#262 – Nguyên nhân hệ thống và tác động kinh tế

Print Friendly, PDF & Email

intl politics

Nguồn: Kenneth N. Waltz (1979). Theory of International Politics (Chapter 7) (Reading, Mass.: Addison-Wesley Pub. Co.), pp. 129-160.

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Như Thanh, Nguyễn Đỗ Thảo Đan, Hồ Phan Anh | Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Như Thanh

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn Theory of International Politics

Chương 6 đã so sánh hai hệ thống quốc gia và quốc tế và chỉ ra hành vi và kết quả thay đổi như thế nào từ hệ thống này sang hệ thống khác. Các chương 7, 8, 9 sẽ so sánh các hệ thống quốc tế khác nhau và chỉ ra hành vi và kết quả thay đổi như thế nào trong các hệ thống có nguyên tắc tổ chức không đổi nhưng cấu trúc lại biến đổi cùng với thay đổi trong phân bổ nguồn lực giữa các quốc gia. Câu hỏi đặt ra ở chương này là chúng ta nên ưa thích hệ thống nhiều hay ít siêu cường? Phần I đi sâu hơn nữa vào lý thuyết. Phần II chuyển từ lý thuyết sang thực tiễn.[1]

I.

  1. Xác định cực và đo lường sức mạnh

Chúng ta nên đếm cực và đo lường sức mạnh như thế nào? Các câu hỏi này cần phải trả lời nhằm xác định các biến đổi của cấu trúc. Gần như mọi người đều đồng ý rằng sau chiến tranh có những lúc thế giới ở thế lưỡng cực. Một ít người có vẻ tin rằng thế giới vẫn như thế. Nhiều năm trước Walter Lippmann đã viết rằng thế giới lưỡng cực sẽ vĩnh viễn ở trạng thái chuẩn bị biển đổi nhanh chóng (ví dụ, 1950 và 1963). Nhiều người khác hiện đang tin vào khẳng định của Lippmann. Để có thể kết luận rằng trật tự hai cực đang, hoặc đã, biến đổi cần một cách tính toán khác thường. Xu hướng tính toán một cách buồn cười bắt nguồn từ mong muốn đạt đến một câu trả lời cụ thể nào đó. Các nhà nghiên cứu vốn có sự gắn bó mạnh mẽ với trật tự cân bằng quyền lực của Metternich và Bismarck, vốn là nền tảng cho nhiều khái niệm lý thuyết của họ. Đó là kiểu trật tự có khoảng 5 cường quốc chi phối các nước láng giềng và tìm kiếm lợi thế. Cường quốc khi đó được xác định dựa vào nguồn lực. Các học giả chính trị quốc tế hiện nay có vẻ như có quan điểm khác biệt. Năng lực hay sự bất lực của quốc gia trong việc giải quyết vấn đề được cho là tác động đến vị thế của nước đó. Quan hệ các nước khi đó được xem xét thay cho sức mạnh mỗi nước, mà do quan hệ quốc tế luôn luôn có tính đa phương nên thế giới bị cho là đa cực. Vậy nên sự tan rã các khối liên minh được xem là dấu hiệu kết thúc thế hai cực dù cho suy diễn trật tự hai cực từ sự hiện diện của hai phe hai khối là nhầm lẫn giữa tương tác và sức mạnh của các quốc gia. Thế giới chưa bao giờ là hai cực chỉ bởi vì có hai phe đối đầu nhau mà là do sự vượt trội của hai siêu cường đứng đầu mỗi khối.

