Nguồn: Charles W. Kegley, JR. & Gregory A. Raymond, The Global Future: A Brief Introduction to World Politics (Chapter 10), (Boston, MA: Wadsworth, 2010).
Biên dịch: Nguyễn Thị Trang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Bài liên quan: Các chương khác của cuốn The Global Future
Tôi từ chối chấp nhận ý tưởng đáng ngờ rằng lần lượt từng quốc gia sẽ phải trượt xuống chiếc thang của chủ nghĩa quân phiệt….
Martin Luther King, Jr. – Lãnh đạo phong trào quyền dân sự của Mỹ
Một vài người rời đi bằng những chiếc xe moóc có thể làm nhà ở và những chiếc ô tô cũ han rỉ. Những người khác thì nhồi nhét nhau trên những chuyến tàu hay chiếc xe ba gác dùng để chở gia súc. Rất nhiều người nữa thì đi bộ khó nhọc. Ước tính 740.000 người tị nạn là người Albani thiểu số tràn ra từ Kosovo trong tháng 3 năm 1999. Kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 ở Châu Âu mới xảy ra một cuộc di dân lớn như vậy.
Trước thời điểm cuộc di dân này, Kosovo là một tỉnh của Serbia, một trong số những nước cộng hoà hợp thành Nam Tư. Xấp xỉ 90% của 2 triệu người dân Kosovo đều là người Albani thiểu số. Họ có tỉ lệ sinh đẻ cao nhất lục địa và dân số chủ yếu ở độ tuổi dưới 30. Xu hướng về nhân khẩu này khiến nhiều người Serbia lo lắng, tức giận vì họ cho rằng người Albani đang cố gắng giành độc lập bằng cách buộc số ít người Serbia phải bỏ đi. Slobodan Milosevic, người giữ chức tổng thống Nam Tư năm 1997 dưới ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc Serbia đã khẳng định rằng Kosovo, nơi có các di tích văn hoá và tôn giáo quan trọng với người Serbia, sẽ không bao giờ trở thành một nhà nước độc lập của người gốc Albani. “Nam Tư sẽ tan rã nếu không có Kosovo” ông phát biểu trước đám đông gồm những người ủng hộ tại một sân vận động gần Prestina, nơi người Serbia đã đánh một trận chiến quan trọng chống lại đế chế Ottoman nhiều thế kỉ trước.
Milosevic đề nghị tiếp tục làm chủ Kosovo bằng cách dùng vũ lực để đưa những người gốc Albani ra khỏi tỉnh này, một chính sách được hiểu theo lối nói hoa mỹ là “thanh lọc sắc tộc”. Bất đồng giữa người Serbia và những người Albani ở Kosovo đã tồn tại từ lâu, từ trước khi Milosevic lên nắm quyền. Một số người Kosovo khẳng định việc phân biệt đối xử đối với những người Albani làm cho thu nhập trên đầu người ở Kosovo giảm xuống còn ít hơn 1/3 mức trung bình của cả nước, vì vậy họ đòi được tách ra khỏi Serbia và tiến tới vị thế pháp lý của một nước cộng hoà hoàn thiện nằm trong Nam Tư. Những người khác trong số dân Albani ở Kosovo đưa ra những yêu cầu triệt để hơn, họ đòi ly khai ra khỏi Nam Tư. Cuộc xung đột đã gia tăng lên tới mức bạo lực vào tháng 5 năm 1993 khi một tổ chức của người Albani có tên gọi Quân đội Giải phóng Kosovo (KLA) bắn hạ một nhóm cảnh sát Serbia ở Glogovac. Những năm sau đó, lính du kích của KLA đã tiến hành các cuộc đột kích rải rác chống lại người Serbia, điều này đã dẫn tới các đợt trả thù mạnh tay đối với những ngôi làng bị nghi ngờ là ủng hộ KLA. Mỗi cuộc tấn công của KLA lại gây ra một lần trả đũa mạnh mẽ hơn của người Serbia, điều làm cho người Albani thiểu số càng trở nên cực đoan hơn.
Bắt đầu từ cuối mùa xuân năm 1998, các cuộc đụng độ không liên tục đã nhường chỗ cho một cuộc chiến kéo dài. Nhiều tuần sau thắng lợi của KLA, cuộc phản công của người Serbia vào giữa tháng 7 đã dồn lực lượng du kích KLA về nơi ẩn náu của chúng và buộc 200.000 người Albani thiểu số phải rời khỏi quê hương. Một năm sau đó, bạo lực trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến làn sóng người tị nạn, khiến Mỹ và một vài nước Châu Âu phải triệu tập người Serbia và người Albani ở Kosovo đến dự đàm phán hoà binh ở Rambouillet, một thị trấn nhỏ cách Paris khoảng 50 cây số. Khi các nỗ lực thuyết phục Serbia ngừng bắn, rút quân khỏi Kosovo và cho phép triển khai Lực lượng gìn giữ hoà bình của NATO thất bại, các nhà quan sát e rằng tình hình sẽ xấu đi và trở thành thảm hoạ nhân đạo. Trong những nỗ lực cuối cùng để chấm dứt chiến dịch “thanh lọc sắc tộc”, phái viên của Mỹ Richard Holbrooke khẳng định với Milosevic rằng NATO sẽ đánh bom Nam Tư nếu ông không chấp nhận đề xuất ở Rambouillet.
Cuộc không kích của NATO bắt đầu ngày 24 tháng 3 năm 1999 vào 8 giờ tối theo giờ địa phương. Kết thúc cuộc chiến 87 ngày, máy bay của NATO đã thực hiện 37.000 lượt bay, ước tính gây thiệt hại 60 tỉ đôla Mỹ cho kinh tế và hạ tầng của Serbia. Những ngày sau khi Milosevic chấp nhận thất bại, hàng trăm nghìn người Albani thiểu số đã quay trở lại Kosovo. Tới cuối tháng 11, 808.913 người tị nạn quay lại và 247.391 nguời, chủ yếu là người Serbia bị các thành viên KLA hăm doạ trả thù, đã bỏ đi khỏi Kosovo (Judah 2000, 286-287).
Khi chiến tranh kết thúc mặc dù Milosevic vẫn nắm quyền nhưng ông vẫn bị Toà án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ (ICTY) kết tội trong một phiên toà tại The Hague, Hà Lan. Phiên toà do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mở ra nhằm truy tố những kẻ gây ra tội ác chiến tranh, các tội ác chống lại loài người, các hành động diệt chủng trong suốt cuộc xung đột vũ trang khiến cho Nam Tư bị tan rã. Milosevic, nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị Toà án Quốc tế kết tội là tội phạm chiến tranh không chủ trương nộp mình cho ICTY. Hơn nữa, chính quyền của ông cũng không khuất phục trước áp lực về kinh tế và ngoại giao của chính quyền Clinton. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ông cũng đến lúc kết thúc khi Vojislav Kostunica, một luật sư hiến pháp được được ủng hộ bởi liên minh 18 đảng đối lập, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tống thống mùa thu năm 2000.
Tháng 1 năm 2001, Carla del Ponte, công tố viên trưởng tại ICTY, đã chuyển lệnh bắt Milosevic cho chính phủ Kostunica. Chính phủ Kostunica lập luận rằng ICTY không công bằng khi không truy tố mạnh tay những người Albani ở Kosovo hay thành viên NATO vì tội ác chiến tranh nên họ còn do dự không tuân theo lệnh bắt này. Nhưng khi thấy Misolevic còn liên quan tới hành vi trộm cắp ngân quỹ nhà nước, Thủ tướng Zoran Djidzic và Bộ trưởng Tư pháp Vladan Batic đã thúc đẩy việc bắt ông ta. Sau khi bị chính quyền Nam Tư bắt giữ, ông bị chuyển đến The Hague để đưa ra xét xử.
Vụ xét xử Misolevic bắt đầu vào ngày 12 tháng 2 năm 2002 nhưng đã kết thúc mà không có bản tuyên án nào khi ông ta chết vì bệnh tim ngày 11 tháng 3 năm 2006. Công tố viên trưởng del Ponte bày tỏ sự nuối tiếc rằng cái chết của Milosevic trong quá trình xét xử đã lấy đi công bằng của những nạn nhân trong vụ thanh lọc sắc tộc mà họ đáng được nhận. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng bản cáo trạng tội phạm chiến tranh dành cho một nguyên thủ quốc gia đã tạo ra một tiền lệ quan trọng. Các lãnh đạo quốc gia không thể lẩn trốn trách nhiệm giải trình pháp lý cho hành động của họ bằng việc viện đến chủ quyền quốc gia nữa.
Bản cáo trạng và việc xét xử Milosevic đã thu hút sự chú ý về vai trò của pháp luật và tổ chức quốc tế trong nền chính trị thế giới. Trong khi các nhà lý luận tự do lưu ý đến những hướng tiếp cận này để kiểm soát xung đột vũ trang thì những người theo chủ nghĩa hiện thực cứng rắn đã chế giễu rằng nếu không có thẩm quyền cưỡng chế và một cơ chế để đảm bảo sự tuân theo phán quyết của toà án, thì những thủ tục này sẽ là các ngõ cụt chứ không phải là con đường tiến tới hoà bình. Mục đích của chương này là để đánh giá sự đóng góp của các quy phạm pháp luật và các thể chế quốc tế đối với trật tự thế giới. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc phân tích bản chất và chức năng của luật quốc tế.
