#18 – Chủ nghĩa hiện thực cấu trúc sau Chiến tranh Lạnh

Print Friendly, PDF & Email

missiles

Nguồn: Waltz, Kenneth N. (2000). “Structural Realism after the Cold War”, International Security, Vol. 25, No. 1. (Summer, 2000), pp. 5-41.

Biên dịch: Lưu Bảo Nam Dung | Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Như Thanh

Một bộ phận các nhà nghiên cứu chính trị quốc tế tin rằng chủ nghĩa hiện thực đã trở nên lỗi thời.[1] Theo họ, mặc dù các khái niệm của chủ nghĩa hiện thực về tình trạng vô chính phủ, nguyên tắc tự cứu và cân bằng quyền lực có thể phù hợp trong quá khứ nhưng nay đã bị thay thế do tình hình thay đổi và bị áp đảo bởi các tư tưởng tốt hơn. Thời đại mới cần những tư tưởng mới. Tình hình chuyển biến yêu cầu các lý thuyết hoặc phải được xem xét lại hoặc phải được thay thế bởi những lý thuyết hoàn toàn khác.

Điều này là hoàn toàn đúng, nếu tình hình đã thay đổi thì lý thuyết dùng để giải thích nó không còn áp dụng được nữa. Nhưng những kiểu thay đổi nào có thể chuyển biến hệ thống chính trị quốc tế một cách sâu sắc đến nỗi mà những lối tư duy cũ không còn phù hợp nữa? Những thay đổi của hệ thống sẽ làm được điều đó, những thay đổi trong hệ thống thì không. Những thay đổi bên trong hệ thống luôn diễn ra, trong đó một số quan trọng, một số khác thì không. Chẳng hạn, những thay đổi lớn về phương tiện vận chuyển, truyền thông và chiến tranh ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách các quốc gia và các chủ thể khác tương tác với nhau. Những thay đổi như vậy xảy ra ở cấp độ đơn vị. Trong lịch sử hiện đại, hay có lẽ xuyên suốt chiều dài lịch sử, sự ra đời của vũ khí hạt nhân là thay đổi lớn lao nhất [trong số các thay đổi bên trong hệ thống]. Tuy nhiên trong kỷ nguyên hạt nhân, nền chính trị quốc tế vẫn là một môi trường tự cứu. Vũ khí hạt nhân thay đổi cách một vài quốc gia tự bảo đảm an ninh của chính mình và có thể là cho quốc gia khác, nhưng vũ khí hạt nhân chưa thay đổi cấu trúc vô chính phủ của hệ thống chính trị quốc tế.

Những thay đổi trong cấu trúc của hệ thống là hoàn toàn khác với những thay đổi ở cấp độ đơn vị. Vì thế, những thay đổi về “cực” cũng ảnh hưởng cách các quốc gia tự bảo vệ chính mình. Những thay đổi lớn diễn ra khi số lượng các siêu cường giảm xuống còn hai hoặc một. Nếu có nhiều hơn hai siêu cường, các quốc gia bảo đảm an ninh của bản thân dựa vào chính nguồn lực bên trong và dựa vào liên minh giữa chúng và các quốc gia khác. Sự cạnh tranh trong hệ thống đa cực phức tạp hơn trong hệ thống hai cực bởi vì khi số lượng các quốc gia tăng lên thì sự không chắc chắn về so sánh lực lượng giữa các quốc gia cũng tăng theo, và bởi vì sẽ rất khó để ước lượng mức độ gắn kết và sức mạnh của các liên minh.

Những thay đổi về vũ khí và về cực là những thay đổi lớn, kéo theo sự phân mảnh trên toàn hệ thống, nhưng chúng vẫn không làm biến đổi nó. Nếu như hệ thống đã thay đổi, nền chính trị quốc tế sẽ không còn là nền chính trị quốc tế nữa, và quá khứ sẽ không còn dẫn đường cho tương lai. Chúng ta nên bắt đầu gọi nền chính trị quốc tế bằng một cái tên khác, như một vài người đã làm. Chẳng hạn những thuật ngữ “nền chính trị thế giới” hay “nền chính trị toàn cầu” cho thấy nền chính trị giữa các quốc gia vị kỷ vốn chỉ quan tâm đến an ninh của mình đã bị thay thế bởi một kiểu chính trị khác hoặc không có nền chính trị nào cả.

Chúng ta có thể tự hỏi những thay đổi nào có thể biến đổi hoàn toàn chính trị quốc tế như vậy? Câu trả lời phổ biến là nền chính trị quốc tế đang thay đổi và chủ nghĩa hiện thực đang trở nên lỗi thời khi nền dân chủ đang gia tăng sự ảnh hưởng, khi sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng lên, và khi các thể chế làm cho con đường đạt đến hoà bình bằng phẳng hơn. Tôi sẽ xét đến các điểm này trong những phần tiếp theo. Phần thứ tư sẽ giải thích vì sao chủ nghĩa hiện thực vẫn còn duy trì khả năng lý giải sau Chiến tranh Lạnh.

Dân chủ và Hoà bình

Chiến tranh Lạnh kết thúc diễn ra cùng lúc với cái nhiều người gọi là làn sóng dân chủ mới. Xu hướng dân chủ cùng với sự tái khám phá của Michael Doyle về cách cư xử hoà bình giữa các quốc gia dân chủ tự do với nhau đã ủng hộ mạnh mẽ cho niềm tin rằng chiến tranh đã không còn được sử dụng, nếu không muốn nói là lỗi thời, giữa các nước công nghiệp phát triển trên thế giới.[2]

Luận điểm về nền hoà bình nhờ dân chủ cho rằng các nền dân chủ không gây chiến lẫn nhau. Ở đây tôi nói là “luận điểm”, chứ không phải là “lý thuyết” [thesis theory]. Niềm tin trong đó các nền dân chủ hình thành nên một khu vực hoà bình được dựa trên mối tương quan cao độ giữa thể chế nhà nước với tình hình quốc tế. Francis Fukuyama cho rằng mối tương quan này là hoàn hảo: chưa bao giờ có một nước dân chủ nào gây chiến với một nước dân chủ khác. Theo Jack Levy thì đây là “thứ gần với một quy luật thực nghiệm nhất mà chúng ta có khi nghiên cứu quan hệ quốc tế”.[3] Nhưng nếu đúng là hòa bình tồn tại giữa các nước dân chủ thì ở đây chúng ta không có một lý thuyết mà là một thực tế cần được giải thích. Sự giải thích nhìn chung được đưa ra theo hướng này: Các nền dân chủ “đúng đắn” (ví dụ dân chủ tự do) tồn tại hoà bình trong mối quan hệ với một nền dân chủ khác. Đây cũng là quan điểm của Immanuel Kant. Thuật ngữ mà ông ấy dùng là Rechtsstaat hay là Cộng hoà, và định nghĩa của ông về nền cộng hoà chặt chẽ đến mức rất khó để tin rằng một kiểu cộng hoà như thế có thể xuất hiện chứ đừng nói hai hoặc nhiều hơn thế.[4] Và nếu như chúng có tồn tại, ai có thể nói rằng chúng sẽ tiếp tục là nền cộng hoà “đúng đắn” như vậy hay thậm chí vẫn tiếp tục là một nền dân chủ? Sự tồn tại ngắn ngủi và đáng buồn của Cộng hoà Weimar [chính thể Đức từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đến trước khi Hitler lên nắm quyền] là một lời nhắc nhở. Và làm sao ta có thể định nghĩa thế nào là một nền dân chủ đúng đắn? Vài học giả Hoa Kỳ cho rằng nước Đức dưới thời Wilhelm là hình mẫu của một nhà nước dân chủ hiện đại với quyền bầu cử được phổ biến rộng rãi, bầu cử tự do và đáng tin cậy, cơ quan lập pháp có quyền kiểm soát ngân sách, cạnh tranh đa đảng, tự do ngôn luận và bộ máy công quyền có năng lực cao.[5] Nhưng theo quan điểm của Pháp, Anh và Hoa Kỳ sau tháng 8 năm 1914, Đức đã không còn là một nền dân chủ “đúng đắn”. John Owen đã cố gắng giải thích vấn đề về định nghĩa này bằng cách lập luận rằng những nước nào thừa nhận lẫn nhau là các nền dân chủ tự do thì sẽ không gây chiến lẫn nhau.[6] Điều này thật ra lại còn phức tạp hóa vấn đề thêm. Các nước dân chủ tự do có những thời điểm chuẩn bị gây chiến với các quốc gia dân chủ tự do khác và cũng có lúc gần đi đến chiến tranh. Christopher Layne chỉ ra rằng vài cuộc chiến tranh giữa các quốc gia dân chủ được ngăn chặn không phải vì sự ngần ngại của các quốc gia này khi phải đánh nhau mà vì mối lo ngại đối với một bên thứ ba, một quan điểm hiện thực đúng đắn. Chẳng hạn, làm sao Anh và Pháp lại tranh chấp Fashoda vào năm 1898 trong khi Đức rình rập ở đằng sau? Khi nhấn mạnh rằng các lý do thuộc cấu trúc chính trị quốc tế khiến các nền dân chủ không đánh lẫn nhau, Layne đã đi đến trọng tâm của vấn đề.[7] Hình thái chính trị tương tự nhau giữa các quốc gia có thể loại trừ một vài nguyên nhân gây ra chiến tranh, nhưng không phải tất cả. Luận điểm hoà bình nhờ dân chủ sẽ thỏa đáng chỉ khi tất cả nguyên nhân dẫn đến chiến tranh đều nằm bên trong các quốc gia.

CÁC NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN CHIẾN TRANH

Giải thích nguyên nhân dẫn đến các cuộc chiến tranh luôn dễ dàng hơn việc hiểu được điều kiện của nền hoà bình. Nếu một người hỏi điều gì gây ra chiến tranh thì câu trả lời đơn giản là “bất cứ điều gì”. Còn đây là câu trả lời của Kant: tình trạng tự nhiên là tình trạng chiến tranh. Chiến tranh diễn ra trong môi trường chính trị quốc tế, cách chắc chắn nhất để loại bỏ chiến tranh là loại bỏ chính trị quốc tế.

Trong nhiều thế kỷ, người theo chủ nghĩa tự do đã thể hiện mong ước mạnh mẽ trong việc tách chính trị ra khỏi chính trị. Hình mẫu lý tưởng của những nhà chủ nghĩa tự do thể kỷ 19 là “nhà nước cảnh sát”, một nhà nước chỉ có nhiệm vụ bắt giữ tội phạm và đảm bảo thi hành các hợp đồng. Hình mẫu lý tưởng về nhà nước laissez-faire [không can thiệp] được nhiều nhà nghiên cứu chính trị quốc tế ủng hộ với khao khát tách quyền lực ra khỏi chính trị quyền lực, tách quốc gia khỏi chính trị quốc tế, tách sự phụ thuộc khỏi sự phụ thuộc lẫn nhau, tách tính chất tương đối ra khỏi lợi ích tương đối, tách chính trị khỏi chính trị quốc tế và tách cấu trúc ra khỏi lý thuyết cấu trúc.

Những người ủng hộ luận điểm hoà bình nhờ dân chủ phát biểu như thể sự phổ biến nền dân chủ sẽ xóa bỏ được tác động của tình trạng vô chính phủ. Sẽ không có nguyên nhân xung đột và chiến tranh nào còn nằm ở cấp độ cấu trúc. Francis Fukuyama cho rằng “hoàn toàn có thể tưởng tượng hệ thống quốc gia vô chính phủ mà trong đó các nước lại chung sống hoà bình với nhau”. Ông nhận thấy không có lý do gì để liên hệ tình trạng vô chính phủ với chiến tranh. Bruce Russett tin rằng với một số lượng vừa đủ các nước dân chủ trên thế giới thì “một phần nào đó đã có thể loại bỏ các nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực (như tình trạng vô chính phủ, tiến thoái lưỡng nan về an ninh giữa các quốc gia) từng thống trị thực tiễn… ít nhất là từ thế kỷ 17”.[8] Như vậy cấu trúc đã bị tách rời khỏi lý thuyết cấu trúc. Các nước dân chủ sẽ rất tự tin vào tác động gìn giữ hoà bình của nền dân chủ đến nỗi họ không còn sợ một quốc gia khác gây hại cho mình, miễn sao hộ vẫn duy trì nền dân chủ của mình là được. Sự bảo đảm cho cách hành xử đúng đắn với bên ngoài của một quốc gia xuất phát từ bản chất đáng ngưỡng mộ bên trong của quốc gia đó.

Đây là một kết luận mà Kant sẽ không ủng hộ. Các nhà lịch sử Đức giai đoạn cuối thế kỷ 19 đã tự hỏi có hay không việc các quốc gia khao khát hoà bình được xây dựng và phát triển khi mà những nguy hiểm bên ngoài cứ tác động hàng ngày.[9] Trước đó một thế kỷ, Kant cũng đã lo lắng về điều này. Đề xuất thứ bảy của ông trong cuốn “Những nguyên lý về Trật tự chính trị” khẳng định rằng việc hình thành một trật tự thích hợp ở bên trong [quốc gia] bản thân nó yêu cầu một trật tự đúng đắn các mối quan hệ bên ngoài của các quốc gia. Nhiệm vụ đầu tiên của quốc gia là tự phòng vệ, và bên ngoài trật tự pháp luật không ai khác ngoài quốc gia có thể xác định những hành động cần thiết cho bản thân mình. Kant viết, “Sự tổn thương của một nước yếu có thể bắt đầu xuất hiện chỉ bởi sự hiện diện của một nước láng giềng mạnh hơn, ngay cả trước khi có bất cứ hành động nào; và trong tình trạng tự nhiên, một cuộc tấn công dưới những điều kiện như vậy là chắc chắn”.[10] Trong tình trạng tự nhiên không hề tồn tại khái niệm chiến tranh phi nghĩa.

Mọi nhà nghiên cứu chính trị quốc tế đều nhận thức được rằng dữ liệu thống kê hỗ trợ cho luận điểm hoà bình nhờ dân chủ. Sau David Hume mọi người ít nhất cũng đã biết rằng chẳng có lý do gì để chúng ta tin rằng sự kết hợp các sự kiện cho phép suy luận ra sự tồn tại của một mối quan hệ nhân quả. John Mueller có thể lập luận rằng không phải nền dân chủ tạo nên hoà bình mà những điều kiện nào đó tạo nên cả dân chủ và hoà bình.[11] Một số nước dân chủ lớn – Anh trong thế kỷ 19 và Mỹ trong thế kỷ 20 – là một trong những siêu cường trong kỷ nguyên của mình. Các cường quốc thường đạt được mục đích của mình bằng con đường hoà bình trong khi những quốc gia yếu hơn hoặc không đạt được các mục đích của mình một cách hòa bình hoặc phải dùng tới chiến tranh (để đạt được mục đích đó).[12] Vì vậy chính phủ Mỹ cho rằng tổng thống được bầu chọn một cách dân chủ Juan Bosch của Cộng hoà Dominica là không đủ năng lực để mang lại trật tự cho đất nước. Mỹ đã lật đổ chính phủ của ông ta bằng cách gởi 23.000 quân đến nước này trong vòng một tuần. Thậm chí sự hiện diện của đội quân này khiến cho việc chiến đấu lại là điều không cần thiết. Tổng thống Chile, Salvador Allende, cũng đã bị làm cho suy yếu một cách có hệ thống và hiệu quả bởi chính phủ Mỹ mà không cần đến vũ lực vì các nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng chính phủ Chile đang rẽ theo một hướng hoàn toàn sai lầm. Như Henry Kissinger đã nói: “Tôi không hiểu vì sao chúng ta lại phải đứng yên và chấp nhận một đất nước đi theo con đường cộng sản chủ nghĩa bởi sự vô trách nhiệm của dân chúng của chính đất nước đó”.[13] Đó là cách các nền dân chủ vận hành – dân chủ có thể đưa ra những phán xét sai lầm. Những nền dân chủ “ương bướng” đang đặc biệt thu hút sự can thiệp từ các nền dân chủ khác vốn mong muốn “cứu rỗi” chúng. Chính sách của Mỹ có thể khôn khéo trong cả hai trường hợp, nhưng hành động của nó lại khiến người ta nghi ngờ luận điểm hoà bình nhờ dân chủ. Tương tự là những ví dụ về việc một nền dân chủ này gây chiến với một nền dân chủ khác,[14] hay khi các quốc hội được bầu lên một cách dân chủ lại kêu gọi chiến tranh như ở Pakistan và Jordan.

Dĩ nhiên ta có thể nói rằng: thế nhưng Cộng hoà Dominica và Chile không phải là những nước dân chủ tự do hay không được Mỹ công nhận là nước dân chủ tự do. Một khi bắt đầu biện hộ như vậy thì chẳng thể nào dừng lại được. Vấn đề càng trở nên phức tạp bởi vì khi các nước dân chủ tự do chuẩn bị chiến tranh, các nước này bắt đầu ít dân chủ đi và càng ít hơn khi cuộc chiến thực sự nổ ra. Về hình thức mà nói luận điểm về nền hòa bình dân chủ là không thể bác bỏ, vì rằng một quốc gia dân chủ tự do gây chiến với một quốc gia khác thì không còn được gọi là quốc gia dân chủ tự do nữa.

Các nền dân chủ có thể cùng tồn tại hoà bình với các nền dân chủ khác, nhưng ngay cả khi tất cả các nước trở thành nhà nước dân chủ thì cấu trúc của nền chính trị quốc tế vẫn là vô chính phủ. Cấu trúc chính trị quốc tế không bị biến chuyển bởi những sự thay đổi bên trong của các quốc gia, tuy rằng các thay đổi nội tại này có phổ biến đến đâu chăng nữa. Không có quyền lực siêu quốc gia, một nước không thể chắc chắn rằng bạn bè hôm nay sẽ không trở thành kẻ thù vào ngày mai. Thật ra đã có những thời điểm các quốc gia dân chủ cư xử theo cách như thể các nước dân chủ khác của hôm nay là kẻ thù hiện tại và là mối đe doạ đối với họ. Trong Luận cương Liên bang số 6, Alexander Hamilton tự hỏi liệu 13 bang của Liên bang có thể chung sống hoà bình như các nền cộng hoà tự do được không. Ông trả lời rằng “số lượng các cuộc chiến tranh giữa các dân tộc tự do hầu như bằng với số lượng cuộc chiến giữa các hoàng tộc.”. Ông viện dẫn nhiều cuộc chiến giữa các nền Cộng hoà Sparta, Athens, Rome, Carthage, Venice, Hà Lan và Anh. John Quincy Adams phản bác lại nhận định của James Monroe và nhấn mạnh rằng “chính phủ của một nền cộng hoà cũng có khả năng “mị dân” với các nhà lãnh đạo của dân chúng tự do như các nước quân chủ láng giềng”[15]. Vào nửa sau của thế kỷ 19, khi Mỹ và Anh trở nên dân chủ hơn, sự bất đồng giữa hai nước càng gia tăng và nguy cơ chiến tranh lại càng được ấp ủ bởi hai bờ Đại Tây Dương. Pháp và Anh cũng nằm trong số những đối thủ chính của chính trị cường quyền vào thế kỷ 19, giống như họ đã từng trong quá khứ. Việc trở thành các quốc gia dân chủ không làm thay đổi thái độ của họ với nhau. Năm 1914, nước Anh và nước Pháp dân chủ đánh nhau với nước Đức dân chủ, và những nghi ngờ về bản chất dân chủ của nước Đức minh hoạ cho vấn đề định nghĩa nền dân chủ đã nêu ở trên. Thật ra, nền dân chủ đa nguyên của Đức chính là nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến tranh. Để đáp ứng lợi ích trong nước, Đức đã theo đuổi một chính sách đe doạ cả Anh và Nga. Và ngày nay nếu có một cuộc chiến vốn khiến vài người lo sợ nổ ra giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, nhiều người Mỹ sẽ nói rằng Nhật không hề là một nước dân chủ mà chỉ là một nhà nước độc Đảng.

Từ đó chúng ta có thể rút ra kết luận gì? Chúng ta có thể nói rằng nền dân chủ hiếm khi đánh nhau, tuy nhiên rõ ràng bản chất ưu việt của các quốc gia là một nền tảng không mấy chắc chắn của hoà bình.

NHỮNG CUỘC CHIẾN TRANH DÂN CHỦ

Các quốc gia dân chủ cùng tồn tại với các quốc gia không dân chủ. Mặc dù các nước dân chủ hiếm khi đánh lẫn nhau nhưng ít nhất cũng cùng nhau tham gia đánh lại những nước khác như Michael Doyle đã từng nói.[16] Công dân của các nước này có xu hướng nghĩ rằng đất nước của họ là tốt đẹp, không cần biết những việc họ đã làm, đơn giản bởi vì họ là nước dân chủ. Vì thế cựu Ngoại trưởng Warren Christopher đã từng cho rằng “các quốc gia dân chủ hiếm khi phát động chiến tranh hoặc đe doạ các nước láng giềng”.[17] Một người có thể nói rằng ông ta hãy thử áp dụng quan điểm của mình ở Trung và Nam Mỹ. Công dân của các nước dân chủ cũng có xu hướng nghĩ rằng các nước không dân chủ là xấu xa, không cần biết những việc họ đã làm, đơn giản vì họ là nước không dân chủ. Các nền dân chủ thúc đẩy chiến tranh bởi vì có nhiều lúc các nước này quyết định rằng con đường duy trì hoà bình là đánh bại các nước phi dân chủ và làm cho nó trở nên dân chủ.

Trong suốt Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Đại sứ Mỹ tại Anh Walter Hines Page cho rằng “không tồn tại an ninh ở bất cứ đâu trên thế giới nơi mà con người không thể nghĩ về một chính quyền mà không phải do vua đứng đầu và sẽ chẳng bao giờ có [an ninh ở đó].” Trong chiến tranh Việt Nam, Ngoại trưởng Dean Rusk cho rằng “Hoa Kỳ không thể đảm bảo về an ninh cho đến khi toàn bộ môi trường quốc tế thật sự an toàn về hệ tư tưởng.”[18] Ngoài chính sách ra thì ngay chính sự tồn tại của các quốc gia phi dân chủ cũng là một mối nguy hiểm đối với các quốc gia khác. Những nhà lãnh đạo chính trị và trí thức Hoa Kỳ cũng đồng quan điểm này. Chủ nghĩa can thiệp tự do lại một lần nữa trỗi dậy. Tổng thống Bill Clinton và cố vấn an ninh quốc gia Anthony Lake đã thúc giục Mỹ hành động để tăng cường dân chủ trên toàn thế giới. Một nhiệm vụ mà có người e ngại là sẽ được thực hiện bởi quân đội Mỹ với sự hào hứng nhất định. Cựu Tham mưu trưởng lục quân Hoa Kỳ, Tướng Gordon Sullivan ưa chuộng một “hình mẫu” quân đội mới, thay thế mục đích ngăn chặn bị động bằng một mục đích chủ động hơn là “để thúc đẩy dân chủ, ổn định khu vực và phát triển kinh tế”.[19] Nhiều ý kiến khác thúc giục chúng ta bước vào “cuộc tranh đấu đảm bảo con người được cai trị một cách đúng đắn”. Giải quyết một cách rõ ràng vấn đề công lý tại quê nhà, “cuộc đấu tranh cho nhà nước tự do trở thành cuộc đấu tranh không chỉ đơn thuần cho công lý mà còn cho cả sự sinh tồn”.[20] R.H. Tawney cho rằng: “Hoặc chiến tranh là một cuộc thập tự chinh, hoặc là một tội ác”.[21] Những cuộc thập tự chinh thật sự đáng sợ bởi vì quân thập tự bước vào cuộc chiến với những lý tưởng chân chính của họ và tìm cách áp đặt lên người khác. Người ta có thể hy vọng người Mỹ sẽ học được một điều là họ không giỏi trong việc mang dân chủ ra nước ngoài. Thế nhưng nếu như thế giới có thể trở nên an toàn cho dân chủ, chỉ bằng cách làm cho nó dân chủ hơn thì tất cả các phương tiện đều được chấp thuận và việc sử dụng chúng trở thành một nghĩa vụ. Lòng ham muốn chiến tranh của con người và những người đại diện cho họ rất khó kiểm soát. Vì vậy Hans Morgenthau tin rằng “sự lựa chọn dân chủ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đã huỷ diệt đạo đức quốc tế vốn đóng vai trò của một hệ thống kiềm chế hiệu quả”[22].

Vì, như Kant tin tưởng, chiến tranh giữa các quốc gia tự chủ thỉnh thoảng sẽ nổ ra, nên hoà bình phải được kiến tạo. Đối với bất cứ chính phủ nào thì làm như vậy cũng là một nhiệm vụ khó khăn và hầu hết các quốc gia đều không đủ năng lực để hoàn thành nó, ngay cả nếu họ có muốn đi nữa. Các nhà lãnh đạo dân chủ có thể đáp ứng sự ham muốn chiến tranh từ người dân hoặc thậm chí là khơi dậy nó, và chính phủ nhiều khi bị hạn chế bởi các toan tính bầu cử nên trì hoãn các biện pháp phòng ngừa [chiến tranh]. Vì vậy Thủ tướng Anh Stanley Baldwin đã nói nếu ông kêu gọi tái vũ trang nhằm chống lại mối đe dọa của nước Đức thì Đảng của ông sẽ thua trong cuộc bầu cử tiếp theo.[23] Các nhà nước dân chủ có thể đáp ứng lại những yêu cầu chính trị trong nước, trong khi họ lẽ ra nên phản ứng với các vấn đề từ bên ngoài. Tất cả các chính phủ đều có sai lầm của mình, các nền dân chủ thì có ít hơn, nhưng vẫn không đủ tốt để làm nền tảng cho luận điểm hoà bình nhờ dân chủ.

Ý nghĩ hoà bình có thể chiếm ưu thế trong các nước dân chủ là một điều an ủi. Trái lại ý kiến cho rằng các nước dân chủ có thể thúc đẩy chiến tranh chống lại các nước phi dân chủ lại gây lo ngại. Nếu ý kiến sau đúng, chúng ta thậm chí không thể chắc chắn được sự truyền bá của dân chủ có làm giảm số lượng các cuộc chiến tranh trên thế giới đi không.

Với một nền cộng hoà được thiết lập ở một nước mạnh, Kant hy vọng hình mẫu cộng hoà sẽ dần thống lĩnh thế giới. Năm 1795, Mỹ đã làm dấy lên hy vọng này. Đáng kinh ngạc sao, hai trăm năm sau, niềm hy vọng này vẫn tồn tại. Kể từ khi những người theo chủ nghĩa tự do lần đầu nêu quan điểm của mình, họ đã bắt đầu chia rẽ. Vài người thúc giục các nước tự do nâng đỡ những con người sống lầm than và mang lại lợi ích của tự do, công lý và thịnh vượng cho họ. John Stuart Mill, Giuseppe Mazzini, Woodrow Wilson và Bill Clinton đều là những người theo chủ nghĩa can thiệp tự do như vậy. Những người theo chủ nghĩa tự do khác như Kant và Richard Cobden trong khi đồng ý về những lợi ích mà nền dân chủ có thể mang lại cho thế giới, cũng đã nhấn mạnh những khó khăn và nguy hiểm của việc truyền bá tự do.

Nếu thế giới ngày nay đã an toàn cho nền dân chủ thì ta phải tự hỏi nền dân chủ đã an toàn cho thế giới chưa. Khi dân chủ đang phát triển lớn mạnh và đã giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh nóng và lạnh trong thế kỷ 20, tinh thần chủ nghĩa can thiệp tự do lan rộng. Tác động ngày càng lớn khi một nước dân chủ trở thành kẻ thống trị, như Mỹ bây giờ. Hoà bình là nguyên nhân cao quý nhất của chiến tranh. Nếu những điều kiện của hoà bình chưa có, thì một nước với tiềm lực đủ tạo ra các điều kiện cho hòa bình có thể bị thúc đẩy làm việc đó, có thể bằng vũ lực hoặc không. Mục đích có thể cao quý, nhưng xét về chủ quyền thì, như Kant khẳng định, không một quốc gia nào có thể can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Xét về thực tế, ta có thể nhận ra rằng, sự can thiệp, ngay cả vì mục đích tốt đẹp, cũng thường mang lại nhiều thiệt hại hơn là tốt lành. Thói xấu mà các siêu cường dễ phạm phải trong một thế giới đa cực là sự thờ ơ; trong thế giới hai cực là phản ứng thái quá; trong thế giới một cực là sự bành trướng.

Hoà bình được duy trì bằng một sự cân bằng tinh tế giữa những yếu tố kiềm chế bên trong và bên ngoài. Những nước thặng dư quyền lực mong muốn sử dụng cân bằng quyền lực này và những nước yếu hơn lại sợ các nước mạnh làm điều đó. Những luật lệ của các liên hiệp tình nguyện, theo ngôn ngữ của Kant, bị xem thường theo ý thích của kẻ mạnh, Mỹ đã minh chứng điều này cách đây một thập niên bằng cách khai quặng trên các vùng biển của Nicaragua và xâm lược Panama. Trong cả hai trường hợp này, Mỹ đều ngang nhiên vi phạm luật pháp quốc tế. Trong trường hợp thứ nhất, Mỹ từ chối thẩm quyền của Toà án Quốc tế mà trước đây nước này đã chấp nhận. Trong trường hợp thứ hai, nước này lại lạm dụng điều luật được quy định trong Hiến chương Tổ chức các quốc gia châu Mỹ mà Hoa Kỳlà nhà tài trợ chính.

Nếu luận điểm hoà bình nhờ dân chủ là đúng thì lý thuyết hiện thực cấu trúc là sai. Người ta có thể đồng ý với Kant rằng nhìn chung các nước cộng hòa là tốt và rằng quyền lực không được cân bằng là mối nguy hiểm bất kể ai sử dụng nó. Bên trong lẫn ngoài cộng đồng các quốc gia dân chủ, hoà bình vẫn phụ thuộc vào sự cân bằng lực lượng vốn không chắc chắn. Các nguyên nhân gây ra chiến tranh không đơn giản là nằm ở cấp độ quốc gia hoặc hệ thống quốc gia; chúng được tìm thấy ở cả hai nơi này. Kant hiểu được điều đó. Tín đồ của luận điểm hoà bình nhờ dân chủ lại không nắm được điều này.

Những tác động yếu ớt của sự phụ thuộc lẫn nhau

Nếu không phải vì một mình dân chủ, liệu sự phổ biến dân chủ cùng với việc sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia gia tăng có thể mang lại nền hoà bình mà những người theo chủ nghĩa tự do đề cập vào thế kỷ 19 và được nhắc lại thường xuyên trong thời đại ngày nay hay không?[24] Đối với khuynh hướng được cho là hoà bình của các nền dân chủ, sự phụ thuộc lẫn nhau thêm vào động lực thúc đẩy vì động cơ lợi ích. Các nước dân chủ có thể không ngừng cống hiến cho việc theo đuổi hoà bình và lợi ích. Nhà nước thương mại đang thay thế Nhà nước quân sự – chính trị và quyền lực của thị trường bây giờ cạnh tranh hoặc vượt qua quyền lực của nhà nước, hoặc như một số người cho rằng như vậy.[25]

Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, Norman Angell tin rằng chiến tranh sẽ không nổ ra bởi vì chiến tranh không mang lại lợi nhuận, tuy nhiên Đức và Anh, nước này là khách hàng lớn thứ hai của nước kia, đã tiến hành một cuộc chiến tranh dài và đẫm máu.[26] Tình trạng phụ thuộc lẫn nhau theo một cách nào đó thúc đẩy hoà bình thông qua tác động thúc đẩy các mối liên hệ giữa các quốc gia và góp phần mang lại sự hiểu biết lẫn nhau. Nó cũng nhân rộng tiềm năng xung đột mà có thể thúc đẩy sự căm ghét lẫn nhau và thậm chí là chiến tranh.[27] Sự phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ là một điều kiện mà trong đó một bên hầu như không thể di chuyển mà không xô đẩy bên khác; một lực đẩy nhỏ sẽ lan toả trong toàn xã hội. Các xã hội càng gần gũi thì tác động càng cực đoan và một bên không thể nào theo đuổi lợi ích của mình mà không tính đến lợi ích của các bên khác. Rồi thì một nước sẽ có khuynh hướng xem hành động của một nước khác như là vấn đề trong chính sách của mình và tìm cách kiểm soát chúng.

Người ta đã nhắc đi nhắc lại nhiều rằng tình trạng phụ thuộc lẫn nhau đó thúc đẩy chiến tranh cũng ngang với hoà bình. Điều cần nhấn mạnh là trong số các nguồn lực định hình nền chính trị quốc tế, sự phụ thuộc lẫn nhau là một nguồn lực yếu kém. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia hiện đại thì chặt chẽ hơn. Nền kinh tế Liên Xô đã được hoạch định sao cho những khu vực rộng lớn của nó sẽ không chỉ phụ thuộc lẫn nhau mà còn hội nhập [làm một]. Đầu ra sản phẩm của các nhà máy lớn phụ thuộc vào sự trao đổi qua lại giữa chúng với nhau. Bất chấp tính hội nhập cao của nền kinh tế Liên Xô, nước này vẫn sụp đổ. Nam Tư khắc hoạ một ví dụ rõ rệt khác. Một khi áp lực chính trị bên ngoài được nới lỏng thì những lợi ích kinh tế bên trong không đủ mạnh để giữ đất nước không bị tan rã. Ta phải tự hỏi rằng liệu có phải sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế là hiệu ứng hơn là nguyên nhân. Xét về bên trong, sự phụ thuộc lẫn nhau trở nên chặt chẽ đến nỗi hội nhập là từ đúng đắn để diễn tả nó. Tình trạng phụ thuộc lẫn nhau trở thành hội nhập bởi vì niềm hy vọng về nền hoà bình sẽ tồn tại và trật tự được duy trì là rất lớn ở bên trong một quốc gia. Xét đến bên ngoài, hàng hoá và dòng chảy vốn tự do lưu chuyển ở những nơi tồn tại nền hoà bình giữa các quốc gia. Sự phụ thuộc lẫn nhau, cũng như hội nhập, phụ thuộc vào những điều kiện khác. Nó là biến số phụ thuộc hơn là biến số độc lập. Nếu có thể thì các quốc gia sẽ tránh trở nên phụ thuộc quá mức vào hàng hoá và nguồn lực mà chúng không thể tiếp cận được trong khủng hoảng hoặc chiến tranh. Các quốc gia đều tính toán tránh phụ thuộc quá lớn vào các nước khác như cách Nhật Bản quản lý hoạt động thương mại của mình.[28]

Mong muốn bảo vệ bản sắc của một nước – về văn hoá, chính trị cũng như kinh tế – khỏi sự lấn át của các nước khác rất mạnh mẽ. Trong tình huống “hoặc chúng ta sẽ chìm hoặc bơi cùng nhau”, lựa chọn bơi có vẻ hấp dẫn với những thể bơi được. Kể từ thời của Plato, việc tách biệt khỏi láng giềng để có thể tự xây dựng cuộc sống của mình mà không bị ảnh hưởng bởi mối liên hệ với người khác đã được coi là không tưởng. Không có sự phụ thuộc lẫn nhau thì không có xung đột và chiến tranh. Với sự hội nhập, nền chính trị quốc tế trở thành chính trị quốc gia.[29] Vùng trung gian là một màu xám xịt với những tác động của tình trạng phụ thuộc lẫn nhau lúc thì tốt, mang lại lợi ích của phân công lao động, hiểu biết lẫn nhau và văn hoá phong phú nhưng thỉnh thoảng cũng có tác động xấu như chủ nghĩa bảo hộ, sự bất đồng, xung đột và chiến tranh.

Những tác động không đồng đều của tình trạng phụ thuộc lẫn nhau mà trong đó một bên được lợi nhiều hơn, bên khác được lợi ít hơn, đang bị làm cho lu mờ bởi thuật ngữ “phụ thuộc lẫn nhau bất đối xứng” của Robert Keohane và Joseph Nye thay thế cho các mối quan hệ phụ thuộc và không phụ thuộc giữa các quốc gia.[30] Các quốc gia độc lập tương đối ở thế mạnh hơn so với các quốc gia phụ thuộc tương đối. Nếu tôi phụ thuộc vào bạn nhiều hơn là bạn phụ thuộc vào tôi thì bạn sẽ có nhiều cách ảnh hưởng tôi và vận mệnh của tôi hơn là tôi ảnh hưởng bạn. Sự phụ thuộc lẫn nhau ám chỉ sự phụ thuộc đồng đều của các bên. Việc bỏ qua từ “phụ thuộc” che mờ tình trạng bất bình đẳng vốn ghi dấu ấn trên mối quan hệ giữa các quốc gia và làm chúng dường như có cùng vị thế. Đa phần các vấn đề chính trị quốc tế, cũng như chính trị nội địa, chủ yếu là liên quan đến bất bình đẳng. Tách biệt một “khu vực có vấn đề” khỏi những khu vực khác và nhấn mạnh rằng một vài quốc gia yếu kém có ưu thế trong một vài lĩnh vực che dấu đi sự bất bình đẳng. Việc nhấn mạnh tính hữu dụng thấp của sức mạnh còn đẩy hiệu ứng này đi xa hơn. Nếu sức mạnh không thật sự hữu dụng thì các nước yếu có thể có lợi thế mang tính quyết định trong một vài vấn đề. Một lần nữa, các tác động của sự bất bình đẳng bị làm mờ đi. Nhưng đối với các nước mạnh thì sức mạnh vẫn rất hữu dụng. Lịch sử chính sách đối ngoại Mỹ từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 đầy ắp những ví dụ về cách nước này sử dụng nguồn lực kinh tế vững mạnh để thúc đẩy lợi ích chính trị và an ninh.[31]

Trong một nghiên cứu được viết vào năm 1970, tôi đã miêu tả tình trạng phụ thuộc lẫn nhau là ý thức hệ được  người Mỹ ưa dùng để nguỵ trang cho khả năng gây ảnh hưởng to lớn của nước này trong nền chính trị quốc tế bằng cách ra vẻ rằng các nước mạnh và yếu, giàu và nghèo đều tham gia vào một mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau dày đặc.[32] Trong cuốn sách mới nhất của bà, The Retreat of the State [Sự  thoái trào của Nhà nước], Susan Strange cũng đi đến kết luận này nhưng theo một cách khá khác biệt. Lập luận của bà là “sự hội nhập ngày càng tăng của kinh tế thế giới thông qua sản xuất quốc tế đã chuyển cán cân quyền lực ra khỏi quốc gia và hướng vào thị trường thế giới.” Bà sử dụng ba luận điểm để chứng minh cho lập luận của mình: (1) quyền lực “được chuyển từ các nước yếu lên cho các nước mạnh” có tầm ảnh hưởng toàn cầu và khu vực; (2) quyền lực “ được chuyển từ nhà nước sang thị trường và cho các quyền lực phi nhà nước có sức mạnh bắt nguồn từ thị phần của mình”; và (3) một số quyền lực tự nó  “bốc hơi” vì không ai nắm giữ nữa.[33] Trong nền chính trị quốc tế, vốn không có chính quyền siêu nhà nước, quyền lực thỉnh thoảng mất đi và thỉnh thoảng chuyển sang thị trường. Tuy nhiên nếu có dịch chuyển quyền lực nghiêm trọng thì các nước mạnh hơn sẽ vào cuộc để đảo ngược tình hình, và dù sao thì các công ty của những nước mạnh hơn cũng kiểm soát thị phần lớn nhất. Người ta có thể nghi ngờ liệu thị trường hiện nay có thoát khỏi sự kiểm soát của các nước lớn nhiều hơn so với thời kỳ thế kỷ 19, hoặc trước đó – có lẽ là ít hơn bởi vì năng lực của các quốc gia đã tăng nhiều hơn sự gia tăng kích cỡ và độ phức tạp của thị trường. Bất cứ ai, kể cả những người theo chủ nghĩa hiện thực hay không cũng có thể cho rằng luận điểm thứ nhất của Susan Strange là quan trọng. Chưa có lúc nào kể từ sau Đế chế La Mã quyền lực lại được tập trung vào một quốc gia duy nhất như vậy. Mặc dù tin rằng quyền lực được chuyển từ nhà nước sang thị trường thì Strange vẫn chập nhận thực tế này. Mở đầu cuốn sách bà nêu những quan sát của mình về việc “quyền lực toàn cầu mà xã hội Mỹ và gián tiếp là chính phủ Mỹ nắm giữ vẫn lớn hơn bất kể một xã hội và chính phủ quốc gia nào khác””. Và gần cuối cuốn sách bà nhắc lại “quyền lực nhà nước có xu hướng thống trị thị trường”. Nếu một người thắc mắc bà đang nhắc đến nước nào thì bà trả lời ngay lập tức: “Số phận của Mexico được quyết định bởi Washington hơn là Wall Street. Và Quỹ tiền tệ quốc tế có nghĩa vụ tuân theo sự lãnh đạo của Hoa Kỳ bất chấp những ngờ vực của Đức và Nhật Bản”.[34]

Lịch sử trong vòng hai thế kỷ qua là lịch sử của cấp chính quyền tập trung ngày càng thu được nhiều quyền lực. Trong chuyến thăm của mình đến Mỹ vào năm 1831, Alexis de Tocqueville đã nhận ra rằng “chính phủ liên bang hiếm khi nào can thiệp bất cứ việc gì ngoài quan hệ đối ngoại và chính quyền các bang trên thực tế điều hành xã hội Mỹ”.[35] Sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, chính phủ các nước Tây Âu nắm giữ khoảng ¼ thu nhập của dân chúng. Hiện nay tỉ lệ này là một nửa. Vào thời điểm người dân Mỹ, Anh, Nga và Trung Quốc đang chỉ trích sự kiểm soát của chính phủ lên cuộc sống của mình thì thật là khó hiểu khi được bảo rằng các nước đang mất dần kiểm soát đối với các mối quan hệ bên ngoài của mình. Một người sẽ tự hỏi, mất kiểm soát so với thời điểm nào? Các nước yếu đã mất đi khả năng ảnh hưởng và kiểm soát của mình đến các vấn đề đối ngoại nhưng các nước mạnh thì không. Những hình mẫu hầu như cũng không mới. Vào thế kỷ 18 và 19, quốc gia mạnh nhất với khả năng ảnh hưởng sâu rộng nhất đã can thiệp trên phạm vi toàn cầu và xây dựng thành công một đế chế rộng lớn nhất trong lịch sử. Vào thế kỷ 20, quốc gia mạnh nhất với sức ảnh hưởng lớn nhất cũng đã lặp lại chủ nghĩa can thiệp của Anh và từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cũng đã tạo nên sức ảnh hưởng trên phạm vi còn lớn hơn mà không cần phải kiến tạo một đế chế. Thiếu vắng đế chế không có nghĩa là tầm ảnh hưởng và khả năng kiểm soát của Mỹ đối với hành vi của nước khác là yếu hơn. Việc quyền lực của quốc gia mất đi, dù là đối nội hay đối ngoại, thì cũng chỉ là ước mơ và ảo ảnh hơn là thực tế.

Dưới thời kỳ Pax Britannica [nền hòa bình do Anh chi phối], tình trạng phụ thuộc của các quốc gia trở nên mạnh mẽ một cách bất thường, mà nhiều người nghĩ là sẽ báo trước một tương lai hoà bình và thịnh vượng. Tuy nhiên thay vào đó là một thời kỳ chiến tranh dai dẳng và đóng cửa tự cung tự cấp kéo dài. Hệ thống kinh tế quốc tế được thiết lập dưới sự trợ giúp của Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ hai và sau đó được điều chỉnh chophù hợp với mục đích của Hoa Kỳ có thể tồn tại lâu hơn nhưng lại một lần nữa, điều đó có thể không xảy ra. Đặc tính của nền chính trị quốc tế thay đổi khi sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước được siết chặt hoặc nới lỏng. Ngay cả khi mối quan hệ thay đổi, các nước cũng phải tìm cách tốt nhất có thể để tư lo cho bản thân mình trong môi trường vô chính phủ. Trên bình diện quốc tế, phần lớn thể kỷ 20 không mang lại nhiều điều tốt lành. Trong 25 năm cuối thế kỷ, tình hình có được cải thiện một chút nhưng 25 năm cũng không thể mang đến những kết luận khả quan. Không chỉ có những tác động mà sự bền bỉ của tình trạng phụ thuộc lẫn nhau cũng có nhiều vấn đề.

