#215 – Làm sao để răn đe được chủ nghĩa khủng bố?

Print Friendly, PDF & Email

trc-terrorist-650x325

Nguồn: Matthew Kroenig & Barry Pavel (2012). “How to Deter Terrorism”, The Washington Quarterly, Vol. 35, No. 2, pp. 21-36.>>PDF

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Thiện Toàn

Trong hơn 50 năm Chiến tranh Lạnh, răn đe là hòn đá tảng trong chiến lược của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã cố gắng ngăn Liên Xô tấn công phương Tây bằng cách đe doạ trả đũa bằng một đòn hạt nhân kinh hoàng. Tuy nhiên, sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, nhiều nhà quan sát đã phản biện rằng biện pháp răn đe không thích hợp với cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ lãnh đạo. Các chuyên gia phân tích cho rằng không giống như giới lãnh đạo của Liên Xô, những kẻ khủng bố không có lý tính, sẵn sàng trả mọi giá (kể cả cái chết) để đạt mục đích, và khó mà định vị được chúng sau các vụ tấn công. Vì những lý do trên cũng như những nguyên nhân khác, người ta cho rằng việc đe doạ trả đũa những tên khủng bố tự thân nó không hiệu quả và không đủ để ngăn chặn hành động khủng bố.

Những quan điểm này đã định hình nên chiến lược ban đầu của chính phủ Hoa Kỳ trong việc ứng phó với mối đe dọa khủng bố. Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2002 của Tổng thống George W. Bush, được đưa ra khoảng một năm sau vụ 11/9, nói: ‘‘Những quan niệm truyền thống về răn đe sẽ không hiệu quả trong việc chống lại khủng bố, những kẻ có chiến lược công khai là phá hoại vô cớ và nhắm vào người vô tội; những kẻ gọi là chiến binh của chúng tìm cách tử vì đạo và chính tình trạng vô quốc tịch là lớp bảo vệ hữu hiệu nhất cho chúng.’’[1]

Tuy nhiên, ít lâu sau, các nhà hoạch định chính sách đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn về khả năng răn đe khủng bố. Khi còn làm việc tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng năm 2005, chúng tôi là những tác giả chính của chính sách cấp chính phủ đầu tiên của Hoa Kỳ về việc răn đe các mạng lưới khủng bố. Như Eric Schmitt và Thom Shanker có viết trong cuốn sách Counterstrike năm 2011 của họ, ‘‘Kroenig and Pavel đã thảo ra một tài liệu ngắn lập luận rằng một tập hợp các nỗ lực về mặt kinh tế, ngoại giao, quân sự, chính trị và tâm lý…có thể thật sự thiết lập nên một chiến lược mới và tạo thành một cách thức răn đe mới và hiệu quả để chống lại các nhóm khủng bố.’’[2]

Chiến lược này đã được đưa vào Bản kiểm điểm quốc phòng bốn năm một lần (QDR) của năm 2006, trong đó có nêu các dự định của Lầu Năm Góc nhằm chuyển ‘‘từ kiểu răn đe ‘một cỡ vừa tất’ sang kiểu răn đe cụ thể cho từng loại đối tượng, nhằm vào các quốc gia bất hảo, các mạng lưới khủng bố, và những đối thủ gần ngang tầm.’’[3] Theo bản kiểm điểm, Bộ Quốc phòng phải kiến thiết các lực lượng tương lai của mình sao cho “tạo ra được một khả năng hoàn toàn cân đối, phù hợp để răn đe các mối đe dọa có tính chất quốc gia lẫn phi quốc gia – trong đó có … những cuộc tấn công khủng bố trên thực tế cũng như trong lĩnh vực thông tin.”[4] Schmitt and Shanker tiếp lời, “Một nửa thập niên sau khi đề nghị [của Kroenig and Pavel] được Donald Rumsfeld trao cho Tổng thống Bush tại trang trại Texas của ông, những sáng kiến của họ đã được phổ biến tới khắp bộ máy an ninh quốc gia và được các nhà đồng tư tưởng đón nhận trên khắp các cộng đồng quân sự, tình báo, ngoại giao, và chấp pháp.”[5]

