Chiến lược tái cân bằng của Mỹ: Tác động đối với Biển Đông

Print Friendly, PDF & Email

348203_US pivot strategy

Tác giả: Ralf Emmers | Biên dịch: Nguyễn Thị Nhung

Giới thiệu

Hoa Kỳ hiện nay là cường quốc kinh tế và quân sự số một thế giới, đồng thời cũng tự coi mình là một “cường quốc trực thuộc Thái Bình Dương”. Trong những năm gần đây, chính quyền Tổng thống Obama đã tái đẩy mạnh ảnh hưởng chiến lược của Mỹ tại khu vực thông qua chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng” về phía châu Á – Thái Bình Dương. Vào năm 2012, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong một bài phát biểu tại Trung tâm Đông – Tây ở Hawaii đã khẳng định: “Tương lai của Mỹ gắn liền với châu Á – Thái Bình Dương và tương lai của khu vực này cũng phụ thuộc vào Mỹ”.[1] Những công bố chính sách mới do chính quyền Tổng thống Obama khởi xướng có mục đích nhằm duy trì sự hiện diện chiến lược lâu dài của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt thông qua việc tập trung sức mạnh hải quân.

Kể từ cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Mỹ đã dồn sức vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và chiến tranh Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, đến thời kỳ chính quyền Tổng thống Obama, trọng tâm ngoại giao và lực lượng quân sự lại được chuyển trở về châu Á – Thái Bình Dương. Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) năm 2011, Obama đã tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không chỉ duy trì mà còn tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực. Bên cạnh việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ quân sự với Philippines, vào cuối năm 2011 Hoa Kỳ cũng công bố kế hoạch luân chuyển 2.500 lính thủy Mỹ ở Darwin, Australia, và triển khai bốn tàu tác chiến ven bờ ở Singapore. Vào tháng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã phát biểu Hoa Kỳ sẽ điều động 60% tổng lực hải quân của mình đến Thái Bình Dương trước năm 2020.

Quan điểm truyền thống về Biển Đông của Mỹ

Cần phải nhấn mạnh một điểm quan trọng rằng Hoa Kỳ chưa bao giờ hoàn toàn từ bỏ châu Á, cả về mặt chiến lược lẫn kinh tế. Nhưng chính quyền của Obama dành sự quan tâm đặc biệt và mạnh mẽ hơn hẳn cho khu vực địa lý này, nhất là khi châu Á được mong đợi sẽ là khu vực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất trong vòng 20 năm tới, đồng thời cũng là nơi có khả năng chứa đựng các thách thức địa chính trị lớn nhất đối với vị thế vượt trội toàn cầu của siêu cường Mỹ. Trong một bài viết gây tiếng vang lớn trên tờ Foreign Policy, bà Hillary Clinton đã lý giải rằng một “bước chuyển chiến lược về khu vực này hoàn toàn phù hợp với nỗ lực chung trên toàn cầu của chúng ta nhằm đảm bảo và duy trì địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ”.[2]

Vì lẽ này, quyết định xoay trục ngoại giao và quân sự về châu Á – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ được nhìn nhận, đặc biệt trong mắt Bắc Kinh, là một phản ứng của Mỹ trước những tham vọng khu vực đang ngày càng lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định liệu Mỹ sẽ có đủ khả năng theo đuổi những tham vọng dài hạn của họ ở châu Á hay không, cũng như việc Washington và Bắc Kinh liệu có tin rằng hai bên sẽ thu được nhiều lợi ích khi hợp tác hơn là cạnh tranh hay không.

Bài biết này sẽ chú trọng đánh giá về mức độ (và cả phạm vi) ảnh hưởng của chiến lược tái cân bằng của Mỹ đối với các tranh chấp Biển Đông. Bản thân Mỹ không phải là một bên trong các tranh chấp chủ quyền, nhưng nước này đã tuyên bố có lợi ích cốt lõi đối với tự do hàng hải trên Biển Đông và luôn nhấn mạnh ủng hộ giải pháp hòa bình cho các tranh chấp này dựa theo những nguyên tắc của luật quốc tế. [3]

