George Soros nói về Brexit và tương lai châu Âu

Print Friendly, PDF & Email

George-Soros-Brexit-678593

Nguồn: George Soros, “Brexit and the Future of Europe”, Project Syndicate, 25/06/2016

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Theo tôi, Anh là nước có được những thỏa thuận tốt nhất với Liên minh châu Âu (EU). Họ là một thành viên của thị trường chung châu Âu nhưng lại không thuộc khu vực Eurozone, và cũng không phải thực hiện nhiều quy định khác của EU. Thế nhưng điều đó vẫn chưa đủ để ngăn cản cử tri Anh bỏ phiếu “Rời đi”. Tại sao lại như vậy?

Câu trả lời có lẽ đã xuất hiện trong các cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện trước khi diễn ra trưng cầu dân ý “Brexit”. Khủng hoảng nhập cư tại châu Âu và cuộc tranh luận về Brexit đã thúc đẩy lẫn nhau. Phe “Rời đi” khai thác tình hình người tị nạn đang ngày càng xấu đi – với hình ảnh đáng sợ của hàng ngàn người tị nạn tập trung ở Calais (Pháp), tuyệt vọng tìm đường vào Anh bằng bất cứ giá nào – để khơi dậy nỗi sợ hãi tình trạng người nhập cư “không kiểm soát được” trong các nước thành viên EU khác. Thế nhưng các nhà chức trách châu Âu lại trì hoãn các quyết định quan trọng về chính sách tị nạn nhằm tránh gây ảnh hưởng tiêu cực lên cuộc trưng cầu dân ý tại Anh, kết cục là cảnh hỗn loạn như ở Calais vẫn cứ tiếp diễn.

Quyết định “mở cửa” cho người tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel là một cử chỉ mang tính nhân đạo, nhưng lại không được suy xét thấu đáo, bởi vì nó không tính đến các phản ứng tiêu cực. Một dòng người tị nạn đột ngột xuất hiện đã phá vỡ cuộc sống hàng ngày của người dân trên toàn EU.

Hơn nữa, sự thiếu kiểm soát đầy đủ đã tạo ra hoảng loạn, gây ảnh hưởng đến tất cả mọi người: từ người dân địa phương, các giới chức phụ trách an ninh công cộng, cho đến chính những người tị nạn. Nó còn mở đường cho sự vươn lên nhanh chóng của các đảng bài ngoại chống châu Âu – như Đảng Độc lập Anh Quốc, vốn là đảng dẫn đầu chiến dịch “Rời đi” – khi mà chính phủ các nước và các thể chế tại châu Âu dường như không còn khả năng xử lý cuộc khủng hoảng.

Giờ thì kịch bản thảm họa mà nhiều người lo ngại đã được hiện thực hóa, khiến cho sự tan rã của Liên minh châu Âu trở thành một thực tế không thể đảo ngược. Về lâu dài, khi rời khỏi EU, liệu Anh có thể trở nên tốt hơn so với các nước khác hay không còn chưa chắc chắn. Nhưng trong ngắn và trung hạn thì nền kinh tế và người dân Anh sẽ phải chịu nhiều tổn thất đáng kể. Ngay sau cuộc bỏ phiếu, đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba thập niên và các thị trường tài chính trên toàn thế giới có thể vẫn tiếp tục hỗn loạn trong suốt quá trình đàm phán phức tạp để Anh “ly hôn chính trị và kinh tế” khỏi EU. Những hậu quả đối với nền kinh tế sẽ lớn tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008.

Quá trình đó chắc chắn sẽ đầy bất ổn và rủi ro chính trị hơn nữa, bởi không chỉ một số lợi thế thực sự hay tưởng tượng của Anh (khi làm thành viên EU), mà là sự tồn tại của toàn Liên minh châu Âu, đang bị đe dọa. Brexit sẽ mở “cống xả lũ” cho các lực lượng chống châu Âu khác trong Liên minh. Thật vậy, không lâu trước khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý được công bố, Mặt trận Quốc gia Pháp đã đưa ra một lời kêu gọi “Frexit”, còn nhà dân túy người Hà Lan – Geert Wilders – thì kêu gọi “Nexit.”

Hơn nữa, bản thân nước Anh cũng có thể không sống sót được. Scotland, vốn đã bỏ phiếu áp đảo để ở lại trong EU, có thể sẽ nỗ lực để giành độc lập, và một số quan chức ở Bắc Ireland, nơi cử tri cũng ủng hộ “Ở lại”, đã kêu gọi thống nhất với Cộng hòa Ireland.

