Tham vọng công nghiệp hóa của VN: Trường hợp Vingroup và ngành công nghiệp ô tô

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Lê Hồng Hiệp, “Vietnam’s Industrialization Ambitions: The Case of Vingroup and the Automotive Industry“, Trends In Southeast Asia, TRS2/19.

Giới thiệu

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 8 năm 1996, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước cơ bản công nghiệp hóa vào năm 2020. Tuy nhiên, vào tháng 4 năm 2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thừa nhận rằng Việt Nam sẽ không thể đạt được mục tiêu đó. Tài liệu của Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của ĐCSVN vào tháng 1 năm 2016 cũng thừa nhận thất bại này. Cụ thể, báo cáo chính trị của Đại hội đã thay thế mục tiêu “tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” của đại hội lần thứ 11 bằng mục tiêu “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.” Việc thay đổi mục tiêu “2020” bằng từ “sớm” rất mơ hồ cho thấy Đảng có quan điểm thực tế hơn về tình trạng kinh tế cũng như triển vọng công nghiệp hóa của đất nước.

Trong số các lý do khiến Việt Nam không đạt được mục tiêu trên có việc Việt Nam không thể phát triển được một nền tảng chế tạo mạnh cũng như các ngành công nghiệp chiến lược quan trọng để tạo động lực cho quá trình công nghiệp hóa. Ngành công nghiệp ô tô là một trong những ví dụ điển hình. Bất chấp nhiều nỗ lực, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào một số ít các cơ sở lắp ráp, trong khi các ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa phát triển.

Tuy nhiên, hy vọng của Việt Nam trong việc phát triển thành công một ngành công nghiệp ô tô bản địa đã được nhen nhóm khi Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất của đất nước, khởi công vào tháng 9/2017 một tổ hợp chế tạo tại Hải Phòng và công bố kế hoạch phát triển thương hiệu xe quốc gia mang tên Vinfast. Trong vòng một năm, Vinfast đã phát triển được hai mẫu xe, một chiếc sedan và một chiếc SUV, với màn giới thiệu ấn tượng tại Paris Motor Show 2018. Công ty đã lên kế hoạch bán những chiếc xe hơi đầu tiên ra thị trường vào năm 2019.

Mặc dù vẫn còn quá sớm để biết liệu Vinfast có thành công hay không, nhưng cách mà công ty đang triển khai chiến lược, tiềm năng của thị trường xe hơi Việt Nam, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ và sự đón nhận nhìn chung tích cực của công chúng Việt Nam đối với các mẫu xe đầu tiên của hãng, tất cả đã làm sống dậy hy vọng rằng cuối cùng Việt Nam sẽ có thể phát triển thành công ngành công nghiệp ô tô của riêng mình. Sự trỗi dậy của Vinfast nếu bền vững cũng sẽ là một bước ngoặt quan trọng trên con đường phát triển kinh tế và công nghiệp hóa của Việt Nam.

Bài viết này nhìn lại quyết định gia nhập ngành công nghiệp ô tô của Vingroup và đánh giá ý nghĩa của nó đối với động lực công nghiệp hóa của Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp ô tô nói riêng. Bài viết bắt đầu bằng cách cung cấp một góc nhìn tổng quan về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trước khi phân tích sự xuất hiện của Vinfast như một bước đi đột phá. Sau đó bài viết sẽ phân tích những thách thức và cơ hội của công ty trước khi đưa ra một số nhận định về vai trò của Vinfast đối với quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam.

Tổng quan về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Kể từ khi Việt Nam tiến hành cải cách kinh tế theo hướng thị trường vào năm 1986, việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng của ngành chế tạo trong GDP và hình thành một nền tảng công nghiệp công nghệ cao luôn là ưu tiên hàng đầu của đất nước. Do đó, ngành công nghiệp ô tô với hàm lượng công nghiệp và công nghệ cao tinh vi cũng như tiềm năng tạo ra hiệu ứng lan tỏa luôn là một trong những ngành công nghiệp chiến lược mà Việt Nam muốn phát triển. Ví dụ, vào năm 2004, chính phủ đã coi ngành công nghiệp ô tô là một ngành rất quan trọng cần ưu tiên phát triển. Tương  tự, năm 2007, chính phủ đã xếp ngành công nghiệp ô tô là một trong những ngành “công nghiệp mũi nhọn”.

Năm 1991, một liên doanh giữa các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và các đối tác Việt Nam với tên gọi Mekong Auto đã trở thành nhà sản xuất xe hơi đầu tiên tại Việt Nam sau cải cách. Nhà máy của liên doanh được hoàn thành vào năm 1992 lắp ráp các mẫu xe theo dạng hợp đồng hợp tác kinh doanh với các hãng Fiat và Ssangyong. Tuy nhiên, mãi đến giữa những năm 1990, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam mới được định hình rõ nét hơn với việc thành lập một số liên doanh giữa các nhà sản xuất nước ngoài như Mitsubishi (1994), Toyota, Isuzu (1995), Ford và Hino ( 1996) với các đối tác Việt Nam để lắp ráp xe của các thương hiệu này cho thị trường nội địa. Sau đó còn có sự tham gia của các công ty khác như Honda (2005), Mercedes-Benz (2007) và GM (2011). Một số công ty trong nước, bao gồm Samco và Vinamotor, cũng nằm trong số những nhà sản xuất đầu tiên, nhưng họ chủ yếu tập trung vào lắp ráp xe buýt.

