Tác giả: Julian Ku | Biên dịch: Lưu Bảo Nam Dung
Hiến chương Liên Hiệp Quốc nghiêm cấm các nước tham gia phòng vệ giúp Đài Loan nếu Trung Quốc xâm lược hòn đảo này.
Dạo này tôi đang ngập đầu trong các dự án và hoạt động khác nhau tại Đài Loan (hầu hết là liên quan đến chuyện ăn uống), để đến tận hôm nay tôi mới để ý đến một bài báo thú vị thu hút đến 110 bình luận của Zachary Keck về việc Nhật Bản mới đây quyết định diễn giải lại Hiến pháp để cho phép các hoạt động quân sự mở rộng ở nước ngoài sẽ giúp Nhật Bản hỗ trợ phòng vệ cho Đài Loan chống lại một cuộc tấn công từ Trung Quốc như thế nào. Đó là một bài báo hay, nhưng nó cũng khiến tôi nghĩ đến một điểm yếu thú vị chống lại lập luận của tác giả. Hầu như chắc chắn là luật pháp quốc tế nghiêm cấm bất cứ hành động quân sự nào của Nhật Bản (hoặc Hoa Kỳ) nhằm bảo vệ Đài Loan trước một cuộc tấn công từ Trung Quốc.
Trong bài viết của mình, Keck chỉ ra rằng quyết định diễn giải lại Hiến pháp của Nhật Bản KHÔNG cho phép nước này thực hiện đầy đủ các quyền tự vệ tập thể của mình theo luật pháp quốc tế, nhưng nó cho phép Nhật Bản cung cấp hỗ trợ quân sự cho các đồng minh ở những nơi mà Nhật Bản bị đe doạ. Nhưng rồi tác giả lại nói rằng ngay cả với quyền “tự vệ tập thể” theo nghĩa hẹp này, Nhật Bản có thể (và có lẽ sẽ) can thiệp để giúp Đài Loan phòng vệ quân sự chống lại sự xâm lược từ phía Trung Quốc.
Tôi nghĩ điều này có thể đúng xét theo hiến pháp của Nhật Bản nếu một sự xâm lược Đài Loan có thể được diễn giải một cách hợp lý là một mối đe doạ đối với Nhật Bản, nhưng có một lỗ hổng luật pháp quốc tế kỳ lạ trong luận điểm này. Theo luật pháp quốc tế trên giấy trắng mực đen thì Nhật Bản không thể sử dụng lực lượng quân sự ở Đài Loan mà không có sự cho phép của Trung Quốc, ngay cả khi chính phủ Đài Loan yêu cầu sự trợ giúp đó. Vì sao vậy? Nguyên nhân là do Điều 51 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc chỉ cho phép một hành động “tự vệ tập thể nếu một cuộc tấn công vũ trang xảy ra chống lại một Thành viên của Liên Hiệp Quốc.” Đài Loan không phải là thành viên của Liên Hiệp Quốc, và vấn đề càng trầm trọng hơn đối với Đài Loan khi Nhật Bản công nhận chính quyền Bắc Kinh là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc, và do đó Nhật Bản cũng công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Vì vậy trừ khi Nhật Bản có thể diễn giải một cách hợp lý rằng một cuộc tấn công vào Đài Loan sẽ kích hoạt quyền tự vệ sẵn có của Nhật Bản (và theo tôi đây là một lập luận pháp lý không có cơ sở), và trừ khi sự xâm lược của Trung Quốc biện minh cho một cuộc can thiệp nhân đạo (một lập luận rất khó thuyết phục khác), Nhật Bản sẽ vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc nếu nước này sử dụng lực lượng quân sự theo cách vi phạm đến sự toàn vẹn lãnh thổ của một thành viên khác của Liên Hiệp Quốc (tức Trung Quốc). Nhật Bản có thể không viện dẫn các quyền tự vệ tập thể trừ khi nước này công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập. Và ngay cả điều đó cũng sẽ không đủ để đáp ứng các yêu cầu của luật pháp quốc tế, vì sự đơn phương công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập của Nhật Bản cũng sẽ không đủ thoả mãn quy định của luật pháp quốc tế. Vì vậy chúc Đài Loan sẽ may mắn trong việc tìm cách trở thành thành viên của Liên Hiệp Quốc!
Tương tự, phân tích này áp dụng được với Mỹ (thậm chí với sự thuyết phục lớn hơn). Sự bảo đảm quốc phòng bán chính thức của Mỹ đối với Đài Loan đã hoàn toàn lạc hậu (trên quan điểm pháp lý):
- Nếu Đài Loan tuyên bố độc lập, Mỹ đã đưa ra tín hiệu rằng nước này sẽ không coi mình bị ràng buộc phải bảo vệ Đài Loan chống lại sự xâm lược của Trung Quốc (do Mỹ khuyến khích Đài Loan giữ nguyên trạng – NBT). Đó sẽ là trường hợp (ít nhất trên lý thuyết) một quốc gia (Trung Quốc) thực hiện hành vi xâm lược đối với một quốc gia khác (Đài Loan), và điều này chắc chắn là bất hợp pháp.
- Nếu Đài Loan vẫn giữ nguyên hiện trạng và không tuyên bố độc lập, và Trung Quốc vẫn xâm lược, Mỹ đã ra tín hiệu rằng nước này sẽ tham gia phòng vệ Đài Loan. Nhưng lúc này sẽ là một quốc gia (Trung Quốc) sử dụng vũ lực trong chính lãnh thổ của mình để trấn áp những phần tử ly khai (giống trường hợp Ukraine) và chắc chắn là hoàn toàn hợp pháp.
Vì vậy Hoa Kỳ (và có thể là Nhật Bản) hiện giờ cam kết bảo vệ Đài Loan chỉ trong một tình huống mà ở đó Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ phải vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Đây là thế giới kỳ lạ của luật pháp quốc tế!
Dĩ nhiên, chính sách dường như kỳ lạ trên quan điểm pháp lý này phù hợp với các mục đích của Hoa Kỳ, vì đây là chính sách khả dĩ nhất để tránh được xung đột quân sự với Trung Quốc. Nhưng nó cũng cho thấy các quy định về sử dụng vũ lực quân sự trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc ít phù hợp như thế nào đối với việc định hình hành vi của Hoa Kỳ, Nhật Bản (và có thể Trung Quốc) trong bất kỳ xung đột nào về Đài Loan. Nhật Bản và Hoa Kỳ nên (và có lẽ đã) sẵn sàng tảng lờ những quy định pháp lý này khi đưa ra quyết định có nên giúp bảo vệ Đài Loan hay không. Và trên tất cả, đây là một việc tốt (đặc biệt là khi tôi vẫn còn ở Đài Bắc!)
Chú thích của Ban Biên tập: sau khi công bố, bài viết đã bị nhiều độc giả phản biện, chỉ ra các lỗ hổng trong lập luận của tác giả. Các bạn có thể tham khảo một số ý kiến phản biện trong phần bình luận của độc giả trong bài viết này, hoặc các phân tích trong bài viết này. Do đó, tác giả Julian Ku cũng đã phải giải thích lại lập luận của mình trong bài viết này.
Bản gốc tiếng Anh: The Diplomat
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]