#161 – Karl Marx dẫn đầu cuộc nổi dậy chống lại chủ nghĩa tư bản (P1)

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Mark Skousen (2007). “Karl Marx Leads a Revolt Against Capitalism”, in M. Skousen, The Big Three in Economics: Adam Smith, Karl Marx, And John Maynard Keynes (New York: M.E.Sharpe), pp. 64-104 (Ch. 3).

Biên dịch: Bùi Thu Thảo | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn The Big Three in Economics 

Jenny! Nếu linh hồn của chúng ta có thể hòa quyện cùng nhau, thì anh có thể bất chấp mà đấm thẳng vào bộ mặt của thế gian, rồi sải bước qua đống đổ nát như một đấng tạo hóa!

Karl Marx nói với hôn thê của mình (Wilson 1940)

Karl Marx sở hữu tố chất thiên tài đầy ma lực để biến đổi thế giới hiện đại.

Saul K. Padover (1978)

Nếu nghiên cứu của Adam Smith là khởi thủy của kinh tế học hiện đại thì Karl Marx là nơi kết thúc của nó. Nếu triết gia người Scotland là nhà sáng lập vĩ đại của tự do kinh tế, thì nhà cách mạng Đức là người hủy diệt vĩ đại của nó. Nhà Marxist John E. Roemer cũng thừa nhận như vậy. Theo ông, “sự khác biệt căn bản” giữa Smith và Marx được miêu tả như sau: “Smith cho rằng mưu cầu tư lợi của cá nhân sẽ đưa đến kết quả lợi ích cho tất cả, trong khi đó Marx lại lý luận rằng mưu cầu tư lợi sẽ dẫn tới tình trạng vô chính phủ, khủng hoảng và sự tự tan rã của chế độ tư hữu. Smith đã chứng tỏ rằng có một bàn tay vô hình dẫn dắt các cá nhân và tác nhân tư lợi có những hành động giúp đưa đến sự tối ưu xã hội dù họ không quan tâm tới kết quả này; đối với những người theo chủ nghĩa Marx thì sự ví von tương tự là bàn tay sắt của sự cạnh tranh sẽ nghiền nát những người lao động và khiến họ trở nên khốn đốn hơn so với trong một chế độ khả dĩ khác, cụ thể là một chế độ dựa trên sở hữu xã hội hoặc công cộng (Roemer 1988, 2-3).

Bất chấp tất cả những nỗi kinh hoàng được thực hiện nhân danh Marx, trong hơn một thế kỷ, triết gia người Đức đã truyền nguồn cảm hứng to lớn cho những người lao động và trí thức bị tước đi quyền công dân của chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Malthus và Ricardo có thể đã gieo mầm cho những mối bất đồng nhưng chính Marx (1818 – 83) đã đập tan những xiềng xích của chủ nghĩa tư bản và xé tan những cơ sở của hệ thống tự do tự nhiên của Adam Smith. Hệ thống thương mại không còn được xem là “vô hại” (Montesquieu), “cùng có lợi” (Smith) hay “hài hòa tự nhiên” (Say và Bastiat). Giờ đây, theo Marx, nó được khắc họa là một thứ xa lạ, mang tính bóc lột và tự hủy diệt. Theo ý kiến của Marx, sự giải phóng xảy ra khi mọi người rời khỏi mô hình của Adam Smith.

Dấu ấn của ông đối với thế giới là không thể xóa nhòa và là minh chứng của một trí tuệ xuất chúng. Marx là một thiên tài, điều đó không có gì phải bàn cãi – ông có học vị tiến sĩ về triết học Hy Lạp; nói được tiếng Pháp, Đức và Anh thành thạo; am hiểu sâu rộng về khoa học, văn học, nghệ thuật, toán học và triết học; và đã viết nên một cuốn sách kinh điển vốn tạo ra một mẫu hình mới đầy sức mạnh về tư duy kinh tế. Và cũng đừng bận tâm rằng ông không thể cân bằng sổ séc hoặc giữ được một việc làm. Một nhà viết tiểu sử không theo chủ nghĩa Marx đã gọi ông là “một con người tài năng phi thường, uyên bác và xuất chúng” (Padover 1978: xvi). Martin Bronfenbrenner thì cho rằng Marx là “nhà khoa học xã hội vĩ đại nhất mọi thời đại” (1967: 624).[1]

Marx và Chủ nghĩa cộng sản

Tuy nhiên, cũng giống như Cain trong Kinh thánh, Marx bị nguyền rủa là vết nhơ của lịch sử. Tên tuổi của ông sẽ mãi mãi bị gắn liền với mặt trái của chủ nghĩa cộng sản. Có một bóng ma luôn đeo đuổi Karl Marx – lịch sử về Lenin, Stalin, Mao và Pol Pot và hàng triệu người chết và bị đầy đọa bởi “đế quốc xấu xa”, như theo cách gọi của Ronald Reagan. Các nhà biện minh cho rằng Marx không thể chịu trách nhiệm về sự tàn bạo của những người đi theo chủ nghĩa cộng sản của ông và thậm chí còn cho rằng Marx chắc sẽ là một trong những người đầu tiên bị hành quyết và gửi tới các trại lao động. Có thể như vậy. Có một điều là trong suốt sự nghiệp của mình, ông luôn phản đối kịch liệt việc kiểm duyệt báo chí, xuất bản. Nhưng nếu không có Marx, liệu có sự trấn áp và cách mạng bạo lực này không? Phải chăng Marx đã không ủng hộ sự “cai trị bằng khủng bố” đối với giai cấp tư sản? Như một nhà phê bình cục đoan từng nói: “Nhân danh sự tiến bộ của con người, Marx đã gây ra sự chết chóc, bất hạnh, suy đồi và tuyệt vọng nhiều hơn bất cứ một ai từng sống” (Downs 1983, 299).

Marx gây ra sự cuồng tín của thanh niên

Trong các trường phái tư tưởng, không có nhà kinh tế hay triết gia nào mang lại niềm say mê và cơn sốt sùng đạo như Marx. Hơn hết thảy, Marx là một người nhìn xa trông rộng và là một thần tượng cách mạng chứ không chỉ là một nhà kinh tế. Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản (The Communist Manisfesto) ra đời hơn 150 năm trước, ta không thể không cảm thấy nội lực đầy say mê, ngòi bút sắc sảo và sự giản dị đến lạ lùng trong những ngôn từ của Marx và Engels (1968 [1848]).

Những môn đồ trẻ tuổi trờ thành những tín đồ thật sự và thường mất nhiều năm để họ không còn say mê với chủ nghĩa Marx. Điều này đã xảy ra với Robert Heilbroner, Mark Blaug, Whittaker Chambers và David Horowitz. Tôi thậm chí đã thấy điều này trong những sinh viên của tôi tại Đại học Rollins, một thập kỉ sau khi chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô sụp đổ và chủ nghĩa Marx bị coi như đã tàn lụi. Trong khóa học “Tìm hiểu các nhà kinh tế vĩ đại” mà tôi giảng dạy, tôi đã yêu cầu các sinh viên đọc một cuốn sách được viết bởi một nhà kinh tế. Một sinh viên đã chọn Tuyên ngôn của Đảng cộng sản. Sau khi đọc nó, cậu ấy đã tới chỗ tôi và thốt lên đầy xúc động khi chỉ vào bản copy được đánh dấu chi tiết của mình, “Thật không thể tin được! Em phải làm một bài tường thuật về cuốn sách này!” Thật là kì lạ. Trong giờ giảng của mình, tôi cố hết sức để phản biện lại học thuyết của Marx song điều này không còn ý nghĩa nữa. Cậu ấy đã bị thay đổi chính kiến.

Tôi có thể dễ dàng nhận ra cách một nhà cách mạng trẻ tuổi có thể bị lay động bởi những dòng bút chiến không thể nào quên trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản:

Một bóng ma đang đeo đuổi châu Âu – bóng ma của Chủ nghĩa cộng sản…. Lịch sử của mọi xã hội tồn tại từ trước tới nay là lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp…. Giai cấp tư sản đã thẳng tay phá tan các mối quan hệ phong kiến đa dạng, ràng buộc con người vào “các bậc bề trên tự nhiên” của mình và không để lại mối quan hệ giữa người với người nào khác ngoài sự tư lợi trần trụi hay lối “tiền mặt trao tay” đầy vô cảm…. Được che đậy bởi tấm màn tôn giáo và chính trị, nó đã thay thế sự bóc lột tàn bạo, trắng trợn, vô liêm sỉ và trần trụi… Hãy để các giai cấp cầm quyền phải run sợ trước cuộc cách mạng cộng sản. Những người vô sản không có gì để mất ngoài những xiềng xích mà họ phải chịu đựng. Họ có phần thưởng là cả thế giới này để giành lấy. VÔ SẢN TẤT CẢ CÁC NƯỚC, ĐOÀN KẾT LẠI! (1964 [1848]).