Các quy phạm pháp luật quốc tế và trật tự thế giới
Theo chiều dài lịch sử được ghi lại, tất cả các thực thể chính trị độc lập, tự trị tham gia vào tương tác bền vững đều đã xây dựng nên những quy tắc xác định hành vi đúng mực cho các tình huống nhất định. Mặc dù các quy tắc của luật quốc tế hiện đại không được hỗ trợ bởi một hệ thống chế tài thống nhất và chính thức thì các chủ thể quốc gia và phi quốc gia đều dựa vào nó để phối hợp hành vi và giải quyết các vấn đề bất đồng. Hầu hết các hoạt động này nằm trong lĩnh vực tư pháp quốc tế – các quy định về hoạt động xuyên quốc gia trong các lĩnh vực như thương mại, truyền thông và du lịch. Đây là nơi thường xuyên giải quyết các tranh chấp quốc tế và là nơi việc tuân thủ đạt được ngang bằng so với mức độ tuân thủ trong hệ thống pháp luật trong nước.
Ngược lại, công pháp quốc tế điều chỉnh các mối quan hệ giữa các chính phủ cũng như sự tương tác của các chính phủ với các tổ chức liên chính phủ (IGOs) và các tổ chức phi chính phủ (NGOs). Hầu hết các nhà phê bình pháp luật quốc tế tập trung sự chú ý của họ vào công pháp chứ không phải là tư pháp quốc tế. Sự phàn nàn của họ thường nhấn mạnh các trường hợp mà các quốc gia chỉ đứng nhìn, bỏ qua vi phạm của những quốc gia hiếu chiến tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp. Nhà ngoại giao Israel Abba Eban đã từng than thở rằng công pháp quốc tế “là luật mà kẻ ác không tuân theo và những người công chính thì không cưỡng chế thi hành”.
Dù công pháp quốc tế còn nhiều thiếu sót thì chúng ta cũng không nên kết luận là nó không thích hợp hay vô dụng. Chẳng có hệ thống luật pháp nào có thể ngăn chặn tất cả thành viên khỏi vi phạm phát luật. Vẫn còn nhiều kẻ phạm tội, những người tảng lờ pháp luật trong nước giống như việc nhiều quốc gia đang trắng trợn vi phạm luật pháp quốc tế. Dù cho luật quốc tế còn những thiếu sót thì các quốc gia vẫn tự thấy nó hữu dụng và đang rất nỗ lực phát triển hệ thống luật quốc tế. Vì chương này là nhằm đánh giá khả năng của công pháp trong việc kiểm soát chiến tranh nên chúng ta chỉ thảo luận về luật pháp và cơ cấu của các cơ quan được tạo ra để quản lý xung đột vũ trang giữa các quốc gia. Nghĩa là, chương này sẽ tìm hiểu phân đoạn của luật quốc tế được coi là còn nhiều thiếu sót nhất.
Chủ quyền và các nguyên tắc của luật quốc tế
Công pháp quốc tế là tập hợp các nguyên tắc quy phạm chung và quy định pháp lý cụ thể điều chỉnh hành vi của các quốc gia trong quan hệ của các nước đó với nhau. Thay vì là một bộ quy tắc ứng xử cố định thì nó đã tiến hóa một cách đáng kể trong 4 thế kỉ qua, đã thay đổi nhằm đáp ứng với những biến đổi của nền chính trị thế giới.
Không có nguyên tắc nào của luật pháp quốc tế quan trọng hơn là chủ quyền quốc gia. Như đã bàn đến ở các chương trước, chủ quyền có nghĩa là không có thẩm quyền nào cao hơn nhà nước về mặt pháp lý trừ thẩm quyền đã được nhà nước tự nguyện trao cho các tổ chức quốc tế mà nó tham gia. Gần như mọi học thuyết pháp lý đều ủng hộ và mở rộng quy tắc coi các quốc gia là chủ thể chính của pháp luật quốc tế. Như đã được nêu ra trong Công ước Montevideo năm 1933 về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia, một quốc gia phải có dân số thường trú, một vùng lãnh thổ được xác định rõ ràng và một chính phủ có khả năng cai trị công dân của mình và quản lý các mối quan hệ ngoại giao chính thức với các quốc gia khác. Tiêu chí cuối cùng đặc biệt quan trọng vì việc đạt được quy chế quốc gia rốt cuộc vẫn phụ thuộc vào việc một thực thể chính trị được chấp nhận bởi các quốc gia khác, trong đó có quyền công nhận hoặc từ chối công nhận ngoại giao. Nói cách khác, sự công nhận là một công cụ chính trị qua đó một chính phủ được chấp nhận và cấp các quyền nhất định.
