Bao nhiêu bản đồ thì đủ?

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Phạm Thị Hoài

BandoTQkocoHoangSa

Người ngoại đạo như tôi, sống ở thời Google Map, đứng trước những tấm bản đồ cổ phương Tây, chữ Latinh hẳn hoi, thường chỉ ngắm chứ không thực sự hiểu. Giống như xem những chiếc răng, hộp sọ, lưỡi rìu mấy ngàn năm gì đó trong bảo tàng. Còn bản đồ cổ, châu Á, lại chữ Hán, trông như tranh của Hans Hartung đè lên Tề Bạch Thạch trong tinh thần “Phẳng chung thủy“, thì chịu, hoàn toàn phải nhờ giới chuyên môn thuyết trình.

Từ nhiều năm nay cứ thỉnh thoảng lại có một tấm bản đồ cổ chứng minh chủ quyền biển đảo Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam được phát hiện. Tôi vốn nghĩ sơ sài rằng mọi bản đồ trong lịch sử đều chỉ có hiệu lực đến một thời điểm lịch sử nhất định. Có lẽ không một nước nào ngày nay trên trái đất còn giữ đúng lãnh thổ được vẽ vào thế kỉ 18, huống gì ở thuở nhân loại chưa biết đến các khái niệm quốc gia dân tộc và chủ quyền quốc gia theo nghĩa chúng ta đang dùng. Đảng của ông Sam Rainsy không thể mang bản đồ của Vương quốc Khmer ra đòi Việt Nam và Thái Lan trả đất. Tôi không biết Dải Gaza từng được đưa vào bản đồ của bao nhiêu nước khiến số phận nó phải long đong khốn khổ thế, song tôi chắc chắn rằng nếu Putin cho phát hành toàn thế giới bản đồ Đại Nga bao gồm cả Sao Hỏa thì một trăm năm sau chủ quyền của nước Nga trong vũ trụ vẫn không hề được chứng minh. Nếu Công hàm Phạm Văn Đồng có hiệu lực pháp lí thì mọi bản đồ trong lịch sử đều chỉ còn giá trị nghiên cứu.

Nhưng thật lạ là tôi vẫn mừng, mỗi lần các nhà nghiên cứu Việt Nam đưa ra một bản đồ làm bằng chứng. Không phải vì tôi yêu nước. Tôi xa lạ với tinh thần ái quốc. Nếu phải có tinh thần ấy, thậm chí tôi không chắc chắn rằng Tổ quốc của tôi hiện là đâu, cố hương Việt Nam hay nước Đức, nơi tôi sống hạnh phúc và đồng thời là công dân. Tôi mừng, có lẽ chủ yếu vì thiện cảm và sự ủng hộ đương nhiên dành cho một nước nhỏ, yếu về hầu hết mọi phương diện, gần như vô vọng trong cuộc đương đầu với một đại cường quốc đầy ắp tham vọng bá quyền. Nếu hải quân Việt Nam không thể thắng trên biển thì vẫn còn một an ủi là trên giấy, học giả Việt Nam không thua.

Song mừng không dễ. Năm năm trước, một cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra trên trang talawas xung quanh một tấm bản đồ từ đời Minh mới được phát hiện, An Nam đồ. Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đã dội một gáo nước lạnh vào sự hoan hỉ về bằng chứng lịch sử “đanh thép” đó. Ông vạch ra nhiều nhầm lẫn trong việc đọc và thẩm định tấm bản đồ này, đồng thời cảnh báo rằng “việc thừa nhận giá trị bức An Nam đồ hoặc các bức đồng dạng và sử dụng chúng như một phần chứng lý chủ quyền lịch sử Hoàng Sa-Trường Sa sẽ di họa khôn lường vì đã đi vào đúng hướng lý luận của học giới Trung Quốc” mà ông bác bỏ. Tôi hoàn toàn được học giả độc lập này thuyết phục. Vụ An Nam đồ lắng xuống.

Đầu tháng Sáu vừa rồi, cuốn sách đồ sộ Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông của Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam ra mắt, kết quả làm việc 5 năm của 50 nhà nghiên cứu. Không một cơ quan học thuật nào của Việt Nam có thể có nhiều phương tiện và chức năng nghiệp vụ hơn. Truyền thông lại hân hoan. Song một bài “Góp ý bổ cứu” của nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh trên một tạp chí nhỏ rất ít người đọc của Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên-Huế và nhất là bài phê bình của ông Phạm Hoàng Quân trên trang Diễn Đàn (Paris) khiến vụ An Nam đồ dường như sống lại toàn tập. Tất cả những điều nhà nghiên cứu này từng cảnh báo 5 năm trước vẫn còn nguyên. Sự não nề đặc trưng của các câu chuyện Việt Nam là: muôn thuở không có gì thay đổi. Căn cứ vào hai bài viết rất thuyết phục nhưng chỉ có thể xuất hiện bên lề đó, giới chuyên môn đứng đầu quốc gia hiện ra như những nhà nghiên cứu quan liêu, lười biếng, tùy tiện, bất cẩn, phản khoa học, thiếu trung thực, thậm chí thiếu cả năng lực dịch thuật, và có vẻ khá dốt nát. Ông Quân đề nghị rút hẳn 10 trong 25 đơn vị bản đồ khỏi tập sách, 15 đơn vị còn lại cũng thiếu độ tin cậy vững chắc để có thể phục vụ hồ sơ chứng lí vô điều kiện.

Bao nhiêu bản đồ thì đủ bảo vệ Hoàng Sa-Trường Sa? Câu trả lời của giới học thuật quan phương dường như là: càng nhiều càng tốt, bất chấp độ khả tín và bất chấp nguy cơ phản tác dụng vì rơi đúng vào cái bẫy luận điểm ngụy biện của phía Trung Quốc.

Trừ ông Nguyễn Xuân Diện thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm có một lời trần tình về sự tham gia tương đối hạn chế của mình vào thành tích bảo vệ chủ quyền nêu trên, những người chịu trách nhiệm công trình không hề lên tiếng.

Nguồn: Pro&Contra