Nguồn: Kenneth N. Waltz (1979). “Reductionist and Systemic Theories” (Chapter 4) in K. N. Waltz, Theory of International Politics (Reading, Mass.: Addison-Wesley Pub. Co.), pp. 60-78.
Biên dịch và Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Như Thanh
Bài liên quan: Các chương khác của cuốn Theory of International Politics
Các Chương 2 và 3 ở trên mang tính phê phán rất cao. Nói gì thì nói, phê phán là một công việc mang tính tiêu cực nhưng nhằm đạt được kết quả tích cực sau này. Để có được những kết quả tích cực như vậy, trong chương này tôi sẽ suy xét lại các thiếu sót lý thuyết đã được chỉ ra ở các chương trước, sau đó chỉ ra một lý thuyết chính trị quốc tế mang tính hệ thống bao gồm những gì, cái gì một lý thuyết như vậy có thể mang lại và cái gì nó không thể.
I.
Bằng cách này hay cách khác, bất kể một lý thuyết chính trị quốc tế nào, dù mang tính giản lược hay hệ thống, đều phải nghiên cứu các sự kiện quốc tế ở mọi cấp độ, từ dưới quốc gia (subnational) đến siêu quốc gia (supranational). Một lý thuyết mang tính giản lược hay hệ thống không phụ thuộc vào loại dữ liệu mà nó giải quyết mà phụ thuộc vào cách xử lý dữ liệu như thế nào. Các lý thuyết giản lược giải thích sự kiện quốc tế thông qua các yếu tố và tập hợp yếu tố ở cấp quốc gia hoặc dưới quốc gia. Loại lý thuyết như vậy tuyên bố rằng các lực lượng nội tại của quốc gia gây ra các sự kiện ở bên ngoài quốc gia. Công thức của nó theo đó là N à X. Hệ thống quốc tế, nếu có, chỉ đơn giản được coi là một kết quả.
Lý thuyết giản lược tập trung vào hành vi của các đơn vị. Một khi lý thuyết giải thích hành vi của đơn vị được hình thành thì ta sẽ không còn cần gì thêm nữa. Ví dụ, theo lý thuyết chủ nghĩa đế quốc đã được nghiên cứu ở Chương 2, sự kiện quốc tế đơn giản chỉ là kết quả được tạo ra bởi các quốc gia riêng lẻ, và hành vi của mỗi quốc gia được giải thích bởi các đặc điểm nội tại của chính quốc gia đó. Học thuyết của Hobson tập trung vào nền kinh tế quốc gia. Theo đó, với một vài điều kiện cho trước, học thuyết Hobson sẽ chỉ ra tại sao cầu giảm, tại sao sản xuất đình trệ và tại sao nguồn lực không được sử dụng tối đa. Từ hiểu biết về cách thức vận hành của nền kinh tế tư bản, Hobson tin rằng mình có thể suy ra hành vi trên trường quốc tế của các nước tư bản. Như vậy ông đã mắc phải sai lầm là dự báo kết quả chỉ dựa trên các thuộc tính đơn vị. Làm như vậy sẽ khiến ta bỏ qua sự khác biệt trong hai cách nói: “Nó là kẻ gây rối” và “Nó tạo ra rối loạn” (He is a troublemaker và He makes trouble). Câu đầu tiên không nhất thiết sẽ dẫn đến câu thứ hai nếu đặc tính chủ thể không một mình quyết định kết quả. Cũng như người gìn giữ hòa bình vẫn có thể không giữ được hòa bình, kẻ gây rối cũng có thể không gây được rối loạn. Ta không thể dự đoán được kết quả từ đặc tính nội tại nếu như kết quả còn phụ thuộc vào hoàn cảnh của chủ thể cũng như nó phụ thuộc vào đặc tính chủ thể.
