Thoát Trung hay thoát chính mình?

ChinaVietnamProtest-621x343

Tác giả: Trần Văn Thành

Không phải sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa của Việt Nam và làn sóng phản đối Trung Quốc bùng nổ mạnh mẽ ở trong nước và ngoài nước thì chúng ta mới đặt ra vấn đề “tránh lệ thuộc vào Trung Quốc” hay “Thoát Trung” như cách thường gọi của người Việt. Tuy nhiên, nói thì dễ nhưng hành động thực tế thì khó khăn hơn nhiều. Việt Nam nằm ngay cạnh Trung Quốc, chúng ta không thể mang nước mình đi đặt ở vị trí khác mà chỉ có cách cùng chung sống hòa bình với họ. Và không phải muốn “Thoát Trung” là “thoát” được ngay. Tuy nhiên, nếu không hành động một cách khẩn trương và quyết liệt thì việc có nguy cơ lệ thuộc vào Trung Quốc ngày một trầm trọng hơn, từ đó kéo theo những hệ lụy khác là khó tránh khỏi.

Bài viết này tập trung phân tích một số nguyên nhân Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc và đề xuất một số giải pháp khắc phục.

  1. Tại sao lệ thuộc và tại sao phải “Thoát Trung”?

Trong xu hướng hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, có quan niệm cho rằng khái niệm “Thoát Trung” dường như không phù hợp và không nên đặt ra. Mỗi nước, dù lớn hay nhỏ đều phải “nương tựa” vào nhau để cùng chung sống và phát triển. Tuy nhiên, thực tế mối quan hệ Việt – Trung lại mang những sắc thái tế nhị, khó nói. Tại sao như vậy?

Trở lại cuộc đấu tranh giành độc lập (kháng chiến chống Pháp, Mĩ) của dân tộc ta, Trung Quốc là một trong những nước hỗ trợ Việt Nam nhiều nhất. Chẳng hạn, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Trung Quốc giúp xây dựng một trung đoàn lựu pháo 105 li (tháng 7/1951), tiếp nhận một số pháo cao xạ 37 li (năm 1951), súng cối 120 li (năm 1952).[1]

Người Việt Nam có truyền thống coi trọng tình nghĩa: “Một miếng khi đói bằng cả gói khi no”. Trong thời điểm cách mạng Việt Nam còn khó khăn, sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa nói chung, Trung Quốc nói riêng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Mối quan hệ Việt – Trung thời kì này: “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Trong tâm trí của thế hệ người Việt Nam trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ vẫn còn sâu đậm những tình cảm đó.

Tuy nhiên, trong lò than hồng thì không phải mọi viên than đều có màu đỏ, xen giữa những gì tốt đẹp vẫn có những toan tính rất sâu xa mà không phải ai cũng có thể cảm nhận hết được. Ngày 4 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã công khai tuyên bố với quốc tế quyết định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lí kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm cả quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Sau đó, ngày 14/9/1958, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng gửi Công thư cho Thủ tướng Chu Ân Lai. Chính vì lí do đó, Trung Quốc thường viện dẫn Công thư Phạm Văn Đồng để tuyên bố Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, họ còn trích dẫn sách giáo khoa xuất bản trước năm 1975 ở miền Bắc nước ta cũng không có các quần đảo này. Đây là chiến thuật “khua chiêng gõ mõ” và “lập lờ đánh lận con đen” chỉ riêng Trung Quốc mới nghĩ ra nhưng tạo ra hiệu ứng “Tăng Sâm giết người”[2] rất nguy hiểm. Và mỗi khi Trung Quốc yếu thế, họ lại sử dụng. Điều này cũng gây cho Việt Nam những khó khăn nhất định.

Ngày 19/01/1974, lợi dụng bối cảnh Mỹ dần rút ra khỏi cuộc chiến tại Việt Nam, nước ta đang diễn ra cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, Trung Quốc đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngày 17/02/1979, lấy cớ bảo vệ Hoa kiều và tuyên truyền “Việt Nam phản bội”, Trung Quốc tiến hành chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc của Việt Nam. Trong 18 ngày, Trung Quốc đã xua 60 vạn quân xâm lược các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, gây ra biết bao đau thương cho dân tộc vốn đã phải chịu nhiều tổn thất của chiến tranh giành độc lập kéo dài. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Bắc Kinh lại mị dân bằng những lời tuyên truyền kiểu như  “phải dạy cho Việt Nam một bài học”.[3]

Ngày 14/3/1988, lợi dụng Việt Nam rơi vào khủng hoảng kinh tế xã hội, Liên Xô suy thoái, Trung Quốc đã xâm chiếm đảo Gạc Ma và một số bãi đá ngầm trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố: “Các tàu Trung Quốc đang thả neo để yểm trợ cho tàu chở đoàn các nhà khoa học Liên Hiệp Quốc đi khảo sát khoa học tại Trường Sa thì bị các tàu chiến của Việt Nam tấn công”.[4] Sự thực, chẳng có đoàn nhà khoa học nào mà chỉ có tàu quân sự Trung Quốc nổ súng bắn tàu Việt Nam.

