cả ở trong và ngoài nước. Tuyên ngôn của Đảng cộng sản đã mô tả hiện tượng này trong một trích đoạn nổi tiếng: “Giai cấp tư sản, trong suốt thời kỳ thống trị hiếm hoi một trăm năm của mình, đã tạo ra lực lượng sản xuất đồ sộ và khổng lồ hơn tất cả các thời kỳ trước gộp lại.” Các nhà tư bản luôn bị gắn với sự hỗn độn “bởi sự xâm chiếm các thị trường mới, và bởi sự bóc lột ngày càng triệt để các thị trường đã có” (Marx và Engels 1964 [1848], 12-13).
Sau đó các nhà Marxist luôn mô tả chủ nghĩa tư bản và các công ty lớn là những “tên đế quốc” cố hữu, bóc lột công nhân nước ngoài và khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên của nước họ. Học thuyết về chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân được phát triển chủ yếu bởi J.A. Hobson và V.I. Lenin. Rất nhiều trong số những thái độ chống Mỹ và bài ngoại của các nước đang phát triển trong suốt thế kỉ 20 có nguồn gốc từ chủ nghĩa Marx, và kết quả của quan điểm chống tư bản này đã và đang tàn phá, dẫn tới sự tăng trưởng chậm và thậm chí là âm tại rất nhiều khu vực của châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Chủ nghĩa duy vật lịch sử
Vậy chủ nghĩa tư bản tiến về đâu? Marx bị ảnh hưởng sâu sắc bởi George Wilhelm Hegel trong việc phát triển tiến trình quyết định luận kinh tế của mình. Chính đề cơ bản của Hegel là “Mâu thuẫn (về bản chất) là gốc rễ của mọi sự vận động và sự sống.” Hegel đã mô tả mâu thuẫn này theo phép biện chứng, các lực lượng chống đối nhau cuối cùng sẽ tạo ra một lực lượng mới. Một “chính đề” được hình thành sẽ tạo ra một “phản đề” phát triển theo hướng ngược lại, đến lượt nó rốt cuộc sẽ tạo ra một “hợp đề” mới. Hợp đề này sau đó trở thành một “chính đề” và quá trình lại lặp lại theo sự tiến bộ của văn minh.
Biểu đồ trong Hình 3.1 phản ánh phép biện chứng trên của Hegel. Marx đã áp dụng phép biện chứng của Hegel vào quan điểm quyết định luận về lịch sử của mình. Do vậy, tiến trình lịch sử có thể được mô tả bằng cách sử dụng khái niệm của Hegel – từ chế độ chiếm hữu nô lệ tới chủ nghĩa tư bản rồi đến chủ nghĩa cộng sản.
Theo thuyết này, nô lệ được xem như phương tiện sản xuất chính hay một chính đề trong suốt thời kì Hy – La. Chế độ phong kiến đã trở thành phản đề chính của nó trong thời Trung Cổ. Hợp đề đã trở thành chủ nghĩa tư bản, điều trở thành chính đề mới sau thời đại Khai sáng. Nhưng chủ nghĩa tư bản đã phải đối mặt với phản đề của chính nó – mối đe dọa tăng lên từ chủ nghĩa xã hội. Sau cùng, cuộc đấu tranh này sẽ dẫn tới hệ thống sản xuất tối hậu, chủ nghĩa cộng sản. Với cách lập luận này, Marx luôn là một người lạc quan. Ông tin chắc rằng mọi quá trình lịch sử đều hướng tới các hình thái xã hội cao hơn, đỉnh cao là chủ nghĩa cộng sản.
Hình 3.1 Phép biện chứng của Hegel được sử dụng để mô tả tiến trình lịch sử
(vui lòng download file để xem hình)
Giải pháp của Marx: Chủ nghĩa xã hội cách mạng
Nhưng trong khi chủ nghĩa cộng sản được cho là điều tất yếu thì Marx lại thấy rằng cách mạng là cần thiết để đạt được nó. Đầu tiên và trên hết, Marx là người đề xuất dùng bạo lực (“mạnh mẽ”) để lật đổ chính quyền và thiết lập chủ nghĩa xã hội cách mạng. Ông thích thú với bạo lực. Marx đã thôi thúc cách mạng diễn ra trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản năm 1848, Quốc tế thứ nhất năm 1860 và tại Công xã Paris năm 1871. Dù nhà cách mạng Đức đã không tiết lộ cụ thể kế hoạch của ông nhưng Tuyên ngôn của Đảng cộng sản mang một cương lĩnh gồm mười điều sau (Marx và Engels 1964 [1848], 40):
- Xóa bỏ sở hữu (tư nhân) đối với đất đai và đưa toàn bộ đất đai phục vụ cho mục đích công.