Có vẻ như ít người có thể thoát khỏi định kiến rằng các sự kiện quốc tế được xác định, hơn là chỉ bị tác động, bởi đặc tính của quốc gia. Đa số mọi người đều mắc phải sai lầm của Hobson, ít nhất từ thế kỷ 19 trở đi. Trong lịch sử chính trị cường quyền cận đại, tất cả các quốc gia đều là nước quân chủ, và phần lớn trong số đấy ở trong chế độ quân chủ tuyệt đối. Vậy thì trò chơi chính trị được tiến hành trên cơ sở do chính trị quốc tế thúc ép hay đơn thuần chỉ là do các quốc gia chuyên chế đều ham muốn quyền lực? Nếu vế thứ hai là đúng, thì những biến đổi sâu sắc ở cấp độ quốc gia sẽ làm thay đổi chính trị quốc tế. Các biến đổi như vậy đã xảy ra ở châu Âu và châu Mỹ một cách mạnh mẽ vào năm 1789. Đối với một số người này, dân chủ chính là chế độ khiến thế giới hòa bình hơn; một thời gian sau, đối với một số người khác chỉ có chủ nghĩa xã hội mới làm được như vậy. Không chỉ có vấn đề chiến tranh và hòa bình, mà chính trị quốc tế còn cần phải được hiểu thông qua việc nghiên cứu các quốc gia và chính trị gia, giới tinh hoa và bộ máy quan liêu, nhân tố bên trong quốc gia và xuyên quốc gia, tất cả họ với hành vi và sự tương tác của mình tạo nên nền tảng của chính trị quốc tế.
Các nhà khoa học chính trị, dù có khuynh hướng truyền thống hay hiện đại, đều xây dựng hệ thống của mình bằng cách giản lược nó về cấp độ các phần tử tương tác bên trong hệ thống. Sự giống nhau này của những người theo phái truyền thống dựa trên tư duy lịch sử và phái hiện đại dựa trên tư duy khoa học thoạt trông có vẻ kỳ lạ bởi hai lý do. Thứ nhất, sự khác biệt trong phương pháp (method) mà họ sử dụng đã che mờ nét tương đồng trong phương pháp luận (methodology) của họ, đó là sự tương đồng của lối tư duy lô gíc mà họ theo đuổi. Thứ hai, các miêu tả khác nhau về đối tượng nghiên cứu của họ càng củng cố cảm giác rằng sự khác nhau về phương pháp chính là một sự khác nhau về phương pháp luận. Phái truyền thống nhấn mạnh sự khác biệt về cấu trúc giữa chính trị quốc tế và chính trị quốc gia, sự khác biệt này vốn bị phái hiện đại phủ nhận. Ở đây sự khác biệt nằm ở chỗ một bên là chính trị được thực hiện trong điều kiện có quy tắc ràng buộc rõ ràng (tức chính trị trong nước – NBT) và một bên là trong điều kiện vô chính phủ (tức chính trị quốc tế – NBT). Ví dụ, Raymond Aron đã chỉ ra đặc tính riêng biệt của chính trị quốc tế nằm trong “sự thiếu vắng một lực lượng tòa án hay cảnh sát, quyền được sử dụng vũ lực, sự đa dạng các trung tâm ra quyết định độc lập với nhau, sự luân phiên liên tục giữa hòa bình và chiến tranh” (1967, tr. 192). Nghiên cứu của J. David Singer về các tiềm năng mô tả, giải thích và dự báo của hai cấp độ phân tích quốc gia và quốc tế lại tương phản với quan điểm trên của Aron (1961). Singer thậm chí còn không nêu được sự khác biệt về môi trường giữa chính trị có tổ chức bên trong quốc gia và chính trị có vẻ vô tổ chức giữa các quốc gia với nhau. Nếu khác biệt môi trường bị bỏ qua hay bác bỏ thì khác biệt về chất giữa chính trị nội địa và quốc tế sẽ biến mất hoặc được xem là không tồn tại. Vậy mà đây chính là kết luận của phái hiện đại. Sự khác nhau giữa hệ thống thế giới và các tiểu hệ thống của nó được cho là không nằm ở điều kiện vô chính phủ của cái đầu tiên và tính tổ chức của cái thứ hai, mà, theo lời Singer, nằm ở sự tồn tại một hệ thống quốc tế “trên và bao phủ trái đất” (1969, tr. 30). Nếu chúng ta chấp nhận quan điểm này thì “vấn đề cấp độ phân tích trong quan hệ quốc tế” sẽ được giải quyết: ta chỉ cần xem vấn đề này như một vấn đề về lựa chọn được thực hiện trên cơ sở lợi ích của người nghiên cứu (1961, tr. 90).
