Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Cấp độ phân tích là thuật ngữ xuất hiện trong nghiên cứu quan hệ quốc tế vào tháng 04 năm 1960 khi David Singer bình luận về cuốn sách của Keneth Waltz có tựa đề Con người, Nhà nước và Chiến tranh (Man, the State, and War) xuất bản năm 1959. Sau đó, David Singer đã phát triển ý tưởng này trong một bài báo đăng trong tạp chí World Politics vào năm 1961.
Về cơ bản, Singer cho rằng trong bối cảnh các nghiên cứu, ấn bản và tài liệu về quan hệ quốc tế đang nở rộ thời kỳ bấy giờ, các nhà nghiên cứu cần hiểu rõ các đơn vị phân tích trong các nghiên cứu của mình. Chính vì vậy, trong bài viết bình luận về cuốn sách của K. Waltz, Singer đề cập đến hai cấp độ phân tích vi mô và vĩ mô, còn trong bài viết đăng trên tạp chí World Politics Singer phát triển ba cấp độ phân tích do K. Waltz đề ra, đó là cấp độ cá nhân, cấp độ quốc gia và cấp độ hệ thống quốc tế. Đây cũng là ba cấp độ phân tích được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu quan hệ quốc tế cho đến ngày nay.
Một thực tế có thể nhận thấy đó là mặc dù vũ đài chính trị quốc tế bị chi phối bởi các chủ thể chủ chốt là các quốc gia – dân tộc, nhưng điều này không có nghĩa rằng cấp độ quốc tế là cấp độ phân tích phù hợp duy nhất giúp chúng ta hiểu rõ nền chính trị thế giới. Ngược lại, hành vi của các quốc gia trong quan hệ quốc tế cũng có thể được giải thích bởi tác động của các quy trình chính trị trong nước với sự tương tác giữa các nhóm hoặc thể chế trong nội bộ một nhà nước (cấp độ quốc gia), hay bởi hành vi của các cá nhân cụ thể trong những nhóm hoặc thể chế đó (cấp độ cá nhân).
Cấp độ phân tích hệ thống quốc tế là cách tiếp cận từ trên xuống, xuất phát từ quan điểm cho rằng các quốc gia và các chủ thể quan hệ quốc tế khác vận hành trong một hệ thống kinh tế chính trị xã hội toàn cầu mà ở đó các đặc điểm cụ thể của hệ thống góp phần quyết định mô thức tương tác giữa các chủ thể. Các nhà phân tích dựa trên cấp độ hệ thống cho rằng bất cứ hệ thống nào cũng vận hành theo những cách thức có thể dự đoán được ở một mức độ nhất định, với những xu hướng hành vi mà các chủ thể thường tuân theo.
Ở cấp độ quốc gia, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh thực tế rằng các nhà nước và các quy trình chính trị nội bộ của họ đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình quan hệ quốc tế. Cách tiếp cận này tập trung vào các yếu tố ít mang tính khái quát như cách tiếp cận vĩ mô phân tích hệ thống quốc tế, và cũng ít chi tiết hơn cách tiếp cận vi mô dựa vào các phân tích ở cấp độ cá nhân. Theo đó, cách tiếp cận này phân tích vai trò của sự tương tác giữa các chủ thể chính trị trong nước như các cơ quan hành pháp, lập pháp, các nhóm lợi ích đối với chính sách đối ngoại của một quốc gia.
