Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Tháng 1/2013, nhân chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng tới Italia, hai nước đã ký tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt – Ý. Đây là mối quan hệ đối tác chiến lược mới nhất mà Việt Nam đã thiết lập với một nước khác.
Trước đó, Việt Nam đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với LB Nga (2001), Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc, Tây Ban Nha (2009), Vương quốc Anh (2010), và Đức (2011). Trong số này, một số mối quan hệ như với Trung Quốc và LB Nga đã được nâng lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện”. Ngoài ra, từ năm 2009, Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ “đối tác toàn diện” với Australia.
Chưa dừng lại ở đó, trong chuyến thăm gần đây tới Pháp của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, hai nước cũng thống nhất sẽ sớm nâng quan hệ song phương lên tầm “đối tác chiến lược”. Một số tin tức khác cho biết Việt Nam cũng có ý định tương tự với Mỹ và một vài quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Rõ ràng việc làm sâu sắc quan hệ với các quốc gia quan trọng trên thế giới là phù hợp với đường lối “đa dạng hóa, đa phương hóa”, “muốn là bạn và đối tác tin cậy” với các nước trên thế giới mà Việt Nam đã theo đuổi những thập kỷ qua. Tuy nhiên việc thiết lập gần như đại trà các mối quan hệ “đối tác chiến lược” với một loạt các quốc gia như vậy có phải hoàn toàn hợp lý?
Thế nào là “đối tác chiến lược”?
Một quốc gia như thế nào thì được coi là có tầm quan trọng “chiến lược” đối với Việt Nam? Đâu là những tiêu chí để xác định Việt Nam cần thiết lập quan hệ đối tác “toàn diện”, “chiến lược”, hay “chiến lược toàn diện” với một nước? Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với quốc gia đó tạo ra sự khác biệt như thế nào đối với quan hệ đối ngoại của Việt Nam nói chung và với nước đó nói riêng?
Mặc dù đã có tới 10 mối quan hệ đối tác chiến lược được thành lập trong vòng hơn 10 năm qua nhưng cho tới lúc này dường như các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Việt Nam vẫn chưa đưa ra được một định nghĩa rõ ràng cho khái niệm này, đặc biệt là nội hàm của nó. Chính vì vậy, một số học giả có ý kiến cho rằng quan hệ “đối tác chiến lược” và hai biến thể của nó là “đối tác toàn diện” và đối tác “chiến lược toàn diện” nhìn chung là những khái niệm được Việt Nam dùng để đánh dấu những mối quan hệ mà Việt Nam cho là quan trọng. Tuy nhiên vấn đề mấu chốt là quan trọng tới mức nào, và quan trọng đối với cái gì của Việt Nam?
Có thể thấy các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Việt Nam dường như đang có xu hướng lạm dụng khái niệm “chiến lược”, áp dụng nó cho những mối quan hệ thực tế chưa đạt tới mức đó.
Một mối quan hệ nên được coi là “chiến lược” đối với Việt Nam chỉ khi nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh, thịnh vượng, và vị thế quốc tế của Việt Nam. Trong ba khía cạnh này, hai khía cạnh an ninh và thịnh vượng phải là hai khía cạnh cốt yếu, còn khía cạnh cuối cùng chỉ mang ý nghĩa thứ yếu.
Theo đó, về mặt an ninh, quan hệ đối tác chiến lược đó sẽ giúp Việt Nam củng cố nền tảng ngoại giao và quốc phòng, hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong việc giữ gìn an ninh, bảo toàn chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Ngược lại, nếu mối quan hệ đó bị xấu đi, hoặc bị gián đoạn, có thể gây phương hại nghiêm trọng cho an ninh, ngoại giao lẫn quốc phòng của đất nước, gây khó khăn cho việc bảo toàn chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Về mặt thịnh vượng, mối quan hệ kinh tế với đối tác đó phải góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Điều đó thể hiện trên các khía cạnh như quan hệ thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, viện trợ… Theo đó có thể lượng hóa khía cạnh này, thiết lập các tiêu chuẩn cho chúng. Ví dụ, thương mại song phương phải đạt kim ngạch tối thiểu 10 tỉ USD, đầu tư song phương từ 5 tỉ USD trở lên,vv… Nếu các tiêu chí này chưa đạt được thì phải xét đến quy mô và mức độ phát triển của quốc gia đó. Nền kinh tế của họ càng lớn và càng phát triển thì khả năng sớm đạt được các tiêu chí đó càng cao.
Về mặt nâng cao vị thế của Việt Nam, quốc gia đối tác nên phải là những nước lớn, hoặc cường quốc hạng trung tiêu biểu. Đây là những quốc gia có vị thế và ảnh hưởng quan trọng hoặc đáng kể đối với đời sống chính trị thế giới và khu vực. Thông qua mối quan hệ thân thiết với họ, Việt Nam có thể tận dụng được sự ủng hộ cần thiết trong các vấn đề quốc tế và khu vực, nâng cao vị thế đối ngoại của mình.
Cả ba khía cạnh và các tiêu chí liên quan này cần được nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể. Một quốc gia có thể không đáp ứng được một vài tiêu chí ở một khía cạnh nhất định, nhưng vẫn có thể được xác định là đối tác chiến lược nếu nhìn tổng thể quốc gia đó có tầm quan trọng cao và lâu dài đối với Việt Nam.
