Nguồn: Kazuhiko Togo, “Abe’s foreign and security policy agenda”, PacNet #91, 29/12/2014.
Biên dịch: Phạm Phan Hồng Anh | Hiệu đính: Bùi Thu Thảo & Lê Hồng Hiệp
Chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 12 của ông Abe và Đảng Dân chủ Tự do (LDP) thể hiện sự âm thầm chuyển dịch quyền lực từ phe cánh hữu dân tộc chủ nghĩa (nationalist – right) sang các lực lượng trung dung tự do (liberal-center forces). Như Brad Glosserman đã chỉ ra, điều này được thể hiện trước tiên qua việc Đảng Komeito (Công minh) nổi lên tương đối, tăng 4 ghế lên tổng số 35, và LDP mất 3 ghế, còn lại tổng số 290 ghế trong liên minh cầm quyền.
Tuy nhiên, dễ thấy hơn là sự thất bại của Đảng vì Thế hệ Tương lai (Jisedai), tập trung các ứng viên cánh hữu dân tộc chủ nghĩa có khả năng hùng biện nhất, khi đảng này mất 17 ghế và chỉ còn lại 2 đại diện. Ishihara Shintaro, đại diện cuối cùng trong danh sách bầu cử của đảng, không thể thắng một ghế và tuyên bố ngay lập tức rằng ông sẽ rút lui khỏi chính trị. Tamogami Toshio, nguyên là người đứng đầu Lực lượng Tự vệ Không quân, được biết tới là người có cái nhìn theo chủ nghĩa dân tộc về lịch sử và quốc phòng, công khai kêu gọi chấm dứt quyền lực của Đảng Komeito nhằm đạt được một chương trình nghị sự quốc phòng bảo thủ (do Đảng này phản đối một chương trình nghị sự như vậy – NBT). Sự thất bại của ông là biểu tượng đại diện cho sự thất bại của phe dân tộc chủ nghĩa, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng.
Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) giành thêm 11 ghế, đạt tổng cộng 73 ghế. Đảng Phục hồi Nhật Bản (Ishin no Kai) mất một ghế, giữ 41 ghế, nhưng ảnh hưởng của Hashimoto Toru, thị trưởng quyền lực của Osaka thuộc phe dân tộc chủ nghĩa, đã bị yếu đi đáng kể. Ông tuyên bố rút lui khỏi chính trường quốc gia nhằm tập trung vào chính trường khu vực Osaka. Eda Kenji, cựu thư ký của Thủ tướng Hashimoto Ryutaro và cũng là người có cái nhìn khá cân bằng về các vấn đề trong nước, hiện đứng đầu đảng này. Chính đảng còn lại là Đảng Cộng sản, giành thêm 13 ghế để đạt 21 ghế. Vì vậy, có thể lập luận rằng ngoài đảng LDP (290 ghế) có xu hướng bảo thủ, các đảng chính khác đều có xu hướng trung dung – tự do, bao gồm các đảng Dân chủ (73 ghế), đảng Phục hồi Nhật Bản (41 ghế), Komeito (35 ghế), và Cộng sản (21 ghế), với các đảng khác chỉ chiếm khoảng 2 ghế mỗi đảng.
Các kết quả đó có thể ảnh hưởng tới chính sách của ông Abe, đặc biệt trong các vấn đề an ninh, chính trị và lịch sử. Có hai giả thuyết có thể xảy ra. Phái lạc quan lập luận rằng tình hình chính trị cộng với việc Abe sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ các trợ lý có xu hướng thực dụng ôn hòa của Bộ Ngoại giao như Yachi Shotaro sẽ cho phép thủ tướng có cách tiếp cận cân bằng hơn, qua đó đi theo ý kiến chung toàn cầu, bao gồm ý kiến của Mỹ và châu Âu. Phái bi quan sẽ phản bác lại rằng sự kết hợp của vị thế đa số mạnh mẽ trong Quốc hội cộng với sự cẩn trọng do sự thay đổi cán cân sang phe trung dung – tự do sẽ khiến phe cánh hữu dân tộc chủ nghĩa càng lớn tiếng và mạnh hơn, và ông Abe sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lắng nghe và thực hiện theo quan điểm của họ. Giờ chúng ta sẽ nhìn vào chương trình nghị sự cụ thể.
Đầu tiên là chương trình nghị sự an ninh và quốc phòng của ông Abe. Sau cuộc bầu cử, và ngay cả tại bước cuối cùng của cuộc bầu cử, Abe đã tuyên bố rõ rằng “sửa Hiến pháp” sẽ là một trong những mục tiêu chính trị chính của ông. Điều này liệu có hợp lý không?
Liên quan đến Điều 9 Hiến pháp, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là tập trung vào cuộc tranh luận của quốc hội nhằm biến quyết định Nội các ngày 1/7 trở thành luật để cho phép việc sử dụng quyền phòng vệ tập thể, và sau đó, sẽ không cần thiết phải sửa đổi hiến pháp để bảo đảm tính chủ động trong chính sách quốc phòng và an ninh của Nhật Bản. Bộ Ngoại giao có thể sẽ tìm kiếm một vai trò chủ động hơn trong các Chiến dịch gìn giữ hòa bình (PKO) và các hoạt động trong phạm vi các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tương tự như việc ban hành một “luật vĩnh viễn” để phục vụ cho các trường hợp như Nghị quyết Afghanistan 2001 hay Nghị quyết Iraq 2003, nhưng những trường hợp này không đòi hỏi phải sửa đổi hiến pháp.
