Hãy ngừng gọi Đài Loan là ‘tỉnh nổi loạn’

Print Friendly, PDF & Email

tw-flag-raising_gettyimages-504952054

Nguồn: Isaac Stone Fish, “Stop Calling Taiwan a ‘Renegade Province’,” Foreign Policy, 15/01/2016.

Biên dịch: Vũ Hồng Trang

Ngân hàng Thế giới (WB) đôi khi gọi Đài Loan là “quận Đài Loan”. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thường chọn cách gọi “tỉnh Đài Loan thuộc Trung Quốc.” Ủy ban Olympic Quốc tế dùng cụm từ “Đài Bắc Trung Hoa” (Chinese Taipei). Chính quyền Đài Bắc tự xưng là “Cộng hòa Trung Hoa.” Washington chỉ gọi là “Đài Loan” với hy vọng không ai hỏi thêm điều gì. Bắc Kinh kiên quyết gọi là “tỉnh Đài Loan,” có lẽ hy vọng rằng việc lặp đi lặp lại cách gọi này sẽ nghiễm nhiên biến nó trở thành sự thật. Nhưng có một cụm từ dường như chỉ tồn tại trên các báo và tạp chí tiếng Anh: “Tỉnh nổi loạn” (renegade province). Nhiều bài báo về cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan diễn ra vào ngày 16/01 – một cuộc bầu cử có thể có tác động lớn tới mối quan hệ giữa hòn đảo tự trị với Trung Quốc và Hoa Kỳ – đã dựa vào cách gọi “tỉnh nổi loạn” để mô tả quan điểm của Bắc Kinh đối với Đài Loan.

Đó là một sai lầm. Kể từ khi Tướng Tưởng Giới Thạch chạy khỏi Trung Hoa đại lục vào năm 1949, tình trạng của hòn đảo có diện tích cỡ trung bình này đã luôn là một câu hỏi mở. Nhưng gần như chắc chắn rằng Đài Loan không phải là một “tỉnh nổi loạn.” Tuy nhiên, cách gọi này vẫn mặc nhiên tồn tại. Vào đầu tháng 1, hãng thông tấn Reuters cho biết: Bắc Kinh “chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo 23 triệu dân này trở lại tầm kiểm soát của Bắc Kinh, nơi vốn luôn gọi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn”, trong khi tạp chí Wall Street Journal viết vào cuối tháng 12 năm 2015: “Bắc Kinh coi hòn đảo như một tỉnh nổi loạn nhưng Washington theo luật pháp Mỹ có nghĩa vụ giúp bảo vệ nó. Tờ The Washington Post, Hãng thông tấn Associated Press,  báo Los Angeles Times, tạp chí Time, Bloomberg và nhiều hãng tin khác gần đây đều sử dụng thuật ngữ này.

Nhưng thuật ngữ này hầu như không tồn tại ở Trung Quốc, cho dù là phiên bản tiếng Trung hay tiếng Anh. Shen Dingli, Phó chủ nhiệm Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán nói với tôi rằng”Chúng tôi chưa bao giờ sử dụng thuật ngữ tiếng Anh”renegade province”. Đây là một thuật ngữ do người phương Tây nghĩ ra.” Maochun Yu, một học giả Trung Quốc tại Hoa Kỳ cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho hay: “Tôi chưa bao giờ nghe bất cứ một quan chức nào ở đại lục nói Đài Loan là một tỉnh nổi loạn.”

Người Trung Quốc không sử dụng thuật ngữ này với lý do đơn giản là họ không coi Đài Loan là tỉnh nổi loạn. Họ coi đây một tỉnh giả vờ là đang độc lập – không khác gì nhân vật chính trong truyện ngắn năm 1890 “Biến cố ở cầu Owl Creek” (An occurrence at Owl Creek bridge) của tác giả Ambrose Bierce. Nhân vật này bị treo cổ và ảo tưởng rằng ông sẽ được cứu, trong khi dây thòng lọng dần dần thắt chặt xung quanh cổ ông.

Hầu hết các tài liệu tham khảo của Trung Quốc về Đài Loan đều thẳng thắn coi đây là một tỉnh.

Truyền thông quốc gia Trung Quốc thường cho thêm dấu ngoặc kép khi nhắc tới các ví dụ về Đài Loan thực hiện quyền dân chủ, như thể có ý hạ thấp hòn đảo này. Một bài viết trên tờ China News tháng 12 đưa tin về cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Đài Loan chế nhạo: Các tranh cãi về ‘cuộc bầu cử’ vẫn tiếp tục không ngừng. Một bài báo được đăng trên cổng thông tin China.com ngày 05/01 cho hay: ‘Ứng viên tổng thống’ Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) Thái Anh Văn đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò với cách biệt 20%.