Năm 2004, một công ty địa phương có tên Vinaxuki được thành lập để sản xuất và lắp ráp ô tô và xe tải nhỏ dưới thương hiệu riêng cũng như một số thương hiệu Trung Quốc. Công ty thậm chí còn cố gắng tự phát triển một mẫu sedan riêng nhưng cuối cùng đã thất bại do thiếu công nghệ và vốn, cũng như công tác lập kế hoạch và quản lý yếu kém. Công ty đã phải ngừng hoạt động vào năm 2015.

Trong số các công ty ô tô trong nước, chỉ có Thaco (thành lập 1997) và Thành Công (thành lập 1999) là đã thành công trong việc thực hiện chiến lược kinh doanh của mình. Trong khi Thaco hiện là nhà sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô lớn nhất tại Việt Nam cho các thương hiệu nước ngoài như Kia, Mazda và Peugeot, thì Thành Công là nhà sản xuất, lắp ráp và phân phối lớn mặt hàng xe con và xe thương mại của Hyundai. Tuy nhiên, mặc dù Thaco và Thành Công là các công ty trong nước nhưng họ chủ yếu lắp ráp xe của các thương hiệu nước ngoài. Giá trị gia tăng mà hai công ty này tạo ra cũng như tác động của chúng đối với sự phát triển ngành công nghiệp ô tô bản địa là không đáng kể.

Dù đã phát triển hơn 20 năm nhưng thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn rất nhỏ bé. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), có 272.750 xe của các thành viên VAMA được bán ra trên thị trường Việt Nam vào năm 2017. Hình 1 cho thấy thị phần của các thành viên VAMA trong năm 2016 và 2017.

Hình 1 – Thị phần của các thành viên VAMA trong năm 2016-17

Nguồn: VAMA. Số liệu thống kê không bao gồm Thành Công (không phải thành viên VAMA).

Quy mô nhỏ của thị trường ô tô Việt Nam có thể được giải thích bởi một số yếu tố. Trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, Việt Nam vẫn là một nước nghèo với thu nhập bình quân đầu người thấp. Vì vậy, hầu hết người dân Việt Nam không thể mua được ô tô, và xe máy vì thế trở thành phương tiện giao thông yêu thích của họ. Hơn nữa, trong giai đoạn này, chính phủ Việt Nam hầu như đình chỉ việc nhập khẩu xe cơ giới. Theo Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04/04/2001 của Thủ tướng Chính phủ, các linh kiện, phụ tùng và xe dưới 16 chỗ đã qua sử dụng bị cấm nhập khẩu; trong khi những chiếc xe dưới 16 chỗ mới chỉ có thể được nhập khẩu nếu được Bộ Thương mại cấp phép. Do đó, hầu hết các phương tiện ô tô (trừ một số loại xe tải và xe chuyên dụng) tại thị trường nội địa trong giai đoạn 1991-2005 đều có nguồn gốc từ các cơ quan ngoại giao nước ngoài và đại diện các tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam. Chỉ sau khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) có hiệu lực đối với Việt Nam và Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam mới bắt đầu nới lỏng các quy định về nhập khẩu ô tô mới cũng như đã qua sử dụng. Tuy nhiên, mặc dù hạn ngạch nhập khẩu đã được gỡ bỏ nhưng thuế nhập khẩu vẫn ở mức cao. Theo cam kết WTO của Việt Nam, mức thuế trung bình đối với ô tô nhập khẩu đã giảm dần nhưng vẫn ở mức 70% vào năm 2014. Mức thuế cao khiến ô tô trở nên quá đắt với hầu hết khách hàng Việt Nam và kìm hãm sự mở rộng quy mô thị trường ô tô trong nước.

Một đặc điểm quan trọng khác của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là sự áp đảo của các nhà lắp ráp so với các nhà sản xuất gốc. Trước khi Vinfast xuất hiện, tất cả các công ty ô tô dù là trong nước hay nước ngoài đều chủ yếu lắp ráp xe từ bộ kit nhập khẩu và không muốn nội địa hóa sản xuất. Điều này diễn ra bất chấp thực tế là việc tăng tỉ lệ nội địa hóa là một yêu cầu chính đối với các nhà lắp ráp này nếu họ muốn hưởng các chính sách ưu đãi cũng như các biện pháp bảo hộ từ chính phủ trong các thập niên qua.

Năm 2002, chính phủ công bố Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Chiến lược này nhấn mạnh vào việc tăng tỉ lệ nội địa hóa cho xe ô tô sản xuất tại Việt Nam. Chẳng hạn, chiến lược đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa cho xe hơi lên 20-25% vào năm 2005 và 40-45% vào năm 2010. Tuy nhiên, Việt Nam đã không đạt được các mục tiêu này. Ví dụ, năm 2016, tỷ lệ nội địa hóa trung bình của tất cả các loại xe chỉ ở mức 7-10%. Ngay cả những công ty đạt thành tích tốt nhất về nội địa hóa là Thaco và Toyota cũng chỉ đạt tỷ lệ nội địa hóa lần lượt là 15-18% và 37% (cho dòng Innova), thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra cho năm 2010. Nếu không nội địa hóa được quá trình sản xuất, Việt Nam sẽ không thể biến ngành công nghiệp ô tô trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn, có thể cung cấp một động lực mạnh mẽ cho quá trình công nghiệp hóa của đất nước như chính phủ mong đợi.

