Tác giả: Chris Patten | Biên dịch: Vũ Thị Hương Giang
Bài liên quan: Biểu tình Hong Kong: Tại sao lại là Ruy băng vàng?
Cho rằng cả thế giới đang đổ mắt về Hong Kong là không hoàn toàn đúng. Nếu người dân đại lục được phép biết điều gì đang diễn ra tại thành phố thành công nhất của nước mình thì sẽ là như vậy. Nhưng chính phủ Trung Quốc đã tìm cách ngăn tin tức về các cuộc biểu tình dân chủ của Hong Kong lan ra cả nước. Đây không hẳn là dấu hiệu cho thấy các nhà cầm quyền Trung Quốc tin tưởng vào hệ thống chính phủ độc đoán của mình.
Có ba điều cần làm rõ trước khi gợi ý giải pháp cho chính quyền vụng về của Hong Kong.
Đầu tiên, việc khẳng định rằng họ đang bị các thế lực bên ngoài thao túng, như cách nói của bộ máy tuyên truyền chính phủ Trung Quốc, là điều sỉ nhục đối với sự liêm chính và các nguyên tắc của người dân Hong Kong. Điều thúc đẩy hàng chục ngàn người biểu tình Hong Kong là niềm tin say sưa rằng họ phải được định đoạt công việc của mình như đã được hứa hẹn, được chọn người cai trị họ thông qua bầu cử tự do và công bằng.
Thứ hai, người dân bên ngoài Hong Kong có mối quan tâm chính đáng đối với những gì đang diễn ra ở thành phố này. Hong Kong là một trung tâm quốc tế lớn với các quyền tự do và tự chủ được bảo đảm bằng một hiệp ước đã được đăng ký với Liên Hợp Quốc. Cụ thể, Liên hiệp Vương quốc Anh – bên còn lại tham gia Tuyên bố Chung Trung – Anh – đã được bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ duy trì sự tồn tại của các quyền tự do và tự chủ của Hong Kong trong 50 năm.
Bởi vậy, cho rằng các bộ trưởng và nghị sĩ Anh không được nhúng mũi vào công việc của Hong Kong là điều lố bịch. Trên thực tế, họ có quyền và nghĩa vụ đạo đức trong việc tiếp tục kiểm tra xem liệu Trung Quốc có giữ lời hứa của mình trong thoả thuận đó không – và nói cho công bằng thì Trung Quốc đã tương đối giữ lời hứa cho đến nay.
Nhưng, thứ ba, những vấn đề lớn nhất đã nổi lên từ cuộc tranh cãi xung quanh chuyện con đường tiến lên dân chủ mà Hong Kong đã được hứa hẹn sẽ đưa nó tới đâu, và khi nào. Khi được trấn an rằng họ sẽ được hưởng quyền phổ thông đầu phiếu, không ai nói với dân Hong Kong rằng điều đó không có nghĩa là họ được chọn người mà họ sẽ bầu. Không ai nói với họ rằng mô hình dân chủ kiểu Iran[1] là điều mà chính quyền Cộng sản của Trung Quốc muốn áp dụng ở Hong Kong, với việc Bắc Kinh có quyền phủ quyết đối với các ứng viên.
Thật ra đó không phải là điều Trung Quốc nghĩ đến từ trước. Vào năm 1993, Lu Ping – trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc về Hong Kong – đã nói với tờ Nhân Dân Nhật báo rằng: “[phương pháp bỏ phiếu phổ thông] phải được báo cáo để [Quốc hội Trung Quốc] ghi nhận, còn sự đồng ý của chính phủ trung ương là không cần thiết. Việc Hong Kong xây dựng dân chủ của mình trong tương lai thế nào hoàn toàn nằm trong phạm vi tự chủ của Hong Kong. Chính phủ trung ương sẽ không can thiệp.” Năm sau đó, bộ ngoại giao Trung Quốc xác nhận điều này.
Trong một bản báo cáo về Hong Kong năm 2000, Quốc hội Anh tóm tắt những gì đã được phát biểu và hứa hẹn: “Do đó chính phủ Trung Quốc đã chính thức chấp nhận là chính quyền Hong Kong có quyền xác định phạm vi và tính chất của nền dân chủ ở Hong Kong.”
Vậy tiếp theo thì sao?
Những người biểu tình hoà bình ở Hong Kong, với những chiếc ô và túi thu gom rác của mình, sẽ không bị quét khỏi đường phố như rác rưởi hay bị cưỡng ép quy phục bằng khí gas và hơi cay. Bất cứ cố gắng nào nhằm đạt điều đó sẽ khiến hình ảnh của Hong Kong và Trung Quốc trở nên kinh khủng và nguy hại trước toàn thế giới, và sẽ là điều lăng mạ đối với tất cả những gì mà Trung Quốc nên mong mỏi trở thành.
Chính quyền Hong Kong đã đánh giá sai quan điểm của các công dân. Không khác gì những kẻ nịnh thần mà Khổng Tử đã cảnh báo, họ sang Bắc Kinh và nói với hoàng đế điều mà họ cho rằng hoàng đế muốn nghe, chứ không phải tình hình thật sự ở thành phố. Họ phải nghĩ lại về điều đó.
Theo các kế hoạch hiện nay, sẽ có giai đoạn tham vấn thứ hai về tiến triển dân chủ sau khi quá trình (mà hoá ra là giả dối) này khởi động. Giờ đây, chính phủ Hong Kong nên đề xuất trước người dân của mình một vòng tham vấn thứ hai cởi mở và trung thực. Đối thoại là con đường hợp tình hợp lý nhất để tiến về phía trước. Người dân Hong Kong không phải vô trách nhiệm hay vô lý. Chắc chắn có thể đạt được một thoả hiệp tử tế cho phép tổ chức các cuộc bầu cử mà người dân có thể công nhận là công bằng chứ không phải được sắp đặt sẵn.
Những người biểu tình ở Hong Kong, dù già hay trẻ, đại diện cho tương lai của thành phố này. Họ hy vọng về một cuộc sống thịnh vượng và hoà bình, nơi họ có thể tận hưởng các quyền tự do và nền pháp quyền mà họ đã được hứa hẹn. Đó không chỉ là lợi ích của thành phố của họ mà còn là lợi ích của Trung Quốc. Tương lai của Hong Kong là vấn đề chính, nhưng danh dự và vị thế của Trung Quốc trên trường thế giới cũng quan trọng không kém.
Chris Patten, Thống đốc cuối cùng của Anh tại Hong Kong và nguyên là uỷ viên về quan hệ đối ngoại của EU, hiện là hiệu trưởng danh dự Đại học Oxford.
Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate
—————
[1] Tại Iran, mặc dù có bầu cử theo phổ thông đầu phiếu nhưng các ứng viên phải được chính quyền chấp thuận (NBT).