#160 – Nhật Bản có thể giữ vững cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân hay không?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Nobumasa Akiyama & Kenta Horio, “Can Japan Remain Committed to Nonproliferation?”, The Washington Quarterly, Vol. 36, No. 2, pp. 151-165.>>PDF

Biên dịch và Hiệu đính: Trần Thị Thục Huyền

Bài liên quan: #66 – Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân

Chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân là một minh chứng tuyệt vời cho sự thành công của chủ nghĩa quốc tế tự do thời kì hậu chiến: mặc dù khả năng phát triển công nghệ hạt nhân ngày càng phổ biến, chỉ có chín quốc gia trên thế giới sở hữu vũ khí hạt nhân. Chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân đã phần nào tạo điều kiện cho hợp tác quốc tế về sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hoà bình bằng cách giảm các mối đe doạ và nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Nó cũng góp phần vào việc đảm bảo an ninh của các quốc gia và khu vực bằng cách ngăn chặn việc sở hữu vũ khí hạt nhân của các quốc gia láng giềng. Trong một môi trường tương đối ổn định như vậy, trật tự quốc tế tự do thời kì hậu chiến không những giúp cho sự nổi lên của các tân cường quốc, chẳng hạn như Nhật Bản và Đức, mà còn tạo nền tảng cho sự trỗi dậy của một cuộc đua cạnh tranh chiến lược tiềm năng – mà như chúng ta đã thấy với trường hợp của Trung Quốc.

Nhưng giờ đây, trật tự quốc tế mới này –  đặc biệt là trật tự hạt nhân – lại đang gặp thử thách. Trong khi quy chuẩn của việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và tính hợp pháp của Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) đạt được sự ủng hộ cao trên thế giới, việc tuân thủ Hiệp ước này lại không phải hoàn toàn tự động. Thực trạng này ngày một trở nên phức tạp hơn với việc chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân phải đối mặt với vấn đề phổ biến vũ khí kéo dài và chưa được giải quyết của Bắc Triều Tiên và Iran. Nếu những vấn đề về phổ biến vũ khí này vẫn không được giải quyết, các quốc gia như Bắc Triều Tiên và Iran sẽ “tận hưởng” địa vị của quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân, còn các quốc gia khác có thể sẽ bị nản lòng với việc bị ràng buộc với chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Hơn thế nữa, nước Mỹ – đối tác chính với sự răn đe hạt nhân mở rộng (extended deterrence – tức việc Mỹ cam kết dùng vũ khí hạt nhân của mình để đảm bảo an ninh cho các đồng minh không có vũ khí hạt nhân – NBT) và sức mạnh vượt trội về công nghệ, công nghiệp và tài chính vốn giúp định hình chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế – lại đang phải đối mặt với “tình trạng phá sản chiến lược”, điều được tác giả Michael Mazaar mô tả là một cuộc khủng hoảng trong việc quản lý khoảng cách giữa các mục tiêu chiến lược của Mỹ và khả năng của nước này trong việc quản lý hệ thống quốc tế.[1] Bởi vì các cường quốc mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đang vượt lên một cách nhanh chóng, việc mất ưu thế vượt trội trong quân sự, kinh tế và công nghệ sẽ ảnh hưởng đến ưu thế tâm lý của Mỹ, và điều này khiến cho các quốc gia khác không muốn ủng hộ hoặc tham gia vào các thể chế toàn cầu do Mỹ dẫn đầu như chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân chẳng hạn.

Trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 4/2009 tại Praha, còn được biết đến dưới tên gọi “Chương trình Nghị sự Praha”, phần lớn nội dung của bài đề cập và cân nhắc đến một cam kết về một thế giới lý tưởng không có vũ khí hạt nhân. Tổng thống Obama nhận thấy Mỹ có nghĩa vụ dẫn dắt thế giới trong việc thực hiện mục tiêu này, và ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc thắt chặt và thực thi nghiêm ngặt an ninh hạt nhân và phổ biến hạt nhân. Ông nói, “Quy định phải mang tính ràng buộc. Các vi phạm phải bị trừng phạt.” Đồng thời, Tổng thống thể hiện sự ủng hộ của ông đối với sự phát triển hoà bình của năng lượng hạt nhân: “không có một biện pháp tiếp cận nào sẽ thành công nếu nó dựa trên sự khước từ quyền lợi [về việc sử dụng năng lượng hạt nhân trong hoà bình] đối với các quốc gia tuân thủ luật pháp”. Một gợi ý mà Obama đưa ra là tạo ra một ngân hàng nhiên liệu hạt nhân đa phương. Điều này sẽ đảm bảo việc tiếp cận năng lượng hạt nhân mà không làm tăng nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời chấp nhận rằng việc áp đặt các quốc gia bắt buộc phải tham gia vào một cơ chế như vậy là hầu như bất khả thi.[2]

Nếu Tổng thống Obama muốn khôi phục Chương trình Nghị sự Praha, ông phải đối mặt với hai vấn đề cơ bản. Vấn đề đầu tiên là công cụ và khuôn khổ của các chính sách – Làm thế nào để các quốc gia mới nổi về năng lượng hạt nhân sẽ không hướng tới công nghệ sản xuất vũ khí hạt nhân, cụ thể là việc làm giàu và tái xử lý hạt nhân, và đồng thời phải đảm bảo quyền lợi của các quốc gia này trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hoà bình? Vấn đề thứ hai là việc thực thi các khuôn khổ và chính sách đi kèm: ai sẽ gánh lấy trách nhiệm và chịu chi phí thực hiện chính sách? Dưới ưu thế vượt trội của Mỹ, dù đáp án cho câu hỏi thứ hai đã “rõ như ban ngày”, nhưng những thay đổi cấu trúc đang diễn ra trong trật tự hạt nhân quốc tế và những lo ngại về tình trạng phá sản chiến lược của Mỹ khiến cho việc nêu câu hỏi này lên vẫn còn mang tính phù hợp.

Vấn đề thứ hai này cũng liên quan đến Nhật Bản. Nhật Bản giữ một vị trí đặc biệt trong trật tự hạt nhân quốc tế, với vai trò là quốc gia duy nhất không sở hữu vũ khí hạt nhân [Non-nuclear weapons state (NNWS)] nhưng lại có được công nghệ nhiên liệu theo chu trình toàn diện, cũng là nạn nhân duy nhất của việc sử dụng vũ khí hạt nhân có chủ ý nhắm vào người dân, và là đồng minh của Mỹ dưới sự răn đe hạt nhân mở rộng của quốc gia này. Nhìn chung, Nhật Bản là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ trật tự hạt nhân quốc tế hiện tại, và với cương vị là một cường quốc lớn muốn giữ nguyên trạng, Nhật Bản nhận thấy rằng việc bảo vệ và củng cố chế độ không phổ biến hạt nhân hiện thời là rất quan trọng.

Thảm hoạ tháng 3/2011 – tai nạn của Nhà máy Hạt nhân Fukushima Daiichi – càng khiến Nhật Bản phải cân nhắc lại không chỉ các quy định thực hành về an toàn hạt nhân và các biện pháp điều tiết mà còn cả các thách thức về an ninh hạt nhân thế giới và việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nếu việc giải quyết các vấn đề này thất bại, thì rất có thể một thảm hoạ hạt nhân sẽ xảy ra. Giờ đây, trước tình trạng phá sản chiến lược của Mỹ đối với chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân, Tokyo có thể đang có một vị thế phù hợp để đóng vai trò lãnh đạo lớn hơn trong việc khôi phục và thi hành chế độ không phổ biến hạt nhân hiện thời.

Quy chuẩn và Quyền lực: Điều gì định hình nên chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân?

