Tập Cận Bình có thể là lãnh đạo cộng sản cuối cùng ở TQ

Print Friendly, PDF & Email

141003052048_sp_hong_kong_protesta_624x351_ap

Tác giả: Larry Diamond | Biên dịch: Nguyễn Thế Phương

Bài liên quan: Trung Quốc và Hồng Kông: Chúng tôi cử, các anh bầu

Tính đến thời điểm này, Bắc Kinh không thể đàm phán hay đàn áp các cuộc biểu tình tại Hong Kong.

Các cuộc biểu tình quy mô lớn làm rung chuyển Hong Kong trong những ngày vừa qua mang tới những tác động vượt xa khỏi Đặc khu Hành chính với 7 triệu dân này. Với việc từ chối kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử Đặc khu trưởng giả dối của Bắc Kinh, tập hợp hàng chục ngàn người xuống đường trong nhiều ngày, và tạo ra một làn sóng phản kháng với biểu tượng ôn hoà (chiếc dù) trước những phản ứng mang tính leo thang và kích động của cảnh sát, các cuộc biểu tình dẫn đầu bởi giới trẻ đã tạo ra thách thức nghiêm trọng nhất đối với chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn 25 năm trước.

Các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ có thể trách cứ chính họ vì đã gây ra khủng hoảng chính trị ở Hong Kong. Kể từ khi được chuyển giao từ tay thực dân Anh để trở thành một phần chủ quyền của Trung Quốc vào năm 1997, Hong Kong đã được hưởng quy chế tự trị cũng như các quyền tự do dân sự rất lớn dưới nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ”. Trong suốt 17 năm qua, người dân Hong Kong đã chờ đợi một cách nhẫn nại lời hứa từ phía Bắc Kinh về việc thực hiện Đạo luật Căn bản với nội dung tiến tới “một cách từ từ và có trật tự” việc “lựa chọn Đặc khu trưởng thông qua phổ thông đầu phiếu dựa trên đề cử từ một hội đồng mang tính đại diện rộng rãi theo các tiến trình dân chủ”. Khi Bắc Kinh tuyên bố rằng Hong Kong “chưa sẵn sàng” tiến hành bầu cử một cách dân chủ Đặc khu trưởng vào năm 2007, hay cơ quan lập pháp vào năm 2008, nhiều người Hong Kong đã cảm thấy thất vọng trong cay đắng. Thế nhưng người dân vẫn hy vọng các cuộc bầu cử dân chủ sẽ xảy ra vào năm 2012 hay trễ nhất là vào năm 2017.

Sự tức giận trong dân chúng bùng nổ gần đây xuất phát từ các quyết định của Bắc Kinh được công bố vào cuối tháng 8 về việc sẽ trì hoãn vô thời hạn giấc mơ tự trị dân chủ ở Hong Kong. Các lãnh đạo Trung Quốc đã thể hiện một cách diễn giải theo kiểu của Iran về quyền “phổ thông đầu phiếu”: Mọi người có thể bầu cử, nhưng chỉ được chọn những ứng viên được chấp thuận bởi những ông chủ thực thụ. Thay vì “một đất nước hai chế độ”, Hong Kong đang nhận được “một đất nước, một nền độc tài” vốn ngày càng tập trung vào sức mạnh kinh tế mà thu hẹp quyền tự do về báo chí và học thuật.

Những người biểu tình trẻ tuổi của Hong Kong lo lắng về mặt kinh tế. Nhưng hơn thế, họ còn căm phẫn về mặt chính trị. Nhiều người, trong đó có thủ lĩnh biểu tình mới 17 tuổi Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), được sinh ra sau sự kiện chuyển giao và được nuôi dưỡng trong một xã hội công dân sôi nổi, thịnh vượng và rộng mở. Họ lớn lên với những dòng tweet và tin nhắn, và họ cảm nhận được rằng quản trị dân chủ là quyền tự nhiên cũng như là một lời hứa hiến định của chính họ.

Nhiều người Hong Kong lớn tuổi hơn hoài niệm về thời kỳ thuộc địa, họ nhớ nhung các quyền tự do công dân và hệ thống pháp quyền vốn đang bị xói mòn dưới cái bóng của sự kiểm soát kinh tế và chính trị từ Bắc Kinh. Không ai biết được có bao nhiêu phần trăm người dân Hong Kong sẽ dám chấp nhận hy sinh sự thịnh vượng để theo đuổi các yêu cầu dân chủ cho tới cùng. Nhưng hàng trăm ngàn người biểu tình và những người ủng hộ dân chủ coi sự không khoan nhượng của Bắc Kinh là mối đe doạ hiện hữu đối với tương lai của Hong Kong.

Cuộc khủng hoảng này vốn đã có thể tránh được. Suốt những năm qua, nhiều ý tưởng sáng tạo đã nổi lên nhằm xác định quá trình tiến tới dân chủ một cách “từ từ và có trật tự”. Các nhà lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc vốn đã có thể đàm phán với những người ủng hộ dân chủ ôn hoà tại Hong Kong để dần dần mở rộng danh sách các ứng viên được phép tham gia tranh cử chức vụ Đặc khu trưởng, và tiến tới tạo dựng một cơ quan lập pháp hoàn toàn được bầu cử một cách trực tiếp (30 trong tổng số 70 thành viên cơ quan lập pháp Hong Kong hiện nay được bầu bởi một số nhỏ cử tri hạn hẹp). Sự thoả hiệp về mặt chính trị có thể đã tạo nên một quá trình chuyển giao từ tốn được chấp nhận bởi số đông. Thay vào đó, những gì mà Hong Kong nhận được không phải là đàm phán hay bất cứ tiến bộ nào, mà là một sự áp đặt mang tính độc tài nhân danh chủ quyền của nhân dân.