Một số trở ngại đã khiến Việt Nam không đạt được các mục tiêu nội địa hóa đề ra. Trở ngại quan trọng nhất là quy mô hạn chế của thị trường ô tô Việt Nam. Theo Bộ Công Thương (BCT), năm 2015, có tổng cộng 350.000 xe đã được bán ra trên thị trường Việt Nam. Trong khi đó, đến năm 2016, năng lực sản xuất của các công ty ô tô tại Việt Nam là 460.000 chiếc, trong đó 200.000 chiếc là xe hơi. Quy mô thị trường và năng lực sản xuất hạn chế khiến cho các nhà sản xuất ô tô không mặn mà với việc nội địa hóa vì khó thành công về mặt thương mại. Đồng thời, vì Việt Nam là một kẻ đến muộn, các nhà sản xuất ô tô lớn đã thành lập các trung tâm sản xuất của họ ở các nước láng giềng, đặc biệt là Thái Lan và Indonesia, khiến họ không cần phải thành lập các cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam. Do đó, các nhà sản xuất phụ tùng cũng không quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam. Cuối cùng, theo quy định của Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sản xuất tại các nước ASEAN đã bị xóa bỏ từ đầu năm 2018. Như vậy, thay vì đầu tư vào các cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam, hầu hết các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đều muốn nhập khẩu xe đã lắp ráp tại các cơ sở của họ ở Thái Lan và Indonesia để bán trên thị trường Việt Nam.

Với những trở ngại trên, Việt Nam không thể dựa vào các nhà sản xuất ô tô nước ngoài hoặc liên doanh để mang lại những thay đổi thực chất cho ngành công nghiệp ô tô và biến nó trở thành động lực chính của quá trình công nghiệp hóa đất nước. Trong bối cảnh đó, thật dễ hiểu khi sự tham gia của Vingroup vào ngành công nghiệp ô tô đã thu hút sự chú ý lớn từ công chúng Việt Nam cũng như các đối thủ cạnh tranh.

Vinfast: Nhân tố đột phá?

Vingroup hiện được điều hành bởi ông Phạm Nhật Vượng, tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam với giá trị tài sản ròng đạt 6,7 tỷ USD tính đến ngày 25/12/2018. Ông Vượng từng học ngành địa chất tại Liên Xô. Năm 1993, ông cùng bạn bè thành lập ở Ukraine một công ty tên là Technocom mà Vingroup tuyên bố là tiền thân của mình. Technocom nhanh chóng thành công trong ngành sản xuất mì gói và giúp ông Vượng cùng các đối tác kinh doanh của mình tích lũy được một lượng tài sản đáng kể. Đầu những năm 2000, ông Vượng và các đối tác của mình đã nhìn thấy tiềm năng kinh doanh lớn ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Vì vậy họ quyết định về nước để kinh doanh bằng cách thành lập vào năm 2002 một công ty mà sau này trở thành Vingroup.

Hoạt động kinh doanh chính của Vingroup là phát triển bất động sản, hiện chiếm phần lớn doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn. Bằng cách mua các lô đất lớn và có vị trí tốt tại các thành phố lớn và phát triển các dự án trong một thời gian ngắn nhưng với chất lượng đáng tin cậy, Vingroup đã xây dựng được uy  tín với người mua nhà cũng như các chính quyền địa phương. Điều này cho phép tập đoàn nhanh chóng mở rộng kinh doanh bất động sản, hiện bao gồm các dự án nhà ở, thương mại, văn phòng và khách sạn. Dựa trên sự thành công trong lĩnh vực bất động sản, tập đoàn đã tích cực mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh khác, như bán lẻ, y tế, giáo dục và nông nghiệp, với tầm nhìn thiết lập một hệ sinh thái để hỗ trợ cho mảng kinh doanh bất động sản. Vào năm 2017, Vingroup đã trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam tính theo doanh thu. Năm 2017, công ty ghi nhận 89,35 nghìn tỷ đồng doanh thu và 5.655 tỷ đồng lợi nhuận ròng.

Trong một bước ngoặt về chiến lược kinh doanh, Vingroup tuyên bố vào năm 2017 rằng họ sẽ gia nhập ngành ô tô bằng cách thành lập Vinfast, một công ty con do Vingroup sở hữu, để chế tạo ô tô, xe buýt và xe máy điện cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Năm 2018, Vingroup cũng gia nhập ngành công nghiệp điện thoại thông minh bằng cách thành lập công ty con có tên Vinsmart để sản xuất thiết bị di động dựa trên công nghệ được chuyển giao từ nhà sản xuất phần cứng BQ của Tây Ban Nha, công ty mà Vingroup đã thâu tóm 51% cổ phần. Tập đoàn cũng lên kế hoạch sản xuất TV thông minh và các thiết bị gia dụng khác. Vingroup cũng thành lập công ty VinTech để đầu tư vào các công nghệ thông tin, bao gồm trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Dựa trên những thay đổi chiến lược này, tập đoàn công bố mục tiêu trở thành một công ty công nghệ vào năm 2028.

Mặc dù chưa rõ Vingroup có thể hiện thực hóa được tham vọng của mình hay không nhưng sự triển khai chiến lược sản xuất ô tô của tập đoàn cho đến nay đã thu hút được nhiều sự chú ý của công chúng. Một mặt, đây là một khoản đầu tư lớn (lên tới 3,5 tỷ USD), qua đó có thể trở thành nhân tố kích thích hoặc phá vỡ sự thành công thương mại của Vingroup trong tương lai. Mặt khác, nếu mảng ô tô của Vingroup thành công, nó sẽ biến tập đoàn thành một người khổng lồ trong ngành chế tạo và tạo điều kiện cho Vingroup bước chân ra thị trường quốc tế. Hơn nữa, công ty cũng có thể giúp biến đổi thực chất ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Theo tuyên bố, Vingroup đặt mục tiêu đạt công suất 500.000 xe và tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2025.

Tốc độ thực hiện chiến lược kinh doanh ô tô của Vingroup cũng đã gây ấn tượng với các nhà quan sát. Chỉ trong vòng hơn một năm sau lễ khởi công vào tháng 9/2017, tổ hợp sản xuất Vinfast tại Khu kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng, đã hoàn thành và sẵn sàng cho sản xuất. Với tổng diện tích 335 ha, đây sẽ là tổ hợp sản xuất ô tô lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau khu phức hợp của hãng Volkswagen tại Wolfsburg (650 ha) và nhà máy của Hyundai Motors ở Ulsan (502 ha). Vào tháng 10 năm 2018, hai nguyên mẫu đầu tiên của Vinfast, một chiếc sedan và một chiếc SUV, đã được giới thiệu tại Paris Motor Show. Vào tháng 11 năm 2018, một mẫu xe nhỏ có tên Fadil cũng đã được ra mắt tại Hà Nội. Công ty đã lên kế hoạch bán những chiếc xe đầu tiên ra thị trường vào năm 2019, trong khi các mẫu xe máy điện mang thương hiệu Klara đã có mặt trên thị trường kể từ tháng 11/2018.

Để đẩy nhanh việc tham gia thị trường, Vinfast đã dựa vào quan hệ đối tác với các công ty nước ngoài khác nhau về thiết kế, thiết bị sản xuất và linh kiện. Ví dụ, mẫu xe sedan và SUV đầu tiên của hãng được thực hiện bởi Italdesign Giugiaro, trong khi các công nghệ chính và thiết bị sản xuất có nguồn gốc từ các đối tác nổi tiếng, bao gồm BMW, Magna Steyr, Bosch, AVL, ZF, Siemens, SAP, Schuler, FFT, EBZ, Hirotec, ABB, Durr, GROB, Thyssenkrupp, AVL, MAG và Eisenmann. Để đạt được tỷ lệ nội địa hóa 60%, Vinfast cũng đã hợp tác với các nhà cung cấp quốc tế nhằm thành lập các nhà máy sản xuất linh kiện trong khu phức hợp tại Hải Phòng. Vào tháng 6/2018, Vinfast đã ký một Bản ghi nhớ để thành lập liên doanh với Aapico Hitech Plc., một trong những nhà sản xuất phụ tùng ô tô hàng đầu Thái Lan, để xây dựng một xưởng sản xuất thân vỏ xe trong khu phức hợp để cung cấp cho các sản phẩm của Vinfast. Vinfast cũng đã lên kế hoạch để có tám nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô được thành lập, bao gồm bốn nhà máy do Vinfast đầu tư, hai liên doanh giữa Vinfast và nhà cung cấp và hai nhà máy thuộc sở hữu hoàn toàn của nhà cung cấp. Đồng thời, công ty cũng đã mua lại GM Việt Nam, bao gồm nhà máy tại Hà Nội, mạng lưới đại lý và lực lượng nhân viên. Mẫu xe Fadil của Vinfast được sản xuất theo giấy phép từ GM.

Vinfast dường như cũng có tầm nhìn cho tương lai. Trong giai đoạn đầu, công ty sẽ phát triển ô tô sử dụng động cơ đốt trong, nhưng hãng cũng có kế hoạch bắt kịp xu hướng trong ngành bằng cách phát triển xe điện chạy pin thông qua mối quan hệ đối tác với công ty EDAG Engineering của Đức. Để chuẩn bị cho bước đi tương lai này, công ty đã phát triển thành công các mẫu xe máy điện “thông minh” được trang bị các tính năng tiên tiến như internet 3G, GPS, khóa từ xa và đồng bộ hóa dữ liệu hành trình. Công ty đang lên kế hoạch sản xuất 250.000 xe máy điện mỗi năm trong giai đoạn đầu tiên. Trong giai đoạn thứ hai, công suất sẽ được tăng lên 500.000 xe mỗi năm và cuối cùng có thể đạt tới một triệu xe. Nếu Vinfast thành công trong việc giành được sự tin tưởng của khách hàng thông qua các sản phẩm xe máy điện, công ty sẽ dễ dàng hơn khi tiếp thị xe ô tô điện của mình ra thị trường sau này. Hơn nữa, vì xe máy điện có giá cả phải chăng hơn ô tô trong khi vượt trội so với hàng triệu xe máy truyền thống đang được sử dụng ở Việt Nam, mảng kinh doanh xe máy điện có thể là một biện pháp dự phòng rủi ro tài chính cho công ty trong trường hợp mảng kinh doanh ô tô không tốt như mong đợi.

