Tác giả: Nguyễn Hữu Túc
Tiến sỹ Li Daxie và nhà nghiên cứu Tan Keng Tat trong bài viết có tựa đề “Tranh chấp Biển Đông: Trung Quốc có bằng chứng cho những tuyên bố lịch sử” trên trang RSIS Commentaries đã khẳng định “Tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc dựa trên nhiều tài liệu lịch sử đã được kiểm chứng, những văn bản luật, điều ước và luật tục quốc tế cộng với những ghi chép từ những chuyến đi biển vĩ đại có từ thời nhà Nguyên và nhà Minh”. Tuy nhiên, tôi cho rằng những chứng cứ này không thuyết phục và do đó Trung Quốc không thể biện minh hay bảo vệ lập luận của mình theo khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Trong quá trình hiện thực hóa tham vọng bá chủ của mình ở Biển Đông, Trung Quốc luôn thể hiện quan tâm và mong muốn sử dụng luật pháp quốc tế làm cơ sở cho những tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước này ở vùng nước trong phạm vi đường chữ U. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì từng nói với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton rằng “có rất nhiều chứng cứ lịch sử và pháp lý cho thấy Trung Quốc có chủ quyền đối với Biển Đông và các vùng biển lân cận”.
“Chứng cứ lịch sử” của Trung Quốc
Tuy nhiên, như Giáo sư Mohan Malik từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh (Honolulu) chỉ ra trong bài viết trên World Journal Affair, phần lớn các chuyên gia pháp lý quốc tế kết luận rằng những tuyên bố về danh nghĩa lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông, ngụ ý quyền chủ quyền đầy đủ và việc các nước khác phải xin phép Trung Quốc để được quá cảnh, là vô giá trị.
Trong chuyến thăm tới Đức cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel tặng món quà là một tấm bản đồ cổ. Đây là tấm bản đồ năm 1735 của Trung Quốc do nhà bản đồ học người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d’Anville vẽ và in tại một nhà xuất bản Đức. Bản đồ này được vẽ dựa trên các khảo sát địa lý trước đây do các nhà truyền giáo Dòng Tên ở Trung Quốc thực hiện và đại diện cho “những hiểu biết của châu Âu về Trung Quốc thời thế kỷ 18”.
Theo những chú thích bằng tiếng La-tinh trên bản đồ, thì phần lãnh thổ trung tâm của Trung Quốc chủ yếu bao gồm phần đất của người Hán, không bao gồm các tộc người khác như Mông Cổ hay Mãn Châu. Đảo Hải Nam – phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc hiện đại ngày nay – còn được tô bằng màu khác. Tất nhiên, trên tấm bản đồ này không hề có bóng dáng của các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Giáo sư Mohan Malik chỉ ra rằng, biên giới hiện tại của Trung Quốc chủ yếu phản ánh những ranh giới được thiết lập qua các lần bành trướng mở rộng lãnh thổ dưới thời Mãn Thanh trong thế kỷ 18, theo thời gian trở thành các đường biên giới cố định theo sau sự hình thành hệ thống các quốc gia – dân tộc kiểu Westphalia tại châu Á trong thế kỷ 19 – 20.
Giờ là đường mười đoạn?
Li Daxie và Tan Keng Tat khẳng định rằng “các ghi chép của Trung Quốc đã đặt tên Hoàng Sa là Chi-chou yang shan, đề cập đến 9 hòn đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Dưới thời nhà Thanh, cái tên Tây Sa trở nên phổ biến”, và rằng, “một trong những chứng cứ sớm nhất về Tây Sa là cuốn sách Chu Fan Chi từ thế kỷ 13”. Trên thực tế, trong các bản đồ thời nhà Thanh hay Mãn Châu, đảo Hải Nam, chứ không phải Hoàng Sa hay Trường Sa, là biên giới cực nam của Trung Quốc.
Hơn nữa, cái gọi là “yêu sách dựa trên lịch sử” của Trung Quốc trên Biển Đông thực ra cũng không phải là “dài cả thế kỷ”. Các tài liệu lịch sử chứng minh rằng Trung Quốc chỉ để ý đến vùng biển này từ năm 1947, khi chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch vẽ ra cái gọi là “đường 11 đoạn” trên Biển Đông trong các bản đồ Trung Quốc, bao quanh quần đảo Trường Sa và các chuỗi đảo khác mà Quốc dân Đảng tuyên bố thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Sau chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc nội chiến năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã điều chỉnh tấm bản đồ này, sửa đổi tuyên bố của Tưởng Giới Thạch thành một “đường 9 đoạn” sau khi xóa bớt 2 đoạn trong khu vực Vịnh Bắc Bộ vào năm 1953. Ngay gần đây, Trung Quốc đã vẽ một bản đồ mới khẳng định chủ quyền của mình trên Biển Đông là một “đường 10 đoạn” bao quanh khu vực ngay ngoài khơi Việt Nam, Malaysia, Brunei, và đảo Luzon của Philippines.
Từ khía cạnh pháp lý, những tuyên bố về cơ sở pháp lý và tôn trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông dường như chỉ là lời nói. Những gì Trung Quốc yêu sách (từ mười một, đến chín rồi mười đoạn) vẫn còn mơ hồ và thiếu cơ sở pháp lý, hoặc chỉ đơn giản là Trung Quốc không có cơ sở pháp lý như nước này luôn giải thích.
Lập trường của Việt Nam về Biển Đông
Về phần mình, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đều tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tài liệu cổ như các chiếu chỉ, bản đồ, sách và cột mốc chủ quyền được sưu tầm và trưng bày đã khẳng định rõ ràng rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Rất nhiều tài liệu trong số đó, bao gồm cả một bản đồ do Trung Quốc và Nhật Bản xuất bản năm 1947, cho thấy lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.
Đã từ lâu, những hòn đảo nhỏ ở Hoàng Sa và Trường Sa chỉ được biết đến là khu vực đặc biệt nguy hiểm đối với hoạt động đi lại hay là nơi tránh bão của ngư dân trong khu vực. Từ đầu thế kỷ 17, các triều đại Việt Nam (nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn) đã là những người đầu tiên thực hiện chức năng Nhà nước đối với những hòn đảo xa xôi không người ở này.
Trong những năm 1920 – 1930, Pháp, với tư cách là đại diện ngoại giao của Triều đình Việt Nam từ năm 1884, đã phái những đội quân thường trực tới Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã thực hiện việc quản lý hành chính đối với những quần đảo này một cách liên tục mà không có bất kỳ tranh chấp nào cho tới khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa lần lượt vào các năm 1974 và 1988.
Nguyễn Hữu Túc là sinh viên sau đại học chuyên ngành Quan hệ Quốc tế tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam, Singapore. Một bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng tải trên RSIS Commentaries.