Linh hồn Ukraine của châu Âu

sakharov

Tác giả: Joschka Fischer | Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Tháng Mười một này là kỷ niệm tròn một năm cuộc nổi dậy Euromaidan ở Kiev. Phần lớn dân số Ukraine – và cụ thể là giới trẻ – đã phản đối Tổng thống Ukraine lúc đó là Viktor Yanukovych, khi ông này từ chối ký thỏa thuận gia nhập Liên minh châu Âu (vốn đã được hoàn tất sau nhiều năm đàm phán), nhằm gia nhập một liên minh thuế quan với Nga. Điều này cũng tương tự như việc Ukraine chuyển hướng về phía đông, và việc tham gia Liên minh Á-Âu của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ loại bỏ mọi khả năng gia nhập EU.

Khi xem xét cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine, thì điều quan trọng cần ghi nhớ chính là điểm khởi đầu này – một cuộc cách mạng ủng hộ Liên minh châu Âu đầu tiên trong thế kỷ 21, được gây ra do sự phản đối ảnh hưởng của Nga cũng như tình trạng tham nhũng và yếu kém tại Ukraine thời hậu Xô-viết.

Nhiều việc đã xảy ra kể từ khi Nga phát động một cuộc chiến tranh không tuyên bố, đầu tiên là chiếm đóng và sau đó là sáp nhập Crimea. Ở miền đông Ukraine, điện Kremlin tiếp tục cuộc chiến ở vùng Donbas – mà về mặt quân sự thì chính quyền Kiev dường như không thể thắng được trong cuộc chiến này.

Mục tiêu của Nga không phải là chiếm đóng Ukraine bằng quân sự, mà là để gây bất ổn về chính trị và kinh tế – một chiến lược có thể bao gồm việc ly khai trong thực tế của nhiều vùng quan trọng tại miền đông Ukraine. Hơn nữa, Putin sẽ sử dụng mọi công cụ sẵn có – tất nhiên bao gồm cả việc cung cấp năng lượng – nhằm gây áp lực và ép buộc Ukraine trong mùa đông này.

Người châu Âu nên chuẩn bị sẵn cho những gì sắp xảy ra. Putin tin rằng thời gian đang đứng về phía mình; ông ta nghĩ rằng mình vẫn sẽ tại nhiệm khi tất cả những người đồng cấp phương Tây của ông – như Obama, Cameron, Hollande và Merkel – đã rời khỏi chính trường từ lâu.

Về quân sự, Ukraine đã, đang và sẽ không bao giờ có cơ hội chống lại quân đội Nga. Nhưng số phận của đất nước sẽ được quyết định không chỉ trên chiến trường, mà còn trên khía cạnh kinh tế, luật pháp, hành chính và chính trị. Câu hỏi quyết định là: Liệu Ukraine, dưới áp lực khổng lồ từ cuộc xâm lược quân sự của một nước láng giềng lớn hơn và mạnh hơn rất nhiều, có thể thành công trong việc hòa nhập vào châu Âu hay không? Một cách thẳng thắn: hoặc là họ thành công trong việc bắt chước sự chuyển hướng về phía châu Âu của Ba Lan, hoặc là họ sẽ lại một lần nữa rơi vào tầm ảnh hưởng lâu dài của Nga.

Đối với châu Âu, số phận của Ukraine là một câu hỏi chiến lược quan trọng, bởi vì nền độc lập của nước này chính là nền tảng cho trật tự châu Âu sau Chiến tranh Lạnh và khuôn khổ hòa bình của nó. Việc Nga dùng sức mạnh quân sự buộc Ukraine khuất phục sẽ phá vỡ trật tự đó và những nguyên tắc cơ bản của nó, gồm: không sử dụng vũ lực, không xâm phạm biên giới, và quyền tự quyết của người dân, hơn là phạm vi ảnh hưởng.

