#163 – Quái vật đảo Jekyll (Ch. 5): Lý do ra đời IMF và WB

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: G. Edward Griffin, “Nearer to Heart’s Desire”, in G.E. Griffin, The Creature from Jekyll Island: A Second Look at the Federal Reserve (5th Edition) (California: American Media, 2010), Chapter 5.

Biên dịch và Hiệu đính: Ngô Thị Thu Hương

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn The Creature from Jekyll Island

Nội dung chính: Cuộc họp năm 1944 tại Bretton Woods, New Hampshire, nơi những nhà xã hội có ảnh hưởng nhất thế giới thành lập Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới như là những cơ chế nhằm loại bỏ vàng khỏi nền tài chính thế giới; chương trình nghị sự được che giấu của IMF/Ngân hàng Thế giới là việc xây dựng chủ nghĩa xã hội thế giới; vai trò của Cục Dự trữ Liên bang trong vấn đề này.

Như chúng ta đã thấy, trò chơi có tên Giải cứu đã được diễn đi diễn lại khi giải cứu các tập đoàn lớn, các ngân hàng trong nước, và các quỹ tín dụng. Cái cớ được đưa ra là những biện pháp này là cần thiết để bảo vệ người dân. Tuy nhiên, kết quả lại hoàn toàn trái ngược.

Người dân đã bị lợi dụng khi hàng tỷ đô la bị chiếm đoạt thông qua thuế và lạm phát. Số tiền đó được dùng để bù đắp cho những khoản thua lỗ mà lẽ ra các ngân hàng và tập đoàn làm ăn yếu kém phải trả như là hình phạt cho khả năng quản lý kém cỏi và sự gian lận của mình.

Trong khi điều này diễn ra tại sân nhà của chúng ta thì trò chơi tương tự cũng đang diễn ra trên trường quốc tế. Có hai điểm khác biệt chính. Thứ nhất là lượng tiền rủi ro trong trò chơi quốc tế lớn hơn nhiều. Thông qua một đám bùng nhùng gồm các khoản trợ cấp và cho vay, Cục Dự trữ Liên bang trở thành “người cho vay cuối cùng” của gần như toàn thế giới. Điểm khác biệt thứ hai là thay vì tuyên bố mình là Người bảo vệ Công chúng, những người tham gia cuộc chơi dán dòng chữ Người Cứu rỗi Thế giới sau lưng bộ đồng phục của mình

Bretton Woods: cuộc tấn công vào vàng

Trò chơi bắt đầu tại một cuộc họp của các nhà tài phiệt, chính trị gia và lý thuyết gia diễn ra vào tháng 7 năm 1944 tại Khách sạn Mount Washington, Bretton Woods, New Hampshire. Tên chính thức của nó là Hội nghị Tài chính và Tiền tệ của Liên Hợp Quốc, nhưng ngày nay người ta thường gọi nó một cách đơn giản là Hội nghị Bretton Woods. Hai tổ chức quốc tế được thành lập tại cuộc họp này là Quỹ Tiền tệ Quốc tế và người anh em của nó là Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế – thường được gọi là Ngân hàng Thế giới.

Mục đích được công bố của các tổ chức này thật đáng ngưỡng mộ. Ngân hàng thế giới sẽ cho những nước bị chiến tranh tàn phá và kém phát triển vay tiền để giúp các nước này xây dựng nền kinh tế mạnh hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ thúc đẩy hợp tác tiền tệ giữa các quốc gia thông qua việc duy trì tỷ giá hối đoái cố định giữa các đồng tiền. Nhưng cách mà các mục tiêu này được thực hiện thì không đáng ngưỡng mộ lắm. Đó là chấm dứt việc sử dụng vàng làm cơ sở trao đổi tiền tệ quốc tế và thay thế nó bằng bản vị tiền giấy bị thao túng bằng chính trị. Nói cách khác, nó cho phép các chính phủ thoát khỏi sự kiểm soát của vàng để có thể thoải mái tạo ra tiền mà không phải trả cái giá là đồng tiền nước mình bị giảm giá trị trên thị trường thế giới.

Trước khi hội nghị này diễn ra, các đồng tiền được trao đổi dựa trên giá trị quy ra vàng của chúng, và thỏa thuận này được gọi là “bản vị trao đổi bằng vàng” (gold-exchange standard). Điều này khác với “bản vị vàng” (gold-standard), theo đó một đồng tiền được bảo đảm bởi vàng. Chỉ có tỷ giá hối đoái của các đồng tiền khác nhau – phần lớn các đồng tiền này không được bảo đảm bởi vàng – là được xác định bởi lượng vàng mà nó có thể mua được trên thị trường mở. Do đó, giá trị của các đồng tiền này được xác định bởi cung và cầu. Các chính trị gia và chủ ngân hàng ghét thỏa thuận này bởi vì nó nằm ngoài khả năng thao túng của họ. Trong quá khứ, nó từng là một cơ chế rất hiệu quả nhưng cũng rất chặt chẽ. Theo John Kenneth Galbraith:

Các thỏa thuận Bretton Woods tìm cách lấy lại những lợi thế của bản vị vàng – các đồng tiền có thể được quy ra vàng với tỷ giá ổn định và dự đoán được, và do đó được trao đổi với nhau với tỷ giá ổn định và dự đoán được. Và nó tìm cách thực hiện điều này trong khi tối thiểu hóa những thiệt hại mà bản vị vàng gây ra cho những nước mua quá nhiều, bán quá ít và do đó mất vàng.[1]

Phương thức để đạt mục tiêu này giống hệt như phương thức được sinh ra trong cuộc họp ở đảo Jekyll cho phép các ngân hàng Mỹ tạo ra tiền từ con số không mà không lo phải trả giá khi đồng tiền bị các ngân hàng khác hạ giá. Đó là sự ra đời của một ngân hàng trung ương thế giới, nơi sẽ tạo ra một loại tín tệ (fiat money – tức tiền giấy không được đảm bảo bởi kim loại quý – NBT) chung cho tất cả các nước và sau đó yêu cầu các nước này phải gây lạm phát cùng lúc với tỷ lệ như nhau. Sẽ có một quỹ bảo hiểm quốc tế bơm loại tín tệ này vào bất kỳ nước nào đang tạm thời cần nó để đối phó với tình trạng đột biến rút tiền gửi đối với đồng tiền của mình. Hệ thống này chưa có đầy đủ những chức năng như vậy ngay từ khi mới sinh ra, cũng như Cục Dự trữ Liên bang chưa hoàn chỉnh ngay khi mới được thành lập. Tuy nhiên, kế hoạch là như vậy, và nó được khởi động với tất cả các cơ chế đã sẵn sàng.

Các lý thuyết gia xây dựng nên bản kế hoạch này bao gồm một nhà xã hội chủ nghĩa thuộc Hội Fabian (Fabian Society) từ Anh, John Maynard Keynes,[2] và Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Harry Dexter White.

Hội Fabian

Các thành viên Hội Fabian ban đầu là một nhóm trí thức cao cấp, họ lập ra một hội nửa kín với mục đích đưa chủ nghĩa xã hội ra thế giới. Trong khi những người Cộng sản muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách nhanh chóng thông qua bạo lực và cách mạng thì các thành viên Hội Fabian muốn làm điều đó một cách tiệm tiến thông qua tuyên truyền và luật pháp. Từ chủ nghĩa xã hội không được nhấn mạnh. Thay vào đó, họ nói về lợi ích dành cho người dân như phúc lợi, chăm sóc y tế, lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Bằng cách này, họ dự định đạt được mục tiêu mà không phải đổ máu và thậm chí không gặp phải kháng cự nghiêm trọng nào. Họ miệt thị những người theo Chủ nghĩa Cộng sản, không phải bởi vì không thích các mục tiêu mà vì không đồng tình với phương pháp của những người này. Để nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp tiệm tiến, họ lấy con rùa làm biểu tượng cho phong trào của mình. Ba nhà lãnh đạo nổi bật nhật trong những ngày đầu của phong trào là Sidney Webb, Beatrice Webb và George Bernard Shaw. Trên tấm cửa sổ bằng kính màu ở tư gia của Beatrice Webb tại Surrey, Anh có những thứ mang rất nhiều hàm ý. Phía trên tấm kính viết những dòng thơ cuối cùng của Omar Khayyam:

