Chính sách của Mỹ đối với tranh chấp Biển Đông từ 1995 đến nay

Print Friendly, PDF & Email

bilde

Tác giả: M. Taylor Fravel | Biên dịch: Trần Quang

Chính sách của Mỹ đối với Biển Đông thay đổi và vận động phụ thuộc cơ bản vào việc các tranh chấp sẽ diễn biến như thế nào, hành vi của Trung Quốc hung hăng hay hòa dịu, hợp tác. Với tình hình tranh chấp và hành vi của Trung Quốc thời gian gần đây, chắc chắn Mỹ sẽ tăng cường đẩy mạnh sự can dự của mình vào vấn đề Biển Đông.

Tóm tắt nội dung

Chính sách của Mỹ đối với tranh chấp Biển Đông có 4 đặc điểm. Đầu tiên, Mỹ sẽ có sự thay đổi về chính sách nhằm đối phó với những thay đổi về mức độ căng thẳng trong tranh chấp. Thứ hai, chính sách của Mỹ đối với Biển Đông dựa trên tiền đề nguyên tắc là duy trì tính trung lập đối với các yêu sách về chủ quyền. Thứ 3, khi mối liên quan của mình trong quản lý căng thẳng gia tăng, Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn vào tiến trình và nguyên tắc thay vì một kết quả cuối cùng trong vấn đề giải quyết các tranh chấp, hoặc giải quyết các tranh chấp, đặc biệt là quản lý xung đột thông qua tiến trình đạt được một Bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc. Thứ 4, chính sách của Mỹ đối với Biển Đông là định hình hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua nhấn mạnh đến cái giá phải trả cho hành vi cưỡng ép và theo đuổi các yêu sách trái với thông lệ của luật quốc tế. Trong tương lai, nếu như những tranh chấp về quyền tài phán biển và lãnh thổ vẫn chưa được giải quyết, các quốc gia vẫn thực hiện những tuyên bố và hành động nhằm khẳng định và bảo vệ những yêu sách của mình, có lẽ Mỹ sẽ vẫn tiếp tục sự can dự của mình trong vấn đề quản lý căng thẳng ở đây.

Giới thiệu

Một trong những đặc điểm nổi bật trong quan hệ quốc tế ở Đông Á trong 5 năm qua là những căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, quyền tài phán trên biển ở Biển Đông gia tăng một cách đều đặn. Mặc dù không có yêu sách đối với các thực thể tranh chấp ở đây, nhưng Mỹ vẫn tăng cường mói quan tâm và mối liên quan của mình bằng các nỗ lực kiểm soát những căng thẳng này. Bảng tóm tắt về chính sách sẽ đánh giá tiến trình phát triển trong chính sách của Mỹ đối với những xung đột ở Biển Đông, đưa ra nhận định về những tác động từ việc can dự ngày càng lớn của Mỹ trong quan hệ Mỹ – Trung trong thập kỷ tới.

Chính sách của Mỹ đối với tranh chấp Biển Đông có 4 đặc điểm. Đầu tiên, Mỹ sẽ có sự thay đổi về chính sách nhằm đối phó với những thay đổi về mức đọ căng thẳng trong tranh chấp. Nói cách khác, Mỹ sẽ tăng cường mức độ can dự của mình khi căng thẳng trong tranh chấp giữa các quốc gia gia tăng. Trong thời điểm tranh chấp lắng dịu, Mỹ sẽ sửa đổi chính sách của mình hoặc sẽ tăng cường sự can dự.

Thứ hai, chính sách của Mỹ đối với Biển Đông dựa trên tiền đề nguyên tắc duy trì tính trung lập đối với các yêu sách về chủ quyền. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ không đứng hoặc ủng hộ yêu sách của bất kỳ quốc gia nào đề phản bác yêu sách của các quốc gia khác. Việc đó sẽ ảnh hưởng đến Mỹ, bởi Mỹ không muốn gia tăng sự can dự trực tiếp trong trong chấp lãnh thổ của Trung Quốc, cũng không muốn biến Biển Đông thành vấn đề trung tâm trong quan hệ Mỹ – Trung. Tuy nhiên, lại tồn tại sức ép giữa nguyên tắc duy trì tính trung lập và sự can dự mạnh mẽ hơn trong nỗ lực quản lý căng thẳng trong tranh chấp, đặc biệt là khi một quốc gia bị xem là đang trở thành nguồn cơn gia tăng căng thẳng.

Thứ 3, khi mối liên hệ trong quản lý căng thẳng gia tăng, Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn vào tiến trình và nguyên tắc thay vì một kết quả cuối cùng trong vấn đề giải quyết các tranh chấp, hoặc giải quyết các tranh chấp, đặc biệt là quản lý xung đột thông qua tiến trình đạt được một Bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc. Việc tập trung vào quá trình và nguyên tắc là nhằm lách qua nguyên tắc duy trì tính trung lập trong vấn đề chủ quyền trong khi vẫn tăng cường sự can dự của mình để giảm những bất ổn. Cách tiếp cận chung là nêu rõ những nguyên tắc mà tất cả các quốc gia nên sử dụng và sử dụng các nguyên tắc đó làm cơ sở cho chính sách của Mỹ.

Thứ 4, chính sách của Mỹ đối với Biển Đông là định hình hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua nhấn mạnh đến cái giá phải trả cho hành vi cưỡng ép và theo đuổi các yêu sách trái với thông lệ của luật quốc tế. Cái giá mà Trung Quốc phải trả là một hình ảnh bị hoen ố khi một quốc gia thực hiện những hành vi vi phạm luật quốc tế (đặc biệt là UNCLOS), phá hỏng các mối quan hệ với các quốc gia yêu sách khác, thúc đẩy vị thế của Mỹ trong khu vực với tư cách là đối tác của những quốc gia yêu sách khác trong tranh chấp.

Trong tương lai, nếu như những tranh chấp về quyền tài phán biển và lãnh thổ vẫn chưa được giải quyết, các quốc gia vẫn tiếp tục thực hiện những tuyên bố và hành động nhằm khẳng định và bảo vệ những yêu sách của mình, có lẽ Mỹ sẽ vẫn tiếp tục sự can dự trong vấn đề quản lý căng thẳng ở đây. Tuy nhiên, nếu những căng thẳng lắng dịu dù không có một thỏa thuận nào cho những tranh chấp, thì sự can dự của Mỹ có thể sẽ giảm đi. Đến một mực độ mà những căng thẳng ở Biển Đông có mối liên quan đến hành vi của Trung Quốc, lúc này Biển Đông sẽ tiếp tục là vấn đề trong mối quan hệ Mỹ – Trung. Tuy vậy, bằng việc cân bằng sự can dự liên quan đến quản lý tranh chấp cùng với chính sách trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, Mỹ sẽ tìm cách giới hạn vai trò của Biển Đông trong mối quan hề Mỹ – Trung.