Như vậy, mối quan hệ láng giềng “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, “môi hở, răng lạnh” với Trung Quốc không phải luôn tốt đẹp. Mặt khác, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường “nói một đằng, làm một nẻo”, không nhất quán trong phát ngôn và hành động. Đứng trước bối cảnh đó, nếu Việt Nam nhất nhất nghe và tin lời Trung Quốc thì chẳng khác nào “trao nỏ thần vào tay giặc”.[5]

Đã đến lúc phải nói thẳng với Trung Quốc về sự thật lịch sử. Sòng phẳng với lịch sử không phải kích động hận thù[6] giữa hai dân tộc. Sòng phẳng với lịch sử để người dân hiểu rõ âm mưu và thủ đoạn của giới cầm quyền Trung Quốc. Sòng phẳng để người dân đồng lòng, đồng hướng để đất nước hòa bình, phát triển. Sòng phẳng để đất nước có một tư thế hiên ngang, để có một địa vị công bằng trong thế giới vốn tồn tại nhiều phức tạp và khó lường. Sòng phẳng để tạo dựng một tâm thế sẵn sàng ứng phó với những tình huống phức tạp xảy ra. Có như thế, Việt Nam mới không đơn độc trong cuộc đấu tranh giành độc lập trước kia và kiến tạo hòa bình, phát triển hiện nay.

Phân tích mối quan hệ Việt – Trung trong lịch sử hiện đại, có thể thấy còn tồn tại một số điểm chưa được nhận thức rõ ràng hoặc một số khó khăn, yếu kém của ta đang bị phía Trung Quốc tranh thủ lợi dụng, khai thác đó là:

– Hội nghị Thành Đô (năm 1990) diễn ra trong bối cảnh hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa tan rã, Việt Nam tiến hành sự nghiệp đổi mới bước đầu thu được những kết quả tích cực nhưng chưa rõ ràng. Với phương châm “vắng anh em xa, mua láng giềng gần”, chúng ta tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ, “thêm bạn bớt thù” nhằm tranh thủ các nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, ngay trong thời điểm diễn ra hội nghị, Trung Quốc bố trí cho các đồng chí Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng ở các tòa nhà riêng biệt với mục đích là để các đồng chí không thảo luận được với nhau. Như vậy, về mặt chính trị, Trung Quốc luôn chủ động “áp đặt luật chơi” đối với Việt Nam. Nếu chúng ta không cảnh giác thì rất dễ vướng vào cạm bẫy do họ giăng ra.

– Văn hóa Trung Hoa

Là một quốc gia ở bên cạnh người khổng lồ Trung Quốc, Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Chẳng hạn như về thơ văn, tôn giáo, hội họa, kiến trúc, nghề thủ công,…Về phương diện nào đó, sự ảnh hưởng đó cũng là tự nhiên và góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Trung Quốc cũng thường lợi dụng văn hóa để tuyên truyền chủ quyền của mình như: tuồn quả địa cầu in hình lưỡi bò vào Việt Nam;[7] đưa chậu cây cảnh in bản đồ Việt Nam không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa;[8] đưa đèn lồng in chữ “Tam Sa” vào Việt Nam,[9]…Những hành động trên, tuy không trực tiếp xâm lược chủ quyền Việt Nam nhưng lâu dần sẽ hình thành trong tâm trí người Việt những biểu tượng mơ hồ về chủ quyền biển, đảo. “Quá mù hóa mưa”, Trung Quốc sử dụng sách lược “vô vi – không đánh mà thắng” rất thâm hiểm.

– Cơ cấu kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc

Từ khi bình thường hóa quan hệ (năm 1991), hoạt động trao đổi thương mại Việt – Trung không ngừng được tăng cường. Tuy nhiên, cán cân thương mại luôn có xu hướng bất lợi cho Việt Nam. Thống kê cho thấy: năm 2007 nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc là 9,145 tỉ USD, đến năm 2013 con số này là 23,7 tỉ USD.[10] Về các chủng loại hàng hóa thì Việt Nam chủ yếu xuất nguyên liệu thô, nhập máy móc, linh kiện từ Trung Quốc. Một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam như dệt may, da dày chủ yếu là gia công với nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc. Đây chính là bất lợi lớn nhất của Việt Nam khiến chúng ta mong muốn “Thoát Trung” nhưng chưa thoát được.