Hỡi người yêu, hãy cùng ta thông đồng với số phận

Nắm lấy cái hệ thống đáng hổ thẹn này

Đập nó tan thành từng mảnh, và rồi

Biến nó gần hơn với ước vọng của trái tim

Phía dưới dòng chữ Biến nó gần hơn với ước vọng của trái tim là bức bích họa vẽ hình Shaw và Webb dùng búa nện vào trái đất. Dưới cùng là đám đông quỳ xuống cầu nguyện trước một chồng sách về lý thuyết xã hội chủ nghĩa. Người đang nhạo báng đám đông ngoan ngoãn là H.G. Wells. Sau khi rời Hội Fabian, Wells chỉ trích các thành viên của Hội là “những người theo chủ nghĩa Machiavelli mới.” Tuy nhiên, hình ảnh thể hiện rõ nhất bản chất của Hội Fabian chính là biểu trưng của Hội được vẽ giữa Shaw và Webb. Đó là hình một con sói đội lốt cừu![3]

Điệp viên cộng sản

Harry Dexter White là chuyên gia kỹ thuật chính và là người thúc đẩy chủ yếu đằng sau Hội nghị Bretton Woods. Sau này ông sẽ trở thành Giám đốc điều hành người Mỹ đầu tiên tại IMF. Một thông tin thú vị liên quan, đó là White là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) và đồng thời là thành viên của một nhóm gián điệp Cộng sản ở Washington trong khi đương chức Trợ lý Bộ trưởng Tài chính. Còn thú vị hơn nữa khi biết rằng Nhà Trắng đã biết thông tin này khi Tổng thống Truman bổ nhiệm White vào chức vụ trên. FBI đã chuyển cho Nhà Trắng các bằng chứng chi tiết về hoạt động của White trong ít nhất là hai phi vụ.[4]

Thư ký kỹ thuật tại Hội nghị Bretton Woods là Virginius Frank Coe, một thành viên của chính nhóm gián điệp mà White tham gia. Sau này Coe trở thành Thư ký đầu tiên của IMF.

Như vậy, một vở kịch phức tạp đang bí mật diễn ra, và công chúng hoàn toàn bị che mắt, trong đó những bộ óc trí thức dẫn dắt hội nghị Bretton Woods là các thành viên Hội Fabian và những người theo Chủ nghĩa Cộng sản. Mặc dù bất đồng về phương pháp nhưng những người tham dự hoàn toàn đồng thuận về mục tiêu: chủ nghĩa xã hội quốc tế.

Không có gì nghi ngờ về việc những người Cộng sản có lý do khác để nhiệt tình với IMF và Ngân hàng Thế giới, mặc dù Liên Xô lúc đó không được trở thành thành viên. Mục tiêu của các tổ chức này là tạo ra một loại tiền tệ quốc tế, một ngân hàng trung ương thế giới, và một cơ chế kiểm soát nền kinh tế của tất cả các quốc gia. Để làm được điều này, Mỹ nhất thiết phải từ bỏ địa vị thống trị. Trên thực tế, Mỹ sẽ chỉ còn là một bộ phận trong tổng thể. Điều này phù hợp hoàn hảo với kế hoạch của Liên Xô. Hơn nữa, Ngân hàng Thế giới được xem là một công cụ để chuyển tư bản từ Mỹ và các nước công nghiệp khác sang các nước kém phát triển, chính là những nước mà những người Mác-xít luôn có ảnh hưởng lớn nhất.

Họ mong chờ ngày mà chúng ta sẽ thanh toán các hóa đơn cho họ. Ngày đó đã đến.

Cơ cấu và nguồn vốn của IMF

Quỹ Tiền tệ Quốc tế bề ngoài tưởng chừng là một cơ quan của Liên Hợp Quốc, giống như Cục Dự trữ Liên bang có vẻ như là một cơ quan của chính phủ Mỹ, nhưng thực ra nó hoàn toàn độc lập. Nguồn vốn của IMF do gần 200 quốc gia thành viên đóng góp theo quota. Nguồn đóng góp lớn nhất đến từ các nước công nghiệp phát triển như Anh, Nhật Bản, Pháp và Đức. Mỹ góp phần lớn nhất, khoảng 20%. Trên thực tế, con số 20% đó có giá trị gấp đôi, bởi vì phần lớn các nước đóng góp bằng đồng nội tệ vô giá trị và không ai muốn. Thế giới thích đồng đô la hơn.

Một trong những hoạt động thường xuyên của IMF là đổi các đồng nội tệ vô giá trị sang đồng đô la để các nước nghèo có thể thanh toán các hóa đơn quốc tế của họ. Điều này nhằm giải quyết vấn đề “dòng tiền” tạm thời. Nó là một hình thức giống như Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), có chức năng đổ tiền vào một nước đã bị phá sản để nước đó có thể tránh phá giá đồng tiền. Các khoản vay này hiếm khi được trả lại.

Mặc dù thoát khỏi bản vị trao đổi bằng vàng là mục tiêu dài hạn của IMF, cách duy nhất để thuyết phục các quốc gia tham gia từ lúc ban đầu là dùng chính vàng để bảo đảm cho nguồn cung tiền của IMF – ít nhất như là một biện pháp tạm thời. Keynes giải thích:

Tôi cho rằng các ngân hàng trung ương hàng đầu sẽ không bao giờ từ bỏ những hình thức bản vị vàng đang tồn tại; và tôi không muốn có một thảm họa đủ ghê gớm để khiến họ thay đổi một cách không tự nguyện. Hy vọng duy nhất khả thi nằm ở sự phát triển tiệm tiến dưới hình thức một đồng tiền quốc tế được quản lý, lấy bản vị vàng hiện có làm điểm xuất phát.[5]

Vào thời điểm đó việc sở hữu vàng là trái pháp luật đối với người Mỹ, nhưng bất kỳ ai khác trên thế giới cũng đều có thể đổi đồng đô la sang vàng với giá 35 đô la một ounce. Điều này làm cho đồng đô la trở thành đồng tiền quốc tế trên thực tế, bởi vì, không giống như bất kỳ đồng tiền nào khác vào thời điểm đó, giá trị của nó được bảo đảm. Như vậy, ngay từ ban đầu, IMF đã chấp nhận đồng đô la là đơn vị tiền tệ quốc tế.

Vàng giấy

Nhưng chú rùa Fabian vẫn đang kiên trì bò về đích. Năm 1970, IMF tạo ra một đơn vị tiền tệ mới gọi là SDR, hay Quyền Rút vốn Đặc biệt. Báo chí rất lạc quan khi mô tả nó như là “vàng giấy”, nhưng thực ra nó chỉ là một trò ma thuật kế toán không có liên hệ gì với vàng hay bất kỳ thứ gì có giá trị thực. SDR dựa trên “tín dụng” (credit) do các quốc gia thành viên cung cấp. Những credit này không phải là tiền. Chúng chỉ là lời hứa rằng các chính phủ sẽ đánh thuế người dân nước mình để có tiền khi cần. IMF coi đây là “tài sản” sau này sẽ trở thành nguồn tiền “dự trữ” để cho các chính phủ khác vay. Như sẽ thấy trong Chương 10, cơ chế này gần như hoàn toàn giống với mánh khóe kế toán được Cục Dự trữ Liên bang sử dụng để tạo ra tiền từ con số không.

Dennis Turner giải thích rõ hơn:

SDR được biến thành khoản vay cho các nước Thế giới thứ ba bằng cách lập ra những tài khoản séc ở các ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại tại các quốc gia thành viên dưới danh nghĩa các chính phủ đi vay. Những tài khoản ngân hàng này được lập ra từ hư không. Khi IMF phát hành những đồng đô la, franc, bảng Anh và các loại tiền tệ mạnh khác và cung cấp cho một nhà độc tài của Thế giới thứ ba, điều này sẽ gây ra lạm phát ở nước khởi nguồn của đồng tiền đó. Lạm phát xảy ra ở những nước công nghiệp phát triển trong khi sự thịnh vượng lại bị chuyển từ công chúng các nước này sang những nước vay nợ. Và các nước đi vay sẽ không trả nợ.[6]

Khi lập ra IMF, tầm nhìn của John Maynard Keynes – nhà xã hội chủ nghĩa theo trường phái Fabian – là sẽ có một ngân hàng trung ương thế giới phát hành một loại tiền tệ dự trữ gọi là “bancor” để giúp tất cả các chính phủ không còn bị ràng buộc bởi vàng. Với sự ra đời của SDR, IMF cuối cùng cũng đã bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ đó.

Cuối cùng người ta cũng đã từ bỏ vàng

Nhưng vẫn còn một cản trở. Một khi đồng đô la vẫn là đồng tiền chủ yếu mà IMF sử dụng, và một khi nó vẫn được quy đổi ra vàng với tỷ giá 35 đô la một ounce thì lượng tiền quốc tế được sinh ra sẽ bị hạn chế. Để IMF có thể vận hành như một ngân hàng trung ương thế giới thực sự có khả năng phát hành tiền không hạn chế thì đồng đô la phải bị tách khỏi vàng như là bước đầu tiên của quá trình thay thế nó hoàn toàn bằng bancor, SDR hay một loại tiền khác cũng không bị giới hạn.

Ngày 15 tháng 8 năm 1971, Tổng thống Nixon ký lệnh hành pháp tuyên bố Mỹ sẽ không tiếp tục quy đổi đồng đô la ra vàng nữa. Như vậy giai đoạn biến hình đầu tiên của IMF đã kết thúc. Nó vẫn chưa trở thành một ngân hàng thế giới thực sự vì vẫn chưa có khả năng tạo ra loại tiền tệ quốc tế của mình.

Nó phải dựa vào ngân hàng trung ương của các quốc gia thành viên để cung cấp tiền mặt và cái gọi là tín dụng; nhưng bởi vì các ngân hàng này có thể phát hành bao nhiêu tiền tùy ý nên từ đây về sau sẽ không còn giới hạn nào nữa.

Mục đích ban đầu là duy trì tỷ giá hối đoái cố định giữa các đồng tiền, nhưng từ khi IMF ra đời đã xảy ra hơn hai trăm lần phá giá tiền tệ. Trong khu vực tư nhân, một thất bại lớn như vậy có thể dẫn tới phá sản, nhưng điều này không xảy ra trong thế giới chính trị. Thất bại càng lớn thì áp lực mở rộng chương trình càng lớn. Như vậy, khi đồng đô la được tách khỏi vàng và không còn tiêu chuẩn nào để đo lường giá trị của tiền tệ, IMF chỉ cần thay đổi mục tiêu và tiếp tục mở rộng hoạt động. Mục tiêu mới là “giải quyết thâm hụt thương mại”.

Thâm hụt thương mại

Thâm hụt thương mại là chủ đề ưa thích của các chính trị gia, nhà kinh tế và người dẫn dắt talk show.

Mọi người đều nhất trí rằng thâm hụt thương mại là xấu nhưng bất đồng về nguyên nhân gây ra thâm hụt. Chúng ta hãy thử giải thích điều này.

Thâm hụt thương mại là tình trạng xảy ra khi giá trị hàng hóa nhập khẩu của một nước lớn hơn xuất khẩu. Nói cách khác, nước đó tiêu nhiều hơn số tiền nó thu được từ thương mại quốc tế. Tình trạng này giống như khi một người tiêu nhiều hơn số tiền anh ta kiếm được. Trong cả hai trường hợp, quá trình này không thể kéo dài trừ khi: (1) tăng thu nhập; (2) rút tiền tiết kiệm; (3) bán tài sản; (4) in tiền; hoặc (5) đi vay tiền. Trừ khi một trong những điều trên xảy ra, người đó hoặc quốc gia đó không còn lựa chọn nào khác là phải giảm tiêu dùng.

Tăng thu nhập là lựa chọn tối ưu. Trên thực tế, đó là lựa chọn duy nhất trong dài hạn. Mọi biện pháp khác đều là tạm thời. Một người có thể tăng thu nhập bằng cách làm việc chăm chỉ hơn hoặc thông minh hơn hoặc nhiều giờ hơn. Tương tự như vậy với một quốc gia. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra trừ phi khu vực tư nhân được phát triển trong một hệ thống doanh nghiệp tự do. Vấn đề với lựa chọn này là ít chính trị gia tôn trọng sức mạnh của hệ thống doanh nghiệp tự do. Thế giới của họ được xây dựng dựa trên những chương trình trong đó các quy luật của thị trường tự do bị thao túng nhằm giúp họ đạt được các mục tiêu chính trị mang tính dân túy. Có thể họ muốn tăng thu nhập quốc gia bằng cách tăng năng suất lao động nhưng chương trình nghị sự chính trị của họ ngăn không cho điều đó xảy ra.[7] Lựa chọn thứ hai là tiết kiệm nhiều hơn. Nhưng hầu như không một chính phủ nào trên thế giới ngày nay lại có bất kỳ khoản tiết kiệm nào. Nợ của các chính phủ luôn lớn hơn tài sản rất nhiều.

Phần lớn các ngành công nghiệp và người dân cũng ở trong tình trạng tương tự. Tiền tiết kiệm của họ đã bị chính phủ tiêu hết.

Lựa chọn thứ ba – bán tài sản – cũng không khả thi đối với phần lớn các quốc gia. Tài sản ở đây nghĩa là những thứ hữu hình ngoài hàng hóa được mua bán thông thường. Mặc dù theo nghĩa rộng thì hàng hóa cũng là tài sản nhưng trong kế toán, chúng được coi là hàng tồn kho (inventory). Tài sản duy nhất của chính phủ có tính thanh khoản là vàng, và ngày nay ít quốc gia có được dự trữ vàng. Ngay cả trong trường hợp đó thì lượng vàng ít ỏi mà nó có đã bị ghi nợ cho một chính phủ khác hoặc ngân hàng khác. Về tài sản cá nhân, các quốc gia, trong ngắn hạn, có thể bán chúng cho người mua từ nước khác để bù lại thâm hụt thương mại. Điều này đã diễn ra ở Mỹ trong nhiều năm, trong đó các cao ốc văn phòng, cổ phiếu, nhà máy và cả doanh nghiệp được bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng thực tế là quốc gia vẫn tiêu nhiều hơn số tiền nó kiếm được, và quá trình này không thể kéo dài mãi. Việc nước ngoài sở hữu và kiểm soát ngành công nghiệp và thương mại cũng làm nảy sinh những vấn đề chính trị và xã hội. Các quốc gia kém phát triển không phải lo lắng về điều này bởi vì họ không có nhiều tài sản để bán.

Lựa chọn in tiền

In tiền chỉ là một lựa chọn khả thi khi một quốc gia có được vị thế đặc biệt là đồng tiền của nó được chấp nhận như là phương tiện thanh toán quốc tế, giống như trường hợp của Mỹ. Khi đó, nó có thể tạo ra tiền từ con số không, và các quốc gia khác không còn lựa chọn nào khác là chấp nhận. Do đó, trong nhiều năm, nước Mỹ có thể tiêu nhiều hơn số tiền nó kiếm được bằng cách yêu cầu Cục Dự trữ Liên bang phát hành bao nhiêu tiền tùy nhu cầu.

Khi đồng đô la được tách khỏi vàng năm 1971, nó không còn là đồng tiền quốc tế chính thức của IMF và cuối cùng đã phải cạnh tranh với các đồng tiền khác – chủ yếu là đồng mark Đức và đồng yen Nhật – dựa trên giá trị tương đối của nó. Từ thời điểm đó trở đi, giá trị của đồng đô la ngày càng giảm.

Tuy  nhiên, đồng đô la vẫn là phương tiện trao đổi phổ biến. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn là một trong những nơi đầu tư an toàn nhất. Nhưng để trao đổi hay đầu tư ở Mỹ thì trước tiên phải đổi tiền sang đồng đô la. Điều này làm cho giá trị của đồng đô la trên thị trường quốc tế cao hơn giá trị thực tế của nó. Do đó, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang đã phát hành quá nhiều tiền trong giai đoạn này, nhu cầu đối với đồng đô la của người nước ngoài vẫn tưởng chừng không có giới hạn. Kết quả là Mỹ vẫn có thể tiếp tục tài trợ cho thâm hụt thương mại của mình bằng đồng tín tệ – hay có thể coi là tiền giả – một cách tài tình mà không một nước nào khác trên thế giới có hy vọng làm được.

Chúng ta thường nghe rằng thâm hụt thương mại là điều tồi tệ, và sẽ tốt hơn nếu “làm suy yếu đồng đô la” để chấm dứt thâm hụt thương mại. Làm suy yếu đồng đô la là cách nói khác của tăng lạm phát. Sự thật là nước Mỹ không hề bị tổn hại bởi thâm hụt thương mại. Trên thực tế, chúng ta là người hưởng lợi trong khi các đối tác thương mại của chúng ta là nạn nhân. Chúng ta có ô tô và TV trong khi họ nhận được một đống tiền khôi hài. Chúng ta có máy móc, thiết bị. Họ nhận được một đống giấy.

Tuy nhiên quá trình trao đổi này cũng có mặt tối của nó. Một khi đồng đô la vẫn giữ được vị thế là phương tiện thanh toán quốc tế thì nước Mỹ vẫn có thể tiêu nhiều hơn số tiền nó kiếm được. Thế nhưng khi cái ngày đó đến – mà chắc chắn là nó phải đến – khi mà đồng đô la sụp đổ và người nước ngoài không còn muốn nó nữa thì giai đoạn tươi đẹp này của nước Mỹ sẽ chấm dứt.

Khi điều đó xảy ra, hàng trăm tỷ đô la đang ở nước ngoài sẽ ào ào đổ về Mỹ, do mọi người ở khắp nơi trên thế giới sẽ cố gắng đổi chúng thành nhiều bất động sản, nhiều nhà máy và nhiều sản phẩm hữu hình hơn nữa, và họ sẽ làm điều này càng nhanh càng tốt trước khi những đồng đô la đó càng trở nên vô giá trị hơn. Cơn lũ đô la này sẽ làm giá cả tăng lên, và chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng lạm phát mà đáng lẽ phải xảy ra từ nhiều năm trước đó nhưng đã được trì hoãn bởi vì những người ngoại quốc tốt bụng đã lấy đô la từ nền kinh tế của chúng ta để đổi lại hàng hóa của họ.

Gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy. Nhưng, khi hậu quả xảy ra, nó sẽ không phải là do thâm hụt thương mại. Nó sẽ xảy ra vì chúng ta có thể bù đắp cho thâm hụt thương mại bằng tín tệ do Cục Dự trữ Liên bang tạo ra. Nếu không vì thế thì thâm hụt thương mại đã không thể xảy ra.

Trở lại chủ đề chính, đó là năm cách thức bù đắp cho thâm hụt thương mại. Qua quá trình loại trừ, cách thứ tư – đi vay – là lựa chọn của phần lớn các nước trên thế giới ngày nay, và đó là cách mà IMF lựa chọn vào năm 1970. Sứ mệnh mới của IMF là cung cấp các khoản vay để các quốc gia có thể tiếp tục tiêu nhiều hơn số tiền nó kiếm được, nhưng với danh nghĩa “giải quyết thâm hụt thương mại.”

Các khoản vay của IMF: Trái đắng ngọt nào

Các khoản vay này không đến được với các doanh nghiệp tư nhân, nơi chúng có cơ hội sinh lợi. Chúng chảy vào các ngành công nghiệp do nhà nước sở hữu và vận hành, thường xuyên bị tắc nghẽn bởi tệ quan liêu và bị hủy hoại vì tham nhũng. Bị bóng ma thất bại kinh tế bao phủ ngay từ đầu, các chính phủ này tiêu những khoản vay với khả năng trả nợ bằng không. Ngay cả việc trả lãi cũng trở nên quá sức. Điều này có nghĩa là IMF phải quay về với “dự trữ”, quay về với “tài sản”, quay về với “tín dụng”, và cuối cùng là quay về với người đóng thuế để giải cứu cho những nước này.

Trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế phát triển thành một ngân hàng trung ương có thể phát hành một đồng tiền quốc tế từ hư không thì tổ chức anh em của nó, Ngân hàng Thế giới, trở thành cơ quan cho vay của IMF. Đóng vai Người cứu rỗi Thế giới, nó đặt mục tiêu hỗ trợ các nước kém phát triển, giúp đỡ người nghèo và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho toàn thể nhân loại. Để đạt được những mục tiêu đầy tính nhân văn này, nó cho các chính phủ vay tiền với điều kiện ưu đãi, thường là với lãi suất thấp hơn lãi thị trường, thời hạn cho vay đến 50 năm, và thường là không phải trả lãi hay gốc trong 10 năm đầu.

Nguồn tài chính cho các khoản vay này đến từ các quốc gia thành viên dưới hình thức những khoản tiền mặt nhỏ, cộng với lời hứa sẽ đóng góp thêm gấp 10 lần nếu Ngân hàng gặp khó khăn. Những lời hứa này, được gọi là “vốn có thể huy động”, hình thành nên một dạng chương trình bảo hiểm FDIC nhưng không cần phải giả vờ duy trì quỹ dự trữ. (Ở khía cạnh này, nó trung thực hơn FDIC khi mà tổ chức này làm ra vẻ duy trì một quỹ dự trữ nhưng trên thực tế, cái gọi là quỹ dự trữ đó cũng chỉ là một lời hứa). Dựa trên khoản tiền gốc ban đầu cộng với rất nhiều “tín dụng” và “lời hứa” của chính phủ các nước công nghiệp phát triển, Ngân hàng Thế giới có thể gia nhập thị trường cho vay thương mại và vay những khoản tiền lớn hơn với lãi suất cực thấp. Nói cho cùng thì các khoản vay này đều được đảm bảo bởi những chính phủ mạnh nhất thế giới, những chính phủ đã hứa sẽ đánh thuế người dân nước mình trong trường hợp Ngân hàng gặp khó khăn. Sau đó nó sẽ sử dụng quỹ này để cho các nước kém phát triển vay với lãi suất cao hơn một chút, và kiếm lợi nhờ quá trình trung gian này.