Hoa Kỳ đến nay vẫn là cường quốc duy nhất đủ khả năng đối đấu với sức mạnh hải quân đang trỗi dậy của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là khi nước này huy động Hạm đội 7.[4] Nhưng Washington từ trước đến nay luôn tỏ ra không sẵn lòng tham gia vào các tranh chấp chủ quyền ở vùng biển nửa kín này.Tình trạng thiếu vắng một thế lực bên ngoài làm sức mạnh đối trọng trong các vùng biển tranh chấp như hiện nay không bắt nguồn từ bất cứ cuộc rút lui chiến lược nào ra khỏi khu vực của Mỹ. Thay vào đó, thực chất điều này xuất phát từ việc Hoa Kỳ không sẵn sàng can dự vào vấn đề tranh chấp chủ quyền.

Dù luôn theo sát những diễn biến xảy ra trên Biển Đông, Hoa Kỳ vẫn kiên quyết giới hạn lợi ích của mình chỉ trong vấn đề bảo vệ tự do hàng hải và khả năng di chuyển mà không gặp trở ngại qua vùng biển này của Hạm đội 7. UNCLOS đảm bảo tự do hàng hải, quyền di chuyển qua lại không gây hại (innocent passage), và quyền lưu thông qua eo biển. Cũng cần phải lưu ý một điểm quan trọng là trong bối cảnh hiện nay của Biển Đông, quy tắc tự do hàng hải được nhắc đến ở đây chủ yếu gắn liền với các quyền tự do lưu thông trên biển và trên không dành cho các tàu và máy bay quân sự, do hiện lưu thông thương mại không gặp phải hạn chế đáng lo ngại nào trên những vùng biển tranh chấp.[5] Vì lợi ích kinh tế của bản thân, Trung Quốc hẳn sẽ không có ý định ngăn trở các tuyến đường biển của tàu bè (thương mại) qua Biển Đông.

Trong trường hợp xung đột nổ ra ở Biển Đông, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ cho Đài Loan hay Philippines đến mức độ nào vẫn còn là điều chưa thể nói trước. Một điểm đáng lưu tâm ở đây là giữa Bắc Kinh và Đài Bắc có tồn tại một phần thỏa thuận tạm thời về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Cả hai bên đều nhận thức các quần đảo này đều thuộc lãnh thổ Trung Quốc khi đặt trong bối cảnh cuộc tranh chấp chủ quyền với các nước Đông Nam Á. Washington đã nhiều lần phát biểu rằng những phần lãnh thổ mà Philippines yêu sách ở Biển Đông không nằm trong Hiệp ước Quốc phòng Song phương ký ngày 30/8/1951 vốn đang liên kết Philippines với Mỹ.

Điển hình như vào ngày 08/02/1995, Philippines phát hiện người Trung Quốc đang xâm phạm đảo Vành Khăn thuộc vùng biển Philippines tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, sự kiện đảo Vành Khăn lại không thổi bùng phản ứng ngoại giao mạnh mẽ nào từ Mỹ, ngoại trừ một bài phát biểu về tự do hàng hải. Joseph Nye, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về an ninh quốc tế thời điểm đó, đã tuyên bố vào ngày 16/6/1995 rằng Mỹ cam kết sẽ đảm bảo quyền lưu thông tự do của tàu thuyền trong trường hợp có xung đột nổ ra trên quần đảo Trường Sa gây ảnh hưởng đến tự do hàng hải. Tương tự, Việt Nam đã không đạt được một thỏa thuận liên minh ngầm hay chính thức nào với Mỹ về Biển Đông, bất kể quan hệ song phương hai bên đã có những khởi sắc quan trọng từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước ngày 11/7/1995.

Bước chuyển trong những năm gần đây?

Trong những năm gần đây, lập trường của Mỹ về cơ bản vẫn không hề thay đổi. Washington vẫn từ chối nghiêng về phía bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền này và tiếp tục giới hạn lợi ích cốt lõi của mình vào tự do hàng hải trong những vùng biển tranh chấp. Mặc dù vậy, Hoa Kỳ đang ngày càng lo ngại về sự phát triển của hạm đội Nam Hải (dù quá trình này diễn ra với tốc độ chậm), và vẫn chưa xác định được chắc chắn mức độ cam kết của Trung Quốc đối với nguyên tắc tự do hàng hải ở những vùng biển tranh chấp. Bên cạnh đó, Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đang xây dựng một căn cứ tàu ngầm hạt nhân dưới lòng đất gần Tam Á trên đảo Hải Nam. Căn cứ này sẽ giúp mở rộng mạnh mẽ sự hiện diện chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông bởi nó hỗ trợ cho các tàu ngầm của nước này tăng cường hoạt động trong những vùng biển tranh chấp.

Một diễn biến nghiêm trọng xảy ra năm 2009 đã làm sâu sắc mối quan ngại của người Mỹ về cách hành xử ngày càng quyết liệt của Trung Quốc. Tháng 3/2009, một số tàu hải quân và tàu tuần tra dân sự của Trung Quốc đã quấy rối tàu giám sát đại dương USNS Impeccable của Mỹ ở phía nam đảo Hải Nam. Vụ việc này đã gây quan ngại ở Washington và gần như tất cả các nước Đông Nam Á. Trong khi Bắc Kinh cáo buộc tàu Impeccable thực hiện nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, và do đó cần phải có sự cho phép của Trung Quốc, phía Washington lại tranh cãi rằng những hoạt động của tàu thăm dò này hoàn toàn chính đáng thể theo nguyên tắc tự do hàng hải. Mỹ cùng các bên yêu sách ở Đông Nam Á đã nhìn nhận vụ tàu Impeccable là một bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang ngày càng quyết liệt hơn trên Biển Đông.

Một vụ leo thang nguy hiểm khác xảy ra vào tháng 4/2012 khi các tàu Trung Quốc và Philippines đối đầu tại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Điểm đặc biệt là ở chỗ, những sự kiện này rơi vào đúng thời điểm Philippines và Mỹ đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự hàng năm trên đảo Palawan.[6] Sau khi giới chức hải quân Philippines phát hiện có một số tàu cá Trung Quốc neo đậu tại bãi cạn đang tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc, một tàu hải quân Philippines đã có mặt và cố gắng bắt giữ ngư dân Trung Quốc dựa theo cáo buộc xâm phạm và đánh bắt trái phép. Song hai tàu hải giám của Trung Quốc khi đó đã can thiệp và ngăn cản cuộc bắt giữ này.

Sự việc này đã thổi bùng một cuộc đối đầu gay go giữa tàu hải quân Philippines và các tàu hải giám Trung Quốc, và cuối cùng dẫn đến căng thẳng nghiêm trọng kéo dài suốt nhiều tuần giữa Bắc Kinh và Manila.[7] Trong trường hợp nổ ra va chạm vũ trang giữa Hải quân Philippines và tàu Trung Quốc, Mỹ sẽ có nghĩa vụ phải tham vấn cho Manila với tư cách là một đồng minh hiệp ước và khả năng sẽ bị lôi vào tranh chấp này. Washington đã từng cân nhắc kỹ lưỡng những rủi ro kéo theo nếu một viễn cảnh như vậy thành hiện thực.

Chiến lược tái cân bằng và nền ngoại giao đa phương của Mỹ

Tại Đối thoại Shangri-La năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã khẳng định rằng Mỹ dù không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền này, nhưng sẽ phản đối mọi hành động đe dọa đến tự do hàng hải trên Biển Đông. Một bài phát biểu khác của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào tháng 7/2010 cũng đã nêu rõ Mỹ có lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải trên Biển Đông và điều này còn khiến Bắc Kinh tức giận nữa. Bắc Kinh đã nhìn nhận những lời bình luận của Ngoại trưởng Mỹ là một dạng can thiệp từ bên ngoài. Nói về phát biểu của mình tại cuộc họp ARF năm 2010, bà Clinton sau đó đã viết trong bài đăng trên Foreign Policy rằng “Hoa Kỳ đã giúp định hình một nỗ lực tầm khu vực trong việc bảo vệ quyền tiếp cận không hạn chế cũng như quyền lưu thông qua Biển Đông, đồng thời ủng hộ những luật lệ quốc tế cơ bản về xác định các tuyên bố lãnh hải trên các vùng biển thuộc Biển Đông.”[8]

Ngoài Mỹ còn có 11 nước tham dự ARF khác, trong đó có tất cả các nước yêu sách ở Đông Nam Á, cùng đề cập đến các tranh chấp này trong bài phát biểu của họ. Trung Quốc trước đó đã cố gắng giữ vấn đề Biển Đông nằm ngoài chương trình nghị sự của ARF cho đến năm 2010.[9] Tuy nhiên, với tư cách Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm đó và là chủ tọa của ARF, Việt Nam đã tìm cách quốc tế hóa việc thảo luận về Biển Đông vào năm 2010. Tuyên bố về lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ đối với tự do đã được bà Clinton tái khẳng định tại cuộc họp ARF tổ chức ở Bali vào tháng 7/2011.

Bản thân Tổng thống Barack Obama cũng nêu vấn đề Biển Đông ra Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) ở Bali tháng 11/2011. Ông nhấn mạnh một lần nữa rằng Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong các tranh chấp ở đây nhưng lợi ích của nước này có bao hàm cả tự do hàng hải và đảm bảo thương mại quốc tế trong khu vực không bị cản trở. Mười sáu trong số 18 lãnh đạo có mặt tại hội nghị này đề cập đến an ninh hàng hải trong các bài phát biểu của họ.[10] Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã phản ứng lại bằng cách tái khẳng định nguyên tắc tự do hàng hải và kêu gọi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp Biển Đông.

Song, sau nhiệm kỳ chủ tịch của Việt Nam và Indonesia, ba chủ tịch luân phiên hàng năm sau đó, gồm Campuchia, Brunei và Myanmar, đã được dự đoán sẽ tìm cách nhượng bộ với Bắc Kinh bằng cách hạn chế tối đa việc đưa Biển Đông lên bàn hội nghị quốc tế. Suy đoán này đã từng thành sự thực trong nhiệm kỳ chủ tịch của Campuchia năm 2012. Tại hội nghị Bộ trưởng ASEAN tổ chức tại Phnom Penh vào tháng 7/2012, các nước Đông Nam Á đã không thể ra một thông cáo chung do những bất đồng về vấn đề Biển Đông. Philippines nhất quyết yêu cầu phải có đoạn nhắc đến vụ đối đầu giữa Manila và Bắc Kinh tại bãi cạn Scarborough xảy ra trước đó nhưng Campuchia, với vị thế Chủ tịch ASEAN và là đối tác kinh tế thân thiết của Bắc Kinh, đã bác bỏ ngay lập tức với lý do những tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc là vấn đề song phương. Bà Hillary Clinton khi tham dự hội nghị ARF diễn ra sau đó cũng không xen vào vấn đề nội khối này của ASEAN. Các thành viên ASEAN và Trung Quốc đã không thể tiến hành các vòng đàm phán COC tại Hội nghị ASEAN tháng 11/2012 do Bắc Kinh không ủng hộ hoạt động này.

Trên hết, vấn đề Biển Đông tiếp tục gây chia rẽ trong ASEAN. Điều này bắt nguồn từ tình trạng thiếu đồng thuận giữa các nước thành viên về cách thức giải quyết đối với những tranh chấp chủ quyền, và rộng hơn là đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bất đồng của ASEAN được cho là đang gây xói mòn ảnh hưởng khu vực của chiến lược tái cân bằng của Mỹ. Sự can dự của Mỹ vào đây cũng mất dần tác dụng chiến lược trong bối cảnh thiếu vắng sự đoàn kết giữa các nước Đông Nam Á.

Phản ứng của khu vực đối với chiến lược tái cân bằng

Sự phân phối quyền lực ở Đông Nam Á vẫn đang ở trong trạng thái động và chưa cố định, góp phần khiến cho tình hình khu vực thêm bấp bênh và chứa đựng nhiều bất ổn tiềm ẩn. Giai đoạn kể từ năm 2010 đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng các vụ va chạm về vấn đề Biển Đông, bao gồm hành động quấy nhiễu các tàu thăm dò, cắt cáp và liên tục bắt giữ ngư dân. Trước tình hình này, phía Philippines và Việt Nam đã tìm cách tăng cường lực lượng hải quân của mình cũng như các cấu trúc quân sự trên các bãi đá ngầm và đảo thuộc quyền sở hữu của mỗi nước. Điển hình như vào tháng 4/2009, Hà Nội tuyên bố hợp đồng mua sáu tàu ngầm lớp Kilo của Nga.

Việt Nam đã nâng cấp các mối quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ và hoan nghênh chiến lược tái cân bằng của nước này. Hai bên đã tiến hành các hoạt động hải quân chung và Hà Nội cũng đã mở cơ sở sửa chữa thương mại tại Vịnh Cam Ranh cho tất cả các lực lượng hải quân. Panetta đã có chuyến ghé thăm Vịnh Cam Ranh vào tháng 6/2012, trước đó lực lượng Hải quân Hoa Kỳ đã gửi các tàu thuộc Tư lệnh Hải vận Quân sự (Military Sealift Command) đến đây để tiến hành các sửa chửa nhỏ. Tương tự, Manila cũng công khai hỗ trợ chiến lược tái cân bằng của Mỹ thông qua củng cố thỏa thuận quốc phòng với Hoa Kỳ, tổ chức ngày càng nhiều các cuộc tập trận hải quân chung, và còn đề nghị Washington cho triển khai máy bay trinh thám trên Biển Đông.[11] Bên cạnh đó, Philippines còn đề xuất cho Mỹ quyền tiếp cận rộng hơn vào các căn cứ quân sự của nước này để đổi lấy tăng cường hỗ trợ quân sự.

Hà Nội và Manila cùng phản ứng tích cực với chiến lược tái cân bằng của Hoa Kỳ xuất phát từ những lo ngại ngày càng lớn của họ trước cách hành xử tái quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong khi đó, quan tâm chủ yếu của Mỹ là về bảo vệ nguyên tắc tự do hàng hải tại những vùng biển tranh chấp trong bối cảnh sức mạnh hải quân của Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ. Điều này đã giúp Philippines và Việt Nam có thêm lợi thế đối trọng về ngoại giao trong các tranh chấp chủ quyền của bản thân mỗi nước với Trung Quốc, từ đó mạnh tay hơn trong cách hành xử của họ khi đối đầu với Bắc Kinh trên Biển Đông.[12] Tuy vậy, phía Philippines và Việt Nam vẫn còn e ngại liệu chiến lược của Mỹ có được kéo dài trong bối cảnh Lầu Năm Góc tiến hành cắt giảm ngân sách. Hơn nữa, dù luôn hoan nghênh chiến lược tái cân bằng kể trên, hai quốc gia Đông Nam Á này vẫn không muốn bị đặt vào tình thế buộc phải chọn lựa giữa Bắc Kinh và Washington.

Vậy còn phản ứng của Bắc Kinh trước chiến lược tái cân bằng của Hoa Kỳ? Những sáng kiến Mỹ khởi xướng gần đây nhìn chung khiến Bắc Kinh lo ngại. Cụ thể hơn, hiện trong giới lãnh đạo Trung Quốc tồn tại một niềm tin mạnh mẽ rằng Hoa Kỳ đang đẩy mạnh can dự vào Biển Đông và như vậy đồng nghĩa là Washington đang can thiệp vào vấn đề mà nước này coi là song phương với bốn nước yêu sách ở Đông Nam Á. Trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở khu vực, “chắc chắn hai nước không thể tránh khỏi một cuộc cạnh tranh nhằm “thu phục lòng người” ở Đông Nam Á”.[13] Và trên phương diện tổng thể, cuộc cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tại Đông Á đã gây ảnh hưởng đến các tranh chấp Biển Đông. Tình trạng đối đầu và cạnh tranh leo thang giữa các cường quốc lớn ở Biển Đông hẳn nhiên sẽ khiến việc dàn xếp xung đột ở những vùng biển tranh chấp thêm phần phức tạp.

Trong mắt Trung Quốc, chiến lược tái cân bằng của Mỹ nói chung và việc trọng tâm của chiến lược được đặt vào vấn đề Biển Đông nói riêng đều là một động thái nhằm kiềm chế quá trình trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc ở châu Á. Nhìn nhận từ quan điểm của nước này, Hoa Kỳ đang kìm hãm Trung Quốc thông qua việc tăng cường các mối liên minh song phương và triển khai thêm quân cùng phương tiện vào khu vực. Bắc Kinh cũng coi những hành động gần đây của Philippines tại các vùng biển tranh chấp – ví dụ như trên bãi cạn Scarborough – là do Washington giật dây. Đối với Trung Quốc, Mỹ đang dựng lên vấn đề tự do hàng hải nhằm hợp pháp hóa quá trình tăng cường hiện diện quân sự của mình trong khu vực để kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng nhận ra rằng chiến lược tái cân bằng này chỉ triển khai lực lượng quân sự một cách giới hạn, và do vậy không ảnh hưởng quá lớn đến quá trình phân bổ quyền lực ở châu Á.

Ở cấp độ ngoại giao, Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn thực hiện cách tiếp cận tránh đối đầu đối với vấn đề Biển Đông, từ đó tìm cách ngăn chặn khả năng các tranh chấp này bị quân sự hóa quá mức. Bắc Kinh và Washington coi giải quyết Biển Đông là một vấn đề đòi hỏi các biện pháp ngoại giao hơn là quân sự, và cho đến thời điểm hiện tại hai bên cùng tạm bằng lòng giao vai trò chủ trì quá trình giải quyết xung đột cho ASEAN.

Mặc dù vậy, Washington và Bắc Kinh vẫn bất đồng về nơi thích hợp để đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận cũng như biện pháp thích đáng để giải quyết. Trong khi Mỹ muốn Biển Đông trở thành chủ đề trọng tâm ở ARF, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +) và EAS, và sau cùng phải được giải quyết bằng luật pháp quốc tế, thì tất cả những biện pháp này lại đều rất khó chấp nhận đối với Trung Quốc.[14] Bắc Kinh vẫn lo sợ trước bất kỳ nỗ lực quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông nào, thay vào đó nghiêng về ủng hộ thảo luận song phương những vấn đề này với các nước yêu sách Đông Nam Á hơn. Theo hướng tính toán này, rõ ràng Trung Quốc coi chiến lược tái cân bằng của Mỹ đã gây ra một tác động tiêu cực đến các tranh chấp Biển Đông.

Bản gốc tiếng Anh: The South China Sea and Australia’s regional security environment, National Security College Occasional Paper, No. 5, September 2013, pp. pp.34-39.

—————

Ghi chú

  1. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Trung tâm Đông – Tây, Honolulu, Hawaii, 14/1/2010.
  2. Hillary Clinton, ‘America’s Pacifi c Century’, Foreign Policy, November 2011, 58.
  3. Clinton, ‘America’s Pacifi c Century’, 58.
  4. Lee Lai To (2003) ‘China, the USA and the South China Sea conflicts’, Security Dialogue, vol. 34, no. 1, 27.
  5. S. Bateman (16 August 2010) ‘The South China Sea: when the elephants dance’, RSIS Commentaries (Singapore: S. Rajaratnam School of International Studies).
  6. The Economist (28 April 2012) ‘Shoal mates: America’s navy riles China in its backyard’.
  7. Matikas Santos (11 April 2012) ‘Poaching triggers Scarborough stand-off’, Philippine Daily Inquirer, (available HTTP < http://globalnation.inquirer.net/32493/illegal-poaching-activities-ofchinese-vessels-cause-standoff >); M. Valencia (14 May 2012) ‘Current spat may be a sign of future tensions’, Straits Times.
  8. Clinton, ‘America’s Pacific Century’, 58.
  9. I. Storey (27 July 2010) ‘Power play in S. China Sea stirs up tension’, The Straits Times.
  10. C. A. Thayer (25 November 2011) ‘South China Sea two-Step’, The Wall Street Journal.
  11. M. Valencia (Fall 2012) ‘High-Stakes Drama: The South China Sea Disputes’, Global Asia, vol. 7, no. 3, 62.
  12. M. Valencia (Fall 2012) ‘High-Stakes Drama: The South China Sea Disputes’, 59–60.
  13. M. Valencia (24 July 2012) ‘Is ASEAN becoming a big-power battleground?’, The Straits Times.
  14. M. Valencia (Fall 2012) ‘High-Stakes Drama: The South China Sea Disputes’, 62.