Thực tế mà nói, chừng nào Đảng Komeito vẫn thuộc liên minh cầm quyền, thì thay đổi hơn nữa Điều 9 của Hiến pháp không có vẻ sẽ thực hiện được. Nếu việc sửa Hiến pháp được tiếp tục, các vấn đề như quyền sinh thái, chính sách công, hay quyền sở hữu đất có thể phù hợp hơn nhiều.
Thứ hai, tồn tại các “vấn đề về ký ức lịch sử” như các chuyến thăm Đền Yasukuni hay vấn đề phụ nữ giải khuây trong chiến tranh. Trong chiến dịch bầu cử, đối lập với việc nhắc tới an ninh và quốc phòng, sự im lặng tuyệt đối của tất cả các đảng phái, giới truyền thông và học giả về vấn đề lịch sử là rất rõ ràng. Có hai khả năng xảy ra.
Phía lạc quan cho rằng ông Abe trở nên thực tế hơn và biết lắng nghe các trợ lý như Yachi. Ông sẽ không tới Đền Yasukuni và đương nhiên sẽ để Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình biết điều đó. Về vấn đề phụ nữ giải khuây trong chiến tranh, ông sẽ cho những nhà ngoại giao giỏi nhất tới bí mật đàm phán một sáng kiến nữa nhằm xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân và cho phép Tổng thống Hàn Quốc Park Guen-hye tham gia để đưa vấn đề này ra khỏi chương trình nghị sự chính trị gai góc giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 2015 sẽ nổi bật với tuyên bố của Abe nhân kỷ niệm lần thứ 70 ngày kết thúc Thế chiến II, nhưng thông điệp về vấn đề lịch sử nên thể hiện cam kết của ông đối với tuyên bố của (cựu Thủ tướng) Murayama và quyết tâm “không bao giờ quên” việc Nhật Bản là nước có lỗi. Nếu các vấn đề này không thể đạt được vào năm 2015, Abe có thể sẽ tiến hành nhiều hoạt động quả quyết hơn theo hướng này để biến ông trở thành “Abe của châu Á” hay “Abe của thế giới” thay vì chỉ là “Abe của Nhật Bản”.
Phía bi quan nhìn nhận tuyên bố năm 2015 của Abe sẽ đặc biệt “nhìn về tương lai” để tuyên bố với thế giới rằng Nhật Bản đã làm tất cả những gì có thể để hàn gắn quá khứ và rằng Nhật Bản đang tập trung vào tương lai để trở thành một đất nước dân chủ và yên bình. Thông điệp chính sẽ là “chúng ta hãy quên đi quá khứ và chung tay xây dựng tương lai”. Không thể kỳ vọng hành động nào hơn từ Nội các của ông về vấn đề phụ nữ giải khuây trong chiến tranh. Về vấn đề Yasukuni, Abe sẽ bị phe dân tộc chủ nghĩa gây áp lực với lập luận rằng sức ép từ liên minh Tập-Park sẽ làm nhục Nhật Bản, và ông sẽ phải tới thăm ngôi đền lần nữa để thể hiện lòng tự tôn và sự kiên cường của mình. Nếu con đường thứ hai được lựa chọn, bất chấp địa vị chính trị trong nước ngày càng mạnh, Abe sẽ ngày càng hướng tới việc bị cô lập trên toàn cầu.
Một vấn đề cuối cần được nêu ra là Okinawa. Các ứng cử viên không thuộc LDP phản đối việc dịch chuyển căn cứ Futenma tới Henoko đã chiến thắng tại tất cả bốn đơn vị bầu cử một đại diện trong cuộc bỏ phiếu, nhấn mạnh xu hướng chung là không chấp nhận lựa chọn Henoko. Kể từ khi Onaga Takeshi, người cũng từ chối lựa chọn Henoko, chiến thắng trong cuộc bầu cử thủ hiến vùng Okinawa vào tháng 12, có vẻ hiệp ước Hai cộng Hai năm 2006 vốn ủng hộ lựa chọn Henoko đã gặp phải các vấn đề nghiêm trọng. Nhiều học giả uy tín đã tham gia vào tranh luận về Okinawa. Một trong số họ là Sato Masaru, cựu quan chức Bộ Ngoại giao chuyên về Nga và là một cây bút nổi tiếng và viết khỏe, người cam kết gắn bó sâu sắc với vấn đề Okinawa và nghiêm túc ủng hộ bản sắc Okinawa. Trừ phi chính quyền quan tâm đặc biệt tới bản sắc Okinawa – một vấn đề từ lâu đã bị quên lãng – việc này có thể trở thành vấn đề về chính sách an ninh, quốc phòng và ngoại giao khó khăn nhất cho Nhật Bản trong kỳ Nội các thứ ba của Abe.
Abe cũng có một chương trình nghị sự quan trọng nữa: chính sách kinh tế Abenomics, trong đó có “mũi tên” thứ ba về giảm điều tiết và phát triển kinh tế, phục hồi lại (kinh tế) các vùng, v.v… Thành công hay thất bại trong các vấn đề này có thể quyết định quan trọng tới độ dài nhiệm kỳ của ông, nhưng đây lại là nội dung của một bài viết khác.
Kazuhiko Togo ([email protected]) là giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế của Đại học Kyoto Sangyo, và nguyên là Đại sứ Nhật Bản tại Hà Lan.