Một thời gian lâu sau khi chủ nghĩa Marx tồn tại ở New York, Marshall Berman kể lại cái cách mà ông, một người trẻ tuổi, bắt gặp một cuốn sách khác của Marx, Các bản thảo kinh tế và triết học năm 1844 (Economic and Philosophical Manuscripts of 1844). Cuốn sách này cũng đã mang đến một niềm nhiệt huyết cuồng nhiệt. “Đột nhiên tôi vã mồ hôi, ướt đẫm, cởi bỏ quần áo và tuôn trào nước mắt, chợt cảm thấy nóng lạnh từng đợt” (Berman 1999, 7) – không phải do những ngôi sao trong tạp chí Playboy hay lần đầu giao dịch cổ phiếu giá rẻ, mà là do tác phẩm của Marx.

Về nhiều phương diện, chủ nghĩa Marx đã gần như trở thành một thứ tôn giáo, với các khẩu hiệu, biểu tượng, ngọn cờ đỏ, thánh ca, tư cách thành viên của đảng, các vị tông đồ, những người tử vì đạo, kinh thánh và chân lý cuối cùng. “Marx có sự tự tin của một nhà tiên tri đã từng nói chuyện với Chúa…. Ông là một nhà thơ, nhà tiên tri, nhà luân lý học nói chuyện như một nhà triết gia và nhà kinh tế học; học thuyết của ông không được kiểm chứng một cách thực tế nhưng lại được tiếp nhận như là chân lý đạo đức. Marx đã dẫn đường cho những Người Được Chúa Chọn thoát ra khỏi ách nô lệ để đến với Jerusalem Mới… Trở thành một người theo chủ nghĩa Marx hoặc một người Cộng sản giống như việc chìm dắm trong tình yêu, một thứ xúc cảm thiết yếu” (Wesson 1976, 29–30, 158). Một cuốn cẩm nang của tuổi trẻ đã được xuất bản vào năm 1935 với tiêu đề Những giáo huấn của Marx cho nam nữ thanh niên (Teachings of Marx for Girls and Boys) được viết bởi mục sư Tin lành William Montgomery Brown, được làm nổi bật trên trang bìa với hình ảnh những “môn đồ xuất sắc nhất” của Marx là Lenin và Stalin.

Những đóng góp của Marx đối với kinh tế học

Ít có nhà kinh tế học nào đã thâm nhập vào các ngành học khác như Marx đã từng làm. Marx vừa là một triết gia, một nhà sử học, vừa là nhà khoa học chính trị, nhà xã hội học và nhà phê bình văn học. Ông viết nhiều và viết gần như không ngừng nghỉ về mọi lĩnh vực. Thậm chí ngày nay, bộ tài liệu sưu tập tất cả các công trình của Marx và đồng sự của ông – Friedrich Engels vẫn chưa được hoàn thành. Các bình luận về Marx và các chủ đề liên quan khổng lồ đến mức phải gộp thành các tuyển tập. (Trên Internet, trang Amazon.com đã liệt kê hơn 4000 đề mục về Marx và chủ nghĩa cộng sản, chỉ xếp thứ hai sau Chúa Jesus và Thiên chúa giáo.) Do đó, chương này về Marx của chúng tôi buộc phải tập trung chủ yếu vào những đóng góp của ông đối với lĩnh vực kinh tế. Ngay cả vậy, Marx với tư cách một nhà kinh tế học cũng không phải là một đề tài đơn giản.

Marx chính là nhà kinh tế học lớn đầu tiên thiết lập ra trường phái tư tưởng của riêng mình, với một phương pháp luận riêng và thứ ngôn ngữ đặc thù. Khi tạo dựng nên trường phải tư tưởng của chính mình trong tác phẩm kinh điển, Tư bản (1976 [1867]), ông đã đối chiếu cơ chế của mình với cơ chế tự do kinh tế – cơ chế được tán thành bởi Adam Smith, J.-B. Say, David Ricardo và nhiều người khác. Marx đã gọi tự do kinh tế với cái tên “trường phái cổ điển”. Khi phát triển cách tiếp cận kinh tế học theo chủ nghĩa Marx, ông đã tạo ra những thuật ngữ của riêng mình: giá trị thặng dư, tái sản xuất, tư sản và vô sản, chủ nghĩa duy vật lịch sử, nền kinh tế tầm thường, chủ nghĩa tư bản độc quyền, vv…. Ông đã sáng tạo ra thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản.”[2] Từ thời của Marx, kinh tế học không còn giống như trước. Ngày nay, không có mô hình kinh tế nào được chấp nhận rộng khắp như các mô hình trong vật lý và toán học – chỉ có những trường phái kinh tế học đối lập nhau.

