#226 – Cái chết của thần Ares: Xu hướng biến mất của chiến tranh

Print Friendly, PDF & Email

war-to-end-all-wars

Nguồn: Bruno Tetrais (2012).The Demise of Ares: The End of War as We Know It?”, The Washington Quarterly, Vol. 35, No. 3, pp. 7-22.>>PDF

Biên dịch: Dương Mai Hương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: #192 – Xung đột vũ trang trong thế kỷ 21 

Năm 1990, nhà khoa học chính trị người Mỹ John Mearsheimer đã đưa ra dự đoán rằng chúng ta sẽ sớm “thấy nhớ Chiến tranh Lạnh”.[1] Trong những năm tháng sau đó, sự bùng nổ của những cuộc xung đột đẫm máu ở Balkans và châu Phi làm dấy lên nỗi sợ hãi về thời đại của sự hỗn loạn trên phạm vi toàn cầu. Các tác giả như Robert Kaplan và Benjamin Barber đã phổ biến một viễn cảnh bi quan của thế giới, trong đó thế hệ người man rợ mới, được giải thoát khỏi các ràng buộc của sự đối đầu Đông – Tây, sẽ tự do theo đuổi các mối hận thù và đức tin tôn giáo của tổ tiên họ.[2] Các nhà báo James Dale Davidson và William Rees-Mogg còn thêm vào rằng bạo lực sẽ lại nổi lên như một điều tất yếu của cuộc sống.[3] Cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Daniel Patrick Moynihan còn cảnh báo rằng Trái đất sẽ sớm trở thành “địa ngục”.[4]

Những tiên đoán về ngày tận thế này là hoàn toàn sai lầm. Thực tế trong hơn 20 năm qua đã chứng mình điều ngược lại. Các tiêu đề báo chí từ năm 1990 về các cuộc xung đột ở Iraq, Ban-căng, châu Phi và Afghanistan đã che đậy sự thật rằng chiến tranh thật ra đang dần suy giảm: xung đột giữa các nước rất hiếm khi xảy ra, các cuộc nội chiến thì ngày càng ít đi.

Liệu có phải chúng ta đang chứng kiến một thời đại hoà bình tạm thời trước khi chiến tranh trở lại? Hay đây là mở đầu của một xu hướng lâu dài? Bài viết này sẽ lập luận theo huớng thứ hai. Các vấn đề chính trị và xã hội khác nhau có liên quan mật thiết đến, hoặc chính là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm của chiến tranh. Các dự đoán về Thời kỳ Đen tối, về chiến tranh giữa các nền văn minh, chiến tranh về tài nguyên, môi trường đã bị thổi phồng quá mức. Không có nguyên nhân duy nhất nào cả, nhưng tất cả mọi điều đều đang dần chứng mình rằng: chúng ta đang tiến gần đến một thời điểm trong lịch sử mà có thể nói rằng Chiến tranh – thứ luôn được coi là một phần tất yếu của loài người, đã biến mất.

Sự biến mất của chiến tranh: một xu hướng về dài hạn

Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đã có một sự sụt giảm liên tục về số lượng các cuộc xung đột. Nhiều phương pháp khác nhau được sử dụng để định nghĩa “xung đột” nhưng đều cho cùng một kết quả là: số lượng các cuộc chiến đã giảm một nửa so với năm 1990. Một trong những cơ sở dữ liệu được sử dụng rộng rãi nhất là Dự án dữ liệu về xung đột Uppsala (UDCP), được sử dụng trong các cuốn niên giám phát hành bởi Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Theo UDCP, số lượng các cuộc xung đột vũ trang lớn vào năm 1990 là 37, trong năm 2010 là 15 (dữ liệu mới nhất vào tháng 6/2012).[5] Cũng khó để so sánh giữa các năm với nhau bởi UDCP đã thay đổi phương pháp hai lần trong 20 năm qua, nhưng việc tái hiện một loạt các dữ liệu lại cho thấy một xu hướng rõ ràng.