Thái độ không thoả hiệp của Bắc Kinh không chỉ đơn thuần liên quan tới Hong Kong hay các cuộc biểu tình hiện tại. Đây là một cuộc đấu tranh cho tương lai của chính Trung Quốc. Tổng bí thư Tập và những đồng chí lãnh đạo trong Đảng đang bị bao trùm bởi nỗi sợ rằng họ sẽ chịu chung số phận như Mikhail Gorbachev nếu như họ không duy trì một sự kiểm soát chặt chẽ, chuyên chính về mặt chính trị. Tập sẽ theo đuổi cải cách kinh tế. Ông ta cũng sẽ cố gắng thanh lọc Đảng và nhà nước thông qua chống tham nhũng (đồng thời thanh trừng các đối thủ chính trị trong quá trình đó). Nhưng cải cách chính trị đã bị loại trừ. Thậm chí những thảo luận (hay giảng dạy và nhắn các dòng tweet) về các khái niệm như “các giá trị toàn cầu”, “tự do ngôn luận”, “xã hội dân sự” hay “tư pháp độc lập” cũng chung số phận như vậy.

Trung Quốc đang thay đổi nhanh chóng nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Xã hội dân sự đang từ từ trỗi dậy, kéo theo đó là tầng lớp doanh nhân có phần thực dụng và mang tư tưởng độc lập. Người dân hiện nay tranh luận về các vấn đề thông qua mạng xã hội, dù dưới sự kiểm soát của nhà nước. Tầng lớp trung lưu được đi tới nhiều nơi và được tiếp cận những ý tưởng về dân chủ và tự do, “nguy hiểm” hơn hết là ở Hong Kong và Đài Loan. Mỉa mai thay, trong suốt một tuần dài Trung Quốc kỷ niệm ngày quốc khánh của mình (và cũng là kỷ niệm lần thứ 65 cuộc Cách mạng Cộng sản), nhiều người Trung Quốc đại lục đang đi nghỉ ở Hong Kong đã chứng kiến một cuộc cách mạng hoàn toàn khác.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang bị vướng trong cái bẫy do chính họ tạo ra. Nếu họ tiến hành đàn áp thẳng tay các cuộc biểu tình, như những gì họ đã làm 25 năm trước, thì họ sẽ phả huỷ hoàn toàn uy tín quốc tế của mình, phá hỏng triển vọng có một quan hệ gần gũi hơn với Đài Loan cũng như phá vỡ kết cấu dân sự ở Hong Kong. Nếu như họ thực hiện những gì mà họ vốn nên làm nhiều tháng trước – tiến hành đàm phán – họ sợ rằng họ sẽ bị xem là đầu hàng trước áp lực của quần chúng và do đó sẽ kích thích thêm những sự kiện tương tự ở một quốc gia nơi xảy ra hàng trăm các cuộc biểu tình ở cấp độ địa phương mỗi ngày. Chính vì thế, các lãnh đạo ở Trung Quốc sẽ chờ đợi, hy vọng các cuộc biểu tình sẽ lắng xuống, trong khi giữ nguyên khả năng cách chức Đặc khu trưởng hiện tại, ông Lưu Chấn Anh, làm con dê tế thần.

Nếu như các cuộc biểu tình vẫn duy trì và lan rộng, các lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn, và họ có thể lặp lại sai lầm tai hại năm 1989. Nhưng Trung Quốc hiện nay không phải là Trung Quốc của 25 năm trước. Tập Cận Bình sẽ không thể ngăn được sự lớn mạnh của xã hội dân sự tương tự như sự tích Vua Canute không thể ngăn được thuỷ triều dâng lên.[1] Nhưng trong khi Vua Canute hiểu rõ được giới hạn tự nhiên trong quyền lực của mình thì Tập Cận Bình dường như lại không như vậy. Đó là lý do tại sao Tập Cận Bình có thể trở thành nhà lãnh đạo Cộng sản cuối cùng ở Trung Quốc.

Larry Diamond là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Hoover và là Giám đốc Trung tâm Dân chủ, Phát triển và Pháp quyền của Đại học Stanford.

Bản gốc tiếng Anh: Time

————–

[1] Canute (hay Cnut) Đại đế là hoàng đế của Đế chế Biển Bắc thời thế kỷ 11, bao gồm Đan Mạch, Anh, Na Uy và một phần Thụy Điển. Theo một câu chuyện được ghi lại, ông nói với các quần thần trong triều đình rằng bất chấp quyền lực của mình thì ông vẫn không thể điều khiển được các con sóng thủy triều, và giải thích rằng quyền lực của người trần sẽ không là gì nếu so với quyền lực tối thượng của Chúa trời (NBT).