Tranh luận về đường hướng tương lai quân đội Trung Quốc

photo 3

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Trong suốt một thập kỷ vừa qua, các học giả, các nhà hoạch định chính sách và quan chức Trung Quốc đã tranh luận về năng lực và định hướng trong tương lai của quân đội nước này. Có hai trường phái, một trường phái cho rằng quân đội Trung Quốc nên phát triển tham vọng quân sự toàn cầu nhằm cạnh tranh với Hoa Kỳ. Trường phái khác lại cho rằng, mặc dù các hành động gây hấn đã và đang gia tăng trong những năm vừa qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc phát triển quân đội nhằm mục tiêu ổn định nội bộ đất nước.

Trong một bài viết mới đây trên The National Interest, Giáo sư Oriana Skylar Mastro thuộc Đại học Georgetown đã đưa ra một ý kiến khác. Quân đội Trung Quốc (PLA) sẽ không cố gắng đạt được năng lực tấn công và chiếm giữ như Hoa Kỳ, nhưng sẽ phát triển các chiến lược viễn dương với những mục tiêu cụ thể cùng một khả năng triển khai lực lượng phù hợp. Trong một thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ phát triển những năng lực cho phép quân đội có thể bảo vệ lợi ích của quốc gia ở nước ngoài, ví dụ như di tản kiều dân, bảo vệ các tài sản quốc gia ở nước ngoài, hay các năng lực đủ để đe doạ, ép buộc, hay trừng phạt các quốc gia khác. Có ba lý do chính để Bắc Kinh theo đuổi xu hướng chính sách này:

Thứ nhất, trong tương lai gần, các lợi ích về mặt kinh tế sẽ định hướng năng lực triển khai lực lượng viễn dương của PLA. Khoảng 20,000 công ty Trung Quốc đang hoạt động ở hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, và các cơ sở này cần được bảo vệ. Thêm vào đó, Bắc Kinh cũng đã đầu tư 60 tỷ USD ở nước ngoài (số liệu năm 2011), con số gấp 20 lần năm 2005. Các tài sản liên quan tới năng lượng và bất động sản rất dễ bị ảnh hưởng (bị đập phá hay bị tịch thu) khi có bất ổn xảy ra. Nhu cầu về đầu tư tăng, độ rủi ro cũng tăng lên tương ứng. Đây sẽ là động cơ rất lớn để Trung Quốc phát triển khả năng viễn dương.

Thứ hai, số lượng lao động Trung Quốc đang làm việc ở nước ngoài gia tăng, đặc biệt tại các khu vực bất ổn như Trung Đông và Châu Phi. Tính đến tháng 5 năm 2014, 98 triệu chuyến đi ra nước ngoài của công dân Trung Quốc đã được ghi nhận. Con số này tới năm 2020 sẽ đạt 150 triệu. Và các công dân hải ngoại này hy vọng sẽ được chính phủ đảm bảo an toàn khi làm việc tại nước ngoài, khiến cho áp lực lên chính phủ sẽ ngày càng tăng. Các nỗ lực bảo hộ công dân hiện tại chủ yếu vẫn dựa vào Bộ Ngoại giao, vốn đang chịu áp lực quá tải với tỷ lệ 190,000 công dân/nhân viên lãnh sự (con số này gấp 13 lần Nga và 15 lần so với Nhật Bản).

Thứ ba, mong muốn của giới lãnh đạo trong việc tạo ra một hình ảnh quốc tế tích cực hơn cũng là một nhân tố thúc đẩy việc phát triển năng lực viễn dương. Các mong muốn ngày càng gia tăng từ cộng đồng quốc tế về một Trung Quốc có trách nhiệm hơn có thể tạo ra sự ủng hộ cần thiết cho mục tiêu này. Một lực lượng quân đội Trung Quốc với khả năng triển khai quân hiệu quả sẽ giúp ích rất nhiều cho các hoạt động gìn giữ hoà bình, hỗ trợ nhân đạo hay ứng cứu thảm hoạ. Những mong muốn mang tính tích cực như vậy có thể tạo ra những lý do chính đáng và không mang yếu tố đe doạ với mục tiêu phát triển khả năng viễn dương, đồng thời làm dịu đi những phản ứng tiêu cực ở tầm khu vực.

Quan điểm như trên rất đáng chú ý. Theo Oriana S. Mastro, quân đội Trung Quốc trong thời gian tới sẽ phát triển hải quân theo hướng tập trung hiển dương “sức mạnh mềm”. PLA sẽ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các nhiệm vụ giúp tăng cường hình ảnh của Trung Quốc như một nước lớn có trách nhiệm: điển hình như các nhiệm vụ chống cướp biển, tìm kiếm cứu nạn hay hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai với những lý do như đã liệt kê ở trên: kinh tế, áp lực trong nước cũng như mong muốn của giới lãnh đạo.

Quan điểm này góp phần làm phong phú thêm cuộc tranh luận về quân đội Trung Quốc hiện nay. Một quan điểm khác, theo Robert Ross, lý do Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hiện đại hoá không quân và hải quân chính là chủ nghĩa dân tộc. Nếu ai đã từng đọc qua cuốn sách Giấc mơ Trung Hoa của Lưu Minh Phúc thì sẽ thấy tư tưởng nước lớn cùng tham vọng bá chủ – những thành tố châm ngòi mạnh mẽ cho chủ nghĩa dân tộc – là động cơ thúc đẩy Trung Quốc xây dựng nên một quân đội mạnh mẽ để cạnh tranh với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cảm tình không thôi thì không đủ để có thể xây dựng được một quân đội cùng khả năng viễn dương hùng mạnh, Hoa Kỳ cũng không thể mãi là một bình phong. Ở đây, chi phí và lợi ích sẽ phải được tính toán một cách cụ thể, dựa trên một chiến lược hải quân toàn diện và hiệu quả. Một bước đi sai lầm sẽ mang lại cái giá rất lớn.

Quan điểm của Oriana S. Mastro bổ sung thêm cho ý kiến của Andrew S. Enrikson, khi ông cho rằng Bắc Kinh phát triển hải quân của mình đồng thời theo hai xu hướng có vẻ mâu thuẫn với nhau. Tại Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc thách thức các nước láng giềng và thúc đẩy gia tăng chi phí quốc phòng, tuy nhiên đồng thời lại thúc đẩy ổn định tại các vùng nước xa hơn nơi mà hải quân nước này chưa có khả năng triển khai một cách mạnh mẽ. Câu hỏi mà Andrew nêu ra là: liệu hai xu hướng song song nhưng đối nghịch này có thể tồn tại được trong tương lai hay không?