Theo một số liệu khác được sử dụng bởi Trung tâm Hoà bình Hệ thống (CSP), năm 1992, gần 30% các quốc gia đều đã trải qua bạo lực chính trị bằng cách này hay cách khác (1992 là năm cao điểm), thì đến năm 2010, tỉ lệ này đã giảm xuống còn 13%.[6]

Những diễn biến này xuất phát từ việc số lượng các cuộc nội chiến và xung đột nội bộ giảm đi nhanh chóng. Vài người có thể nói rằng đây chính là sự kết thúc một giai đoạn, hoặc sự trở lại trạng thái bình thường như trước đây. Từ Hội nghị Viên 1815 cho đến khi kết thúc Thế chiến thứ II, số lượng các cuộc nội chiến là từ 0-9 cuộc mỗi năm, nhưng lại tăng lên nhanh chóng sau năm 1945.[7] Những cuộc xung đột thời Chiến tranh Lạnh kéo dài nhiều năm và thậm chí là hàng thập kỷ, điều này đồng nghĩa với việc dữ liệu từ năm 1945 – 1990 sẽ cho thấy những con số lớn hơn về các cuộc chiến.[8]

 Hình: Các cuộc xung đột quân sự lớn từ năm 1989

Vui lòng download file để xem hình.

*Chú ý: Phương pháp 1: được sử dụng đến năm 1999; Phương pháp 2: được sử dụng từ năm 1999 đến năm 2007; Phương pháp 3: được sử dụng từ năm 2007. Dữ liệu từ UCDP (Niên giám SIPRI 1990-2011). Số liệu tính theo hàng năm.

Tuy nhiên, đây không phải là xu thế duy nhất mà ta có thể cảm nhận được. Số lượng các xung đột quốc tế (cả “xung đột giữa các nước” hay còn gọi là chiến tranh kiểu cổ điển; và “xung đột ngoài biên giới”, nghĩa là can thiệp chống lại một thế lực phi nhà nước ở nước ngoài) cũng có sự sụt giảm.[9]  Xung đột quốc tế kiểu cổ điển về mặt thực tế đã không còn ở thế giới hiện đại. Tất cả các điều trên đều rất đáng chú ý vì số lượng các quốc gia đã tăng lên gấp ba lần kể từ Thế chiến thứ II. (Điều này có thể dẫn tới một mối liên hệ nhân quả, sẽ được bàn đến sau).

Không có cuộc chiến tranh lớn nào giữa các cường quốc nổ ra từ năm 1939. Điều này vô cùng đặc biệt trong lịch sử hiện đại, trong một thế giới hậu Westphalia. Đã có khoảng 10 đến hơn 20 (tùy vào cách định nghĩa) cuộc chiến như vậy nổ ra trong 70 năm sau Hoà ước 1648, và cũng trong từng đó thời gian sau Hội nghị Viên đã có 5 cuộc chiến như vậy xảy ra.[10] Chúng ta đang sống trong thời đại hoà bình kéo dài lâu nhất trong 5 thế kỷ qua và có thể là dài nhất kể từ thời Đế chế La Mã.[11]

Theo như ghi nhận của giáo sư Steven Pinker trong cuốn sách đầy sức ảnh hưởng của ông mang tên The Better Angels of Our Nature [Những thiên thần tốt đẹp hơn trong bản chất con người chúng ta], chúng ta đang ở đoạn cuối của một quá trình chậm chạp đã bắt đầu từ bốn thế kỷ trước.[12] Số lượng những cuộc chiến lớn giữa các cường quốc dần dần giảm đi. Tính từ Hoà ước Westphalia, tần suất các cuộc chiến chỉ bằng một phần ba so với trong 150 năm trước Hoà ước.[13] Nguời ta đếm được từ chín đến 11 cuộc chiến tranh như vậy từ năm 1700 đến năm 1815, từ hai đến sáu cuộc chiến trong những năm từ 1815 đến 1930, và hai hoặc ba cuộc chiến kể từ năm 1930.[14]

Đây là một điều đặc biệt và là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử loài người. Người ta ước tính, trong thời kỳ tiền sử, hai phần ba số các bộ tộc luôn ở trong tình trạng tranh chấp xung đột và gần 90 phần trăm trong số đó trải qua các cuộc chiến tranh trên diện rộng diễn ra hàng năm.[15] Đến thời kỳ hiện đại: theo một tác giả, trong ít nhất sáu thế kỷ qua, tổng số các cuộc chiến chưa bao thấp như thời điểm hiện tại.[16]  Chiến tranh quốc tế trong phạm vi “hệ thống tập trung” các quốc gia, một điều rất phổ biến từ cuối thế kỷ 15, đã giảm nhanh từ sau năm 1945, và đạt mức thấp kỷ lục sau năm 1990.[17]

Liệu đây có phải là tác động của những cuộc xung đột ngắn hơn nhưng nguy hiểm hơn? Thật ra, chiến tranh đã trở nên căng thẳng hơn, nhưng cũng đồng thời ít đe doạ tính mạng con người hơn. Có một điều chắc chắn rằng, số người chết vì Cuộc chiến tranh 30 năm (1618 – 1648) không thể sánh với tỷ lệ tử vong vì chiến tranh ở châu Âu trong giai đoạn 1914 – 1945.[18] Nhưng xu hướng toàn cầu và dài hạn lại là xu hướng tích cực. Cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn vào thế kỷ thứ 8 đã dẫn đến cái chết cho khoảng hai phần ba dân số của đế chế Trung Hoa.[19] Cho đến tận thế kỷ thứ 17, mất đi một phần ba số dân trong cuộc chiến vẫn chưa phải là một điều quá hiếm hoi đối với một cộng đồng.[20] Trong hai cuộc chiến tranh Thế giới, rất ít các nước (chỉ có Phần Lan và Serbia) mất đi hơn 15 phần trăm dân số. Xu hướng này cũng tăng tốc kể từ đó: số người chết trung bình liên quan đến mỗi cuộc xung đột giảm đi đáng kể.[21] Một câu nói phổ biến là Dân thường là nạn nhân chính của chiến tranh đã hoàn toàn không còn đúng nữa.[22] Trên thực tế, tổng số người chết vì chiến tranh từ năm 1945 đá giàm đi đáng kể (cũng tương tự như vậy đối với số người chết gián tiếp vì chiến tranh).[23]

Các cách lý giải sự suy giảm chiến tranh

Chiến tranh là một hiện tượng phức tạp, đa nguyên nhân và đa diện, và có rất nhiều các yếu tố khác nhau có vai trò trong sự suy giảm này. Các nhà khoa học chính trị đã dành nhiều thời gian tập trung nghiên cứu về việc không có xung đột lớn giữa các cường quốc kể từ năm 1945. Các tác giả như John Lewis Gaddis đã tập trung và cấu trúc của hệ thống quốc tế, khoảng cách địa lý giữa các đối thủ chính, và quan trọng nhất là vai trò của sự răn đe hạt nhân.[24] Nguyên nhân sau cũng làm giảm khả năng xảy ra chiến tranh giữa các cường quốc bé hơn.[25] Tuy nhiên, tất cả các trường phái chính của quan hệ quốc tế – chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa lý tưởng, chủ nghĩa kiến tạo – đều có thể được vận dụng để giải thích sự suy giảm chung của chiến tranh.

Từ năm 1945, một cộng đồng quốc tế dựa trên các quy chuẩn và thể chế đã dần được phát triển. Sự hoà giải, các toà án, các tổ chức, lực lượng gìn giữ hoà bình, sự can thiệp quốc tế và khu vực đã được nhân rộng. Ví dụ như lực lượng gìn giữ hoà bình đã giúp giảm đến 80 phần trăm nguy cơ tái bùng phát nội chiến.[26] “Nghi lễ Hoà giải”, tập trung vào hoà bình trên cơ sở công lý, cũng làm được điều tương tự và đã đi được một chặng đường dài tiến đến chấm dứt các cuộc xung đột nội bộ kéo dài.[27]

Chiến tranh xâm lược đã bị bất hợp pháp hoá: một thành viên của Liên Hợp Quốc không thể bị xoá khỏi bản đồ bằng vũ lực. Bất kể lịch sử phức tạp của Tây Tạng, hay vấn đề gây tranh cãi ở Kashmir, Palestine, Tây Sahara hay bế tắc ở đảo Síp, hiện nay không hề có tình trạng một nước được công nhận độc lập toàn diện bởi cộng đồng quốc tế bị mất hoàn toàn chủ quyền vào tay một thế lực xâm lược nào kể từ năm 1945. Như giáo sư John Mueller nói, “sự ngăn cấm việc xâm lược lãnh thổ đã đạt được thành công đáng ngạc nhiên”. [28] Khi Iraq sáp nhật Kuwait, nó đã dẫn tới sự hình thành của một liên minh quốc tế lớn nhất từng được thành lập, và liên minh đã chiến thắng.