Nếu nhìn vào danh sách các đối tác chiến lược mà Việt Nam đã thiết lập, có thể thấy có một số quốc gia mà tầm ảnh hưởng của họ đối với an ninh, thịnh vượng và vị thế quốc tế của Việt Nam chưa đạt đến mức quan trọng, chưa nói đến mức “quan trọng chiến lược”.
Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến Tây Ban Nha. Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nước này hết sức thiếu thuyết phục. Tây Ban Nha hầu như không có ảnh hưởng gì tới an ninh, quốc phòng của Việt Nam, vị thế quốc tế của Tây Ban Nha cũng hạn chế hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia khác và ít có khả năng giúp đỡ Việt Nam nâng cao vị thế của mình. Đặc biệt đóng góp của mối quan hệ với Tây Ban Nha vào sự thịnh vượng của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Đến năm 2011, tức là 4 năm sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược song phương, tổng kim ngạch thương mại hai chiều mới đạt mức gần 1,8 tỉ USD. Đầu tư của Tây Ban Nha vào Việt Nam hầu như không đáng kể. Nước này thậm chí còn không lọt vào top 40 nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lớn nhất từ trước tới nay.
Hệ quả của “lạm phát” đối tác chiến lược
Sẽ có người lập luận rằng, thiết lập càng nhiều “đối tác chiến lược” càng tốt, bởi nó giúp Việt Nam làm sâu sắc quan hệ với nhiều nước cùng lúc. Điều đó chỉ có lợi chứ không có hại.
Tuy nhiên nếu mục đích chỉ đơn giản như vậy thì có cần thiết phải đặt tên cho các mối quan hệ đó là “đối tác chiến lược”?
Bản chất của việc thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược là nhằm phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên các mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Thông qua đó, Việt Nam biết được đâu là những đối tác quan trọng nhất cần liên tục đầu tư củng cố quan hệ.
Việc xác định đối tác chiến lược cũng đánh tín hiệu cho phía đối tác biết rằng Việt Nam đặc biệt coi trọng mối quan hệ với họ, qua đó tạo ra khuôn khổ chính sách, pháp luật và dần dần là cơ chế để khuyến khích họ đầu tư trở lại vào mối quan hệ với Việt Nam, giúp Việt Nam đạt được ba mục tiêu chiến lược như đã nêu ở trên.
Việc xác lập các mối quan hệ đối tác chiến lược tràn lan có thể gây ra một số hệ quả tiêu cực chính như sau:
Thứ nhất, khi có quá nhiều các mối quan hệ đối tác chiến lược thì bản thân các mối quan hệ đó không còn thực sự là “chiến lược” nữa. Việc đưa ra khái niệm “đối tác chiến lược” như là một từ khóa quan trọng trong tư duy đối ngoại Việt Nam hiện nay cũng vì vậy mà không còn ý nghĩa.
Thứ hai, khi đánh đồng các mối quan hệ thực sự là “chiến lược” với các mối quan hệ dưới chuẩn sẽ khiến các quốc gia thực sự quan trọng đối với Việt Nam không còn mặn mà với ý tưởng trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam, hoặc nếu đã trở thành thì sẽ giảm hứng thú trong việc duy trì sự phát triển thường xuyên mối quan hệ đó bởi họ nhận ra rằng Việt Nam không thực sự coi trọng họ như họ từng nghĩ.
Thứ ba, khi có quá nhiều mối quan hệ đối tác chiến lược, Việt Nam sẽ bị phân tán nguồn lực và khó có thể tập trung đầu tư thúc đẩy những mối quan hệ thực sự quan trọng nhất đối với mình.
Thứ tư, việc không có một định hướng, chính sách rõ ràng cho việc thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược cho thấy điểm yếu trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam, gây ảnh hưởng tới định hướng đối ngoại lâu dài của đất nước.
Việt Nam cần bao nhiêu đối tác chiến lược là đủ?
Dựa trên những phân tích như trên, người viết cho rằng trong bối cảnh hiện tại Việt Nam chỉ cần thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tối đa 10 quốc gia, bao gồm: Trung Quốc, Mỹ, LB Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức và Australia.
Đối với các nước ASEAN Việt Nam không nên thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược vì sẽ tạo ra sự phân biệt, không có lợi cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang cần đến sự đoàn kết nội bộ của ASEAN để xử lý vấn đề Biển Đông.
Chính vì vậy đã đến lúc Việt Nam cần phải có một tư duy rõ ràng hơn về khái niệm “đối tác chiến lược”. Các nhà hoạch đính chính sách đối ngoại Việt Nam cần sớm làm rõ nội hàm của khái niệm, xây dựng thang tiêu chí để xác định đâu là những đối tác chiến lược của Việt Nam hiện nay và trong tương lai.
Danh sách đối tác chiến lược của Việt Nam cũng không nhất thiết phải cố định mà có thể điều chỉnh thêm bớt linh hoạt, tùy theo diễn biến phát triển của mối quan hệ. Điều quan trọng là danh sách này không nên vượt quá 10 đối tác.
Chỉ có như vậy thì việc thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam mới thực sự có ý nghĩa.
Lê Hồng Hiệp là Giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế, trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM, và hiện là NCS tiến sĩ tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia.
Nguồn: Vietnamnet (16/4/2013)