Trong khi đó, thay vì dùng từ tổng thống, truyền thông nhà nước Trung Quốc dùng thuật ngữ lãnh đạo. (Trong cuộc gặp gỡ tháng 11 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo của hai chính phủ hai bờ eo biển Đài Loan gặp gỡ kể từ năm 1949, họ gọi nhau là “ông”). Và thay vì chính phủ, phía Trung Quốc thường sử dụng thuật ngữ các nhà chức trách. Trên Baike, trang web của Trung Quốc tương tự Wikipedia, có một trang với tiêu đề “Nhà chức trách Đài Loan” được định nghĩa là” bộ phận hành chính hiện tại kiểm soát quận Đài Loan thuộc Trung Quốc.” Khi tỏ ra lịch sự, đôi khi họ chỉ nhắc tới Đài Loan là một hòn đảo.

Dĩ nhiên, người Đài Loan không tự gọi hay coi bản thân họ là một tỉnh. “Làm thế nào chúng tôi lại bị gọi là một tỉnh nổi loạn?” Lyushun Shen, người đứng đầu Văn phòng đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hoa Kỳ, đặt cho tôi câu hỏi tu từ này. Shen thừa nhận đúng là Trung Quốc lớn hơn nhiều: “diện tích lớn gấp 266 lần, dân số lớn hơn 58 lần Đài Loan, nhưng xét trên tư cách là một thị trường cho hàng hóa Mỹ, thì chỉ lớn hơn 4,5 lần.” Với tư cách là một Đại sứ Đài Loan trên thực tế tại Hoa Kỳ, Shen nói với tôi: “Các bạn gọi chúng tôi là một tỉnh nổi loạn bé tí, nhỏ xíu, xinh xắn, xa xôi ? Chúng tôi quá lớn để bị phớt lờ.” Vậy người Đài Loan tự nhận mình là gì? “Một nhà nước có chủ quyền,” ông phát biểu một cách tự hào.

Những ai ủng hộ quyền tự quyết của Đài Loan đều không thích cụm từ này. Perry Link, một học giả Trung Quốc và nhà ủng hộ nhân quyền lâu năm cho biết. “Nổi loạn (renegade) ám chỉ Đài Loan vốn dĩ hoàn toàn là một phần của Trung Quốc nhưng rồi quyết định nổi dậy và ly khai”. Chính phủ Trung Quốc đại lục “sáp nhập hoàn toàn Đài Loan năm 1887 và cai trị đến năm 1895, khi Nhật tiếp quản; sau đó lại cai trị Đài Loan từ 1945 đến 1949” – những năm từ sau khi kết thúc Chiến tranh Trung – Nhật lần 2 cho đến khi Quốc Dân Đảng thất bại trước lực lượng Cộng Sản. Link cho biết thêm: “Tôi cho rằng hầu hết người phương Tây đều nghĩ Đài Loan là một bộ phận lâu đời của Trung Quốc nhưng thực chất nó chỉ hoàn toàn bị đại lục cai trị trong khoảng chục năm.”

Trong ngoại giao quốc tế, điều này thậm chí còn phức tạp hơn nhiều. Shen cho biết. “Chúng tôi thấy cách viết Đài Bắc Trung Hoa (Chinese Taipei) phù hợp hơn cả. Chúng tôi cũng chẳng thích nó nhưng phải sống với nó.” Một điểm lợi của cách nói Đài Bắc Trung Hoa nằm ở chính tả. Trung Quốc đại lục sử dụng một hệ thống riêng để phiên âm từ vựng tiếng Trung sang chữ tiếng Anh gọi là Pinyin (bính âm), trong khi Đài Loan sử dụng một hệ thống khác gọi là hệ thống Wade-Giles. “Taipei” là cách viết chính tả phiên âm theo kiểu Wade-Giles. Còn phía Bắc Kinh ưa chuộng phiên bản phiên âm “Taibei”.

Chắc chắn cách gọi Đài Bắc Trung Hoa ít vụng về hơn cách gọi ưa thích của IMF. Hãy xem xét câu văn sau trích từ một nghiên cứu của IMF tháng 6/2015: “Chỉ có một số ít các nền kinh tế châu Âu, Hàn Quốc và tỉnh Đài Loan thuộc Trung Quốc đạt đạt mức thu nhập cao trong giai đoạn 1970 – 2010.” Đó là lối nói gượng không hấp dẫn và không chính xác – mô tả Đài Loan theo những gì Bắc Kinh muốn chứ không phải mô tả một Đài Loan đích thực.