Quyền của các quốc gia. Theo luật quốc tế, những thực thể chính trị đáp ứng được tiêu chuẩn là một quốc gia được nắm giữ những quyền nhất định. Thứ nhất, các quốc gia có quyền được tiếp tục tồn tại trong vai trò một quốc gia, có nghĩa là có đặc quyền sử dụng vũ lực để phòng vệ. Thứ hai, họ có quyền được độc lập, quyền đó cho phép họ quản lý công việc trong nước mà không có sự can thiệp từ bên ngoài, đồng thời hành động như một tác nhân tự do trong quan hệ đối ngoại, thoả thuận các hiệp định thương mại, thành lập liên minh quân sự và tham gia vào các loại thoả thuận khác mà không bị giám sát bởi một quốc gia nào khác. Cuối cùng, các quốc gia cũng có quyền bình đẳng về pháp luật. Dù không đồng đều về kích thước và sức mạnh thì các quốc gia đều bình đẳng trước pháp luật với ý nghĩa rằng tất cả họ (1) đều có những đặc quyền và trách nhiệm như nhau; (2) có thể viện dẫn các quy tắc xử sự tương tự nhau khi tự bảo vệ mình; và (3) có thể hy vọng những quy định này được áp dụng một cách khách quan bất cứ khi nào họ đồng ý để một bên thứ ba giúp giải quyết các cuộc tranh chấp. Các thủ tục của bên thứ ba thường được dùng trong giải quyết tranh chấp quốc tế bao gồm:
- Trung gian hòa giải (good offices): bên thứ ba cung cấp một địa điểm để các bên tranh chấp thương lượng nhưng không tham gia vào các đàm phán trên thực tế.
- Hoà giải (conciliation): bên thứ ba giúp đỡ cả hai phía nhưng không đưa ra bất cứ giải pháp nào.
- Trung gian (mediation): bên thứ ba đề xuất một giải pháp không ràng buộc cho một cuộc xung đột giữa các quốc gia.
- Trọng tài (arbitration): bên thứ ba đưa ra một quyết định ràng buộc thông qua một diễn đàn đặc biệt.
- Xét xử (adjudication): bên thứ ba đưa ra một quyết định ràng buộc thông qua một toà án thường trực.
Bằng cách xác định quyền của các quốc gia theo cách này, pháp luật quốc tế theo truyền thống đã quyết định rằng không quốc gia nào có thể tuyên bố quyền tài phán đối với nước khác, cũng như không thể phán xét giá trị pháp lý của các hoạt động công mà các nước khác đã khởi xướng theo luật của họ. Thêm vào đó, các nguyên thủ quốc gia và các đại diện ngoại giao được miễn truy tố tại các toà án nước ngoài.
Trách nhiệm của các quốc gia. Ngoài việc công nhận quyền tồn tại, độc lập và bình đẳng, luật quốc tế còn thừa nhận một số trách nhiệm tương ứng. Một quốc gia có chủ quyền có quyền duy trì tư cách quốc gia của mình nhưng cũng có trách nhiệm liên quan là không can thiệp – tức không đụng vào các vấn đề nội bộ của các nước khác. Một trách nhiệm nữa là thực hiện nghĩa vụ như đã hứa với thiện ý. Một quốc gia có chủ quyền có quyền hoạt động tự do khi giao dịch với các nước khác nhưng cũng có trách nhiệm tôn trọng các thoả thuận đã kí kết tự nguyện. Như được thể hiện trong quy tắc pacta sunt servanda (các điều ước đều ràng buộc), lời hứa tự nguyện của các bên tham gia đối với điều ước quốc tế phải được tôn trọng. Tuy nhiên, một số học giả pháp lý cho rằng nếu hoàn cảnh lúc cam kết được đưa ra có sự thay đổi lớn thì quốc gia có thể viện dẫn điều đó làm cơ sở để đơn phương chấm dứt một thoả thuận theo nguyên tắc rebus sic stantibus.