Cách tiếp cận của Vinfast, vốn dựa trên sứ mệnh trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á và xây dựng một thương hiệu Việt Nam đẳng cấp thế giới, vì vậy đã tạo ra một niềm hi vọng mới cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Nhưng hi vọng đó có thực tế không?

Thử thách của Vinfast

Thách thức lớn nhất đối với Vinfast là cạnh tranh với các đại gia quốc tế ở cả thị trường trong và ngoài nước. Công ty nhấn mạnh mục đích giành được niềm tin của khách hàng thông qua chất lượng sản phẩm bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn công nghiệp tiên tiến và hợp tác với các đối tác và nhà cung cấp có uy tín. Tuy nhiên, ngay cả khi Vinfast tìm cách xuất khẩu sản phẩm của mình, thì với tư cách là một thương hiệu mới, họ sẽ cần phải tập trung vào thị trường nội địa trước, ít nhất là trong năm đến mười năm tới. Điều này cũng được Giám đốc điều hành Vinfast Jim Deluca thừa nhận.

Tuy nhiên, ngay cả ở thị trường nội địa, Vingroup sẽ phải nỗ lực hết sức bởi người tiêu dùng Việt Nam thường thích các thương hiệu Nhật Bản và xe nhập khẩu hơn so với xe lắp ráp trong nước. Như vậy, về lâu dài, việc Vinfast có thể sản xuất được những chiếc xe chất lượng với giá cả phải chăng hay không sẽ là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của công ty.

Để tăng hiệu quả và giảm giá thành, Vingroup sẽ cần tăng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, quy mô thị trường trong nước quá nhỏ là một trở ngại lớn. Do đó, Vingroup và các nhà sản xuất ô tô trong nước khác có thể vận động chính phủ giảm các loại phí và thuế khác nhau, như thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô hoặc thuế nhập khẩu đối với linh kiện xe hơi, để xe ô tô có giá cả phải chăng hơn đối với khách hàng Việt Nam. Nếu chính phủ Việt Nam quyết định áp dụng các biện pháp này, giá xe sẽ giảm. Tuy nhiên, chính phủ sẽ cần phải bù đắp cho lượng doanh thu thuế giảm bằng cách tăng các khoản phí và thuế liên quan đến việc sở hữu và sử dụng xe hơi, điều cuối cùng sẽ khiến một số người mua xe nản chí. Đồng thời, để thay đổi văn hóa giao thông, giảm ô nhiễm không khí và phát triển thị trường ô tô, chính phủ Việt Nam có thể sẽ cân nhắc dần dần loại bỏ xe máy ở một số thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ không khả thi trừ khi các chính quyền địa phương có thể cung cấp các lựa chọn giao thông công cộng thay thế cho những người không đủ khả năng mua ô tô.

Nhưng ngay cả khi ô tô trở nên hợp túi tiền hơn đối với khách hàng Việt Nam, việc thiếu cơ sở hạ tầng cho ô tô là một thách thức không chỉ Vinfast mà cả các nhà sản xuất ô tô khác cũng sẽ phải đối mặt. Ùn tắc giao thông thường xuyên và thiếu chỗ đậu xe đã khiến nhiều người dân tại các thành phố lớn không muốn sở hữu xe hơi. Mặc dù hệ thống đường bộ của Việt Nam đang được cải thiện thông qua sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân theo mô hình Đối tác công – tư (PPP), nhưng Việt Nam vẫn cần xây dựng thêm đường cao tốc bên trong và giữa các thành phố với nhau và dành nhiều không gian đô thị hơn cho giao thông tĩnh nếu muốn hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô phát triển. Tuy nhiên, do hạn chế về ngân sách cùng những tranh cãi về các dự án cơ sở hạ tầng PPP, có thể sẽ mất nhiều thời gian để hệ thống cơ sở hạ tầng cho ô tô của Việt Nam được nâng cấp lên mức tương đương với các nước láng giềng, như Thái Lan và Malaysia.