Một số người cho rằng thế giới thời kỳ hậu đơn cực có thể được quản lý thông qua hợp tác dựa trên mạng lưới giữa các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ. G.John Ikenberry – giáo sư trường Đại học Princeton – cho rằng trong khi sức mạnh của Mỹ đã tương đối giảm trong suốt thời kỳ hậu chiến, việc quản trị trật tự thế giới đã chuyển đổi từ trật tự bá quyền và có thứ bậc sang một trật tự quốc tế phẳng và tự do hơn.[3] Theo trật tự mới này, việc duy trì và bảo vệ những lợi ích chung toàn cầu, chẳng hạn như việc tuân thủ và thực thi các cơ chế của chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân, sẽ trở thành một dự án hợp tác của những “ông lớn” như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, và cả những quốc gia đang lên như Trung Quốc và Ấn Độ. Việc chỉ có một siêu cường duy nhất, chẳng hạn như Mỹ, cung cấp các hàng hóa công là điều không còn bền vững.

Cơ chế tuân thủ hiện tại của chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân có thể được hiểu như một cấu trúc gồm ba lớp. Lớp đầu tiên, cũng là lớp cơ bản, bao gồm Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) và các biện pháp phòng ngừa của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). NPT quy định các quy chuẩn và quy tắc cơ bản, và các biện pháp phòng ngừa của IAEA đem đến sự đảm bảo cơ bản và tối thiểu trong việc tuân thủ của các quốc gia. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy trong trường hợp Iran và Bắc Triều Tiên với chương trình hạt nhân của các nước này, IAEA không thể thi hành những biện pháp này một cách thích đáng để có thể làm dịu bớt những lo ngại về an ninh của các quốc gia thành viên. Điều này dần dần làm xói mòn uy tín của Hiệp ước và IAEA.

Đó là lý do tại sao phần chính thức của chế độ này cần sự hỗ trợ từ lớp thứ hai và lớp thứ ba: lớp thứ hai bao gồm các chính sách được thực hiện thông qua các khuôn khổ song phương và đa phương giữa các nước có cùng quan điểm, ví dụ như Nhóm các nhà Cung cấp Hạt nhân (Nuclear Suppliers Group – NSG), Sáng kiến An ninh Phổ biến hạt nhân (Proliferation Security Initiative – PSI), và Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSCR1540). Các khuôn khổ chính sách này giúp điều chỉnh và ngăn chặn việc buôn lậu hoặc chuyển giao tài liệu và công nghệ nhạy cảm giữa các chủ thể quốc gia và cả các chủ thể phi quốc gia.

Lớp thứ ba liên quan đến các ưu đãi về chính trị và kinh tế để tạo ra sự tuân thủ. Điều này có thể tạo ra nhiều sự khích lệ hiệu quả hơn cho việc tuân thủ, và cũng đồng thời không khuyến khích việc tách ra khỏi chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ví dụ, sự răn đe hạt nhân mở rộng của Mỹ cho phép các quốc gia đồng minh tập trung vào mục đích sử dụng dân sự đối với năng lượng hạt nhân, bằng cách giảm mối đe doạ từ các đối thủ đầy tiềm lực và có sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong trường hợp không tuân thủ, các quốc gia cung cấp công nghệ và nguyên liệu hạt nhân có thể chấm dứt việc hợp tác và rút khỏi các quốc gia tiếp nhận công nghệ và nguyên liệu của họ. Trong một kịch bản khác, mặc dù có thể gây tranh cãi, trường hợp của Iraq đã chứng minh rằng việc theo đuổi vũ khí huỷ diệt hàng loạt (Weapon of Mass Destruction – WMD) có thể làm các quốc gia khác buộc phải hành động nhằm thay thế chính phủ liên quan.

Trong lịch sử, Mỹ là “kiến trúc sư” của trật tự hạt nhân thế giới và đóng vai trò dẫn đầu trong quá trình xây dựng và duy trì trật tự này bằng cách đưa ra các ý tưởng chính sách và sáng kiến mới. Gần đây, trọng tâm của Mỹ được hướng tới việc làm thế nào để tăng cường sự thực thi và tuân thủ. Ý tưởng chính sách của Mỹ bao gồm Sáng kiến PSI, Hội nghị Cấp cao An ninh Hạt nhân, Quan hệ Đối tác Toàn cầu G8, và một ngân hàng nhiên liệu đa phương. Cái được gọi là “Hiệp định 123”, được lấy từ Mục 123 của Đạo luật Năng lượng Nguyên tử của Mỹ năm 1954, chính là công cụ quan trọng nhất: nó chỉ ra tính thiết yếu của một thoả thuận hợp tác giữa Mỹ và các quốc gia khác (trong giao dịch hạt nhân – ND) và xem điều này là điều kiện tiên quyết cho mọi giao dịch hạt nhân.