Những hạn chế của luật quốc tế
Trật tự pháp lý quốc tế được dựa trên cơ sở tạo ra bởi chủ quyền và những nguyên tắc pháp lý bắt nguồn từ nó. Nhưng vì trật tự pháp lý quốc tế được dựa trên sự chấp thuận tự nguyện của các quốc gia có chủ quyền nên nhiều người nghi ngờ luật quốc tế có thực sự là luật hay không. Từ quan điểm này, luật pháp quốc tế còn những hạn chế sau đây:
- Hệ thống quốc tế thiếu một cơ quan lập pháp có khả năng ban hành những quy tắc pháp lý ràng buộc. Trong khi ở hầu hết các hệ thống pháp luật quốc gia, cơ quan lập pháp ban hành luật trong nước thì lại không có một cơ quan lập pháp quốc tế nào được trao quyền để ban hành luật quốc tế. Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc chỉ đưa ra khuyến nghị chứ không phải các đạo luật. Theo điều 38 trong Quy chế của Toà án Công lý Quốc tế, các nguồn quy định pháp lý gồm: (1) tập quán; (2) các điều ước và thoả thuận quốc tế; (3) các quyết định của toà án quốc gia và quốc tế; (4) các văn bản của các chuyên gia và cơ quan pháp lý; và (5) “những nguyên tắc chung” của pháp luật được công nhận từ đời xưa như một phần của “luật tự nhiên” và “lý lẽ đúng đắn”. Trong những nguồn này, tập quán và các hiệp ước đa phương mà hầu hết các quốc gia kí được coi là quan trọng nhất. Tuy nhiên, các nhà phê bình nghi ngờ hiệu lực của những nguồn này, họ bắt bẻ lại rằng có thể không bao giờ có một “nền pháp quyền thực sự giữa các quốc gia” cho đến khi các nước nằm dưới “một chủ quyền chung” (Bork 1989/1990).
- Hệ thống quốc tế thiếu một cơ quan tư pháp có thẩm quyền cưỡng chế mà có thể nhận dạng các vi phạm pháp luật và áp đặt các biện pháp khắc phục vi phạm đó. Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) về cơ bản khác toà án quốc gia ở chỗ thẩm quyền của nó dựa trên sự chấp thuận của các bên tranh chấp. Các quốc gia có chủ quyền không thể bị buộc có mặt ở ICJ khi bị buộc tội vi phạm quy định pháp luật và họ lưỡng lự không muốn chấp thuận vô điều kiện do nguy cơ sẽ bị nhận một phán quyết bất lợi trong những vấn đề sống còn. John Bolton, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc đã phản ánh sự do dự này khi ông tuyên bố rằng bất kỳ nước nào “trao hiệu lực cho luật pháp quốc tế” sẽ là “một sai lầm lớn”. Theo ông, “những người nghĩ rằng luật pháp quốc tế thực sự có ý nghĩa gì đó là những người muốn kiềm chế nước Mỹ” (New Yorker, March 21, 2005, 23).
- Hệ thống quốc tế còn thiếu một cơ quan hành pháp có khả năng cưỡng chế thi hành các quy định pháp luật. Không giống như trong các hệ thống luật quốc gia, không có cơ chế tập trung nào để bắt và trừng phạt những kẻ vi phạm quy định pháp luật. Mặc dù Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có quyền hành động khi xuất hiện “mối đe doạ vi phạm hoà bình và an ninh quốc tế” (Điều 39 Hiến chương Liên Hợp Quốc) nhưng trong trường hợp liên quan tới tranh chấp vũ trang nghiêm trọng, nó thường trở nên tê liệt do quyền phủ quyết. Hội đồng Bảo an cũng không hoạt động như một lực lượng cảnh sát thành phố đi điều tra và đưa những hành vi vi phạm pháp luật khác ra trước công lý. Như một người hoài nghi đã châm biếm, nếu không có khả năng thực thi có ý nghĩa thì luật pháp quốc tế sẽ chỉ là trên hình thức như “đấu vật chuyên nghiệp so với đấu vật thông thường” mà thôi (U.S News and World Report, 29 tháng 9 năm 1993, 8).
- Nếu thiếu những thể chế toàn cầu thiết thực để ban hành, diễn giải và thực thi những quy định pháp luật thì luật pháp quốc tế sẽ như một công cụ của nước mạnh, bào chữa cho mưu cầu giành lợi thế quốc gia mà không xét đến đạo đức hay công lý. Bằng việc chấp nhận quyền tự trị tối cao không được kiểm soát (của các quốc gia), hệ thống luật pháp quốc tế về cơ bản là một trật tự có quy phạm “ngang” bao gồm các đạo luật kết hợp giữa các quốc gia chứ không phải là trật tự “dọc” dựa trên các luật chỉ thẩm quyền phụ thuộc, trên dưới. Với các trật tự ngang, hành vi của nước có quyền lực có ảnh hưởng lớn đến việc quy định những nước khác hành xử như thế nào. Bởi vậy, như Hans J.Morgenthau (1985) thừa nhận, “thật dễ dàng để một nước có quyền lực vừa vi phạm pháp luật vừa cưỡng chế thực thi nó”, và do đó đặt quyền lợi của các nước yếu vào tình thế nguy hiểm” (xem Goldsmith và Ponsner 2005).
Bất chấp những hạn chế liệt kê trên đây thì hầu hết các quốc gia đều tuân thủ luật pháp quốc tế bời vì nó truyền đạt “quy tắc của cuộc chơi” mà qua đó hầu như tất cả các nước trong hệ thống quốc tế thực hiện mối quan hệ của họ với nhau. Bằng việc định hình nên những kỳ vọng, quy định pháp luật làm giảm sự không chắc chắn về hành vi của các nước khác và tăng khả năng dự đoán được trong giao thiệp trên thế giới. Các quốc gia nào luôn xử sự theo các quy tắc đã được công nhận thì nâng cao được danh tiếng vì sự đáng tin cậy của họ; còn những nước nào chờ cơ hội phá vỡ những quy tắc đó thì huỷ hoại dần uy tín của mình, điều này sẽ làm suy yếu vị thế đàm phán trong tương tác về sau này vì các nước khác bắt đầu nghi ngờ ý định của họ.
Tóm lại, việc tuân thủ pháp luật không cần thiết xuất phát từ quyền kiểm soát đi kèm sự trừng phạt của một thẩm quyền trung ương. Các quốc gia tự nguyện tuân theo quy tắc pháp luật quốc tế vì lợi ích về lâu dài của họ được đáp ứng bởi trật tự xuất phát từ kỳ vọng chung (Joyner 2005). Học giả luật William Slomanson (2003) ví quá trình này với hành vi của người lái xe tại những giao lộ. Hầu hết người lái xe dừng lại khi đèn đỏ và đi khi đèn xanh thậm chí khi chẳng có cảnh sát nào có mặt để bắt họ tuân theo luật giao thông. Họ tuân theo luật vì lợi ích chung, để đi an toàn, vì biết rằng có thể xảy ra va chạm nếu họ lờ đi tín hiệu đèn ở giao lộ. Tương tự như thế, Louis Henkin viết “hầu hết các quốc gia tuân theo phần lớn quy tắc luật pháp quốc tế và thực hiện phần lớn bổn phận của họ gần như mọi lúc” bởi vì mọi người đều có lợi từ việc tránh được sự hỗn loạn mà sự không tuân thủ pháp luật gây ra.
Luật quốc tế và việc gìn giữ hoà bình
Mặc dù còn thô sơ so với các hệ thống luật quốc gia, luật pháp quốc tế dù sao cũng giảm nhẹ những khía cạnh nguy hiểm nhất của một hệ thống vô chính phủ của các quốc gia. Trong số những quy tắc pháp luật quốc tế quan trọng nhất quy định giới hạn hành vi của các quốc gia là những quy tắc liên quan đến việc sử dụng lực lượng vũ trang. Các quy tắc đó phân định khi nào vũ lực được sử dụng hợp pháp, nên được dùng như thế nào và có thể dùng để chống lại ai. Bởi vì nội dung của những quy tắc này chịu nhiều ảnh hưởng của học thuyết chiến tranh chính đáng, chúng ta sẽ bắt đầu phân tích vai trò của pháp luật quốc tế trong việc gìn giữ hoà bình bằng việc xem xét truyền thống đạo đức này.
Học thuyết chiến tranh chính đáng. Thuật ngữ chiến tranh chính đáng (just war) bắt nguồn từ Aristotle. Những nỗ lực để liệt kê các tiêu chí nhằm xác định liệu một cuộc chiến tranh nào đó là đúng đắn hay không được thực hiện sau đó bởi tác giả người La Mã Cicero cũng như các nhà tư tưởng Kitô giáo tiên khởi như Ambrose, Augustine và Aquinas. Trong các thế kỉ sau đó, các nhà triết học và thần học tiếp tục đưa ra những lý thuyết cạnh tranh nhau về việc khi nào sử dụng lực lượng quân sự như một công cụ của chính sách ngoại giao là chính đáng về mặt đạo đức.
Nguồn gốc của học thuyết chiến tranh chính đáng hiện đại xuất phát từ nỗ lực của Hugo Grotius để biến đổi những lý thuyết đạo đức ban sơ này thành một tập hợp luật pháp quốc tế mà có thể chỉ rõ những trường hợp nào thì chiến tranh có thể được khởi xướng một cách hợp pháp và nên được tiến hành như thế nào khi bắt đầu. Grotius, một học giả kiệt xuất người Hà Lan, người đã bất bình vì sự tàn bạo của cuộc chiến tranh 30 năm (1618-1648) đã phàn nàn rằng các quốc gia “lao vào vũ trang” vì “những lý do tầm thường” rồi sau đó hành xử “như thể một cơn giận đã được xả ra bởi một sắc lệnh nào đó cho phép thực hiện mọi tội ác”. Để chống lại mẫu hình đáng chỉ trích này, ông dựa vào các tác giả cổ đại và trung cổ để xây dựng nên hai nhóm quy tắc chiến tranh đó là jus ad bellum (quyền gây chiến tranh) và jus in bello (công lý trong chiến tranh). Quy tắc jus ad bellum đặt ra những chuẩn mực mà theo đó một nhà lãnh đạo chính trị có thể quyết định một cuộc chiến tranh có chính đáng hay không. Quy tắc jus in bello miêu tả những hành động quân sự nào chấp nhận được khi chiến đấu trong một cuộc chiến chính đáng.