Phản ứng của EU trước Brexit cũng có thể là một cái bẫy nguy hiểm khác. Các nhà lãnh đạo châu Âu, với mong muốn ngăn chặn các nước thành viên khác đi theo con đường Brexit, có thể sẽ không có tâm trạng để chấp nhận các điều khoản đàm phán của Anh – đặc biệt là các điều khoản liên quan đến tiếp cận thị trường chung châu Âu –  vốn dĩ sẽ giúp xoa dịu nỗi đau “Rời đi”. Xét tới việc EU chiếm một nửa kim ngạch thương mại của Anh, tác động vào xuất khẩu có thể sẽ rất lớn mặc dù tỷ giá sẽ cạnh tranh hơn (do đồng bảng Anh rớt giá). Và với việc các tổ chức tài chính dịch chuyển trụ sở và nhân viên của họ sang các trung tâm khác thuộc khu vực Eurozone trong những năm tới, thành phố London (và thị trường nhà ở London) sẽ khó lòng trụ vững.

Nhưng những tác động lên châu Âu có thể còn tồi tệ hơn nữa. Căng thẳng giữa các quốc gia thành viên đã đạt đến đỉnh điểm, không chỉ vì vấn đề người tỵ nạn, mà còn là vì căng thẳng giữa các nước chủ nợ và con nợ trong khu vực eurozone. Đồng thời, các nhà lãnh đạo đang suy yếu tại Pháp và Đức còn đang phải tập trung trực tiếp vào các vấn đề trong nước. Ở Ý, thị trường chứng khoán giảm 10% sau cuộc bỏ phiếu Brexit rõ ràng là dấu hiệu cho thấy sự dễ bị tổn thương của nước này trước một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn diện – điều có thể giúp cho các nhà dân túy trong Phong trào Năm Sao (Five Star Movement), đại diện là bà Virginia Raggi – người vừa giành chức thị trưởng Rome –  lên nắm quyền vào năm sau.

Không điều nào trong số này là tín hiệu tốt cho một chương trình cải cách khu vực Eurozone nghiêm túc vốn dĩ sẽ phải bao gồm một liên minh ngân hàng thực sự, một liên minh tài khóa hạn chế, và các cơ chế mạnh mẽ hơn về trách nhiệm giải trình dân chủ. Và thời gian không đứng về phía châu Âu, vì áp lực bên ngoài từ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga – cả hai đều đang khai thác những mối bất hòa có lợi cho họ – nhằm gây ra xung đột chính trị trong nội bộ châu Âu.

Đó là thực trạng ngày nay của chúng ta. Tất cả các nước châu Âu, trong đó có Anh, sẽ mất đi thị trường chung và mất đi cả những giá trị chung mà EU vốn được thiết kế để bảo vệ. Tuy nhiên, EU thực ra đã bị phá vỡ và không còn đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Đó là tiền đề cho một sự tan rã vô trật tự, một sự tan rã sẽ khiến châu Âu rơi vào tình trạng còn tồi tệ hơn so với khi EU không được thành lập.

Nhưng chúng ta không được bỏ cuộc. Phải thừa nhận rằng, EU là một công trình còn thiếu sót. Sau Brexit, tất cả những ai tin vào các giá trị và nguyên tắc mà EU đã được thiết kế để phát huy cần phải liên kết với nhau để cứu lấy EU bằng cách triệt để xây dựng lại nó. Tôi tin rằng với những hậu quả của Brexit trong những tuần và tháng tới, ngày càng nhiều người sẽ tham gia cùng chúng ta.

George Soros là chủ tịch của công ty Quản lý quỹ Soros (Soros Fund Management) và là chủ tịch của Quỹ Xã hội Mở (Open Society Foundations). Là một người đi đầu trong lĩnh vực quỹ phòng hộ (hedge-fund), ông là tác giả của nhiều cuốn sách, bao gồm The Alchemy of Finance, The New Paradigm for Financial Market: The Credit Crisis of 2008 and What it Means, và The Tragedy of the European Union. 

Xem thêm: Các bình luận khác về chủ đề Brexit

​Hậu Brexit: Anh đối mặt khủng hoảng, EU sẽ tan rã?

Copyright: Project Syndicate 2016 – Brexit and the Future of Europe
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]