Lợi ích của Mỹ ở Biển Đông

Mỹ có 2 lợi ích mang tính nguyên tắc ở Biển Đông: tiếp cận và sự ổn định. Đầu tiên, Mỹ có lợi ích rất lơn trong việc duy trì khả năng tiếp cận các cùng biển khu vực này không bị cản trở. Theo quan điểm của Washington, tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền tự do đi lại trên vùng biển quốc tế, bao gồm tự do hàng hải nằm ngoài lãnh hải 12 hải của một quốc gia, đây là khu vực mà quốc gia ven biển được hưởng quyền chủ quyền. Các tàu quân sự và thương mại đều được hưởng quyền tự do đi lại trên vùng biển quốc tế đó như đã được quy định trong điều 56 và 87 của Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Mỹ đã thực hiện những “khẳng định thực tế” đối với quyền tự do hàng hải đó tại các vùng biển của Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia đều đặn hàng năm từ năm 2007[1]. Mặc dù chi tiết về những hoạt động này không công khai, nhưng có thể đoán rằng, những hoạt động đó được thực hiện ở Biển Đông và khu vực khác.

Có hai lý do quan trọng trong vấn đề tiếp cận các vùng biển ở Biển Đông không bị cản trở. Thứ nhất, khu vực này là động lực thúc đẩy cho sự năng động kinh tế khu vực, là nơi sự phát triển dựa vào thương mại quốc tế và khu vực. Lượng giá trị hơn 5 nghìn tỷ USD thương mại lưu chuyển qua các vùng biển ở Biển Đông hàng năm, trong đó Mỹ chiếm hơn 1 nghìn tỷ USD.[2] Thứ hai, việc tiếp cận không bị cản trở sẽ duy trì khả năng bảo vệ sức mạnh quân sự của Mỹ, không chỉ tại Đông Á mà còn trên toàn thế giới, bởi rất nhiều tàu hải quân Mỹ từ Tây Thái Bình Dương và Nhật Bản đi qua cung đường ở Biển Đông tới Ấn Độ Dương và Vịnh Ba Tư. Thứ ba, duy trì các nguyên tắc tự do hàng hải ở Biển Đông là một phần trong mong muốn duy trì nguyên tắc này trên toàn cầu.

Đối với Mỹ, tự do tiếp cận các vùng biển ở Biển Đông hiện đang phải đối mặt với một số mối đe dọa. Đầu tiên là cách diễn giải của Trung Quốc về quyền của các quốc gia ven biển trong vùng Đặc quyền Kinh tế. Kể từ khi xảy ra va chạm máy bay EP-3 vào năm 2001, Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt lý lẽ mang tính pháp lý nhằm hạn chế hoạt động quân sự trong vùng này, đặc biệt là để hạn chế các hoạt do thám và giám sát của Mỹ.[3] Mặc dù Trung Quốc chỉ tập trung hạn chế các hoạt động của Mỹ tại các vùng biển gần bờ biển của mình, nhưng có thể Trung Quốc cũng sẽ theo đuổi việc giới hạn các khu vực tương tự trên toàn bộ Biển Đông. Ngay cả khi Trung Quốc có các yêu sách phù hợp với UNCLOS, những yêu sách không nhằm giới hạn các hoạt động quân sự phù hợp với công ước, thì sự mập mờ xung quanh quyền lịch sự mà Trung Quốc có thể yêu sách tại các vùng biển dựa trên đường 9 đoạn lại nhằm duy trì những giới hạn đó.

Mối đe dọa thứ hai là sự hiện đại hóa hải quân PLA (PLAN), quá trình này nếu theo thời gian có thể sẽ được thực hiện nhằm đẩy các tàu hải quân của Mỹ ra khỏi các vùng biển này. Tuy nhiên, với tham vọng bành trướng ra Biển Đông, thì trong một vài thập kỷ tới, Hạm đội Nam hải của PLAN sẽ không có đủ khả năng làm điều đó. Ở thời điểm hiện tại, Hạm đội Nam hải có khoảng 8 tàu khu trục (5 trong số đó là các tàu hiện đại) và 19 tàu khu trục loại nhỏ (có 4 hoặc 8 là các tàu hiện đại). Diện tích Biển Đông khoảng 3 triệu km2, đây là khu vực sẽ đặt ra những thách thức cho bất kỳ hải quân nước nào thực hiện việc kiểm soát vùng biển này, đặc biệt là phải đối mặt với số lượng nhiều quốc gia ven biển ở đây.

Thứ hai, Mỹ có lợi ích rất lớn trong việc duy trì ổn định và hòa bình khu vực tại Đông Nam Á. Tiếp cận tự do và không bị ngăn cản, ổn định khu vực, điều đó sẽ duy trì sự thịnh vượng của cả Mỹ và Đông Nam Á, vì sự đối đầu an ninh căng thẳng hay xung đột sẽ khiến cho nguồn lực cho sự phát triển vốn khan hiếm đi chệch hướng, làm giảm thương mại bởi sự đe dọa về an ninh đường biển, giảm đầu tư xuyên quốc gia ở cả khu vực và khắp Thái Bình Dương.

Sự ổn định khu vực đang phải đối mặt với các mối đe dọa ở Biển Đông. Đầu tiên là khả năng xảy ra xung đột vũ trang giữa các quốc gia tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với các thực thể và quyền tài phán trên biển như vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Trung Quốc và Việt Nam đã hai lần đối đầu vũ trang với nhau, lần đầu là vào năm 1974 trong cuộc đụng độ tại nhóm đảo Lưỡi Liềm tại Hoàng Sa ( tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam) và đụng độ vào năm 1988 về quyền kiểm soát Gạc Ma.[4] Vì những xung đột có kẻ thẳng người thua rất dễ dẫn đến những tác động nguy hại về tình thế lưỡng nan về an ninh, có thể nhay chóng vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Mối đe dọa thứ hai đối với sự ổn định là việc ngày càng thường xuyên sử dụng các phương thức cưỡng bức phi xung đột vũ trang nhằm củng cố yêu sách quốc gia. Các mối đe dọa của Trung Quốc đối với các công ty dầu khí Mỹ trong khu vực năm 2007 và 2008 là một ví dụ cho hành vi cưỡng bức, hành vi này có thể sẽ làm gia tăng sự bất ổn.[5] Mối đe dọa thứ ba là tiến trình hiện đại hóa hải quân đang diễn ra trong khu vực. Bên cạnh việc Trung Quốc tái đầu tư và hiện đại hóa Hạm đội Nam hải, thì Việt Nam cũng đang đầu tư mạnh tay vào năng lực không quân và hải quân nhằm mục địch sử dụng ở Biển Đông, chẳng hạn như tàu ngầm lớp Kilo mua từ Nga, điều đó sẽ tăng cường khả năng chống xâm nhập khu vực của Hà Nội. Những bất ổn trong tranh chấp chủ quyền và quyền tài phán biển có thể sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua về năng lực (về lĩnh vực vũ trang-ND) và làm gia tăng đối đầu an ninh, sự đối đầu có khả năng dẫn đến đụng độ trên quy mô toan diện.

Gián tiếp liên quan đến Biển Đông, nguyên nhân thứ ba cho sự bất ổn là cuộc cạnh tranh tiềm ẩn giữa một bên là việc Trung Quốc đe dọa tự do đi lại trên biển và một bên là nỗ lực duy trì quyền tự do đó của Mỹ. Nhằm đói phó với năng lực chống xâm nhập/tiếp cận” của Trung Quốc, kể cả về tên lửa đan đạo chống tàu, quân đội Mỹ đã phát triển một khái niệm tác chiến mới được gọi là Không Hải Chiến, khái niệm này nhằm đàm bảo khả năng tiếp cận các vùng biển này trong thời chiến. Những nỗ lực trong thời bình nhằm phát triển loại khả năng như vậy có lẽ sẽ dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang về “khả năng xâm nhập” và làm gia tăng sự bất ổn.[6]

Bên cạch sự ổn định và tự do tiếp cận, Mỹ cũng có những lợi ích khác liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Đó là việc duy trì những cam kết của mình đối với các đồng minh trong khu vực, song song với đó là không để bị mắc kẹt trong các tranh chấp cụ thể nào đó của đồng minh. Một lợi ích khác là duy trì mối quan hệ ổn định và hợp tác với Trung Quốc, trong đó những tranh chấp trên biển tại Đông Á chỉ là một phần trong mối quan hệ đó. Lợi ích cuối cùng là duy trì quan điểm trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với các thực thể.

Chính sách của Mỹ đối với tranh chấp Biển Đông

Kể từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc, chính sách của Mỹ đối với tranh chấp Biển Đông chủ yếu là mang tính phản ứng. Mỹ đã thay đổi nội dung chính sách của mình nhằm phản ứng đối với những sự kiện xảy ra ở Biển Đông đe dọa đến lợi ích của mình. Chính sách của Mỹ có thể được chia dựa vào một số sự kiện mang tính bước ngoặt sau.

Năm 1995: Trung Quốc chiếm đóng Vành Khăn

Đây là lần đầu tiên Mỹ công khai đưa ra quan điểm về tranh chấp Biển Đông sau khi Trung Quốc chiếm bãi Vành Khăn vào cuối năm 1994. Phản ứng lại những quan ngại ngày càng gia tăng về vấn đề ổn định trong khu vực, vào tháng 5/1995, Mỹ đã tuyên bố chính sách thông qua người phát ngôn Bộ ngoại giao.[7] Trong tuyên bố này, chính sách của Mỹ gồm 5 điểm:

  1. Giải quyết hòa bình các tranh chấp: “Mỹ cực lực phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp, yêu cầu tất cả các bên kiềm chế và tránh những hành động gây mất ổn định
  2. Hòa bình và ổn định: “Mỹ có những lợi ích không thay đổi về việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.”
  3. Tự do hàng hải: “Duy trì tự do hàng hải là lợi ích căn bản của Mỹ. Tự do hàng hải không bị ngăn cản đối với các tàu và máy bay ở Biển Đông là điều thiết yếu cho hòa bình và thịnh vượng toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương, bao gồm cả Mỹ.”
  4. Trung lập đối với các yêu sách chủ quyền: “Mỹ không đứng về bên nào về mặt pháp lý trong các yêu sách chủ quyền đối với các đảo, san hô, bãi, đá ở Biển Đông.
  5. Tôn trọng các quy định hàng hải, đặc biệt là UNCLOS: “Tuy nhiên, Mỹ sẽ xem xét mối quan tâm của mình đối với bất kỳ yêu sách biển hoặc hạn chế hoạt động trên biển ở Biển Đông mà không phù hợp với luật quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982.”

Sau sự kiện Trung Quốc chiếm bãi Vành Khăn, những căng thẳng trong tranh chấp đã bắt đầu giảm mặc dù tranh chấp vẫn không hoàn toàn được giải quyết. Vào cuối những năm 1990, Trung Quốc và ASEAN bắt đầu đàm phán một bộ quy tắc ứng xử cho các tranh chấp ở Biển Đông. Vào năm 2002, hai bên đã đạt được thỏa thuận về một tuyên bố ứng xử, bản tuyên bố đưa ra cam kết đạt được một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc trong tương lai.

Năm 2010: Phản ứng đối với những gia tăng căng thẳng từ tất cả các bên yêu sách chủ quyền

Vào năm 2010, Mỹ quyết định mở rộng và làm rõ chính sách của mình đối với Biển Đông nhằm phản ứng đối với những leo thang căng thẳng của các quốc gia yêu sách sau năm 2007. Trong thời gian từ 2007 đén 2010, tất cả các bên yêu sách, đặc biệt là Trung Quốc ngày càng chủ động thực hiện những hành động nhằm củng cố hoặc bảo vệ các yêu sách, các hành động đó chỉ làm gia tăng thêm căng thẳng. Những hành động như vậy bao gồm sự đe dọa của Trung Quốc đối với các công ty dầu khí nước ngoài đầu tư tại các lô khai thác ngoài khơi bờ biển Việt Nam (gồm một số công ty của Mỹ) giữa năm 2006 và 2008, những yêu sách đối kháng và đệ trình chung về thềm lục địa mở rộng trong năm 2009, việc Trung Quốc bắt giữ hàng trăm ngư dân Việt Nam hoạt động tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa năm 2008 và 2009, Trung Quốc cản trở hoạt động của tàu USNS Impeccable cách đảo Hải Nam khoảng 75 hải lý vào tháng 3/2009, Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa ở phần phía bắc Biển Đông, sự gia tăng tuần tra của các cơ quan chấp pháp trên biển của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp, sự gia tăng về tần suất và quy mô tập trận hải quân của Trung Quốc tại Biển Đông, những chuyến thăm mang tính biểu tượng của lãnh đạo Việt Nam và Malaysia tới quần đảo Trường Sa vào năm 2009 và 2010, Philippines thông qua luật đường cơ sở quần đảo với yêu sách rất nhiều thực thể ở Trường Sa vào tháng 2/2009 và va chạm giữa tàu chấp pháp Trung Quốc và Việt Nam vào tháng 4/2010.[8]

Vào năm 2009, Mỹ bắt đầu quan nhiều hơn đến vấn đề Biển Đông. Có hai nguyên nhân sâu xa. Thứ nhất, Việc Trung Quốc đe dọa các công ty dầu khí của Mỹ hoạt động ngoài khơi bờ biển Việt Nam năm 2008, điều này đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc thách thức trực tiếp lợi ích thương mại của Mỹ và các công ty Mỹ tại ở Biển Đông. Thứ hai, việc Trung Quốc quấy nhiễu tàu khảo sát hải quân và tàu USNS Impeccable đã gợi lại những nghi ngại về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với vấn đề tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế. Mức độ quan tâm đó của Mỹ được phản ánh trong phiên điều trần Quốc hội của Scott Marciel vào tháng 7/2009.[9] Vào năm 2010, chính quyền tổng thống Obama đã quyết định cần phải đưa ra tuyên bố mới về chính sách của Mỹ đối với Biển Đông. Theo Jeff Bader, về sau làm cố vấn cấp cao chính sách châu Á cho tổng thống Obama, thì sự gia tăng căng thẳng như miêu tả ở trên đã dẫn đễn việc các quan chức Mỹ phải quyết định rằng “với tình hình thay đổi như vậy, cần phải kêu gọi đưa ra một chính sách của Mỹ toàn diện hơn”.[10]

Thời điểm Mỹ lựa chọn để tuyên bố chính sách mới là tại hội nghị thường niên của Diễn đàn Khu vực ASEAN vào tháng 7/2010. Trong phiên họp kín, Mỹ cùng 12 quốc gia khác đã thể hiện mối quan ngại về những căng thẳng ở Biển Đông Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã tuyên bố công khai về chính sách của Mỹ, một tuyên bố công khai ở cấp cao nhất của Mỹ từ trước tới nay.[11] Trong tuyên bố của mình, Ngoại trưởng Cliton khẳng định những yếu tố cốt lõi về tuyên bố chính sách năm 1995, đó là “Mỹ có lợi ích quốc gia về tự do hàng hải,” phản đối “tất cả các bên sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực,” và “không đứng về bên nào” trong các tuyên bố yêu sách lãnh thổ.

Bà Clinton cũng đưa ra các nhân tố mới trong chính sách của Mỹ, những nhân tố trong tuyên bố năm 1995 không đề cập:

  1. Giải quyết các tranh chấp không sử dụng sự cưỡng ép
  2. Ủng hộ “tất cả các bên sử dụng tiến trình ngoại giao hợp tác,” đó là sẵn sàng “tạo điều kiện cho các sáng kiến và các biện pháp xây dựng lòng tin phù hơp với [Tuyên bố Ứng xử năm 2002]”
  3. Ủng hộ soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử đầy đủ
  4. Với quan điểm “các yêu sách hợp pháp đối với không gian biển ở Biển Đông cần phải có nguồn gốc duy nhất từ các yêu sách hợp pháp đối với các thực thể.”

Nhìn chung, tuyên bố này của Mỹ nhấn mạnh đến việc thừa nhận một cách rộng rãi những quy chuẩn quốc tế cần phải được áp dụng đối với các tranh chấp ở Biển Đông. Mặc dù không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng có một số quan điểm trong tuyên bố của bà Clinton lại trực tiếp phản đối Trung Quốc chứ không phải là các bên yêu sách khác. Đầu tiên, ngôn từ liên quan đến “yêu sách hợp pháp” cho thấy Mỹ phản đối bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc đối với quyền tài phán biển dựa trên đường 9 đoạn của Trung Quốc. Những yêu sách như vậy không phù hợp với UNCLOS: dựa trên nguyên tắc đất thông trị biển. Thứ hai, việc nhấn mạnh đến “tiến trình hợp tác” là ám chỉ đến đàm phán đa phương, điều này trái với mong muốn đàm phán song phương với từng quốc gia của Trung Quốc. Mặc dù Mỹ không đứng vè bên nào trong các yêu sách chủ quyền, nhưng Mỹ đưa ra quan điểm ủng hộ các yêu sách hợp pháp mà các quốc gia trong khu vực theo đuổi và tiến trình quản lý và giải quyết tranh chấp . Vì vậy, Mỹ không từ bỏ tính trung lập và cũng không trở thành một bên trong tranh chấp, nhưng lại tăng cường sự can dự của mình bằng nỗ lực quản lý những căng thẳng.

Trong thời gian này, có một vấn đề có lẽ gây sự chú ý nhiều nhất đó là Mỹ có thể sẽ trở thành bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông. Có một số lý do giải thích cho quan điểm này. Mặc dù Mỹ nhấn mạnh sự quan ngại ngày càng tăng của mình vào năm 2009 (Điều trần tại Quốc hội của Marciel) và vào tháng 5/2012 (Bộ trưởng Quốc phòng Gate tại Shangri-La), nhưng tại hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN tháng 7/2010 thì Mỹ đã hợp tác với các quốc gia khác (bao gồm cả các quốc gia có và không có yêu sách) thể hiện sự quan ngại về những căng thẳng ngày càng gia tăng ở Biển Đông, trong đó Trung Quốc là nhân tố chính gây ra những căng thẳng đó. Tổng cộng có đến 12 quốc gia bày tỏ mối quan ngại cả về về vấn an ninh hàng hải và vấn đề Biển Đông, điều đó khiến cho Bộ trưởng Ngoại giao khi đó Dương Khiết Trì đã đưa ra bài phát biểu khá gay gắt và có vẻ là được chuẩn bị từ trước.[12] Bên cách đó, tờ New York Times đã trích dẫn sai tuyên bố của bà Cliton khi cho rằng Mỹ sẽ đóng vai trò trực tiếp trong tranh chấp, bài báo trích dẫn  tuyên bố của bà Clinton là Mỹ “sẵn sàng tạo điều kiện cho các đàm phán đa phương về vấn đề tranh chấp Biển Đông.”[13]  Tuy nhiên, những điều bà Clinton tuyên bố là Mỹ ủng hộ tuyên bố ứng xử 2002, khuyến khích “các bên đạt được thỏa thuận đầy đủ về một bộ quy tắc ứng xử” và sẽ “chuẩn bị tạo điều kiện cho các sáng kiến và các biện pháp xây dựng lòng tin phù hợp với tuyên bố ứng xử.” Mặc dù bà Clinton không tuyên bố là Mỹ sẽ trở thành một bên trong tranh chấp, nhưng tuyên bố chính sách mới này rõ ràng ám chỉ điều này là có thể và quan điểm này vẫn giữ nguyên không bị đính chính.

Với tuyên bố mới về chính sách năm 2010, Mỹ cho thấy là mình đã lên kế hoạch đầy đủ để vừa duy trì tính trung lập trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ (quyền tài phán trên biển và chủ quyền lãnh thổ) trong khi vẫn tăng cường sự can dự của mình trong tranh chấp. Tất nhiên là Mỹ không phải là cường quốc duy nhất tăng cường can dự nhiều hơn vào vấn đề này. Trong thời gian đó, các quốc gia như Nhật Bản và Ấn Độ cũng bắt đầu bày tỏ mối quan ngại của mình về những căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, vì Trung Quốc bị coi là nguyên nhân chủ yếu gây ra những căng thẳng, và bởi những quan ngại về năng lực ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc, do đó sự can dự của Mỹ có thể sẽ có tác dụng hạn chế Trung Quốc tự do thực hiện hành động khẳng định yêu sách của mình.

Thời điểm trước mùa hè năm 2012, chính sách của Mỹ đối với những tranh chấp không có những thay đổi lớn ngoại trừ một điểm: các thảo luận về “tạo điều kiện” cho đàm phán hoặc đối thoại không còn xuất hiện trong các tuyên bố của quan chức Mỹ. Tuy vậy, Mỹ vẫn tiếp tục nhấn mạnh đến lợi ích của mình về tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực. Mỹ cũng tiếp tục nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong đối thoại giữa cá quốc gia tranh chấp và tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ tiến trình thực hiện bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Năm 2012: Sự kiện bãi cạn Scarborough và thành phố Tam Sa

Chính sách của Mỹ đã có thay đổi nhỏ vào năm 2012. Nguyên nhân chủ yếu là do bế tắc giữa Trung Quốc và Philippines liên quan đến Bãi cạn Scarborough, sự kiện này sau đó đã khiến cho ASEAN lần đầu tiên trong chiều dài lịch sử 45 năm không đưa ra được tuyên bố chung nào. Vào đầu tháng 4/2012, sự việc bắt đầu sau khi hải quân Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc hoạt động trong phá của bãi cạn (vùng nước bên trong bãi cạn Scarborough-ND). Vào cuối tháng 5/2012, Mỹ làm trung gian đưa ra một thỏa thuận cho các bên rút các lực lượng của mình, tuy nhiên vào đầu tháng 6, Trung Quốc đã ”nuốt lời” và quay trở lại chiếm bãi cạn trong khi theo thỏa thuận Philippines đã rút các lực lượng của mình. Khi Philippines nỗ lực đưa vấn đề bãi cận Scarborough vào tuyên bố chung của hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN vào tháng 7/2012, Trung Quốc đã gây áp lực lên Campuchia bác bỏ yêu cầu của Philippines, điều này khiến cho Campuchia với tư cách là chủ tích luân phiên ASEAN đã quyết định không đưa ra một tuyên bố chung nào về vấn đề.[14]

Vào mùa xuân và hè năm 2012, căng thẳng ở Biển Đông gia tăng do những nguyên nhân liên quan đến hành vi của Trung Quốc. Vào tháng 6/2012, Trung Quốc tuyên bố nâng cấp tình trạng hành chính cho các đảo ở Biển Đông khi thành lập một thành phố cấp địa khu (trên cấp huyện, dưới cấp tỉnh-ND): thành phố Tam Sa, trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nằm trong sự thay đổi về mặt hành chính, PLA cũng đã thành lập một vị đồn trú chủ yếu mang tính biểu tượng trên hòn đảo này.[15] Vào tháng 6/2012, Việt Nam ban hành luật biển quốc gia, trong đó bao gồm các yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời lần đầu tiên tiến hành các đợt tuần tra trên không đối với quần đảo Trường Sa bằng máy bay Su-27 hiện đại.[16]

Phản ứng đối với các sự kiện này, đặc biệt là các hành động của Trung Quốc, Mỹ đã làm rõ chính sách của mình. Vào đầu tháng 8/2012, Mỹ đưa ra tuyên bố chính sách mới về Biển Đông.[17] Lần này người đưa ra tuyên bố là Người phát Ngôn Bộ Ngoại giao chứ không phải là Bộ trưởng Ngoại giao. Tuyên bố tái khẳng định lợi ích của Mỹ về hòa bình, ổn định và bày tỏ mối quan tâm đối với sự gia tăng căng thẳng. Đặc biệt, khác với những tuyên bố trước đây, tuyên bố lần này nêu đích danh Trung Quốc, đó là những hoạt động của nước này xung quanh bãi cạn Scarborough và việc thành lập thành phố Tam Sa. Từ đó, Mỹ đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt khi có những hoạt động can dự nhiều hơn vào tranh chấp, và có khả năng là đứng nghiêng về các bên trong vấn đề yêu sách chủ quyền. Tuyên bố nhắc lại những quan điểm trong chính sách của Mỹ, đó là khuyến khích hình thành bộ quy tắc ứng xử, làm rõ các yêu sách và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Tuy nhiên, sau tuyên bố vào tháng 8/2012, Mỹ đã không còn tiếp tục nêu tên Trung Quốc và quay trở về những trọng tâm trước đây, đó là những nguyên tắc chung cần được áp dụng cho tất cả các bên tranh chấp.

Năm 2014: “Nỗ lực liên tục không ngừng” của Trung Quốc nhằm khẳng định quyền kiểm soát

Vào đầu tháng 2/2014, Mỹ đưa ra một tuyên bố chi tiết nhất từ trước đến nay về chính sách của mình đối với vấn đề Biển Đông. Không gian tuyên bố chính sách là tại phiên điều trần Quốc hội của Daniel Russel, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề Đông Á, phiên điều trần nằm trong loạt điều trần về chính sách “tái cân bằng” đối với châu Á Thái Bình Dương của Mỹ. Từ đó, tuyên bố chính sách này không chỉ là phản ứng trực tiếp đối với các sự kiện, mà nó còn là nhiệm vụ của các phiên điều trần do Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ tổ chức. Nguyên nhân gia tăng căng thẳng là do Trung Quốc gây sức ép lên vấn đề Bãi Cỏ Mây, thực thể mà Philippines đã kiểm soát, tàu chấp pháp Trung Quốc đã bao vây bãi Cỏ Mây vào mùa hè năm 2013, cùng với đó là rất nhiều quan ngại về việc Trung Quốc có thể thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông sau khi thiết lâp ADIZ tại Hoa Đông vào tháng 11/2013. Gần đây hơn là việc bổ sung điều lệ Hải Nam vào tháng 12/2013, và có thể chúng sẽ được áp dụng đối với Biển Đông, công khai rộng rãi lễ tuyên thệ của các tàu hải quân Trung Quốc tại bãi cạn James Shoal gần Malaysia vào tháng 1/2014, tất cả đều liên tục gây ra những quan ngại về hành vi và yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Do vậy, phiên điều trần phản ánh nhận định về hành vi của Trung Quốc trong một vài năm qua: “Trung Quốc nỗ lực không ngừng nhằm khẳng định khẳng định sự kiểm soát đối với khu vực bên trong cái gọi là đường 9 đoạn.”[18]

