Piketty và trường hợp Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

_63517166_china_rich-poor_getty

Tác giả: Andrew Sheng & Xiao Geng | Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Phượng

Trong cuốn sách bán chạy nhất của ông “Tư bản trong thế kỉ 21”, Thomas Piketty[1] chỉ ra rằng chủ nghĩa tư bản làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng thông qua một số cơ chế, tất cả những cơ chế đó đều dựa trên quan điểm cho rằng r (lợi nhuận từ vốn) giảm chậm hơn so với g (tăng trưởng thu nhập). Trong khi cuộc tranh luận về tác phẩm của Piketty phần lớn tập trung vào các quốc gia có nền kinh tế tiên tiến, khái niệm cơ bản này lại phù hợp với tình hình kinh tế của Trung Quốc gần đây, và vì vậy xứng đáng được xem xét kĩ lưỡng hơn.

Sự thật là một bộ phận lớn người dân Trung Quốc đã hưởng lợi từ sự tăng trưởng GDP nhanh chóng chưa từng có trong ba thập kỉ trở lại đây. Các khoản đầu tư vào tài sản cố định hình thành nên nền tảng cho mô hình tăng trưởng của Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho toàn bộ nền kinh tế; ví dụ như việc cải thiện cơ sở hạ tầng giúp cho người dân nghèo ở vùng nông thôn gia tăng năng suất và cải thiện thu nhập.

Khi tỷ lệ đầu tư tăng lên bằng gần một nửa GDP, thì tỷ lệ tiêu dùng lại giảm xuống còn một phần ba GDP. Nhận ra sự cần thiết phải tái cân bằng sự tăng trưởng, chính phủ đã bắt đầu nâng mức lương tối thiểu lên gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong năm 2011, đảm bảo rằng các hộ gia đình trung bình có nhiều thu nhập hơn để chi tiêu.

Nhưng giá nhà đất lại tăng nhiều hơn so với tiền lương và lợi nhuận từ sản xuất, gây ra hiện tượng nguồn lợi nhuận từ vốn của một số nhà đầu tư bất động sản có tốc độ tăng nhanh hơn so với GDP của cả Trung Quốc. Nhóm người này còn được hưởng lợi từ sự tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ. Kết quả là nhóm 1% người giàu nhất Trung Quốc có sự tích lũy của cải nhanh hơn đáng kể so với người giàu ở các nước khác – và bỏ xa mức thu nhập bình quân của người Trung Quốc nói chung.

Thực tế thì sự vươn lên của Trung Quốc cũng như các nền kinh tế mới nổi khác đã góp phần làm giảm đi sự bất bình đẳng giữa các nước, nhưng lại làm gia tăng sự bất bình đẳng trong nước ở khắp mọi nơi. Lý thuyết của Piketty đã làm sáng tỏ một số tác nhân của xu hướng này.

Thứ nhất, bằng việc làm giảm các rào cản thương mại và đầu tư, hiện tượng toàn cầu hóa đã tạo ra cảnh tượng thắng-ăn-cả, trong đó những chủ thể có công nghệ tiên tiến nhất đã giành được thị phần thông qua tính hiệu quả của quy mô. Cụ thể hơn, khi nền kinh tế toàn cầu dịch chuyển theo hướng tạo ra giá trị dựa trên tri thức thì một số công ty chịu cách tân trong việc xây dựng thương hiệu toàn cầu, công nghệ cao và các ngành công nghiệp sáng tạo sẽ giành chiến thắng lớn, đồng thời sự bùng nổ toàn cầu về cổ phiếu công nghệ càng giúp họ gia tăng phần thắng.

Theo đó, sự tập trung doanh thu, tài sản và quyền lực (trong các công ty lớn) đã làm suy yếu sự ổn định của hệ thống bằng cách tạo ra những đối thủ quá-lớn-đến-nỗi-không-thể-thất-bại và gây cản trở cho những đối thủ nhỏ hơn trong việc cạnh tranh. Hệ thống tài chính toàn cầu góp phần củng cố sự kết hợp của 3 yếu tố này với việc lãi suất thực âm làm hạn chế việc tiết kiệm của hộ gia đình. Bên cạnh đó, do các ngân hàng có xu hướng thích cho vay đối với các doanh nghiệp lớn hay các khách hàng có tài sản thế chấp nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải vật lộn để có thể tiếp cận nguồn vốn và tín dụng.

Một vấn đề nảy sinh khác là mức lãi suất thấp được tạo ra bởi chính sách tiền tệ bất thường của các ngân hàng trung ương ở các quốc gia phát triển đã dẫn đến sự “mất khả năng tạo ra tiền” của các quỹ hưu trí dài hạn, vì thế làm giảm đi dòng chảy của nguồn thu nhập lương hưu vào nền kinh tế. Trong nhiều nền kinh tế mới nổi, bao gồm Trung Quốc, nỗi sợ không đủ thu nhập hưu trí bao trùm đã đẩy tỷ lệ tiết kiệm của hộ gia đình lên cao.

Hầu hết các nhà kinh tế học cho rằng xu hướng bất bình đẳng này là không bền vững, nhưng họ chưa thống nhất được về phương án để hạn chế nó. Một luồng ý kiến cho rằng cần có nhiều sự đổi mới dựa trên thị trường để tạo ra của cải, trong khi đó một luồng ý kiến khác lại đề cao sự can thiệp của nhà nước.

Trên thực tế, cả hai cách tiếp cận trên đều có vai trò quan trọng, ví dụ trong trường hợp của Trung Quốc, nơi mà chính phủ đang theo đuổi chiến lược phát triển theo định hướng thị trường nhưng lại nắm quyền kiểm soát đáng kể ở nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Trung Quốc cần phải lấy lại sự cân bằng giữa việc duy trì ổn định thông qua chính sách và phát triển dựa vào thị trường.

Đặc biệt, chính sách và các yếu tố thể chế đã dẫn đến việc định giá thấp các nguồn tài nguyên chính yếu, gây ra rủi ro nghiêm trọng. Lực lượng lao động đông đúc đã kéo giá lao động xuống, gây cản trở cho việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng theo định hướng thu nhập cao và tiêu dùng nội địa. Tương tự, việc không xem xét các ảnh hưởng ngoại lai về môi trường đã góp phần dẫn tới tình trạng định giá thấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên như than đá, tạo ra nhu cầu sử dụng tài nguyên quá mức và gây ra những vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ngoài ra, chính sách nhằm ổn định tỷ giá hối đoái và giữ lãi suất thấp đã khiến cho vốn và rủi ro bị đánh giá thấp trong các dự án lớn. Các nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm có tiền đầu tư phát triển bằng cách bán đất cho các nhà đầu tư với một mức giá thấp giả tạo đã tạo nên làn sóng đầu tư vào phát triển bất động sản, khiến giá bất động sản tăng cao nhưng không bền vững. Do bất động sản đóng vai trò là hình thức tài sản thế chấp chính khi vay ngân hàng nên rủi ro tài chính càng tăng mạnh.

Chính phủ đang cố gắng giảm thiểu những rủi ro mà các mà đầu tư và chính quyền địa phương đã mắc phải bằng cách cho phép lãi suất và tỷ giá hối đoái trở lên linh hoạt hơn. Nhưng việc chuyển đổi cần phải được thực hiện một cách cẩn thận để đảm bảo giá bất động sản không đột ngột giảm, điều có thể làm tăng tỷ lệ nợ xấu – và thậm chí có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính lớn.

Để đảm bảo sự ổn định xã hội lâu dài, Trung Quốc phải thúc đẩy việc tạo ra của cải bao quát mọi người dân, ví dụ như bằng cách khuyến khích mạnh mẽ đổi mới. Sự trỗi dậy của các công ty công nghệ cao như Huawei, Tencent, and Alibaba là một bước đi đúng hướng; dù có một vấn đề khó khăn là những công ty công nghệ thành công nhất của Trung Quốc lại được niêm yết ở hải ngoại nên không có cơ hội cho các nhà đầu tư đại lục. Những quy tắc và các biện pháp kiểm soát ngoại hối cũng hạn chế khu vực bán lẻ hưởng lợi từ các nguồn của cải mới được tạo ra.

Một thách thức khác là sự sụt giảm của chỉ số thị trường chứng khoán Thượng Hải từ đỉnh điểm là 6.000 năm 2007 xuống còn khoảng 2.000 điểm như hiện nay. Do tài sản tài chính không mang lại đủ cổ tức hay giúp gia tăng nguồn vốn, nhiều nhà đầu tư đã chuyển sang đầu tư bất động sản để phòng ngừa lạm phát.

Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đang tìm cách chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng nội địa và sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn. Nhưng thách thức còn phức tạp hơn nhiều. Mô hình mới – dưới tác động của các lực lượng thị trường tại địa điểm và thời gian thích hợp – tìm cách đảm bảo rằng của cải được tạo ra bền vững và chia sẻ rộng rãi. Thành công sẽ giúp Trung Quốc hoàn thành được Giấc mộng Trung Hoa. Còn nếu thất bại thì có nghĩa là tình trạng bất bình đẳng vẫn tiếp tục dai dẳng trên toàn thế giới.

[1] Thomas Piketty (sinh ngày 7/5/1971) là một nhà kinh tế người Pháp, chuyên nghiên cứu về sự bất bình đẳng trong lãnh vực kinh tế. Ông là tác giả của cuốn Capital in the Twenty-First Century (Tư bản trong thế kỷ 21) (2014) -ND.

Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate