Hiệp định phân định biển Indonesia – Philippines: Những bài học cho các bên tranh chấp ở Biển Đông

Tác giả: Arif Havas Oegroseno| Biên dịch: NCQT

Việc Indonessia và Philippines gần đây kết thúc quá trình đàm phán vể ranh giới biển là một bước phát triển có ý nghĩa đối với 2 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việc đàm phán giữa 2 nước bắt đầu vào tháng 6/1994 và bị ngưng trệ cho đến năm 2003.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực Biển Đông do các tranh chấp đối kháng về các vùng biển ngày càng xấu đi thì đây là một bước ngoặt tích cực. Việc kết thúc thành công việc đàm phán giữa Jakarta và Manila đã chỉ ra một số bài học quan trọng cho tất cả các quốc gia yêu sách đối với các vùng biển tranh chấp trong khu vực Biển Đông.

Việc đàm phán diễn ra như thế nào?

Tháng 12/2003, tôi được giao khởi động lại việc đàm phán ranh giới biển với Philippines vốn đã bị ngưng trệ giữa 2 nước trong suốt gần một thập kỷ. Tôi đã làm việc với các đồng nghiệp Philippines cho đến năm 2010, khi tôi trao lại việc này cho các đồng sự của tôi tiếp tục đàm phán cho đến khi hai bên kết thúc và ký Hiệp định ngày 23/5, để sang nhận nhiệm vụ tại Brussels.

Các cuộc đàm phán về ranh giới biển đòi hỏi có sự kiên trì và quyết tâm. Đây là một quá trình lâu dài. Đàm phán với Philippines thực sự có ý nghĩa do  cả Indonesia và Philippines đều là 2 quốc gia quần đảo lớn nhất trên thế giới và là những người khỏi xướng chế định pháp lý về quốc gia quần đảo và cũng là thành viên Công ước Luật biển 1982.

Tuy nhiên, một di sản lịch sử Philippines thừa hưởng đó là đường ranh giới hình chữ nhật theo Hiệp ước Paris 1898 kết thúc cuộc chiến tranh Mỹ- Tây Ban Nha đã để lại những đường ranh giới biển không rõ ràng giữa Manila với các quốc gia láng giềng.

Indonesia lập luận rằng đường ranh giới hình chữ nhật theo Hiệp ước 1898 không phù hợp với Công ước Luật Biển 1982 mà cả Indonesia và Philippines đều là thành viên.

Đây là một vấn đề phức tạp cho cả 2 nước do Indonesia phủ nhận yêu sách của Philippines. Dù các đồng nghiệp Philippines của chúng tôi hiểu rõ các lý do mà chúng tôi không đồng ý, nhưng họ đã chịu áp lực nội bộ rất nhiều về việc làm sao phải giữ Hiệp định trên bàn đàm phán. Cuối cùng, Philippines cũng đã phải điều chỉnh quan điểm của mình theo Công ước Luật biển 1982, do đó, đã mở đường cho việc kết thúc đàm phán phân định ranh giới biển. Việc Philippines điều chỉnh quan điểm của mình theo Công ước Luật Biển 1982 cần được nhìn nhận như là một thực tiễn quốc tế đáng hoan nghênh trong luật pháp quốc tế.

Đàm phán về Sáng kiến Tam giác San hô

Trong khi các cuộc đàm phán về ranh giới biển đang diễn ra giữa Indonesia và Philippines cũng như giữa Inondesia và Malaysia, năm 2007, tôi cũng đang tham gia vào việc đàm phán về Sáng kiến Tam giác San hô (CTI) – một sáng kiến đối tác hợp tác đa phương gồm 6 nước là Indonesia, Malaysia, Philippines, Papua New Guinea, Đông Timore và quần đảo Solomon.

Trong số các nước này, Indonesia, Malayssia và Philippines và Đông Timore chưa đạt được thỏa thuận về ranh giới biển vào năm 2007. Tuy nhiên, các nước đã cố gắng hợp tác cùng nhau, thậm chí thành lập Ban Thư ký để giải quyết các mối đe dọa khẩn cấp đối với các nguồn tài nguyên biển và ven bờ của một trong những khu vực giàu tài nguyên và hệ sinh thái biển lớn nhất thế giới.