Về mặt chính sách đối với Biển Đông, có hai lý do đáng chú ý trong phiên điều trần của Russel. Đầu tiên, giống như tuyên bố tháng 8/2012, bản tuyên bố chỉ đích danh Trung Quốc là quốc gia có những hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Trung Quốc là quốc gia yêu sách duy nhất được đề cập trong phiên điều trần là nước gây ra những bất ổn. Thứ hai, trong phiên điều trần, Russel đã nêu chi tiết rõ ràng hơn về quan điểm của Mỹ, đó là theo như thông lệ luật quốc tế thì “tất cả các yêu sách biển phải bắt nguồn từ các thực thể và nếu không thì phải phù hợp với luật biển quốc tế.”[19] Đặc biệt, Russel nếu rõ ngụ ý trong tuyên bố 2010 của bà Clinton rằng, đường 9 đoạn của Trung Quốc trái với luật pháp quốc tế và đó không thể là cơ sở pháp lý cho những yêu sách trên biển tại Biển Đông. Russel đã chỉ ra rằng, “việc Trung Quốc sử dụng đường 9 đạn để đưa ra yêu sách đối với các vùng biển không dựa trên các thực thể là trái với luật pháp quốc tế.”[20] Thứ 3, Russel khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với quyết định của Philippines khi theo đuổi việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc bằng tòa trọng tài tại Tòa án quốc tế về Luật biển, coi đó là minh chứng cho việc giải quyết tranh chấp hòa bình và không cưỡng ép.

Mối quan hệ của Mỹ với các quốc gia ven biển tại Biển Đông.

Khi tuyên bố chính sách của Mỹ đối với Biển Đông có sự thay đổi và phát triển, thì Mỹ cũng tăng cường các mối quan hệ về quân sự, ngoại giao và kinh tế với các quốc gia ven biển khu vực, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Mặc dù hoạt động này đã bắt đầu từ trước năm 2010 nhưng nhịp độ lại gia tăng sau thời gian này, với cả Việt Nam, Philippines cùng với các quốc gia khác. Sự hợp tác này bao gồm các cuộc đối thoại về an ninh và quốc phòng cũng như các chuyến viếng thăm quân sự và tập trận.

Việt Nam

Để hiểu rõ sự vận động trong mối quan hệ Mỹ – Việt, cần quay trở lại thời điểm căng thẳng ở Biển Đông gần đây nhất. Nhìn chung, chúng phản ánh sự phát triển trong mối quan hệ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Tuy nhiên, nhịp độ các hoạt động, đặc biệt là về về lĩnh vực chính trị-quân sự, được tăng cường song hành với những căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Kể từ năm 2008, hai nước đã tiến hành các cuộc đối thoại thường niên về quốc phòng, an ninh và chính trị ở cấp thứ trưởng. Trong tiến trình đó, vào năm 2010, Mỹ đã bắt đầu thảo luận về việc hành thành mối quan hệ đối tác chiến lược. Vào tháng 7/2013, trong chuyến thăm Mỹ của chủ tịch Trương Tấn Sang, hai bên dã tuyên bố thiết lập mối quan hệ “đối tác toàn diện” làm khung nền tảng cho sự phát triển quan hệ song phương.[21]Các lính vực hợp tác bao gồm ngoại giao, chính trị, thương mại, kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục-đạo tạo, sức khỏe, môi trường, các vấn đề về chiến tranh giữa hai nước, quốc phòng, an ninh, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, văn hóa, thể thao và du lịch.

Mối quan hệ quân sự bắt đầu phát triển mạnh vào năm 2010. Thời gian này, Mỹ và Việt Nam đã bắt đầu tổ chức các cuộc đối thoại thường niên về chính sách quốc phòng, các cuộc đối thoại này phản ánh sự phát triển sâu sắc giữa hai nước trong mối quan hệ quân sự. Cùng với đối thoại về quốc phòng, hai bên cũng đề xướng một loạt hoạt động mà theo thuật ngữ của Lầu Năm Góc là “hoạt động trao đổi hải quân” hay loạt tập trận và trao đổi ở cấp thấp. Được tổ chức vào tháng 8/2010, sự kiện khai mạc hoạt động trên là điều đáng chú ý bởi một nhóm các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị của Việt Nam đã lên thăm tàu sân bay USS George Washington để quan sát sự hoạt động của tàu tại Biển Đông. Các hoạt động trao đổi hải quân tương tự cũng được tiến hành vào 7/2011, 4/2012 và 4/2013, và có thể đây sẽ là nền tảng cho các cuộc đối thoại thường niên hàng năm. Cũng trong năm 2013, Hải quân Mỹ đã bắt đầu sử dụng cảng Cam Ranh để phục vụ và sửa chữa cho các tàu bổ trợ hậu cần của tàu sân bay USNS.[22]Kể từ đó, có ít nhất 7 tàu đã được phục vụ tại Việt Nam. Cuối cùng là vào 9/2011, Mỹ và Việt Nam đạt được thỏa thuận về Biên bản Ghi nhớ về Thúc đẩy Hợp tác Quốc phòng Song phương, thỏa thuận này hệ thống hóa các trao đổi và hoạt động mà hai bên đang thực hiện.[23]

Philippines

Khác với Việt Nam, Mỹ vẫn duy trì liên tục mối quan hệ quân sự với Philippines, kể cả khi các lực lượng của Mỹ rút khỏi Philippines sau khi căn cứ Vịnh Subic bị đóng cửa. Đặc biệt, dựa trên cơ sở thường niên từ 1991, Mỹ và Philippines đã tiến hành các cuộc tập trận chung mang tên “Vai kề Vai” (Balikatan). Bên cạnh đó, xuất phát từ những quan ngại đối với chủ nghĩa khủng bố sau sự kiện 11/9, Mỹ và Philippines đã tăng cường hợp tác trong vấn đề chống lực lượng chống đối. Tuy nhiên, sau những gia tăng căng thẳng ở Biển Đông trong thời gian cuối những năm 2000, hai nước đã tăng cường toàn diện hoạt động ngoại giao cũng như vấn đề hợp tác trên lĩnh vực biển.

Nếu nhìn lại thì năm 2011 có thể là thời điểm mang tính bước ngoặt trong mối quan hề Mỹ – Philippines. Vào tháng 1/2011, Mỹ và Philippines lần đầu tiên tiến hành “đối thoại chiến lược song phương” gồm các quan chức cấp cao từ bộ ngoại giao hai nước. Theo Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell thì mục đích các cuộc đàm phán là thảo luận về cách thức “tăng cường năng lực trên biển của Philippines” để tuần tra trong các vùng biển của mình.[24] Vào tháng 5/2011, Mỹ chấp thuận bán tàu Bảo vệ bờ biển lớp Hamilton cả Mỹ, tàu này sau đó trở thành soái hạm BRP Gregori del Pilar trong lực lượng hải quân Philippines. Vào tháng 11/2011, nhằm kỷ niệm 60 năm mối quan hệ đồng minh, hai nước đã ra tuyên bố “Tuyên bố Manila” trong đó tái khẳng định hiệp ước là nền tảng cho mối quan hệ song phương. Bản thân tuyên bố này ám chỉ đén sự hợp tác trên lĩnh vực an ninh hàng hải, bao gồm các vấn đề về lợi ích chung về tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp và theo đuổi “tiến trình hợp tác, đa phương và ngoại giao”. Trong thời gian ký tuyên bố, phát biểu trong mối tương quan với nhà vô địch đấm bốc của Philippines Manny Pacquiao (võ sĩ kiếm nghị sĩ Philippines được người dân yêu mến gọi là Pacman-ND), bà Clinton đã nói: “Nước Mỹ sẽ luôn ủng hộ Philippines. Chúng tôi sẽ luôn sát cánh và đấu tranh đấu cùng Philippines để có được tương lai mà chúng ta mong muốn.”[25] Cuối cùng, vào tháng 1/2012, Đối thoại Chiến lược Song phương lần 2 được tổ chức và ngay sau đó vào tháng 4/2012, lần đầu tiên hai bên tiến hành đối thoại cấp bộ trưởng “2+2” gồm các quan chức cấp cao về quốc phòng và ngoại giao. Các cuộc thảo luận cấp bộ trưởng nhấn mạnh đến vấn đề hợp tác giúp Philippines xây dựng “mô hình quốc phòng với sức mạnh tối thiểu” cùng với việc phát triển nhận thức trong lĩnh vực trên biển. Kể từ đó, các cuộc thảo luận được tổ chức liên quan đến việc gia tăng sự hiện diện quân đội Mỹ tại Philippines trên cơ sở luân phiên, tuy nhiên không có một thỏa thuận nào được ký kết. Cuối cùng, vào tháng 12/2013, Mỹ tuyên bố chương trình hỗ trợ gói 40 triệu USD trong vòng 3 năm nhằm giúp Philippines tăng cường nhận thức trong lĩnh vực biển của mình.[26]

Một cái nhìn về tương lai

Trong 4 năm qua, chính sách của Mỹ đối với Biển Đông có sự thay đổi và phát triển nhằm phản ứng lại với tình hình gia tăng căng thẳng đối với các tranh chấp, và đặc biệt là đối với các hành vi của Trung Quốc. Mặc dù Mỹ không đứng về bên nào trong các yêu sách về chủ quyền, tuy nhiên Mỹ vẫn tăng cường can dự vào vấn đề với trọng tâm là kiểm soát hòa bình các yêu sách và cuối cùng là giải quyết hòa bình tranh chấp. Do Trung Quốc là quốc gia có sức mạnh trên biển lớn nhất so với các quốc gia yêu sách còn lại, nên nước này yêu sách tất cả các thực thể ở Biển Đông (cùng với đó là Việt Nam và Đài Loan) và duy trình sự mập mờ liên quan đến ý nghĩa và tình trạng pháp lý của đường 9 đoạn, vì thế chính sách của Mỹ chủ yếu là nhằm phản ứng lại những hành vi của Trung Quốc hơn là các quốc gia yêu sách khác.

Do vậy, an ninh hàng hải ở Biển Đông đã trở thành một vấn đề trong mối quan hệ Mỹ – Trung. Bằng việc cân bằng sự quan tâm nhiều hơn vào việc quản lý tranh chấp với nguyên tắc trung lập trong các yêu sách chủ quyền, Mỹ đã nỗ lực theo đuổi ngăn chặn Biển Đông trở thành nhân tố trung tâm hay vấn đề nổi cộm trong quan hệ Mỹ – Trung. Cho đến nay, chính sách của Mỹ vẫn thành công. An ninh hàng hải và vấn đề Biển Đông thường xuyên được bàn thảo tại các hội nghị thường niên, chẳng hạn như Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, đồng thời Trung Quốc và ASEAN cũng bắt đầu có những bước đi hướng tới thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử. Tuy nhiên, nếu như Biển Đông trở thành vấn đề trung tâm trong mối quan hệ song phương Mỹ – Trung, điều đó rất có thể sẽ trở thành một cuộc cạnh tranh rất lớn giữa hai quốc gia về an ninh trong khu vực.

Trong tương lai, Biển Đông sẽ vẫn là vấn đề mang tính trung hạn trong mối quan hệ Mỹ – Trung, nếu không muốn nói là lâu dàiNhững tranh chấp nổi cộm về vấn đề chủ quyền khó có khả năng được giải quyết trong một sớm một chiều. Có vẻ như không bên yêu sách nào sẵn sàn thỏa hiệp yêu sách chủ quyền nhằm tìm kiếm một giải pháp giải quyết cuối cùng, thậm chí phạm vi những yêu sách quyền tài phán trên biển sẽ vẫn còn mập mờ, chẳng hạn như với Trung Quốc, Đài Loan. Do vậy, tranh chấp ở Biển Đông sẽ vẫn là vấn đề an ninh khu vực trong thời gian tới. Viễn cảnh tốt nhất có thể đạt được có lẽ là một thỏa thuận duy trì nguyên trạng về vấn đề kiểm soát đối với các thực thể đảo, và có thể là các biện pháp giới hạn sự tranh chấp trong các yêu sách quyền tài phán biển, chẳng hạn như thỏa thuận giới hạn đánh bắt cá tại các vùng biển tranh chấp, ngoài ra có thể là bộ quy tắc ứng xử. Tuy nhiên, những nỗ lực không ngừng của Trung Quốc và các bên yêu sách khác nhằm khẳng định yêu sách của mình sẽ gây ra một thời kỳ gia tăng những căng thẳng, điều đó sẽ lại đòi hỏi yêu cầu can dự liên tục của Mỹ với nỗ lực kiểm soát các căng thẳng này.

Biển Đông sẽ đóng vai trò như thế nào trong mối quan hệ Mỹ – Trung khó có thể tiên đoán trước, bởi nó phụ thuộc cơ bản vào việc các tranh chấp sẽ diễn biến như thế nào theo thời gian. Tuy nhiên, việc duy trì sự cân bằng đối với vấn đề chủ quyền và sự can dự kiểm soát căng thẳng tranh chấp sẽ là một nhiệm vụ cấp thiết. Nếu như Mỹ đứng về một bên nào đó để chống lại Trung Quốc trong vấn đề yêu sách chủ quyền, không chỉ về tiến trình mà còn cả về bản chất, thì tranh chấp Biển Đông sẽ đóng một vai trò lớn hơn rất nhiều trong quan hệ Mỹ – Trung và sẽ trở thành một nhân tố bổ sung trong cuộc cạnh tranh Mỹ -Trung. Trên quan điểm của Trung Quốc, việc Mỹ đứng về một bên như vậy sẽ khiến cho Trung Quốc nghĩa rằng, Mỹ sẽ ngày càng tăng cường can dự vào các vấn đề yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, không chỉ là vấn đề Đài Loan mà còn cả đối với biển Hoa Đông thông qua các nghĩa vụ thuộc hiệp ước bảo vệ đối với Nhật Bản. Để duy trì sự cân bằng này, như quan điểm của Jeff Bader đã đưa ra, Mỹ cần phải duy trì tầm quan trọng trong vấn đề tuân thủ các quy định quốc tế về yêu sách chủ quyền và cách thức giải quyết các yêu sách đó.

M. Taylor Fravel là PGS Khoa học Chính trị và là thành viên Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ. Ông nghiên cứu về các lĩnh vực quan hệ quốc tế với trọng tâm nghiên cứu là an ninh quốc tế, Trung Quốc và Đông Á. Bài viết được đăng trên RSIS.

————–

[1] “Freedom of Navigation Operational Assertions,” Department of Defense, http://policy.defense.gov/OUSDPOfficesASDforGlobalStrategicAffairs/CounteringWeaponsofMassDestruction/FON.aspx

[2] Bonnie S. Glaser, Armed Clash in the South China Sea, (New York: Council on Foreign Relations, 2012), p. 4

[3] Ren Xiaofeng and Cheng Xizhong, “A Chinese Perspective,” Marine Policy, Vol. 29, No. 2 (2005), pp. 139-146.

[4] On China’s past behavior in the South China Sea, see M. Taylor Fravel, Strong Borders, Secure Nation: Cooperation and Conflict in China’s Territorial Disputes (Princeton: Princeton University Press, 2008).

[5] M. Taylor Fravel, “China’s Strategy in the South China Sea,” Contemporary Southeast Asia, Vol. 33, No. 3 (2011), pp. 302-303

[6] Để đọc những tuyên bố khác gần đây về lợi ích của Mỹ ở Biển Đông, xem Jeffery A. Bader, “The U.S. and China’s Nine-Dash Line: Ending the Ambiguity,” Brookings February 6, 2014; Daniel R. Russel, “Maritime Disputes in East Asia,” Testimony Before the House Committee on Foreign Affairs Subcommittee on Asia and the Pacific, Washington, DC. February 5, 2014

[7] Daily Press Briefing, U.S. Department of State, May 10, 1995, http://dosfan.lib.uic.edu/ERC/briefing/daily_briefings/1995/9505/950510db.html

[8] For a complete list of developments during this period, see Michael D. Swaine and M. Taylor Fravel, “China’s Assertive Behavior – Part Two: The Maritime Periphery, ”China Leadership Monitor, No. 35 (Summer 2011), pp. 16-17.

[9] Scot Marciel, “Maritime Issues and Sovereignty Disputes in East Asia,” Statement Before the Subcommittee on East Asian and Pacific Affairs Senate Foreign Relations Committee, Washington, DCJuly 15, 2009, http://www.state.gov/p/eap/rls/rm/2009/07/126076.htm

[10] Jeffrey A. Bader, Obama and China’s Rise: An Insider’s Account of America’s Asia Strategy (Washington, DC: Brookings)

[11] “Remarks at Press Availability,” July 23, 2010, http://www.state.gov/secretary/rm/2010/07/145095.htm

[12] “Foreign Minister Yang Jiechi Refutes Fallacies On the South China Sea Issue,” Ministry of Foreign Affairs, China, 26 July 2010

[13] Mark Landler, “Offering to Aid Talks, U.S. Challenges China on Disputed Islands,” New York Times, July 23, 2010

[14] Guy De Launey, “Has Chinese power driven Asean nations apart?,” BBC News, July 19, 2012; author interviews.

[15] Dennis J. Blasko and M. Taylor Fravel, “Much Ado About The Sansha Garrison,” The Diplomat, August 23, 2012

[16] “Vietnam to conduct regular air patrols over archipelago,” Thannien News, June 20, 2012

[17] “South China Sea,” U.S. Department of State, August 3, 2012, http://www.state.gov/r/pa/prs/ps/2012/08/196022.htm

[18] Russel, “Maritime Disputes in East Asia.”

[19] Russel, “Maritime Disputes in East Asia.”

[20] Russel, “Maritime Disputes in East Asia.”

[21] “Joint Statement by President Barack Obama of the United States of America and President Truong Tan Sang of the Socialist Republic of Vietnam,” The White House, July 25, 2013, http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2013/07/25/joint-statement-president-barack-obama-united-states-america-and-preside

[22] Nguoi Lao Dong, “U.S. Navy ship enters Cam Ranh Bay for repair,” VietnamNet, May 2, 2013, http://english.vietnamnet.vn/fms/society/72996/u-s–navy-ship-enters-cam-ranh-bay-for-repair.html

[23] Carl Thayer, “Vietnam Gradually Warms Up to US Military,” The Diplomat, November 6, 2013

[24] “US pledges help for Philippine navy,” AFP, January 27, 2011

[25] “Clinton, Philippine Foreign Secretary Joint Press Availability,” Department of State, 16 November 2011

[26] “U.S. commits $40 mil. to boost Philippines’ maritime security,” Kyodo, December 17, 2013

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông