Gốc rễ của làn sóng khủng bố chống phương Tây

Print Friendly, PDF & Email

More-jihadists

Nguồn: Brahma Chellaney, “The Western Roots of Anti-Western Terror,” Project Syndicate, 16/11/2015.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Các cuộc tấn công kinh hoàng của Nhà nước Hồi giáo ở Paris đưa ra một lời nhắc nhở rõ ràng rằng các nước phương Tây không thể hạn chế được – chưa nói đến miễn nhiểm khỏi – những hậu quả không mong muốn của sự can thiệp của họ ở Trung Đông. Sự tan rã của Syria, Iraq, và Libya, cùng với cuộc nội chiến đang xé nát Yemen, đã tạo ra những chiến trường giết chóc khổng lồ, làm dấy lên những làn sóng người tị nạn, và kích động những chiến binh Hồi giáo cực đoan, những kẻ sẽ tiếp tục là một mối đe dọa đối với an ninh quốc tế trong nhiều năm tới. Và phương Tây có liên quan rất lớn tới điều này.

Rõ ràng, sự can thiệp của phương Tây vào Trung Đông không phải là hiện tượng mới. Trừ những trường hợp ngoại lệ của Iran, Ai Cập, và Thổ Nhĩ Kỳ, mọi cường quốc khu vực ở Trung Đông đều là một cấu trúc hiện đại được tạo ra chủ yếu bởi Anh và Pháp. Các cuộc can thiệp do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan và Iraq kể từ năm 2001 chỉ đại diện cho nỗ lực gần đây nhất của các cường quốc phương Tây nhằm định hình địa chính trị của khu vực.

Nhưng những cường quốc này luôn thích can thiệp qua tay người khác, và chính chiến lược này – đào tạo, tài trợ, và trang bị cho những chiến binh thánh chiến được coi là “ôn hòa” để chiến đấu chống những kẻ “cực đoan” – ngày nay đang phản tác dụng. Bất chấp những bằng chứng liên tục phản bác, các cường quốc phương Tây vẫn trung thành với một cách tiếp cận gây nguy hiểm cho an ninh nội bộ của chính họ.

Cần nói rõ rằng những kẻ đang tiến hành cuộc thánh chiến bạo lực không bao giờ có thể “ôn hòa.” Thế nhưng ngay sau khi thừa nhận rằng đa số thành viên của Quân đội Syria Tự do được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đào tạo đã đào thoát sang Nhà nước Hồi giáo, Mỹ mới đây đã cam kết thêm gần 100 triệu USD viện trợ trực tiếp cho quân nổi dậy Syria.

Pháp cũng đã phân phối viện trợ cho quân nổi dậy Syria, và gần đây đã bắt đầu tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Nhà nước Hồi giáo. Và đó chính là lý do Pháp trở thành mục tiêu. Theo các nhân chứng, những kẻ tấn công tại nhà hát Bataclan ở Paris – nơi mà hầu hết các nạn nhân trong buổi tối đó đã bị sát hại – đã tuyên bố rằng hành động của họ là lỗi của Tổng thống François Hollande. “Ông ta đáng lẽ không cần can thiệp vào Syria,” chúng thét lên.

Chắc chắn, Pháp có truyền thống chính sách đối ngoại độc lập và thực dụng, phản ánh qua sự phản đối của Pháp đối với cuộc xâm lược và chiếm đóng Iraq năm 2003 do Mỹ dẫn đầu. Nhưng sau khi Nicolas Sarkozy trở thành Tổng thống năm 2007, Pháp đã điều chỉnh chính sách theo hướng ăn khớp hơn với Mỹ và NATO, và tham gia tích cực vào cuộc lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar al-Gaddafi năm 2011. Và sau khi Hollande lên kế nhiệm Sarkozy năm 2012, Pháp đã nổi lên như một trong những đất nước can thiệp nhiều nhất của thế giới, tiến hành các hoạt động quân sự tại Cộng hòa Trung Phi, Bờ Biển Ngà, Mali, khu vực Sahel (phía nam Sahara), và Somalia trước khi tiến hành các cuộc không kích ở Syria.

Những sự can thiệp như vậy đã bỏ qua những bài học của lịch sử. Nói đơn giản, gần như mọi cuộc can thiệp của phương Tây trong thế kỷ này đều có những hậu quả không lường trước – chúng đã tràn qua biên giới và cuối cùng lại thúc đẩy một cuộc can thiệp khác.

Điều đó không khác gì so với những năm cuối thế kỷ 20. Trong những năm 1980, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, Mỹ (với sự tài trợ từ Ả Rập Xê-út) đã đào tạo hàng ngàn phần tử cực đoan người Hồi giáo để chiến đấu chống lại Liên Xô tại Afghanistan. Kết quả là sự ra đời của al-Qaeda, tổ chức có những hành động cuối cùng đã thúc đẩy cuộc xâm lược Afghanistan và đưa ra một cái cớ cho cuộc xâm lược Iraq của Tổng thống George W. Bush. Như Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Hillary Clinton đã thừa nhận hồi năm 2010, “Chúng tôi đã đào tạo họ, chúng tôi đã trang bị cho họ, chúng tôi đã cấp tiền cho họ, trong đó có cả ai đó có tên là Osama bin Laden…. Và điều đó đã không đem lại kết quả tốt đẹp cho chúng ta.”

Nhưng bất chấp bài học này, các cường quốc phương Tây vẫn can thiệp vào Libya để lật đổ Gaddafi, về cơ bản đã tạo ra một thành trì thánh chiến ở bậc cửa phía Nam của châu Âu, trong khi mở đường cho vũ khí và chiến binh chảy sang các nước khác. Chính hậu quả này đã thúc đẩy các cuộc can thiệp chống khủng bố của Pháp ở Mali và vùng Sahel.

Gần như chưa kịp dừng lại để thở thì Mỹ, Pháp, và Anh – với sự hỗ trợ của các nhà nước Wahhabi như Ả Rập Xê-út và Qatar – sau đó tìm cách lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, làm dấy lên một cuộc nội chiến đã cho phép Nhà nước Hồi giáo giành được lãnh thổ và phát triển. Với việc tổ chức này nhanh chóng giành quyền kiểm soát trên một khu vực rộng lớn mở rộng đến tận Iraq, Mỹ – cùng với Bahrain, Jordan, Qatar, Ả Rập Xê-út, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất – bắt đầu tiến hành các cuộc không kích ở Syria từ năm ngoái. Gần đây hơn, Pháp đã tham gia vào các nỗ lực này, và Nga cũng vậy.

Mặc dù đang theo đuổi chiến dịch quân sự của mình một cách độc lập với các cường quốc phương Tây (phản ánh sự hỗ trợ dành cho Assad), Nga rõ ràng cũng đã trở thành một mục tiêu, với việc các quan chức Mỹ và châu Âu ngày càng tin rằng Nhà nước Hồi giáo đứng đằng sau vụ tai nạn của một máy bay Nga trên Bán đảo Sinai hồi tháng 10. Vụ tai nạn đó, cùng với các cuộc tấn công Paris, có thể thúc đẩy sự can thiệp quân sự lớn hơn từ bên ngoài vào Syria và Iraq, từ đó đẩy nhanh chu kỳ mang tính hủy diệt của sự can thiệp. Hiện tại, mối nguy hiểm của việc cảm xúc thay vì lý trí sẽ chỉ đạo các chính sách đang hiển hiện ở Pháp, Mỹ, và nhiều nơi khác.

Điều cần thiết nhất là một cách tiếp cận thận trọng hơn phản ánh bài học từ những sai lầm gần đây. Trước hết, các nhà lãnh đạo phương Tây nên tránh những hành động có lợi cho các phần tử khủng bố, như Tổng thống Hollande đang làm bằng cách gọi các cuộc tấn công Paris là “hành động chiến tranh” và tiến hành các biện pháp chưa từng có trong nước. Thay vào đó, họ nên nghe theo lời khuyên của Margaret Thatcher và ngăn chặn những phần tử khủng bố lấy được “oxy từ sự nổi tiếng mà chúng phụ thuộc vào.”

Quan trọng hơn, họ nên nhận ra rằng cuộc chiến chống khủng bố không thể được tiến hành một cách đáng tin cậy với các đồng minh không lành mạnh, chẳng hạn như các chiến binh Hồi giáo cực đoan hay các hoàng gia tài trợ cho chủ nghĩa Hồi giáo chính thống. Nguy cơ đem lại các hậu quả ngoài dự tính – dù là trả đũa khủng bố như ở Paris hay lan tỏa quân sự như ở Syria – là cao đến mức không thể nào biện minh.

Chưa phải là quá muộn để các cường quốc phương Tây xem xét lại bài học từ những sai lầm trong quá khứ và tái điều chỉnh chính sách chống khủng bố của họ cho phù hợp. Thật không may, điều này dường như là phản ứng ít có khả năng xảy ra nhất đối với các vụ tấn công gần đây của Nhà nước Hồi giáo.

Brahma Chellaney, Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại New Dehli, là tác giả của các cuốn sách Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground Water, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Western Roots of Anti-Western Terror
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]