Trong những năm gần đây, có nhiều công trình trọng điểm của Việt Nam do Trung Quốc trúng thầu: bô-xít Tây Nguyên, đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông,…Phần lớn các công trình này được đánh giá là có chất lượng kém, chậm tiến độ, đội vốn, không an toàn. Ngay trong tháng 11 và tháng 12 năm 2014, đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn tại tuyến đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thi công[11], [12] và với “giọng điệu” quen thuộc, Trung Quốc lại đổ lỗi cho Việt Nam.[13]

Hiện nay, đầu ra cho nông sản nước ta phần lớn phụ thuộc vào phía Trung Quốc. Thương lái Trung Quốc thường sử dụng nhiều chiêu trò để triệt hạ kinh tế của ta như: lúc thì mua ồ ạt, khi thì ngừng mua. Nhiều nông sản của ta bị điêu đứng vì không bán được. Ngoài ra, họ tìm cách làm giảm uy tín nông sản Việt, điển hình như họ khuyến khích chúng ta cho thêm tạp chất vào chè xuất khẩu,[14] phun chất kích thích vào rau quả,[15]

Cần phải nói thêm rằng, Trung Quốc phối hợp kinh tế với chính trị, chủ quyền một cách đồng điệu. Khi có căng thẳng trên biển, lập tức họ hạn chế nhập khẩu nông sản (lấy lí do kiểm tra an toàn) khiến hàng hóa của chúng ta bị ứ đọng, không tiêu thụ được; họ hạn chế du lịch sang Việt Nam, thậm chí một nhà hàng Trung Quốc còn treo biển miệt thị và xúc phạm người Việt Nam.[16] Như vậy, Trung Quốc đã và đang áp dụng chiến thuật “cờ vây” đối với Việt Nam. Họ vận dụng binh pháp Tôn Tử một cách toàn diện để lôi kéo, ru ngủ, cô lập chúng ta. Nếu chúng ta không tỉnh táo, tính toán sai lầm là có thể sập bẫy của họ.

Tháng 12/2014, Trung Quốc đưa ra đề nghị sử dụng nhân dân tệ trong giao dịch với Việt Nam. Họ tuyên truyền rằng Việt Nam không thiệt thòi gì thậm chí thu được nhiều lợi ích như: dễ vay, dễ nhập hàng từ Trung Quốc; nếu Việt Nam không sử dụng nhân dân tệ thì sử dụng đô-la Mỹ – tức là tương đương nhau. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đánh đồng vai trò của nhân dân tệ với đô-la Mỹ (nhưng đô-la Mỹ là phương tiện thanh toán quốc tế còn nhân dân tệ thì chưa), đồng thời việc dễ vay, dễ nhập hàng từ Trung Quốc thì rất dễ dẫn đến việc Việt Nam nhập siêu, lệ thuộc vào Trung Quốc;

Như vậy, từ cấp cao đến cấp thấp, Trung Quốc đều phối hợp áp dụng chiến thuật “chính quy”[17] và “phi chính quy”[18] (chính sách hai mặt): (1) phương diện phát ngôn thì Trung Quốc khẳng định mối quan hệ Việt – Trung là tốt đẹp, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với phương châm 16 chữ “vàng” và 4 “tốt”; (2) phương diện thực thi (hành động) thì dùng mọi thủ đoạn miễn sao đạt được mục đích làm suy yếu nền kinh tế Việt Nam, suy giảm sự đoàn kết dân tộc, khiến chúng ta lơ là mất cảnh giác để dễ bề hành sự. Như vậy, mối quan hệ Việt – Trung tự thân đã tồn tại những bất bình đẳng và phần thua thiệt luôn về phía Việt Nam. Thoát Trung là một yêu cầu cấp bách để xây dựng một đất nước hòa bình, độc lập, tự chủ và giàu mạnh.

  1. “Thoát Trung” là thoát những gì?

Thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc tức là “Thoát Trung”. “Thoát” ở đây không phải là không quan hệ với Trung Quốc mà là nhận thức lại mối quan hệ, tìm cách tiếp cận mới để xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị thực sự, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. “Thoát Trung” không có nghĩa là bài Trung, chống Trung Quốc. Vậy, “Thoát Trung” là thoát những gì?

Như đã phân tích ở trên, thoát Trung có nghĩa là thoát khỏi những gì trói buộc chúng ta với họ, chuyển từ mối quan hệ bất bình đẳng với phần thua thiệt về phía chúng ta sang mối quan hệ bình đẳng hơn, thực chất hơn. Thoát Trung cần thực hiện trên các phương diện: nhận thức; chính trị; kinh tế; văn hóa.

  1. “Thoát Trung” như thế nào?

Để thoát Trung, trước hết cần nhận thức rõ mục đích, chiến thuật của họ đối với Việt Nam; loại bỏ những thứ “trói buộc” Việt Nam với Trung Quốc; rút tỉa ra bài học từ sự phát triển (trỗi dậy) của Trung Quốc để định hình con đường đi cho đất nước và dân tộc, tránh được “vết xe đổ” của họ.