- Thuế thu nhập theo mức hoặc lũy tiến bậc cao.
- Xóa bỏ mọi quyền thừa kế.
- Tịch thu tài sản của toàn bộ người di dân và phiến loạn.
- Tập trung tín dụng trong tay nhà nước bằng một ngân hàng quốc gia với vốn nhà nước và độc quyền duy nhất.
- Tập trung các phương thức truyền thông và vận tải trong tay nhà nước.
- Mở rộng các nhà máy và công cụ sản xuất thuộc sở hữu nhà nước; khai hoang đất trống và cải tạo đất nói chung phù hợp với kế hoạch chung.
- Nghĩa vụ lao động ngang nhau đối với tất cả mọi người. Thành lập các đội quân ngành, đặc biệt là trong nông nghiệp.
- Kết hợp nông nghiệp với các ngành sản xuất; từng bước xóa bỏ sự phân hóa giữa thành thị và nông thôn bằng sự phân bổ dân số đồng đều hơn trên cả nước.
- Giáo dục miễn phí cho toàn bộ trẻ em tại các trường công. Xóa bỏ việc sử dụng lao động trẻ em trong các nhà máy hiện nay. Kết hợp giáo dục với sản xuất công nghiệp, v.v…
Thật khó mà tưởng tượng việc thúc đẩy một vài trong số các biện pháp trên mà không cần đến bạo lực. Nhưng chưa dừng lại ở đó. Marx cũng tán thành “nền chuyên chính vô sản” độc tài. Ông ủng hộ việc xóa bỏ hoàn toàn sở hữu tư nhân, dựa trên học thuyết của ông cho rằng sở hữu tư nhân là căn nguyên của xung đột, đấu tranh giai cấp và là một hình thái nô lệ (1964 [1848], 27). Ông đồng tình với Proudhon cho rằng “sở hữu là trộm cắp.” Không có sở hữu tư nhân sẽ không cần tới trao đổi, không có mua bán, và do đó Marx và Engels tán thành việc triệt tiêu tiền tệ (30). Sản xuất và tiêu dùng sẽ tiếp diễn và thậm chí là phát triển thịnh vượng thông qua kế hoạch tập trung mà không cần trao đổi hay tiền tệ.
Marx và Engels cũng yêu cầu xóa bỏ gia đình truyền thống trong một nỗ lực nhằm “ngăn chặn hiện tượng cha mẹ bóc lột con cái” và “hình thành một cộng đồng phụ nữ.” Những người sáng lập chủ nghĩa cộng sản ủng hộ một chương trình giáo dục giới trẻ vốn sẽ “phá hủy những mối quan hệ tôn kính nhất” và “thay thế giáo dục gia đình bởi giáo dục xã hội” (33 – 35).
Vậy còn tôn giáo thì sao? Marx cho rằng “tôn giáo là thứ thuốc phiện của con người.” “Chủ nghĩa cộng sản thủ tiêu những chân lý bất diệt, nó thủ tiêu mọi tôn giáo và đạo lý thay vì cấu thành chúng theo một nền tảng mới; do vậy, nó đi ngược lại toàn bộ kinh nghiệm lịch sử trước đây” (38).
Marx đã đoán trước rằng chủ nghĩa xã hội cách mạng sẽ lần đầu tiên cho phép con người có sự biểu đạt đầy đủ về sự tồn tại và hạnh phúc. Mục tiêu “vạn vật giàu có” mà Adam Smith theo đuổi cuối cùng sẽ đạt được dưới chế độ chủ nghĩa cộng sản đích thực. Trong tâm can, Marx là một con người theo đuổi hòa bình, thịnh vượng phổ quát. Thiên đường có để đạt được trên cõi trần. Rốt cuộc nền chuyên chính vô sản sẽ được thay thế bởi một xã hội không giai cấp, không nhà nước. Con người của chủ nghĩa Marx sẽ là một con người mới!
