Cách vượt qua khủng hoảng Ukraine

Print Friendly, PDF & Email

XU*7753425

Nguồn: Jean-Marie Guéhenno, “Overcoming the Ukraine Crisis”, Project Syndicate, 13/04/2015.

Biên dịch: Trần Anh Hòa | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Những hồi ức về các cuộc xung đột lớn của thế kỷ 20, từ chủ nghĩa hoà bình những năm 1930 đến đối đầu Chiến tranh Lạnh, đang được khuấy lên, thúc đẩy cả Nga và phương Tây lao vào một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với trật tự toàn cầu và sự ổn định của châu Âu trong 25 năm qua. Đúng như vậy, cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine liên quan đến các cường quốc được trang bị vũ khí hạt nhân và có chi tiêu quân sự chung chiếm gần 2/3 tổng chi tiêu quân sự toàn cầu. Tuy nhiên, lịch sử không cần lặp lại chính nó, miễn là phương Tây có những bước đi nhằm tránh bị mắc kẹt bởi bất kỳ sự leo thang bất ngờ nào.

Can thiệp quân sự của Nga ở miền đông Ukraine đã đẩy Nga vào vị trí vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, theo đó Ukraine từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình để đổi lấy một sự bảo đảm về các đường biên giới của mình bởi Nga, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, và sau này là Trung Quốc và Pháp. Khi bỏ qua luật pháp quốc tế, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi một thông điệp thẳng thừng rằng chỉ có sức mạnh mới là điều quan trọng.

Nga có lẽ đang thắng lợi về mặt quân sự và chiến thuật tại Ukraine, nhưng thành công ngắn hạn này đang che khuất sự yếu kém cơ bản của họ. Sự kết hợp giữa giá cả năng lượng thấp với các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ làm cho Nga khó mà duy trì được chi tiêu quân sự ở mức cao theo thời gian. Thật vậy, Nga thậm chí còn dễ đổ vỡ kinh tế và tài chính hơn so với Liên Xô trước đây. Với một nền kinh tế kém đa dạng và phụ thuộc vào các ngân hàng và công nghệ phương Tây, Nga không thể đơn giản làm ngơ những thứ mình không kiểm soát được.

Vì lẽ đó, ba thành viên thường trực phương Tây (Pháp, Anh, và Mỹ) của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cùng với Đức và Liên minh châu Âu, cần phải bổ nhiệm một đặc sứ cao cấp duy nhất để dàn xếp liên tục và thầm lặng với Ukraine, NATO và Putin. “Khuôn khổ Normandy” hiện tại (Nga, Ukraine, Đức và Pháp) rõ ràng là không đủ.

Chương trình nghị sự dành cho các tiếp xúc như vậy phải bắt đầu với việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn Minsk lần thứ hai ký vào hồi tháng Hai, gồm phi quân sự hóa và giám sát đầy đủ ở miền đông Ukraine, cũng như thỏa thuận về một khuôn khổ dành cho các cuộc bầu cử địa phương. Mối quan ngại của Nga về việc các thể chế phương Tây mở rộng về phía Đông thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh cũng cần được cân nhắc, ngay cả khi chúng không nhất thiết được giải quyết. NATO cần tuyên bố rõ rằng Ukraine sẽ không trở thành một thành viên của mình, trong khi EU cần để ngỏ khả năng gia nhập của Ukraine như một sự khuyến khích đối với tiến trình cải cách trong nước.

Các đối tác phương Tây của Ukraine cũng nên thúc đẩy các cuộc tiếp xúc không chính thức, trực tiếp, giữa chính phủ Ukraine và các chủ thể khác ở miền đông Ukraine mà hiện đang được gọi là “phần tử ly khai.” Điều này sẽ khởi đầu việc xây dựng lòng tin, tạo thuận lợi cho một cách dàn xếp phi tập trung hoá (liên bang hóa – NHĐ) trong tương lai. Đồng thời, phương Tây phải khôi phục sự ủng hộ về kinh tế mạnh mẽ hơn cho Ukraine và các cải cách chống tham nhũng của nước này, đồng thời cũng phải bảo đảm rằng các khoản viện trợ và thương mại đó tới được những vùng do các lực lượng “ly khai” kiểm soát.

