Giải pháp cho Biển Đông: Một Cuộc họp không chính thức về Biển ASEAN

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: René L. Pattiradjawane | Biên dịch: Nguyễn Thị Nhung

Nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc, Việt Nam phải hết sức vất vả để duy trì một mối quan hệ bình đẳng với người hàng xóm khổng lồ. Chiếc bóng quá lớn của Vương quốc Trung tâm ở phương Bắc sẽ luôn làm suy yếu mọi nỗ lực chính trị của Hà Nội trong việc tìm kiếm các biện pháp chính trị và an ninh khả dĩ cho các yêu sách chủ quyền chồng lấn trên Biển Đông.

Đồng thời, chính phủ Việt Nam cũng nhận ra rằng ASEAN sẽ không đảm bảo chắc chắn cho bất cứ giải pháp chính trị hay an ninh nào để đối phó với sự xác quyết của Trung Quốc, vốn cũng được Trung Quốc áp dụng cho cả Philippines và Nhật Bản.

Kể từ khi Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC) được ký kết vào năm 2002, vấn đề các yêu sách chủ quyền chồng lấn ở các đảo và rặng san hô không người ở đã bị Bắc Kinh nằng nặc đưa ra nhân danh các tuyên bố lịch sử và đường chín đoạn mà nước này nói rằng xuất phát từ thời chính quyền Quốc Dân Đảng trước đây (gồm 11 đoạn), trước khi họ bị đuổi khỏi Trung Quốc đại lục do thất bại trong cuộc nội chiến với Đảng Cộng sản năm 1949.

ASEAN cũng không có lợi ích gì để lên án Bắc Kinh trong vụ các tàu Trung Quốc đâm phá các tàu Việt Nam, dù điều này đã làm gia tăng mức độ căng thẳng trên Biển Đông. Mức đồng thuận chung tối thiểu mà ASEAN có thể đạt được là thừa nhận vụ việc mà không đề cập đến các bên liên quan. Tuy nhiên, song song với đó, các quan chức ASEAN đã chấp nhận đề xuất của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono về việc làm cầu nối cho vấn đề này và liên hệ với phía Trung Quốc để giải quyết căng thẳng thông qua biện pháp giải quyết xung đột chung.

Đây chính là “phương thức ASEAN” như nhiều người vẫn gọi, được áp dụng trong giải quyết các vấn đề chính trị và an ninh nhạy cảm, và đồng thời cũng bị các nhà phân tích và chính trị gia phương Tây đánh giá là đường lối sai lầm. Nhưng các nhà phân tích phương Tây cũng cần phải hiểu rằng đường lối ngoại giao truyền thống của phương Tây, được thể hiện qua biện pháp lên án và trừng phạt Nga trong cuộc khủng hoảng Crimea, đã không phát huy tác dụng tức thời. Cách giải quyết này không những không thể ngăn chặn Crimea bị thôn tính mà còn làm phức tạp thêm các vấn đề liên quan đến Ukraine.

Một phương cách khác mà ASEAN sử dụng cho giải quyết các tranh chấp chính trị và an ninh giữa các nước châu Á là thông qua các cuộc gặp không chính thức cho phép các bên có thể bàn bạc và phân tích những lợi ích chung để từng bước đi đến một giải pháp được các bên chấp thuận. Phương pháp này được gọi là gotong royongtrong tiếng Indonesia (hiểu nôm na có nghĩa là hợp tác không nghi ngại).

Được áp dụng trong Cuộc họp Không chính thức Jakarta (JIM) vào những năm đầu 1990, phương pháp này nhằm mục đích giúp các nước châu Á giải quyết các vấn đề liên quan đến Campuchia sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Phương pháp này cũng có thể được áp dụng vào những căng thẳng đang diễn ra hiện nay trên Biển Đông, mà tôi muốn gọi là “Cuộc họp Không chính thức giữa các nước Đông Nam Á về Biển ASEAN”.

Biển ASEAN là một thuật ngữ do nhà khoa học chính trị từ Viện Khoa học Indonesia Riefqi Muna đặt ra để phản ánh cộng đồng chính trị và an ninh thuộc Cộng đồng ASEAN năm 2015 và nhằm ngay lập tức tách Đông Nam Á ra khỏi vùng ảnh hưởng của Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang cạnh tranh với Mỹ để xây dựng một khái niệm về quan hệ kiểu mới giữa các cường quốc.

Kế hoạch khung cho cuộc họp không chính thức của Đông Nam Á nên do Indonesia đề xuất, sau đó mời các bên có lợi ích liên quan, như bốn thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên Biển ASEAN là Brunei, Malaysia, Philippines, và Việt Nam tham dự cùng với Trung Quốc và Đài Loan. Do đây không phải là cuộc họp chính thức của ASEAN nên tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh và các thành viên ASEAN khác nên tham dự với tư cách quan sát viên.

Cho dù Trung Quốc có không đồng ý và từ chối tham gia vào “cuộc tán gẫu” không chính thức này, thì chúng ta vẫn có thể hy vọng Đài Loan sẽ nhận lời. Đài Loan có vai trò chủ chốt ở đây bởi họ có thể trình bày ý nghĩa của đường mười một đoạn ban đầu do Quốc Dân Đảng vẽ ra vào năm 1947.

Với tính chất là một cuộc họp không chính thức, sự tham gia của Đài Loan sẽ không gây tổn hại gì đến “Chính sách một nước Trung Quốc thống nhất” mà các quốc gia trên thế giới đều tán thành.

Bên cạnh đó, tiến trình chính trị đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Đài Bắc kể từ cuộc gặp giữa đại diện hai bên là ông Trương Úc Kỳ và Vương Chí Quân vào tháng Hai vừa qua tại Nam Kinh chắc chắn sẽ làm thay đổi toàn bộ cục diện địa chính trị. Hai lãnh đạo chung tư tưởng “Một Trung Quốc” này của Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu đã đạt được một kết luận trong cuộc họp.

Không có chương trình nghị sự cụ thể nào cho cuộc họp không chính thức này. Các bên có thể đề cập thẳng thắn đến tranh chấp biển ASEAN hoặc lý giải quan điểm của họ dựa theo lợi ích quốc gia mình. Trong trường hợp lãnh đạo của cả Trung Quốc và Đài Loan đều từ chối tham dự, thì cuộc họp có thể giúp các bên còn lại trao đổi thông tin hoặc ý tưởng về cách thức đối phó với những kế hoạch của Trung Quốc nhằm chia rẽ khối đoàn kết Đông Nam Á.

Chúng ta cần phải khu vực hóa những căng thẳng đang ngày một leo thang ở Biển Đông, dù Trung Quốc từ trước tới nay luôn cố gắng kiềm chế nỗ lực đó bằng cách kiên quyết khẳng định tranh chấp lãnh thổ này chỉ là vấn đề song phương. Quan điểm quyết liệt của Trung Quốc đã khiến những nỗ lực xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc đối với tất cả các nước yêu sách của ASEAN bị suy yếu. Khu vực hóa vấn đề Biển Đông là nhằm mục đích đi đến đàm phán cho những giải pháp chung.

Cuộc họp không chính thức này còn chứng minh một điều: sự đoàn kết của khu vực sẽ phát triển vững mạnh khi các nước Đông Nam Á có thể đạt đến những giải pháp “hợp tác không nghi ngại” cho những mối đe dọa chung bằng cách củng cố vai trò trung tâm của ASEAN vì nền thịnh vượng chung.

Qua nhiều thập kỷ hoạt động trên nền tảng hiểu biết chung về nguyên tắc không can thiệp vào lợi ích quốc gia và tinh thần đồng thuận chung, Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới nếu duy trì và phát triển được thế cân bằng giữa các quốc gia, và Đông Nam Á cũng có thể mong đợi một trạng thái cân bằng tương tự từ những nước lớn trong và ngoài khu vực.

Nguồn: Jakarta Post