Vai trò giới hạn của các tổ chức quốc tế

Một trong những lời buộc tội dành cho chủ nghĩa hiện thực là nó đánh giá thấp tầm quan trọng của thể chế. Lời buộc tội đã được chứng minh và trường hợp không còn một đích hoạt động rõ ràng của NATO (Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) chỉ ra rằng vì sao những nhà hiện thực tin rằng các tổ chức quốc tế được định hình và bị giới hạn bởi các quốc gia đã lập nên và duy trì chúng và các tổ chức này có ít tác dụng độc lập. Những người theo chủ nghĩa thể chế tự do hầu như không chú tâm vào các tổ chức được thiết kế để củng cố an ninh của các quốc gia cho đến khi, ngược lại với những mong đợi từ chủ nghĩa hiện thực, NATO không chỉ tồn tại cho đến hết Chiến tranh Lạnh mà còn tiếp tục kết nạp thêm thành viên. Tuy nhiên thay vì phản bác chủ nghĩa hiện thực hoặc đặt ra những mối nghi ngờ hướng vào trường phái này, lịch sử gần đây của NATO đã minh hoạ cho sự phụ thuộc của các tổ chức quốc tế vào lợi ích quốc gia.

LÝ GIẢI CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ

Bản chất và mục đích của các tổ chức quốc tế thay đổi khi cấu trúc thay đổi. Trong thế giới đa cực cũ, hạt nhân của một khối đồng minh bao gồm một số lượng nhỏ các quốc gia có tiềm lực tương đương nhau. Sự đóng góp của các quốc gia này đối với an ninh của quốc gia khác đóng vai trò cực kỳ quan trọng vì các nước này đều có kích cỡ tương tự. Vì các đồng minh chính phụ thuộc lẫn nhau về mặt quân sự, sự rút lui của một nước sẽ làm cho các đối tác còn lại trở nên yếu đi hẳn so với khối liên minh đối thủ. Thành viên của các khối liên minh đối lập gắn bó chặt chẽ trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất do sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng. Trong thế giới hai cực mới, từ “đồng minh” mang một nghĩa khác. Một nước, Mỹ hoặc Liên Xô, bảo đảm an ninh cho các nước trong khối của mình. Việc Pháp rút quân khỏi cơ cấu chỉ huy NATO và việc Trung Quốc rút khỏi khối Xô Viết không hề thay đổi cân bằng lực lượng hai cực. Trước đó trong Chiến tranh Lạnh, người Mỹ đã cảnh giác về mối đe doạ của một phe Chủ nghĩa Cộng sản thống nhất đang gia tăng từ sự kết hợp sức mạnh của Liên Xô và Trung Quốc, nhưng sự tan rã của khối lại hầu như không gây ra ảnh hưởng lan toả nào. Giới chức Mỹ không tuyên bố rằng với sự rút lui của Trung Quốc thì ngân sách quốc phòng của Mỹ có thể giảm một cách an toàn ở mức 20 hoặc 10 phần trăm hoặc ít hơn. Tương tự như vậy, khi Pháp ngừng tham gia kế hoạch quân sự của NATO, giới chức Mỹ cũng không tuyên bố chi tiêu quốc phòng phải tăng vì lý do này. Nói một cách chính xác, NATO và WTO (Tổ chức hiệp ước Vacsava) là những hiệp ước bảo đảm an ninh hơn là liên minh quân sự kiểu cũ.[36]

Glenn Snyder đã nói rằng “liên minh không có ý nghĩa gì nếu không có lời đe doạ từ bên ngoài mà vốn liên minh được hình thành để đối phó.”[37]. Tôi đã mong đợi NATO trở nên yếu đi khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và cuối cùng thì biến mất.[38] Về cơ bản, mong đợi này là có căn cứ. NATO đã không còn là một hiệp ước bảo đảm an ninh bởi vì không ai có thể trả lời được câu hỏi nó bảo vệ các nước thành viên khỏi kẻ thù nào? Chức năng thay đổi khi cấu trúc thay đổi cũng như là cách hành xử của các đơn vị. Vì thế Chiến tranh Lạnh kết thúc cũng nhanh chóng làm thay đổi cách xử sự của các nước đồng minh. Đầu tháng 7 năm 1990, NATO thông báo rằng khối đồng minh sẽ “có một kế hoạch mới phù hợp với những sự thay đổi mang tính cách mạng ở Châu Âu.”.[39] Đến cuối tháng 7, không hề chờ đợi bất kỳ một kế hoạch nào, những quốc gia Châu Âu thành viên chủ chốt của NATO đơn phương thông báo cắt giảm đáng kể lực lượng quân đội của họ. Ngay cả việc giả vờ vẫn tiếp tục hành động như một đồng minh trong chính sách quân sự cũng biến mất.

Khi mục đích cũ mất đi, và hành vi cá nhân cũng như tập thể cũng theo đó mà thay đổi, làm sao ta có thể giải thích sự tồn tại và mở rộng của NATO? Rất khó để lập ra và đưa các tổ chức vào hoạt động, nhưng một khi đã tạo ra được rồi, những người theo chủ nghĩa thể chế cho rằng, các thể chế nàycó thể có cuộc sống của riêng mình; chúng có thể bắt đầu hành động với một mức độ tự chủ nào đó, trở nên ít phụ thuộc hơn vào ý đồ của các nhà tài trợ và thành viên. NATO có lẽ là bằng chứng cho nhận định trên.

Các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các tổ chức lớn có truyền thống lâu đời và mạnh mẽ, có sức sống mãnh liệt. The March of Dimes là một ví dụ thường được đề cập tới. Nhiệm vụ của nó đã hoàn thành khi tổ chức từ thiện này dành thắng lợi trong cuộc chiến chống chứng bại liệt. Tuy nhiên, nó tiếp tục chuyển sang cuộc chiến chống chứng bệnh khác. Mặc dù những căn bệnh thu hút nhiều sự quan tâm nhất – ung thư, các bệnh về tim và phổi, đa xơ cứng và xơ nang – đã có các tổ chức chuyên biệt xử lý, The March of Dimes vẫ tìm được một lý do tiếp tục hoạt động, đó là cải thiện tình trạng dị tật bẩm sinh. Người ta có thể khẳng định chắc chắn rằng the March of Dimes hài lòng với việc tiếp tục đón vai trò một tổ chức theo đuổi mục tiêu mới phù hợp với mục đích ban đầu. Làm sao có thể có khẳng định như vậy trong trường hợp của NATO?

Câu hỏi về mục đích có thể không quan trọng, cứ tạo ra một tổ chức và nó sẽ tự kiếm việc để làm.[40] Một khi đã được tạo ra và thiết lập một cách chặt chẽ, một tổ chức sẽ trở nên ngày càng khó loại bỏ. Một tổ chức lớn được quản lý bởi số lượng lớn các quan chức có nhiều lợi ích trong việc duy trì sự tồn tại của tổ chức. Theo lời của Gunther Hellmann và Reinhard Wolf thì vào năm 1993 cơ quan đầu não của NATO được quản lý bởi 2.640 quan chức, hầu hết họ có lẽ đều muốn giữ công việc của mình.[41] Sự bền vững của NATO, ngay cả khi cấu trúc của nền chính trị quốc tế đã thay đổi và mục đích cũ của tổ chức này cũng biến mất, có thể được những người theo chủ nghĩa thể chế xem là bằng chứng mạnh mẽ cho sự tự chủ và sức sống của các tổ chức.

Lập luận của những người theo thuyết thể chế đã bỏ qua một điểm. NATO là một hiệp ước được lập ra bởi các nước. Một bộ máy quan liêu cố hữu có thể giúp duy trì tổ chức nhưng các quốc gia mới là người quyết định số phận của nó. Những người theo chủ nghĩa thể chế tự do xem sức sống rõ ràng của NATO như sự xác nhận về tầm quan trọng của các tổ chức quốc tế và bằng chứng cho sự bền bỉ của chúng. Những nhà hiện thực, nhận thấy rằng với tư cách một liên minh quân sự NATO đã mất đi chức năng chính của mình và xem tổ chức này chỉ là phương tiện để duy trì và tăng ảnh hưởng của Mỹ lên chính sách đối ngoại và quốc phòng của các nước Châu Âu. John Kornblum, Trợ lý Thứ trưởng cấp cao phụ trách các vấn đề châu Âu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mô tả rõ ràng vai trò mới của NATO. Ông viết, “Khối Đồng minh cung cấp phương tiện cho việc áp đặt quyền lực và tầm nhìn của Mỹ lên trật tự an ninh Châu Âu.”[42] Sự tồn tại và mở rộng của NATO cho ta biết nhiều về quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ nhưng lại nói rất ít về các tổ chức như các thực thể đa phương. Việc Mỹ có khả năng kéo dài sự sống của một tổ chức đang hấp hối cho thấy rõ cách các tổ chức quốc tế được tạo ra và duy trì bởi các quốc gia lớn mạnh hơn để từ đó phục vụ cho những lợi ích có thể đúng đắn hoặc sai lầm.

Chính quyền Bush đã hiểu ra điều này và chính quyền tổng thống Clinton cũng tiếp tục nhận thấy NATO là phương tiện duy trì sự thống trị của Mỹ đối với chính sách quân sự và đối ngoại của các nước Châu Âu. Năm 1991, lá thư của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Reginald Bartholomew gởi đến chính phủ các nước Châu Âu là thành viên của NATO cảnh báo những quan điểm phòng thủ độc lập của Châu Âu. Pháp và Đức đã cho rằng an ninh châu Âu và bản sắc phòng thủ chung có thể phát triển trong nội bộ Châu Âu và rằng Liên Minh Tây Âu, vốn đã thành lập năm 1954, có thể được hồi sinh nhằm làm công cụ hiện thực hoá ý tưởng trên. Chính quyền tổng thống Bush nhanh chóng dập tắt những ý tưởng này. Sau ngày Hiệp ước Maastricht được ký kết vào tháng 12 năm 1991, Tổng thống George Bush có thể mãn nguyện mà tuyên bố rằng “ chúng tôi hài lòng với việc đồng minh của chúng tôi trongLiên minh Châu Âu….. đã quyết định phát triển hơn nữa tổ chức của họ như một trụ cột Châu Âu của NATO và một thành tố của phòng thủ Châu Âu.[43]

Trụ cột Châu Âu ban đầu được tính là thuộc về NATO và chính sách của nó được hoạch định tại Washington. Các nước yếu hơn gặp khó khăn nhiều hơn trong việc thiết lập các tổ chức phục vụ mục đích của mình theo cách của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh. Hãy nhìn lại sự thất bại của Cộng đồng phòng thủ Châu Âu năm 1954 dù có sự hỗ trợ của Mỹ, và sự bất lực của Liên minh Châu Âu trong hơn 4 thập niên tồn tại để tìm ra một vai trò độc lập đối với Mỹ. Chủ nghĩa hiện thực đã chỉ ra điểm mà “lý thuyết” thể chế tự do che dấu: các tổ chức quốc tế chủ yếu phục vụ cho lợi ích quốc gia hơn là lợi ích quốc tế.[44] Robert Keohane và Lisa Martin, để đáp lại lời phê bình của John Mearsheimer về chủ nghĩa thể chế tự do, đã hỏi: Làm sao chúng ta có thể giải thích được sự sẵn lòng của các quốc gia chủ chốt đầu tư nguồn lực mở rộng các tổ chức quốc tế nếu các tổ chức này không còn vai trò gì nữa?”[45] Nếu câu trả lời chưa rõ ràng thì sự bành trước của NATO sẽ làm rõ hơn, đó là: để phục vụ những gì mà các nước mạnh tin là lợi ích của mình.

Với việc chính sách của Mỹ đối với Bosnia gặp vấn đề, Clinton phải thể hiện bản thân ông là một nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại hiệu quả. Với việc những vị anh hùng dân tộc Lech Walesa [Ba Lan] và Vaclav Havel [Tiệp Khắc] yêu cầu kết nạp đất nước của mình, thì việc đóng cửa NATO có thể gây ra một rắc rối khác cho Đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1994. Để thúc đẩy sự mở rộng NATO về phía Đông, tổng thống Clinton đã diễn thuyết tại Milwaukee, Cleveland và Detroit, những thành phố có số lượng lớn cử tri gốc Đông Âu.[46] Lá phiếu và đồng dollar là mạch sống của nền chính trị Mỹ. Những thành viên mới của NATO sẽ được yêu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng quân sự và mua thêm vũ khí hiện đại hơn. Ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ, trông đợi vào việc chiếm được thị phần lớn trong thị trường mới, đã vận động hành lang một cách mạnh mẽ cho sự mở rộng của NATO.[47]

Các nguyên nhân vì sao phải mở rộng NATO không được mạnh mẽ cho lắm. Trong khi những lý do phản đối nó thì rất hợp lý.[48] Theo đó NATO vạch ra những ranh giới mới chia cắt Châu Âu, xua đuổi những nước không thuộc về nó và không thể tìm thấy kết thúc hợp lý ở phần phía Tây của Nga. Mở rộng NATO làm yếu đi những người Nga vốn tin tưởng vào dân chủ tự do và nền kinh tế thị trường và ngược lại tăng cường sức mạnh cho những người Nga ở phe đối lập. Nó dập tắt hy vọng vào sự cắt giảm vũ khí hạt nhân. Nó đẩy Nga về phía Trung Quốc hơn là kéo Nga về phía Mỹ và Châu Âu. NATO, dẫn đầu bởi Mỹ, hiếm khi xem xét đến tình cảnh của kẻ thù mà nó đánh bại. Suốt thời kỳ lịch sử hiện đại, Nga đã phải chịu sự cự tuyệt của phương Tây, bị cô lập và có những thời điểm bị bao vây. Nhiều người Nga tin rằng, với sự mở rộng của mình thì NATO đã trơ trẽn phá bỏ lời hứa vào năm 1990 và 1991 rằng các thành viên Hiệp tước Warsaw (WTO) trước đây sẽ không được phép tham gia vào NATO. Với những lý do chính đáng, Nga lo ngại rằng NATO sẽ không chỉ kết nap thêm những quốc gia thành viên cũ của WTO mà còn cả những nước cộng hoà trước đây của Liên Xô. Năm 1997, NATO có cuộc tập trận hải quân với Ukraine ở Biển Đen, và sẽ có nhiều cuộc tập trận chung khác tiếp theo và thông báo kế hoạch sử dụng một bãi thử quân sự ở phía Tây Ukraine. Tháng 6/1998, Zbigniew Brzezinski đến Kiev với thông điệp Ukraine nên sẵn sàng gia nhập NATO vào năm 2010.[49] NATO càng xâm nhập sâu vào địa phận cũ của Liên Xô thì Nga càng buộc phải trông chờ [các đồng minh từ] phía Đông hơn là từ phía Tây.

Việc mở rộng của NATO cũng gia tăng lợi ích quân sự, trách nhiệm và cả gánh nặng của tổ chức này. Không chỉ các thành viên mới yêu cầu sự bảo vệ của NATO, các nước này còn tăng thêm nỗi lo về tình trạng bất ổn tại gần biên giới cho NATO. Vì vậy sự bùng nổ xung đột ở Balkan trở thành vấn đề của NATO chứ không chỉ của mỗi Châu Âu. Khi Châu Âu không đóng vai trò đi đầu, người Mỹ tin rằng họ phải đứng ra lãnh đạo bởi vì uy tín của NATO đang bị đe doạ. Hoạt động quân sự của Balkan ở trên không và ở mặt đất làm trầm trọng thêm sự khác biệt lợi ích giữa các thành viên NATO và tăng thêm sự căng thẳng trong khối liên minh. Các nước Châu Âu ngạc nhiên trước khả năng giám sát và liên lạc thông tin của Mỹ và hơi e ngại lực lượng quân sự hiện đại Hoa Kỳ. Nhận thức được những yếu điểm của mình, Châu Âu đã thể hiện rõ quyết tâm hiện đại hoá nguồn lực của mình và phát triển khả năng triển khai lực lượng một cách độc lập. Phản ứng của Châu Ấu đối với việc triển khai quân sự của Mỹ ở Balkan lặp lại quyết tâm khắc phục các nhược điểm lộ ra năm 1991 trong Chiến tranh Vùng Vịnh, một quyết tâm chỉ đem lại một ít hiệu quả.

Lần này liệu có khác đi? Có lẽ, nhưng ngay cả nếu các nước Châu Âu đạt được mục tiêu thành lập lực lượng phản ứng nhanh gồm 60.000 quân và mở rộng vai trò của WEU thì sự căng thẳng giữa một NATO bị kiểm soát bởi Mỹ và một NATO chấp thuận các hành động của một Châu Âu độc lập sẽ một lần nữa trở thành vấn đề. Trong bất kỳ sự kiện nào, viễn cảnh sa lầy quân sự ở Balkan thách thức liên minh và có thể trì hoãn vô thời hạn sự mở rộng NATO. Việc mở rộng đi kèm theo rắc rối và những rắc rối đang nổi lên có thể chấm dứt sự mở rộng này.

Tình hình ở Châu Âu và phản ứng của Nga hạn chế sự mở rộng về phía Đông của NATO. Đối lập lại là đà bành trướng của Mỹ. Đà bành trướng thường rất khó chống lại, ví dụ điển hình là các đế chế lập nên bởi Cộng hoà Rome, Nga Sa hoàng và nước Anh tự do.

Chúng ta thường được nhắc nhở rằng Mỹ không chỉ là siêu cường thống trị thế giới mà còn là siêu cường đại diện cho tự do. Đó là sự thật, động lực của những người khơi nguồn – Tổng thống Clinton, Cố vấn An ninh quốc gia Anthony Lake và những người khác – là để nuôi mầm dân chủ trong những quốc gia trẻ, dễ bị tổn thương và đã phải chịu đựng trong một thời gian dài. Tuy nhiên một người có thể tự hỏi, tại sao đây lại là nhiệm vụ của Mỹ mà không phải là của Châu Âu và tại sao lại là một tổ chức quân sự chứ không phải là tổ chức kinh tế chính trị được xem như là phương tiện phù hợp thực hiện nhiệm vụ này. Nhiệm vụ xây dựng nền dân chủ không phải là một nhiệm vụ quân sự. Vấn đề an ninh quân sự của các thành viên NATO mới không gặp bất cứ chuyện gì nguy hiểm mà là sự phát triển chính trị và tăng trưởng kinh tế của họ. Năm 1997, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Franklin D. Kramer nói với Bộ Quốc phòng cộng hoà Czech rằng nước này đang chi tiêu quá ít vào quốc phòng.[50] Tuy nhiên đầu tư vào quốc phòng sẽ làm trì trệ sự tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán chung, chi tiêu quốc phòng kích thích tăng trưởng chỉ bằng một nửa so với đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế. Ở Đông Âu, chính an ninh kinh tế mới là vấn đề chứ không phải quân sự và gia nhập vào một liên minh quân sự làm trầm trọng thêm vấn đề.

Việc sử dụng ví dụ NATO để phản ánh tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa Hiện thực sau Chiến tranh Lạnh dẫn đến vài kết luận quan trọng. Kẻ thắng cuộc trong Chiến tranh Lạnh và hiện là siêu cường duy nhất đang hành xử theo kiểu các cường quốc không có đối thủ vẫn làm. Thiếu vắng đối trọng, những mục đích nội tại của các quốc gia chiếm ưu thế, dù là được thúc đẩy bởi tự do hay bất kỳ động lực nào khác. Việc chủ nghĩa hiện thực tiên đoán sai về kết thúc của Chiến tranh Lạnh dẫn đến kết thúc của NATO không phải do sự thất bại của chủ nghĩa Hiện thực trong việc nắm bắt nền chính trị quốc tế, mà do nó đã đánh giá thấp sự điên rồ của Mỹ. Sự tồn tại và mở rộng của NATO không phản ánh thất bại mà chỉ ra những giới hạn của cách tiếp cận cấu trúc. Các cấu trúc định hình và thúc đẩy; chúng không quyết định hành động của các quốc gia. Một nước mạnh hơn bất kỳ nước nào khác có thể tự mình quyết định việc thích ứng chính sách của nó với các áp lực cấu trúc hoặc tận dụng các cơ hội mà sự thay đổi cấu trúc mang lại mà chẳng lo sợ gì về các tác động tiêu cực về ngắn hạn.

Liệu những người theo chủ nghĩa thể chế tự do có thể đưa ra giải thích tốt hơn về sự tồn tại và mở rộng của NATO? Theo Keohane và Martin, các nhà hiện thực khăng khăng rằng “các tổ chức quốc tế chỉ có tác dụng phụ”.[51] Ngược lại, các nhà hiện thực nhận ra tác động của các tổ chức là mạnh hay yếu phụ thuộc vào ý đồ của các quốc gia. Các nước mạnh sử dụng các tổ chức theo cách phù hợp với chúng, cũng giống như khi chúng diễn giải luật pháp theo cách có lợi cho mình. Vì vậy, Susan Strange, suy ngẫm về vai trò đang sụt giảm của nhà nước, quan sát thấy “tổ chức quốc tế trên hết là một công cụ của chính phủ quốc gia, một phương tiện theo đuổi lợi ích quốc gia”.[52]

Thú vị thay, Keohane và Martin, trong nỗ lực phản bác lời phê bình sắc bén của Mearsheimer về thuyết thể chế, thực ra lại đồng ý với ông. Cho rằng chủ nghĩa hiện thực của Mearsheimer “không thực sự rõ ràng”, họ chỉ ra rằng “thuyết thể chế quan niệm các tổ chức vừa là biến số độc lập vừa là biến số phụ thuộc.”[53] Phụ thuộc vào điều gì? – vào “thực tiễn quyền lực và lợi ích”. Hoá ra các tổ chức “tạo ra sự khác biệt quan trọng với sự trợ giúp của quyền lực.”[54] Vâng! Đúng như những gì Mearsheimer nói, “chủ nghĩa thể chế tự do không còn là một sự thay thế rõ ràng cho chủ nghĩa hiện thực, nhưng thực tế đã bị nuốt chửng bởi thuyết hiện thực.”[55] Thật sự, nó chưa bao giờ thay thế chủ nghĩa hiện thực. Keohane nhấn mạnh thuyết thể chế có lõi là chủ nghĩa hiện thực cấu trúc mà Keohane và Nye tìm cách phát triển mở rộng.[56]Cách tiếp cận thể chế bắt đầu với lý thuyết cấu trúc, áp dụng thuyết hiện thực vào lý giải nguồn gốc và cách thức hoạt động của tổ chức, và kết thúc không mấy ngạc nhiên bằng những kết luận mang tính hiện thực chủ nghĩa.

Các liên minh thể hiện những điểm yếu của chủ nghĩa thể chế đặc biệt rõ nét. Lý thuyết thể chế gán cho các tổ chức quốc tế những tác động nhân quả mà hầu như nảy sinh từ bản thân các quốc gia. Trường hợp của NATO minh hoạ cho điểm yếu này. Keohane lưu ý rằng “liên minh chính là một dạnh tổ chức, và cả sự bền bỉ lẫn sức mạnh của tổ chức… có thể phụ thuộc phần nào vào những đặc tính của nó.”[57] Tôi cho là điều này đúng một phần nào đó, nhưng sẽ có người hỏi “phần” đó lớn đến mức nào. Liên minh bộ ba (Triple Alliance) và thoả hiệp ba bên (Triple Entente) đều khá bền vững. Chúng tồn tại không phải vì bản thân tổ chức liên minh, thật sự khó mà như vậy, mà bởi vì những thành viên nòng cốt của liên minh đã nhận thấy mối đe doạ đối với an ninh bản thân mình. Những liên minh trước đây không thiếu các thể chế cụ thể chỉ vì chúng đã thất bại trong xây dựng nên bộ máy quan liêu mà bởi vì với sự vắng mặt của một nước lãnh đạo bá quyền thì cân bằng lực lượng được tiếp tục duy trì ở bên trong liên minh cũng như giữa các liên minh với nhau. NATO tồn tại với vai trò liên minh quân sự cùng với sự tồn tại mối đe doạ trực tiếp đối với những thành viên NATO từ Liên Xô. NATO tồn tại và mở rộng như hiện nay không phải bởi vì bản thân hệ thống thể chế mà chủ yếu vì Mỹ muốn như vậy.

Sự tồn tại của NATO cũng phơi bày một khía cạnh thú vị của lý thuyết cân bằng quyền lực. Robert Art đã tranh cãi một cách mạnh mẽ rằng không có NATO và quân đội Mỹ ở Châu Âu thì các nước trong khu vực  sẽ rơi vào “ cuộc cạnh tranh an ninh” với nhau.[58] Như ông nhấn mạnh, đây là sự mong đợi mang tính hiện thực. Theo quan điểm của ông, việc duy trì NATO và vai trò lãnh đạo của Mỹ là thiết yếu để ngăn chặn một cuộc cạnh tranh an ninh mà nếu diễn ra sẽ thúc đẩy xung đột nội bộ và làm suy yếu các thể chế của Liên minh Châu Âu. Hiện nay NATO là một trường hợp bất thường; giảm căng thẳng trong nội bộ liên minh là nhiệm vụ chính còn sót lại và đó là nhiệm vụ của các nước lãnh đạo chứ không phải của bản thân liên minh. Nhiệm vụ thứ hai, quản lý nội bộ liên minh, tiếp tục do Mỹ tiến hành mặc dù nhiệm vụ chủ chốt là phòng vệ trước một kẻ thù bên ngoài, đã biến mất. Quan điểm này đáng xem xét nhưng tôi cần chỉ rõ ở đây là nó khắc hoạ xa hơn sự phụ thuộc của các tổ chức quốc tế vào các quyết định ở tầm quốc gia. Cân bằng lực lượng giữa các quốc gia không phải là không thể tránh khỏi. Chẳng hạn như ở Châu Âu, một quyền lực bá quyền có thể chấm dứt nó. Một nhà ngoại giao cấp cao Châu Âu đã nói “Để một quốc gia Châu Âu trở thành người lãnh đạo là điều không thể chấp nhận được. Trung gian quyền lực của Châu Âu phải là một quyền lực bá chủ. Chúng ta có thể đồng ý với sự lãnh đạo của Mỹ chứ không phải của một nước trong chính chúng ta.”[59] Chấp nhận vai trò lãnh đạo của một nước bá quyền giúp ngăn chặn cân bằng quyền lực nổi lên ở Châu Âu và quyền lực bá quyền đó tốt hơn là nên ở xa hơn là sát bên biên giới châu lục.

Keohane tin rằng “ việc tránh xung đột quân sự ở Châu Âu sau Chiến tranh Lạnh phụ thuộc nhiều vào việc liệu mô hình thể chế hóa hợp tác mang tính liên tục có là đặc trưng của thập niên tới hay không.”[60] Nếu một ai đó chấp nhận kết luận này thì câu hỏi còn lại là : Cái gì hoặc ai duy trì “mô hình thể chế hóa hợp tác” này? Các nhà hiện thực chủ nghĩa biết câu trả lời.

CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ VÀ MỤC TIÊU QUỐC GIA

Những gì đúng với NATO cũng đúng với các tổ chức quốc tế khác. Những tác động mà các tổ chức quốc tế có thể gây ra đối với các quyết định của quốc gia phụ thuộc (nhưng không hẳn là hoàn toàn) vào khả năng và mục đích của nước lớn hoặc các nước sáng lập và duy trì tổ chức. Hệ thống Bretton Woods tác động mạnh mẽ lên các quốc gia riêng rẽ nói riêng và quan hệ quốc tế nói chung. Nhưng khi Hoa Kỳ nhận ra hệ thống không còn phục vụ cho lợi ích của nó nữa thì chính quyền Nixon đã tạo ra cú sốc năm 1971. Các tổ chức quốc tế được lập ra bởi các quốc gia lớn mạnh và tồn tại như khi thành lập chừng nào còn phục vụ cho những lợi ích chính của nước sáng lập, hoặc được cho là như vậy. Stephen Krasner cho rằng “Bản chất của sự thoả thuận [thành lập] tổ chức quốc tế được giải thích tốt hơn bởi phân bổ quyền lực giữa các quốc gia hơn là bằng nỗ lực giải quyết những vấn đề mà thị trường đặt ra”[61] – hoặc, tôi cho rằng, hơn bất cứ lý do nào khác.

Các công ước, hiệp định và tổ chức quốc tế hoặc là duy trì gắn bó với sự phân bổ tiềm lực giữa các quốc gia hoặc là chúng sẽ thất bại.[62]Xem xét các ví dụ từ 350 năm trước, Krasner chỉ ra rằng trong tất cả các trường hợp “giá trị của những nước mạnh vốn đặt ra luật lệ luôn được áp dụng [trong các tổ chức quốc tế]theo cách phân biệt đối xử đốivới nước yếu.”[63] Chủ quyền quốc gia, một dạng thể chế quốc tế được công nhận, hầu như không không có giá trị khi một nước mạnh quyết định can thiệp vào một nước yếu. Vì vậy, theo như một quan chức cấp cao, chính quyền Tổng thống Reagan “tranh luận liệu chúng ta có quyền áp đặt hình thức chính phủ của nước khác hay không. Câu trả lời là có, có một vài quyền còn cơ bản hơn quyền không can thiệp vào quốc gia khác… Chúng ta không có quyền lật đổ một quốc gia dân chủ nhưng chúng ta có quyền chống lại một quốc gia không dân chủ.”[64]Phần lớn luật quốc tế được tôn trọng phần lớn thời điểm, nhưng các nước mạnh lại tìm cách lách luật hoặc phá vỡ luật pháp khi chúng muốn.

Cân bằng quyền lực: Không phải hôm nay mà là ngày mai

HÀNH VI CỦA CÁC CƯỜNG QUỐC THỐNG TRỊ

CÂN BẰNG QUYỀN LỰC TRONG THẾ GIỚI ĐƠN CỰC

CẤU TRÚC QUỐC TẾ VÀ PHẢN ỨNG CỦA QUỐC GIA

Kết luận

Download toàn bộ văn bản tại đây: Chu nghia hien thuc cau truc sau CTL.pdf

 


Kenneth N. Waltz là cựu Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học California, Berkeley, nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu Chiến tranh và Hoà bình. Ông là phó giáo sư  tại Đại học Columbia

[1] Ví dụ, Richard Ned Lebow, “The Long Peace, the End of  the Cold War,  and  the Failure of  Realism,” International  Organization, Quyển 48, Tập 2 (Mùa xuân 1994), trang 249-277;  Jeffrey W.  Legro và Andrew Moravcsik,  “Is  Anybody  Still a Realist?” International  Security,  Quyển  24, Tập  2  (Mùa thu 1999), trang 5-55;  Bruce Russett, Grasping  the  Democratic  Peace: Principles  for  a Post-Cold  War Peace (Princeton, N.J.: Princeton  University  Press,  1993); Paul  Schroeder, “Historical  Reality vs. Neo-realist  Theory,”  International  Security, Quyển 19, Tập  1  (Mùa hè 1994), trang  108-148;  và John A. Vasquez, “The  Realist Paradigm  and  Degenerative  vs.  Progressive Research Programs: An Appraisal  of  Neotraditional Research on Waltz’s  Balancing Proposition,”  American  Political  Science Review, Quyển 91, Tập 4 (12/ 1997),  trang 899-912.

[2] Michael W. Doyle, “Kant, Liberal Legacies, and Foreign Affairs, Parts  1 and 2,”  Philosophy and Public  Affairs, Vol12, No 3 và 4  (Hè thu năm  1983); và Doyle,  “Kant:  Liberalism  and World Politics,”  American Political  Science Review, Vol80, No4  (12/ 1986), trang 1151-1169.

[3] Francis Fukuyama, “Liberal Democracy as a Global Phenomenon,”  Political  Science  and  Politics, Quyển 24, Tập 4  (1991),  trang 662. Jack S. Levy,  “Domestic Politics and War,”  trong Robert I. Rotberg và  Theodore K. Rabb, eds., The Origin and Prevention of  Major Wars (Cambridge: Cambridge University Press, 1989),  trang 88.

[4] Kenneth N. Waltz, “Kant, Liberalism, and War,”  American  Political  Science Review, Quyển 56, Tập 2 (6/1962). Những tham khảo về Kant sau đây đều nằm trong tác phẩm này.

[5] Ido Oren,  “The  Subjectivity of  the  ‘Democratic’  Peace: Changing U.S. Perceptions of  Imperial Germany”  International  Security, Quyển  20, Tập  2  (Mùa thu 1995), trang 157ff.; Christopher Layne,  trong cuốn sách của Layne và Sean M. Lynn-Jones, Should  America  Spread  Democracy?  A  Debate  (Cambridge, Mass.: MIT Press, forthcoming),lập luận một cách thuyết phục rằng sự kiểm soát dân chủ của Đức đối với chính sách đối ngoại và quân sự không hề yếu hơn của Pháp và Anh.

[6] John M. Owen,  “How  Liberalism Produces  Democratic Peace,”  International  Security, Quyển  19, Tập 2  (Mùa thu 1994),  trang 87-125.Xem thêm cuốn sách của ông,Liberal  War: American  Politics  and  International Security  (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1997).

[7] Christopher Layne,  “Kant or Cant: The Myth  of  the Democratic Peace,”  International  Security, Quyển 19, Tập 2 (Mùa thu 1994),  trang 549.

[8]  Francis Fukuyama, The End of History and  the Last Man (New York: Free Press, 1992),  trang 254-256. Russett, Grasping  the Democratic Peace, trang 24.

[9]   Ví dụ,  Leopold  von  Ranke, Gerhard  Ritter,  và  Otto  Hintze. The American William Graham Sumner và nhiều người khác chia sẻ mối nghi ngờ này.

[10]  Immanuel Kant,  The Philosophy  of  Law,  biên dịch W.  Hastie  (Edinburgh: T.  and T. Clark,  1887), Trang 218.

[11] John Mueller, “Is War Still Becoming Obsolete?” bài viết được giới thiệu trong buổi họp thường niên của Hiệp hội Khoa học chính trị Hoa Kỳ, Washington, D.C., 8-9/1991, trang 55ff; xem thêm cuốn sách của ôn, Quiet Cataclysm: Reflections  on  the Recent  Transformation  of  World Politics  (New York: HarperCollins, 1995)

[12]  Edward Hallett Carr, Twenty Years’  Crisis: An Introduction  to  the Study of  International Relations, 2d ed. (New York: Harper  and Row, 1946), pp. 129-132.

[13]  Trích trong Anthony Lewis, “The Kissinger Doctrine,” New York Times, 27/2/ 1975, trang 35; Và xem thêm Henry Kissinger, The White House  Years (Boston: Little, Brown, 1979),  chương 17.

[14] Xem thêm Kenneth  N. Waltz,  “America  as Model  for  the World? A Foreign  Policy Perspective,” PS:Political  Science and  Politics, Quyển 24, Tập 4  (12/ 1991);  và Mueller, “Is War Still Becoming Obsolete?” trang 5

[15] Trích dẫn trong Walter A. McDougall,  Promised  Land,  Crusader  State  (Boston: Houghton Mifflin, 1997),  trang 28 và 36.

[16]  Doyle, “Kant, Liberal Legacies, and Foreign Affairs, Part 2,”  trang 337.

[17] Warren Christopher,  “The US.-Japan Relationship: The Responsibility to Change,”  address to the Japan Association of  Corporate Executives, Tokyo, Japan 11/3 1994 (US. Department of  State, Bureau of  Public Affairs, Office of  Public Communication), p.

[18] Trích trong Waltz, Man,  the  State,  and  War: A  Theoretical  Analysis  (New York: Columbia University Press, 1959),  trang 121. Rusk trích trong Layne, “Kant or Cant,” trang 46.

[19] Trích dẫn trong Clemson G. Turregano và Ricky Lynn Waddell, “ From Paradigm to Paradigm Shift: The Military and Operations Other  than War”, Journal of Political Science, tập 22 (1994), p. 15

[20] Peter Beinart, “ The return of the Bomb”, New Republic, 3/8/1998, trang 27

[21] Trích dẫn từ Michael Straight, Make this the last war ( New York : G.P Gutnam’s Sons, 1945) p.1

[22] Hans J. Morgenthau, Politics among Nations: The Struggle for  Power and Peace, 5th ed. (New York: Knopf, 1973), trang 248.

[23] Gordon Craig  và Alexander George, Force and  Statecraft: Diplomatic  Problems  of  Our Time, 2nd ed. (New York: Oxford University Press, 1990), trang 64.

[24] Những câu trả lời khẳng định chắc chắn được đưa ra bởi John R. Oneal và Bruce Russett trong “ Assessing the Liberal Peace with Alternative Specifications: Trade Still Reduces Conflict,” Journal of Peace Research, quyển 36, tập số 4 ( 7/1999) , trang 423 – 442; và của Russett, Oneal và David R. Davis, “ The Third Leg of  the Kantian Tripod for Peace: International Organizations  and Militarized Disputes,  1950 – 85,” International Organization, quyển 52, tập số 3 (Mùa hè 1998),  trang 441 – 467.

[25] Richard Rosecrance, The Rise  of  the Trading  State: Commerce and  Coalitions  in  the Modern  World (New York: Basic Books, 1986);  và Susan Strange, The Retreat  of  the State: The Diffusion  of Pozoer  in the World Economy  (New York: Cambridge University Press, 1996).

[26] Norman Angell, The Great Illusion, 4th  rev. and enlarged ed. (New York: Putnam’s,  1913).

[27] Katherine  Barbieri, “Economic  Interdependence: A Path  to  Peace  or  a  Source of  Interstate Conflict?” Journal  of  Peace  Research, quyển  33, tập số  1  (Tháng 2/ 1996). Lawrence Keely,  War before Civilization: The Myth of  the Peaceful Savage (New York: Oxford University Press, 1996),  trang 196, chỉ ra rằng với sự gia tăng của thương mại và kết hôn giữa các bộ lạc thì chiến tranh xảy ra thường xuyên hơn.

 

[28] Để biết thêm vấn đề các nước quản lý sự phụ thuộc lẫn nhau để tránh tình trạng lệ thuộc quá mức, xem thêm Robert Gilpin,  The Political Economy  of  International  Relations  (Princeton, N.J.: Princeton University  Press,

1987),  chương 10; và Suzanne Berger vàRonald Dore, eds., National  Diversity and Global Capitalism (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1996).

[29]  Cf. Kenneth N. Waltz, trong Steven L. Spiegel vàWaltz, eds., Conflict  in World Politics  (Cambridge, Mass.: Winthrop,  1971),  chương 13.

[30]   Robert 0. Keohane  và Joseph S. Nye, Power and  Interdependence,  2d  ed. (New York: Harper-Collins, 1989).

[31] Keohane  và Nye  có quan điểm nước đôi về vấn đề này.  Xem trong ibid., trang 28. Keohane nhấn mạnh rằng sức mạnh không thật sự hữu dụng trong Keohane, ed., “Theory of World Politics,” Neorealisrnand  Its Critics (New York: Columbia University Press, 1986);  và xem trong Kenneth N. Waltz, “Reflection on Theory of  International Politics: A Response  to My Critics,”  trong  ibid. Robert J. Art  phân tích hiệu quả của sức mạnh một cách chi tiết. Xem Art,  “American  Foreign  Policy  and  the Fungibility  of  Force,” Security Studies, quyển 5, Tập  4 (Mùa hè 1996)

[32] Kenneth N. Waltz,  “The Myth of  National  Interdependence,”  trong Charles P.  Kindleberger, ed., The International  Corporation  (Cambridge, Mass.: MIT Press, 1970).

[33] Strange, Retreat  of  the State, trang  46,  189.

[34] Ibid., trang 25,  192.

[35] Alexis de Tocqueville, Democracy  in American, ed. J.P. Mayer, trans. George Lawrence (New York: Harper Perennial, 1988), trang 446, n. 1.

[36] Xem  Kenneth  N. Waltz,  “International  Structure, National  Force,  and  the  Balance  of  World Power,”  Journal of  International  Affairs,  quyển 21, tập 2 (1967), trang 219

[37] Glenn H. Snyder, Alliance  Politics  (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1997),  trang 192.

[38] Kenneth N. Waltz,  “The  Emerging  Structure of  International  Politics,”  International  Security, Quyển 18, Tập 2 (Mùa thu 1993),  trang 75-76.

[39] John Roper, “Shaping Strategy without  the Threat,” Adephi Paper  No. 257  (London:  International  Institute for Strategic Studies, Mùa đông 1990/91), trang 80-81.

[40] Joseph A. Schumpeter, bàn về quân đội, lập luận theo hướng này:  “được tạo ra do yêu cầu của chiến tranh và giờ đây bộ máy tạo ra chiến tranh do nhu cầu của nó”, “The Sociology of  Imperialism,”trongSchumpeter, Imperialism and  Social Classes (New York: Meridian Books,  1955), trang 25 (phần in nghiêng từ nguyên bản).

[41]  Gunther  Hellmann  và  Reinhard  Wolf,  “Neorealism,  Neoliberal  Institutionalism,  and  the Future of  NATO,”  Security  Studies, quyển 3, tập 1 (Mùa thu 1993), trang 20.

[42] John Kornblum, “NATO’s Second Half Century-Tasks  for an Alliance,” NATO on Track for  the 21st  Century, Báo cáo Hội nghị  (The Hague: Netherlands Atlantic Commission, 1994), trang 14.

[43] Mark S. Sheetz, “Correspondence: Debating the Unipolar Moment,” International  Security, quyển 22, tập 3 (Mùa đông 1997/98), trang  170; và Mike Winnerstig,  “Rethinking Alliance Dynamics,” bài viết được giới thiệu tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu quốc tế, Washington, D.C., ngày 18-22/3,  1997, trang 23.

[44] Cf. Alan S. Milward, The European Rescue  of  the Nntion-State  (Berkeley: University of California Press, 1992).

[45]  Robert  0.Keohane và Lisa L. Martin,  “The Promise of  Institutionalist Theory,”  International Security, Quyển 20, Tập 1 (Mùa hè 1995), trang 40.

[46] James M. Goldgeier,  “NATO Expansion: The Anatomy of  a Decision,”  Washington Quarterly, Quyển 21,  Tập 1 (Mùa đông 1998), trang 94-95.  Xem thêm cuốn Not  Whether  but  When: The  U.S. Decision  to Enlarge NATO của ông (Washington, D.C.: Brookings,  1999).

[47] William D. Hartung,  “Welfare for Weapons Dealers 1998: The Hidden Costs of  NATO Expansion”  (New York: New School  for  Social Research, World  Policy  Institute, March  1998); và Jeff Gerth và Tim Weiner, “Arms Makers See Bonanza  in Selling NATO Expansion,”  Nezu York Times, 29/6/1997, trang I,  8.

[48]  Xem Michael E. Brown, “The Flawed Logic of Expansion,”  Survival, Quyển 37, Tập 1 (Mùa xuân 1995), trang 34-52.  Michael Mandelbaum, The Dawn of  Peace  in Europe  (New York: Twentieth Century Fund Press,  1996).  Philip Zelikow, “The Masque of  Institutions,”  Survival, Quyển 38, Tập  1 (Mùa xuân 1996).

[49] J.L. Black, Russia Faces NATO Expansion: Bearing Gifts or Bearing Arms?  (Lanham, Md.: Rowman & Littlefield, 2000), trang 5-35,  175-201

[50] Ibid., trang 72

[51] Keohane và Martin,  “The Promise of  Institutionalist Theory,”  trang 42, 46.

[52] Strange, Retreat  of  the  State, trang xiv;  và trang 192-193. Cf. Carr, The Twenty Years’  Crisis, trang 107: “chính phủ quốc tế là chính phủ màquốc gia cung cấp quyềnlực cần thiết cho mục đích điều hành.”

[53] Keohane và Martin, “The Promise of  Institutionalist Theory,”  trang 46.

[54] Ibid., trang 42.

[55] Mearsheimer, “A Realist Reply,”  trang 85.

[56] Keohane và Nye, Power and  Interdependence,  trang 251; cf. Keohane, “Theory of  World Politics,” trong Keohane, Neorealism  and  Its  Critics, trang  193, ông miêu tả cách tiếp cận của mình như “ một chương trình nghiên cứu cấu trúc có thay đổi cho phù hợp”.

[57] Robert O.Keohane,  International  Institutions  and  State  Power: Essays  in  International  Relations Theory  (Boulder, Colo.: Westview, 1989), trang 15.

[58] Robert  J.  Art,  “Why  Western Europe Needs  the United  States  and NATO,”  Political  Science Quarterly, Quyển 111, Tập  1 (Spring 1996).

[59] Trích dẫn trong sách đã dẫn, trang 36.

[60] Robert O. Keohane. “The Diplomacy of  Structural Change: Multilateral  Institutions  and State Strategies,”  trong Helga  Haftendorivà Christian  Tuschhoff, eds., America  and  Europe  in  an  Era  of Change (Boulder, Colo.: Westview, 1993), trang 53.

[61] Stephen D. Krasner, “Global Communications and National Power: Life on the Pareto Frontier,” World Politics, Quyển 43, Tập 1 (Tháng 4/ 1991), trang 234.

[62] Stephen  D. Krasner,  Structural  Conflict: The  Third  World  against  Global  Liberalism  (Berkeley: University  of  California, 1985), trang 263 và những chỗ khác.

[63] Stephen D. Krasner, “International Political Economy: Abiding Discord,” Review of  Internntional Political Economy, Quyển 1, Tập 1 (Mùa xuân 1994),  trang  16.

[64] Trích dẫn trong Robert Tucker,  Intervention  and  the Reagan Doctrine  (New York: Council on Religious and International Affairs, 1985),  trang 5.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]