Ở một khu vực khác, trong khu vực biển bận rộn nhất trên thế giới – đó là các eo biển Malacca và eo biển Singapore – ba nước ven biển là Indonesia, Singapore và Malaysia cũng đã có thể cùng nhau hợp tác vì mục tiêu lớn, cho dù tại đây có ít đường ranh giới biển.

Hai bài học cho các quốc gia yêu sách ở Biển Đông

Có hai bài học quan trọng nảy sinh từ việc đàm phán phân định ranh giới biển giữa Indonesia và Philippines.

Thứ nhất, dù bạn muốn hay không, luật pháp hiện hành đóng vai trò chi phối trong việc giải quyết vấn đề phân định ranh giới biển là Công ước Luật biển năm 1982. Điều này bất kể các tư liệu lịch sử mà bạn có, thậm chí đó là tư liệu 115 năm tuổi. Nếu đường ranh giới hình chữ nhật theo bản đồ của Hiệp ước có cả trăm năm tuổi đã phải điều chỉnh theo Công ước Luật biển 1982 thì việc điều chỉnh theo Công ước Luật biển 1982 một bản đồ đường chín đoạn vốn mới chỉ được tạo ra giữa những năm 1940 cũng sẽ là một việc không có vấn đề gì đáng kể.

Cho dù có sự khác biệt về hình dạng của đường ranh giới hình chữ nhật theo Hiệp ước Paris mà Philippines trước đó sử dụng đối với Indonesia và đường 9 đoạn mà hiện Trung Quốc đang sử dụng làm căn cứ yêu sách vùng biển trong khu vực Biển Đông, song chúng đều có một điểm tương đồng: cả hai đường ranh giới này là sự thể hiện các yêu sách đơn phương không dựa trên luật pháp quốc tế. Đường ranh giới biển đầu tiên giữa Indonesia và Philippines biểu hiện sự xuất hiện một thực tiễn quốc tế mà ở đó, đối với các yêu sách về ranh giới biển, một tuyên bố đơn phương theo bản đồ cuối cùng cũng phải phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành vốn đóng vai trò chi phối vấn đề này.

Thứ hai, các quốc gia có yêu sách không cần nhìn xa mới thấy các quốc gia khác trong khu vực có thể hợp tác với nhau như thế nào vì một lợi ích lớn hơn đối với các vùng biển rộng lớn mà không có đường ranh giới biển.

Lợi ích lớn hơn của CTI là vấn đề bảo vệ môi trường, trong eo biển Malacca đó là vấn đề an ninh hàng hải. Đó là lợi ích chung được thúc đẩy và bảo vệ bởi các quốc gia cho dù không có các đường ranh giới biển. Đây là những thực tiễn quốc tế hết sức cụ thể và tuyệt vời ở khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là những ví dụ rõ ràng rằng chúng ta cũng có truyền thống luật pháp quốc tế ở khu vực Đông Nam Á.

Do vậy, những leo thang gần đây đối với các yêu sách chồng lấn trong khu vực Biển Đông không phải là tiêu chuẩn của khu vực. Đó là một sự dị thường đối với thực tiễn quốc tế trong khu vực và cần phải được điều chỉnh.

Tôi tin rằng tất cả các quốc gia yêu sách ở khu vực Biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an của Liên Hợp Quốc, mang sứ mạng chính trị, đạo đức và trách nhiệm quốc tế trong việc tạo dựng hòa bình và ổn định trong khu vực và có thể cùng nhau hợp tác một cách hòa bình.

Châu Á cũng có thể là một điển hình của thế giới trong việc ngăn ngừa và quản lý xung đột bất kể có tồn tại các đường ranh giới hay không. Điều này có thể đạt được thông qua việc đặt lợi ích chung lớn hơn và tài sản chung là hòa bình và ổn định lên trên và thu hẹp quan điểm quốc gia. Liệu chúng ta đã sẵn sàng cho việc này chưa?

—-

[*] Đây là bài viết của Đại sứ Arif Havas Oegroseno, nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp Quốc tế, Bộ Ngoại giao Indonesia và hiện là Đại sứ của Indonesia tại Bỉ, Lúc-xem-bua và EU. Bài viết được đăng lần đầu trên RSIS Commentaries và sau đó được The Diplomat đăng lại.