Phái truyền thống không ngừng nhấn mạnh đặc điểm vô chính phủ của chính trị quốc tế như là điểm phân biệt giữa lĩnh vực này với lĩnh vực chính trị nội địa, còn phái hiện đại thì không màng đến điều này. Nếu chúng ta chỉ nghe những gì hai phe nói, hố ngăn cách giữa họ có vẻ rộng lớn. Nếu chúng ta nhìn vào những gì họ làm, [mà] bỏ sang một bên phương pháp của họ, thì cái hố ngăn cách đó dần thu hẹp lại và thậm chí gần như biến mất. Cả hai phái đều có xu hướng thiên về các “cực [đóng vai trò] tiểu hệ thống thống trị”. Cả hai đều chú trọng hành vi của đơn vị. Cả hai đều tập trung tìm hiểu xem ai đang làm cái gì để gây ra sự kiện quốc tế. Khi Aron và các học giả truyền thống khác nhấn mạnh rằng các phạm trù của các nhà lý thuyết cần phù hợp với động cơ và nhận thức của các chủ thể [tức các quốc gia], họ cũng đồng khẳng định lô gic chủ yếu thiên về hành vi mà các nghiên cứu của họ theo đuổi. Hiện đại hay truyền thống thật ra đều cùng được đúc từ một khuôn. Họ đều chia sẻ niềm tin cho rằng có thể giải thích sự kiện chính trị quốc tế bằng cách nghiên cứu hành vi và tương tác giữa quốc gia với các chủ thể khác.
Dễ dàng chỉ ra sự giống nhau giữa hai cách tiếp cận truyền thống và hiện đại. Các nhà nghiên cứu lựa chọn cách tiếp cận từ các đơn vị tương tác mà bỏ qua vai trò của hệ thống sẽ phải bù đắp sự thiếu sót này bằng cách áp đặt các nguyên nhân hệ thống lên cấp độ đơn vị. Hệ quả của việc chuyển các nguyên nhân hệ thống xuống cấp độ đơn vị này vừa mang tính thực tiễn vừa mang tính lý thuyết. Chính trị nội địa khi đó được xem là một vấn đề trực tiếp của chính trị quốc tế. Điều này được thấy rõ vào năm 1973 và sau đó khi “hòa dịu” (détente) trở thành một vấn đề của chính trị Mỹ. Vài người tự hỏi rằng liệu hòa dịu có giúp duy trì sức ép của Mỹ lên các lãnh đạo chính trị Liên Xô khiến họ điều hành đất nước một cách cởi mở hơn không? Không hề bất ngờ, Hans Morgenthau đã làm rõ hơn lập luận này. Ông tuyên bố rằng mối quan tâm của người Mỹ đối với chính trị nội địa của Nga không phải là “can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Thật ra điều này thể hiện rằng một nền hòa bình ổn định, xây dựng trên cơ sở một cân bằng sức mạnh ổn định, phải dựa trên một nền tảng khuôn khổ đạo đức chung thể hiện cam kết của tất cả các nước liên quan đối với một vài nguyên tắc đạo đức căn bản, trong đó có nguyên tắc duy trì cán cân lực lượng hiện tại” (1974, tr. 39). Nếu như chính trị quốc tế được quy định bởi bản chất của các quốc gia, thì chúng ta nên để tâm đến, và khi cần thiết phải tác động để thay đổi, các đặc điểm bên trong của những nước quan trọng trên bình diện quốc tế.
Với vai trò nhà hoạch định chính sách, Ngoại trưởng Henry Kissinger bác bỏ lập luận của Morgenthau. Nhưng với tư cách học giả chính trị, Kissinger lại đồng ý với quan điểm của Morgenthau rằng việc duy trì hòa bình và ổn định quốc tế phụ thuộc vào thái độ và đặc trưng nội tại của quốc gia. Kissinger định nghĩa một trật tự thế giới là “chính thống” nếu được tất cả các cường quốc chính chấp nhận và “cách mạng” nếu một hay nhiều hơn các cường quốc phản đối. Đối lập với trật tự chính thống, một trật tự mang tính cách mạng khi một hoặc nhiều các cường quốc từ chối thỏa hiệp với các cường quốc khác theo luật chơi hiện tại. Đặc tính của một trật tự thế giới phụ thuộc vào đặc điểm của các quốc gia tạo nên trật tự đó. Một trật tự quốc tế chính thống có xu hướng dẫn đến hòa bình và ổn định, còn trật tự mang tính cách mạng thường đem lại bất ổn và chiến tranh. Các quốc gia mang tính cách mạng khiến cho hệ thống quốc tế mang tính cách mạng; một hệ thống cách mạng là hệ thống có chứa một hay nhiều quốc gia cách mạng (Kissinger 1957, tr. 316-320; 1964, tr. 1-6, tr. 145-147; 1968, tr. 899). Đây là lối lập luận vòng vèo, và đương nhiên phải là như vậy. Khi mà hệ thống bị xếp ngang hàng với các đơn vị, số phận của nó chỉ có thể được định đoạt bởi đặc trưng của các đơn vị nổi trội.[1]
Trong số các nhà khoa học chính trị, Morgenthau và Kissinger được xem là các học giả theo trường phái truyền thống – những người có xu hướng thiên về lịch sử và bận tâm đến chính sách hơn là vấn đề phương pháp luận và lý thuyết. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là chung cho tất cả học giả đủ mọi khuynh hướng. Chúng ta đã thấy ở Chương 3 là lập luận của Kaplan tương tự như của Morgenthau, dù rằng lời lẽ của ông, vốn được vay mượn từ lý thuyết hệ thống phổ quát, đã che mờ điều đó. Marion Levy, một nhà xã hội học nghiên cứu chính trị quốc tế, là một ví dụ khác. Ông khẳng định rằng “vấn đề trọng tâm” của chính trị quốc tế là “việc hiện đại hóa các xã hội chậm phát triển một cách tương đối và duy trì hòa bình trong (và giữa) các xã hội hiện đại” (1966, tr. 734).
Lối giải thích từ-trong-ra-ngoài luôn dẫn đến kết cục mà các ví dụ trên đã chỉ ra. Khẳng định của Kissinger cho rằng bất ổn và chiến tranh trên bình diện quốc tế là do sự hiện diện của các nước có tính chất cách mạng cuối cùng cũng dẫn tới kết luận rằng chiến tranh xảy ra là do một vài nước có tính hiếu chiến. Thế nhưng các thể chế cách mạng vẫn có thể tuân thủ quy tắc quốc tế – nói đơn giản là hướng đến cùng tồn tại hòa bình – vì sức ép của bối cảnh bên ngoài vượt quá tham vọng của các nước đó. Một trật tự thế giới mang tính cách mạng vẫn có thể ổn định và hòa bình. Ngược lại, trật tự quốc tế chính thống vẫn có thể bất ổn và tiềm tàng nguy cơ xung đột. Cố gắng của Levy trong việc dự đoán chiều hướng chính trị quốc tế trên cơ sở đặc trưng quốc gia cũng đưa ta đến một kết quả không lấy gì làm ấn tượng như trên. Nói rằng một quốc gia ổn định cần thiết cho một thế giới ổn định thì cũng không khác gì hơn là nói rằng trật tự tồn tại khi hầu hết các nước có trật tự. Tuy nhiên thậm chí nếu mỗi quốc gia đều ổn định, thì hệ thống thế giới có thể vẫn không ổn định. Nếu mỗi quốc gia, dẫu ổn định, chỉ tìm kiếm an ninh và không quan tâm đến các nước láng giềng, tất cả các nước vẫn sẽ không có an ninh; đó là do công cụ bảo đảm an ninh của một nước này chính là mối đe dọa cho an ninh của một nước khác. Ta không thể suy luận được đặc điểm của chính trị quốc tế chỉ từ đặc trưng của các quốc gia, ta cũng không thể nắm rõ chính trị quốc tế bằng cách cộng gộp chính sách đối ngoại và hành vi đối ngoại của các nước.
Những điểm khác biệt giữa phái truyền thống và hiện đại đủ nhiều để che mờ sự giống nhau căn bản của họ. Điểm giống nhau này một khi được chỉ ra thì thật ấn tượng: Các học giả ở cả hai phái đều chứng tỏ mình là người theo thuyết hành vi từ trong xương tủy. Họ đều giải thích sự kiện quốc tế thông qua các đơn vị tương tác trong khi bỏ qua một bên tác động của hoàn cảnh. Sự thống nhất trong cách lập luận này được làm rõ với các ví dụ trong Chương 2 và 3 cùng với các ví dụ trên đây. Veblen và Schumpeter lý giải chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh theo sự phát triển xã hội trong mỗi quốc gia; Hobson và các học trò thì lý giải chúng theo phân bổ kinh tế nội tại. Levy nghĩ rằng quốc gia ổn định thì quốc tế ổn định. Kaplan tuyên bố chính trị thế giới mang tính chất tiểu hệ thống chi phối. Aron cho rằng chất lượng của cực trong hệ thống quan trọng hơn số lượng các cực. Với tư cách học giả, chứ không phải chính trị gia, Kissinger nghĩ rằng quốc gia cách mạng liên quan chặt chẽ đến bất ổn quốc tế và chiến tranh. Vốn đồng ý với học giả Kissinger, Morgenthau cho rằng có thể can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác khi cần thiết cho chính trị quốc tế. Rosecrane giải thích chính trị quốc tế dựa trên mối tương quan giữa điều kiện bên trong và sự kiện bên ngoài và hệ quả phát sinh. Khá nhiều học giả hiện đại dành nhiều thời gian để tính toán hệ số Pearson giữa đại lượng đặc trưng nội tại quốc gia với đại lượng tình hình quốc tế.[2] Kết quả là khá nhiều con số được đưa ra để chỉ mối tương quan ấn tượng giữa điều kiện bên trong và sự kiện bên ngoài, điều mà phái truyền thống cũng thường xuyên nêu lên. Các nghiên cứu chính trị quốc tế áp dụng mô hình giải thích từ-trong-ra-ngoài đều được tiến hành theo lô gíc trên, dù cho phương pháp của từng nghiên cứu là gì đi chăng nữa. Các học giả tự coi là nhà lý thuyết hệ thống hoặc không, và những luận điểm ít hay nhiều có tính khoa học đều đi theo lối tư duy này. Họ đều nghiên cứu chính trị quốc tế từ góc độ đặc điểm quốc gia và tương tác giữa các quốc gia mà bỏ qua mối tương quan giữa vị trí của các quốc gia trong hệ thống. Họ đã phạm phải điều mà C. F. A Pantin gọi là “ảo tưởng nghiên cứu” khi tập trung sức lực vào các chủ thể đơn vị mà quên rằng “các phân bổ trật tự cấp cao hơn cũng đáng được nghiên cứu” (1968, tr. 175).