3.1. Chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam

3.1.1. Về chính trị

Khi còn tồn tại hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của hệ thống này. Hiện nay, khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa tan rã thì Việt Nam và Trung Quốc đều kiên định mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, hai nước có nhiều kênh liên lạc cấp cao, ngoại giao nhân dân cũng luôn được coi trọng. Chẳng hạn, tháng 11/2013 đã diễn ra Liên hoan Thanh niên Việt – Trung lần thứ 2.[19] Tuy nhiên, đúng 5 tháng sau giao lưu hữu nghị đó, Trung Quốc lại đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam. “Mối tình hữu nghị sáng như rạng đông” dường như “đời đời bền vững” ấy lại không được như lời bài hát tại Liên hoan hữu nghị thể hiện. Thực chất mối quan hệ giữa hai nước là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” như Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định. Thoát Trung về chính trị cần nhận thức rõ rằng Trung Quốc luôn “nói một đằng, làm một nẻo” và “họ nói với chúng ta thế này nhưng lại tuyên truyền trong nước thế khác”. Ví dụ, khi ông Du Chính Thanh (Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc) sang thăm Việt Nam thì ông ta nói với các lãnh đạo nước ta rằng cần: “thúc đẩy mối quan hệ đi đúng hướng” và rằng: “ngoại giao kiểu loa phóng thanh không giúp giải quyết vấn đề” nhưng Tân Hoa Xã lại tuyên truyền rằng: “căng thẳng trên biển Đông đều do Việt Nam gây ra”. Rõ ràng, Trung Quốc luôn áp dụng chính sách 2 mặt đối với Việt Nam và luôn tìm cách đổ lỗi với Việt Nam mỗi khi xảy ra va chạm hoặc tranh chấp.

3.1.2. Về kinh tế

Hiện nay, Trung Quốc đang trải qua thời kì đổi mới mô hình tăng trưởng (chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu hay còn gọi là “thời kì đau đớn”). Trong giai đoạn này, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại nhưng bền vững hơn. Để làm được điều đó, Trung Quốc sẽ chuyển mạnh sang nền kinh tế tri thức, giảm dần công nghiệp gia công, chế biến, tăng dần tỉ trọng các ngành công nghệ cao. Để giảm thiểu thiệt hại, Trung Quốc sẽ tìm cách bán công nghệ cũ sang các nước xung quanh. Chẳng hạn, họ bán cho ta công nghệ luyện thép, bô-xit, đường sắt trên cao, nhiệt điện sử dụng than,… Nếu không tỉnh táo, Việt Nam sẽ trở thành bãi rác công nghệ của họ.

3.1.3. Về văn hóa

Văn hóa Trung Hoa với hàng nghìn năm hình thành và phát triển đã thu được những thành tựu rực rỡ. Trong lịch sử, Trung Hoa đã từng là một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới với những phát minh còn giá trị đến ngày nay: làm ra giấy, thuốc súng, làm ra lịch,…Những tư tưởng của Khổng Tử về trị quốc, của Tôn Tử về quân sự vẫn còn nguyên giá trị cho đời sau. Trong tháng 12/2014, Việt Nam cũng cho phép khai trương Viện Khổng Tử tại Đại học Hà Nội. Tuy nhiên, Trung Quốc thường mượn văn hóa để tuyên truyền chủ quyền vô lí ở biển Đông. Thoát Trung về văn hóa không có nghĩa là từ bỏ những giá trị tốt đẹp trong tư tưởng của Khổng Tử hay không giao lưu nhân dân với Trung Quốc mà cần phải lựa chọn những giá trị nào còn tốt đẹp, còn phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam để kế thừa và phát triển.

3.2. Một số giải pháp “thoát Trung”

Để đối phó với các chiến lược và chiến thuật của Trung Quốc và để tránh lệ thuộc vào họ, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp đồng bộ và quyết liệt như sau:

3.2.1. Về nhận thức

Chúng ta coi Trung Quốc là một cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, đóng vai trò ngày càng quan trọng trên phạm vi toàn thế giới. Trung Quốc có những lợi ích của mình (với tư cách là nước lớn), chúng ta tôn trọng những lợi ích của họ miễn sao chúng không đi ngược lại chuẩn mực và xu hướng chung của thế giới. Đặc biệt, lợi ích của Trung Quốc không được xâm hại lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Chúng ta củng cố và duy trì mối quan hệ với Trung Quốc trên tất cả các phương diện. Coi trọng mối quan hệ Việt – Trung; phấn đấu đạt được mục tiêu của tinh thần 16 chữ “vàng” và 4 “tốt” nhưng không mơ hồ, mất cảnh giác càng không để họ lợi dụng tinh thần đó để trói buộc, chèn ép chúng ta. Về nhận thức, chúng ta cần có một số chuyển biến như sau:

– Cần loại bỏ các rào cản sự phát triển của dân tộc. Cần khẳng định mạnh mẽ rằng: “Việt Nam không phải là một nước nhược tiểu”[20] và “Chúng ta không được phép sợ Trung Quốc”.[21] Người Việt Nam vốn coi trọng giữ gìn hòa hiếu với các nước, đặc biệt là với láng giềng nhưng nếu chúng ta càng nhân nhượng thì họ càng lấn tới. Sau khi hai nước kí Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam- Trung Quốc (năm 2011), rồi thiết lập đường dây nóng giữa hai nước, chúng ta tin tưởng rằng xung đột có thể giảm bớt. Bằng chứng là trong 2 năm 2012, 2013 giữa Việt Nam và Trung Quốc hầu như không xảy ra va chạm lớn trên biển Đông. Tuy nhiên, bước sang năm 2014 thì tình hình biển Đông đã xấu đi một cách trầm trọng. Trung Quốc có quan điểm: “Ta không động đến mi thì mi cũng đừng động với ta”.[22] Nhưng có lẽ quan điểm đó chỉ được Trung Quốc áp dụng với các nước lớn, mạnh hơn họ. Còn đối với các nước xung quanh biển Đông, thì họ áp dụng nguyên tắc: “Chỉ có ta động đến mi còn mi không được phép động đến ta”.

Khép lại năm 2014 với rất nhiều sóng gió biển Đông, ông Du Chính Thanh sang thăm Việt Nam với thông điệp: “Các vấn đề hàng hải rất phức tạp và nhạy cảm, đòi hỏi các cuộc đàm phán để quản lí và kiểm soát sự khác biệt. Ngoại giao “loa phóng thanh” chỉ kích động sự bất ổn của công luận mà cả hai bên nên tránh”.[23] Hàm ý ở đây có nghĩa là họ yêu cầu chúng ta không đưa đậm nét thông tin về các hành động ngang ngược của họ để giữ thể diện cho họ. Tuy nhiên, nếu chúng ta không công khai cho nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế biết rõ sự chèn ép của họ đối với ta thì không huy động được sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

– Việt Nam cần nhận thức rõ ràng về âm mưu của Trung Quốc: độc chiếm biển Đông và thủ đoạn của họ rất tinh vi nhưng tựu chung lại là: “mềm nắn, rắn buông”. Như vậy, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo là lâu dài, Việt Nam cần kiên trì, không được lơ là, mất cảnh giác. Quy luật về cách hành xử của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông đã cho thấy: mỗi năm họ “khuấy động” trên một mặt trận (năm 2011 là biển Đông, năm 2012 và 2013 là biển Hoa Đông, năm 2014 là biển Đông) và họ triệt để tranh thủ những cơ hội có lợi (dư luận quốc tế không chú ý, các nước lớn tập trung giải quyết công việc nội tại,…) để hành động. Chúng ta cần nắm bắt được xu hướng hành động của Trung Quốc để có chính sách phù hợp.

3.2.2. Về chính trị

Trên mặt biển, Trung Quốc luôn tìm cách gây sức ép đối với Việt Nam nhưng họ lại không muốn quốc tế hóa vấn đề và luôn lo sợ dư luận quốc tế lên án (do họ không có cơ sở vững chắc cho các tuyên bố chủ quyền). Nắm bắt được điểm yếu này của Trung Quốc, Việt Nam cần công khai về mối quan hệ Việt – Trung, đặc biệt là sự tồn tại tranh chấp biển đảo để người dân trong nước và bạn bè quốc tế biết. Việc công khai này sẽ giúp chúng ta có một số lợi thế: (1) huy động được sức mạnh đoàn kết của dân tộc; (2) định hướng dư luận, tránh gây nhiễu thông tin; (3) tăng thêm cơ sở pháp lí của Việt Nam trong cuộc đấu tranh đòi chủ quyền; (4) tranh thủ được sự ủng hộ của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Cứ sau mỗi lần gây ra căng thẳng với Việt Nam và bị quốc tế lên án, Trung Quốc lại tìm cách “tấn công quyến rũ” Việt Nam.[24] Trung Quốc cũng luôn tìm cách chia rẽ ASEAN trong vấn đề biển Đông. Mục đích của Trung Quốc là để các nước ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng rối trí không nhận thức được âm mưu và hành động thực tế của họ và làm suy giảm sức mạnh của ASEAN trong giải quyết vấn đề biển Đông. Việt Nam cũng cần chủ động trong chính sách đối ngoại, tránh mắc mưu Trung Quốc. Chúng ta cần khẳng định rõ lập trường của Việt Nam trong khối ASEAN đối với vấn đề biển Đông; kêu gọi ASEAN đồng thuận, coi việc giải quyết tranh chấp giữa từng nước với Trung Quốc cũng là công việc chung của ASEAN. Chúng ta cũng cần có thái độ rõ ràng đối với Trung Quốc khi họ vi phạm độc lập, chủ quyền của Việt Nam.

Trung Quốc luôn nói là muốn giúp đỡ Việt Nam phát triển nhưng thực chất là muốn kiềm chế chúng ta, định hướng ta vào quỹ đạo của họ. Ông Du Chính Thanh nói định hướng “quan hệ hai nước đi đúng hướng” nhưng hướng ở đây là hướng nào; nếu là hướng do họ định ra và khuôn ta vào thì nhất định chúng ta không chấp nhận. Bài học lịch sử trong Hội nghị Genève đã cho thấy, ngay vào thời kì quan hệ tốt đẹp, Trung Quốc cũng sẵn sàng mưu cầu lợi ích quốc gia dân tộc của mình và coi rẻ lợi ích của Việt Nam.