Biện pháp này có thể có hiệu quả nếu Mỹ được độc quyền trong việc đưa ra các ưu đãi và thực thi các biện pháp trừng phạt nếu quốc gia khác không tuân thủ. Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán Hiệp định 123 với các quốc gia khác, Washington phải đối mặt với sự kháng cự của các đối tác tiềm năng – những quốc gia thấy được sự mâu thuẫn giữa quyền bất khả xâm phạm trong việc theo đuổi năng lượng hạt nhân (một cách hoà bình) và các quy tắc của việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ngay cả đối với những quốc gia thân thiết như Ả-rập Saudi và Hàn Quốc, các thoả thuận cũng khó thể đạt được một cách dễ dàng. Do đề xuất của Mỹ đối với Ả-rập Saudi đặt ra quá nhiều hạn chế về các loại hình phát triển hạt nhân được cho phép, Riyadh tìm kiếm một thoả thuận cụ thể và tương tự với thoả thuận Mỹ – Ấn Độ. Trong thoả thuận Mỹ – Ấn Độ, Ấn Độ được quyền tái xử lý nhiên liệu đã sử dụng có nguồn gốc từ Mỹ, và Ả-rập Saudi cũng mong muốn có được một thoả thuận tương tự như vậy, hơn là một thỏa thuận tiêu chuẩn mà Mỹ đưa ra, ví dụ như với Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất. Thật vậy, trong quá trình củng cố của mình, chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân đã rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: làm thế nào để vừa có thể thúc đẩy việc sử dụng hạt nhân trong hoà bình, vừa thắt chặt an ninh hạt nhân và việc không phổ biến vũ khí hạt nhân?

Một sáng kiến không phổ biến hạt nhân khác được Mỹ ủng hộ là một cơ chế kiểm soát chu trình nhiên liệu đa phương. Cơ chế này đem đến một sự khuyến khích (bằng việc đảm bảo việc cung cấp nhiên liệu) nhằm giúp một quốc gia từ nguyện từ bỏ công nghệ chu trình nhiên liệu hạt nhân.[4] Với việc đảm bảo việc cung cấp nguyên liệu hạt nhân trong trường hợp việc giao nguyên liệu bị gián đoạn, cơ chế này sẽ cố gắng đem đến cho các quốc gia một sự khích lệ nhằm từ bỏ chu trình nhiên liệu quốc gia. Tuy nhiên, một số quốc gia thuộc phong trào Không liên kết đã bày tỏ mối quan ngại với sáng kiến này vì nó có khả năng lấy đi cơ hội sở hữu chu trình nhiên liệu hạt nhân trong tương lai, và cho phép Mỹ can thiệp vào chính sách năng lượng nội bộ của một quốc gia.

Tuy vậy, sự suy giảm tương đối trong ảnh hưởng của Mỹ đã đem đến những hậu quả cho khả năng hình thành các sáng kiến chính sách mới (chẳng hạn như sáng kiến đã nêu ở trên) và trong việc định hình hành vi của từng quốc gia. Nếu Mỹ không thể duy trì đủ sức mạnh để gây ảnh hưởng lên hành vi của các quốc gia khác trong việc tuân thủ, thực thi các nguyên tắc và đem đến các biện pháp khuyến khích trong cả hai mặt trận an ninh và kinh tế, Mỹ sẽ mất khả năng định hình trật tự quốc tế và việc không phổ biến vũ khí hạt nhân có thể bị ảnh hưởng.

Sự thay đổi cấu trúc trong thị trường hạt nhân

Trung tâm quyền lực chính trị năng lượng hạt nhân của thế giới đang dịch chuyển theo ba hướng. Thứ nhất, nhu cầu mới đang đến từ các quốc gia đang phát triển, chứ không phải là các cường quốc truyền thống. Thứ hai, bên mua có thể đạt được nhiều ảnh hưởng hơn đối với bên bán. Thứ ba, các quốc gia mới nổi cũng đi lên nhanh chóng với vai trò là các nhà cung cấp mới.