Ta không thể hiểu được chính trị quốc tế chỉ bằng cách quan sát nội tình các quốc gia. Nếu mục đích, hành động và chính sách quốc gia trở thành điểm cần tập trung chú trọng, khi đó ta bắt buộc phải lui xuống cấp độ mô tả thông thường; và từ cấp độ mô tả thông thường ta không thể rút ra một lý thuyết khái quát hóa thỏa đáng nào. Ta có thể chỉ ra những gì ta nhìn thấy, nhưng không thể nói được chúng có ý nghĩa gì. Mỗi khi ta nghĩ rằng đã nhìn thấy một cái gì đó khác biệt hay mới mẻ, ta lại phải đưa ra một “biến số” cấp đơn vị mới làm nguyên nhân cho điều mới mẻ đó. Nếu hoàn cảnh của chủ thể có tác động lên hành vi và ảnh hưởng lên tương tác giữa chúng thì mọi cố gắng lý giải từ cấp độ đơn vị sẽ làm phát sinh một số lượng biến số khổng lồ, vì ở cấp độ này không biến số hay tập hợp biến số nào đủ sức gây ra sự kiện được xét đến. Những cái-gọi-là biến số này càng sinh sôi nảy nở khi cách tiếp cận đơn vị không thể hiểu được đâu là nguyên nhân chính của vấn đề. Biến số được thêm vào để giải thích cho các sự việc, vấn đề có vẻ khó giải thích. Những gì vốn của cấp độ hệ thống được bù đắp – giả dụ là có thể bù đắp được – bằng các đặc trưng, động cơ, vai trò của từng chủ thể riêng biệt. Kết quả thu được được coi là nguyên nhân, và nguyên nhân đó đến lượt nó lại được gán cho các chủ thể. Thế nhưng, không có một phương thức lô gíc và đáng tin cậy nào để quy các tác động của hệ thống về cho các đơn vị. Vì khi đó cần phải thêm vào các biến số một cách chủ quan tùy theo đánh giá tốt hay xấu của tác giả. Điều này sẽ dẫn tới lượng lập luận vô tận vốn ngay từ đầu đã không thể giải quyết được vấn đề.
Nếu chấp nhận quan điểm của Morgenthau, Kissinger, Levy và những người khác, ta cần phải tin rằng không một nguyên nhân quan trọng nào khác xen vào mối liên hệ giữa mục đích và hành động quốc gia với kết quả mà hành động ấy gây nên. Thế nhưng, trong lịch sử quan hệ quốc tế, hiếm khi nào kết quả cuối cùng lại phù hợp với ý đồ của chủ thể. Tại sao lại như vậy? Câu trả lời rõ ràng là nguyên nhân không nằm tại cấp độ đơn vị mà tồn tại giữa các chủ thể. Mỗi nước quyết định chính sách và hành động dựa trên các quá trình nội tại, nhưng quyết định đấy lại bị tác động bởi sự hiện diện của các nước khác và sự tương tác giữa chúng với nhau. Không thể nói được khi nào và bằng cách nào điều này xảy ra nếu chỉ dựa trên các đơn vị riêng lẻ, trong bối cảnh môi trường tồn tại và tương tác của các quốc gia hạn chế một số hành động này, thúc đẩy một số hành động khác và tác động lên kết quả cuối cùng gây ra bởi hành động của các quốc gia đó.
Giả sử biến đổi trong chính trị quốc tế có liên quan trực tiếp với biến đổi trong các chủ thể, vậy ta giải thích như thế nào khi mà các sự kiện tương tự nhau luôn xảy ra ngay cả khi chủ thể thay đổi? Người nào tự tin cho rằng mình có thể giải thích các thay đổi trong quan hệ quốc tế cũng phải có khả năng giải thích tính liên tục trên trường quốc tế. Chính trị quốc tế nhiều khi được xem như một lĩnh vực đầy rẫy biến cố và biến động, thay đổi nhanh chóng và không đoán định được. Mặc cho có nhiều biến động, tính liên tục trong quan hệ quốc tế thật sự ấn tượng như một mệnh đề có thể được chứng minh bằng nhiều cách. Nếu ta đọc cuốn dã sử First Maccabee[3] và kết hợp với các sự kiện diễn ra trong và sau Thế chiến I, ta sẽ nhận ra có một sự tiếp diễn liên tục trong quan hệ quốc tế. Dù ở thế kỷ thứ 2 hay thế kỷ 20, người Ả rập và người Do thái vẫn đánh nhau giành giật những gì còn sót lại của đế chế phương Bắc, trong khi những nước bên ngoài khu vực thì để tâm quan sát hay can thiệp. Để làm rõ hơn điểm này, ta có thể kể ra lập luận của Hobbes vốn chỉ ra tính thời sự của Thucydides. Ít nổi tiếng hơn, nhưng không kém phần ấn tượng, là luận điểm của Louis J. Halle theo đó Thucydides vẫn đúng trong thời đại nguyên tử và siêu cường (1995, Phần phụ lục). Một dẫn chứng khác, trong hai cuộc chiến tranh thế giới ở thế kỷ này, các nước này đánh các nước kia ở Thế chiến I thì vẫn chính các nước đấy tham chiến chống lại nhau ở Thế chiến II, mặc cho chính trị nội bộ có nhiều biến động giữa hai cuộc chiến tranh. Tính chất chính trị thế giới không hề thay đổi, các mô thức được duy trì, và thậm chí tự lặp lại bất tận. Quan hệ quốc tế hiếm khi thay đổi một cách nhanh chóng về chất lẫn về lượng. Chính trị quốc tế có đặc điểm bền bỉ đáng buồn, đến nỗi mà ta có thể tin rằng không một đơn vị nào đủ khả năng biến đổi môi trường quốc tế vô chính phủ thành một môi trường có trật tự.