Học vấn thuở ban đầu: Các mâu thuẫn tồn tại trong Marx

Triết gia người Đức là ai? Ai đã mang lại niềm đam mê, sự sùng đạo, một mô hình kinh tế mới đầy sức mạnh có thể thách thức mô hình cổ điểm của Adam Smith?

Karl Heinrich Marx sinh ngày mùng 5 tháng 5 năm 1818 trong một ngôi nhà tuyệt đẹp ở Trier thuộc tỉnh Rhine thuộc Phổ. Trier là thành phố lâu đời nhất tại Đức. Từ khi chào đời cho đến lúc lìa trần, con người Marx luôn chứa đựng đầy những mâu thuẫn. Ông công kích những người tiểu tư sản, nhưng lại lớn lên trong một gia đình thuộc giai cấp tư sản. Ông đã sống nhiều năm của cuộc đời thành niên trong cảnh khốn cùng tuyệt vọng dù ông có dòng dõi tương đối khá giả. Ông tán dương các tiến bộ về vật chất và công nghệ của chủ nghĩa tư bản, song lại chỉ trích xã hội tư bản. Ông đồng cảm sâu sắc với những người công nhân, nhưng lại chưa từng có một công việc ổn định hay từng tới thăm một nhà máy nào trong suốt cuộc đời thành niên của mình. Mẹ ông từng phàn nàn rằng, “Giá mà Karl làm ra được tiền, thay vì chỉ viết về nó!” (Padover 1978, 344).

Marx ném những lời chỉ trích bài Do Thái vào những người chống đối ông, dù ông mang dòng máu Do Thái từ cả hai phía gia đình. Trong một bài tiểu luận công bố năm 1843, “Về vấn đề Do Thái”, Marx đã thể hiện thái độ bài Do Thái rất phổ biến tại châu Âu thời điểm đó. Ngôn ngữ của ông không hề khoan nhượng: “Sự sùng bái cá nhân của người Do Thái là gì? Lừa đảo. Đức Chúa trời của anh ta là gì? Tiền!… Tiền là vị thần đố kị của Isarel mà trước mặt vị thần đó không vị thần nào khác có thể tồn tại. Tiền làm thoái hóa mọi vị thần của nhân loại – và biến họ thành các loại hàng hóa… Những gì chứa đựng một cách trừu tượng trong tín ngưỡng Do Thái – đó là sự khinh miệt đối với các học thuyết, nghệ thuật và lịch sử” (Padover 1978, 169). Sự phỉ báng mang tính phân biệt chủng tộc của Marx không bao giờ dịu lại. Ông không bao giờ rút lại những lời phỉ báng năm 1843 của mình về người Do Thái. “Ngược lại”, nhà tiểu sử Saul Padover viết, “ông đã nuôi dưỡng sự thù địch đối với họ suốt đời… Những lá thư của ông chứa đầy những bình phẩm, châm biếm, và những biệt danh cay nghiệt bài trừ người Do Thái: “cái mũi Do Thái của Levy” (Levy’s Jewish nose), “kẻ cho vay nặng lãi” (usurers), “thằng nhóc Do Thái” (Jew-boy), “kẻ Do Thái mọi rợ” (nigger-Jew), vv…. Nguyên nhân có thể được lý giải bởi quan niệm Selbsthass (sự tự căm thù bản thân) trong tiếng Đức, việc Marx căm ghét người Do Thái giống như một căn bệnh xấu xa mà thời gian hay kinh nghiệm đều không thể xóa bỏ khỏi tâm hồn của ông” (Padover 1978, 171).

Tuy nhiên, những nhà Marxist lỗi lạc đã phủ nhận tư tưởng bài trừ Do Thái của Marx. Cuốn Từ điển về tư tưởng Marx (A Dictionary of Marxian Thought) khẳng định, “Mặc dù chúng ta biết rằng Marx không phản đối việc sử dụng những từ thô tục xúc phạm một số người Do Thái nhưng không có một căn cứ nào để coi ông là một người bài Do Thái” (Bottomore 1991, 275). Gareth Stedman Jones viết rằng, “Cáo buộc Marx là người theo chủ nghĩa bài Do Thái…là không thể hiểu được trừ khi đặt nó trong bối cảnh lòng căm thù của ông đối với mọi dạng chủ nghĩa đặc thù về quốc gia và dân tộc” (Blumenberg 1998 [1962], x).