Điều này sẽ dẫn đến những hậu quả to lớn đối với an ninh không chỉ ở Đông Âu, mà còn trên toàn châu lục. Một nước Nga theo chủ nghĩa phục thù sẽ lại một lần nữa – vượt ra ngoài Kaliningrad và các nước Baltic – có chung đường biên giới dài với EU, và sẽ theo đuổi một vai trò khác biệt, quyết đoán hơn đáng kể trong sự tái thiết lập một cường quốc tại châu Âu. Đối với châu Âu, điều này sẽ là một thay đổi cơ bản theo chiều hướng xấu. Hợp tác sẽ bị thay thế bằng đối đầu, sự tin tưởng bị thay bằng mất lòng tin, và kiểm soát vũ khí bị thay bằng tái vũ trang.

Nếu EU và các nước thành viên (ngoại trừ Ba Lan và các nước Baltic) có gì sai lầm, thì đó không phải là vì họ đã thương lượng một thỏa thuận thương mại tự do với Ukraine, mà bởi vì họ đã phớt lờ tầm quan trọng của Ukraine đối với trật tự châu Âu sau Chiến tranh Lạnh, phản ánh bằng việc không hỗ trợ đầy đủ cho quá trình hiện đại hóa của nước này.

Các chính trị gia phương Tây đáng lẽ nên nhận ra rằng Cách mạng Cam của Ukraine năm 2004, xảy ra do Yanukovych cố gắng cướp trắng kết quả bầu cử tổng thống năm đó, vừa là một cảnh báo vừa là một cơ hội, bởi vì chính những mục tiêu và nguyên tắc mà họ đang đấu tranh hiện nay lúc đó cũng đã bị đe doạ. Cuối cùng, Cách mạng Cam thất bại, vì ban lãnh đạo mới (của Ukraine) không có khả năng và động lực để thực hiện các cải cách sâu rộng về kinh tế cũng như các vấn đề trong nước khác, một phần do thiếu sự quan tâm của phương Tây.

Mùa đông đang đến gần, Cách mạng Euromaidan đã một lần nữa đặt ra vấn đề này, và thách thức hiện tại cũng tương tự như một thập niên trước. Liệu phương Tây có cung cấp sự giúp đỡ hào phóng và mạnh mẽ để Ukraine trở nên giống châu Âu hơn ngay từ bên trong, cũng như xóa bỏ tham nhũng và nền cai trị đầu sỏ về kinh tế và xã hội hậu Xô-viết tại nước này hay không?

Ukraine vẫn là một nước có tiềm năng giàu mạnh, và ngày nay họ còn gần gũi hơn với châu Âu – và ngược lại [châu Âu cũng gần gũi hơn với họ] – hơn bất cứ thời điểm nào trong quá khứ. Nếu Ukraine thành công trong việc phá vỡ xiềng xích hậu Xô-viết, sẽ không còn gì ngăn cản tư cách thành viên Liên minh Châu Âu của nước này. Hơn nữa, phương Tây dường như cuối cùng cũng hiểu được những gì đang bị đe dọa ở Ukraine, cụ thể là tương lai của trật tự châu Âu và khuôn khổ hòa bình của nó.

Cách mạng Euromaidan có thành công hay không sẽ phụ thuộc quan trọng vào người dân Ukraine và khả năng họ tự giải phóng bản thân khỏi các cơ cấu, lực lượng của quá khứ; và vào sự hỗ trợ, sự hào phóng, và sự vững vàng của phương Tây. Trong vở kịch Faust của Goethe, quỷ Mephistopheles đã mô tả bản thân là “Một phần của thứ sức mạnh đó sản sinh ra điều tốt, nhưng vẫn đang luôn có mưu đồ xấu xa.” Rốt cuộc, điều tương tự có thể được gán cho trường hợp của Putin.

Joschka Fischer là Bộ trưởng Ngoại giao và Phó Thủ tướng Đức giai đoạn 1998 – 2005, một nhiệm kỳ được đánh dấu bằng sự hỗ trợ mạnh mẽ của Đức trong việc can thiệp của NATO tại Kosovo năm 1999, theo sau đó là việc phản đối chiến tranh tại Iraq. Fischer bắt đầu gia nhập chính trường sau khi tham gia các cuộc biểu tình chống chính quyền trong thập niên 1960 và 1970, và giữ vai trò quan trọng trong việc thành lập Đảng Xanh của Đức, nơi ông đã lãnh đạo trong gần hai thập kỷ.

Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate