Mức trần mới cho giá dầu

Print Friendly, PDF & Email

obamarig

Nguồn: Anatole Kaletsky, “A New Ceiling for Oil Prices,” Project Syndicate, Jan. 14, 2015.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Nếu có một con số quyết định được số phận của nền kinh tế thế giới thì nó chính là giá một thùng dầu. Trước mỗi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu kể từ năm 1970 thì giá dầu ít nhất đều tăng gấp đôi, và mỗi khi giá dầu giảm một nửa và giữ ở mức thấp trong sáu tháng hoặc hơn, chắc chắn sau đó sẽ là một đợt tăng trưởng toàn cầu với tốc độ lớn.

Sau khi giảm từ 100 USD xuống còn 50 USD/thùng, giá dầu hiện đang dao động xung quanh mức then chốt này. Vậy chúng ta nên mong đợi mức giá 50 USD/thùng là sàn hay trần của biên độ giao dịch dầu mới?

Hầu hết các nhà phân tích vẫn cho rằng 50 USD/thùng là mức sàn, thậm chí là bàn đạp (để giá dầu bật lên) vì tình hình thị trường các hợp đồng tương lai cho thấy những kỳ vọng về mức phục hồi tương đối nhanh chóng lên khoảng 70 hoặc 80 USD/thùng. Nhưng các yếu tố kinh tế và lịch sử cho thấy rằng mức giá hiện nay có thể được xem là mức trần cho một biên độ giao dịch thấp hơn nhiều, mà trong biên độ này giá sàn có thể xuống đến 20 USD/thùng.

Để hiểu tại sao, trước hết hãy xem xét sự trớ trêu về mặt tư tưởng trong các yếu tố kinh tế của thị trường năng lượng hiện nay. Đặc trưng của thị trường dầu mỏ luôn là một cuộc đấu tranh giữa độc quyền và cạnh tranh. Nhưng hầu hết các nhà bình luận phương Tây lại từ chối công nhận thực tế rằng người ủng hộ sự cạnh tranh hiện nay là Ả-rập Xê-út, trong khi các tay buôn dầu yêu chuộng tự do của Texas lại đang cầu nguyện để OPEC có thể tái xác lập sức mạnh độc quyền của nó.

Giờ hãy quay sang khía cạnh lịch sử – cụ thể là lịch sử của giá dầu sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát từ năm 1974, khi OPEC nổi lên lần đầu tiên. Lịch sử đó cho thấy hai cơ chế định giá khác nhau. Từ năm 1974 đến 1985, giá dầu chuẩn của Mỹ dao động từ 50 đến 120 USD/thùng tính theo giá tiền hiện nay. Từ năm 1986 đến năm 2004, nó dao động trong khoảng 20 đến 50 USD/thùng (trừ hai giai đoạn sai lệch ngắn sau khi Iraq xâm lược Kuwait năm 1990 và sau cuộc khủng hoảng tiền tệ Nga năm 1998). Cuối cùng, từ năm 2005 đến năm 2014, dầu lửa một lần nữa được giao dịch trong phạm vi khoảng 50 đến 120 USD/thùng của giai đoạn 1974-1985, trừ hai lần tăng rất ngắn trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

kaletsky7chart01

Nói cách khác, biên độ giao dịch trong mười năm qua tương tự như trong thập niên đầu tiên của OPEC, trong khi giai đoạn 19 năm từ năm 1986 đến năm 2004 lại đại diện cho một cơ chế hoàn toàn khác. Sự khác biệt giữa hai cơ chế này có thể được giải thích một cách hợp lý bằng sự sụp đổ quyền lực của OPEC năm 1985 do sự phát triển của dầu lửa ở Biển Bắc và Alaska, tạo nên sự thay đổi từ giá cả độc quyền sang giá cả cạnh tranh. Giai đoạn này kết thúc vào năm 2005, khi nhu cầu của Trung Quốc tăng cao tạm thời tạo nên sự thiếu hụt dầu mỏ trên toàn cầu, cho phép mức giá “kỷ luật” của OPEC được phục hồi.

Hồ sơ này cho thấy mức giá 50 USD/thùng có thể được coi là đường phân định ranh giới khả dĩ giữa hai chế độ độc quyền và cạnh tranh. Và khía cạnh kinh tế của việc thị trường cạnh tranh đối đầu với độc quyền giá cả cho thấy lí do tại sao 50 USD/thùng sẽ là mức trần chứ không phải mức sàn.

Trong một thị trường cạnh tranh, giá cả phải tương đương với các chi phí biên (marginal costs). Nói đơn giản, giá cả phản ánh các chi phí mà một nhà cung cấp có hiệu quả phải thu hồi được khi sản xuất thùng dầu cuối cùng để có thể đáp ứng được nhu cầu toàn cầu. Ngược lại, trong chế độ độc quyền giá cả, các doanh nghiệp độc quyền có thể chọn một mức giá cao hơn chi phí biên và sau đó hạn chế sản xuất để đảm bảo nguồn cung không vượt quá lượng cầu (nếu không hạn chế thì cung sẽ vượt cầu do mức giá cao giả tạo).

Cho đến tận mùa hè năm ngoái, giá dầu được vận hành dưới cơ chế giá cả độc quyền, do Ả-rập Xê-út đã trở thành một “nhà sản xuất bản lề” (swing producer – tức quốc gia sẽ quyết định giá quốc tế lên hay xuống tùy vào sản lượng của quốc gia đó – NBT), giúp hạn chế nguồn cung mỗi khi cung vượt quá lượng cầu. Nhưng cơ chế này tạo động lực mạnh mẽ cho các nhà sản xuất dầu khác nâng cao sản lượng, đặc biệt là ở Mỹ và Canada. Dù phải đối mặt với chi phí sản xuất cao hơn nhiều, nhưng các nhà sản xuất dầu và khí đốt từ đá phiến (shale) của Bắc Mỹ vẫn có thể thu được lợi nhuận lớn nhờ vào sự bảo đảm giá của Ả-rập Xê-út.

Tuy nhiên, Ả-rập Xê-út chỉ có thể duy trì mức giá cao khi giảm sản lượng của riêng mình để dành chỗ cho sản lượng ngày một tăng của Mỹ trong thị trường toàn cầu. Đến mùa thu năm ngoái, có vẻ các nhà lãnh đạo Ả-rập Xê-út đã nhận ra đây là một chiến lược thất bại – và họ đã đúng. Kết luận hợp lý là Mỹ sẽ trỗi dậy thành nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, trong khi Ả-rập Xê-út dần mờ nhạt không chỉ trong vai trò một nước xuất khẩu dầu, và có lẽ cả trong vai trò một nước mà Mỹ cảm thấy có nghĩa vụ phải bảo vệ.

Những kẻ thống trị dầu mỏ ở Trung Đông đang quyết tâm đảo ngược tình thế thất bại này, như những động thái gần đây của họ trong OPEC đã chỉ rõ. Nhưng cách duy nhất để OPEC có thể phục hồi hay chí ít là duy trì thị phần của nó là đẩy giá xuống đến mức mà các nhà sản xuất Mỹ phải giảm mạnh sản lượng của họ để cân bằng cung cầu toàn cầu. Tóm lại, Ả-rập Xê-út phải thôi đóng vai trò là “swing producer” và buộc các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ phải đảm nhận vai trò đó.

Bất kỳ cuốn giáo trình kinh tế nào cũng sẽ đưa ra chính xác kết quả này. Chi phí sản xuất dầu đá phiến là rất cao và do đó nên ngừng khai thác cho đến khi tất cả các mỏ dầu truyền thống với chi phí thấp của thế giới sản xuất ở mức tối đa. Hơn nữa, có thể dừng và tiếp tục sản xuất dầu đá phiến mà không tốn nhiều chi phí.

Do đó, tình hình thị trường cạnh tranh sẽ đòi hỏi Ả-rập Xê-út và các nhà sản xuất chi phí thấp khác luôn phải hoạt động hết công suất, trong khi các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ sẽ phải trải qua các chu kỳ bùng nổ và sụp đổ điển hình của thị trường hàng hóa, đóng cửa khi nhu cầu toàn cầu thấp hay khi các nguồn cung chi phí thấp mới từ Iraq, Libya, Iran, hay Nga đi vào hoạt động, và đẩy mạnh sản xuất trong thời gian bùng nổ trên toàn cầu khi nhu cầu dầu lửa ở mức đỉnh điểm.

Theo logic cạnh tranh này, chi phí biên của dầu đá phiến của Mỹ sẽ trở thành mức trần cho giá dầu toàn cầu, trong khi chi phí của các mỏ dầu truyền thống tương đối xa và nằm ngoài lề trong OPEC và Nga sẽ thiết đặt mức sàn. Tình hình hiện nay cho thấy ước tính chi phí sản xuất dầu đá phiến chủ yếu xoay quanh 50 USD/thùng, trong khi các mỏ dầu truyền thống thường hòa vốn khi giá dầu ở mức 20 USD/thùng. Như vậy, biên độ giao dịch trong một thế giới tuyệt vời mới của cạnh tranh dầu lửa sẽ nằm trong khoảng từ 20 đến 50 USD/thùng.

Anatole Kaletsky là Kinh tế trưởng và đồng Chủ tịch của Gavekal Dragonomics, Chủ tịch Viện Tư duy Kinh tế Mới (The Institute for New Economic Thinking). Từng phụ trách mục bình luận tại Times of London, The New York Times và Financial Times, ông là tác giả cuốn sách Capitalism 4.0The Birth of a New Economy.