Marx đã trải qua nhiều mâu thuẫn trong suốt cuộc đời của mình. Ông yêu thương những đứa con, nhưng lại chứng kiến chúng chết yểu bởi sự suy dinh dưỡng và bệnh tật hoặc tự tử. Marx chống lại những con quỷ của sự bóc lột trong hệ thống tư bản, nhưng theo một nhà tiểu sử thì ông đã “bóc lột tất cả những người xung quanh mình – vợ ông, các con ông, người giúp việc nhà của ông và những người bạn của ông – với một sự nhẫn tâm và ngày càng khủng khiếp hơn vì nó là cố ý và có tính toán” (Payne 1968, 12). Paul Samuelson nói thêm rằng, “Marx là một người cha và người chồng hiền lành; nhưng ông cũng rất dễ nổi nóng, cục cằn, lỗ mãng” (Samuelson 1967b, 616). Tóm lại, Marx công kích những mâu thuẫn bên trong chủ nghĩa tư bản, nhưng chính ông cũng luôn bị vây quanh bởi những mâu thuẫn trong chính con người mình.

Niềm tin vào Thiên Chúa của Marx

Sự trớ trêu đáng ngạc nhiên nhất là Karl Marx – người được xem là một trong những kẻ thù lớn nhất của tôn giáo – lại được nuôi dưỡng bởi một người theo đạo Thiên Chúa dù nhiều tổ tiên của ông là những chức sắc Do Thái giáo.

Cha của ông, Heinrich Marx, đã vượt qua những chướng ngại tưởng chừng như vô vọng để trở thành một luật sư Do Thái khá giả. Khi ông phải đối mặt với một đạo luật mới của Phổ vào năm 1816 cấm những người Do Thái hành nghề luật sư, ông đã chuyển từ đạo Do Thái sang đạo Cơ Đốc dòng Luther. Mẹ ông, Henrietta Pressborch, là con gái của một chức sắc Do Thái giáo, nhưng bà cũng đã nhận thấy các giá trị xã hội trong việc chuyển sang đạo Thiên Chúa.

Karl, người con trai sống sót lớn nhất trong gia đình có chín người con, đã được rửa tội để trở thành một con chiên và đã viết một vài bài luận về cuộc sống của người theo đạo Thiên Chúa khi đang trong trường trung học. Khi là học sinh năm cuối trong trường trung học, Karl đã viết một bài luận với tiêu đề “Liên hiệp những người theo đạo Thiên Chúa” nói về sự cách ly, một nỗi sợ bị Chúa chối bỏ. Ông bị mê hoặc bởi những câu chuyện về một thiên đường hòa bình trong Sáng thế ký (Genesis – sách mở đầu của Kinh thánh – NHĐ) và sự tận thế kinh hoàng trong sách Khải huyền (Revelation – sách cuối cùng của Kinh Tân Ước – NHĐ) của Thánh John. Sau đó, những quyển sách đầu và cuối trong Kinh Thánh này đã giúp hình thành những học thuyết của Marx về sự cách ly, đấu tranh giai cấp, sự lật đổ xã hội tư sản mang tính cách mạng và sự huy hoàng của một kỉ nguyên hòa bình và hưng thịnh không giai cấp, không nhà nước. Tầm nhìn của ông về thắng lợi của những người vô sản đến từ những bài học thuở ban đầu về lòng tin vào Chúa cứu thế. Đầu tiên và trước hết Marx là một người cộng sản của thiên niên kỷ (millennial communist – trong Kinh thánh “thiên niên kỷ” đề cập tới thời kỳ nghìn năm hòa bình, thịnh trị khi Chúa và các môn đồ của ông cai trị thế gian – NHĐ).

Nhiều giáo điều của Marx không phải do ông nghĩ ra. Chúng đến từ Kinh Thánh nhưng đã được ông pha chế và biến đổi cho phù hợp với mục đích của mình. Như nhà viết tiểu sử Robert Payne từng viết, “khi ông ấy (Marx) quay lưng lại Thiên Chúa giáo, ông đã mang vào những ý tưởng của mình về công bằng xã hội một niềm đau đáu về sự chuộc lỗi và nỗi sợ hãi bị cách ly (như trong Kinh Thánh)” (1968, 42).

Marx trở thành một nhà cấp tiến trong trường đại học

Đức tin của Marx đã bị thách thức gần như ngay lập tức khi bước chân vào Đại học Bonn, nơi ông, giống như bao sinh viên năm đầu khác, tốn nhiều thời gian vào việc uống rượu và nhậu nhẹt hơn là học tập. Ông chất đống hóa đơn, tham gia vào một nhóm cách mạng bí mật, và bị thương trong một cuộc đấu tay đôi. Sau đó ông bị bắt giữ vì mang súng lục và bị giam vì tội gây rối trật tự.

Cha ông hy vọng rằng có thể sửa đổi người con trai cả của mình bằng cách chuyển ông sang trường Đại học Berlin danh tiếng, nơi Marx trải qua năm năm tiếp theo. Nhưng lối sống vô kỉ luật của ông vẫn tiếp diễn. Ông đọc ngấu nghiến rất nhiều sách và sống một cuộc đời khác người. Ông cho mình là một nhà thơ, biên dịch những vở kịch Hy Lạp và ghi đầy trong sổ những vở bi kịch tối tăm và thi ca lãng mạn. Ông tham gia câu lạc bộ của các tiến sĩ (Doktorklub), một nhóm nhỏ các nhà cấp tiến trẻ tuổi theo thuyết Hegel.

Các bạn học mô tả ông là người có trí tuệ khác thường và ngoan cố bảo thủ, đôi mắt đen đầy kích động nhìn chằm chằm thách thức. Ông nổi bật với bộ râu đen và mái tóc dày, chất giọng chói tai, tính khí mạnh mẽ. Ông có nước da sẫm màu khác thường đến mức gia đình và bạn bè gọi ông là “Mohr” hay “Moor” (người gốc Ả-rập Bắc Phi – NHĐ). Trong suốt những năm đại học, ông được mô tả rất sinh động qua một bài thơ ngắn (Payne 1968, 81; Padover 1978, 116).

Ai đang xông vào, mạnh mẽ và hoang dại –

Anh chàng ngăm đen từ Trier đang nổi khùng phải không?

Không bước không nhảy, mà là vồ lấy con mồi

Trong cơn thịnh nộ dữ dội, như đang nhảy ra chồm lấy

Những khoảng trời rộng lớn và kéo chúng xuống đất

Vươn cách tay rộng lên ôm lấy khoảng trời kia.

Nắm tay ma quỷ siết chặt, anh gầm lên vô tận

Như thể hàng vạn quỷ dữ đang túm tóc mình.[3]

Ảnh hưởng của các triết gia cấp tiến Đức

Hai triết gia cấp tiến ảnh hưởng mạnh mẽ tới Marx trong suốt những năm tháng đại học và sau này là: G.W.F. Hegel (1770-1831) và người đồng nghiệp Ludwig Feuerbach (1804-72). Từ Hegel, Marx đã nâng tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của “chủ nghĩa duy vật biện chứng” – rằng mọi sự tiến bộ đều đạt được thông qua xung đột. Từ Bản chất của Thiên Chúa giáo (The Essence of Christianity) (1841) của Feuerbach, Marx đã hợp lý hóa quan điểm cho rằng tôn giáo là hoang đường và chối bỏ Thiên Chúa giáo. Chúa không tạo ra con người; chính con người đã tạo ra Chúa! Engels đã mô tả tác động giải phóng mà cuốn sách của Feuerbach đã tạo ra: “Chỉ trong một chốc lát…nó đã đưa chủ nghĩa duy vật lên ngôi… Lời nguyền đã bị phá bỏ… Khí thế lan tỏa khắp trời: Tất cả chúng ta là những người theo tư tưởng Feuerbach vào lúc này” (Padover 1978, 136).

Cha mẹ của Marx đã phát ốm khi đứa con tiêu hoang của họ muốn trở thành một nhà văn và nhà phê bình thay vì một luật sư. Những bức thư của ông đã cho thấy những cuộc trò chuyện gay gắt giữa ông và cha mẹ mình. Cha của ông, Heinrich, là một người theo chủ nghĩa tự do kinh điển và là một nhà biện hộ cho nền văn hóa tư sản, vì vậy người ta có thể mường tượng ra ông đã thất vọng về con trai mình đến thế nào. Những bức thư của ông đã chỉ trích Karl là “một đứa mọi rợ nhếch nhác, một kẻ chống đối xã hội, thằng con khốn nạn, một người anh vô tâm, một người tình ích kỉ, đứa học sinh vô trách nhiệm và một kẻ lãng phí thiếu suy nghĩ”, tất cả những lời buộc tội xác đáng đó đã ám ảnh Marx trong suốt cuộc sống trưởng thành. Heinrich Marx đã mắng nhiếc, “Chúa giúp chúng con! Sự hỗn loạn, học đòi mê muội mọi ngành khoa học, những suy nghĩ u mê trong ánh đèn dầu tăm tối; sự bất quy tắc trong chiếc áo choàng và mái tóc rối của một học giả (Padover 1978, 106–07). Trong một lá thư khác, ông cáo buộc Karl bị ám ảnh bởi một “linh hồn của quỷ” đã “làm cho trái tim con trở nên xa lạ với những cảm xúc tốt đẹp” (Berman 1999, 25). Tuy nhiên, lá thư này không phải là lần duy nhất mà Karl bị cha chỉ trích về những hành động bất trị.

Những vần thơ quỷ quái của Marx

Một trong những khía cạnh ác mộng nhất về cuộc đời của Marx là niềm đam mê của ông đối với tác phẩm Faust của Goethe, câu chuyện về một người đàn ông trẻ tuổi đấu tranh giữa cái thiện và cái ác của chính mình và kí giao kèo với quỷ Satan. Faust đã đánh đổi linh hồn của mình (cho quỷ Mephistopheles) để có một cuộc sống mơ ước và khả năng điều khiển thế giới thông qua đám đông lao động được tổ chức. Tác phẩm Faust của Goethe là một cuốn kinh thánh suốt đời đối với Marx. Ông nằm lòng mọi lời nói của Mephistopheles và có thể thuật lại những đoạn dài cho những đứa con của mình. (Ông đồng thời cũng yêu thích Shakespeare, người có những câu nói mà ông thường xuyên trích dẫn.)

Khi còn là một sinh viên tại trường Đại học Berlin năm 1837, Marx đã viết nên những vần thơ lãng mạn dành tặng vị hôn thê của mình, Jenny von Westphalen. Một trong những bài thơ này, “Người nghệ sĩ”, đã được đăng trên tạp chí văn học Đức, Athenaeum năm 1841 (tái bản trong Pane 1971, 59). Nó miêu tả một nghệ sĩ vĩ cầm khơi gợi lên sức mạnh của bóng tối. Người nghệ sĩ, trong hình tượng Lucifer (quỷ Satan) hoặc Mephistopheles, đã tuyên bố táo bạo:

Nhìn đây, ta sẽ đâm thanh kiếm nhuốm máu đen

Chuẩn xác vào tâm hồn ngươi.

Chúa chẳng biết và cũng chẳng tán dương nghệ thuật.

Địa ngục bốc hơi và lấp đầy trí não.

Cho tới khi ta phát điên và trái tim hoàn toàn thay đổi.

Nhìn thanh kiếm này – Hoàng tử Bóng đêm đã bán nó cho ta.

Vì ta người gõ nhịp và ra tín hiệu.

Càng liều lĩnh hơn, ta nhảy vũ điệu tử thần.[4]

Marx sáng tác một bi kịch Hy Lạp

Giao kèo với quỷ là chủ đề chính trong Oulanem, một vở kịch thơ mà Marx viết năm 1839. Ông chỉ hoàn thành được màn đầu tiên, nhưng nó hé lộ một số nhân vật lập dị và bạo lực. Tên nhân vật chính, Oulanem, là phép đảo chữ của từ Manuelo, nghĩa là Immanuel hoặc Thiên Chúa (Payne 1971, 57-97). Trong một đoạn độc thoại kiểu Hamlet, Oulanem đã tự hỏi liệu mình có phải phá hủy thế giới hay không.

Sự ám ảnh của Marx đối với hành vi tự hủy hoại là phổ biến trong suốt cuộc đời ông. Ông thậm chí còn viết và xuất bản nguyên một cuốn sách về vấn đề tự sát khi đang sống lưu vong ở Bỉ năm 1835. Ông cũng dịch tác phẩm của Jacques Peuchet miêu tả chi tiết câu chuyện của bốn vụ tự sát, trong đó ba vụ là của ba phụ nữ trẻ. Trọng tâm của cuốn sách là nhằm vào hệ thống công nghiệp vốn khuyến khích hành vi tự tử (Plaut and Anderson 1999).

Marx kết hôn và chuyển tới Paris

Marx rốt cuộc đã rời khỏi Berlin với lý do ban giám hiệu trường đại học được tiếp quản bởi những người theo phái chống Hegel. Lo sợ rằng luận án tiến sĩ về triết học Hy Lạp của mình có thể bị từ chối, ông đã nộp nó lên trường Đại học Jena, nơi đã chấp nhận nó mà không cần yêu cầu Marx dự học. Năm 1842, ông đã làm việc trong một thời gian ngắn với vai trò biên tập viên của một tờ báo Đức, đồng thời mạnh mẽ bảo vệ tự do ngôn luận. Ông đã thôi việc khi những nhà kiểm duyệt khiến ông không thể tiếp tục.

Năm 1843, Marx kết hôn với người yêu thời niên thiếu và cũng là hàng xóm của mình, Jenny von Westphalen, bất chấp sự phản đối của cả hai gia đình. Jenny, hơn Marx bốn tuổi, là con gái của Nam tước Johann Ludwig von Westphalen, một quý tộc giàu có đại diện cho chính quyền Phổ trong hội đồng thành phố. Sau khi nhà quý tộc qua đời, gia đình Marx sống nhờ vào sự hào phóng của phu nhân nam tước. Jenny đã hết lòng tận tình đối với Marx và lý tưởng cách mạng của ông. Trong phần còn lại của cuộc đời, họ không bao giờ bị chia lìa dù lúc đói nghèo, bệnh tật hay thất bại. Tình yêu của họ sâu đậm và vững vàng, dù không phải không có rắc rối và phiền muộn. Họ gửi cho nhau vô số bức thư tình. Họ có cùng nhau 6 người con, dù chỉ có 2 cô con gái là sống sót.

Chưa đầy một năm sau, Karl và vợ mới cưới chuyển tới Paris, nơi ông đã làm biên tập viên cho một tờ nguyệt san tiếng Đức. Karl và Jenny Marx yêu Paris và văn hóa Pháp. Tại đây Marx ít quan tâm tới việc giao lưu với Bastiat và trường phái tự do kinh tế Pháp – sau này ông đã gọi Bastiat là người biện hộ “thiển cận” nhất của “nền kinh tế tầm thường” (Padover 1978, 369). Tuy nhiên ông lại là một trong những thành viên theo phong trào chủ nghĩa xã hội cấp tiến của Pháp cùng với Pierre Proudhon và Louis Blanc. Ông đắm mình vào đại dương sách và thường ba, bốn ngày liền không ngủ (Padover 1978, 189). Trực tiếp chứng kiến cảnh đấu tranh giai cấp, ông đã viết về sự chia tách (giai cấp) và những khổ đau mà người lao động phải chịu đựng dưới chủ nghĩa tư bản theo một cách đầy sức thuyết phục trong Các bản thảo kinh tế và triết học năm 1844, một cuốn tài liệu sưu tập các bài báo không được công bố cho đến năm 1932.

Marx gặp Friedrich Engels

Nhà phê bình vĩ đại nhất thế giới

Marx viết một bài bút chiến đầy sức mạnh

Những năm nghèo đói tại London

Tính cách kì quặc của Marx

Vì sao Marx lại để râu dài như vậy?

Sự che đậy: Marx sinh một đứa con trai ngoài giá thú

Marx: Giàu hay nghèo?

Marx viết Das Buch và thay đổi tiến trình lịch sử

Marx qua đời trong sự lãng quên

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Karl Marx chong lai chu nghia tu ban-Phan 1.pdf

(Còn tiếp phần hai)

[1] Tôi nghĩ nhà xã hội học người Đức Max Weber xứng đáng nhận được sự tôn vình này. Xem thêm Skousen (2001), chương 10.

[2] Frank H. Knight và các nhà kinh tế học thiên hướng thị trường khác thích dùng thuật ngữ “tự do kinh doanh” hơn là “chủ nghĩa tư bản” khi mô tả nền kinh tế thị trường. XemKnight (1982 [1947], 448).

[3] Nguyên văn:

Who comes rushing in, impetuous and wild—

Dark fellow from Trier, in fury raging?

Nor walks nor skips, but leaps upon his prey

In tearing rage, as one who leaps to grasp

Broad spaces in the sky and drags them down to earth,

Stretching his arms wide open to the heavens.

His evil fist is clenched, he roars interminably

As though ten thousand devils had him by the hair.

[4] Nguyên văn:

Look now, my blood-dark sword shall stab

Unerringly within thy soul.

God neither knows nor honors art.

The hellish vapors rise and fill the brain.

Til I go mad and my heart is utterly changed.

See this sword—the Prince of Darkness sold it to me.

For me he beats the time and gives the signs.

Ever more boldly I play the dance of death.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]