Bên cạnh sự nhầm lẫn của việc phải đo lường cái gì, ta còn thấy rằng những ai cố gắng định nghĩa cường quốc dựa theo sức mạnh của chúng lại đo đếm một cách kỳ lạ. Trong tất cả các cách thống kê thì cách được yêu thích nhất có thể lại là: tách biệt nguồn lực kinh tế, quân sự và chính trị của quốc gia trong đánh giá năng lực hành động của chúng. Ví dụ, Henry Kissinger, khi còn làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ, nhận định rằng dù về quân sự “hiện có hai siêu cường”, về kinh tế “lại có ít nhất 5 trung tâm lớn”. Quyền lực không còn “nhất quán” nữa. Xuyên suốt lịch sử, ông tiếp tục, “các tiềm năng quân sự, kinh tế và chính trị vốn liên quan mật thiết với nhau. Để được gọi là cường quốc một quốc gia cần phải có sức mạnh trong tất cả các lĩnh vực.” Giờ đây không còn như vậy nữa. “Cơ bắp quân sự không đảm bảo cho ảnh hưởng chính trị. Người khổng lồ về kinh tế có thể yếu đuối về quân sự, và sức mạnh quân sự không thể che giấu điểm yếu kinh tế. Các nước vẫn có thể có ảnh hưởng chính trị ngay cả khi không có sức mạnh kinh tế hay quân sự.” (10/10/1973, tr. 7). Nếu các nguồn lực khác nhau của một quốc gia không còn hỗ trợ lẫn nhau, ta có thể tập trung vào thế mạnh và bỏ qua điểm yếu của nước đó. Khi đó một nước sẽ được coi là siêu cường ngay cả khi nó chỉ có một vài đặc điểm của một cường quốc nêu ở trên. Trung Quốc có hơn 800 triệu dân; Nhật Bản có một nền kinh tế mạnh; Tây Âu có dân số cùng nguồn lực dồi dào và chỉ thiếu một thực thể chính trị. Thông thường, số lượng các siêu cường được xác định trong hiện tại bằng cách dựa vào các ước đoán trong tương lai. Khi châu Âu thống nhất…; nếu kinh tế Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng…; một khi Trung Quốc có đủ nguồn lực… Khi đó, dù cho tương lai như thế chỉ xảy ra trong vài thập kỷ tới, chúng ta lại nghe rằng thế giới không còn hai cực nữa. Một biến thể khác là gán cho một nước một địa vị dựa trên chính sách của chúng ta đối với nước đó (xem thêm các phân tích của tôi về Hoffmann ở trên, trong chương 3 phần II). Tổng thống Nixon đã chuyển dễ dàng từ việc nói rằng Trung Quốc đang trên đường trở thành siêu cường sang cho rằng nước này đã đạt địa vị siêu cường. Trong một phát biểu có mục đích xoa dịa Bắc Kinh, ông đã dành hai phần nói về điều này (5/8/1971, tr. 16). Và trang nhất các báo trước, trong và sau chuyến thăm Trung Quốc của Nixon đã khẳng định vị thế mới của nước này. Đây là sự sáng tạo lớn nhất kể từ khi Chúa tạo ra Adam và Eva, và là một ảo tưởng siêu cường thật sự của Mỹ. Một quốc gia trở thành siêu cường nếu ta đối xử với nước đó như thể nó là siêu cường. Chính chúng ta đã tạo ra địa vị của nước khác.