Sau tai nạn Fukushima vào tháng 3/2011, các quốc gia Châu Âu như Đức, Ý và Thuỵ Sỹ đã từ bỏ năng lượng hạt nhân. Một số quốc gia đang phát triển có kế hoạch triển khai năng lượng hạt nhân cũng tiến hành xem xét lại chính sách năng lượng hạt nhân của mình. Tuy nhiên, tai nạn Fukushima đã không tác động đáng kể đến nhu cầu năng lượng hạt nhân toàn cầu. Nhiều quốc gia ở Châu Á, Châu Phi và Trung Đông vẫn có ý định triển khai các chương trình năng lượng hạt nhân. Một báo cáo của IAEA ước tính rằng, từ năm 2010 đến 2030, công suất điện hạt nhân ở Trung Đông và Nam Á sẽ tăng gấp mười lần. Trong cùng khoảng thời gian này, công suất ở vùng Viễn Đông sẽ tăng gấp ba lần.[5] Cụ thể hơn, Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA) dự đoán rằng vào năm 2030, Trung Quốc sẽ tăng công suất điện hạt nhân từ 40 lên 100 GW (hiện nay, Trung Quốc có công suất điện hạt nhân là 13 GW và vận hành từ 35 đến 100 lò phản ứng). Ấn Độ sẽ tăng từ 10 lên 25 GW (hiện Ấn Độ đang vận hành từ 20 đến 70 lò phản ứng với công suất là 4 GW).[6]

Công suất điện hạt nhân cũng được kỳ vọng gia tăng ở Nga và Hàn Quốc – các quốc gia đã triển khai điện hạt nhân trên quy mô lớn và đã giành được một số hợp đồng cung cấp lò phản ứng hạt nhân, chẳng hạn như hợp đồng giữa Nga và Việt Nam, Hàn Quốc và Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE). UAE và Việt Nam, cùng với các quốc gia mới nổi khác, có thể tự vận hành năng lượng hạt nhân trong vòng mười năm tới.

Những xu hướng trên đưa ra một số câu hỏi. Đầu tiên, liệu các cường quốc muốn duy trì nguyên trạng (status quo powers) có thể duy trì được ảnh hưởng để buộc các cường quốc mới nổi chấp nhận các điều khoản và quy tắc nghiêm ngặt, và đôi khi tốn kém, của chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân hay không? Thứ hai, nếu sự suy giảm tương đối của các cường quốc nguyên trạng là không thể tránh khỏi, các quốc gia mới nổi có sẵn sàng hợp tác trong việc duy trì trật tự hạt nhân bằng cách chia sẻ gánh nặng hay không? Và thứ ba, nếu đáp án cho hai câu hỏi vừa rồi là tiêu cực, điều gì sẽ xảy ra với chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế?

Hơn nửa thế kỉ trước, trong lý thuyết chuyển đổi quyền lực (power transition theory) của mình, A.F.K Organski cho rằng, trừ khi Mỹ, một cường quốc nguyên trạng chiếm ưu thế, thể hiện sự linh hoạt trong việc cho phép Trung Quốc – quốc gia đối thủ của mình – đóng vai trò như “một quốc gia thống lĩnh ít nhất là khu vực Viễn Đông”, thì một cuộc chiến tranh sẽ xảy ra.[7] Mặc dù một cuộc xung đột vũ trang sẽ khó thể xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng căng thẳng giữa hai siêu cường này, dù ít dù nhiều, cũng sẽ có thể giới hạn khả năng của Mỹ trong việc định hình quan hệ quốc tế. Làm thế nào để kết hợp sự trỗi dậy của Trung Quốc vào việc quản trị toàn cầu là câu hỏi quan trọng nhất mà thế giới đương đại đang phải đối mặt.

Trung Quốc và các quốc gia mới nổi khác có ba mặt. Đầu tiên, các nước này là những người hưởng lợi lớn nhất từ trật tự tự do quốc tế hiện tại. Thứ hai, họ (đặc biệt là Trung Quốc) có thể được xem là ứng cử viên tiềm năng để thách thức ưu thế của Mỹ trong trật tự hiện tại, với việc các nước này đang phát triển khả năng về quân sự, kinh tế và công nghệ. Tuy nhiên, trật tự quốc tế sẽ bị rối loạn nếu Mỹ mất thế thượng phong của mình, và điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển xa hơn của các quốc gia mới nổi, vì các quốc gia này phụ thuộc vào môi trường chính trị và kinh tế quốc tế ổn định. Thứ ba, các quốc gia mới nổi duy trì “tuyên ngôn” của các quốc gia đang phát triển, nhấn mạnh một định hướng mạnh mẽ đến nguyên tắc không can thiệp. Ví dụ, trái với hình ảnh của một siêu cường đang lên, Trung Quốc lại phải bận tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội và nhu cầu kinh tế nội tại của quốc gia, và đôi khi điều này lại làm cho mối quan hệ của Trung Quốc và các quốc gia khác bị sai lệch. Vậy các quốc gia mới nổi có thể đóng góp cho việc quản trị quốc tế trong một chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân mạnh mẽ hơn tới mức độ nào?

Trong trường hợp của Trung Quốc, các ghi nhận khác nhau về việc tuân thủ, cũng như các quy tắc kiểm soát xuất khẩu đã khiến việc trả lời cho câu hỏi này trở nên khó khăn. Vào tháng 7/2009, hai tháng sau khi Liên Hiệp Quốc nâng cấp biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên, 70kg chất vanadium đã được tìm thấy ở một thành phố nằm ở biên giới của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, theo thông tin của một viên chức thuộc Văn phòng Hải quan Thành phố Đại Liên.[8] Vanadium được dùng để gia cố loại thép dùng cho việc sản xuất tên lửa hoặc các lò phản ứng hạt nhân. Điều này có thể được hiểu rằng: việc phổ biến vũ khí hạt nhân của Trung Quốc vẫn đang tiếp tục. Dù gì đi chăng nữa, Trung Quốc đã cung cấp các lò phản ứng hạt nhân cho Pakistan, đồng thời đang có kế hoạch để cung cấp nhiều hơn nữa, và đã có thoả thuận để cung cấp lò phản ứng thử nghiệm cho Sudan vào năm 2020.[9] Mặt khác, việc tiết lộ vụ việc vanadium của chính quyền Trung Quốc cho thấy sự sẵn sàng của nước này trong việc tuân thủ cơ chế kiểm soát xuất khẩu quốc tế hiện hành.

Tuy nhiên, trong một trường hợp phổ biến vũ khí khác, Trung Quốc đã miễn cưỡng trong việc chứng minh trách nhiệm giải trình của mình. Một báo cáo của uỷ ban đặc biệt Liên Hiệp Quốc đã đề cập đến một cáo buộc đối với một công ty Trung Quốc. Công ty này được cho là thuộc một quân chủng của Quân đội Giải phóng Nhân dân và đã bán 4 chiếc xe dài 21 mét có khả năng vận chuyển và phóng tên lửa đạn đạo cho Bắc Triều Tiên.[10] Trung Quốc (cùng với Nga) đã tìm cách giảm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên và Iran, và duy trì quan hệ kinh tế đối với hai quốc gia này.

Sự mâu thuẫn như vậy trong việc thực thi chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân cho thấy rằng thế giới không thể tin vào cam kết kiên định của Trung Quốc trong việc củng cố cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, sự tham gia của Trung Quốc trong cơ chế này lại gần như là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của một chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân vững chắc.

Các nền dân chủ đang lên như Ấn Độ cũng đã có những mâu thuẫn về việc ủng hộ hoàn toàn sự lãnh đạo của Mỹ trong việc đạt được các mục tiêu (của chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân – ND), đặc biệt khi việc này đòi hỏi biện pháp ngoại giao cưỡng chế, các lệnh trừng phạt về kinh tế và việc sử dụng vũ lực. Mặc dù quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ là một chiến lược phổ biến trong giới chuyên gia an ninh quốc gia, trong phạm vi các vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, Ấn Độ không hoàn toàn ủng hộ chính sách của Mỹ đối với Iran. Ấn Độ vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ từ Iran và xuất khẩu xăng dầu tinh chế, mặc cho Mỹ yêu cầu Ấn Độ phải dừng lại. Điều này làm suy yếu các nỗ lực trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Iran.[11]

Tháng 5/2011, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil đã có những nỗ lực chủ động trong việc giải quyết vấn đề Iran. Các nước này đã tích cực phát triển chiến lược ngoại giao của mình để tránh bị phụ thuộc vào một quốc gia đơn nhất, và cùng lúc duy trì quan hệ kinh tế và chiến lược đa hướng. Dựa vào hành vi chiến lược ngoại giao, nhà phân tích Ian Bremmer đã mô tả Thổ Nhĩ Kỳ và Iran như “các quốc gia bản lề” (pivot states), và các nước này thậm chí có khả năng quyết định số phận của hệ thống quốc tế.[12]

Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil đã ký một thoả thuận với Iran nhằm trao đổi với Iran 1.200kg uranium có độ giàu thấp với 120kg uranium có độ giàu 20% để đổi lấy một lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân. Thoả thuận này đã không được chấp thuận bởi EU3+3 (tức Pháp, Đức, Anh + Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ – NBT) và không đem lại một giải pháp nào cả. Tuy nhiên, nó đã cho thấy thực tế rằng cho đến nay, những cường quốc truyền thống (như EU3+3) đã không thể đem đến một giải pháp. Nếu một khuôn khổ thay thế khác, chẳng hạn như một thoả thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Iran, có thể chứng tỏ rằng nó sẽ hiệu quả hơn, thoả thuận này sẽ là một đòn giáng mạnh vào các thể chế toàn cầu hiện hữu do Mỹ và các cường quốc truyền thống khác đứng đầu.

Với sự vượt lên của các quốc gia mới nổi và vai trò quan trọng của những nước này trong chính trị hạt nhân quốc tế, việc thi hành ảnh hưởng thông qua hợp tác song phương với những quốc gia mục tiêu có thể sẽ đánh mất khả năng tác động tới việc điều chỉnh hành vi của các quốc gia này. Tuỳ thuộc vào điều kiện của các thoả thuận hợp tác hạt nhân, các bên liên quan có thể có những lựa chọn khác tốt hơn, thay vì chọn Mỹ làm đối tác. Ví dụ, Nga hiện là nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường nhiên liệu hạt nhân quốc tế. Moscow đã ban hành đạo luật cho phép nước này được quyền lấy lại nguyên liệu đã qua sử dụng và tái cung cấp cho các nước khác dưới dạng “tài nguyên”. Sau đó, các quốc gia khác có thể tái xử lý nhiên liệu này để chiết xuất ra plutonium. So với Mỹ – nước có luật quốc nội không cho phép chấp nhận nguyên liệu đã qua sử dụng từ các nước khác, Nga có thể được xem là vượt trội trong việc sở hữu nhiều ưu đãi và có nhiều lựa chọn chính sách thông thoáng hơn trong thị trường kinh doanh hạt nhân quốc tế. Nga cũng linh hoạt hơn trong việc đưa ra các gói hợp đồng hạt nhân với nhiều ưu đãi. Ví dụ, năm 2010, hợp đồng hạt nhân của Nga với Việt Nam đã được ghi nhận là có đi kèm với các giao dịch bán hàng quân sự, bao gồm các tàu ngầm.[13] Nếu các quốc gia khác như Trung Quốc và Ấn Độ tham gia vào việc kinh doanh hạt nhân và đưa ra những điều kiện tương tự và dễ dãi như vậy cho việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, cũng như cho an ninh và an toàn hạt nhân, Mỹ và Nhật Bản (các quốc gia có điều kiện nghiêm ngặt hơn) có thể gặp khó khăn trong việc đạt được các hợp đồng giao dịch.

Một câu hỏi cơ bản cho thời kỳ trung hạn là đến mức độ nào thì các quốc gia mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ nhân nhượng lợi ích quốc gia cũng như hệ thống giá trị riêng của họ cho lợi ích chung trong việc củng cố các quy chuẩn không phổ biến vũ khí hạt nhân. Khó mà chắc chắn rằng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tự nguyện nhân chấp nhận những chi phí quốc gia này cũng như từ bỏ định hướng của mình trong việc ưu tiên các lợi ích quốc theo quan điểm quốc gia chủ quyền Westphalia nhằm đem đến lợi ích chung và duy trì trật tự không phổ biến vũ khí hạt nhân của thế giới.

Các xu cấu trúc về kinh tế, chính trị và quân sự đang làm xói mòn mức độ ưu thế của Mỹ và tính bền vững của mô hình hiện tại dưới sự ảnh hưởng của quốc gia này. Để duy trì việc quản lý hiệu quả các rủi ro trong phổ biến vũ khí hạt nhân, Mỹ và các quốc gia có cùng quan điểm phải thiết kế và đưa ra một cơ chế khuyến khích và không khuyến khích mới, qua đó Mỹ có thể quản lý sự suy giảm tiềm năng thị trường, đồng thời vẫn duy trì được sức ảnh hưởng của mình trong chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân hiện tại. Mặc cho những thách thức đã được nêu ở trên, một cơ chế mới về không phổ biến vũ khí hạt nhân cần phải hoạt động với một phạm vi lớn hơn bao gồm các quốc gia, trong đó có các đồng minh, đối tác, và thậm chí kể cả các quốc gia không có chung quan điểm.

Nhật Bản trong vai trò một chủ thể nước đôi

Hướng đến một Nhật Bản “toàn cầu hoá” hơn 

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Nhat Ban khong pho bien vu khi hat nhan.pdf

 


[1] Michael J. Mazarr, ‘‘The Risks of Ignoring Strategic Insolvency,’’ The Washington Quarterly 35, no. 4, (2012): 7—22, csis.org/files/publication/twq12FallMazarr.pdf.

[2] The White House, Office of the Press Secretary, ‘‘Remarks by President Barack Obama,’’ speech at Hradcany Square, Prague, Czech Republic, April 5, 2009, http:// www.whitehouse.gov/the_press_office/Remarks-By-President-Barack-Obama-In-Prague- As-Delivered.

[3] G. John Ikenberry, ‘‘Liberal Internationalism 3.0: America and the Dilemmas of Liberal World Order,’’ Perspectives on Politics 7, no. 1, (March 2009): 71—87.

[4] Multilateral Approaches to the Nuclear Fuel Cycle: Expert Group Report Submitted to the Director General of the International Atomic Energy Agency, (IAEA: February 22, 2005), INFCIRC/640.

[5] ‘‘International Status and Prospectus for Nuclear Power 2012,’’ IAEA, report by the Inspector General, GOV/INF/2012/12-GC(56)/INF/6, (August 15, 2012).

[6] World Nuclear Association, ‘‘WNA Nuclear Century Outlook,’’ http://www.world- nuclear.org/outlook/clean_energy_need.html. also, http://www.world-nuclear.org/info/ Facts-and-Figures/World-Nuclear-Power-Reactors-and-Uranium-Requirements/#.UUl7 mhOAbng.

[7] A.K.F. Organski, World Politics, (New York: Alfred A. Knopf, 1958): 334—336.

[8] U.S. Consulate Shenyang, ‘‘Dandong Vanadium Seizure Part of ‘‘Continuing Enforcement Effort,’’ Wiki Leaks Cable 09SHENYANG134, (July 2009), http:// wikileaks.org/cable/2009/07/09SHENYANG134.html.

[9] Để biết phân tích chi tiết về quan hệ hạt nhân Trung Quốc – Pakistan từ quan điểm của Ấn Độ, xem Siddharth Ramana, China —Pakistan Nuclear Alliance: An Analysis, (New Delhi: Institute for Peace and Conflict Studies, 2011); ‘‘Sudan Signs Agreement With China For New Nuclear Research Reactor,’’ Research Views, December 23, 2012, http:// www.researchviews.com/energy/power/powergenerationequipment/NewsReport.aspx? ArticleID=578503&sector