Phân tích quan điểm, lập trường của Trung Quốc tại Hội nghị Genève, Giáo sư sử học Yang Kuisong (Đại học Bắc Kinh) lập luận: “Mao Trạch Đông tin rằng những nhượng bộ được thực hiện tại Genève là tạm thời và chiến thuật, bởi vì vào thời điểm đó, sức mạnh mọi mặt của Trung Quốc cần tiếp tục được củng cố và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa đủ sức để theo đuổi một thắng lợi hoàn toàn”[25]. Nhìn chung, Hội nghị Genève đã mang lại cho Trung Quốc những lợi ích to lớn: Về chính trị, Hội nghị chứng tỏ rằng, trên phương diện giải quyết những vấn đề quốc tế cấp bách, sự tham gia của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có vai trò quan trọng; về kinh tế, hai năm sau Hội nghị, khối lượng buôn bán giữa Trung Quốc với các nước châu Âu tăng rõ rệt, “kim ngạch giữa Trung Quốc với châu Âu tăng gấp đôi, nếu như tổng khối lượng đó năm 1954 là 173,4 triệu USD, thì đến năm 1955 đã đạt 226,2 triệu và đến năm 1956 là 326 triệu”[26]về đối ngoại, “việc kí kết Hiệp định Genève đã đánh dấu sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong các công việc quốc tế và sự nâng cao địa vị quốc tế của Trung Quốc”[27]; đồng thời, “giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương đã làm rối loạn việc triển khai chiến lược của Mỹ nhằm uy hiếp Trung Quốc từ ba chiến tuyến (Nam Triều Tiên, Đài Loan, Đông Dương), đảm bảo an ninh cho Trung Quốc ở biên thùy phía Nam, Trung Quốc có thể tập trung sức người, sức của vào phát triển kinh tế”.[28]

Sau khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc sẽ hạn chế những hành động khiêu khích mạnh, thay vào đó là những hành động nhỏ nhưng tần suất sẽ ngày càng tăng như: khảo sát địa chất, nghiên cứu đại dương, du lịch biển đảo, bắt giữ tàu thuyền, hoán cải tàu quân sự thành tàu chấp pháp, cải tạo các đảo và bãi đá ở Trường Sa,…Để đối phó với chiến thuật này của Trung Quốc, các lực lượng của Việt Nam cần hiện diện nhiều hơn trên biển (kiểm ngư, cảnh sát biển, ngư dân). Việt Nam cần hỗ trợ để ngư dân yên tâm bám biển.

3.2.3. Về kinh tế

Việt Nam có quan niệm: Trong quá khứ, Trung Quốc đã từng giúp đỡ chúng ta về vật chất nên bây giờ Việt Nam phải mang ơn Trung Quốc. Trung Quốc cũng nhận thức như vậy nên mỗi khi họ chèn ép ta thì đều bao biện rằng: “Việt Nam vô ơn”. Việt Nam cần khẳng định rõ quan điểm: “Tiền bạc phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”. Chúng ta không quên ơn Trung Quốc nhưng giữa vật chất và chủ quyền là khác nhau. Chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, vùng trời là thiêng liêng, bất khả xâm phạm và nó không thể đánh đổi bằng lợi ích kinh tế. Mặt khác, chúng ta cũng cần khẳng định rằng: Mối quan hệ Việt – Trung là “có đi có lại” chứ hoàn toàn không phải là sự giúp đỡ một chiều (Trung Quốc đối với Việt Nam) nhằm tạo dựng mối quan hệ ngang hàng, bình đẳng trong quan hệ 2 nước.[29]

Năm 2015, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc có hiệu lực, nguy cơ hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam “bóp chết” sản xuất trong nước đang ngày càng hiện hữu. Mặt khác, Trung Quốc có thể lợi dụng Hiệp định này để chia rẽ, chi phối ASEAN. Họ có thể lấy cớ để không nhập hàng hóa của các nước có tranh chấp chủ quyền để gây sức ép. Để đối phó, Việt Nam cần: (1) Đẩy mạnh công tác truyền thông định hướng người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; (2) Lập ra một số hàng rào kĩ thuật để hạn chế hàng hóa Trung Quốc chất lượng kém; (3) Đa dạng hóa bạn hàng, giảm sự phụ thuộc vào một đối tác; (4) Tranh thủ các hiệp định thương mại khác để phát huy những lợi thế của Việt Nam; (5) Phát triển công nghiệp phụ trợ để giảm dần tỉ trọng nhập siêu từ Trung Quốc; (6) Điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt hơn.

3.2.4. Về văn hóa

Việt Nam ở bên cạnh Trung Quốc nên chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Trong tháng 12/2014, Việt Nam đã cho khai trương Viện Khổng Tử trực thuộc Đại học Hà Nội. Trong bối cảnh các nước trên thế giới đang cảnh giác với Viện Khổng Tử[30] thì Việt Nam cần có quan điểm rõ ràng về cơ chế, nội dung hoạt động viện này ở nước ta.

Trung Quốc thường lợi dụng các sản phẩm văn hóa để tuyên truyền chủ quyền của mình. Việt Nam cần quản lí chặt chẽ các ấn phẩm văn hóa có xuất xứ Trung Quốc đồng thời tăng cường tuyên truyền về chủ quyền hợp pháp của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việt Nam có thể khuyến khích tuyên truyền thông qua các mạng xã hội, diễn đàn, hội thảo khoa học,… Mặt khác, chúng ta cần đưa nội dung giáo dục biển đảo sâu đậm hơn trong các nhà trường từ bậc phổ thông đến bậc đại học.

3.2.5. Về quân sự

Bài học lịch sử đã cho thấy: Khi nào nước Việt Nam vững mạnh thì kẻ thù phương Bắc không dám nhòm ngó. Tổ tiên đã dạy chúng ta: “Bắc môn tỏa thược”.[31] Hiện nay, Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ không quân và hải quân để “sớm giải quyết các tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông”. Mặt khác các lực lượng vũ trang trá hình của Trung Quốc[32] luôn được tung ra tuyến đầu để tranh đoạt chủ quyền. Phía sau lực lượng bán quân sự đó là hải quân và không quân. Cho đến năm 2019, Trung Quốc có thể đưa vào sử dụng 4 tàu sân bay[33] thì nguy cơ biển Đông bùng phát xung đột là rất cao. Để bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam cần:

– Đẩy mạnh đối ngoại quốc phòng để xây dựng lòng tin, giảm thiểu nguy cơ xung đột. Các cuộc viếng thăm, giao lưu quốc phòng giữa các nước ASEAN cần được tiến hành thường xuyên và hiệu quả hơn.

– Có cách hiểu phù hợp với chính sách “3 không” về quốc phòng.[34] Một gợi ý được đưa ra là: Việt Nam chỉ áp dụng chính sách này trong trường hợp chủ quyền, an ninh không bị đe dọa. Trong tình huống khẩn cấp, chúng ta cần có đối tác tin cậy về an ninh, quốc phòng để đảm bảo nguồn cung vũ khí, đặc biệt là vũ khí độc đáo đủ sức răn đe, đối phó với vũ khí của kẻ đi xâm lược.

– Nghiên cứu kĩ âm mưu, chiến lược quân sự của kẻ xâm lược để có kế sách, nghệ thuật quân sự phù hợp. Cần đa dạng hóa các loại vũ khí, đặc biệt là vũ khí công nghệ cao, kết hợp với nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc. Nghiên cứu, đầu tư, chuẩn bị cẩn thận cho chiến tranh nhân dân, đặc biệt là chiến tranh nhân dân trên biển.

– Xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là cơ sở vững chắc để bảo vệ tổ quốc. Quân đội mạnh cũng là cơ sở để “kẻ thù không dám nhòm ngó bờ cõi” và “dẫu chúng muốn thì cũng không thể làm được”. Khi có quân đội mạnh, chúng ta sẽ có nhiều nước cờ thông minh hơn.

Kết luận

Chúng ta đã bàn rất nhiều đến việc phải thoát Trung nhưng “Thoát như thế nào?” thì vẫn là câu hỏi không dễ trả lời. Thực tiễn đã chứng minh: Khi Việt Nam mạnh mẽ, độc lập và giàu mạnh thì các thế lực ngoại quốc dù mạnh đến đâu cũng không thể dễ bề thao túng. Để xây dựng một đất nước như thế, Việt Nam phải dựa vào sức mình là chính, không trông đợi vào “những thứ hữu nghị, viển vông”. Trước  hết, trong suy nghĩ, nhận thức phải tìm được cách tiếp cận phù hợp, hóa giải được chính sách “hai mặt” của Trung Quốc đối với Việt Nam. Về hành động cần: rõ ràng, dứt khoát, phù hợp xu hướng chung của thời đại, phải biết “chọn bạn mà chơi”. Mỗi người dân cần nâng cao sức sáng tạo, trong suy nghĩ và hành động đều hướng về Tổ quốc thiêng liêng. Việt Nam cần tự chủ về vũ khí, trang bị; mỗi người lính, người dân cần có ý thức sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta tôn trọng Trung Quốc nhưng chúng ta không được phép sợ họ. Chúng ta phải thoát ra khỏi những suy nghĩ, cách làm cũ, không còn phù hợp; có cách tiếp cận mới linh hoạt hơn: “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Và phải chăng, giải pháp “Thoát Trung” phù hợp nhất là “thoát chính mình”?

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, TS. Trần Văn Thành, hiện đang công tác tại trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam.

—————————–

[1] Bộ Quốc Phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kĩ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945- 1954), NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2002, tr 367.

[2] http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Cau-chuyen-Tang-Sam-giet-nguoi-va-thu-doan-cua-Trung-Quoc-post144965.gd.

[3] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/35-nam-cuoc-chien-bien-gioi-phia-bac-2950346.html.

[4] http://www.thanhnien.com.vn/hoang-sa-truong-sa-cua-viet-nam/tai-sao-trung-quoc-danh-chiem-cac-dao-cua-viet-nam-vao-thang-31988-462904.html.

[5] Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết 4 câu thơ về mối tình Mị Châu – Trọng Thủy dẫn đến họa mất nước: “Tôi kể ngày xưa chuyện Mị ChâuTrái tim lầm chỗ để trên đầuNỏ thần vô ý trao tay giặcNên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”.

[6] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/161648/chien-tranh-bien-gioi-1979–khong-the-quen-lang.html.

[7] http://www.vietnamplus.vn/vietinbank-thu-hoi-qua-dia-cau-xuat-xu-trung-quoc/189212.vnp.

[8] http://dantri.com.vn/xa-hoi/xin-dung-vo-tinh-bo-quen-mot-phan-mau-thit-to-quoc-707257.htm.

[9] http://nld.com.vn/ban-doc/tham-hiem-den-long-trung-quoc-20130218110645727.htm.

[10] http://nghiencuuquocte.net/forums/topic/thuong-mai-viet-nam-trung-quoc.

[11] http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/su-kien-hang-ngay/ha-noi-dut-day-cau-o-duong-sat-tren-cao-4-nguoi-thuong-vong-a67695.html.

[12] http://vneconomy.vn/thoi-su/lai-tai-nan-nghiem-trong-tai-du-an-duong-sat-tren-cao-ha-noi-2014122801574535.htm.

[13] http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Thoi-bao-Hoan-Cau-vu-cao-Bo-truong-Dinh-La-Thang-post154477.gd.

[14] http://www.vietnamplus.vn/xu-nghiem-co-so-san-xuat-va-ban-che-lan-tap-chat/100686.vnp.

[15] http://baodatviet.vn/phap-luat/bat-2-nguoi-trung-quoc-dang-phun-thuoc-kich-thich-len-dua-2345562.

[16] http://vtc.vn/ky-thi-chung-toc-nguoi-trung-quoc-tu-lam-minh-dau.311.368639.htm.

[17] Tức là tuân thủ theo các nguyên tắc quốc tế, nếu thấy có lợi cho họ.

[18] Tức là không tuẩn thủ theo các nguyên tắc quốc tế, cố làm lấy được miễn sao thu được lợi cho mình nhiều nhất với những “chiêu, trò” đã mô tả ở trên.

[19] http://www.thanhnien.com.vn/the-gioi-tre/khoi-dong-lien-hoan-thanh-nien-viet-trung-lan-thu-2-9777.html.

[20] http://vietnamnet.vn/vn/ban-tron-truc-tuyen/214577/ong-vu-khoan–vn-khong-phai-nuoc-nhuoc-tieu.html.

[21] http://motthegioi.vn/xa-hoi/co-tbt-le-duan-chung-ta-khong-duoc-phep-so-trung-quoc-85605.html.

[22] Xem thêm http://kienthuc.net.vn/giai-ma/hoang-sa-truoc-cai-bat-tay-toi-loi-giua-mao-va-nixon-374414.html.

[23] http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Ong-Du-Chinh-Thanh-ket-thuc-chuyen-tham-Viet-Nam-Tan-Hoa-Xa-noi-gi-post153986.gd.

[24] Sau sự kiện giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, các phái đoàn Việt Nam sang thăm Trung Quốc được họ tiếp đón rất trọng thị. Trung Quốc vẽ ra viễn cảnh tốt đẹp về tương lai quan hệ giữa hai nước.

[25] Yang Kuisong:Changesin Mao Zedong’s Attitude towardthe Indochina War1949-1973, Ibid, p.4.

[26] Francois Joyaux:Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.

[27] Bộ Ngoại giao: Hội nghị Giơnevơ và quan hệ quốc tế sau Chiến tranh lạnh – lấy Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc làm ví dụ, Hội thảo nội bộ ngành “Hiệp định Giơnevơ: 50 năm nhìn lại”, ngày 27-7-2004, tài liệu không phổ biến, lưu tại Bộ Ngoại giao.

[28] Bộ Ngoại giao: Hội nghị Giơnevơ và quan hệ quốc tế sau Chiến tranh lạnh – lấy Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc làm ví dụ,…đã dẫn.

[29] Chẳng hạn, ngày 23/4/1949, Bộ Tổng tư lệnh (Việt Nam) ra mệnh lệnh giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Liên khu 1 “giúp Quân giải phóng Nhân dân (Trung Quốc) xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung-Long-Khâm liền với biên giới Đông Bắc của ta đồng thời hoạt động ở Đông Bắc để mở rộng khu tự do Đông Bắc ra tận biên giới và thông ra biển, liền với khu giải phóng Việt Quế của họ” (nguồn http://kienthuc.net.vn/vu-khi/giai-mat-chuyen-viet-nam-dua-quan-giup-do-trung-quoc-240186.html).

[30] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/216088/thuy-dien-dong-cua-vien-khong-tu.html.

[31] Đền vua Lê ở Ninh Bình, bên ngoài Ngọ Môn có bốn chữ “Bắc môn tỏa thược”; nghĩa là “Khoá chặt cửa Bắc” để tránh gió bấc, nhưng ngầm chứa một nghĩa sâu xa hơn: “Đề phòng giặc phương Bắc”.

[32] Các tàu hải cảnh, ngư chính của Trung Quốc đều là tàu có trọng tải lớn, trang bị vũ khí hạng nặng tạo ra sức uy hiếp rất lớn đối với các cơ quan thực thi pháp luật của các nước trên biển Đông.

[33] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-Quoc-phong/Bao-TQ-Bac-Kinh-chac-chan-se-bo-tri-tau-san-bay-noi-dau-tien-o-Bien-Dong-post154458.gd.

[34] Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách ba không: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kì nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.