Nguồn: Harold James & Domenico Lombardi, “The Global Consequences of Russia’s Isolation“, Project Syndicate, 6/1/2015.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Xuân Hùng
Cuộc khủng hoảng hiện tại của Nga, đặc biệt là sự sụp đổ của đồng rúp, cho thấy sự mong manh không chỉ của nền kinh tế Nga, mà còn của trật tự quốc tế hiện tại và các nền tảng tư duy đương đại về tính bền vững kinh tế và chính trị. Quả thật, cuộc khủng hoảng của Nga chưa từng được cho là sẽ xảy ra – và sự cô lập ngày một tăng của Nga khiến nó ít được hưởng lợi từ cơ chế quản trị toàn cầu hiện nay.
Sau cuộc khủng hoảng nợ của Mỹ Latinh những năm 1980 và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-98 (cũng ảnh hưởng tới Nga), các nền kinh tế mới nổi đã quyết tâm tìm hiểu làm thế nào để tránh lặp lại kinh nghiệm đó.
Họ đã xác định ba điểm mấu chốt để quản lý rủi ro của toàn cầu hóa tài chính hiện đại: dự trữ tiền tệ như một một lớp đệm lớn để ngăn chặn các cuộc tấn công đầu cơ; tránh thâm hụt tài khoản vãng lai lớn (với thặng dư được sử dụng để tích lũy dự trữ); và nợ công cùng nợ tư nước ngoài thấp.
Hơn nữa, các nền kinh tế mới nổi đã có những bài học về quản trị, theo đó họ thừa nhận sự cấp bách của việc nâng cao tính minh bạch và giảm thiểu tham nhũng. Và các nhà hoạch định chính sách cũng như các tổ chức tài chính đã dành sự quan tâm đáng kể cho việc xác định những yếu tố có thể cấu thành chỉ số cảnh báo.
Trước năm 2014, Nga vẫn hoàn thành tốt mọi tiêu chí này. Không hề có dấu hiệu cảnh báo nào. Trong năm 2013, nợ nước ngoài của khu vực công chỉ chiếm 3,8% GDP và nợ nước ngoài của khu vực tư nhân đạt mức hợp lý 30,2% GDP. Mùa xuân năm ngoái, dự trữ ngoại hối của nước này lên tới 472 tỉ đô la nhờ có thặng dư tài khoản vãng lai lớn; và theo Ngân hàng Trung ương Nga, tổng tài sản nước ngoài của nước này đứng ở mức 1,4 nghìn tỉ đô la, lớn hơn khoản nợ 1,2 nghìn tỉ đô la.
Vậy sai lầm là ở đâu? Một vấn đề có thể là khó khăn trong việc huy động tài sản trong một cuộc khủng hoảng. Như các nhà kinh tế tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank for International Settlements), đặc biệt là Claudio Borio và Hyun Song Shin, gần đây đã nhấn mạnh, cán cân tài chính – tài sản thường phản ánh việc ngày càng sử dụng các tổ chức (tài chính) nước ngoài làm phương tiện trung gian – một hệ thống cho phép rút vốn quy mô lớn. Điều đó có vẻ là đặc biệt đúng với Nga. Nói cách khác, các công ty của Nga đã sử dụng vốn huy động ở nước ngoài để tích lũy các tài sản mà họ không nhất thiết phải đưa về nước.
Trong những trường hợp như vậy, nhiều điều tồi tệ có thể xảy ra – ngay cả với những nước có dự trữ ngoại hối và thặng dư tài khoản vãng lai lớn. Xét cho cùng, các công ty có thể nhanh chóng tiêu hết dự trữ ngoại hối (giữ trong nước) thay vì sử dụng các tài sản ở nước ngoài của họ khi họ cần phải thanh toán.
Các nhà kinh tế đã quen với “bộ ba bất khả thi” trong chính sách kinh tế vĩ mô cổ điển: mọi quốc gia đều không thể có tỷ giá hối đoái cố định, tài khoản vốn mở, và một chính sách tiền tệ độc lập cùng lúc. Nhưng cũng có một quy luật tương đương trong lĩnh vực tài chính, trong đó khó đạt được dòng vốn tự do cùng lúc với sự ổn định trong ngành tài chính. Và khi các vấn đề an ninh quốc tế trở nên nổi bật, chẳng hạn như trong cuộc khủng hoảng hiện tại của Nga, dòng vốn tự do gây ra biến động lớn hơn.