Cuối cùng, cấp độ phân tích cá nhân tập trung vào vai trò của các chủ thể cá nhân trên chính trường quốc tế. Cách tiếp cận này xác định các đặc điểm của quy trình ra quyết định chính sách của con người, vốn hết sức phức tạp và bao gồm các công đoạn như thu thập thông tin, xử lý thông tin, thiết lập các mục tiêu chính sách, xem xét các lựa chọn và cuối cùng là đưa ra lựa chọn chính sách. Vai trò của cá nhân con người đối với chính trị thế giới theo đó thể hiện ở ba phương diện: bản chất con người, hành vi tổ chức và đặc điểm cá nhân. Trong đó các phân tích về bản chất con người tìm hiểu cách thức mà các bản chất của con người, như lòng tham, tính tự tôn, ích kỷ … tác động tới các quyết định mà con người đưa ra như thế nào. Hành vi tổ chức xem xét cách thức con người tương tác với nhau như thế nào trong bối cảnh một tổ chức, ví dụ như một nhóm các nhà hoạch định chính sách, và tác động của sự tương tác đó đối với các chính sách. Trong khi đó các đặc điểm cá nhân tìm hiểu cách thức mà những đặc điểm riêng biệt của từng nhà hoạch định chính sách, như sở thích, tôn giáo, sắc tộc, xu hướng tư tưởng… tác động tới các chính sách đối ngoại mà người đó đưa ra.
Việc ưu tiên cấp độ phân tích nào trong việc lý giải chính trị quốc tế tùy thuộc vào vấn đề và cách tiếp cận của nhà phân tích. Ví dụ, khi phân tích nguồn gốc chiến tranh theo ba cấp độ cá nhân, quốc gia và hệ thống quốc tế, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy chiến tranh bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau và nằm ở những cấp độ khác nhau, liên quan tới con người, các quốc gia cũng như toàn bộ hệ thống quốc tế.
Nếu xét ở cấp độ hệ thống quốc tế, các nhà hiện thực cho rằng chính sự thay đổi cán cân quyền lực giữa các quốc gia trong một cấu trúc hệ thống vô chính phủ là nguyên nhân dẫn tới tình trạng cạnh tranh, chạy đua vũ trang, mất an ninh và cuối cùng là xung đột, chiến tranh giữa các quốc gia.
Ở cấp độ quốc gia, hay nói cách khác là chính trị trong nước, chúng ta có thể thấy rằng các nhà nước mặc dù là chủ thể danh nghĩa trong hệ thống quốc tế nhưng hành vi của các nhà nước bị chi phối bởi hành động và sự tương tác của các chủ thể chính trị trong nước, như bộ máy hành pháp, lập pháp, các đảng phái chính trị, các nhóm lợi ích, các giới và giai cấp… Vì vậy chiến tranh có thể được tiến hành nhằm phục vụ lợi ích hay thỏa mãn sức ép của một chủ thể nào đó trong nền chính trị nội bộ của đất nước. Trong trường hợp này một ví dụ tiêu biểu chính là các cuộc chiến tranh xâm chiếm thuộc địa mà các quốc gia thực dân phát động nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường, khai thác tài nguyên của các giới chủ tư bản trong nước.
Cuối cùng, ở cấp độ cá nhân, lịch sử cũng đã chứng minh trong nhiều trường hợp hành vi của các quốc gia xuất phát từ các hành động và sự tương tác của các cá nhân, ví dụ như các nguyên thủ quốc gia. Các cuộc chiến tranh theo đó có thể được tiến hành nhằm thỏa mãn những khát vọng quyền lực của con người. Trong nhiều trường hợp, chiến tranh chính là hậu quả của những ảo tưởng, quan điểm, sở thích cá nhân, hay tính toán sai lầm của các nhà lãnh đạo, mà cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai với vai trò cá nhân của Adolf Hitler là một ví dụ điển hình.
Mặc dù vẫn còn nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề cấp độ phân tích nào là phù hợp nhất, tuy nhiên có một điều mà đa số các nhà nghiên cứu tán đồng, đó chính là vai trò hữu ích của các cấp độ phân tích. Các cấp độ phân tích giúp chúng ta định hướng các câu hỏi nghiên cứu và gợi ý cho chúng ta những dạng chứng cứ phù hợp để tìm hiểu. Các cấp độ phân tích cũng giúp nhà nghiên cứu xem xét một vấn đề một cách toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Việc áp dụng các cấp độ phân tích vì thế nên trở thành một thói quen tốt của các nhà nghiên cứu nhằm hạn chế các nhận định mang tính chất cảm tính, phiến diện khi xem xét các vấn đề quan hệ quốc tế.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).