Dù chúng tôi cảm thấy được lời mô tả về công việc của mình trong cuốn sách tâng bốc, nhưng nó đồng thời có phần cường điệu hoá sức ảnh hưởng của chúng tôi. Biện pháp răn đe vẫn còn là một yếu tố ít được hiểu rõ và ít được vận dụng trong chiến lược chống khủng bố của Hoa Kỳ. Tuy vậy, nó có tiềm năng lớn trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố tương lai.

Bài viết này lần đầu tiên công khai giải thích rõ về chính sách trên. Chúng tôi cho rằng, không giống như sự răn đe giữa các quốc gia với nhau, việc răn đe chủ nghĩa khủng bố chỉ có thể thành công một phần, và rằng nó sẽ luôn chỉ là một yếu tố thành phần – và không bao giờ là hòn đá tảng – trong chính sách quốc gia. Tuy nhiên, chừng nào các nước còn có thể răn đe các lực lượng khủng bố không tham gia vào một vài kiểu hoạt động khủng bố, thì phép răn đe vẫn nên là một nhân tố căn bản trong chính sách chống khủng bố nói chung.

Định nghĩa chính sách răn đe chống chủ nghĩa khủng bố

Răn đe là một tương tác chiến lược mà trong đó một bên ngăn không cho địch thủ đưa ra một hành động mà lẽ ra sẽ được thực hiện bằng cách làm địch thủ đó tin rằng cái giá của việc thực hiện hành động sẽ lớn hơn cái lợi có thể đạt được. Do đó, khi tiến hành răn đe, một bên có thể định hình nhận thức của địch thủ về những mất mát hay lợi ích của một hành động cụ thể nào đó. Các chiến lược áp đặt tổn thất (còn gọi là chiến lược răn đe bằng trả đũa, hay răn đe bằng trừng phạt) cố gắng tạo hiệu ứng răn đe bằng cách áp đặt những mức tổn thất không thể chấp nhận được lên một địch thủ nếu địch thủ đó thực hiện một hành động nhất định nào đó. Ví dụ, vào thời Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ nỗ lực răn đe Mát-xcơ-va không xâm chiếm Tây Âu thông qua đe doạ đáp trả bằng một cuộc đánh bom hạt nhân lớn.

Khi xem xét biện pháp răn đe, nhiều nhà phân tích chỉ nghĩ đến mặt răn đe bằng trả đũa, những các nhà nghiên cứu lý thuyết răn đe cũng phát triển một kiểu chiến lược răn đe thứ hai: các chiến lược phủ định lợi ích, hay răn đe bằng phủ định, giúp tạo hiệu ứng răn đe bằng cách đe doạ từ chối trao cho đối thủ những lợi ích của một hành động nhất định. Nếu như các chiến lược áp đặt tổn thất đe doạ trả đũa, thì các chiến lược phủ định lợi ích lại đe dọa gây nên sự thất bại. Nếu các tác nhân tin rằng họ không thể có được hay đạt được những lợi ích quan trọng từ một hành động nào đó, họ có thể bị thoái chí không hành động nữa. Ví dụ, trong lĩnh vực hạt nhân, hệ thống phòng thủ tên lửa thi thoảng cũng được xem là giúp tạo hiệu ứng răn đe bằng cách thuyết phục đối thủ rằng chỉ một phần nhỏ trong số các đầu đạn hạt nhân là có thể chạm tới mục tiêu cần đến, làm giảm các lợi ích của một vụ phóng hạt nhân. Thực vậy, theo Giáo sư Glenn Snyder, một chiến lược phủ nhận lợi ích thậm chí có thể ‘‘là cách răn đe uy lực hơn’’ bởi lẽ việc đe doạ phủ định một cuộc tấn công tự nó sẽ khả tín hơn là đe doạ trả đũa bằng cách tấn công lại.[6]

Răn đe khác với các kiểu chiến lược khác như phòng vệ. Có một ranh giới mỏng manh giữa chiến lược răn đe bằng phủ định với chiến lược phòng vệ bởi vì các động thái phòng vệ có thể có tác động răn đe và khả năng răn đe có thể trợ giúp hoạt động phòng vệ. Để phân biệt các loại phương pháp này, chúng tôi tuân theo những nghiên cứu đi trước trong việc định nghĩa các chính sách phòng vệ là những chính sách căn bản được dành để chống đỡ đối thủ trong một vụ tấn công, và các chính sách răn đe là những chính sách nhằm thuyết phục một địch thủ không tấn công ngay từ đầu. Mặc dù lối phân biệt này có vẻ kinh viện, nó lại chứa đựng những tác động chính sách quan trọng như được mô tả chi tiết dưới đây.

Răn đe: Xưa và nay

Có rất nhiều điểm khác biệt quan trọng, mà ba trong số đó được nhấn mạnh ở đây, giữa cách hiểu của chúng ta về chiến lược răn đe khi nó được phát triển dưới thời Chiến tranh Lạnh với khi nó được đưa vào cuộc chiến chống khủng bố. Thứ nhất, có nhiều kẻ địch cần phải răn đe hơn trong cuộc chiến chống khủng bố. Vào thời Chiến tranh Lạnh, chính sách răn đe của Hoa Kỳ muốn tác động tới việc đưa ra quyết định của một địch thủ duy nhất, đó là Liên Xô. Chừng nào các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ còn hiểu thấu đáo tiến trình ra chính sách ở điện Kremlin, thì họ còn có thể hy vọng đưa ra những chính sách phù hợp để răn đe Mátxcơva. Ngược lại, trong cuộc chiến chống khủng bố, Hoa Kỳ phải đối mặt với rất nhiều kẻ thù dưới dạng những mạng lưới khủng bố khác nhau và, trong mỗi mạng lưới khủng bố, có rất nhiều cá nhân cũng như nhóm người có quyền ra quyết định độc lập cũng như có khả năng gây tổn hại đến các lợi ích của Hoa Kỳ. Do đó, các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ cảm thấy khó khăn hơn nhiều khi muốn hiểu chính xác từng địch thủ và đưa ra các chính sách phù hợp để răn đe tất cả các dạng khủng bố.

Điểm thứ hai cũng liên quan tới điểm trước, đó là chiến lược răn đe đã từng có tác động tuyệt đối, nhưng giờ đây chỉ còn là một phần. Nếu như những lời đe doạ thời Chiến tranh Lạnh không thành công và Liên Xô phát động một cuộc xâm lược Tây Âu, hay một vụ đánh bom hạt nhân khủng khiếp, thì các lợi ích của Hoa Kỳ, và có lẽ cả sự tồn tại của bản thân nó, cũng sẽ bị đe doạ nghiêm trọng. Ngược lại, chiến lược răn đe chủ nghĩa khủng bố cùng lắm cũng chỉ có thể có tác động một phần. Hoa Kỳ không thể răn đe toàn bộ hoạt động khủng bố, nhưng chừng nào Washington còn có thể làm một vài kiểu khủng bố ngần ngại không thực hiện một vài loại hoạt động khủng bố nào đó, thì chiến lược răn đe vẫn còn có thể hỗ trợ cho các mục tiêu an ninh quốc gia.

Điều này đưa đến điểm thứ ba: vào thời Chiến tranh Lạnh, chiến lược răn đe là trụ cột chính trong chính lược của Hoa Kỳ chống lại Liên Xô, nhưng trong cuộc chiến chống khủng bố, nó chỉ nên là một yếu tố nằm trong một chiến lược lớn hơn. Một chiến lược tổng quát đòi hỏi các chiến dịch để tấn công và phá hoại mạng lưới khủng bố, các hoạt động phòng thủ để bảo vệ nước nhà, và các nỗ lực để đối đầu với sự hậu thuẫn về ý thức hệ dành cho chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, chiến lược răn đe góp phần trực tiếp vào việc hoàn thành các mục tiêu trên và, như chúng ta sẽ thấy dưới đây, là một phần thiết yếu cho một chiến lược chống khủng bố hiệu quả.

Phân tách các mạng lưới khủng bố

Để đưa ra một chiến lược thích hợp cho việc răn đe chủ nghĩa khủng bố, cần phải chia tách một mạng lưới khủng bố ra thành từng phần. Dẫu nhiều nhà quan sát chỉ xem khủng bố như những tên lính trực chiến thực hiện các vụ tấn công, thực tế lại có nhiều nhân tố khác trong một mạng lưới khủng bố: những tu sĩ cực đoan thuyết giảng những bài giảng đạo kích động bạo lực, các tay tài phiệt cấp tiền cho hoạt động khủng bố, và các thủ lĩnh ban lệnh tấn công. Do đó, việc răn đe các hoạt động này cũng có thể quan trọng không kém việc trực tiếp ngăn chặn các cuộc tấn công. Một chiến lược chống khủng bố toàn diện hướng đến việc phá hoại và răn đe các hoạt động thuộc những phần cốt yếu của một mạng lưới khủng bố.

Phân tách một mạng lưới khủng bố thành từng phần có thể cho thấy rõ cách những tên khủng bố trong những vai trò khác nhau tính toán được mất ra sao. Thứ nhất, các cá nhân có thể lựa chọn vai trò dựa trên thiên hướng riêng. Đơn cử như một người ủng hộ một phong trào khủng bố, nhưng lại rất quý tính mạng của mình, sẽ ít có khả năng xung phong đi đánh bom tự sát và nhiều khả năng sẽ chọn hỗ trợ tài chính hay thứ khác. Ngoài ra, vai trò mà một cá nhân nắm giữ trong một mạng lưới khủng bố có thể, theo thời gian, định hình nên thiên hướng của người đó. Ví dụ, những tên cầm đầu có thể đặt mạng sống của mình cao hơn những kẻ khác vì chúng tin rằng sự sống còn của chúng là thiết yếu cho việc duy trì phong trào khủng bố. Với cách nhận thức này, Hoa Kỳ có thể cải thiện các chiến lược răn đe của mình. Ví dụ, đe doạ trả đũa có lẽ sẽ hiệu quả hơn đối với những nhân tố nào trong mạng lưới khủng bố mà xem trọng sinh mạng và tài sản của chúng, ví dụ như các thủ lĩnh, tài phiệt và giới tu sĩ, trong khi đó chiến lược phủ định sẽ tương đối nặng ký hơn khi chống lại những nhân tố khác như những tên lính trực chiến.

Các chiến lược để răn đe chủ nghĩa khủng bố

Phần này trình bốn chiến lược mà Hoa Kỳ có thể sử dụng để răn đe chủ nghĩa khủng bố (xem Bảng: Bộ công cụ răn đe). Ta sẽ bắt đầu bằng việc thảo luận về chiến lược áp đặt tổn thất (đáp trả trực tiếp và gián tiếp). Những chiến lược này hướng tới việc răn đe hành vi khủng bố thông qua việc đe doạ trả đũa thích đáng. Phần này sau đó sẽ tiếp tục xem xét các chiến lược phủ định lợi ích cấp chiến thuật và chiến lược. Những sách lược này cố gắng răn đe chủ nghĩa khủng bố bằng cách đe doạ gây thất bại.

Bảng: Bộ công cụ răn đe

  Áp đặt tổn thất Phủ định lợi ích
Tiếp cận trực tiếp Đáp trả trực tiếp:Đe doạ trả đũa những phần tử quá khích bạo lựcVí dụ: đe doạ bỏ tủ những tu sĩ cổ xuý bạo lực Phủ định-cấp chiến thuậtĐe doạ làm thất bại chiến thuậtVí dụ: ra sức củng cố an ninh nội địa
Tiếp cận gián tiếp Đáp trả gián tiếpĐe doạ trả đũa lên những điều quý giá đối với các phần tử quá khích bạo lựcVí dụ: đe doạ gây ra các tổn thất (như hạn chế đi lại, đánh thuế, vv…) đối với gia đình của phần tử khủng bố Phủ định-cấp chiến lượcĐe doạ làm thất bại chiến lượcVí dụ: tuyên bố rằng yêu sách đòi rút quân đội Mỹ ra khỏi Trung Đông sẽ không được đáp ứng, dù cho có bị khủng bố tấn công

Đáp trả trực tiếp

Chiến lược đáp trả trực tiếp hướng đến việc làm một đối thủ chùn bước bằng cách đe doạ trả đũa địch thủ này vì đã có hành động thù địch. Kiểu chiến lược này có lẽ là dạng răn đe được biết đến rộng rãi nhất. Những chiến lược loại này thi thoảng cũng được gọi là các chiến lược “trả đũa” hay “trừng phạt”. Mặc dù có lẽ đúng là khó để răn đe những kẻ đánh bom tự sát bằng những lời doạ trả đũa, nhưng không phải tất cả thành viên của một mạng lưới khủng bố đều đánh bom tự sát. Có nhiều thủ lĩnh khủng bố, các nhà tài phiệt, những kẻ hậu thuẫn, các tu sĩ cực đoan, và những thành viên khác của một mạng lưới khủng bố xem trọng mạng sống và tài sản của mình. Những lời đe doạ đơn giản như bỏ tù hay truy giết nhằm vào những nhân vật này có thể hãm bớt hoạt động khủng bố.

Ví dụ, Vương quốc Anh đã cho thấy việc đe doạ bỏ tù có thể răn đe được các giáo sĩ cực đoan thôi không giảng những bài kinh kích động. Trước năm 2005, rất nhiều tu sĩ chi phối các giáo dân trong các nhà thờ Hồi giáo ở Luân Đôn và công khai ủng hộ chủ nghĩa khủng bố chống lại các thế lực phương Tây. Sheikh Omar Bakri Mohammed đã rao giảng rằng các tín đồ Hồi giáo sẽ tặng cho phương Tây ‘‘một vụ 11/9 ngày này sang ngày khác’’ trừ phi các chính phủ phương Tây thay đổi chính sách của mình ở Trung Đông.[7] Các tu sĩ này sống một cuộc sống sung túc, làm cho họ dễ bị tổn thương trước các chiến lược áp đặt tổn thất. Nhiều người sống trong những dinh thự khang trang ở những khu thượng lưu của Luân Đôn và thi thoảng người ta trông thấy họ ở cùng gia đình vào những dịp cuối tuần, mang bên mình những chiếc túi mua sắm lớn từ các cửa hàng thời trang.[8] Sau những vụ đánh bom khủng bố vào tháng 7 năm 2005 ở Luân Đôn, Tony Blair tuyên bố ý định thông qua luật cấm ‘‘tán dương chủ nghĩa khủng bố.’’[9] Luật này, được thông qua vào tháng 3 năm 2006, có hiệu quả ngay tức thì. Thay vì đối mặt với việc bị truy tố bởi chính quyền Anh, các vị tu sĩ tiêu biểu đã rời bỏ Vương quốc Anh đến nước khác, hay chuyển giọng hầu như chỉ qua một đêm, rút lại những lời kêu gọi kích động bạo lực trước đó và lên tiếng chống chủ nghĩa khủng bố.[10] Mặc dù luật “chống tán dương” của Anh làm dấy lên những vấn đề rắc rối về tự do công dân (nhiều người chống đối xem nó như một lệnh cấm một phần đối với tự do ngôn luận), nó cũng cho thấy có thể ngăn được các giáo sĩ cực đoan thôi không thuyết giảng những bài kinh kích động bạo lực bằng cách đe doạ bỏ tù.