Khía cạnh không nhìn thấy được của quá trình này, đó là dòng tiền chu chuyển trong đó chính là dòng tiền mà nếu không chảy vào đây thì sẽ được đầu tư trong khu vực tư nhân hoặc trở thành các khoản vay tiêu dùng. Quá trình này hút những đồng vốn mà khu vực tư nhân rất cần, cản trở việc tạo ra việc làm mới, khiến lãi suất tăng lên và kéo lùi sự phát triển của nền kinh tế nói chung.

Chương trình nghị sự ẩn: Chủ nghĩa xã hội thế giới

Các biện pháp thắt lưng buộc bụng và những kẻ giơ đầu chịu báng

Tài trợ cho tham nhũng và chế độ chuyên quyền

Tài trợ cho nạn đói và diệt chủng

Những lý do để loại bỏ Cục Dự trữ Liên bang

Làm giàu bằng cách chống đói nghèo

Đổi tiền thành thất bại

Tổng kết

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Quai vat dao Jekyll – Ch 5.pdf

—-

[1] John Kenneth Galbraith, Money: Whence It Came, Where It Went (Boston: Houghton Mifflin, 1975), pp. 258, 259.

[2] Keynes thường được mô tả là một người theo trường phái tự do. Về sự liên hệ của ông với những người theo trường phái Fabian và sự nghiệp của họ, xem Rose Martin, Fabian Freeway: High Road to Socialism in the U.S.A. (Boston: Western Islands, 1966).

[3] Xem Zygmund Dobbs, The Great Deceit: Social Pseudo-Sciences (West Sayville, New York: Veritas Foundation, 1964), p. 1. Xem thêm Rose L. Martin, Fabian Freeway: High Road to Socialism in the U.S.A. (Boston: Western Islands, 1966), pp. 30, 31.

[4] Xem David Rees, Harry Dexter White: A Study in Paradox (New York: Coward, McCann & Geoghegan, 1973); WhittakerChambers, Witness (New York: Random House, 1952); Allen Weinstein, Perjury: The Hiss-Chambers Case (New York: Vintage Books, 1978); James Burnham, The Web of Subversion: Underground Networks in the U.S. Government (New York: The John Day Co., 1954); Elizabeth Bentley, Out of Bondage (New York: Devin-Adair, 1951)

[5] John Maynard Keynes, The Collected Writings of, Vol V (1930 rpt. New York: Macmillan, 1971), p. xx.

[6] Dennis Turner, When Your Bank Fails (Princeton, New Jersey: Amwell Publishing, 1983), p. 32.

[7] Quan điểm của tác giả là đã đến lúc chúng ta cần khiến cho các chính trị gia khoác bộ quần áo của Chú Sam thôi không chỉ trích nữa. Điều này nói dễ hơn làm bởi vì người Mỹ vẫn thích các khoản trợ cấp mang tính bảo hộ: thuế hải quan để bảo vệ người kinh doanh, lương tối thiểu và nghiệp đoàn bắt buộc để bảo vệ người lao động, hạn ngạch trong tuyển dụng để bảo vệ những người bị thiệt thòi, các chương trình bảo hiểm từ lúc lọt lòng đến khi qua đời, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tàn tật, những biện pháp an toàn và bảo vệ môi trường thái quá – bất chấp chi phí. Hệ thống doanh nghiệp tự do có thể và sẽ tạo ra tất cả những lợi ích này để cạnh tranh giành người mua và người lao động. Nhưng đến khi nào mà những biện pháp này còn là bắt buộc và được lựa chọn bởi vì chúng có thể giúp ghi điểm về chính trị mà không tính đến các hiệu quả thì ngành công nghiệp của Mỹ sẽ không bao giờ phục hồi được. Và lúc đó không một lợi ích viển vông nào còn tồn tại.