Thất bại thảm hại của Trung Quốc trên Biển Đông

Print Friendly, PDF & Email

pix5_080414

Tác giả: Bill Hayton | Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Dù Bắc Kinh hi vọng đạt được điều gì qua việc triển khai giàn khoan HD-981 đi chăng nữa– dầu mỏ, lợi thế lãnh thổ, hay các lợi ích chiến lược dài hạn – thì tất cả đều không đem lại kết quả.

Dù đánh giá bằng bất kỳ thước đo nào, chuyến phiêu lưu khoan dầu gần đây trên biển Đông của Trung Quốc cũng đều là thảm họa. Không có chút dầu mỏ mới nào đến tay người tiêu dùng Trung Quốc, nước này không chiếm được vùng lãnh thổ mới trên biển nào, và lợi thế khu vực lại rơi vào tay Hoa Kỳ. Tình đoàn kết ASEAN được giữ vững và vị thế của các phe nhóm “thân Bắc Kinh” ở các nước có vai trò trọng yếu, đặc biệt là Việt Nam, đã bị suy yếu nghiêm trọng. Điều này chứng tỏ Trung Quốc thiếu năng lực trong việc hoạch định chính sách đối ngoại. Làm thế nào mọi chuyện đều đi chệch hướng như vậy?

Có phải vì dầu khí?

Chúng ta không thể biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc hi vọng đạt được điều gì khi họ phê chuẩn việc triển khai giàn khoan dầu lớn nhất đất nước cùng một hạm đội nhỏ các tàu bảo vệ vào vùng nước mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Hành động này có vẻ không đơn thuần chỉ là một nỗ lực tìm nguồn dầu khí. Có rất nhiều địa điểm tốt hơn để tiến hành thăm dò. Ngày 19 tháng Ba, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) thông báo họ đã tìm ra một mỏ khí cỡ vừa nằm trong vùng biển không tranh chấp gần đảo Hải Nam. Việc khai thác mỏ này đã bị trì hoãn trong khi chuyến phiêu lưu trên Quần đảo Hoàng Sa diễn ra về phía nam.

Hai khu vực mà giàn khoan khổng lồ HD-981 thăm dò không phải là nơi có triển vọng cao về dầu khí. Một báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ năm 2013 cho thấy tiềm năng năng lượng trong khu vực Quần đảo Hoàng Sa là thấp. Quan trọng là CNOOC, công ty khai thác ngoài khơi nhiều kinh nghiệm nhất của Trung Quốc, lại không dính dáng đến cuộc thăm dò này. Mặc dù một công ty con của CNOOC là Công ty Dịch vụ Dầu khí Trung Quốc (COSL) vận hành giàn khoan, nhưng toàn bộ hoạt động lại nằm dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), vốn có ít kinh nghiệm hơn về thăm dò dầu khí trên biển Đông.

HD-981 kết thúc nhiệm vụ trước thời hạn một tháng khi phải đối mặt với siêu bão Rammasun sắp tới. CNPC tuyên bố rằng giàn khoan đã tìm thấy dầu khí, nhưng không cụ thể về chi tiết và số lượng. Gần như chắc chắn ở đó sẽ không diễn ra hoạt động khai thác thương mại vì cả lý do kỹ thuật cũng như chính trị. Hành động này không thực sự là vì dầu khí.

Những thất bại của Bắc Kinh

Một động cơ có thể được loại trừ một cách an toàn. Chúng ta biết hành động này không phải là một nỗ lực nhằm khuấy động tinh thần yêu nước của nhân dân Trung Quốc bởi lẽ, theo nhà nghiên cứu người Úc Andrew Chubb, tin tức về các vụ đụng độ giữa các tàu bảo vệ giàn khoan với cảnh sát biển Việt Nam không được công khai với giới truyền thông Trung Quốc hàng tuần sau đó.