Mặt tích cực khác cho cách gọi Đài Bắc Trung Hoa là việc Đài Loan được có mặt trong các tổ chức quốc tế. Hầu hết các tổ chức quốc tế quan trọng nhất theo yêu cầu của Bắc Kinh chỉ trao cho cho Đài Loan vị trí “quan sát viên” hoặc từ chối cho phép Đài Loan tham gia.

Việc Bắc Kinh và Đài Bắc có thể cùng tham gia các tổ chức quốc tế giống nhau là kết quả của mối quan hệ ấm lên đáng kể kể từ khi tổng thống Mã nắm quyền năm 2008, và mối quan hệ hai bên đã trở nên tốt đẹp hơn bao giờ hết kể từ năm 1949. Điều đó được phản ánh trong ngôn ngữ Bắc Kinh sử dụng để chỉ Đài Loan trong nhiều thập kỷ vừa qua. Shen Dingli thuộc Đại học Phúc Đán, cho biết: Do cả hai đều quan tâm về tính chính danh của bản thân, trước đây “mỗi bên đều chỉ trích bên còn lại không hợp pháp.  Họ gọi chúng tôi là “cộng phỉ” (gongfei), hay kẻ cướp cộng sản, và chúng tôi gọi họ là “Tưởng phỉ bang” (jiangfeibang) hay bè lũ cướp theo Tưởng” (Tôi đảm bảo rằng cụm từ này còn xấu xa hơn trong tiếng Trung.) Truyền thông Trung Quốc thường xuyên thêm từ vi (违 – wei) nghĩa là bất hợp pháp hay sai trái, như trong cụm từ “tổng thống bất hợp pháp của Đài Loan”. Shen cho hay: “Nhưng giờ chúng tôi muốn chinh phục trái tim người Đài Loan. Đó là lý do tại sao chúng tôi không gọi họ là “nổi loạn”.

Cụm từ “tỉnh nổi loạn” dùng để chỉ Đài Loan lần đầu tiên xuất hiện trong tiếng Anh từ khi nào vẫn còn chưa rõ. Tài liệu lâu đời nhất mà tôi tìm được là một bài báo năm 1973 trên Encounter, một tạp chí văn học được đồng sáng lập bởi nhà báo Mỹ Irving Kristol (một yếu tố lịch sử đáng lưu ý không mấy liên quan là ấn phẩm này sau đó được tiết lộ là nhận tài trợ bí mật từ CIA). Nguyên văn cả câu là: “Tóm lại, nhận thức về lịch sử của phương Đông, vốn dựa vào cách nhìn hàng thế kỷ chứ không phải vài năm ít ỏi, cho thấy việc chinh phục Đài Loan bằng quân sự rõ ràng là đã trở nên lỗi thời và đang hướng tới một sự sáp nhập dần dần tỉnh nổi loạn này một cách hòa bình.” Cụm từ này chỉ thực sự được sử dụng rộng rãi những năm 1980: Báo New York Times sử dụng lần đầu vào năm 1982 theo như trang web chính thức của nó và công cụ tìm kiếm LexisNexis đưa ra hàng chục kết quả cho những năm còn lại của thập kỷ này.

Một trong số rất ít những người sử dụng thuật ngữ “tỉnh nổi loạn” bằng tiếng Trung là Kuo Kuan-ying, bị sa thải khỏi chức vụ nhà ngoại giao Đài Loan ở Trung Quốc năm 2009 sau khi viết một loạt các bài báo chỉ trích Đài Loan, bao gồm một bài khẳng định Đài Loan “chỉ là một tỉnh nổi loạn của Trung Quốc.” (Tìm trên Google từ khóa “Đài Loan” và “tỉnh nổi loạn” bằng tiếng Trung, hầu hết các kết quả đầu tiên đều là các bài báo của truyền thông Trung Quốc đưa tin về sự kiện này.) Phần còn lại của các câu chuyện bằng tiếng Trung này là những trang web tiếng Trung của các hãng truyền thông phương Tây, như ReutersFinancial Times.

Vào cuối tháng 12, Bắc Kinh cảnh báo về “những thay đổi phức tạp” tại Đài Loan năm 2016. Trên thực tế, các phức tạp mà năm nay có thể mang lại bao gồm việc Đài Bắc chọc giận Bắc Kinh bằng việc giữ khoảng cách. Hy vọng rằng, năm nay cũng sẽ mang lại một dấu chấm hết cho việc sử dụng cụm từ “tỉnh nổi loạn.”

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]