Gần đây, nhiều người kêu gọi thế giới quay về cục diện đa cực do họ nhầm lẫn cấu trúc với tiến trình. Sức mạnh phân bổ như thế nào? Đâu có thể là kết quả của phân bổ sức mạnh hiện tại? Đây là hai câu hỏi riêng biệt. Khó khăn trong việc xác định các cực bắt nguồn từ thất bại trong nắm được hai câu hỏi tách bạch này. Lý thuyết hệ thống yêu cầu định nghĩa cấu trúc một phần bởi phân bổ sức mạnh giữa các đơn vị. Do đang tồn tại trong một hệ thống tự cứu, quốc gia phải sử dụng sức mạnh tổng hợp để phục vụ lợi ích của mình. Nguồn lực kinh tế, quân sự, v.v. không thể tách riêng và đo lường một cách độc lập. Một nước không thể đứng hàng đầu chỉ vì mạnh trên một lĩnh vực này hay lĩnh vực khác. Vị thế một nước phụ thuộc vào tổng hợp sức mạnh của nước đó trong tất cả các mặt: dân số và diện tích, tài nguyên thiên nhiên, sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự, ổn định chính trị và năng lực lãnh đạo. Quốc gia dành nhiều thời gian đánh giá sức mạnh của nước khác, đặc biệt là khả năng sát thương của nước đó. Quốc gia có nhiều dạng kết hợp sức mạnh khác nhau vốn rất khó để đánh giá và so sánh, và hơn nữa tầm quan trọng của mỗi dạng sức mạnh lại thay đổi theo thời gian. Chúng ta không nên ngạc nhiên khi xuất hiện nhiều sai lầm. Nước Phổ làm các nhà quan sát, và chính phần lớn dân Phổ, ngạc nhiên vì tốc độ và tầm vóc của chiến thắng của nước này trước Áo năm 1866 và Pháp năm 1870. Tuy nhiên, xếp hạng quốc gia không yêu cầu phải dự đoán kết quả chiến tranh hay thành tựu của nước đó. Chúng ta chỉ cần đánh giá nguồn lực một nước. Mọi sự xếp hạng tại một thời điểm nhất định đều gây khó khăn trong việc so sánh và xác định phải lưu ý cái gì. Trong lịch sử, tuy có nhiều khó khăn, chúng ta vẫn dễ dàng thống nhất rằng nước nào là siêu cường của một thời kỳ nào đó, hiển nhiên thỉnh thoảng vẫn còn nghi ngờ đối với một vài trường hợp cá biệt. Khó khăn bất thường hiện nay trong việc xác định số lượng siêu cường không bắt nguồn từ khó khăn trong đo lường mà từ sự nhầm lẫn về cách thức xác định cường quốc.

Việc này cũng khó hay dễ như việc xác định có bao nhiêu công ty lớn nắm độc quyền nhóm trong một lĩnh vực của nền kinh tế. Các nhà kinh tế học cho rằng ngay cả khi tổng số đơn vị kinh tế trong một lĩnh vực là rất lớn thì vẫn có thể hiểu được tương tác giữa chúng, tuy là không thể hoàn toàn dự đoán trước được, thông qua lý thuyết về độc quyền nhóm nếu ta có thể rút gọn được thành một số nhỏ các công ty thật sự có ảnh hưởng lớn thông qua sự vượt trội của chúng. Chính trị quốc tế cũng tương tự. Con số 150 quốc gia trong hệ thống quốc tế rõ ràng là khổng lồ. Tuy nhiên, xét sự không đồng đều giữa chúng, con số quốc gia thật sự có ảnh hưởng vẫn khá nhỏ. Tính từ Hòa ước Westphalia cho đến ngày nay, tối đa có 8 cường quốc đã từng cố gắng chung sống hòa bình hay cạnh tranh bá quyền với nhau. Dưới góc độ chính trị cường quyền, ta có thể nghiên cứu quan hệ quốc tế qua cách tiếp cận hệ thống với một số lượng nhỏ [cường quốc].

  1. Tác dụng của bất bình đẳng

Logic hệ thống số lượng nhỏ áp dụng được cho chính trị quốc tế nhờ vào sự mất cân đối trong cán cân sức mạnh giữa thiểu số nước lớn và đa số nước nhỏ. Sự mất cân bằng sức mạnh này là một mối nguy hiểm cho nhóm các nước nhỏ và có thể cho cả nhóm các nước lớn. Bằng cách nuôi dưỡng tham vọng bành trướng, mất cân bằng sức mạnh có thể khiến một vài nước có hành động phiêu lưu nguy hiểm. Từ đó người ta có thể kết luận rằng an toàn cho các quốc gia sẽ phụ thuộc vào việc duy trì cân bằng sức mạnh giữa chúng. Theo đó, cân bằng sức mạnh cho phép mỗi quốc gia có khả năng tự vệ và do đó, trên phương diện đạo đức, là một điều kiện đáng mơ ước của hệ thống. Mỗi quốc gia trong cân bằng sức mạnh sẽ ít nhất có một khả năng tối thiểu để duy trì sự toàn vẹn của mình. Thêm nữa, mất cân bằng sức mạnh đi ngược với khái niệm công lý của chúng ta và dẫn tới sự nghi kỵ giữa các quốc gia vốn gây rắc rối theo nhiều cách. Trên cơ sở đó, người ta có thể ưa thích một hệ thống nhiều cường quốc. Thế nhưng, sự bất bình đẳng là một đặc tính cố hữu của hệ thống chính trị quốc tế và không thể loại bỏ. Trên đỉnh của kim tự tháp quyền lực chỉ có một số ít cường quốc cùng chung sống một cách gần như là cân bằng với nhau; các nước khác có vị trí thấp hơn so với các cường quốc này.

Điểm tiêu cực của sự bất bình đẳng giữa các nước không thể khiến ta bỏ qua tính tích cực của nó. Đối với kinh tế, chính trị hay thế giới nói chung, bình đẳng một cách triệt để đi liền với bất ổn. Ta hãy dùng hình ảnh so sánh trong chính trị nội địa: khi chủ nghĩa cá nhân lên đến mức cực đoan, khi xã hội bị phân rã cực độ, và khi thiếu các hình thức tổ chức xã hội phụ trợ, chính thể chính trị có xu hướng hoặc bị đổ vỡ và rơi vào vô trật tự hoặc trở nên tập quyền cao độ và trở thành chuyên chế. Trong hoàn cảnh bình đẳng cực đoan, sự dao động giữa hai hình thái tổ chức chính trị nói trên được miêu tả chính xác bởi Tocqueville, được Hobbes minh họa rõ ràng và được các tác giả của Federalist Papers[2] nỗ lực tìm cách ngăn ngừa. Trong một cộng đồng bình đẳng tột độ, mỗi một cơn bốc đồng nhỏ đều gây xáo trộn cả xã hội. Việc thiếu vắng các nhóm xã hội phụ trợ với sự cố kết nhất định và liên tục sẽ, chẳng hạn, biến các cuộc bầu cử thành cuộc đấu giá trong đó các đảng phái tìm cách trả giá cao hơn đối phương. Các hội đoàn kinh tế và xã hội, vốn không thể bình đẳng với nhau, sẽ giúp xã hội bớt biến động hơn. Mệnh đề vững chắc này của chính trị học lại bị bỏ qua bởi những người tin tưởng rằng số lượng cường quốc càng lớn thì chiến tranh càng được ngăn chặn, an ninh quốc gia càng được bảo đảm và bá quyền càng khó đạt được (Deutsch và Singer, 1964). Theo lô gíc, luận điểm này đưa đến kết luận rằng an ninh sẽ được bảo đảm trong một thế giới tại đó tất cả các quốc gia tương đối cân bằng với nhau. Quan điểm của tôi lại khác. Sự bất bình đẳng giữa các quốc gia, tuy là không đảm bảo được, nhưng cũng ít nhất khiến hòa bình và ổn định trở nên có thể đạt được.

  1. Đặc tính của hệ thống ít cường quốc

Vậy hệ thống ít và nhiều cường quốc khác nhau như thế nào? Đầu tiên tôi sẽ trả lời câu hỏi này bằng phép loại suy từ kinh tế học. Từ cạnh tranh hoàn hảo cho đến độc quyền đôi, cấu trúc thị trường đều có nguồn gốc cá thể, có tính chất tức thời và thành phần đồng nhất. Các biến thể của cấu trúc thị trường không phải bắt nguồn từ khác biệt trong tính chất đơn vị mà bởi khác biệt trong năng lực của chúng. Vì vậy mà số lượng [các đơn vị chủ đạo] là một nhân tố giải thích quan trọng. Khác biệt đến từ biến đổi trong số lượng nhà sản xuất. Trong hàng ngàn chủ trại lúa mì, ảnh hưởng của bất kỳ một người nào lên thị trường là không đáng kể. Là một chủ trại lúa mì thì với tôi thị trường là một lực lượng thống trị mà tôi không thể nào tác động lên được. Dưới sức ép khách quan và toàn thể [của thị trường], tôi chỉ có thể đưa ra quyết định dựa trên chính công việc kinh doanh của mình. Cũng như hàng trăm hàng ngàn chủ trại khác, tôi phải xác định lấy mục đích dựa trên chính bản thân mình. Tôi suy tính dựa vào mức lợi nhuận thu được cộng với kỳ vọng, nếu có thể được, về biến động giá cả trong tương lai. Giá cả được xác định bởi thị trường và không liên quan gì đến số lượng lúa mình mà tôi cung cấp. Do đó tôi phải tăng sản lượng và giảm chi phí mà không hề tính đến các đối thủ cạnh tranh. Nếu giá giảm và tôi cũng như các chủ trại khác muốn giữ vững doanh thu thì lợi ích vị kỷ khuyên tôi phải tăng sản lượng lên. Điều này lại đi ngược lợi ích chung vì nó còn khiến giá còn giảm hơn nữa. Tăng sản lượng mang lại kết quả tồi tệ, thế nhưng nếu chúng ta một mình theo đuổi bất kỳ hành vi nào khác thì kết quả còn tồi hơn nữa. Đây là một ví dụ khác minh họa cho “sự chuyên chế của các quyết định” riêng lẻ, một tình trạng chỉ có thể khắc phục được bởi hành động của chính phủ mang lại những thay đổi cấp độ cấu trúc như Đạo luật Điều chỉnh Nông nghiệp của Hoa Kỳ năm 1936.

Quyết định sản xuất bao nhiêu của mỗi người là một biến số độc lập. Vì kiểu quyết định này của bất cứ một người nào chỉ tạo ra một khác biệt vô cùng nhỏ trong tổng lượng cung nên trong thị trường không ai có thể tác động lên biến số này. Việc theo đuổi lợi ích vị kỷ chỉ khiến cho tất cả lâm vào tình thế tồi tệ hơn. Nhưng vì không ai làm thay đổi được một cách đáng kể tình trạng chung, việc cạnh tranh không thể dẫn tới dạng xung đột giữa các bên vốn cho rằng có thể gia tăng phần lợi nhuận của mình bằng cách tác động lên đối phương hay kiểu hành vi cố gắng dàn xếp xung đột. Một chủ trại lúa mì không bị kiểm soát bởi chủ trại khác, không chịu áp lực như khi chiến lược sản xuất kinh doanh của một người tác động lên hoạt động của người khác và ngược lại. Bất lực trước thị trường, mỗi chủ trại không cần phải bận tâm đến đối thủ cạnh tranh. Vì ở đây thị trường thống trị, mỗi người chỉ phải tính toán và lên kế hoạch sản xuất kinh doanh dựa vào các điều kiện của chính bản thân mình. Nhà kinh tế học, do phải tìm cách giải thích hệ quả, phải nghiên cứu thị trường; chủ thể kinh tế chỉ cần biết chính mình.

Trong điều kiện cạnh tranh hoàn hảo, nhà sản xuất không bị ràng buộc bởi tính toán chiến lược mà chỉ phải tuân theo yếu tố chiến thuật. Trong thị trường có một số ít các đối thủ cạnh tranh chủ yếu, nhà sản xuất nhỏ lẻ phải tính đến cả hai yếu tố trên. Các lực thị trường tác động lên các công ty lớn không phải là không thể bị thay đổi bởi chính hành vi của những công ty này. Vì thế nên công ty lớn không thể không tính đến tác động lên các công ty khác khi hoạt định chiến lược sản xuất kinh doanh. Vì thị trường không còn một mình xác định kết quả, tất cả bắt buộc phải tính đến đối thủ cạnh tranh và cố gắng lũng đoạn thị trường.

Mỗi công ty hay trang trại, dù lớn hay nhỏ, đều theo đuổi lợi ích cá nhân. Chỉ vậy thôi thì không có gì đáng chú ý cả, cũng giống như nói rằng cả công ty Ford Motor và trang trại lúa mì đều tìm cách tối đa hóa lợi nhuận. Chúng ta đều đã biết điều này rồi. Từ lợi ích cho trước trên của các đơn vị kinh tế chúng ta chẳng thể suy luận được gì hữu ích trừ khi chỉ ra được dạng hành vi cần thiết để theo đuổi lợi ích đó một cách thành công. Cách thức để đạt được mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận phụ thuộc vào cấu trúc thị trường. Tương tự, việc khẳng định rằng quốc gia tìm kiếm an ninh hay lợi ích quốc gia chỉ đáng lưu tâm khi chúng ta chỉ ra được cái lợi ích quốc gia đó yêu cầu phải hành động như thế nào. Quốc gia, đặc biệt là nước lớn, cũng giống như một công ty lớn. Chúng đồng thời bị giới hạn bởi hoàn cảnh của mình và đồng thời có thể tác động lên hoàn cảnh đó. Chúng buộc phải phản ứng lại với hành vi của chủ thể khác, mà đến lượt bản thân các hành vi này cũng có thể bị thay đổi bởi những phản ứng đó. Giống như trong thị trường độc quyền nhóm, kết quả là không xác định. Cả hoàn cảnh và chủ thể đều có ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng không bên nào có thể kiểm soát hoàn toàn bên nào. Bằng cách so sánh quốc gia với công ty, khái niệm “lợi ích quốc gia” vốn mù mờ nay được làm cho rõ ràng hơn. Giả định của chúng ta là chủ thể kinh tế tìm cách tối đa hóa lợi nhuận, và quốc gia tìm cách bảo đảm an ninh của mình. Các công ty lớn đều ở trong tình trạng tự cứu, trong đó an ninh của chúng chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của chính chúng trong khuôn khổ luật pháp. Chừng nào còn như vậy thì mục tiêu an ninh vẫn xếp trên lợi nhuận vì sinh tồn là điều kiện tiên quyết để thực hiện các mục tiêu khác. Luận điểm này còn ràng buộc các giả định nền tảng của kinh tế học cho rằng khi nào hoàn cảnh còn cho phép các công ty tác động lên cả thị trường lẫn công ty khác, khi đó lợi nhuận tương đối quan trọng hơn lợi nhuận tuyệt đối, do lợi ích tương đối trong so sánh với chủ thể khác quyết định năng lực bảo đảm sinh tồn của một công ty. Lợi ích của bản thân mỗi công ty yêu cầu chúng phải đặt nhu cầu an ninh lên trước mọi mục tiêu khác.

Tương tự, cho rằng một quốc gia hành động vì lợi ích của mình có nghĩa là sau khi suy tính đến các yêu cầu về an ninh quốc gia đó mới cố gắng theo đuổi các lợi ích khác. Điều này thật đơn giản mà cũng không kém phần quan trọng. Nội hàm của lợi ích quốc gia bao hàm luận điểm theo đó các chính sách ngoại giao và quân sự phải được tính toán sao cho an ninh của quốc gia không bị đe dọa. Hành động của quốc gia được tính toán phù hợp với tình hình của quốc gia đó. Các cường quốc, tương tự như những công ty lớn, đều phải tính đến phản ứng của chủ thể khác. Mỗi quốc gia tự lựa chọn chính sách cho mình. Lựa chọn sao cho hiệu quả buộc quốc gia phải xem xét mục tiêu của mình đặt trong mối tương quan với hoàn cảnh riêng của mỗi nước. Vấn đề mỗi quốc gia phải đối mặt, và số phận của hệ thống quốc tế, biến đổi ra sao cùng với sự biến đổi số lượng cường quốc? Số lượng cường quốc luôn ít nhưng ít khi giống nhau cho mỗi hệ thống quốc tế. Vì mục tiêu hòa bình, ổn định và việc giải quyết những vấn đề chung, chúng ta có nên ưu tiên năm cường quốc, hay mười hoặc một con số nào khác?

  1. Tại sao càng ít càng tốt

………….

II.

III.

IV.

Download toàn bộ văn bản tại đây: Nguyen nhan cau truc va tac dong kinh te.pdf

 

————

[1] Một vài phần trong chương này và chương tiếp theo từng được dùng như một nghiên cứu về sự phụ thuộc lẫn nhau cho Bộ Ngoại giao, vốn có quan điểm có thể khác tôi.

[2]  Tập hợp 85 bài viết và tiểu luận của James Madison, Alexander Hamilton và John Jay xuất bản những năm 1977-1978 nhằm diễn giải và bảo vệ Hiến pháp cũng như hệ thống chính trị Hoa Kỳ (ND)

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]