Các thành viên của liên minh phương Tây, nhất là tại châu Âu, phải tiến hành các cải cách của riêng họ. Đặc biệt, họ cần phải giảm bớt đòn bẩy chiến lược mà Putin có được do sự phụ thuộc của châu Âu vào các nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Để làm như vậy đòi hỏi việc lập ra một chính sách năng lượng chung thực sự chia sẻ rủi ro, các nguồn dự trữ, và cơ sở hạ tầng.

Những điều nói trên không có nghĩa rằng phương Tây phải loại bỏ việc cung cấp và huấn luyện quân sự; nhưng họ phải làm như vậy một cách thận trọng và để hỗ trợ một tiến trình chính trị. Cả Ukraine lẫn phương Tây đều không có lợi gì từ việc leo thang xung đột – một điểm đáng nhấn mạnh nếu xét đến cuộc tranh luận trong và ngoài giới hoạch định chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong những tháng gần đây về việc liệu có nên cung cấp viện trợ vũ khí gây sát thương cho chính phủ Ukraine hay không.

Điều mà NATO có thể và nên làm – một cách minh bạch – là mở rộng quy mô hỗ trợ quân sự mang tính phòng thủ cho các thành viên ở gần Nga. Phương Tây cũng sẽ có lợi khi củng cố các nền kinh tế và các thể chế nhà nước của “các nước nằm gần” Nga chống lại sự bất ổn.

Hiện tại, các biện pháp trừng phạt chống lại Nga nên được duy trì cho đến khi hòa bình được vãn hồi. Nếu Nga không đảo ngược phương hướng hành động, cần nhấn mạnh vào cái gọi là các biện pháp “trừng phạt thông minh” nhằm vào các mục tiêu cá nhân và các thực thể cụ thể, không phải là nhân dân Nga.

Nếu tình hình Ukraine cuối cùng có thể được phi quân sự hoá, và Nga đưa ra được bằng chứng thuyết phục về việc sẵn sàng giải quyết những bất bình của mình bằng phương tiện chính trị, phương Tây nên trao cho Nga các cơ hội tái can dự có ý nghĩa. Điều này có thể xảy ra thông qua các khuôn khổ như Tổ chức Thương mại Thế giới, nhóm G-8, và nhất là Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, một tổ chức xuyên châu lục nên được hồi sinh.

Nga không nên bỏ lỡ cơ hội để đạt được một thỏa hiệp với phương Tây. Kremlin tuyên bố quan hệ đối tác với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc mạnh hơn Nga và chia sẻ rất ít lợi ích cốt lõi với Nga. Về đối nội, Nga đạt được “thành công” ở Chechnya bằng cách trao quyền cho một thủ lĩnh quân sự, người không phải hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của Nga. Kremlin nên xem lại tình hình ở miền đông Ukraine – một lãnh thổ khác có lực lượng dân quân cai quản và không ổn định, nơi đã tạo ra dòng người tị nạn chảy vào phía tây nước Nga – như là một mối đe dọa tương tự.

Sau cuộc xung đột ở Ukraine, phương Tây cũng sẽ cần phải lấy lại uy tín của mình. Nhiều người Nga chỉ rõ hành động quân sự của phương Tây trước đây – qua mặt Liên Hợp Quốc ở Kosovo, Iraq và Libya, chẳng hạn – là bằng chứng cho các tiêu chuẩn kép của phương Tây. Quan điểm đó cũng nhận được sự ủng hộ bên ngoài nước Nga.

Trung Quốc và các cường quốc khác cần được thuyết phục để ủng hộ các dàn xếp an ninh tập thể và giúp Nga và các nước phương Tây xuống thang cuộc khủng hoảng. Sự thách thức các chuẩn mực sau năm 1945 hiện đang diễn ra ở Ukraine cũng là một mối đe dọa đối với họ, và sự can dự của họ là rất cần thiết để gìn giữ hòa bình và an ninh toàn cầu.

Jean-Marie Guéhenno, cựu phó Tổng thư ký phụ trách gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, là Chủ tịch và Tổng giám đốc điều hành Nhóm Khủng hoảng Quốc tế và là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản The Fog of Peace: A Memoir of International Peacekeeping in the 21st Century (Làn sương mù của hoà bình: Ký sự về việc gìn giữ hòa bình quốc tế trong thế kỷ 21).