Hơn thế nữa, vài lời đe doạ trả đũa cũng răn đe được các phần tử khác trong mạng lưới hậu thuẫn của một tổ chức khủng bố. Ví dụ, theo Báo cáo của thành viên Uỷ ban điều tra vụ 11 tháng 9, cuộc rà soát của chính phủ Saudi Arabia về các đối tượng tài trợ sau vụ 11/9 có vẻ như đã kìm hãm được phần nào việc cung cấp tài chính cho khủng bố.[11]

Bài học cho cuộc chống khủng bố đã rõ: lời đe doạ đơn giản sẽ trừng phạt các cá nhân dính líu tới hoạt động khủng bố có thể tạo nên hiệu ứng răn đe đáng kể. Do đó, Hoa Kỳ nên cộng tác nhiều hơn với bạn bè và đồng minh để áp đặt các luật lệ (nơi nào chưa có luật) nhằm trừng phạt các hoạt động khủng bố, phát triển các năng lực và quan hệ đối tác để nâng cao khả năng nhận diện những kẻ tham gia vào hoạt động khủng bố, và đảm bảo rằng bọn khủng bố – dù hoạt động trên các chiến trường ở Afghanistan hay trên đường phố Luân Đôn – sẽ nhận được sự trừng phạt thích đáng. Trong vài trường hợp, đó sẽ là một lệnh phạt tù; trong vài trường hợp khác, đó là một cuộc không kích bằng máy bay không người lái Predator.

Ngoài ra, có thể khiến các tổ chức khủng bố chùn chân bằng việc đe doạ trả đũa. Trong khi ta chẳng lạ gì việc bọn khủng bố không có quê hương, có nhiều tổ chức khủng bố lớn thực tế lại phụ thuộc nặng nề vào nơi trú ẩn an toàn để hoạt động. Hamas kiểm soát dải Gaza, Hezbollah có Lebanon, và trước vụ 11/9, al-Qaeda nương tựa vào nơi ẩn ở Afghanistan. Khi một nước có thể đe doạ tước đi một chỗ ẩn náu an toàn quan trọng, các thủ lĩnh khủng bố sẽ bị kìm chân. Đơn cử, Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) ở Philippines đã thôi không hợp tác với Jemaah Islamiyah và al-Qaeda do lời đe doạ trả đũa của Hoa Kỳ.[12]

Điều cuối cùng, và rõ ràng nhất, là các quốc gia giúp đỡ khủng bố dễ bị ảnh hưởng trước các chiến lược đáp trả trực tiếp.[13] Sau vụ 11/9, lời đe doạ của Tổng thống Bush rằng nước Mỹ sẽ đối xử như nhau với bọn khủng bố và các quốc gia giúp đỡ chúng đã khiến nhiều nước phải xem xét lại những quan hệ truyền thống với các nhóm vũ trang phi quốc gia.[14] Hoa Kỳ đưa ra một đợt hăm doạ nữa vào năm 2005, thề sẽ bắt các quốc gia phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu họ cung ứng cho bọn khủng bố các vật liệu dùng để tạo bom hạt nhân.[15] Lời đe doạ này, nếu được đảm bảo bằng những kỹ thuật hữu hiệu để truy nguồn cung cấp hạt nhân, có thể răn đe việc các quốc gia chuyển giao vũ khí hay nguyên liệu hạt nhân cho các tổ chức khủng bố.[16]

