Nguồn: Martin Feldstein, “Obama’s Passage to India,” Project Syndicate, 29/12/2014.
Biên dịch: Lê Thị Linh Nhâm | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Trong 7 tháng kể từ khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lên nắm quyền, chính sách đối ngoại mạnh mẽ của ông đã khiến giới quan sát ngạc nhiên. Sau khi mời các nhà lãnh đạo Pakistan và các nước láng giềng khác đến tham dự lễ nhậm chức của mình, ông bắt đầu chuyến viếng thăm tới Trung Quốc, Úc, và Hoa Kỳ. Gần đây hơn, ông đã chào mừng Tổng thống Nga Vladimir Putin tới New Delhi và ký một số lượng lớn các giao dịch cũng như đơn đặt hàng thương mại để nhập khẩu các lò phản ứng hạt nhân của Nga. Modi nói với đồng bào mình rằng Ấn Độ là quốc gia mạnh và được đánh giá cao trên thế giới.
Tháng tới (tức tháng 1 này – NBT), Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến công du đến New Delhi với tư cách là khách mời đặc biệt của Thủ tướng Modi tại lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa, quốc lễ của Ấn Độ – chỉ 3 tháng sau khi hai nhà lãnh đạo có cuộc trò chuyện tại Washington, DC. Do đó, chuyến thăm của Obama nên được xem là dấu hiệu rõ ràng cho mong muốn thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ của Obama, cũng như của Modi.
Vậy ý định của Obama là gì khi ông quyết định gặp người đồng cấp Ấn Độ của mình một lần nữa, và ông nghĩ có thể thực hiện những gì để thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước? Có ba vấn đề nổi bật – thứ nhất là thương mại, thứ quan trọng cả về mặt kinh tế lẫn chính trị.
Obama hi vọng rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được hoàn tất trong năm 2015 và được Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn. TPP sẽ không phải là một thỏa thuận tự do thương mại mạnh mẽ như dự định ban đầu do những sự hạn chế và giai đoạn đàm phán kéo dài, nhưng nó sẽ kết nối Hoa Kỳ và 11 quốc gia Vành đai Thái Bình Dương khác (bao gồm cả Nhật Bản nhưng loại trừ Trung Quốc) lại với nhau trong một khối kinh tế mới. Obama sẽ mong muốn nhấn mạnh rằng việc loại trừ Ấn Độ ra khỏi TPP chỉ đơn thuần là một vấn đề địa lý vì Ấn Độ không giáp với Thái Bình Dương, và Hoa Kỳ muốn tăng cường quan hệ thương mại song phương cũng như đầu tư trực tiếp từ các doanh nghiệp của mình (vào Ấn Độ).
Vấn đề thứ hai là chủ nghĩa khủng bố. Các quan chức Hoa Kỳ lo lắng rằng các công dân Mỹ, những người đã và đang chiến đấu bên cạnh Nhà nước Hồi giáo (IS) và Al Qaeda ở Trung Đông sẽ trở lại tấn công khủng bố trên chính quê nhà. Ấn Độ đã trải qua nhiều cuộc tấn công khủng bố khủng khiếp trên chính lãnh thổ của nó. Sự hợp tác liên tục giữa các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ và Ấn Độ có thể giúp cả hai quốc gia ngăn chặn các vụ việc tiếp diễn trong tương lai.
Khủng bố không chỉ bao gồm bạo lực đơn thuần mà còn cả các cuộc tấn công trên không gian mạng. Trung Quốc, Nga, và Iran là nguồn gốc của các cuộc tấn công mạng thường xuyên vào các ngân hàng, công ty, và các cơ quan chính phủ; Mỹ cáo buộc Bắc Triều Tiên là người đứng đằng sau vụ tấn công vào các máy tính của hãng Sony Pictures gần đây. Dù Obama đã chỉ ra các bằng chứng cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thấy về các vụ trộm cắp công nghệ do các tin tặc ở Trung Quốc thực hiện, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục phủ nhận điều này. Gần đây, Nga và các quốc gia khác đã cấy phần mềm độc hại vào hệ thống điều khiển mạng lưới điện Hoa Kỳ và các mạng lưới nhạy cảm khác.
Trong tương lai, Hoa Kỳ lo ngại các cuộc tấn công mạng đến từ những chủ thể phi quốc gia như Nhà nước Hồi giáo và Al Qaeda. Dù thành viên các nhóm này có thể thiếu sự tinh vi để thực hiện các hành vi như vậy, chúng vẫn có thể thuê các cá nhân có những kỹ năng cần thiết để làm điều đó. Ấn Độ có rất nhiều kỹ sư máy tính tài năng, trong đó có thể có một số người có thiện cảm với những mục tiêu của những người theo chủ nghĩa Hồi giáo (cực đoan). Hoa Kỳ và Ấn Độ có thể cùng hưởng lợi từ việc hợp tác để ngăn chặn và phá vỡ những nỗ lực tuyển mộ như vậy.
Vấn đề thứ ba mà Obama lưu tâm chắc chắn là mục tiêu của Trung Quốc trong việc quyết tâm thống trị châu Á và loại trừ ảnh hưởng của Hoa Kỳ khỏi khu vực. Việc tham vọng bá quyền của Trung Quốc cũng đối lập với lợi ích chiến lược của Ấn Độ là lý do hợp lý để Modi có thể nỗ lực tăng cường quan hệ của Ấn Độ với các nước láng giềng cũng như với Hoa Kỳ. Obama đã thể hiện rõ rằng Hoa Kỳ hiểu việc Modi sẵn sàng hợp tác với Nga bất chấp những biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp dụng lên quốc gia này là bắt nguồn từ việc Ấn Độ mong muốn ngăn cản liên minh Trung – Nga chống lại nó.
Modi đã giành được chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử, cho thấy sự thất vọng của công chúng Ấn Độ với các chính sách và hoạt động của chính phủ tiền nhiệm do Đảng Quốc đại Ấn Độ dẫn dắt. Dù tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Ấn Độ từng lên đến hơn 8% trong một vài năm, nhưng từ năm 2010 tốc độ tăng trưởng đã chậm lại, xuống còn ít hơn 5% vào năm 2013, chưa kể đến sự chuyển dịch sang chủ nghĩa dân túy trong các chính sách do lãnh đạo đảng Quốc đại Sonia Gandhi quyết định.
Ngược lại, chính phủ Modi có kế hoạch theo đuổi một nghị trình thúc đẩy tăng trưởng bao gồm giảm thủ tục hành chính, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, và chuyển sang hệ thống thuế thống nhất đơn giản hơn. Nghị trình của Modi rõ ràng cũng bao gồm một chính sách ngoại giao tích cực – như nó phải thế.
Nuôi dưỡng Ấn Độ trở thành đối tác đáng tin cậy trong nền kinh tế toàn cầu và trong các vấn đề quốc tế là một ưu tiên cao của Hoa Kỳ. Chuyến thăm Ấn Độ của Obama có thể giúp hiện thực hóa tiềm năng của mối quan hệ đó.
Martin Feldstein là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Harvard, Chủ tịch (đã nghỉ hưu) của Cục Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ, chủ trì Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Ronald Reagan từ năm 1982 đến năm 1984. Năm 2006, ông được bổ nhiệm vào Hội đồng Cố vấn Tình báo nước ngoài của Tổng thống Bush, và năm 2009, ông được bổ nhiệm vào Ban Cố vấn Phục hồi Kinh tế của Tổng thống Obama. Hiện ông là thành viên Ban giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), Ủy ban Ba bên, và Nhóm 30 (Group of 30), một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận nhằm tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề kinh tế toàn cầu.