Điều tương tự đã xảy ra trong những năm trước khi Thế chiến I bùng nổ. Các mối quan hệ ngoại giao chặt chẽ giữa Pháp và Đức tạo điều kiện cho sự lưu thông của một lượng vốn đáng kể; nhưng những thời điểm căng thẳng quốc tế, chẳng hạn như khủng hoảng Ma-rốc năm 1911, đã dẫn đến các cuộc tấn công đầu cơ làm nổi bật sự cô lập ngày một tăng của Đức.
Trong những năm giữa hai cuộc thế chiến, đặc biệt là trong những năm 1930, khi trật tự an ninh toàn cầu tan rã, các cuộc tấn công đầu cơ đã trở thành một công cụ cho sự thao túng chính trị. Đặc biệt, phát xít Đức còn hi vọng rằng bằng cách gây áp lực tài chính lên Pháp, nó có thể gây ra các cuộc khủng hoảng tín dụng và ngân sách, từ đó buộc Pháp phải giảm chi tiêu quân sự.
Một trong những điểm nổi bật của trật tự toàn cầu được triển khai sau Thế chiến II là sự tương tác giữa các hệ thống quản trị kinh tế và an ninh, với năm cường quốc vừa giữ ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vừa nằm trong ban điều hành trong suốt thời kỳ gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Điều này giúp ngăn chặn các cuộc tấn công đầu cơ có động cơ chính trị và khôi phục sự ổn định tài chính và tiền tệ toàn cầu.
Liên Xô đã không đăng ký làm thành viên IMF. Nhưng trong những năm 1990, Nga đã tham gia và được trao một ghế trong ban điều hành. Nga sau đó đã được lồng ghép vào nhóm G-8 và nhóm G-20 mới được thành lập.
Nhưng G-8 đã đình chỉ tư cách thành viên của Nga, và nước này trên thực tế đã bị hạ cấp xuống tư cách quan sát viên tại cuộc họp mới nhất của G-20 tại Brisbane. Tóm lại, trật tự thế giới đang được viết lại – và Nga đang mất dần vị trí của nước này.
Giới tinh hoa chính trị Nga đã hi vọng về sự xuất hiện của một cơ chế quản trị kinh tế toàn cầu mới, được củng cố bởi các nền kinh tế mới nổi lớn là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi. Cái gọi là khối BRICS được trông đợi là sẽ thách thức các tổ chức quốc tế do phương Tây chi phối, đặc biệt là IMF, và các hệ thống tiền tệ lấy đồng đô la làm trung tâm. Ở một mức độ nào đó, các nước này đã làm được điều đó. Nhưng cho đến nay, tác động của nỗ lực nói trên vẫn còn hạn chế.
Chẳng hạn, các thỏa thuận khí đốt lớn mà Nga đã đàm phán với Trung Quốc tháng trước, với những điều kiện có lợi cho Trung Quốc, được cho là bao gồm giá tính bằng đồng nhân dân tệ và rúp, chứ không phải là bằng đồng đô la. Nhưng với sự sụp đổ của đồng rúp, những điều khoản này có lẽ đang được đàm phán lại.
Tương tự, hồi tháng bảy, BRICS tạo nên một “quỹ dự phòng khẩn cấp,” được tuyên bố là sẽ “ngăn chặn áp lực của cán cân thanh toán trong ngắn hạn, hỗ trợ lẫn nhau, và tăng cường hơn nữa sự ổn định tài chính.” Tuy nhiên, Nga khó có thể dựa vào dòng tín dụng khẩn cấp này trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Gần đây hơn, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cam kết sẽ hỗ trợ cho Nga. Nhưng những từ ngữ mơ hồ của ông phản ánh một thái độ do dự lớn hơn mà chắc sẽ vẫn tồn tại cho đến khi cuộc khủng hoảng của Nga qua đi.
Tóm lại, cả cơ chế quản trị do phương Tây chi phối và các thể chế non trẻ của BRICS đều quay lưng lại với Nga. Tại thời điểm này, hi vọng duy nhất của Nga là cuộc khủng hoảng sẽ gây nên sự bất ổn và lây lan nghiêm trọng đến nỗi làm nản lòng các nhà đầu tư và các nền kinh tế mới nổi – và cuối cùng sẽ làm nổ tung cả hai hệ thống quản trị toàn cầu.
Harold James là giáo sư về các vấn đề lịch sử và quốc tế tại Đại học Princeton, giáo sư lịch sử tại viện European University Institute, Florence, và là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế.
Domenico Lombardi là Giám đốc Chương trình Kinh tế Toàn cầu tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế (CIGI) tại Canada.