Các nguyên tắc do Grotius đề xuất từ khi được công bố năm 1625 đã tạo cảm hứng cho các luật gia quốc tế (xem phần Tranh luận: Chiến tranh Iraq có chính đáng hay không?). Thay vì lên án tất cả chiến tranh đều mang bản chất xấu xa, các nhà lý thuyết chiến tranh chính đáng đã lập luận rằng việc dùng đến chiến tranh có thể chấp nhận được khi đáp ứng được những điều kiện sau đây:
- Nguyên nhân chính đáng: Quốc gia nào dự tính sử dụng lực lượng quân sự thì phải có mục đích tốt về mặt đạo đức.
- Mục đích đúng đắn: Chiến tranh phải được tiến hành vì mục đích sửa chữa cái sai trái và thiết lập hoà bình và công lý chứ không phải để trả thù hay những lý do xấu xa nào khác.
- Phương sách cuối cùng: Không nên tiến hành chiến tranh cho tới khi các phương thức giải quyết xung đột hợp lý khác đã được dùng hết.
- Tính cân xứng về chính trị: thiệt hại gây ra bởi cuộc chiến không được phép vượt quá mục đích tốt mà cuộc chiến tranh hướng tới.
- Được tuyên bố bởi một thẩm quyền hợp pháp: Những người đứng đầu được bầu chọn thích hợp phải tuyên bố công khai tình trạng chiến tranh.
- Khả năng thành công phải có cơ sở: Các quốc gia không được phép tham gia sử dụng vũ lực một cách vô ích.
Bên cạnh việc giải thích khi nào chiến tranh được chấp nhận về mặt đạo đức, lý thuyết chiến tranh chính đáng còn quy định các cuộc chiến tranh nên được tiến hành như thế nào. Rất nhiều quy tắc được đề xuất theo cả cách sai và đúng để tiến hành chiến tranh nhưng hầu hết đều tập trung vào hai quy tắc sau đây:
- Sự phân biệt: Không được phép tấn công những người không tham gia chiến đấu; không nhắm vào thường dân không dính líu vào nỗ lực chiến tranh của nước họ.
- Tính cân xứng vũ trang: những người tham chiến không được gây nhiều thiệt hại hơn cần thiết để đạt được mục đích quân sự.
Những tiêu chuẩn về quyền gây chiến và công lý trong chiến tranh vẫn tiếp tục làm cơ sở cho tư duy về luật chiến tranh. Tuy nhiên, sự ra đời của vũ khí huỷ diệt hàng loạt đã đặt ra hàng loạt câu hỏi mới về đạo đức trong chiến tranh và hoà bình, vì việc sử dụng chúng sẽ vi phạm rất nhiều nguyên tắc truyền thống trong lý thuyết chiến tranh chính đáng. Một thiết bị hạt nhân hiệu suất cao không chỉ tiêu diệt các khu vực mục tiêu mà còn tạo ra một lượng bụi phóng xạ đủ để giết chết một số lượng lớn dân cư không nằm trong cuộc xung đột, do đó vi phạm nguyên tắc cân xứng vũ trang và phân biệt đối xử. Các học giả và nhà hoạch định chính sách bây giờ đều đang nỗ lực để xem xét lại học thuyết chiến tranh chính đáng dựa theo thực tiễn chiến lược mới của chiến tranh hiện nay.
TRANH LUẬN: Chiến tranh Iraq có chính đáng hay không? |
Ngày 5 tháng 2 năm 2003, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đã đọc một bài diễn văn dài trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc buộc tội Iraq có những hành vi vi phạm nghĩa vụ giải trừ quân bị của mình theo nghị quyết 1441 của Hội đồng Bảo an. Powell quả quyết, cơ quan tình báo của Mỹ có chứng cứ cho thấy chế độ Saddam Hussein có vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Sau khi nhấn mạnh những mối đe dọa nghiêm trọng mà những vũ khí này có thể gây ra, Powell nhắc nhở cử tọa về sự tàn nhẫn của các nhà lãnh đạo Iraq và cảnh báo rằng Hussein sẽ không “dừng lại trước bất cứ điều gì cho đến khi có thứ gì đó ngăn cản ông ta”.
Trong vài tuần sau đó, tổng thống Mỹ George W. Bush và các thành viên khác trong chính quyền của ông đã nhắc lại lời kết tội này. Ngày 17 tháng 3, Bush khẳng định rằng Iraq “tiếp tục sở hữu và che đậy một số loại vũ khí nguy hiểm nhất đã từng được sáng chế ra” và đe doạ dùng hành động quân sự nếu Saddam Hussein không rời khỏi Iraq trong vòng 48 tiếng. Khi Hussein không tuân theo, Mỹ và các đồng minh đã tiến hành một loạt các cuộc không kích chính xác và rất nhiều cuộc tấn công mặt đất vốn nhanh chóng áp đảo lực lượng phỏng thủ của Iraq. Chính quyền Bush đưa ra 3 lý lẽ cơ bản trong cuộc chiến chống Iraq: (1) Saddam Hussein có vũ khí huỷ diệt hàng loạt; (2) Ông ta có quan hệ mật thiết với mạng lưới khủng bố al Qaeda; và (3) việc lật đổ ông ta tạo cơ hội chuyển đổi Iraq sang chế độ dân chủ, điều này sẽ làm thay đổi bầu không khí chính trị toàn Trung Đông. Tuy nhiên hơn 3 năm sau khi tổng thống tuyên bố thắng lợi ngày 1 tháng 5 năm 2003 trên boong cất cánh của chiến hạm Abraham Lincoln, quân đội Mỹ và đồng minh đã bế tắc trong cuộc giao tranh ác liệt với quân nổi dậy Iraq. Mặc dù dự kiến sẽ được hoan nghênh với lúa và cánh hoa hồng, các lực lượng liên minh lại bị xem như là những kẻ chiếm đóng chứ không phải là giải phóng quân. Trong cuộc thăm dò dư luận được tài trợ bởi Chính quyền lâm thời của liên minh do Mỹ cầm đầu cho thấy hơn 80% những người được hỏi cho biết họ không có lòng tin vào Mỹ từ sau vụ bê bối lạm dụng tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib và muốn Washington rút quân càng sớm càng tốt. Trong khi đó, vũ khí huỷ diệt hàng loạt được nói tới nhiều của Iraq vẫn chưa được tìm thấy và ủy ban điều tra vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 của Mỹ cho biết họ không thể phát hiện ra bất kỳ mối quan hệ cộng tác nào giữa Saddam Hussein và Al Qaeda. Để đáp lại, chính quyền Bush tiếp tục khẳng định rằng cuộc chiến tranh này là chính đáng. Phó Tổng thống Dick Cheney bảo vệ ý kiến rằng dù cho chỉ có 1 phần trăm khả năng các nhóm khủng bố có vũ khí huỷ diệt hàng loạt thì Mỹ vẫn phải hành động như thể điều đó là chắc chắn (Suskind 2006, 62). Theo Cheney, hoạt động quân sự của Mỹ không nên xem bằng chứng xác thực về năng lực và ý định của đối thủ là điều kiện tiên quyết. Bạn nghĩ thế nào? Dựa vào tiêu chuẩn mà các nhà lý thuyết chiến tranh chính đáng đề xuất, bạn có cho rằng cuộc chiến tranh năm 2003 chống Iraq là một cuộc chiến tranh đúng đắn không? Nó có được tiến hành vì mục đích chính đáng và ý định đúng đắn không? Nó có được dùng đến như một phương sách cuối cùng với thẩm quyền cho phép thích đáng hay không? Mục tiêu tốt đẹp mà cuộc chiến tranh hướng tới có lớn hơn thiệt hại gây ra bởi cuộc chiến hay không? Bạn có đồng ý với tuyên bố của Phó tổng thống Dick Cheney rằng rủi ro của Mỹ khi không gây chiến lớn hơn rất nhiều so với rủi ro nếu gây chiến hay không? |
Các vấn đề trong việc kiểm soát chiến tranh bằng luật pháp
Các tổ chức quốc tế và trật tự thế giới
Hội Quốc Liên và an ninh tập thể
Liên Hợp Quốc và công cuộc gìn giữ hòa bình
Các tổ chức an ninh khu vực và phòng thủ chung
Hội nhập quốc tế và Trật tự thế giới
Chính quyền toàn cầu
Hội nhập khu vực
Tóm tắt chương
Bài đọc gợi ý
Download phần còn lại của văn bản tại đây: Con duong hoa binh cua chu nghia tu do va kien tao.pdf
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]