Nguồn: Jeffrey D. Sachs, “The War with Radical Islam,” Project Syndicate, 15/01/2015.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Biên tập: Nguyễn Việt Vân Anh & Lê Hồng Hiệp
Không phải là ẩn dụ khi Thủ tướng Pháp Manuel Valls nói rằng đất nước của ông đang ở trong một cuộc chiến với Hồi giáo cực đoan. Một cuộc chiến thực sự đã chính thức nổ ra, và các cuộc tấn công khủng bố tàn bạo ở Paris là một phần của nó. Nhưng cũng như hầu hết các cuộc chiến tranh khác, nó không chỉ là về tôn giáo, cuồng tín, và ý thức hệ, mà còn liên quan đến địa chính trị, và giải pháp cuối cùng của nó cũng nằm trong địa chính trị.
Những tội ác ở Paris, New York, London, và Madrid – các cuộc tấn công vào vô số quán cà phê, trung tâm thương mại, xe buýt, xe lửa, và hộp đêm – đã đánh vào những giá trị nhân văn cơ bản nhất của loài người, bởi chúng cố ý sát hại người vô tội và tìm cách lan truyền nỗi sợ hãi trong xã hội. Chúng ta đã quen coi tội ác là sản phẩm của những kẻ điên rồ và chống đối xã hội, và chúng ta khó chấp nhận một lời giải thích nào khác ngoài sự điên rồ của những tên tội phạm như vậy.
Thế nhưng trong đa số trường hợp, khủng bố lại không bắt nguồn từ sự điên rồ. Khủng bố chủ yếu là hành động chiến tranh, dù là cuộc chiến do các nhóm yếu thế chứ không phải do các quốc gia có tổ chức và quân đội của họ phát động. Khủng bố Hồi giáo là sự phản ánh, đúng hơn là phần mở rộng của các cuộc chiến tranh ở Trung Đông hiện nay. Và với sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài, những cuộc chiến này đang trở thành một cuộc chiến khu vực duy nhất – một cuộc chiến liên tục biến đổi, bành trướng, và ngày càng trở nên bạo lực.
Từ quan điểm của những chiến binh thánh chiến (jihadist) – thứ mà người Hồi giáo tại những nước như Mỹ hay Pháp có thể thu nhận trong các trại huấn luyện ở Afghanistan, Syria, và Yemen – thì cuộc sống thường ngày là vô cùng bạo lực. Cái chết là quá phổ biến, xảy đến thường xuyên như những cái chết vì bom đạn, máy bay không người lái, và quân đội Hoa Kỳ, Pháp cũng như các nước phương Tây khác. Nạn nhân thường là “nạn nhân ngoài chủ đích”, vô tội của các cuộc không kích của phương Tây nhằm vào nhà cửa, đám cưới, đám tang, và các buổi sinh hoạt cộng đồng.
Người phương Tây chúng ta ghét phải thừa nhận và hầu hết từ chối tin rằng các nhà lãnh đạo của chúng ta đã phí phạm cuộc sống của người Hồi giáo một cách trắng trợn suốt cả thế kỷ nay trong vô số các cuộc chiến tranh và đụng độ quân sự, được thúc đẩy bởi quyền lực áp đảo của phương Tây. Thông điệp của cuộc xâm lược Iraq do Mỹ dẫn đầu năm 2003 gửi tới người Hồi giáo là gì? Hơn 100.000 dân thường Iraq – một ước tính rất khiêm tốn – đã thiệt mạng trong một cuộc chiến tranh dựa trên những kỳ vọng hoàn toàn sai lầm. Mỹ còn chưa từng xin lỗi, huống chi đến thừa nhận đã sát hại dân thường.
Hoặc thử xem xét Syria, nơi có khoảng 200.000 người thiệt mạng gần đây, 3,7 triệu người trốn khỏi đất nước, và 7,6 triệu người được sơ tán trong cuộc nội chiến có phần đóng góp không nhỏ của Hoa Kỳ, Ả-rập Xê-út và các cường quốc đồng minh khác. Từ năm 2011, các đồng minh của CIA và Mỹ đã hỗ trợ vũ khí, tài chính, và huấn luyện trong một nỗ lực nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Đối với Hoa Kỳ và các đồng minh, cuộc chiến này cơ bản chỉ là một cuộc chiến ủy nhiệm với mục đích làm suy yếu những nước bảo trợ cho Assad là Iran và Nga. Người dân Syria chỉ là bia đỡ đạn.
Từ lâu trước khi khủng bố Hồi giáo xuất hiện ở phương Tây, Vương quốc Anh, Pháp, và Hoa Kỳ đã dựa vào những mánh khóe ngoại giao và phát động các cuộc đảo chính, chiến tranh, và các chiến dịch bí mật ở Trung Đông để khẳng định và duy trì tầm kiểm soát chính trị của phương Tây trong khu vực. Các nhà sử học biết rõ câu chuyện bẩn thỉu này, nhưng hầu hết người phương Tây thì không (một phần không nhỏ là vì rất nhiều cuộc can thiệp của phương Tây được giữ bí mật). Từ khi đế chế Ottoman sụp đổ cách đây một thế kỷ, các nước phương Tây đã tìm cách kiểm soát Trung Đông vì nhiều lý do, trong đó có ham muốn về dầu mỏ, tiếp cận các tuyến đường biển quốc tế, an ninh của Israel, và cạnh tranh địa chính trị với Nga ở Ai Cập, Syria, Iraq, và Iran.
Mỹ hiện có hơn 20 căn cứ quân sự tại 6 quốc gia trong khu vực (Afghanistan, Bahrain, Djibouti, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Oman, và Thổ Nhĩ Kỳ) và triển khai quân sự quy mô lớn ở nhiều nơi khác, bao gồm Ai Cập, Kuwait, Qatar, và Ả-rập Xê-út. Mỹ đã hỗ trợ cho bạo động trong nhiều thập kỷ, trang bị và huấn luyện Mujahedeen (thực tế là xây dựng tiền thân của Al Qaeda) ở Afghanistan để chống lại Liên Xô; châm ngòi xung đột chiến tranh Iraq – Iran trong những năm 1980; xâm lược Iraq năm 2003; cố gắng lật đổ Assad từ năm 2011; và liên tục tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong những năm gần đây.
Việc các cuộc tấn công khủng bố thánh chiến ở phương Tây là tương đối mới, chỉ xảy ra trong khoảng hơn hai mươi năm qua, chứng tỏ chúng là kết quả, hay ít nhất là phần mở rộng của các cuộc chiến tranh ở Trung Đông. Ngoài một số ít ngoại lệ, các nước đã bị tấn công khủng bố đều từng can dự vào các hoạt động quân sự do phương Tây dẫn đầu sau năm 1990 tại Afghanistan, Iraq, Libya, và Syria.
Tự thân những kẻ khủng bố cũng miêu tả hành động của chúng qua những ngôn từ chính trị, cho dù chúng ta hiếm khi lắng nghe. Quả thật, tiếng nói của những kẻ khủng bố nếu có được báo cáo thì thường cũng chỉ rất ngắn gọn. Nhưng thực tế là hầu hết các cuộc tấn công khủng bố ở phương Tây hoặc chống lại đại sứ quán và nhân sự của phương Tây luôn đi kèm với thông điệp rằng chúng là nhằm trả đũa cho sự can thiệp của phương Tây ở Trung Đông. Những kẻ khủng bố ở Paris đã nhắm tới hoạt động của Pháp tại Syria.
Chắc chắn, những hành động của phương Tây không thể giúp biện minh cho những kẻ khủng bố Hồi giáo. Lý do tôi chỉ ra những hành động này là để làm rõ những gì khủng bố Hồi giáo ở phương Tây đại diện cho những kẻ khủng bố: Bạo lực ở Trung Đông trên một mặt trận mở rộng. Phương Tây đã góp phần lớn tạo nên mặt trận đó, vũ trang cho những tổ chức mà họ hỗ trợ, phát động những cuộc chiến tranh ủy nhiệm, và tàn nhẫn cướp đi vô số mạng sống của dân thường.
Để kết thúc khủng bố Hồi giáo cực đoan, chúng ta cần phải kết thúc cuộc chiến giành quyền kiểm soát của phương Tây ở Trung Đông. May mắn thay, thời đại của dầu mỏ đang dần đi đến hồi kết. Chúng ta phải khiến hồi kết đó đến nhanh hơn: an ninh khí hậu đòi hỏi chúng ta phải bảo tồn phần lớn các nguồn nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất. Những động cơ can thiệp cũ của phương Tây cũng sẽ không còn áp dụng được. Anh không còn cần bảo vệ các tuyến đường thương mại của họ tới thuộc địa Ấn Độ, và Mỹ cũng không còn cần một vành đai căn cứ quân sự để kiềm chế Liên Xô.
Đã đến lúc phương Tây cho phép Thế giới Ả-rập được tự quản trị và lựa chọn con đường cho riêng mình mà không cần đến sự can thiệp quân sự của phương Tây. Có nhiều lý do đáng khích lệ để tin rằng một Trung Đông Ả-rập tự quản sẽ sáng suốt lựa chọn trở thành ngã tư toàn cầu hòa bình và là một đối tác về khoa học, văn hóa, và phát triển.
Thế giới Ả-rập từng đóng vai trò tốt đẹp đó trong quá khứ, và nó có thể đảm nhận vai trò này một lần nữa. Khu vực này sản sinh ra nhiều người tài năng, và đa số người dân trong khu vực đều muốn có cuộc sống hòa bình, giáo dục và nuôi dạy con cái của họ khỏe mạnh và an toàn, và tham gia vào xã hội toàn cầu. Mục tiêu của họ – thịnh vượng và an ninh con người – cũng là mục tiêu của chính chúng ta.
Jeffrey D. Sachs là Giáo sư về Phát triển bền vững, Chính sách và Quản lý Y tế, và là Giám đốc Viện Địa Cầu tại Đại học Columbia. Ông cũng đồng thời là Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Ông là tác giả của các cuốn sách The End of Poverty, và Common Wealth.