Tuy nhiên, cũng có thể có một mục đích chính trị khác. Một hoạt động với tầm cỡ như vậy chắc hẳn phải được hoạch định cụ thể và được phê duyệt ở cấp cao nhất. Chính quyền Trung Quốc thông báo giàn khoan đã đến vị trí vào ngày 03 tháng 5, đúng một tuần trước khi hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) theo lịch sẽ được tổ chức tại Myanmar. Có lẽ Bắc Kinh hy vọng sẽ lặp lại thành công như tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Phnom Penh hồi tháng 7 năm 2012. Vào dịp đó, ASEAN bị chia rẽ: Campuchia đã bác bỏ tuyên bố chung, để mặc Philippines và Việt Nam cô lập trong các tranh chấp trên biển với Trung Quốc.

Nếu như Trung Quốc hi vọng sẽ đạt được điều tương tự đối với vấn đề Quần đảo Hoàng Sa thì hiệu quả lại hoàn toàn ngược lại. ASEAN với hình ảnh khối đoàn kết thống nhất đã cùng nhau tiến tới một tuyên bố chung, với mục đích yêu cầu Trung Quốc phải nhượng bộ. Lần đầu tiên tổ chức này đưa ra lập trường cụ thể về vấn đề Quần đảo Hoàng Sa – vốn thuần túy là một tranh chấp song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam (không như tranh chấp trên Quần đảo Trường Sa gây ảnh hưởng đến năm nước ASEAN, trong đó có Indonesia). Andrew Chubb lập luận rằng việc bày tỏ tình đoàn kết một cách thầm lặng như thế này gây ảnh hưởng đến Bắc Kinh nhiều hơn những tuyên bố ồn ã đến từ Washington.

Một số nhà bình luận gợi ý màn diễn này có thể là một ví dụ cho sách lược “cắt lát salami” – một tiến trình từng bước chiếm đóng các vùng nước nhỏ trên biển Đông mà không thu hút quá nhiều sự chú ý. Nhưng nếu đây là một mục đích thì nó cũng thất bại bởi lẽ một lần nữa, với sự rút lui của giàn khoan, vùng nước này lại bị bỏ trống. “Lát cắt” lại trở về với khúc salami. Bộ Chính trị có thể cho rằng một tuyên bố mạnh mẽ về kiểm soát trên biển sẽ củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, nhưng phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam cũng là một bằng chứng có giá trị tương đương rằng nước này bác bỏ yêu sách của Trung Quốc.

Nhà phân tích người Australia, ông Hugh White, lập luận rằng mục đích của Trung Quốc trong việc kích động cuộc xung đột như vậy là nhằm cố tình kéo dãn và làm suy yếu các mối quan hệ an ninh ràng buộc Hoa Kỳ với Đông Nam Á. “Bằng cách đối đầu với bạn bè của Mỹ bằng vũ lực,” ông nói, “Trung Quốc thách thức Mỹ phải lựa chọn giữa việc bỏ rơi bạn bè của mình và gây chiến sự với Trung Quốc. Bắc Kinh đang đánh cược rằng, khi đối mặt với lựa chọn này, Mỹ sẽ thoái lui và để mặc các đồng minh và bạn bè mất đi sự hậu thuẫn. Điều này sẽ làm suy yếu các liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ, cũng như hạ thấp sức mạnh của Mỹ ở châu Á, và tăng cường sức mạnh của Trung Quốc”.

Nhưng Việt Nam không phải là đồng minh của Hoa Kỳ, do vậy màn diễn này là một minh chứng tốt cho vấn đề một mình đối đầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, khi kích động cuộc đối đầu này, Bắc Kinh đã gặt lấy điều trái ngược với mong đợi của ông White: đẩy Hà Nội xích lại gần Washington. Như cuốn sách gần đây của David Elliott đã chỉ rõ (xem bài điểm sách của tôi ở đây), nói chung định hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam là thân Trung Quốc từ khi họ hết theo Liên Xô. Trong hai thập kỷ vừa qua, chỉ khi các tiếng nói “thân Trung Quốc” bị suy yếu do thất bại trong chính sách và do sự đối đầu với Trung Quốc – thì những người theo xu hướng tự do (tức thân phương Tây – NBT) mới có thể định hướng lại chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Nhà phân tích Zachary Abuza đã cho chúng ta một miêu tả rõ ràng về cân bằng lực lượng trong giới lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam thay đổi như thế nào sau vụ bế tắc giàn khoan dầu. “Một cuộc họp trong tháng Sáu năm 2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhất trí lên án Trung Quốc gây hấn và xâm lược,” ông cho biết. Cuối tháng Bảy, uỷ viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị đã thực hiện một chuyến thăm đáng chú ý tới Hoa Kỳ theo lời mời của Bộ Ngoại giao nước này.