Đặc tính vô chính phủ bất biến của chính trị quốc tế giải thích cho sự lặp lại của môi trường quốc tế qua nhiều thiên niên kỷ, vốn là một nhận xét được tán thành rộng rãi. Vậy tại sao đặc điểm bền bỉ này lại bị giản lược đi? Câu trả lời là thông thường sự giản lược đó không bắt nguồn từ chủ ý của nhà nghiên cứu mà từ sai lầm của anh ta. Việc nghiên cứu các đơn vị tương tác với nhau được xem như là cách nghiên cứu đầy đủ, hoàn chỉnh đối tượng và đã bao hàm tất cả mọi thứ có thể bao hàm ở cấp độ đơn vị cũng như cấp độ hệ thống. Một vài nhà khoa học chính trị tuyên bố rằng cách tiếp cận hệ thống tập trung chú ý vào khía cạnh quan hệ của chính trị quốc tế. Tuy nhiên các quốc gia vẫn luôn là đối tượng nghiên cứu. Người khác cho rằng để bổ sung vào phân tích ở cấp độ quốc gia, ta chỉ cần nghiên cứu các chủ thể phi quốc gia. Có thể đối tượng này cần nghiên cứu, nhưng có làm như vậy thì chúng ta vẫn ở tại cấp độ đơn vị hoặc thấp hơn. Sự tương tác chỉ xảy ra ở cấp độ đơn vị chứ không trên tầm hệ thống. Cũng như kết quả của hành vi quốc gia, hệ quả của tương tác không thể nắm bắt hay đoán định được nếu không có hiểu biết về môi trường trong đó tương tác xảy ra. Các tương tác không thường xuyên giữa các quốc gia, ví dụ, có thể quan trọng hơn các tương tác hàng ngày. Vận mệnh hai quốc gia có quan hệ kinh tế và du lịch không sâu sắc vẫn có thể gắn kết chặt chẽ với nhau. Chúng ta biết rằng điều này đúng với Mỹ và Liên Xô. Chúng ta không thể đi đến kết luận này nếu chỉ đong đếm số lượng trao đổi và giao dịch qua lại. Điều này cũng không có nghĩa là phương pháp đo lường không có ý nghĩa gì, nó chỉ muốn nói rằng kết luận về tính chất chính trị quốc tế không thể suy ra được từ số liệu về mối quan hệ chính thức và không chính thức giữa các quốc gia. Trên thực tế, chúng ta thường suy luận theo chiều ngược lại. Ví dụ, chúng ta nói rằng Mỹ và Liên Xô, hay Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc, có quan hệ chặt chẽ với nhau vì chúng ta tin rằng một hành động riêng lẻ của mỗi nước tác động mạnh mẽ lên cả hai hay cả ba, mặc cho ta có thể quan sát mối tương tác và đong đếm được các giao dịch hay không. Chúng ta đã không mắc phải sai lầm ngớ ngẩn là cho rằng số lượng tương tác ít ỏi quan sát được giữa một vài quốc gia nói lên tính không quan trọng của mối quan hệ giữa chúng.
