Tác giả: Tim Summers | Biên dịch: Phạm Thị Thoa
Thế giới đang dõi theo các sự kiện nổ ra ở Hong Kong trong những tuần gần đây sau khi hàng vạn người biểu tình ủng hộ dân chủ xuống đường và chiếm cứ các địa điểm then chốt giữa lòng trung tâm tài chính này. Trong khi mục tiêu của những người biểu tình đã nhận được sự ủng hộ từ quốc tế, các chính phủ nước ngoài vẫn đang cân nhắc xem họ nên tuyên bố gì về những sự kiện này.
Đó là điều nên làm, bởi lẽ Hong Kong là một thành phố có tầm quan trọng toàn cầu, nơi mà những biến động về chính trị không chỉ tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế thế giới hay những lợi ích thương mại ở châu Á mà còn hơn thế nữa.
Tuy nhiên, những nhận định của một số chính trị gia và nhà bình luận có tiếng trong những tuần gần đây lại cho thấy một sự thiếu hiểu biết rất đáng lo ngại về những hiệp định trong lịch sử và địa vị của Hong Kong như là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc dù vẫn có quyền tự trị đáng kể. Điều này sẽ không giúp gì cho việc xây dựng lại lòng tin, điều vốn rất cần thiết nếu muốn đạt được bất kỳ bước tiến nào trong việc giải quyết vấn đề của Hong Kong.
Những thử thách ngoại giao do các cuộc biểu tình này gây ra càng nan giải hơn đối với Vương quốc Anh, cường quốc thực dân cai quản Hong Kong trước khi chuyển giao cho Trung Quốc vào năm 1997. Ảnh hưởng của Tuyên bố chung Anh- Trung vẫn đè nặng lên các nhà hoạch định chính sách. Theo thỏa thuận này, Hong Kong vẫn duy trì chế độ riêng dù là một bộ phận của Trung Quốc. Khái niệm “một đất nước, hai chế độ” (One country, two system) sau đó đã được chính thức thừa nhận trong Đạo luật Cơ bản Hong Kong năm 1990 – bản Hiến pháp thu nhỏ của đặc khu hành chính này.
Dù những cuộc biểu tình này được thúc đẩy thêm do sự bất mãn với chính quyền Hong Kong, chất xúc tác trực tiếp lại là quyết định ngày 31/8 về việc phát triển hiến pháp Hong Kong của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc – cơ quan lập pháp của nước này.
Vấn đề chính gây nên bất đồng không nằm ở việc liệu người Hong Kong có thể tham gia lựa chọn Đặc khu Trưởng (người đứng đầu chính quyền) tiếp theo vào năm 2017 hay không, bởi Bắc Kinh đã đồng ý cho phép một cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu. Thay vào đó, tranh cãi lại đang xoay quanh cách thức đề cử các ứng cử viên vào vị trí này.
Chính quyền Trung ương nhận thấy việc họ có vai trò (trong việc bầu Đặc khu Trưởng) là phù hợp với Đạo luật Cơ bản Hong Kong. Điều này là một trong những biểu hiện của khái niệm “một đất nước” trên phương diện cấu trúc chính trị, bởi nếu không phải là “một đất nước” thì cấu trúc này sẽ được định đoạt ở Hong Kong (thay vì Bắc Kinh). Bởi vậy, quyết định ngày 31/8 đã quy định việc thành lập một Ủy ban Đề cử gồm 1.200 thành viên, và các ứng viên cần có sự chấp thuận của một nửa số thành viên Ủy ban này nếu muốn đi tiếp vào vòng bầu cử phổ thông đầu phiếu sau đó. Kết cấu của Ủy ban Đề cử khiến nó mang tính chất của một cơ quan thân chính quyền Trung ương mà thông qua đó, Bắc Kinh (và giới tinh hoa Hong Kong) có thể sàng lọc các ứng viên một cách hiệu quả.
Thành phố bị chia rẽ
Dù có nhiều quan điểm khác nhau ở Hong Kong nhưng một bộ phận đáng kể người dân mong muốn nhiều hơn thế, và trên thực tế đòi hỏi quyền tự chủ lớn hơn bằng cách phản đối mọi phương cách nhằm tác động vào cuộc bầu cử của Bắc Kinh, hoặc bằng việc tìm cách làm mờ nhạt đi vai trò của Ủy ban Đề cử. Những nguyện vọng này là hoàn toàn dễ hiểu nếu xét tới bản chất của xã hội Hong Kong và ước muốn có được một chính quyền tốt hơn.
