Nguồn: Christopher Hughes (2008). “Chapter One: The Trajectory of Japan’s Remilitarisation”, The Adelphi Papers, 48:403, pp. 21-34.
Biên dịch & Hiệu đính: Nông Thị Nghi Phương
Bài liên quan: Các bài về quá trình tái vũ trang của Nhật Bản
Nhật Bản thể hiện những đặc trưng của một quốc gia nửa vũ trang nửa phi vũ trang. Chương này cung cấp một cái nhìn tổng quát về chính sách an ninh và tình hình vũ trang của Nhật Bản từ hậu Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đến thời kỳ đương đại, với trọng tâm cụ thể là những diễn biến trong vòng thập kỷ gần đây nhất nhằm đưa ra bối cảnh và các tiêu chuẩn cần thiết cho việc đánh giá quy mô tái vũ trang dưới thời Koizumi và những người kế nhiệm ông. Nó chỉ ra các thách thức chiến lược đằng sau tình trạng ngưng trệ ngắn hạn của chính sách an ninh Nhật Bản, và những yêu cầu mang tính chiến lược đòi hỏi phải thay đổi liên tiếp và dài hạn hơn các chỉ tiêu chủ chốt của tái vũ trang được xem xét trong các chương tiếp theo.
Tái vũ trang Nhật Bản hậu chiến tranh
Thời kỳ tiền chiến tranh, Nhật Bản sở hữu một tổ chức vũ trang hùng mạnh, với một khoản chi tiêu quân sự khổng lồ, chế độ quân dịch bắt buộc toàn dân và một lực lượng bán quân sự (cảnh sát vũ trang Kempeitai) đặt dưới sự chỉ huy riêng của Bộ Nội vụ (Naimusho) đầy quyền lực. Dần tách rời khỏi quyền kiểm soát của các quan chức dân sự, quân đội ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong giới lãnh đạo chính trị, và một tổ hợp công nghiệp – quân sự ngày một phát triển dù đôi khi tự phát.[1] Nhật Bản cũng hoàn toàn đắm chìm trong ‘tư tưởng chủ nghĩa quân phiệt’, với một bộ máy chính trị tập trung vào hệ thống hoàng đế và nền giáo dục theo hướng dân tộc chủ nghĩa – quân phiệt.[2]
Ngay sau chiến tranh, trong những giai đoạn đầu thời kỳ Chiếm đóng của Đồng minh (Allied Occupation), Nhật Bản đã bị đẩy đến một kết cục khác, trở thành một quốc gia hoàn toàn phi vũ trang. Quân đội và Hải quân Hoàng gia bị giải thể, ngành công nghiệp sản xuất quốc phòng bị giải tán và chủ nghĩa quân phiệt của thời kỳ tiền chiến tranh bị xóa bỏ trong tân hiến pháp hậu chiến tranh của đất nước.[3] Lời Mở đầu của hiến pháp tuyên bố các lý tưởng của Nhật Bản liên quan đến an ninh như sau:
Chúng tôi, nhân dân Nhật Bản, mong muốn hòa bình mãi mãi và nhận thức sâu sắc những tư tưởng cao quý quyết định mối quan hệ giữa con người với con người, và chúng tôi quyết tâm bảo vệ an ninh cũng như sự tồn tại của mình, tin tưởng vào công lý và niềm tin của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Chúng tôi mong muốn sở hữu một địa vị được tôn trọng trong cộng đồng quốc tế vốn đang nỗ lực để bảo vệ nền hòa bình, mãi mãi xóa bỏ chế độ chuyên quyền và nô lệ, áp bức và bóc lột trên thế giới. Chúng tôi công nhận mọi dân tộc trên thế giới đều có quyền được sống trong hòa bình, không phải chịu sợ hãi và nghèo đói.
Chương 2, Điều 9, ‘Từ Bỏ Chiến Tranh’, được viết như sau:
Mong muốn chân thành một nền hòa bình thế giới dựa trên công lý và trật tự, dân tộc Nhật Bản mãi mãi từ bỏ chiến tranh như một quyền chủ quyền quốc gia và đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực như một phương tiện giải quyết tranh chấp quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu nói trên, các lực lượng lục quân, hải quân và không quân, cũng như các tiềm lực chiến tranh khác, sẽ không bao giờ được duy trì. Quyền tham chiến của quốc gia sẽ không được công nhận.
Tuy nhiên, với sự khơi mào của Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản bắt đầu rời bỏ lập trường phi vũ trang cao độ này. Chương trình phi vũ trang hóa và dân chủ hóa của Nhật Bản được tạm dừng khi các nhà hoạch định chính sách và các lực lượng chiếm đóng do Mỹ đứng đầu tập trung vào tăng cường vị thế của Nhật Bản với vai trò một pháo đài chống chủ nghĩa cộng sản ở khu vực Viễn Đông. Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản trước đây đã diễn giải Điều 9 có nghĩa là nghiêm cấm cả chiến tranh tự vệ và quyền phòng thủ quốc gia, nhưng từ những năm 1950 trở đi họ bắt đầu duy trì cách diễn giải cho phép Nhật Bản, đi đôi với vị thế của nó như là một quốc gia chủ quyền theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, được thực hiện quyền phòng thủ cá nhân (kobetsu-teki jieiken), và duy trì các tiềm lực quân sự cho mục đích này.[4] (Điều này phù hợp với một sửa đổi được Quốc hội đưa ra trước khi công bố điều luật vốn dẫn tới việc đưa vào cụm từ ‘để thực hiện mục tiêu nói trên’, từ đó mở đường cho cách lý giải Nhật Bản duy trì các lực lượng vũ trang với điều kiện chúng không được tổ chức để giải quyết các tranh chấp quốc tế).
Do đó, các nhà lãnh đạo Nhật Bản, được Mỹ khích lệ, bắt đầu tiến hành tái vũ trang trong phạm vi cho phép của khả năng kinh tế quốc gia, với sự thành lập lần lượt trong các năm 1950 và 1952 của lực lượng Cảnh sát Dự bị Quốc gia (National Police Reserve – NPR) và Lực lượng An toàn Quốc gia (National Safety Force – NSF), vốn là các tiền thân của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản (JSDF) ra đời năm 1955.
Hiệp ước an ninh song phương Mỹ – Nhật được ký kết vào năm 1951. Đây là một ‘thỏa thuận chiến lược lớn’ trong đó Nhật Bản chấp nhận liên minh với và nhận các bảo lãnh an ninh từ Mỹ, đổi lại nước này cung cấp các căn cứ quân sự để từ đó Mỹ có thể mở rộng sức mạnh trên khu vực Đông Á.[5] Nhật Bản cũng chấp nhận rằng cái giá phải trả cho hiệp ước an ninh là chỉ đạt được ‘hòa bình cục bộ’ đơn thuần với Mỹ và các quốc gia liên minh của nó, mà không bao gồm Liên Xô và Trung Quốc. Mãi đến năm 1978 một hiệp ước hòa bình với Trung Quốc mới được ký kết, và không có hiệp ước nào được ký kết với Liên Xô (hay quốc gia thừa kế của nó là Nga).
Trong khoảng thời gian còn lại của Chiến tranh Lạnh, quá trình tái vũ trang từng bước được duy trì thông qua việc tăng cường các tiềm lực cả về số lượng và chất lượng của JSDF và thắt chặt liên minh an ninh Mỹ – Nhật, cho đến mức độ mà Thủ tướng Nhật Bản Zenko Suzuki vào năm 1981 lần đầu tiên đã có thể công khai đề cập đến các dàn xếp an ninh Mỹ – Nhật như là một ‘liên minh’. Nhật Bản và Mỹ đã phát triển một sự “phân công lao động” tương đối mạnh mẽ về an ninh trong các giai đoạn sau của Chiến trạnh Lạnh nhằm ngăn chặn Liên Xô ở khu vực Viễn Đông. Theo thỏa thuận này, JSDF bảo vệ lãnh thổ, vùng biển và vùng trời xung quanh, cung cấp một ‘lá chắn’ hiệu quả cho việc triển khai quân của Mỹ tại Nhật Bản và bổ sung cho ‘thanh gươm’ Mỹ trong việc triển khai sức mạnh tấn công ở Đông Á.
Nhật Bản củng cố vị thế an ninh của mình thông qua Đại cương Chương trình Quốc phòng (National Defense Programme Outline – NDPO), nỗ lực đầu tiên của quốc gia này trong việc thiết lập các nguyên tắc của học thuyết an ninh cũng như cơ cấu lực lượng cần thiết để thi hành nó. Điểm đáng chú ý của NDPO là nó không chỉ làm rõ nhu cầu xây dựng JSDF, mà còn nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ duy trì các lực lượng được xây dựng để đẩy lùi xâm lược trước tiên, và sẽ tìm kiếm trợ giúp của Mỹ nếu việc này là không thể, từ đó phát triển một học thuyết an ninh dựa trên sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các lực lượng Mỹ và Nhật Bản. Nhật Bản đã củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác với Mỹ thông qua Hướng dẫn Hợp tác Quốc phòng Mỹ – Nhật năm 1978, trong đó lần đầu tiên đề ra các lĩnh vực hợp tác song phương liên quan đến phòng thủ trực tiếp của Nhật Bản theo Điều 5 hiệp ước an ninh (bao gồm hoạch định chiến thuật, các cuộc tập trận chung và hỗ trợ hậu cần), và cho hợp tác liên quan đến các biến cố ở khu vực Viễn Đông theo Điều 6.
Tuy nhiên, kể cả khi việc tái vũ trang của Nhật Bản phát triển thì nó vẫn phải chịu những sự kìm hãm lớn, bởi các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản lo ngại bị dính líu vào cuộc Chiến tranh Lạnh cũng như chiến lược an ninh quốc tế và khu vực của Mỹ. Các nhà hoạch định chính sách dựng lên những hàng rào nội bộ đối với việc tái vũ trang. Nhật Bản đã giữ vững chính sách của mình về một vị thế hoàn toàn mang tính phòng thủ (senshu boei), dựa trên cơ sở tuân thủ quyền tự phòng thủ cá nhân và được củng cố bằng các điều cấm do hiến pháp đặt ra và nguyên tắc chống quân phiệt. Đặc biệt nhất, vào năm 1976, quy mô của JSDF được hạn chế với việc áp đặt một mức trần 1% tổng sản lượng quốc dân (GNP) cho chi tiêu quốc phòng, và một loạt các tiềm lực được kiểm soát bằng các điều luật nghiêm cấm mua vũ khí có bản chất tấn công rõ ràng.
Trên thực tế, điều này có nghĩa là JSDF không sở hữu các năng lực triển-khai-sức-mạnh, bao gồm các tên lửa đạn đạo liên lục địa (intercontinental bellistic missiles – ICBMs), máy bay tấn công tầm xa và các tàu sân bay ‘tấn công’.[6] Quốc hội còn kiểm soát hơn nữa các năng lực quân sự bằng cách thông qua một nghị quyết năm 1969 trong đó quy định các hoạt động trên không gian của Nhật Bản chỉ nhằm vào các mục tiêu hòa bình (heiwa no mokuteki ni kagiri).
Nhật Bản cũng áp đặt sự kiểm soát dân sự cứng rắn đối với JSDF, đồng thời hạn chế sự phát triển của tổ hợp công nghiệp – quân sự bằng cách đưa ngành công nghiệp quân sự trong nước xuống chịu sự quản lý của lĩnh vực dân sự. Trong khi đó, quyết định tối đa hóa quyền tự chủ quốc gia bằng cách duy trì một nền sản xuất quốc phòng bản địa có nghĩa là quan hệ hợp tác quân sự – công nghiệp với Mỹ bị giới hạn. Các lệnh cấm được áp đặt trong việc xuất khẩu công nghệ vũ khí trong những năm 1967 và 1976, ngăn Nhật Bản xuất khẩu vũ khí và dính líu đến các nỗ lực vũ trang hóa của các quốc gia khác. Nhật Bản tiếp tục miễn cưỡng gửi quân đội ra nước ngoài, và chống lại những cam kết mở theo các nghĩa vụ hiệp ước của nước này với Mỹ.[7]
Cùng với cách diễn giải Điều 9 cho phép tự phòng thủ cá nhân, Nhật Bản còn duy trì một cách diễn giải khác trong đó ngăn cấm việc thi hành quyền phòng thủ tập thể (shudan-teki jieiken). Chính phủ Nhật Bản thừa nhận rằng, với tư cách một quốc gia chủ quyền, nước này vốn có quyền phòng thủ tập thể theo Chương 7 Hiến chương Liên hợp quốc; nhưng từ năm 1954 nước này lại có quan điểm rằng việc thực thi quyền này trên thực tế sẽ vượt quá lực lượng tối thiểu cần thiết cho mục đích phòng thủ và vì vậy vi hiến. Những nghiêm cấm của Nhật Bản đối với việc tiến hành hoạt động phòng thủ tập thể do đó đã hạn chế việc tái vũ trang và khả năng hỗ trợ đồng minh Mỹ bên ngoài vùng lãnh thổ liền kề của nước này.
Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cũng cố gắng giảm thiểu các nghĩa vụ đồng minh bằng cách khẳng định rằng việc sử dụng các căn cứ quân sự của Mỹ cho các hoạt động an ninh ở nước ngoài đòi hỏi phải trao đổi song phương, và rằng phạm vi địa lý của hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật được giới hạn trong khu vực Viễn Đông. Các cấu trúc chỉ huy quân sự vẫn tách rời khỏi Mỹ, từ đó hạn chế nguy cơ bị lôi kéo vào các hoạt động quân sự trong khu vực của Mỹ. Hơn thế nữa, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã thể hiện một thái độ miễn cưỡng rõ ràng trong việc tiến hành nghiên cứu song phương các biến cố quy định ở Điều 6 Hiệp ước, thay vào đó mong muốn tập trung hơn vào vấn đề phòng thủ của chính Nhật Bản mà thôi.
Cuối cùng, tiến trình tái vũ trang của Nhật Bản được trì hoãn bởi việc duy trì sức mạnh của các thể chế trong nước và các quy phạm chống vũ trang, bao gồm sự hoài nghi công khai đối với JSDF, việc tuân thủ Ba Nguyên tắc Phi Hạt nhân (hikaku sangensoku: không sản xuất, sở hữu hay phổ biến các loại vũ khí hạt nhân) được đưa ra vào năm 1976, phản đối các nỗ lực sửa đổi Điều 9, và nghi ngờ việc khuyến khích giáo dục yêu nước và tính hợp pháp của việc sử dụng vũ lực nhằm đạt được mục tiêu an ninh quốc gia. Trên thực tế, trong giai đoạn hậu chiến tranh, Nhật Bản đã cố gắng làm rõ các khái niệm thay thế về an ninh toàn diện, nhấn mạnh việc sử dụng can dự kinh tế và ngoại giao cũng như hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Như đã được đề cập ở trên, và sẽ được thảo luận chi tiết hơn sau đây, những kìm hãm tái vũ trang rõ ràng đã trở nên ít gò bó hơn trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Mức trần 1% GNP dành cho chi tiêu quốc phòng lần đầu tiên bị phá vỡ vào năm 1986, Ba Nguyên tắc Phi Hạt nhận bị vi phạm với việc tàng trữ và vận chuyển vũ khí hạt nhân trên các con tàu của Mỹ qua các hải cảng Nhật Bản, hợp tác công nghiệp – quân sự trực tiếp Mỹ – Nhật đã bắt đầu với các dự án như hợp tác phát triển máy bay chiến đấu FS-X, và hợp tác liên minh Mỹ-Nhật được mở rộng.[8] Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát đã bị bất ngờ bởi cách tiếp cận kiện định của Nhật Bản đối với vấn đề tái vũ trang trong giai đoạn này, điều đã khiến nước này tiếp tục bị hạn chế đáng kể sức mạnh quân sự cho đến cuối Chiến tranh Lạnh.[9]
Môi trường an ninh mới của Nhật Bản
Phản ứng của Nhật Bản đối với các thách thức khu vực và quốc tế
Kết luận
Download phần còn lại của văn bản tại đây: Con duong tai vu trang cua Nhat Ban.pdf
————-
[1] Ian Gow, ‘Civilian Control of the Military in Post-war Japan’, in Ron Matthews and Keisuke Matsuyama (eds), Japan’s Military Renaissance? (Basingstoke: Macmillan, 1993); Yale Candee Maxon, Control of Japanese Foreign Policy: A Study in Civil–Military Rivalry (Berkeley, CA: University of California Press, 1957), pp. 1–34 and 51–53; Richard J. Samuels, Rich Nation, Strong Army: National Security and the Technological Transformation of Japan (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1994), pp. 79–107; Isamu Hatano, Kindai Nihon no Gunsangaku Fukugotai: Kaigun, Jukogyo, Daigaku (Tokyo: Sobunsha, 2005).
[2] Glenn D. Hook, ‘The Erosion of AntiMilitaristic Principles in Contemporary Japan’, Journal of Peace Research, vol. 25, no. 4, 1988, pp. 381–2.
[3] John Dower, Embracing Defeat: Japan in the Aftermath of World War II (London: Penguin Books, 1999), pp. 73–80 và 346–404.
[4] Christopher W. Hughes, ‘Why Japan Could Revise Its Constitution and What It Would Mean for Japanese Security Policy’, Orbis, vol. 50, no. 4, Autumn 2006, p. 728.
[5] Christopher W. Hughes and Akiko Fukushima, ‘Japan–US Security Relations: Toward “BilateralismPlus”?’, in Ellis. S. Krauss and T.J. Pempel (eds), Beyond Bilateralism: The US–Japan Relationship in the New Asia-Pacific (Stanford, CA: Stanford University Press, 2004), pp. 60–1.
[6] Từ 1978, Nhật Bản bắt đầu định nghĩa tàu sân bay dạng tấn công là loại như của Mỹ, có khả năng chở các máy bay cánh cố định, còn tàu sân bay loại phòng thủ là loại chỉ chở được trực thăng dành cho chiến đấu chống tàu ngầm. Yoshimitsu Nishikawa, Nihon Anzen Hosho Seisaku (Tokyo: Shoyo Shobo, 2008), pp. 163–4. Lệnh cấm toàn diện các năng lực triển khai sức mạnh của Nhật Bản được trình bày bởi Tổng Giám đốc Cục Phòng vệ Nhật Bản (Japan Defense Agency – JDA) Tsutomu Kawwara tại phiên điều trần của Ủy ban Thượng viện về Ngân sách ngày 6/8/1988 . Xem Asagumo Shimbunsha, Boei Handobukku 2007 (Tokyo: Asagumo Shimbunsha 2007), pp. 607–7.
[7] Bối cảnh dẫn tới các lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản, xem Oros, Normalizing Japan, pp. 94–109.
[8] Michael J. Green, Arming Japan: Defense Production, Alliance Politics, and the Postwar Search for Autonomy (New York: Columbia University Press, 1995), pp. 86–124; Glenn D. Hook, Demilitarization and Remilitarization in Contemporary Japan (London: Routledge, 1996), pp. 45–99.
[9] Ví dụ về quan điểm cho rằng chiếc cốc tái vũ trang Nhật Bản vơi một nửa chứ không phải đầy một nửa, xem Thomas U. Berger, ‘From Sword to Chrysanthemum: Japan’s Culture of Anti-Militarism’, International Security, vol. 17, no. 4, Spring 1993, pp. 119–50; Peter J. Katzenstein and Nobuo Okawara, ‘Japan’s National Security: Structures, Norms, and Policies’, như trên., pp. 84–118.