Thất bại lặp đi lặp lại khi ta cố gắng giải thích quan hệ quốc tế bằng công thức từ-trong-ra-ngoài. Ví dụ như các nguyên nhân đa dạng của chiến tranh mà các học gia phát hiện được. Hình thái chính phủ, hệ thống kinh tế, thể chế xã hội, lý tưởng chính trị: đấy chỉ là một vài ví dụ về nguyên nhân của chiến tranh. Mà chúng ta đã biết rằng các nước với tất cả các loại thể chế kinh tế, truyền thống xã hội và lý tưởng chính trị có thể tưởng tượng ra đều đánh nhau. Ấn tượng hơn nữa là, nhiều hình thức tổ chức chính trị khác nhau đều gây chiến, cho dù đó là bộ lạc, vương quốc, đế chế, quốc gia – dân tộc hay băng đảng đường phố đi chăng nữa. Nếu như một điều kiện ban đầu được cho là đã gây ra một cuộc chiến tranh nào đó, thì ta cần phải tự hỏi tại sao chiến tranh vẫn tiếp diễn dù cho điều kiện đó có thay đổi. Thay đổi trong tính chất của đơn vị không liên quan trực tiếp với kết quả hành vi của chúng, và thay đổi trong mẫu hình tương tác cũng không. Ví dụ, nhiều người cho rằng Thế chiến I bị gây ra bởi tương tác giữa hai liên minh cân bằng và đối lập nhau. Thế nhưng nhiều người khác lại cho rằng Thế chiến II có nguyên nhân là do sự thất bại của một số nước trong việc cân bằng cán cân sức mạnh bằng cách liên minh với nhau chống lại một liên minh khác đang hình thành.
II.
III.
IV.
Download phần còn lại của văn bản tại đây: Ly thuyet gian luoc va ly thuyet he thong.pdf
—-
[1] Những gì Kissinger học được trong vai trò chính trị gia lại khác biệt rất lớn so với những kết luận của ông trong vai trò học giả. Có nhiều tuyên bố thể hiện lập trường của ông, nhưng chỉ cần một ví dụ là đủ. Trong buổi phỏng vấn khi còn là Ngoại trưởng với William F. Buckley, Kissinger nêu rõ: “Xã hội cộng sản, xét cấu trúc nội tại, là không thể chấp nhận được đối với chúng ta về mặt đạo đức.” Dù rằng lý tưởng của chúng ta và của họ không thể tương thích với nhau, trong thực tiễn chúng ta vẫn có thể thi hành được các biện pháp duy trì hòa bình trong chính sách đối ngoại. Thật vậy, chúng ta cần “tránh xa ảo tưởng rằng tiến bộ trên một vài vấn đề đối ngoại…có nghĩa là đã có một vài đổi thay trong cấu trúc nội tại” 13/9/1975, tr. 5).
Mối liên hệ giữa đặc điểm bên trong và sự kiện bên ngoài không được xem là không thể phá vỡ. Điều kiện và cam kết bên trong không còn quy định tính chất của đời sống quốc tế.
[2] Trong thống kê, hệ số Pearson (P) dùng để chỉ quan hệ phụ thuộc giữa X và Y, theo đó hệ số Pearson sẽ có giá trị từ -1 đến 1, với P = -1 thì X và Y tỷ lệ nghịch với nhau, P = 0 thì X và Y không phụ thuộc vào nhau, P = 1 thì X và Y tỷ lệ thuận với nhau [ND]
[3] First Maccabees: quyển 1 trong bộ sách lịch sử kể về cuộc nổi dậy của người Do thái dưới sự lãnh đạo của Maccabee để lập nên Vương quốc Do thái đầu tiên. Bộ sách này được công nhận là thánh điển bởi Nhà thờ Công giáo, ngoại trừ đạo Tin lành [ND].