Hiển nhiên tiểm ẩn rất nhiều hạn chế trong chiến lược đáp trả trực tiếp. Thứ nhất, những thành phần nòng cốt của mạng lưới khủng bố, tức những kẻ đánh bom liều chết, có thể sẽ không bị ảnh hưởng bởi những lời đe doạ trả đũa. Đối với loại khủng bố này, chiến lược phủ định sẽ thích hợp hơn. Một hạn chế thứ hai xuất phát từ mâu thuẫn khó tránh khỏi giữa răn đe và chiến tranh. Để thành công, một lời đe doạ đáp trả trực tiếp phải dựa trên hành vi của địch thủ. Nếu các cá nhân hay nhóm chính trị nghĩ rằng họ sẽ trở thành mục tiêu trong cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ mặc cho họ có làm gì đi nữa, họ sẽ thiếu động lực để kiềm chế. Vì lẽ đó, Washington phải bổ sung chính sách răn đe bằng chính sách trấn an. Chính quyền phải cam kết chắc chắn rằng những đối tượng biết từ bỏ hoạt động khủng bố sẽ không bị trừng phạt.[17]

Đáp trả gián tiếp

Phủ định cấp chiến thuật

Phủ định cấp chiến lược

Răn đe là cần thiết, nhưng chưa đủ

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Lam sao ran de chu nghia khung bo.pdf

————-

[1] ‘‘The National Security Strategy of the United States of America,’’ September 2002, p. 15, http://merln.ndu.edu/whitepapers/USnss2002.pdf.

[2] Eric Schmitt and Thom Shanker, Counterstrike: The Untold Story of America’s Secret Campaign against Al Qaeda (New York: Times Books, 2011), p. 51.

[3] U.S. Department of Defense, ‘‘Quadrennial Defense Review,’’ February 6, 2006, p. vi, http://www.defense.gov/qdr/report/report20060203.pdf.

[4] QDR, p. 49.

[5] Schmitt and Shanker, p. 180.

[6] Glenn H. Snyder, Deterrence and Defense: Toward a Theory of National Security (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1961), p. 16.

[7] Elaine Sciolino and Don Van Natta, ‘‘For a Decade, London Thrived as a Busy Crossroads of Terror,’’ New York Times, July 10, 2005, http://www.nytimes.com/2005/07/ 10/international/europe/10qaeda.html?pagewanted=all.

[8] Jon Ronson,Them: Adventures with Extremists(New York: Simon and Schuster, 2002).

[9] ‘‘Blair: World Slept After 9/11,’’ CNN.com, July 26, 2005, http://www.cnn.com/2005/WORLD/europe/07/26/london.politicians/index.html.

[10] James Brandon,‘‘The Next Generation of Radical Islamist Preachers in the UK,’’ Terrorism Monitor 6, no. 13 (June 2008), http://www.jamestown.org/single/?no_cache=1&tx_ttnews[tt_news]=5013.

[11] John Roth, Douglas Greenburg, and Serena Wille,‘‘National Commission on Terrorist Attacks Against the United States: Monograph on Terrorist Financing,’’ http://govinfo.library.unt.edu/911/staff_statements/911_TerrFin_Monograph.pdf.

[12] Robert F. Trager and Dessislava P. Zagorcheva,‘‘Deterring Terrorism: It Can Be Done,’’ International Security 30, no. 3 (Winter 2005/06): pp. 87—123.

[13] Daniel Byman,Deadly Connections: States that Sponsor Terrorism(New York: Cambridge University Press, 2005).

[14] George W. Bush, ‘‘Statement by the President in His Address to the Nation,’’ September 20, 2001, http://www.washingtonpost.com/wp-srv/nation/specials/attacked/transcripts/bushaddress_092001.html.

[15] ‘‘Remarks by the National Security Advisor, Stephen Hadley, to the Center for International Security and Cooperation,’’ Stanford University, February 8, 2008, http://merln.ndu.edu/archivepdf/wmd/WH/20080211-6.pdf.

[16] Caitlin Talmadge, ‘‘Deterring a Nuclear 9/11,’’ The Washington Quarterly30, no. 2 (Spring 2007): pp. 21—34, http://www.twq.com/07spring/docs/07spring_talmadge.pdf.

[17] On the connection between threats and promises in deterrence, see Thomas Schelling, Strategy of Conflict(Cambridge: Harvard University Press, 1960), p. 12.