Nhưng vấn đề ở đây là ước muốn đó không thể dễ dàng đạt được trong khuôn khổ của Đạo luật Cơ bản Hong Kong. Nếu không đạt được thỏa hiệp, Hong Kong có thể sẽ phải đối mặt với một dạng khủng hoảng hiến pháp.
Cuộc tranh luận này có liên hệ như thế nào đến các hiệp định trong lịch sử?
Trái ngược với quan điểm của một số người, những đề xuất ngày 31/8 không mâu thuẫn với Tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Anh vốn chỉ quy định rằng Đặc khu Trưởng sẽ được “bổ nhiệm bởi chính quyền nhân dân Trung ương trên cơ sở kết quả bầu cử hay tham vấn được tổ chức tại địa phương (ở Hong Kong)”. Vai trò đồng ký kết của Anh trong Tuyên bố chung không mang lại cho nước này cơ sở pháp lý nào để phàn nàn về điểm này, và sự thiếu dân chủ của cơ quan hành pháp (Hong Kong) trước năm 1997 cũng khiến cho London không có tư cách đạo đức để có thể phê phán những đề xuất này.
Cũng chính Đạo luật Cơ bản Hong Kong đã đưa ra “mục đích cuối cùng của việc lựa chọn Đặc khu Trưởng thông qua bầu cử phổ thông dựa trên đề cử từ một ủy ban đề cử mang tính đại diện rộng rãi và tuân theo các quy trình dân chủ.” Đây chính là nền tảng của đề xuất gần đây của Bắc Kinh và Trung Quốc cũng đã không hứa hẹn bất cứ điều gì khác.
Những lời bình luận của các chính trị gia hay truyền thông không nên bóp méo các thỏa thuận lịch sử vốn đã làm nền tảng cho địa vị hiện nay của Hong Kong: một đặc khu hành chính với mức độ tự chủ cao chứ không phải là một quốc gia hay một vùng lãnh thổ với chủ quyền riêng.
Mặc cảm tội lỗi hậu thực dân
Có lẽ một phần vấn đề của người Anh nằm sau cảm giác tội lỗi thời kỳ hậu thực dân bắt nguồn từ ý nghĩ rằng chính phủ Anh đã không bảo vệ đúng mức cho người Hong Kong.
Nhưng các cuộc biểu tình một lần nữa cho thấy rằng người Hong Kong có đủ khả năng để bảo vệ cho bản thân mình. Bởi vậy lối suy nghĩ của một số người Hong Kong rằng nước Anh dù ít dù nhiều vẫn phải chịu trách nhiệm đối với cuộc sống của họ dường như đã lỗi thời.
Hơn nữa, chúng ta không nên quên các thành công to lớn của nước Anh khi đàm phán với Trung Quốc về tương lai của Hong Kong, thể hiện trong sự chuyển giao chủ quyền suôn sẻ năm 1997 và tiếp đó là sự duy trì hệ thống pháp luật, tư pháp, tài chính, xã hội và kinh tế của Hong Kong. Chúng tạo ra nền tảng cho một xã hội phát triển sôi động ở Hong Kong hiện nay. Dù việc triển khai chưa bao giờ thật sự suôn sẻ và dễ dàng nhưng “một đất nước, hai chế độ” vẫn là lựa chọn tốt nhất cho đến nay.
Dù những người ở bên ngoài Hong Kong có quyền chính đáng được bình luận hay nhận xét nhưng họ có trách nhiệm bình luận dựa trên những phân tích chính xác và dựa trên lịch sử về các vấn đề phức tạp và nhạy cảm đang gây tranh cãi ở Hong Kong hiện nay.
Tim Summers là chuyên gia tư vấn cao cấp về chương trình nghiên cứu châu Á của Chatham House. Ông sống ở Hong Kong và giảng dạy tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Chinese University of Hongkong (CUHK). Quan điểm trong bài viết là ý kiến riêng của tác giả.
Bản gốc tiếng Anh: CNN