Các vấn đề của chiến lược xoay trục: Những gì Washington nên nhượng bộ ở Châu Á

Tác giả: Jennifer Lind | Biên dịch: Trần Anh Phúc

img-obamashinzoabe090513_113027343217.jpg_item_large

Những lời hứa bảo vệ đồng minh ở Đông Á của Hoa Kỳ là nền tảng của an ninh khu vực. Tuy nhiên, những lời bàn tán về độ tin cậy của những lời hứa đó đang ngày càng tăng. Trong khi đó, Trung Quốc lại tiếp tục khẳng định các yêu sách của mình đối với các quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông và biển Hoa Nam (Biển Đông) thông qua cái gọi là chiến thuật “cắt từng lát” (chiến thuật salami): lần lượt tiến hành các động thái khiêu khích nối tiếp, giống như cắt từng lát salami. Mỗi hành động khiêu khích góp phần nâng cao lập trường của Trung Quốc nhưng lại là quá nhỏ để phải nhận một phản ứng mạnh mẽ. Nhiều nhà bình luận cho rằng Hoa Kỳ phải tăng cường răn đe bằng cách đưa ra những cam kết rõ ràng và mạnh mẽ hơn đối với các đồng minh của mình.

Nhưng Hoa Kỳ sẽ không giải quyết vấn đề của mình ở Đông Á bằng cách tự đưa mình vào khuôn khổ phải theo sát bước chân các đồng minh. Thay vào đó, để định hướng, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên xem xét đến một trường hợp trước đó mà Hoa Kỳ đã xử lý thành công: đó là vấn đề Tây Berlin trong Chiến tranh Lạnh. Trong trường hợp đó, một cường quốc khác – Liên Xô – cũng đang thúc ép và cố gắng để chia rẽ Hoa Kỳ với các đồng minh. Washington đã giải quyết vấn đề bằng một lập trường kiên quyết đối với cả hai bên. Chính quyền Kennedy vạch rõ những lợi ích thiết yếu mà nó sẽ chiến đấu để bảo vệ, trong khi giải thích cho đồng minh Tây Đức rằng Hoa Kỳ sẽ không chiến đấu để đạt được mọi mục tiêu của (Tây) Đức trong cuộc đối đầu đó.

Cuộc chơi quyền lực

Trong những năm tới, tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng sẽ gây ra những căng thẳng, khủng hoảng và xung đột tiềm tàng ở Đông Á. Tại biển Đông, Bắc Kinh khẳng định chủ quyền đối với một khu vực (bao trùm bởi cái gọi là đường chín đoạn), trong đó năm quốc gia láng giềng – gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam – duy trì các yêu sách lãnh thổ đối nghịch của riêng mình. Ở biển Hoa Đông, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát (mà Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư).

Giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phánsẽ rất khó khăn; các nước liên quan đã đưa ra một mớ rắc rối của những yêu sách mang tính pháp lý và lịch sử đối nghịch nhau, và các đảo nhỏ tranh chấp đã trở thành một đề tài cho các chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc sử dụng để kêu gọi sự ủng hộ. Hơn nữa, nhiều khu vực lãnh thổ đang tranh chấp có các ngư trường dồi dào và được cho là nằm gần các mỏ dầu và khí tự nhiên đáng kể.

Những tranh chấp này đã gia tăng trong những năm gần đây. Ví dụ, ở biển Đông, vào tháng 5/2014, Trung Quốc bắt đầu khoan dầu ở vùng nước tranh chấp với Việt Nam và các tàu Hải cảnh Trung Quốc có vũ trang đã đe dọa các tàu Việt Nam tiếp cận đến khu vực dàn khoan. Cuối tháng 12, một tàu Trung Quốc gần như va chạm với một tàu Mỹ, USS Cowpens. Từ năm 2012, Bắc Kinh đã đẩy  Philippines ra khỏi bãi cạn tranh chấp Scarborough; Trung Quốc hiện cũng đang cố đẩy Philippines ra khỏi vị thế mong manh của nó trên bãi Ayungin (bãi Cỏ Mây).

Biển Hoa Đông cũng đã trở nên nguy hiểm hơn. Trong vài năm qua, Nhật Bản đã nhiều lần ra lệnh cho các máy bay chiến đấu cất cánh để chống lại máy bay Trung Quốc xâm nhập vào lãnh thổ tranh chấp. Năm ngoái, một tàu Trung Quốc đã khóa radar định hướng vũ khí nhằm vào một tàu khu trục của Nhật Bản. Trung Quốc cũng đã đưa một máy bay không người lái bay trên quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, dẫn đến các cuộc biểu tình tại Nhật Bản và một mệnh lệnh từ Thủ tướng Nhật Bản sẵn sàng bắn hạ các máy bay không người lái nếu chúng bất chấp lời cảnh báo phải rời khỏi không phận Nhật Bản. Bắc Kinh cho biết rằng nó sẽ xem một động thái như trên là một “hành vi chiến tranh” mà nó sẽ đáp trả bằng “hành động kiên quyết”.

Khi các tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á nóng lên, các liên minh của Washington với Nhật Bản và Philippines có nguy cơ kéo Hoa Kỳ vào một cuộc chiến tranh khu vực. Đây là một bước phát triển mới; trong Chiến tranh Lạnh, nguy cơ vướng vào những liên minh này diễn ra theo một hướng khác. Bởi vì Nhật Bản và Philippines nắm giữ các căn cứ quân sự quan trọng chiến lược của Mỹ, các nước này tự nhận thấy mình nằm trong tầm ngắm của Liên Xô. Những cuộc khủng hoảng thường xuyên giữa các siêu cường, đối với vấn đề Berlin, Cuba, và Đài Loan, đe dọa leo thang thành chiến tranh, cuộc chiến vốn sẽ bao gồm các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ Nhật Bản và Philippines. Hơn nữa, Tokyo đối mặt với áp lực liên tục từ Washington nhằm tăng cường vai trò của nó trong liên minh, và tham gia vào các cuộc phiêu lưu quân sự của Mỹ ở những nơi như bán đảo Triều Tiên, Việt Nam và Vịnh Ba Tư.

Tuy nhiên, ngày nay, chính những người Mỹ lại lo sợ vướng víu vào một cuộc chiến không mong muốn và có khả năng tàn phá lớn với Trung Quốc. Trước sự thay đổi sâu sắc này, thật không ngạc nhiên khi các đồng minh của Mỹ hoài nghi về cam kết của Washington đối với an ninh của họ. Ví dụ, hồi tháng 3, tờ Nhật báo Asahi Shimbun thảo luận việc những căng thẳng gia tăng trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã khiến nhiều nhà quan sát Nhật Bản đề cập đến “sự không đáng tin cậy của đồng minh chính của Nhật Bản”như thế nào.

Đáp lại những nghi ngờ đó, Washington đã tái khẳng định cam kết của mình đối với an ninh của Nhật Bản trong một phạm vi rộng lớn. Tổng thống Mỹ Barack Obama và các quan chức khác của Mỹ đã thông báo rằng mặc dù Washington không đứng về phía nào trong tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, sự đảm bảo an ninh của Mỹ đối với Nhật Bản sẽ áp dụng cho các cuộc tấn công nhằm vào các quần đảo này bởi vì chúng được “quản lý bởi Nhật Bản”. Tại Biển Đông, Washington đã tuyên bố tương tự về tính trung lập của mình trong các yêu sách lãnh thổ, nhưng đã không tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Philippines về mặt quân sự trong trường hợp xung đột.

Cách tiếp cận này chỉ gây thêm nhiều thách thức. Việc tuyên bố đơn giản rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ các khu vực do Nhật Bản quản lý không giải quyết được vấn đề chiến lược cốt lõi mà Washington và Tokyo đối mặt – Trung Quốc vẫn có thể sử dụng “chiến thuật salami” để quấy rối và kích động. Tại Washington, những hành vi như vậy sẽ đơn giản được xem như những hành động quấy rối; nhưng ở Tokyo, chúng sẽ bị coi là hành vi xâm phạm chủ quyền của Nhật Bản và sẽ tiếp tục làm tăng nghi ngờ trong người dân Nhật rằng người Mỹ có thể sẽ không bảo vệ họ. Kết quả là, liên minh này sẽ suy yếu.

Áp dụng cách tiếp cận trong vấn đề Berlin

Tất cả những điều này gợi lên một điều quen thuộc. Thế khó của Mỹ ở Đông Á gợi nhớ lại thời kỳ cuối những năm 1950, khi Liên Xô và đồng minh Đông Đức của họ bắt đầu thách thức sự tiếp cận của phương Tây đối với hệ thống đường cao tốc (tiếng Đức là Autobahns) kết nối Cộng hòa Liên bang Đức đến thành phố bị cô lập Tây Berlin. Tây Đức xem những hành động này là mối đe dọa nghiêm trọng đến yêu sách của họ đối với Tây Berlin cũng như hy vọng của họ cuối cùng sẽ thống nhất đất nước. Theo đó, các quan chức Tây Đức xác định việc duy trì tiếp cận các Autobahns là một thước đo quan trọng về uy tín và giá trị của NATO.

Tại một thời điểm trong cuộc khủng hoảng, Liên Xô yêu cầu đoàn xe của phe đồng minh xuất trình giấy tờ để được đóng dấu của lực lượng biên phòng Đông Đức (chứ không phải là Liên Xô). Các quan chức Tây Đức cho biết, việc cho phép người Đông Đức đóng dấu vào các giấy tờ trên đồng nghĩa với sự công nhận trên thực tế đối với nhà nước Đông Đức và hàm ý rằng Đông Đức có thể quyết định không cho phép tiếp cận các tuyến đường nói trên trong tương lai. Tây Đức, với sự ủng hộ của một số quan chức cấp cao Mỹ, đã tuyên bố rằng vấn đề có vẻ tầm thường này có ý nghĩa quan trọng đối với uy tín của NATO và rằng Hoa Kỳ phải có một lập trường vững chắc – đến mức có thể có nguy cơ gây một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Sau nhiều tháng tranh cãi với các đồng minh, chính quyền Kennedy nói “không” – với cả Liên Xô và Tây Đức. Các lợi ích cốt lõi của các đồng minh (theo như lời của Tổng thống là “sự hiện diện của chúng ta ở Berlin, và sự tiếp cận đến Berlin”) là không thể thương thảo, và Hoa Kỳ sẽ chiến đấu nếu cần thiết để bảo vệ các lợi ích đó. Tuy nhiên, như một quan chức cấp cao giải thích, Hoa Kỳ đã “không sẵn sàng để chịu rủi ro xảy ra một cuộc chiến tranh chỉ vì vụ đóng dấu”. Bất kể Liên Xô muốn đóng dấu các giấy tờ bằng con dấu màu đỏ hoặc màu xanh, hai hay ba lần, hoặc nếu họ muốn lực lượng biên phòng Liên Xô, Đông Đức, hoặc bất cứ nước nào khác đóng dấu chúng, thì đều không quan trọng.

Tây Đức lúc đầu không hài lòng. Nhưng quan điểm rõ ràng và hợp lý của Hoa Kỳ đối với Berlin, được nhấn mạnh bằng việc Kennedy tăng tiếp viện quân sự ngay lập tức đến châu Âu, về cơ bản đã chấm dứt hoàn toàn cuộc khủng hoảng kéo dài và cả chiến thuật salami của Liên Xô. Và bằng cách tách bạch giữa các vấn đề cốt lõi và vấn đề mang tính biểu tượng, Hoa Kỳ đã đặt nền móng cho một liên minh bền vững hơn: một liên minh mà trong đó mỗi bên tin rằng đối tác của mình sẽ chiến đấu nếu cần thiết, bởi vì liên minh được xây dựng trên cơ sở những lợi ích chung mang tính sống còn, không phải trên những biểu tượng mà chỉ quan trọng chủ yếu đối với một bên.

Ở Đông Á ngày nay, thách thức đối với Washington là tách biệt những lợi ích sống còn của Mỹ với các vấn đề như việc đóng con dấu nói trên và truyền tải sự phân biệt đó đến các đồng minh và đối tác của Mỹ. Đây là một cách để điều này có thể thực hiện được:

Ở biển Hoa Đông, Hoa Kỳ đã cam kết bảo vệ lãnh thổ mà Nhật Bản quản lý, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hành động khiêu khích của Trung Quốc – như cho máy bay bay trên các đảo hoặc đưa tàu đi qua vùng biển tranh chấp – là những hành động gây phiền toái. Chúng không đem lại cho Bắc Kinh những lợi ích cụ thể của sự sở hữu. Nhưng nếu Trung Quốc có ý định xây dựng cấu trúc dân sự hoặc quân sự trên những hòn đảo nói trên, đóng quân đội hoặc thiết lập các khu định cư, hoặc khai thác tài nguyên cụ thể từ các đảo, Bắc Kinh sẽ đang chiếm lấy những tài sản mà Nhật Bản tin rằng thuộc sở hữu của mình. Ví dụ, nếu Trung Quốc có ý định xây dựng bến tàu trên một trong các đảo thuộc quần đảo Senkaku / Điếu Ngư, Mỹ sẽ giúp Nhật Bản tháo dỡ nó – giống như họ sẽ hành động nếu Trung Quốc xây dựng một bến tàu trên đảo Okinawa.

Tình hình trên biển Đông thì khác hẳn, bời vì Washington đã không hứa sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Philippines ở đó. Liệu liên minh Mỹ-Philippines có đủ quan trọng để dành một sự đảm bảo của Mỹ cho các yêu sách của Manila hay không vẫn còn là một câu hỏi mở. Nhưng khi nói đến các yêu sách của Philippines ở biển Đông, ta vẫn có thể phân biệt các vấn đề mang tính biểu tượng với các lợi ích quan trọng của Mỹ. Khi Bắc Kinh quấy rối tàu Philippines, thì đó là điều đáng tiếc. Nhưng khi Trung Quốc tìm cách để gặt hái những lợi ích của việc sở hữu – ví dụ bằng cách thiết lập các khu định cư và khai thác tài nguyên – thì nó vượt qua ngưỡng quan trọng.

Tầm nhìn mấu chốt ở đây không phải là điều gì tạo nên lợi ích cốt lõi so với vụ việc mang tính biểu tượng – mà chỉ đơn giản rằng Washington phải phân biệt giữa chúng với nhau. Ngày nay, các học giả thường lập luận rằng tất cả mọi thứ đều quan trọng, đều được kết nối với nhau và những hiểm họa thì rất nhiều. Nhưng tất cả mọi thứ không quan trọng như nhau. Sự sáng suốt trong cách tiếp cận của chính quyền Kennedy đối với Berlin chính là nó đồng thời vừa vô hiệu hóa chiến thuật salami của Liên Xô lại vừa tăng cường quan hệ liên minh của Mỹ với Tây Đức. Tương tự, việc trao đổi thẳng thắn giữa Hoa Kỳ và các đối tác ở Đông Á có thể giúp tăng cường các mối quan hệ với họ, trong khi ngăn cản những nỗ lực của Trung Quốctrong việc chia rẽ họvới Hoa Kỳ.

Jennifer Lind là Phó Giáo sư về quản trị tại Đại học Dartmouth và là tác giả của cuốn “Sorry States: Apologies in International Politics”.

Bản gốc tiếng Anh: Foreign Affairs