Lời tiên tri của Marx không thành hiện thực
Nhưng tất cả điều này đã không xảy ra. Lời tiên tri của Marx đã bị sai lệch, dù không phải là ngay lập tức. Đến tận năm 1937, Wassily Leontief, một người Nga lưu vong mà sau này đã đạt giải Nobel cho phân tích đầu vào – đầu ra (input – output analysis), đã tuyên bố rằng ghi chép của Marx là “ấn tượng” và “chính xác” (Leontief 1938, 5, 8). Nhưng lời ngợi ca của Leontief đã quá vội vàng. Kể từ đó, như Leszek Kolakowski, cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Ba Lan đã tuyên bố, “Tất cả những lời tiên tri quan trọng của Marx hóa ra đều sai lầm” (Denby 1996, 339). Một số vấn đề cần xem xét lại:
- Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, tỷ lệ lợi nhuận không hề giảm, ngay cả khi ngày càng nhiều vốn được tích lũy qua hàng thế kỷ.
- Giai cấp lao động không hề rơi vào cảnh ngày càng bần cùng. Mức lương về căn bản đã tăng hơn mức đủ sống. Mức sống trung bình của công nhân tăng dần tại các nước công nghiệp. Tầng lớp trung lưu không hề biến mất mà còn tăng lên. Như Paul Samuelson kết luận, “Sự bần cùng hóa của giai cấp lao động… chỉ đơn giản là chẳng bao giờ diễn ra. Là một nhà triên tri, Marx đã vô cùng không may mắn và hệ thống của ông cũng chẳng đem lại kết quả gì” (1967, 622).
- Có rất ít bằng chứng về sự tập trung công nghiệp tăng lên trong các xã hội tư bản tiên tiến, đặc biệt là khi có sự cạnh tranh toàn cầu.
- Các xã hội xã hội chủ nghĩa không tưởng không hề nảy nở, và cũng không có cuộc cách mạng vô sản tất yếu nào xảy ra.
- Bất chấp các chu kỳ kinh doanh và thậm chí đôi khi xảy ra các cuộc suy thoái lớn, chủ nghĩa tư bản dường như vẫn phát triển rực rỡ hơn bao giờ hết.
Cập nhật: Những nhà Marxist là những nhà tiên tri dự báo ngày tận thế thời hiện đại
Trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Marx và Engels đã cảnh báo, “Chỉ cần đề cập là đã đủ rằng các cuộc khủng hoảng thương nghiệp diễn ra theo chu kỳ đã thử thách sự tồn tại của toàn bộ xã hội tư sản, mỗi lần một đe dọa hơn” (1964 [1848], 11 – 12).
Theo chân người lãnh đạo của mình, các nhà Marxist hiện đại tiếp tục dự đoán sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản, để rồi bị bác bỏ, cứ lặp đi lặp lại như vậy. Năm 1976, vào giữa cuộc khủng hoảng năng lượng và sự suy thoái do lạm phát, nhà xã hội Michael Harrington đã xuất bản cuốn sách với tựa đề Buổi hoàng hôn của chủ nghĩa tư bản (The Twilight of Capitalism) để dành tặng Karl Marx. Ông đã dự đoán rằng cuộc khủng hoảng vào những năm 1970 sẽ là cái kết của chủ nghĩa tư bản.
Cũng trong năm đó, nhà Marxist Ernest Mandel đã viết lời tựa cho tác phẩm Tư bản, tuyên bố hùng hồn rằng “Chủ nghĩa tư bản sẽ chẳng thể tồn tại qua nửa thế kỷ nữa với các cuộc khủng hoảng (quân sự, chính trị, xã hội, tiền tệ, văn hóa) diễn ra không ngừng suốt từ năm 1914” (Mandel 1976 [1867], 86).
Paul M. Sweezy, giáo sư Marxist tại đại học Harvard, là một người bi quan lâu năm. Từ những năm 1930, ông đã dự đoán rằng chủ nghĩa tư bản đang suy yếu, và rằng chủ nghĩa xã hội, vốn giúp nâng mức sống lên cao hơn, sẽ tiến lên nhanh chóng (Sweezy 1942, 362). Ông là đồng tác giả của một cuốn sách với tiêu đề Cái kết của sự phồn vinh (The End of Prosperity) in năm 1977.
Tuy nhiên, sang thế kỷ mới, chủ nghĩa tư bản thậm chí còn năng động hơn bao giờ hết. Các nhà Marxist hiện đại, luôn là những người bi quan, một lần nữa lại bị chứng tỏ là đã sai lầm.
Trường hợp kì lạ của Nikolai Kondratieff
Một nhà kinh tế nổi tiếng người Nga đã phủ nhận dự đoán của các nhà Marxist về cái kết tất yếu của chủ nghĩa tư bản là Nikolai Kondratieff (1892 – 1938). Năm 1926, ông đã gửi một bài luận văn tới Viện Kinh tế có uy tín ở Moscow, đưa ra trường hợp về một chu kỳ kinh doanh 50 – 60 năm. Dựa trên các xu hướng về giá và sản lượng từ những năm 1780, Kondratieff đã mô tả các chu kỳ “sóng dài” 2,5 lên xuống của sự thịnh vượng và suy thoái. Kondratieff không tìm ra bằng chứng về sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa tư bản mà thay vào đó lại là một sự hồi phục mạnh mẽ tiếp sau suy thoái.
Năm 1928, Kondratieff đã bị cách chức khỏi vị trí đứng đầu Viện Điều kiện Kinh doanh của Moscow và chính đề của ông đã bị phản bác trong cuốn Bách khoa toàn thư Liên Xô chính thức (Solomou 1987, 60). Ông nhanh chóng bị bắt giữ vì bị cáo buộc là lãnh đạo của Đảng Nông dân Lao động vốn thực tế không hề tồn tại và bị trục xuất tới Siberia vào năm 1930. Ngày 17 tháng 10 năm 1938, trong suốt giai đoạn thanh trừng diện rộng dưới thời Stalin, ông bị xét xử lần thứ hai và bị kết án tù mười năm và không được quyền thư từ liên lạc với thế giới bên ngoài; tuy nhiên, Kondratieff đã bị xử bắn vào đúng ngày phán quyết được ban hành. Vào thời điểm bị giết, ông mới 46 tuổi.[1]
Những phê phán đối với Marx
Tại sao Marx lại sai lầm tệ hại sau khi thiết lập thứ ông gọi là định luật “khoa học” của kinh tế học?
Trước tiên, thuyết giá trị về lao động của ông có những khiếm khuyết. Khi bác bỏ quy luật về thị trường của Say, ông cũng đã phủ nhận thuyết giá trị có căn cứ của Say. Say đã nói đúng rằng giá trị của hàng hóa và dịch vụ rốt cuộc sẽ được xác định bằng lợi ích. Nếu các cá nhân không có nhu cầu hoặc không cần tới một sản phẩm thì không cần biết có bao nhiêu lao động và nỗ lực được đặt vào đó, sản phẩm đó vẫn là không có giá trị.
Nhà sử học Jacques Barzum cho rằng “Ngọc trai không phải có giá trị vì con người lặn tìm nó mà con người lặn tìm ngọc trai vì nó có giá trị” (Barzum 1958, 152). Và Philip Wicksteed, người viết bài phê bình khoa học đầu tiên về thuyết giá trị của Marx vào năm 1884, đã nhận định “Một cái áo choàng không đáng giá 8 lần so với một cái mũ bởi thời gian làm ra nó lâu gấp 8 lần… Mà mọi người sẵn sàng dành 8 lần thời gian để làm ra một chiếc áo choàng bởi vì nó đáng giá 8 lần cái mũ” (Wicksteed 1933, vii).[2]
Và còn tất cả những thứ đáng giá vốn liên tục tăng giá trị ngay cả khi chúng yêu cầu rất ít hoặc không cần tới lao động, ví dụ như nghệ thuật và đất đai thì sao? Marx đã nhận ra đây là những ngoại lệ trong học thuyết của mình nhưng vẫn coi chúng không quan trọng đối với vấn đề căn bản về sức lao động.
Vấn đề chuyển đổi
Marx cũng đã phải đối mặt với một vấn đề lưỡng nan được xem là “vấn đề chuyển đổi”, vấn đề về tỷ suất lợi nhuận và giá trị. Một xung đột nổi lên dưới hệ thống của Marx do có một số ngành cần nhiều nhân công và các ngành khác lại cần nhiều vốn. (Trong ngôn ngữ Marxist, chúng có kết cấu hữu cơ về tư bản cao hơn.) Trong tập 1 của tác phẩm Tư bản, Marx đã khẳng định rằng giá biến động hoàn toàn theo thời gian lao động, do đó kết luận rằng các ngành cần nhiều vốn sẽ ít có khả năng sinh lời hơn là các ngành cần nhiều lao động. Nhưng chứng cớ dường như lại chỉ ra khả năng sinh lời tương đương nhau ở tất cả các ngành trong dài hạn, do vốn và các khoản đầu tư có thể di chuyển từ các ngành có khả năng sinh lời thấp tới các ngành có khả năng sinh lời cao hơn. Marx không bao giờ có thể giải quyết được vấn đề hóc búa này, điều mà Rothbard gọi là “lỗ hổng rõ ràng nhất trong mô hình của Marx” (Rothbard 1995b, 413).
Marx đã vật lộn với vấn đề chuyển đổi này trong suốt cuộc đời của ông, hứa hẹn một câu trả lời trong các tập sắp tới của Tư bản. Trong lời giới thiệu về tập 2 của Tư bản, Engels đã trao giải thưởng cho một cuộc thi viết luận về cách giải quyết vấn đề lưỡng nan của Marx. Trong chín năm sau đó, một số lớn các nhà kinh tế học đã cố gẳng giải quyết nó, nhưng lúc xuất bản tập 3 của Tư bản, Engels đã thông báo rằng không có ai chiến thắng[3] (Rothbard 1995b, 413). Eugen Bohm-Bawerk đã công kích kịch liệt sai lầm này trong kinh tế học này của Marx; như lời của Paul Samuelson thì, “rõ ràng Bohm-Bawerk hoàn toàn đúng khi khẳng định rằng tập 3 của Tư bản không bao giờ có khả năng thực hiện được lời hứa giải quyết được các mâu thuẫn hư cấu” (Samuelson 1967, 620).
Vai trò thiết yếu của các nhà tư bản và các nhà doanh nghiệp
Thứ hai, Marx mắc sai lầm khi đánh giá thấp kiến thức và công việc của các nhà tư bản và nhà doanh nghiệp. Như chúng ta sẽ xem xét trong chương tới, Bohm-Bawerk, Alfred Marshall và các nhà kinh tế học vĩ đại khác đã nhận ra đóng góp khổng lồ của các nhà tư bản và nhà doanh nghiệp trong vấn đề chấp nhận rủi ro và cung cấp vốn (sự tiết kiệm) cần thiết và kỹ năng quản lý cần có để vận hành một doanh nghiệp có khả năng sinh lời.
Hiện tượng nhà tư sản-công nhân
Marx, nhà phản kinh tế?
Có phải Marx đã thoái lui?
Chủ nghĩa Marx còn lại gì?
Mối quan hệ tiền tệ
Cập nhật: Những nhà Marxist giữ người anh hùng của mình sống mãi
Các khuynh hướng cấp tiến khác
Sự thăng trầm của học thuyết giải phóng
Cuộc cách mạng tiếp theo
Download phần còn lại của văn bản tại đây: Karl Marx chong lai chu nghia tu ban-Phan 2.pdf
—
[1] Việc Kondratieff bị hành hạ bởi chính quyền Liên Xô không có nghĩa rằng lý thuyết của ông về việc chủ nghĩa tư bản tự động trải qua chu kỳ 50 – 60 năm là đúng. Niềm tin vào thứ gọi là chu kỳ sóng dài Kondratieff vẫn tồn tại trong một số nhà kinh tế, nhà sử học và nhà phân tích tài chính, những người thường dự đoán một cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế khác. Tuy nhiên, giờ đã gần 80 năm kể từ cuộc suy thoái toàn cầu cuối cùng. Như Victor Zarnowitz kết luận mới đây, “Có nhiều ý kiến không tán thành về sự tồn tại thực sự của một vài sóng dài thậm chí cả ở những người ủng hộ khái niệm này, và càng nhiều quan điểm bất đồng về thời điểm của sóng và các giai đoạn của chúng” (Zarnowitz 1992, 238).
[2] Chính bài báo này, xuất hiện trên tờ nguyệt san Ngày nay (Today) của các nhà xã hội chủ nghĩa vào tháng 10 năm 1884, đã thuyết phục George Bernard Shaw và Sidney Webb rằng thuyết giá trị về lao động là không thể trụ vững được và do vậy sẽ kéo toàn bộ lâu đài của chủ nghĩa Marx xuống đống đổ nát (Lichtheim 1970, 192 – 93).
[3] Bản tóm tắt đầy đủ về cuộc tranh luận về sự chuyển đổi giữa các nhà Marxist có thể được tìm thấy trong tài liệu của Howard và King (1989, 21 – 59).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]