Vai trò lãnh đạo toàn cầu mới của Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

china_and_us_flag__130304062631

Nguồn: Jeffrey D. Sachs, “China’s New Global Leadership”, Project Syndicate, 21/11/2014.

Biên dịch: Nguyễn Thanh Thảo | Hiệu đính: Trần Tuấn Minh

Tin tức kinh tế quan trọng nhất trong năm nay đến không quá bất ngờ: Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo như thông tin từ những chuyên gia của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF). Và trong khi vị thế địa chính trị của Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng cùng với tiềm lực kinh tế to lớn của nó, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục phung phí vai trò lãnh đạo thế giới của mình, vốn xuất phát từ sự tham lam vô tội vạ của giới thượng lưu kinh tế và chính trị trong nước cũng như bị mắc vào cái bẫy tự tạo trong cuộc chiến triền miên ở Trung Đông.

Theo IMF, GDP của Trung Quốc sẽ đạt 17,6 nghìn tỉ đô la trong năm 2014, vượt qua tổng sản lượng của nền kinh tế Mỹ là 17,4 nghìn tỉ đô la. Tất nhiên, do dân số Trung Quốc đông hơn gấp bốn lần dân số của Hoa Kỳ, cho nên thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc (GDP)  (ở mức 12.900 đô la), vẫn chưa bằng một phần tư mức của Hoa Kỳ với 54.700 đô la, điều này chứng tỏ Hoa Kỳ vẫn có mức sống cao hơn rất nhiều so với Trung Quốc.

Sự vươn lên của Trung Quốc là quan trọng (đối với tương lai), nhưng nó cũng báo hiệu cho một sự quay trở lại của Trung Quốc. Rốt cuộc, Trung Quốc đã là nước đông dân nhất thế giới kể từ khi trở thành một đất nước thống nhất hơn 2.000 năm trước, vì vậy cũng không có gì khó hiểu khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thật vậy, bằng chứng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc (xét trên sức mua tương đương) đã lớn hơn bất cứ nền kinh tế nào trên thế giới mãi đến khoảng năm 1889, khi Hoa Kỳ vượt qua Trung Quốc. Giờ đây, 125 năm sau, tình thế đã đảo ngược một lần nữa khi nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng và kéo dài hàng thập kỷ qua.

Đi cùng với sự gia tăng quyền lực kinh tế là sự mở rộng về quyền lực địa chính trị. Những nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn được tiếp đón trên khắp thế giới. Nhiều nước châu Âu đang coi Trung Quốc như là chìa khóa để đẩy mạnh tăng trưởng trong nước. Những nhà lãnh đạo châu Phi xem Trung Quốc như là đối tác tăng trưởng thiết yếu mới của họ, đặc biệt trong vấn đề phát triển kinh doanh và cơ sở hạ tầng.

Tương tự như vậy, các chiến lược gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp ở Mỹ Latinh giờ đây cũng xem Trung Quốc chí ít cũng ngang ngửa với Hoa Kỳ. Trung Quốc và Nhật Bản có vẻ như đang có những bước xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn sau một thời gian dài căng thẳng giữa hai nước. Thậm chí Nga gần đây cũng “nghiêng” về phía Trung Quốc,  thiếp lập mối liên kết ngày càng bền chặt ở nhiều mặt bao gồm năng lượng và vận tải.

Giống như Hoa Kỳ sau Thế chiến II, Trung Quốc hiện đang đặt cược một khoảng tiền khổng lồ nhằm xây dựng và thiết lập những liên kết  kinh tế và cơ sở hạ tầng mạnh mẽ với các nước trên toàn thế giới. Điều này cho phép các nước khác thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng của họ đồng thời  củng cố vị thế lãnh đạo kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc trên quy mô toàn cầu.

Số lượng sáng kiến của Trung Quốc thật đáng kinh ngạc. Chỉ trong năm qua, Trung Quốc đã triển khai bốn dự án khổng lồ hứa hẹn sẽ mở rộng đáng kể vai trò của Trung Quốc trong thương mại và tài chính thế giới. Trung Quốc tham gia cùng với Nga, Braxin, Ấn Độ, và Nam Phi trong việc thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank) đặt trụ sở tại Thượng Hải.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á, có trụ sở đặt tại Bắc Kinh, được thành lập nhằm hỗ trợ tài chính cho những dự án cơ sở hạ tầng (đường bộ, năng lượng, đường sắt, cùng với những dự án khác…) rộng khắp khu vực. Vành đai Con đường Tơ lụa Mới (The New Silk Road) nối liền Trung Quốc với những nền kinh tế Đông Á, Nam Á, Trung Á, và Châu Âu thông qua một mạng lưới đường sắt mở rộng, đường cao tốc, đường ống dẫn năng lượng, đường cáp quang, và các con đường liên thông khác. Và con đường Tơ lụa trên biển (Maritime Silk Road) mới của thế kỷ 21 được hướng đến mục tiêu nhằm thúc đẩy thương mại trên biển ở Đông Á và Ấn Độ Dương.

Tất cả cho thấy một điều, những sáng kiến trên của Trung Quốc có vẻ sẽ trở thành đòn bẩy kinh tế giúp Trung Quốc rót hàng trăm tỉ đô la đầu tư vào các quốc gia đối tác trong suốt thập niên tiếp theo, qua đó đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ở những nước này đồng thời làm cho các quốc gia đối tác lệ thuộc sâu sắc vào những mối liên kết tài chính, thương mại, và sản xuất với Trung Quốc

Không gì có thể đảm bảo tất cả sự dự liệu đó sẽ thành công hoặc sẽ tiến triển một cách suôn sẻ. Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức nội tại to lớn, bao gồm sự bất bình đẳng trong thu nhập ngày càng tăng, ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nhu cầu phải chuyển sang nền kinh tế sạch (thải ít các-bon), cũng như phải đối mặt với những rủi ro về sự bất ổn của thị trường tài chính vốn đã từng làm điêu đứng Hoa Kỳ và Châu Âu. Và nếu Trung Quốc trở nên quá hung hăng với các nước láng giềng – ví dụ như bằng cách đòi hỏi quyền kiểm soát dầu mỏ hoặc lãnh thổ ở những vùng biển có tranh chấp – nó sẽ tạo ra một loạt những phản ứng ngoại giao hết sức nghiêm trọng.  Ít ai có thể dám hình dung rằng hành trình của Trung Quốc (hay bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới) sẽ suôn sẻ trong những năm tới đây.

Dù vậy, một điều đáng kinh ngạc là trong khi Trung Quốc đang phát triển cả về mặt kinh tế và địa chính trị thì Hoa Kỳ có vẻ như đang làm mọi thứ có thể để phí phạm những lợi thế kinh tế, công nghệ và địa chính trị của mình. Hệ thống chính trị của Hoa Kỳ đã và đang bị chi phối bởi sự tham lam  của giới thượng lưu giàu có trong nước mà mục tiêu hạn hẹp của họ là nhằm cắt giảm mức thuế cá nhân và thuế doanh nghiệp, tối đa hóa tài sản cá nhân kếch xù của họ, và cản trở sự lãnh đạo mang tính xây dựng của Hoa Kỳ đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu.  Họ khinh rẻ sự hỗ trợ của Hoa Kỳ ra bên ngoài đến mức sẵn sàng mở rộng cánh cửa cho Trung Quốc đảm nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới trên lĩnh vực tài trợ phát triển.

Tệ hơn nữa, trong khi Trung Quốc đang củng cố vị thế chính trị của mình thì chính sách đối ngoại duy nhất hiện nay mà Hoa Kỳ đang theo đuổi là cuộc chiến vô nghĩa và triền miên ở Trung Đông. Hoa Kỳ không ngừng làm cạn kiệt năng lượng và các nguồn lực của mình ở chiến trường Syria và Iraq  theo cùng một lối mòn đã từng diễn ra ở chiến tranh Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc đã tránh bị sa lầy bởi những thất bại quân sự thảm hại ở nước ngoài, thay vào đó, họ tập trung sâu rộng vào những dự định kinh tế cùng có lợi cho tất cả các bên.

Sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể đóng góp lớn cho phúc lợi toàn cầu nếu những nhà lãnh đạo Trung Quốc chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lượng xanh, y tế công cộng, và những ưu tiên quốc tế khác. Tuy vậy, thế giới cũng sẽ tốt đẹp hơn nếu như Hoa Kỳ tiếp tục lãnh đạo thế giới trên tinh thần xây dựng bên cạnh Trung Quốc. Tuyên bố gần đây của Tổng thống Barack Obama và Tập Cận Bình trong khuôn khổ thỏa thuận song phương về biến đổi khí hậu và năng lượng xanh cho ta thấy những gì tốt nhất có thể. Trong khi đó, cuộc gây chiến triền miên của Hoa Kỳ ở Trung Đông lại cho thấy điều tồi tệ nhất.

Jeffrey D. Sachs là Giáo sư về Phát triển bền vững, Chính sách và Quản lý Y tế, và là Giám đốc Viện Địa Cầu tại Đại học Columbia. Ông cũng đồng thời là Cố vấn đặc biệt cho Tổng Thư kí Liên hiệp Quốc về Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Những quyển sách mà ông đã viết bao gồm quyển Kết thúc của đói nghèo và sự thịnh vượng chung (The End of Poverty và Common Wealth).