Nước Mỹ và các liên minh vì hòa bình

John Kerry waves after delivering speech in Tokyo

Nguồn: John Kerry, “Alliances for Peace”, Project Syndicate, 29/12/2014.

Biên dịch: Trần Anh Hòa | Biên tập: Phạm Trang Nhung

Tôi lớn lên trong bóng tối của Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, và vào lúc bình minh của Chiến tranh Lạnh.

Công việc làm viên chức ngoại giao của cha tôi đã cho tôi một cơ hội để chứng kiến lịch sử một cách sát sao: Tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh dạo chơi cùng ông trên các bãi biển vùng Normandy và quan sát xác những con tàu (đổ bộ) Higgins bị cháy rụi vẫn còn nằm trên những bờ biển đó, mới chỉ vài năm sau khi rất nhiều thanh niên đã ngã xuống để thế giới được tự do. Cũng như vậy, tôi sẽ không bao giờ quên được cảm giác rờn rợn khi đạp xe qua cổng Brandenburg từ khu Tây vào khu Đông Berlin, và thấy được sự tương phản giữa những người tự do và những người bị mắc lại phía sau Bức màn Sắt.

Điều gây ấn tượng cho tôi bây giờ, sau từng ấy năm, là ở chỗ một thế hệ lãnh đạo đã không chỉ giành thắng lợi trong một cuộc chiến tranh, mà còn giành được hòa bình. Họ đã làm việc đó cùng với nhau. Hoa Kỳ và các đối tác của chúng ta đã cùng nhau tạo ra các  liên minh đem lại sự thịnh vượng và ổn định cho Tây Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các kẻ thù trước đây đã trở thành các đồng minh mới, và cùng nhau dẫn đầu một hệ thống kinh tế toàn cầu mới làm thế giới thịnh vượng hơn. Và thậm chí khi Chiến tranh Lạnh nổ ra, các nhà lãnh đạo đã tìm cách để hợp tác trong vấn đề kiểm soát vũ khí và ngăn ngừa một thảm họa Armageddon hạt nhân.[1]

Tóm lại, bằng cách xây dựng các thể chế quốc tế và các quan hệ đối tác chiến lược có hiệu quả và không thể thiếu, chúng ta không những tránh được một cuộc chiến tranh thế giới khủng khiếp khác; mà cuối cùng chúng ta còn chấm dứt được Chiến tranh Lạnh và nâng cao mức sống toàn cầu cho hàng trăm triệu người.

Đó là câu chuyện nổi bật của thế kỷ 20. Vấn đề hiện nay là chuyện gì sẽ diễn ra trong thế kỷ 21.

Ngày nay, trật tự thế giới phải đương đầu với các thách thức mới. Hành vi gây hấn của Nga đang làm các đồng minh bối rối. Những kẻ cực đoan cưỡng đoạt tôn giáo đe dọa chính quyền và người dân ở khắp nơi. Công nghệ đang thúc đẩy một bước chuyển đổi trong cán cân quyền lực giữa các chính phủ và người dân, tạo ra các cơ hội cho trách nhiệm giải trình mang tính dân chủ và cả những cản trở đối với nền chính trị có sự tham gia của mọi thành phần.[2]

Chúng ta đã đi từ một thế giới nơi mà quyền lực nằm trong các hệ thống thứ bậc (theo chiều dọc) đến một thế giới nơi quyền lực nằm trong các mạng lưới (theo chiều ngang – NBT). Nhưng kỹ năng lãnh đạo đất nước vẫn còn chưa thích ứng được. Các tổ chức và đối tác quốc tế xuất hiện trong những năm sau chiến tranh đòi hỏi cả việc duy trì (các phương thức cũ) lẫn việc hiện đại hóa.

Đứng trước những biến động hiện nay, một số người đề xuất Mỹ nên tập trung vào đối nội. Điều đó chẳng có gì mới. Một số người cũng đã lập luận như vậy sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Họ cũng lại lập luận như vậy cách đây 25 năm, sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Hồi đó họ đã sai – và bây giờ họ lại sai.

Nhu cầu về (việc có quốc gia đứng ra) lãnh đạo trở nên lớn hơn bao giờ hết, và nước Mỹ cũng cam kết với thế giới nhiều hơn bao giờ hết. Vai trò của chúng ta trong thời kỳ quá độ hòa bình và dân chủ chưa từng có ở Afghanistan nhắc nhở tất cả chúng ta rằng sau khi đã bỏ ra rất nhiều xương máu và tiền bạc để giúp người dân Afghanistan có cơ hội thắng lợi trong cuộc chiến, thế giới cũng có trách nhiệm lớn không kém trong việc giúp đỡ các nhà lãnh đạo của nước này quản lý đất nước thành công.

Chúng ta biết rằng việc phá hủy 100% các loại vũ khí hóa học đã được công bố của Syria hẳn đã chẳng xảy ra được nếu không có sự kiên trì và ngoại giao thực tiễn, trực tiếp. Tương tự, cuộc nội chiến phi đạo đức và kinh hoàng của Syria cũng sẽ không kết thúc nếu không có một sự cam kết tương tự. Cũng như vậy, tại châu Á, nơi Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa công bố các cam kết đầy tham vọng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta lại được nhắc nhở về những gì mà các nước có thể cùng nhau hoàn thành nếu có một sự lãnh đạo thật sự – và về việc cần phải gia tăng bao nhiêu sự lãnh đạo để ký kết được thành công một thỏa thuận về khí hậu ở Paris vào năm sau.

Thế giới đã thay đổi, và chúng ta đang thay đổi cùng với nó. Các đường biên giới trên bản đồ không còn chứa đựng những mối đe dọa nghiêm trọng nhất, và các chủ thể trong cuộc chơi không còn được chia thành chỉ hai phe riêng rẽ nữa.

Trong thế kỷ 21, đâu đâu cũng là khu vực láng giềng. Đó là nguyên nhân tại sao thế giới cần phải có ngoại giao liên minh. Không một nước nào tự mình có thể đánh bại chủ nghĩa khủng bố. Không một nước nào có thể đơn độc giải quyết được mối đe dọa về biến đổi khí hậu hiện hữu. Không một nước nào tự xóa bỏ được nghèo đói cùng cực, chống lại các đại dịch tiềm tàng, hoặc tự cải thiện được an ninh hạt nhân.

Không ai trong chúng ta có thể sống một cuộc sống an toàn hơn, giàu có hơn bằng cách quay lưng lại với thế giới. Chúng ta phải phát triển lịch sử hợp tác với các đồng minh bằng cách tạo nên các liên minh mới – với các chính phủ, với xã hội dân sự, và, vâng, với cả những người dân bình thường.

Một ví dụ điển hình là nỗ lực quốc tế để đương đầu với sự tàn bạo độc ác của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria. Các công cụ chính trị, nhân đạo, và tình báo từ hơn 60 quốc gia đang được sử dụng để hỗ trợ cho hành động quân sự thống nhất. Thành công không phụ thuộc vào những việc mà một hoặc thậm chí một vài quốc gia có thể làm một mình, mà phụ thuộc vào những gì tất cả chúng ta có thể đạt được bằng cách cùng nhau tiến lên chống lại mối đe dọa chung này.

Trên một mặt trận có tầm quan trọng tương đương, Hoa Kỳ đang làm việc với Liên Hợp Quốc để khơi dậy phản ứng toàn cầu đối với hiểm hoạ do virus Ebola gây ra. Tôi đã có các cuộc nói chuyện riêng với hơn 50 nhà lãnh đạo nước ngoài, và tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng chỉ bằng cách phối hợp hành động thì chúng ta mới có thể chặn đứng sự tàn phá ở Tây Phi và ngăn chặn được sự lây lan của Ebola.

Chúng ta đang có tiến triển ở cả hai vấn đề, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Tập hợp các quốc gia có các lợi ích mâu thuẫn và các nguồn lực khác nhau là một việc khó khăn. Nó đòi hỏi một cam kết ngoại giao mạnh mẽ và cần tới các quan hệ đã được xây dựng và duy trì qua nhiều thập niên, cũng như các liên minh với các đối tác mới. Nhưng bằng cách vượt qua những khác biệt và phối hợp các nỗ lực để đánh bại được Nhà nước Hồi giáo và chinh phục Ebola, chúng ta đang thúc đẩy sự ủng hộ cho một trật tự thế giới dựa vào các giải pháp tập thể đối với những vấn đề chung.

Hợp tác cũng có tầm quan trọng sống còn trong việc củng cố các nguyên lý kinh tế nền tảng mà Mỹ và các nước khác đã dựa vào đó để xây dựng sự thịnh vượng sau chiến tranh. Sự thất vọng không thể phát triển nhanh hơn các cơ hội tại bất kỳ nước nào. Ví dụ, các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phản ánh quyết tâm của Tổng thống Obama trong việc đạt được một hiệp định với các nước đại diện cho 1/3 kim ngạch thương mại và 40% GDP của toàn cầu.

Lợi ích – đối với cả Hoa Kỳ và các đối tác của chúng ta – là rất lớn. Ước tính TPP có thể cung cấp 77 tỷ đô la thu nhập thực tế mỗi năm và hỗ trợ 650.000 việc làm mới chỉ riêng ở Mỹ. Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương đang được đàm phán với Liên minh châu Âu cũng đem lại một bước tiến quan trọng làm tăng trưởng thương mại.

Dù nhằm mục đích an ninh chung hay thịnh vượng chung thì các quan hệ đối tác thực sự cũng không thể được xây dựng chóng vánh. Ngoại giao kiên nhẫn và ý chí tập thể là cần thiết để tiến tới các mục tiêu chung. Các mục đích của nước Mỹ vẫn giữ nguyên như trong nhiều thập niên qua – hòa bình, thịnh vượng và ổn định cho nước Mỹ và cho các đối tác của chúng ta trên toàn thế giới.

John Kerry là Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ. Trước đây ông là Thượng nghị sĩ của bang Massachusetts và là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ.

——————————–

[1] Armageddon xuất hiện trong Sách Khải huyền, chỉ một địa điểm nơi Chúa trời chiến đấu trận cuối cùng với những kẻ không tin chúa (Antichrist) và ma quỷ, chấm dứt mọi cuộc chiến của con người, bước vào kỉ nguyên hòa bình ngàn năm. Nhiều nhà tiên tri dự đoán Armageddon diễn ra trong thế kỉ 21. Từ này cũng ám chỉ một viễn cảnh tận thế nói chung – NBT.

[2]  Inclusive politics – tức mọi khuynh hướng, thành phần… đều có chỗ đứng hợp pháp và hợp hiến trên chính trường, ngược lại với exclusive politics – nền chính trị loại trừ, chỉ dành sự tham gia chính trường cho một số thành phần nhất định – NBT.