Sự cạnh tranh từ xe nhập khẩu sẽ là một thách thức lớn khác. Hầu hết người mua xe hơi Việt Nam đều thích xe nhập khẩu hơn so với xe sản xuất trong nước. Ngay cả khi Vinfast nhấn mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, một số khách hàng Việt Nam vẫn có thể ngần ngại chưa muốn mua sản phẩm của Vinfast cho tới khi công ty xây dựng thành công thương hiệu của mình. Để hỗ trợ Vinfast và các nhà sản xuất ô tô trong nước, chính phủ Việt Nam có thể cố gắng áp dụng các biện pháp bảo hộ nhất định để hạn chế ô tô nhập khẩu. Trên thực tế, trong một động thái nhằm đối phó với việc xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với ô tô có xuất xứ ASEAN, chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 quy đỊnh điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Để thực hiện Nghị định 116, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT ba tháng sau đó quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu. Hai văn bản pháp lý này đã tạo ra rất nhiều trở ngại cho các nhà nhập khẩu xe hơi, làm tăng chi phí hành chính và kéo dài thủ tục nhập khẩu, qua đó làm tăng giá xe nhập khẩu trên thực tế. Tuy nhiên, các biện pháp này đã không tỏ ra hiệu quả như mong đợi. Mặc dù lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2018 giảm mạnh do những quy định mới này, nhưng số lượng xe nhập khẩu dần dần tăng trở lại trong những tháng tiếp theo. Hơn nữa, vì Việt Nam hiện là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và nhiều hiệp định thương mại tự do khác nhau, việc đưa ra các biện pháp bảo hộ, bao gồm các rào cản kỹ thuật, có thể sẽ khiến Việt Nam gặp rắc rối pháp lý và sự trả đũa từ các nước khác.

Cuối cùng, Vinfast sẽ phải đầu tư mạnh vào năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) và đào tạo nguồn nhân lực để bản địa hóa các công nghệ và bí quyết nhập khẩu. Ví dụ, xưởng động cơ của Vinfast được một nhà thầu xây dựng hoàn toàn theo dạng chìa khóa trao tay, trong khi công ty cũng phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài về hết các công nghệ và bí quyết khác. Các nhân viên kỹ thuật của Vinfast được cho là vẫn còn thiếu kinh nghiệm và chưa thể làm chủ được các công nghệ này, dẫn đến sự phụ thuộc vào các công ty tư vấn, đặc biệt là AVL. Đồng thời, Vinfast sẽ cần hợp tác với các đối tác để thiết lập các xưởng sản xuất linh kiện và phụ tùng xe hơi để đạt được tỷ lệ nội địa hóa 60%. Tuy nhiên, một số đối tác, đặc biệt là những công ty được Vinfast kỳ vọng sẽ sở hữu toàn bộ các nhà xưởng này, có thể sẽ do dự vì việc đầu tư vào một cơ sở mới tại Việt Nam có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào thành công trong tương lai của Vinfast, một điều vẫn chưa chắc chắn.

Việc trong giai đoạn đầu Vinfast phải đi đường tắt bằng cách nhập hầu hết các công nghệ, bí quyết, linh kiện là điều dễ hiểu, nhưng về lâu dài, việc không thể bản địa hóa các nguồn lực này sẽ khiến công ty chỉ sản xuất được một loại xe “Made in Vietnam” khác, chứ không phải là loại xe “Made by Vietnam” mà công ty mong muốn. Tuy nhiên, đạt được mục tiêu này sẽ là một thách thức đáng kể do cần đầu tư lớn cũng như việc Việt Nam vẫn còn thiếu nền tảng công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cơ hội của Vinfast

Những thách thức đối với Vinfast sẽ rất lớn, nhưng lãnh đạo Vingroup chắc chắn đã cân nhắc kế hoạch kinh doanh và các thách thức trên một cách cẩn thận trước khi quyết định dấn thân vào ngành công nghiệp ô tô. Một số yếu tố cũng có thể mang lại lợi thế cho Vinfast.

Thứ nhất, tiềm năng thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn lớn. Hiện tại, tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam là 16 xe/1000 dân, thấp hơn đáng kể so với Malaysia (341/1000), Thái Lan (196/1000) và Indonesia (55/1000). Đồng thời, với dân số 94 triệu người, đặc điểm nhân khẩu học trẻ cùng tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng, Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn cho Vinfast và các nhà sản xuất ô tô khác nếu họ có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Trong khi đó, dù Vinfast sẽ không dễ dàng mở rộng ra quốc tế trước khi chứng minh được năng lực tại quê nhà, nhưng câu chuyện thành công của những kẻ đến muộn trên thị trường ô tô quốc tế như KIA và Hyundai cho thấy Vinfast vẫn có thể có cơ hội trên thị trường quốc tế nếu có chiến lược kinh doanh đúng đắn để tạo ra những chiếc xe chất lượng với giá cả hợp lý.

Thứ hai, là một công ty mới, Vinfast cũng có lợi thế nhất định vì có thể áp dụng các nền tảng công nghệ mới, tiên tiến hoặc chiến lược kinh doanh hướng tới tương lai ngay từ đầu mà không phải đối phó với các vấn đề di sản. Quyết định phát triển xe máy điện và ô tô điện là các ví dụ điển hình. Hơn nữa, mặc dù Vingroup chưa có thành tích trong ngành ô tô, nhưng công ty có thành tích tốt trong các mảng kinh doanh khác, đặc biệt là phát triển bất động sản, qua đó cho phép công ty huy động được vốn từ các tổ chức tài chính và chiếm được lòng tin của các đối tác và nhà cung cấp.

Thứ ba, hoạt động kinh doanh và nền tảng tài chính tương đối tốt của Vingroup trong những năm qua giúp công ty tự tin đón nhận thách thức mới. Nhận xét về việc Vinfast có phải là một canh bạc rủi ro của Vingroup hay không, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh nhận xét rằng “Mạo hiểm khi ông Vượng không có tiền. […] Chứ ông Vượng có tiền. Hiện nay, Phạm Nhật Vượng giàu nhất Việt Nam – ông ấy mà không dám làm ô tô thì chẳng ai dám làm cả”. Mặc dù nhận xét này nghe có vẻ đơn giản hóa vấn đề, nhưng nó phản ánh niềm tin phổ biến của một bộ phận lớn công chúng Việt Nam rằng Vingroup là công ty có vị thế tốt nhất để dẫn dắt việc xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Ngoài nguồn lực tài chính, hệ sinh thái kinh doanh của công ty trong các lĩnh vực khác nhau và khoảng năm triệu khách hàng trung lưu mang lại cho công ty một lợi thế độc đáo trong việc tiếp thị các sản phẩm ô tô. Chẳng hạn, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu công ty nhắm đến người mua nhà của mình làm khách hàng tiềm năng nhất của Vinfast. Đồng thời, với hệ sinh thái kinh doanh đa dạng, công ty cũng có thể cung cấp các gói khuyến mãi với các lợi ích bổ sung từ các doanh nghiệp khác, chẳng hạn như voucher chăm sóc sức khỏe hoặc kỳ nghỉ, thậm chí giảm giá sản phẩm nhà ở, để thu hút người mua xe mới.

Thứ tư, Vingroup nói chung và Vinfast nói riêng được hưởng sự hậu thuẫn chính trị mạnh mẽ từ các cơ quan chính quyền. Có một bí mật mở là thành công của Vingroup trong mảng bất động sản có được một phần lớn là nhờ vào các mối quan hệ tốt với chính quyền. Những mối quan hệ này tạo điều kiện cho Vingroup mua lại các lô đất lớn, có vị trí tốt tại các thành phố lớn, chủ yếu là từ các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, để phát triển các dự án bất động sản, giúp Vingroup có lợi thế đáng kể so với các đối thủ. Đồng thời, các kết nối chính trị này cùng sự gần gũi giữa các mục tiêu thương mại của Vinfast với các mục tiêu chính sách công nghiệp của chính phủ đã biến Vinfast trở thành “con cưng” của các chính trị gia Việt Nam. Ví dụ, tổ hợp sản xuất của công ty tại Hải Phòng đã được các quan chức cấp cao khác nhau đến thăm nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn. Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự lễ khởi công tổ hợp vào tháng 9/2017, thăm lại tổ hợp vào tháng 5/2018 và tham dự lễ ra mắt các mẫu xe đầu tiên của công ty tại Hà Nội vào tháng 11/2018. Trong chuyến thăm tới tổ hợp vào tháng 5/2018, ông Phúc ca ngợi những nỗ lực của Vinfast trong việc phát triển tổ hợp và đóng góp vào sự phát triển quốc gia. Ông cũng yêu cầu các bộ ngành trung ương và chính quyền Hải Phòng tạo điều kiện hỗ trợ cần thiết để giúp Vinfast thành công. Ngoài ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã đến thăm khu phức hợp vào tháng 11/2017 và tháng 7/2018. Chuyến thăm của ông Trọng là đặc biệt đáng chú ý vì trong vai trò lãnh đạo Đảng, ông hiếm khi đến thăm các doanh nghiệp tư nhân. Chuyến thăm do đó cho thấy Vinfast nhận được sự quan tâm đặc biệt từ ông Trọng và ĐCSVN.

Sự hậu thuẫn chính trị mạnh mẽ và tầm quan trọng của Vinfast đối với nền kinh tế đã khiến chính phủ Việt Nam cung cấp cho Vinfast nhiều chính sách ưu đãi khác nhau, bao gồm giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp (ở mức 10% thay vì 20%) trong 15 năm hoạt động đầu tiên, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên công ty, giảm hoặc miễn tiền sử dụng đất và mặt nước, cùng một số ưu đãi khác liên quan đến thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các tài sản và hoạt động sản xuất của Vinfast trong khu liên hợp tại Hải Phòng. Những chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp công ty giảm chi phí và vượt qua được những khó khăn tài chính trong những năm đầu hoạt động.

Cuối cùng, tình cảm tự hào dân tộc cũng có thể giúp ích cho Vinfast tại thị trường nội địa. Ngay từ đầu, Vinfast đã muốn tận dụng tình cảm này nhằm kết nối với các khách hàng tiềm năng và giành được sự ủng hộ của chính phủ. Chẳng hạn, Vinfast đã tổ chức lễ khởi công tổ hợp tại Hải Phòng vào đúng ngày 02/09/2017, ngày quốc khánh Việt Nam. Cách công ty chọn tên thương hiệu cũng nói lên nhiều điều. Theo công ty, Vinfast là viết tắt của cụm từ Việt Nam – Phong cách, An toàn, Sáng tạo và Tiên phong. Rõ ràng, Vinfast vừa muốn liên hệ sự phát triển của công ty với sự trỗi dậy của một Việt Nam phát triển và thịnh vượng, vừa muốn tận dụng cảm giác tự hào của người dân khi lái một chiếc xe Việt Nam hiện đại và chất lượng. Mặc dù những tình cảm dân tộc chủ nghĩa và ái quốc như vậy sẽ không phải là yếu tố quyết định đối với mọi khách hàng, nhưng chắc chắn nó vẫn sẽ giúp Vinfast giành được một số khách hàng nhất định, đặc biệt nếu sản phẩm của họ có chất lượng, thiết kế tốt và giá cả hợp lý.

Kết luận: Vinfast và triển vọng công nghiệp hóa của Việt Nam

Các thách thức dường như lớn hơn các lợi thế của Vinfast. Quan trọng hơn, các lợi thế này chủ yếu tồn tại ở thị trường nội địa. Trên thị trường quốc tế, công ty sẽ phải xây dựng thương hiệu từ con số không và cạnh tranh với các đối thủ lâu đời khác. Tuy nhiên, có thể cho rằng sự xuất hiện của Vinfast vẫn là một diễn tiến tích cực cho không chỉ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mà còn cho cả mục tiêu công nghiệp hóa của đất nước.

Như Vinfast đã nêu trong phần giới thiệu:

Thông qua lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy- một trong những ngành công nghiệp mang tính dẫn dắt, có tác động tới nhiều ngành nghề khác – Vingroup mong muốn tham gia góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nặng và chế tạo tại Việt Nam, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chính phủ Việt Nam nhận thức đầy đủ về lợi ích tiềm năng của việc Vingroup tham gia vào ngành công nghiệp ô tô. Phát biểu tại lễ khởi công tổ hợp Vinfast vào tháng 9/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:

Dự án này có ý nghĩa rất lớn, giải quyết ngay 25.000 lao động, kéo theo hàng trăm nhà máy, xí nghiệp phụ trợ phục vụ ô tô và trong tương lai sẽ đóng góp ngân sách bằng mức thu nội địa của Thành phố Hải Phòng hiện nay… Việc khởi công dự án này là một cử chỉ yêu nước đáng được trân trọng.

Không phải ngẫu nhiên mà các thông điệp của Vinfast và Thủ tướng Phúc đều có âm hưởng dân tộc chủ nghĩa. Đối với Vingroup, thông điệp này nhấn mạnh chiến lược trở thành công ty công nghệ quốc gia cũng như phương thức tiếp thị của công ty để thu hút khách hàng trong nước. Đối với chính phủ Việt Nam, triển vọng của Vinfast và Vingroup sẽ ảnh hưởng lớn đến triển vọng công nghiệp hóa đất nước.

Ở cấp độ quốc gia, nếu Vinfast thành công, công ty sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP và tái định hình ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trong khi đó, nếu Vingroup chuyển đổi thành công thành một công ty công nghệ, mà trong đó Vinfast đóng vai trò quan trọng, thì tác động mang lại sẽ lớn hơn cả những thống kê GDP. Việc Vingroup từ một nhà phát triển bất động sản dựa trên tài nguyên trở thành một nhà sản xuất công nghệ cao dựa trên đổi mới, nếu thành công, sẽ biểu tượng cho sự phát triển của Việt Nam từ một nền kinh tế dựa trên tài nguyên và lao động giá rẻ sang một nền kinh tế công nghiệp hóa tiên tiến. Đồng thời, nếu Vingroup, một tập đoàn tư nhân, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô quốc gia, điều này sẽ củng cố thêm các cải cách thị trường của Việt Nam, đưa các doanh nghiệp tư nhân có vai trò bình đẳng nếu không muốn nói là được ưu ái hơn trong nền kinh tế. Chính phủ theo đó sẽ khuyến khích các tập đoàn tư nhân dẫn dắt việc phát triển thêm các ngành công nghiệp quan trọng khác.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để suy đoán về khả năng thành công của Vingroup trong việc trở thành một công ty công nghệ hay triển vọng thương mại của Vinfast. Những thách thức khác nhau, cả trong nước và quốc tế, sẽ cản trở công ty đạt được mục tiêu của mình. Thành công trong quá khứ của tập đoàn không đảm bảo cho triển vọng tương lai của Vinfast, vì ngành công nghiệp ô tô là một cuộc chơi hoàn toàn khác được chơi trên một sân chơi khác với những đối thủ khác và các luật chơi khác, nơi Vingroup chưa hề có kinh nghiệm. Trong trường hợp Vinfast thất bại, không chỉ Vingroup mà cả nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thất bại của Vinfast có thể sẽ khiến Vingroup phải mất nhiều hơn những gì họ đã đạt được trong hai thập niên qua. Hơn nữa, với sự thâm nhập sâu vào nền kinh tế của Vingroup, số nợ lớn mà họ đang nắm giữ cũng như hơn 50.000 nhân viên trong biên chế, trong trường hợp tập đoàn gặp rắc rối, chính phủ sẽ phải cung cấp những khoản cứu trợ tốn kém để duy trì Vingroup. Quan trọng hơn, tham vọng phát triển một ngành công nghiệp ô tô bản địa để thúc đẩy công nghiệp hóa của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản bởi Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore, tại ĐÂY.