Hơn nữa, từ những năm 1970, tầm quan trọng ngày càng tăng của thương mại đối với nền kinh tế của các nước đã không chỉ làm tăng chi phí cơ hội của các cuộc xung đột, mà còn đẩy mạnh quan hệ và sự hiểu biết lẫn nhau, từ đó tạo điều kiện cho đàm phán và làm giảm thiểu các sai sót chiến lược. Đã từng bị chế nhạo, nhưng ý tưởng về “thương mại nhẹ nhàng” đang dần trở lại.[29] Khối lượng thương mại song phương giữa hai quốc gia càng cao thì càng làm giảm nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang giữa họ với nhau.[30] Mueller đã gọi điều này là sự “Hà Lan hoá” (tức từ bỏ việc theo đuổi quyền lực qua sức mạnh quân sự như Hà Lan thời đầu thế kỷ 18 – NBT) của xã hội quốc tế.[31] Các tác giả cũng đề cập đến hiện tượng “sự mệt mỏi chiến tranh” sau những tàn phá nặng nề của những năm 1914-1945. Tỷ lệ các tranh chấp quốc tế (dù có dẫn đến xung đột vũ trang hay không) so với tổng số các quốc gia đã giảm dần từ Thế chiến thứ hai, trở về tỷ lệ vào giữa thế kỷ 19.[32]

Hơn một thế kỷ trước, nhà văn Ba Lan Jean de Bloch tuyên bố rằng chiến tranh sẽ trở nên lỗi thời vì sự tàn phá ngày càng tăng của nó. Một vài năm sau, tác giả người Anh Norman Angell cho rằng chiến tranh xâm lược sẽ không còn cũng vì các chi phí của chúng. Có thể họ đã bị chế giễu hàng thập kỷ, nhưng cuối cùng họ lại là những người được cười đắc thắng.[33]

Quá trình phi thực dân hoá và sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh cũng góp phần làm giảm một số loại xung đột. Sự suy giảm của các cuộc xung đột “ngoài biên giới” có thể được giải thích bởi sự kết thúc của quá trình phi thực dân hoá, một quá trình đau đớn và đẫm máu, mà hầu như đã kết thúc trước năm 1980. Số các cuộc nội chiến giảm dần từ năm 1989 cũng có những nguyên nhân của nó, nhưng một phần năm của sự suy giảm này là do kết thúc xung đột Đông-Tây, thứ đã đỡ lưng cả về tài chính lẫn ý thức hệ cho rất nhiều các cuộc chiến tranh khu vực và chiến tranh cấp thấp.[34] Ngoài ra, quá trình phi thực dân hoá đã để lại những vùng lãnh thổ rộng lớn không được cai quản, tạm thời trở thành những miếng mồi ngon cho tranh chấp. Từ năm 1990, rất nhiều các “vấn đề dân tộc” đã được giải quyết bởi sự hình thành của các quốc gia mới thông qua tuyên bố độc lập (Namibia), chia tách (Ethiopia, Nam Tư, Liên Xô, Tiệp Khắc, Indonesia, Serbia, Sudan), hoặc từ thống nhất đất nước (Đức, Yemen). Điều này làm giảm số lượng các cuộc nội chiến và xung đột quốc tế: có một sự tỉ lệ nghịch giữa số lượng các quốc gia và nguy cơ chiến tranh quốc tế.[35]

Một bức tranh lớn hơn: Một xã hội loài người mới?

“Những cuộc chiến tranh mới”: một lập luận không thuyết phục

Kết thúc của chiến tranh: Liệu lần này có khác?

………..

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Xu huong bien mat cua chien tranh.pdf

——————

[1] John J. Mearsheimer, ‘‘Why We Will Soon Miss the Cold War,’’ The Atlantic Monthly 266, no. 2 (August 1990), http://mearsheimer.uchicago.edu/pdfs/A0014.pdf.

[2] Robert D. Kaplan, Balkan Ghosts: A Journey Through History (New York: Vintage Books, 1993); Như trên, The Ends of the Earth (New York: Random House, 1996); and Benjamin Barber, Jihad vs McWorld: How the Planet Is Both Falling Apart and Coming Together and What This Means for Democracy (New York: Times Books, 1995).

[3] James Dale Davidson and William Rees-Mogg, The Great Reckoning: How The World Will Change in the Depression of the 1990s (New York: Simon & Schuster, 1991).

[4] Daniel Patrick Moynihan, Pandemonium: Ethnicity in International Politics (New York: Oxford University Press, 1993).

[5] Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI) yearbooks 1990 to 2011, http://www.sipri.org/yearbook.

[6] Center for Systemic Peace, ‘‘Global Conflict Trends,’’ http://www.systemicpeace.org/ conflict.htm.

[7] Human Security Report Project, Human Security Report 2005: War and Peace in the 21st Century, http://www.hsrgroup.org/human-security-reports/2005/overview.aspx.

[8] J. Joseph Hewitt et al., Peace and Conflict 2008 (CIDCM, University of Maryland, 2008).

[9] SIPRI Yearbook 2011.

[10] First Russian-Turkish War (1828—1829), War of Crimea (1853—1856), Austro-Prussian War (1856), French-Prussian War (1870—1871), and the Second Russian-Turkish War (1877—1878).

[11] Steven Pinker, The Better Angels of Our Nature: Why Violence Has Declined (New York: Penguin Group, 2011), pp. 250—252.

[12] Như trên, pp. 224-227.

[13] Bruce Bueno de Mesquita and David Lalman, War and Reason: Domestic and International Imperatives (New Haven: Yale University Press, 1992).

[14] See Geoffrey Blainey, The Causes of War (New York: Free Press, 1988) for the 9, 2, and 2 calculation; see Jack S. Levy, War in the Modern Great Power System 1495—1975 (Lexington: University of Kentucky Press, 1983) for the 11, 6, and 3 calculation.

[15] Lawrence H. Keeley, War Before Civilization: The Myth of the Peaceful Savage (New York: Oxford University Press, 1996).

[16] Peter Brecke, ‘‘Long-Term Patterns of Violent Conflict in Different Regions of the World,’’ paper presented at the Uppsala Conflict Data Conference, Uppsala, Sweden, June 8—9, 2001.

[17] Kalevi J. Holsti, ‘‘The decline of interstate war: pondering systemic explanations,’’ in The Waning of Major War: Theories and Debates, ed. Raimo Va¨yrinen (Routledge: Abingdon, 2006), p. 136.

[18] Pinker, p. 230.

[19] Như trên, p. 195.

[20] Malcolm Potts and Thomas Hayden, Sex and War: How Biology Explains Warfare and Terrorism and Offers a Path to a Safer World (Dallas: BenBella, 2008), p. 172; and Keeley, p. 196.

[21] Human Security Report Project, Human Security Report 2009/2010: The Causes of Peace and the Shrinking Costs of War, http://www.hsrgroup.org/human-security-reports/20092010/overview.aspx.

[22] Adam Roberts, ‘‘Lives and Statistics: Are 90% of War Victims Civilians?’’ Survival 52, no. 3 (June—July 2010).

[23] Human Security Report 2005.

[24] John Lewis Gaddis, The Long Peace (New York: Oxford University Press, 1990).

[25] Robert Rauchhaus, ‘‘Evaluating the Nuclear Peace Hypothesis: A Quantitative Approach,’’ Journal of Conflict Resolution 53, no. 2 (April 2009).

[26] Virginia Page Fortna, Does Peacekeeping Work? Shaping Belligerents’ Choices After Civil War (Princeton: Princeton University Press, 2008).

[27] Pinker, pp. 543—545.

[28] John Mueller, ‘‘War Has Almost Ceased to Exist: An Assessment,’’ Political Science Quarterly 124, no. 2 (Summer 2009): p. 307, http://polisci.osu.edu/faculty/jmueller/THISPSQ.pdf.

[29] Richard N. Rosecrance, The Rise of the Trading State: Commerce and Conquest in the Modern World (New York: Basic Books, 1986); Erik Gartzke and Yonatan Lupu, ‘‘Trading on Preconceptions: Why World War I Was Not a Failure of Economic Interdependence,’’ International Security 4, no. 36 (Spring 2012).

[30] David Sobek, The Causes of War (Cambridge: Polity Press, 2009).

[31] John Mueller, Retreat From Doomsday: The Obsolescence of Major War (New York: Basic Books, 1989), p. 4.

[32] Mark Harrison and Nikolaus Wolf, ‘‘The Frequency of Wars,’’ Warwick Economic Research Paper no. 879, University of Warwick, December 2008, http://www2.warwick.ac.uk/fac/soc/economics/research/workingpapers/publications/twerp_879b.pdf.

[33] Jean de Bloch, The Future of War: In its Technical, Economic, and Political Relations (New York: Garland, 1972 [original published in 1899]); Norman Angell, The Great Illusion (New York: Cosimo, 2010 [original published in 1909]).

[34] Human Security Report 2005.

[35] Holsti, p. 136.