Tóm lại, dù Bắc Kinh hi vọng đạt được điều gì qua việc triển khai giàn khoan HD-981 – dầu mỏ, lợi thế lãnh thổ, hay các lợi ích chiến lược dài hạn – thì đều không đem lại kết quả. Chúng ta có thể giải thích sự thất bại về chính sách đối ngoại này như thế nào? Tôi nghĩ màn diễn này cho thấy chính sách về biển Đông của Trung Quốc là sự phản ánh những ưu tiên nội bộ hơn là một chính sách ngoại giao được cân nhắc. Tóm lại, biển Đông đã trở thành một vùng lợi ích khổng lồ để một số tỉnh, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc xâu xé.

Biển Đông và các nhóm lợi ích trong nước của Trung Quốc

Hai thập kỷ trước, John Garver lập luận việc hải quân Trung Quốc tiến vào biển Đông thể hiện “mối tác động qua lại giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của các cơ quan trong bộ máy hành chính quan liêu”. Chúng vẫn đang tác động lẫn nhau. Hải quân Trung Quốc đang trở nên lớn mạnh cùng với quỹ ngân sách của mình. Cùng với đó là vị thế, cấp bậc, phụ cấp. Điều này cũng đúng cho lực lượng Hải cảnh mới của Trung Quốc – một năm sau khi hợp nhất các cơ quan có thẩm quyền nhỏ hơn về biển thành một. Lực lượng Hải cảnh cần tập trung vào một cái gì đó khác hơn là đấu đá nội bộ sau khi đã hoàn thành việc sáp nhập và cả họ lẫn hải quân đang tìm kiếm những nhiệm vụ để chứng minh mình hữu dụng và biện minh cho quỹ ngân sách của mình.

Và điều gì đúng cho quân đội cũng đúng cho các tỉnh phía Nam. Hải Nam là tỉnh nhỏ nhất của Trung Quốc và tương đối nghèo với một nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Những năm gần đây tỉnh này đã có nỗ lực lớn trong việc phát triển ngành công nghiệp đánh bắt cá và trở nên lão luyện trong việc thu hút trợ cấp nhà nước để trang bị những tàu thuyền mới. Một vài báo cáo xuất sắc của Reuters tháng trước tại thực địa nhắc chúng ta về hàng trăm, có thể là hàng ngàn tàu đánh cá nhận từ $300 đến $500 (khoảng 6,4 đến 10,6 triệu đồng – ND) mỗi ngày để đánh cá ở vùng biển có tranh chấp. Trong khi một thuyền trưởng lưu ý rằng “Chính quyền trợ giúp đánh cá ở biển Đông để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc,” điều đó cũng có thể tương đương với việc nói chính quyền sử dụng tuyên bố chủ quyền để biện minh cho việc hỗ trợ ngư dân. Reuters đã phát hiện ra rằng tám tàu đánh cá được hạ thuỷ tại cảng Đông Phương trên đảo Hải Nam sẽ đủ điều kiện để được nhận $322.500 (khoảng 6,86 tỉ đồng – ND) tiền tài trợ “cải tiến” tàu.

Các công ty dầu mỏ cũng có thể dùng con bài chủ quyền để hậu thuẫn cho các thương vụ bán thương mại của họ ở biển Đông. Tháng Năm năm 2012, khi CNOOC hạ thuỷ giàn khoan nước sâu vốn được trợ cấp rất nhiều và là trung tâm của vụ đối đầu trên Quần đảo Hoàng Sa, HD-981, lãnh đạo của họ đã huênh hoang mô tả nó như là “lãnh thổ quốc gia di động và là một vũ khí chiến lược”.

Do đó, có vẻ bất thường khi CNOOC lại không phụ trách chuyến phiêu lưu ở Quần đảo Hoàng Sa. Tại sao lại như vậy? Chúng ta không nắm được mưu đồ riêng của công ty này ngoài một vài lời giải thích do chính họ gợi ra. Có thể CNPC sẵn sàng chấp nhận rủi ro mà CNOOC không muốn – cả về kỹ thuật lẫn chính trị. Đây là lần đầu tiên HD-981 được sử dụng trong vùng nước sâu và lần đầu tiên trong vùng biển tranh chấp. Có thể CNPC cố giành ưu thế với CNOOC bằng cách đánh dấu chủ quyền trong một khu vực chưa được thăm dò. Cũng có thể ban quản lý cấp cao CNPC cố thoát khỏi những rắc rối chính trị sâu xa của họ. Các cáo buộc tham nhũng chống lại công ty này ngày càng tăng đang biến thành một vụ bê bối chính trị cấp quốc gia. Ban quản lý của CNPC có thể coi nhiệm vụ cắm cờ (fly the flag) trong vùng lãnh thổ đang tranh chấp như một cách để cầu cạnh Bộ Chính trị và cứu chính mình.

Không điều nào ở trên có ý phủ nhận rằng những người Trung Quốc liên quan đến vụ bế tắc trên giàn khoan tin hết lòng vào hiệu lực pháp lý của tuyên bố chủ quyền của nước họ ở biển Đông. Truyền thuyết về “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc đã được khắc sâu vào nhiều thế hệ trẻ em Trung Quốc. Tôi đã lập luận trong một bài viết khác rằng niềm tin này xuất phát từ việc những người theo chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc đã diễn giải sai lịch sử Đông Nam Á đầu thế kỷ XX, nhưng tôi cũng không chút nghi ngờ rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc thật lòng tin tưởng vào tính đúng đắn của nó.

Tuy nhiên, đối với các nhóm lợi ích đặc biệt trong bộ máy nhà nước – Đảng, biển Đông đã trở thành một chiếc piñata (một thứ đồ chơi, bên trong có chứa bánh kẹo, được treo lên trong các lễ hội cho những đứa trẻ bịt mắt đập, khi đập vỡ bánh kẹo sẽ rơi xuống, và đó là phần thưởng – ND) chính trị khổng lồ. Họ đơn giản chỉ cần thỉnh thoảng đập vào vấn đề này để thu hút được một dòng trợ cấp tuôn từ trên xuống. Chính sách của Trung Quốc về biển Đông ít có khả năng là kết quả của một tổng hợp những phân tích hợp lý được suy xét hơn, mà là kết quả không thể dự đoán trước của một tập hợp các chiến dịch vận động hành lang. Khi hợp tác, sức mạnh của các nhóm lợi ích này rất lớn: họ có thể gây ảnh hưởng lên chính sách của Đảng Cộng sản theo hướng có lợi cho họ. Một điều mà tất cả bọn họ có thể đều đồng ý, dù vì lòng yêu nước, an ninh, lợi nhuận hoặc công việc, đó là Trung Quốc phải có quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên của biển Đông.

Rất nhiều nhà bình luận đã bị đánh lừa bởi những nỗ lực tuyên truyền của Trung Quốc. Huyền thoại khó lý giải về sự bất khả chiến bại của Bắc Kinh bắt nguồn từ các trang xã luận của quá nhiều hãng tin. Kết quả là ngay cả khi Trung Quốc mắc sai lầm ngớ ngẩn, nó vẫn được giả định đơn thuần là vỏ bọc của một âm mưu bất chính ranh mãnh hơn. Đã tới lúc đập tan huyền thoại này và nhìn nhận những sai lầm của Bắc Kinh đúng như bản chất của nó. Ngay lúc này, tốt hơn hãy đánh giá những động thái của Trung Quốc ở biển Đông là sự sai lầm của họ chứ không phải là một âm mưu nào đó.

Bill Hayton là tác giả của cuốn The South China Sea: the struggle for power in Asia (Biển Đông: cuộc đấu tranh giành quyền lực ở châu Á) sắp được Yale University Press xuất bản. Các tiểu mục do Nghiencuuquocte.net tự đặt.

Bản gốc tiếng Anh: The National Interest